Các Tuyến Du Lịch Chủ Yếu Và Mộ Số Chương Trình Du Lịch Của Trung Tâm Du Lịch Hà Nội

Cuối đời nhà Lê, cung Thụy Khánh bị Lê Chiêu Thống phá huỷ. Một nhà từ thiện tên là Tín Trai, nhân nền cung cũ đã lập ra một ngôi chùa gọi là chùa Ngọc Sơn. Ít năm sau chùa lại nhường cho một hội từ thiện đổi làm đền thờ Tam Thánh. Hội này đã bỏ gác chuông, xây lại các gian điện chính, các dãy phòng hai bên, đặt tượng Văn Xương đế quân vào thờ và đổi tên là đền Ngọc Sơn.

Năm Tự Đức thứ mười tám (1865), nhà nho Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại đền. Đền mới sửa đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba, bắc một cầu từ bờ Đông đi vào gọi là cầu Thê Húc. Trên núi Ngọc Bội (núi Độc Tôn) cũ, nhà nho Nguyễn Văn Siêu cho xây một tháp đá, đỉnh tháp hình ngọn bút lông, thân tháp có khắc ba chữ "Tả Thanh Thiên" (viết lên trời xanh), ngày nay thường gọi đó là Tháp Bút.

Tiếp đến là một cửa cuốn gọi là Đài Nghiên, trên có đặt một cái nghiên mực bằng đá hình nửa quả đào bổ đôi theo chiều dọc, có hình ba con ếch đội. Trên nghiên có khắc một bài minh nói về công dụng của cái nghiên mực xét về phương diện triết học. Người đời sau ca ngợi là: "Nhất đài Phương Đình bút". Từ cổng ngoài đi vào có hai bức tường hai bên, một bên là bảng rồng, một bên là bảng hổ, tượng trưng cho hai bảng cao quý nêu tên những người thi đỗ, khiến cho các sĩ tử đi qua càng gắng công học hành.

Đền chính gồm hai ngôi nối liền nhau, ngôi đền thứ nhất về phía Bắc thờ Trần Hưng Đạo và Văn Xương. Tượng đặt ở hậu cung trên bệ đá cao khoảng 1 m, hai bên có hai cầu thang bằng đá. Tượng Văn Xương đứng, tay cầm bút.

Đi từ ngoài vào đền, du khách thấy khá nhiều câu đối có giá trị nói lên ý tưởng của kẻ sĩ trên đất Thăng Long.

Ngày nay, hồ Hoàn Kiếm đền Ngọc Sơn là điểm tham quan không thể thiếu trong các chương trình du lịch về Hà Nội. Đặc biệt, nơi đây còn được du khách quốc tế yêu thích tham quan tìm hiểu mỗi khi đặt chân đến Việt Nam.

g) Một số bảo tàng quốc gia ở Hà Nội Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một viện bảo tàng về lĩnh vực dân tộc học của Việt Nam, trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên. Bảo tàng được chính thức thành lập vào năm 1995 và khánh thành vào ngày 12 tháng 11 năm 1997. Công trình do kiến trúc sư Hà Đức Lịnh, người Tày thiết kế. Nội thất được thiết kế bởi nữ kiến trúc sư Véronique Dollfus (người Pháp).

Hiện nay, bảo tàng lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật văn hoá của cả 54 dân tộc Việt Nam gồm 15.000 hiện vật, 42.000 phim (kèm ảnh màu), 2190 phim dương bản, 273băng ghi âm các cuộc phỏng vấn, âm nhạc, 373 băng video và 25 đĩa CD-Rom(tính đến năm 2000). Các hiện vật này được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau như: dân tộc, công dụng, y phục, trang sức, nông cụ, ngư cụ, vũ khí, đồ gia dụng, nhạc cụ, tôn giáo-tín ngưỡng, cưới xin, ma chay và nhiều hoạt động tinh thần, xã hội khác.

Khu trưng bày thường xuyên trong toà Trống Đồng giới thiệu tất cả 54 dân tộc ở Việt Nam. Ở đây có nhiều hiện vật thông dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đặc biệt phong phú là đồ vải của các dân tộc, như khố, váy, khăn... được trang trí bằng các kỹ thuật truyền thống khác nhau; đồ đan, nhất là các loại gùi, giỏ, mâm; những nhạc cụ bằng tre, vỏ bầu khô; các hiện vật nghi lễ... Cùng với hiện vật, trong các phòng trưng bày còn có ảnh và phim tư liệu, phản ánh mọi khía cạnh văn hoá vật thể, phi vật thể, những nét tiêu biểu trong đời sống và sự sáng tạo của các tộc người.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 169 trang tài liệu này.

Bảo tàng gồm ba khu trưng bày chính:

Khu trưng bày trong tòa Trống Đồng: không gian trưng bày thường xuyên giới thiệu 54 dân tộc ở Việt Nam trải rộng trên 2 tầng của toàn nhà; 2 không gian giành cho các trưng bày nhất thời, luôn luôn được đổi mới tuỳ theo chủ đề trưng bày

Tuyến điểm du lịch Việt Nam Dành cho học sinh, sinh viên chuyên ngành du lịch - Cao đẳng Cộng đồng Lào Cai - 3

Khu trưng bày ngoài trời: là một vườn cây xanh trong đó có 10 công trình dân gian với các loại hình kiến trúc khác nhau.

Khu trưng bày Đông Nam Á: Khởi công xây dựng vào năm 2008. Ngoài ra là khu vực cơ quan: cơ sở nghiên cứu, thư viện, hệ thống kho bảo quản hiện vật...

Điều đặc biệt khi du khách đến tham quan bảo tàng sẽ được chiêm ngưỡng các khu trưng bày lưu động được tổ chức theo sự kiện, được xem và khám phá không gian múa rối nước được biểu diễn hàng ngày phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Bảo tàng Hồ Chí Minh là một bảo tàng lớn nhất của Việt Nam. Bảo tàng tập trung chủ yếu vào việc trưng bày những hiện vât, tư liệu về cuộc đời và con người Hồ Chí Minh. Bảo tàng là công trình văn hoá tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình Bảo tàng được khởi công xây dựng ngày 31-8-1985 và khánh thành vào đúng ngày 19-5-1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác giả thiết kế công trình là kiến trúc sư người Nga nổi tiếng - ông Garon Isacovich.

Toà nhà bảo tàng mang biểu tượng bông sen trắng tượng trưng cho cuộc đời giản dị thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời thể hiện lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu, quyết tâm đi theo con đường mà Người đã lựa chọn cho dân tộc Việt Nam.

Gian mở đầu (còn gọi là gian long trọng) trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng là tượng trưng cho nhụy của bông sen trắng. Trung tâm của gian là tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng cao 3.5 m, nặng 2.8 tấn. Phía sau tượng là biểu tượng mặt trời và hình ảnh cây đa tượng trưng cho ánh sáng và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Theo quan niệm “trời tròn, đất vuông” của triết học phương Đông: trần gian mở đầu được trang trí một vòng tròn bằng đồng đan xen những chùm đèn tết hoa, tượng trưng cho trời. Giữa sàn của gian này được trang trí hình vuông với những bông hoa bằng đá ghép lại, tượng trưng cho trái đất với hình ảnh đất nước Việt Nam. Hai bên cửa gian long trọng là hai bức phù điêu thể hiện truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam dựa trên các truyền thuyết: Bọc trăm trứng, Thánh Gióng, Sự tích Hồ Gươm.

Những biểu tượng nghệ thuật trên đã khái quát chủ đề trưng bày của Bảo tàng: giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với sự phát triển của dân tộc Việt Nam và nhân loại.

Trưng bày cố định của Bảo tàng nằm ở tầng 3 với 4000m2. Hai gian triển lãm ở tầng 2 rộng 600m2. Không gian khám phá học đường rộng hơn 150m2.

Kho cơ sở của Bảo tàng có 13 vạn tài liệu, hiện vật; có thư viện chuyên đề sách, báo, tạp chí…về Chủ tịch Hồ Chí Minh: Kho Tư liệu có hơn 12.000 tài liệu, trong đó có nhiều tư liệu quí. Thư viện hiện có hơn 6.700 đầu sách với khoảng 25.000 nghìn bản và đầu tạp chí, báo... Tư liệu - Thư viện đã áp dụng công nghệ thông tin để quản lý, phục vụ bạn đọc tra cứu.

Bảo tàng có các loại hội trường: 350, 250, 60, 50 chỗ ngồi có thể tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, chương trình ca múa nhạc, tổ chức sự kiện... Thường xuyên tổ chức, phối hợp tổ chức và cung cấp các triển lãm chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có Trung tâm đảm nhiệm việc nghiên cứu thiết kế trưng bày và xây dựng các dự án bảo tồn tôn tạo và phát huy di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các di tích lịch sử văn hoá khác.

Trưng bày chính của Bảo tàng Hồ Chí Minh thể hiện 3 nội dung:

- Giới thiệu tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tuổi ấu thơ cho đến khi Người qua đời và nhân dân Việt Nam thực hiện Di chúc của Người.

- Giới thiệu về cuộc sống, chiến đấu và chiến thắng của nhân dân Việt Nam.

- Giới thiệu một số sự kiện lịch sử thế giới (từ cuối thế kỷ 19 và trong thế kỷ 20) có tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam.

Ba nội dung trên là một tổng thể không thể tách rời khắc họa huyền thoại Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn, như tổ chức UNESCO đã tôn vinh Người tháng 11 năm 1987, một lãnh tụ, một con người luôn gắn với dân tộc, đất nước và thời đại.

Bên cạnh các điểm tham quan trên, đến với du lịch Hà Nội, du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu một số các điểm du lịch hấp dẫn khác như: chùa Quán Sứ, chùa Láng, Trấn Vũ Quán, Nhà thờ lớn, đền Hai Bà Trưng, chợ Đồng Xuân, công viên Thống Nhất, vườn thú Thủ Lệ….Đây cũng là những điểm tham quan quen thuộc rất hấp dẫn du khách quốc tế.

Ngoài những điểm tham quan có giá trị lịch sử, gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam, đến Hà Nội du khách còn được khám phá các trung tâm thương mại (Vincom, Royal City, Kangnam, Big C, Parkson,…), các điểm vui chơi giải trí như Thiên đường Bảo Sơn, Công viên nước Hồ Tây…Các điểm tham quan này cũng là địa điểm lý thú, rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

2.2.1.3. Các điểm tham quan ngoại thành Hà Nội

a) Làng nghề Bát Tràng

Bát Tràng là một làng nghề ven đô, nằm bên tả ngạn sông Hồng, thuộc thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Làng Bát Tràng có diện tích 153ha, trong đó đất canh tác là 46ha, đất ở chiếm 53ha, còn lại là đất bãi, ao hồ.

Theo thư tịch cổ và truyền thuyết dân gian thì nghề gốm Bát Tràng xuất hiện vào thế kỷ XII dưới thời Lý. Vào thời kỳ đó, có ba vị Thái học sinh là Hứa Vinh Kiều (hay Cảo), Đào Trí Tiến và Lưu Phương Tú (hay Lưu Vĩnh Phong) được cử đi sứ Bắc Tống. Sau khi hoàn tất sứ mệnh, trên đường trở về nước qua Thiều Châu (Quảng Đông) gặp bão, phải nghỉ lại. Ở đây có lò gốm nổi tiếng, ba ông đến thăm và học được một số kỹ thuật đem về truyền bá cho dân chúng quê hương. Hứa Vĩnh Kiều truyền cho Bát Tràng nước men rạn trắng. Đào Trí Tiến truyền cho Thổ Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nước men sắc màu vàng đỏ. Lưu Phương Tú truyền cho Phù Lãng (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) nước men màu đỏ màu vàng thẫm. Câu chuyện trên cũng được lưu truyền ở Thổ Hà và Phù Lãng với ít nhiều sai biệt về tình tiết. Nếu đúng vậy, nghề gốm Bát Tràng đã có từ thời nhà Lý, ngang với thời Bắc Tống nghĩa là trước năm 1127.

Tên Bát Tràng có từ khoảng 5 thế kỷ nay. Trong thế kỷ XV và XVI, dưới thời Lê và thời Mạc làng gốm Bát Tràng phát triển thịnh vượng. Đặc biệt dưới thời nhà Mạc do chính sách khuyến thương, sản phẩm gốm ở đây phong phú, đa dạng, đạt nghệ thuật cao, được lưu hành rộng rãi, đã đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của tầng lớp quý tộc và nhân dân trong nước.

Vào thế kỷ XVII, hoạt động thương mại phát triển cùng với sự xuất hiện của các thương cảng lớn: phố Hiến ở Đàng Ngoài, phố cổ Hội An ở Đàng Trong. Nhiều thuyền buôn ở châu Âu và khu vực đã tìm đến buôn bán ở nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho làng gốm Bát Tràng phát triển sôi động, thịnh đạt, có nhiều sản phẩm tham gia vào quá trình thương mại quốc tế. Trong nhiều bảo tàng và nhiều gia đình trên thế giới vẫn còn lưu giữ nhiều di vật gốm cổ Việt Nam trong đó có gốm Bát Tràng.

Từ cuối thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, do Nhật Bản và Trung Quốc bác bỏ chính sách cấm vượt biển buốn bán với người nước ngoài. Các nước phương Tây với công nghiệp phát

triển đã chuyển hướng thị trường và các mặt hàng buôn bán. Trong nước, chính quyền Trịnh

– Nguyễn cũng có nhiều chính sách hạn chế ngoại thương, cùng với tình hình kinh tế, chính trị không ổn định đã làm cho việc xuất khẩu gốm Bát Tràng gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, ở Bát Tràng có ba xí nghiệp sản xuất gốm xứ gồm: Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng được thành lập năm 1958, xí nghiệp X5 và xí nghiệp X54 được thành lập năm 1988; ba xí hợp tác xã gốm HTX Ánh Hồng, 30-4, Hợp Lực, mỗi HTX có 200 công nhân đang làm việc. Các sản phẩm của các xí nghiệp và HTX có giá trị và chất lượng cao được rất nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích.

b) Điểm du lịch Ba Vì – Suối Hai

Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 60 km về phía tây Bắc, Ba Vì là vùng đất địa linh, nhân kiệt, một vùng đất tối cổ, có truyền thống văn hoá lâu đời, độc đáo, đặc trưng bởi 3 dân tộc Kinh - Mường - Dao với những phong tục, tập quán, nét văn hoá riêng biệt. Nhắc tới Ba Vì có lẽ ấn tượng đầu tiên của du khách sẽ là về một nền văn hoá dân gian vật thể và phi vật thể độc đáo.

Điểm du lịch Bà Vì – Suối Hai có cảnh rừng núi hung vĩ, hòa quyện các tài nguyên nhân văn, hồ nước, rừng nhân tạo, đình, chùa tạo nên những cảnh đẹp vừa hữu tình, vừa thơ mộng.

Đây là điểm du lịch có địa hình cao nhất ở Hà Nội nên có khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, nhiệt độ giảm 2-30C hoặc 6-70C so với chân núi nên đây là điều kiện khí hậu tuyệt vời để phát triển du lịch. Chính vì điều đó nên trong thời kỳ Pháp thuộc đã cho xây dựng ở khu vực này tới 200 biệt thự và khách sạn để phục vụ cho việc nghỉ ngơi của binh lính, sĩ quan người Pháp.

Điểm du lịch Bà Vì – Suối Hai có rất nhiều điểm tham quan hấp dẫn như: Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Hồ Tiên Sa, Thiên Sơn - Suối Ngà, Khu du lịch Tản Đà, Thác Đa, Hồ Suối Hai, Hồ Cẩm Quỳ, Rừng nguyên sinh Bằng Tạ - Đầm Long, Đồi cò Ngọc Nhị, VQG Ba Vì… Nơi đây còn có nhiều trang trại đồng quê, nhiều sản phẩm nông nghiệp phong phú. Có nguồn nước khoáng nóng thiên nhiên tại Thuần Mỹ rất thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Với những lợi thế trên Ba Vì thực sự là nơi có tiềm năng để phát triển nhiều loại hình du lịch nhất là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng…

Hồ Suối Hai

Cách Hà Nội khoảng 60 km về phía tây, hồ Suối Hai nằm dưới chân núi Ba Vì được tạo bởi hệ thống đập chính và phụ dài 4 km để giữ nước từ hai suối chính Yên Cư và Cầu Rồng chảy từ trên núi xuống. Đây cũng là nguồn nước tưới cho trên 7.000 ha, dài 7 km, rộng 4 km, lượng nước chứa trong hồ khoảng 45 triệu m3. Đây là hồ nhân tạo được khởi công xây dựng năm 1958.

Trong lòng hồ có tới 14 đảo lớn nhỏ, với diện tích khoảng 90 ha. Bạn có thể thăm thú nơi này bằng thuyền nhỏ du ngoạn trên hồ. Trên các đảo và ven hồ, trồng nhiều cây xanh và vườn cây ăn trái. Nhiều loại chim đến đây sinh sống như chim le le, vịt trời, ngỗng trời, mòng két, sâm cầm, giang, sếu... Chúng sinh sống trên mặt nước làm khung cảnh thiên nhiên thêm phong phú. Ngoài ra, trên hồ còn có nhiều bãi tắm nhỏ, đẹp rất được du khách ưa thích. Hồ cũng là nơi cung cấp cá mối có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao cho du khách.

Trang trại đồng quê Ba Vì

Trang trại Đồng Quê Ba Vì cách trung tâm thành phố Hà Nội 65 km, toạ lạc trên một khu đồi nhỏ xinh xắn, tựa lưng vào dãy núi Ba Vì. Trang trại nằm trong vùng ngoại thành phía tây thuộc thủ đô Hà Nội có địa hình thiên nhiên nông nghiệp rất đẹp và đa dạng (rừng, hồ, ao, suối, sông ngòi) tiêu biểu cho một nền văn minh lúa nước vào hàng cổ đại của thế giới thuộc châu thổ sông Hồng.

Từ trang trại nhìn xuống, quý khách có thể chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa có hình dạng bậc thang thấp, phía sau là màu xanh ngút ngàn của khu rừng nguyên sinh thuộc dãy núi Ba Vì với ba đỉnh cao 1100, 1200 và 1300 mét. Đến với Trang trại Đồng Quê Ba Vì ngoài việc nghỉ ngơi, du khách sẽ được tham quan các làng sản xuất nông nghiệp có truyền thống lâu đời xung quanh trang trại với các cảnh quan đẹp, được hưởng thụ các đặc sản thiên nhiên tươi lành trong khung cảnh gia đình ấm cúng.

Cũng như có cơ hội tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hoá đồng quê Việt Nam chủ yếu dựa vào thi ên nhiên như: cấy lúa, bắt cá cua ốc bằng những dụng cụ làm bằng tre, trồng và hái các loại rau rừng và rau thảo dược, xem cách làm mật ong, tự hái và sao chè khô, cho đà điểu, dê, thỏ, bò sữa ăn v.v. Đi thăm những vườn chè, những cánh đồng ngô bạt ngàn ven các dòng sông mẹ của miền Bắc Việt Nam hàng nghìn năm đã bồi đắp nên vùng châu thổ sông Hồng. Tại trang trại còn tổ chức những cuộc giao lưu hát múa với các đội văn nghệ của hai dân tộc thiểu số Mường, Dao sống tại các làng sát trang trại.

c) Chùa Trăm Gian

Chùa Trăm Gian có tên chữ là chùa Quảng Nghiêm còn gọi là chùa Tiên Lữ, nằm trên một quả đồi cao khoảng 50 m, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông nhà Lý. Đến thời nhà Trần, có hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây, tương truyền là người có nhiều phép lạ. Sau khi ông mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và tôn gọi là Đức Thánh Bối. Ngôi chùa lớn với quy mô như hiện nay là đã được trùng tu và xây dựng thêm qua nhiều thời đại.

Chùa Trăm Gian là một quần thể kiến trúc độc đáo. Theo cách tính cứ 4 góc cột là một "gian" thì chùa có 104 gian, chia thành 3 cụm kiến trúc chính:

Cụm thứ nhất gồm 4 cột trụ và 2 quán, trước đây là nơi đánh cờ người trong ngày hội, tiếp đó là nhà Giá Ngự nhìn ra mặt hồ sen, nơi đặt kiệu thánh để xem trò múa rối nước.

Trèo qua mấy trăm bậc gạch xây là tới cụm thứ hai gồm một toà gác chuông 2 tầng mái, có lan can chạy quây 4 mặt. Các ván bằng đều có chạm hình mây hoa. Lại leo 9 bậc đá, hai bên có lan can chạm hình rồng cuộn khúc thế tới cụm thứ 3 đó là chùa chính, gồm nhà bái đường, toà thiêu hương và thượng điện. Hai bên là 2 dãy hành lang.

Trong cùng là nhà tổ, giữ lại có lầu trống bên trong treo một cỗ trống lớn, đường kính 1 m và một tấm khánh đồng dài 1,20 m, cao 0,60 m đúc năm 1749, Cảnh Hưng thứ 10. Tại đây có 153 pho tượng, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung, đặc biệt quý là tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Ở giữa thượng điện có một bệ bằng đất nung đỏ hình khối chữ nhật, giống kiểu các bệ đá thời nhà Trần. Trên bệ đá là đài sen, xung quanh trang trí nhiều hình động vật và hoa lá, bón góc có hình chim thần. Trên bệ đặt các tượng Phậttam thế. Trong chùa còn có nhiều bia, hoành phi, câu đối... Riêng có hai câu đối khảm trai, tương truyền có từ thời nhà Hồ (1400-1406).

Trong chùa có tượng đô đốc Đặng Tiến Đông, một tướng lĩnh nhà Tây Sơn, chỉ huy đạo quân đánh vào phía nam Thăng Long. Tượng này được phát hiện vào năm 1972. Ngoài ra còn có tượng Đức Thánh Bối đặt trong khám gỗ gian bên phải. Đây là tượng cốt rút bằng mây đan ngoài bọc vải sơn, tương truyền là tượng bỏ hài cốt của ông.

2.2.1.4. Nghệ thuật ẩm thực của Hà Nội

Hà Nội là đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, là nơi hội tụ người và vạn vật tạo nên những nét văn hóa đặc sắc của người Hà Nội. Nét thanh tao của người Hà Nội không chỉ thể hiện ở trang phục, ứng xử, phong cách sống, làm việc mà còn được thể hiện qua ẩm thực.

Hà Nội là nơi hội tụ của nhiều sản vật ngon, có giá trị và rất nổi tiếng như hồng xiêm (Xuân Đỉnh), bưởi (Diễn), cam (Canh), dưa (La), húng (Láng)….hay các món ăn truyền

thống mà chỉ ăn ở Hà Nội mới cảm nhận hết được “cái ngon” trong từng món ăn như: chả cá Lã Vọng, cốm Làng Vòng, bánh Tôm Hồ Tây, phở Hà Nội, phở cuốn Ngũ Xá, ô mai Hàng Đường….

Ẩm thực Hà Nội là nơi giao thoa của nhiều nền ẩm thực khác nhau. Cái tinh tế trong ẩm thực Hà Nội thể hiện ở cách chế biến, cách thưởng thức và cả ở tấm lòng người trao kẻ nhận. Mỗi món ăn Hà Nội đều có hương vị, nét đẹp riêng và đặc biệt là có truyền thống trong cách thưởng thức, đó không chỉ là những thức ăn thông thường mà còn được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực. Những món ăn Hà Nội đã làm nao lòng những người con xa quê và cả những người khách lần đầu đến Hà Nội.

Phở Hà Nội

Phở không chỉ là món ăn yêu thích của người Hà Nội, mà là còn là món ăn hấp dẫn của người dân Việt Nam trên mọi miền của tổ quốc. Theo các nhà nghiên cứu, món ăn này có thể có mặt ở Việt Nam được 100 năm tuổi. Nhưng dựa vào chất liệu các các thưởng thức thì có lẽ Phở đã có mặt từ lâu đời và trở thành món ăn độc tôn trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Theo thống kê chưa đầy đủ thì từ Bắc vào Nam có khoảng 17 món phở vừa bình dân, vừa sang trọng, được nhiều lưa tuổi yêu thích. Tuy nhiên, phở Hà Nội là được chế biến tinh tế, thanh tao, trở thành độc đáo. Và Hà Nội cũng được coi là nơi khởi thủy ra món ăn hấp dẫn, tinh tế này.

Giá trị độc đáo, thanh tao của Phở Hà Nội được thể hiện ở những bí quyết chế biến. Phở ngon phải có ba thứ: Xương bò, nước mắm và gừng nướng. Phở Hà Nội có cái ngọt chân chất của xương bò, cái thơm của thịt bò vừa chín đến độ để vẫn dẻo mà lại không dai. Màu nước phở trong, bánh phở mỏng và mềm. Chỉ nhìn bát phở thôi cũng đủ thấy cái chất kỹ càng trong ăn uống của người Hà Nội. Một nhúm bánh phở đã trần qua nước nóng mềm mại dàn đều trong bát, bên trên là những lát thịt thái mỏng như lụa điểm mấy ngọn hành hoa xanh nõn, mấy cọng rau thơm xinh xắn, mấy lát gừng màu vàng chanh thái mướt như tơ, lại thêm mấy lát ớt thái mỏng vừa đỏ sậm vừa màu hoa hiên. Tất cả màu sắc đó như một bức hoạ dậy lên hương vị, quyện với hơi nước phở bỏng rẫy, bốc lên nghi ngút, đánh thức tất thảy vị giác, khứu giác của người ăn, khiến ta có cảm giác đang được hưởng cái tinh tế của đất trời và con người hợp lại.

Bát, đũa, thìa dùng để ăn phở không những phải được rửa và tráng nước sôi thật sạch mà phải có hình thức đẹp, đồng bộ. Phở ăn cùng với gia vị là dấm gạo nếp (ngâm với tỏi, ớt), chanh tươi, chút hồ tiêu xay nhỏ, rau húng láng thì thật là tuyệt vời.

Bát phở Hà Nội tạo cho người ăn thấy “ăn hương, ăn hoa” ăn rồi vẫn cảm thấy ngót bụng một chút để muốn được ăn thêm. Do đó, không chỉ người dân Việt Nam thích ăn phở mà cả du khách nước ngoài khi đã đến Việt Nam thì không thể không thưởng thức món ăn độc đáo này.

Một số địa chỉ ăn phở quen thuộc hấp dẫn du khách: Phở 24: số 1 Hàng Khay, 3 Thi Sách, 37 Phan Đình Phùng, 191 Bà Triệu Vincom T5, 45 Huỳnh Thúc Kháng; Phở Vui - 13 Hàng Giầy, Phở Thìn - 8 Lê Trực, Phở Lý Sáng - 2 Hàng Gà, Phở Lân - 20 Ông Ích Khiêm, Phở Bát Đàn - 49 Bát Đàn, Phở Thìn - 13 Lò Đúc, Phở Bò Cồ Cử - 4 Thụy Khuê, 33 Lê Đại Hành, 30 Nguyên Hồng...

Phở cuốn Ngũ Xá

Ngũ Xã là một làng nghề nằm cạnh hồ Trúc Bạch, phía tây Thăng Long, nay là phố Ngũ Xã, thuộc địa phận quận Ba Đình, Hà Nội. Nổi danh từ xưa với nghề đúc đồng nhưng gần đây, nghề truyền thống ấy bị thu hẹp, thay vào đó là khu phố mới với nhiều dịch vụ ẩm thực

nổi tiếng, đặc biệt là phở cuốn, món ăn thu hút nhiều năm thanh nữ tú cùng thực khách trong và ngoài nước đến thưởng thức.

Câu chuyện khai sinh ra món phở cuốn nghe ra cũng thật tình cờ. Chuyện kể rằng, có một quán phở nằm ở ngã tư giữa phố Ngũ Xã và phố Nguyễn Khắc Hiếu của Hà Nội thường phục vụ món ăn đêm cho những người thức khuya xem bóng đá hoặc giải trí, món quen thuộc là phở nước. Một đêm, khách đến nhưng nước dùng đã hết, chỉ còn ít bánh phở. Chiều khách, chủ quán lấy bánh phở tráng mỏng, để khổ vuông cuốn lẫn thịt bò chín với rau thơm cho khách ăn kèm với nước chấm. Thật bất ngờ, khách ăn rất lạ miệng và tấm tắc khen ngon. Tuy nhiên, do thịt bò chín vị khô nên ngấy, về sau chủ quán dùng thịt bò tái lăn. Cửa hàng chuyển hẳn sang dùng thịt bò tái lăn cuốn bánh phở.

Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong làng Ngũ Xã thì trước đây, nhiều gia đình làm món phở cuốn chỉ để ngồi bán ngoài chợ, rất dân giã và rẻ tiền. Nhiều năm trở lại đây, phở cuốn bỗng dưng được ưa chuộng như một món ngon đặc trưng của Hà Nội. Đã xuất hiện những nhà hàng chuyên kinh doanh phở cuốn quy mô hơn và thực khách kéo nhau đến thưởng thức ngày một đông. Đến nay thì phở cuốn Ngũ Xã đã như một địa chỉ quen thuộc của khách thập phương và là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Ăn phở cuốn chủ yếu để thưởng thức và khám phá một phong vị phở hoàn toàn độc đáo và mới lạ. Cảm nhận sẽ đặc biệt khi so sánh với món phở nước truyền thống. Cũng bánh phở, cũng thịt, cũng những rau thơm nhưng phở cuốn ăn khô, không chan nước dùng mà chỉ chấm bằng nước mắm pha nhạt. Bánh phở để cả tấm, dùng để cuốn thịt và rau chứ không thái thành sợi nhỏ như phở truyền thống. Chỉ vậy thôi, nghe có vẻ cực kỳ đơn giản nhưng bí quyết của món ngon này nằm ở khâu ướp thịt và pha nước chấm. Thời gian ướp thịt không được quá lâu cũng không được nhanh quá, khoảng chừng nửa tiếng là vừa. Còn các gia vị dùng để ướp thịt là bí quyết riêng của từng nhà hàng để tạo nên một hương vị đặc trưng. Thứ rau ăn cùng với món phở cuốn là rau xà lách thái khúc, rau mùi, rau húng. Đây là ba loại rau chính không thể thiếu tạo nên hương vị đặc trưng nhớ đời của món phở cuốn.

Hiện nay, làng Ngũ Xã có hơn 10 nhà hàng làm phở cuốn. Xung quanh làng cũng mọc lên rất nhiều hàng quán có món này. Thực đơn của các quán hiện khá phong phú. Bên cạnh món phở cuốn và phở chiên phồng còn có phở xào, phở chiên trứng, mì xào, khoai tây chiên, phở trộn, chả ngan nướng, ngô chiên. Tuy nhiên, thực khách đến đây dù lần đầu hay đã thành quen thuộc cũng đều không thể thiếu món phở cuốn trên bàn ăn, rồi mới gọi đến những món ăn khác.

Một số địa chỉ ăn phở cuốn quen thuộc: Phở cuốn Hương Mai: 27 Ngũ Xã; Vinh Phong: 40 Ngũ Xã; phở cuốn Hà Nội: 24 Ngũ Xã; phở cuốn ngon Hà Nội: 25 Ngũ Xã.

Chả cá Lã Vọng

Món chả cá ra đời cách đây khoảng 100 năm, người chế biến ra món ăn này là một gia đình họ Đoàn sinh sống tại 14 Hàng Sơn.

Gia đình họ Đoàn thường lấy nhà mình làm nơi cưu mang nghĩa quân Đề Thám. Chủ nhà hay làm một món chả cá rất ngon đãi khách, lâu dần thành quen, những vị khách ấy đã giúp gia đình mở một quán chuyên bán món ăn ấy, vừa để nuôi sống gia đình, vừa làm nơi tụ họp. Lâu dần, hai tiếng “Chả Cá” được gọi thành tên phố. Trong nhà hàng luôn bày một ông Lã Vọng - Khương Tử Nha ngồi bó gối câu cá - biểu tượng của người tài giỏi nhưng đang phải đợi thời. Vì thế khách ăn quen gọi là Chả cá Lã Vọng, ngày nay trở thành tên nhà hàng và cũng là của món ăn. Bí quyết làm chả cá chỉ truyền lại cho người con cả họ Đoàn.

Chả cá làm chả thường là cá lăng tươi. Đây là loại cá ít xương, ngọt thịt và thơm. Đặc biệt nhất và cũng vô cùng hiếm hoi là chả làm từ cá anh vũ, bắt ở ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì-Phú Thọ). Không có cá lăng thì có thể dùng cá nheo, cá quả. Thịt cá được lọc theo kiểu

lạng từ hai bên sườn, thái mỏng, ướp với riềng, nghệ, mẻ, hạt tiêu, nước mắm theo một phương cách bí truyền đặc biệt ít nhất 2 giờ đồng hồ, rồi kẹp vào cặp tre (hoặc vỉ nướng chả có quết một lớp mỡ cho đỡ dính). Người nướng phải quạt lửa, lật giở đều tay sao cho hai mặt đều chín vàng như nhau. Chuẩn bị ăn, người ta mới mang những kẹp chả nướng đã chín trút vào chảo mỡ sôi trên bếp than hoa đặt trên bàn ăn, cùng với rau thì là và hành hoa cắt khúc.

Chả phải ăn nóng. Khi ăn, gắp từng miếng cá ra bát, rưới nước mỡ (đang sôi) lên trên, ăn kèm với bánh đa nướng hay bún rối, lạc rang, rau mùi, húng Láng, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ chấm với mắm tôm.

Cuối năm 2003, hãng tin Mỹ MSNBC đã rút gọn lại và đặt nhà hàng Chả cá Lã Vọng Hà Nội ở vị trí thứ 5 trong 10 nơi cho rằng thực khách nên biết cùng với 9 địa danh, lễ hội nổi tiếng khác trên thế giới.

Ngày nay đã có nhiều hàng chả cá được mở tại Hà Nội nhưng căn nhà trên phố Chả Cá vẫn là cửa hàng chả cá ngon bậc nhất và trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp gần xa về món ăn thơm ngon mang hương vị riêng của người Hà thành xưa.

2.2.1.5. Các tuyến du lịch chủ yếu và mộ số chương trình du lịch của Trung tâm du lịch Hà Nội

a) Các tuyến du lịch chủ yếu (tuyến tham khảo) Tuyến nội thành:

- Đền Ngọc Sơn – Phố cổ – Chợ Đồng Xuân – khu Lăng Bác, chùa Một Cột – đền Quán Thánh – chùa Trấn Quốc – bảo tàng Dân tộc học – Văn miếu Quốc Tử Giám.

- Bảo tàng lịch sử Quân sự quốc gia – khu Lăng Bác – Văn miếu Quốc Tử Giám – bảo tàng Mỹ Thuật – công viên Thủ Lệ – bảo tàng Dân tộc học.

- Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn – phố Cổ - chợ Đồng Xuân – đền Hai Bà Trưng – công viên Lê nin.

- Hồ Gươm – Phố cổ – Chợ Đồng Xuân – Triển lãm Giảng Võ – chùa Láng – gò Đống

Đa.

- Hoàng thành Thăng Long – Đền Ngọc Sơn, hồ Gươm – Phố cổ - bảo tàng Lịch sử –

Văn miếu Quốc Tử Giám.

Tuyến ngoại thành:

- Hà Nội – Cổ Loa: Tham quan danh thắng, lễ hội

- Hà Nội – Ba Vì – Suối Hai: Tham quan nghỉ dưỡng, danh thắng

- Hà Nội – Sóc Sơn: Tham quan lễ hội, nghỉ ngơi ngắn ngày

- Hà Nội – Bát Tràng: Tham quan làng nghề truyền thống sản xuất gốm sứ

- Hà Nội – Chùa Hương: Tham quan danh thắng, lễ hội

- Hà Nội – Chùa Thầy – Chùa Tây Phương – làng Lụa Vạn Phúc: Tham quan di tích lịch sử, làng nghề thủ công truyền thống.

- Hà Nội – làng cổ Đường Lâm: Tham quan làng cổ hai vua, các di tích lịch sử

- Tuyến du lịch sông Hồng

- Tuyến du lịch theo chuyên đề bảo tàng, làng nghề, ẩm thực, chùa, sinh thái của Hà Nội…..

b) Một số chương trình du lịch chủ yếu, tiêu biểu (chương trình tham khảo) Chương trình du lịch 1 ngày:

Chương trình: City Tour Hà Nội (1 ngày)

Xem tất cả 169 trang.

Ngày đăng: 01/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí