“đắt” trời cho là khung cảnh huy hoàng và lộng lẫy của buổi rạng đông với chiếc thuyền đánh cá đang hướng vào bờ trong ánh mặt trời rạng rỡ - một khung cảnh “từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”, nhiếp ảnh gia Phùng đã chiêm ngưỡng nó bằng tất cả sự rung động, say mê của một tín đồ phụng sự cái đẹp và nghệ thuật. Vẻ đẹp ấy, trong giây phút ấy, với anh là chân lý: “Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nhưng rồi ngay sau khoảnh khắc mãn nguyện ấy, khi chiếc thuyền cập bến, Phùng đã phải kinh ngạc, bàng hoàng chứng kiến một sự thật phũ phàng, “như một câu chuyện cổ quái đản” về cuộc sống của những con người trên thuyền: đó là đòn roi bạo lực, là sự nhẫn nhịn chịu đựng, là đói khổ, nheo nhóc, là những quy luật của nghề chài lưới, là tấm lòng bao dung, hi sinh của người phụ nữ… Hóa ra đằng sau cái đẹp tuyệt đích mà anh mê đắm lúc đầu lại là cái khổ, cái cơ cực, là những cảnh ngộ, những số phận và những phẩm chất của con người rất cụ thể - không hề hào nhoáng, lộng lẫy mà xù xì, gai góc, chân thật, và chính đó mới là nơi anh ngộ ra được chân lý thực sự của đời sống. Thiên truyện, từ những xúc cảm của Phùng khi chụp được bức ảnh chiếc thuyền ngoài xa, đến những suy tư, chiêm nghiệm của anh khi chứng kiến và lắng nghe tâm sự, bộc bạch của người đàn bà làng chài, đã cho thấy quá trình phát triển nhận thức của một người nghệ sĩ về bản chất của cái đẹp và nghệ thuật, về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống, từ đó gửi gắm thông điệp của tác giả về yêu cầu đối với nghệ thuật và nghệ sĩ: khám phá cuộc sống và con người ở cả bề nổi, vẻ ngoài lẫn chiều sâu, ở những phần khuất lấp, tiềm ẩn bên trong để thấy được bản chất của hiện thực – đó là sứ mệnh của nghệ thuật chân chính. Kết quả của tình huống nhận thức ấy là: sau khi bức ảnh được in thành lịch và được phổ biến khắp nơi, mỗi khi nhìn vào, dù là ảnh đen trắng, Phùng vẫn thấy hiện lên màu hồng hồng của ánh sương mai, và nhìn kỹ hơn, anh lại thấy người đàn bà thô kệch, xấu xí, nghèo khổ ấy bước ra khỏi tấm ảnh, hòa lẫn trong đám đông. Phải chăng diễn biến của cái nhìn đó trong Phùng cũng phản ánh sự vận động trong thế giới quan và tư tưởng, nhận thức của Nguyễn Minh Châu từ một nhà văn với cái
nhìn lãng mạn, trong ngần về hiện thực, với lối viết mang đậm khuynh hướng sử thi, một nhà văn thiết tha kiếm tìm cái đẹp tuyệt đích như những hạt ngọc ẩn dấu trong tâm hồn con người, đến một nhà văn đi tiên phong trong công cuộc đổi mới để áp sát đời sống, bằng văn chương khám phá chân thực và sâu sắc về con người và cuộc sống trong cuộc chuyển mình không hề giản đơn và thơ mộng sau chiến tranh. Ta hiểu vì sao sau năm 1975, truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu thể hiện rất đậm nét tính chất luận đề, và thường khai thác những tình huống nhận thức, với các tác phẩm như Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Sắm vai, Đứa ăn cắp, Dấu vết nghề nghiệp, Một lần đối chứng, trong đó, những trải nghiệm và quá trình vận động về tư tưởng của những nhân vật nghệ sĩ, trí thức được ông đặc biệt chú trọng khai thác và biểu hiện.
Cũng như Nguyễn Minh Châu, trong hành trình tiếp cận chân lý đời sống sau năm 1975, Nguyễn Khải luôn luôn khám phá những tình huống mới của hiện thực với những trăn trở, day dứt thể hiện quá trình nhận thức của người trí thức, người nghệ sĩ. Anh hùng bĩ vận là tình cảnh xã N và câu chuyện của nhà văn xưng “tôi” từ một thời oanh liệt đến tình huống “tội nghiệp”: viết văn quá cao siêu trong khi độc giả lại quá trẻ và tuổi trẻ của họ hôm nay rất khác với tuổi trẻ hôm qua. Thông qua đó, tác giả muốn thể hiện cái nhìn sâu sắc của người nghệ sĩ về nghề nghiệp và về chính bản thân mình trước những biến chuyển, vận động của xã hội, của thời đại. Ở Người ngu, tình huống nhận thức được giới thiệu ngay trong những dòng đầu tiên của văn bản, khi “tôi” nhớ lại lần “ứng xử hớ” của mình khiến cho mọi người tranh cãi trong cách đánh giá, và bản thân “tôi” cũng không biết nên tự đánh giá thế nào về chính mình: “Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn ấm ức khi nghĩ lại cách ứng xử của mình trong cái chuyện vớ vẩn đã xảy ra là đúng hay không đúng, là người rất biết điều hay là một kẻ hết sức ngu”, từ đó mở ra trong người đọc mênh mông những băn khoăn, suy tư về thế sự, về tình đời, tình người. Trong số những truyện ngắn của Nguyễn Khải giai đoạn này, có tới 59 truyện được kể từ ngôi thứ nhất bởi các nhân vật nhà văn hoặc nhà báo, trong những tình huống trải nghiệm, dấn thân để đưa ra nhận thức, suy tư của mình về hiện thực. Bên cạnh các truyện vừa nêu, có thể
kể đến Phía khuất mặt người, Đã từng có những ngày vui, Đổi đời, Sống giữa đám đông, Cặp vợ chồng ở chân động Từ Thức...
Truyện ngắn chứa đựng tình huống nhận thức đặc biệt nở rộ ở giai đoạn từ sau năm 1975 đến những năm 90 của thế kỷ XX. Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất và bắt đầu công cuộc đổi mới, mở cửa, trong hiện thực diễn ra nhiều đổi thay, diễn ra sự đan xen, tranh đấu giữa cái mới và cái cũ, buộc con người phải không ngừng vận động trong tư duy, nhận thức, không ngừng suy xét về hiện thực để tìm cho mình một cách nghĩ, cách sống, một hướng đi phù hợp và làm chủ hoàn cảnh. Với sự nhạy cảm và minh triết của mình, nhiều nhà văn đã bày tỏ những suy tư, trăn trở mang tính thời đại đó qua những tình huống hết sức tiêu biểu, điển hình. Bên cạnh các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu như là trường hợp tiên phong như chúng tôi đã nói ở trên, cần phải kể đến một loạt tác phẩm chứa đựng tình huống nhận thức đặc sắc khác. Đó là Người sót lại của rừng cười, Vũ điệu địa ngục của Vò Thị Hảo, Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, Yêu, Khi người ta trẻ của Phan Thị Vàng Anh, Hậu thiên đường, Xin hãy tin em của Nguyễn Thị Thu Huệ, Luật trời, Người ngu của Nguyễn Khải, Nợ đời của Ma Văn Kháng…
Tình huống nhận thức thường gắn với một luận đề nào đó về con người và cuộc sống, và thường mang lại cho tác phẩm tính chất triết lý rất đậm nét. Thông thường, luận đề của tác phẩm thường được phát ngôn từ ngôi thứ nhất bởi nhân vật chứng kiến và trải nghiệm tình huống để có được những bài học nhận thức. Dù là gắn với một chủ thể nhận thức cụ thể như vậy, nhưng loại tình huống này thường có tính khái quát, điển hình và tượng trưng rất cao, phản ánh được những vấn đề của thế hệ, thời đại, đất nước.
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên Cứu Thành Tựu Đổi Mới Nghệ Thuật Truyện Ngắn
- Các Kiểu Truyện Tiếp Tục Những Khuynh Hướng Vận Động Trước Năm 1975
- Tình Huống Và Kết Cấu Truyện Ngắn Việt Nam Sau 1975
- Kết Cấu Truyện Ngắn Việt Nam Sau 1975
- Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 9
- Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 10
Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.
2.1.2.2. Tình huống hành động
Tình huống hành động là những tình huống chứa đựng mâu thuẫn, xung đột của đời sống buộc nhân vật phải đối mặt và có một hành động nào đó mang tính quyết định để giải quyết mâu thuẫn, đưa cuộc sống vận động theo một hướng nhất định, chuyển sang một trạng thái khác trước. Tình huống truyện ngắn “điểm huyệt”
cuộc sống bằng những chi tiết, sự kiện, biến cố mang tính đặc trưng, bản chất, và với tình huống hành động thì hành động của nhân vật trong bối cảnh đó cũng là kết quả một quá trình phát triển của tính cách dưới tác động của hoàn cảnh, thể hiện rò nhận thức, suy nghĩ, những tính toán của nhân vật trước hoàn cảnh. Trong Ráp Việt của Lê Minh Khuê, tình huống xoay quanh hành động Cảnh giết Lan Hương trong nhà nghỉ. Hành động lạnh lùng, chóng vánh, đã tính toán kỹ lưỡng đến từng chi tiết ấy được tác giả kể lại hết sức ngắn gọn:
Ý chí làm máu sôi như dầu đun Cảnh lao lên giường phủ lên người Lan Hương lập tức dùng tay đi găng chẹn cổ cô nàng ngực đè cái gối lên mặt cô nàng. Bị bất ngờ chẹt cổ đè mũi Lan Hương giãy như cá rô mắc cạn. Cực khỏe. Sức sống bùng lên dữ dội nhưng Cảnh to gấp đôi tay quen tập tạ chân quen đá vò hắn khiến cô nàng tắc thở chỉ trong mươi phút.
Toàn bộ câu chuyện là sự lý giải nguyên nhân của hành động dã man trên. Cậu sinh viên trẻ măng, thư sinh, điển trai, hiền lành bỗng chốc trở thành sát thủ máu lạnh dám giết cô gái đạt giải nhất thi kể chuyện anh hùng quê hương và “có tiếng trong ngành tư tưởng đang đưa vào diện kế cận từ hôm thi kể chuyện” là bởi cậu đã không chịu nổi cảm giác bị xúc phạm sau cuộc thi đó. Lan Hương nổi tiếng vì đã dùng nhan sắc và mánh khóe để từ một cô gái phố huyện trở thành một bà chủ tiền tỉ, giờ đây lại bằng nhan sắc, tiền bạc chen chân vào chốn quyền lực, và công cụ cô dùng trong cuộc thi kể chuyện để hiện thực hóa giấc mơ quyền lực ấy chính là cuộc đời của ông nội Cảnh – một người anh hùng đã có chiến công chỉ huy đại đội bắn rơi máy bay Mỹ. Cuộc đời giản dị, bình lặng của ông đã bị cô ta thêm thắt, tô vẽ và mang lên sân khấu màu mè, bát nháo để rao giảng trong một màn kể chuyện kệch cỡm kết hợp với màn đọc ráp nhố nhăng khiến “Cảnh nhìn cả bọn thấy kích động toàn thân tê buốt như bị giội nước lạnh đúng đỉnh đầu. Hắn không còn thấy tức. Hắn thấy căm thù”. Trong khi bố Cảnh – con trai người anh hùng – vẫn đang ngày ngày lái xe đường dài để kiếm sống và mẹ cậu tần tảo may vá linh tinh để cóp nhặt từng đồng năm trăm lẻ, thì Lan Hương đã mang quá khứ gia đình cậu thành trò
hư cấu để phục vụ cho mưu đồ cá nhân, và điều đó trở thành một ám ảnh, đưa đến
hành động trung tâm của Cảnh trong truyện. Người kể chuyện không kể về diễn biến tiếp theo, sau khi chủ nhà nghỉ và công an phát hiện xác chết trong gầm giường, chỉ dừng lại ở cảm giác bằng lòng, mãn nguyện của Cảnh khi chứng kiến cảnh xôn xao đó: “Cảnh mím môi thỏa mãn và cả liều lĩnh. Bây giờ có bị bắt cũng thoải mái vì việc làm của hắn là để trả thù cho cái việc đem ông hắn ra bờm xơm…”. Liệu Cảnh có bị bắt hay không? Phản ứng của các nhân vật khác sẽ ra sao nếu sự thật được đưa ra trước ánh sáng? Người đọc không được biết những điều đó, nhưng tình huống kịch tính, khốc liệt được kể trong truyện khiến mỗi người không khỏi bị ám ảnh: ám ảnh về tội ác - cả tội ác của sát thủ và tội ác của nạn nhân. Vậy là tình huống truyện đã được khai thác trọn vẹn, với nguyên nhân, diễn biến và kết quả của hành động trung tâm, nhưng được kể một cách hết sức kiệm lời, tạo ấn tượng mạnh và nhiều dư âm trong lòng người đọc.
Sau hành động trung tâm của tình huống, câu chuyện có thể vận động, phát triển theo một hướng hoàn toàn bất ngờ hoặc tạo ra một bước ngoặt cho cuộc đời, số phận nhân vật. Hành động vung côn đập vỡ chiếc bình cổ để cứu đứa bé của tên cướp trong Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp là như vậy. Hành động ấy đã bất ngờ giải tỏa không khí căng thẳng trên đò, khiến tất cả mọi người thở phào nhẹ nhòm, và cũng khiến cho mọi ấn tượng, mọi hình dung ban đầu về các nhân vật trở nên vô nghĩa, người đọc có được cái nhìn hoàn toàn mới về con người, về cái thiện, cái ác, cái tốt, cái xấu trong cuộc đời. Cũng tương tự như vậy, chuyến về quê để tạm xa rời cuộc sống hiện tại, tìm lại những con người xưa, cũng là tìm lại chính mình của nhân vật chính trong Sống với thời gian hai chiều của Vũ Tú Nam, việc ông Thuấn phát hiện ra cô con dâu mang phích đá chứa những mẩu thai nhi từ bệnh viện phụ sản về nuôi chó béc - giê trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, việc Thảo tự viết thư gửi cho mình để đánh lừa Thành là mình đã có người khác trong Người sót lại của rừng cười của Vò Thị Hảo, việc Thao và Chinh đưa mộ mẹ Chinh từ dưới lòng sông lên vườn nhà Thao trong Mùa hoa cải bên sông của Nguyễn Quang Thiều, việc Loan sinh bé Nghĩa trong Sầu đông của Như Bình, việc nhân vật tôi khám phá ra sự thật cô Diệu là gái làng chơi trong Nhà trọ của Nguyễn Thị Châu
Giang… là những hành động trung tâm đưa câu chuyện sang một lối rẽ mới, tạo ra một trang mới cho số phận nhân vật.
Tình huống hành động thường xuất hiện trong truyện ngắn cổ điển và truyện ngắn – kịch, thường gắn với lối kể chuyện ngắn gọn, nghiêng về khuynh hướng tường thuật sự kiện, ít bình luận, giãi bày, để cho bản thân sự kiện nói lên ý nghĩa của nó. Kiểu tình huống này cho thấy năng lực quan sát, phát hiện những mâu thuẫn, xung đột trong đời sống của tác giả, bởi lẽ, hành động, sự kiện được mô tả trong truyện tuy cụ thể, riêng biệt, duy nhất nhưng phải có tính phổ quát, điển hình, tiêu biểu cho những vấn đề chung của xã hội.
2.1.2.3. Tình huống tâm trạng
Tình huống tâm trạng là kiểu tình huống phổ biến trong truyện ngắn trữ tình. Với kiểu tình huống này, nhân vật trải qua một trạng thái phức tạp nhưng tính chất phức tạp đó không được chú trọng ở hành động mà thường hiện lên qua những trạng thái tâm lý, tình cảm, cảm xúc của nhân vật. Với tình huống tâm trạng, truyện để lại trong tâm trí người đọc ấn tượng, dư ba về thế giới tinh thần, đời sống tâm hồn phong phú của nhân vật trong một hoàn cảnh nào đó. Tâm trạng đợi tàu vừa háo hức, vừa u buồn, khắc khoải của chị em Liên và những người dân phố huyện; tâm trạng của Thanh khi tìm lại được cảm giác mát lành, trong trẻo và dịu ngọt khi trở về mái nhà xưa, gặp lại bà và người bạn gái dưới bóng hoàng lan… là những tình huống tâm trạng tiêu biểu, ghi dấu ấn sâu đậm với người đọc trong truyện ngắn Thạch Lam. Với truyện ngắn sau 1975, tình huống tâm trạng cũng hiện diện hết sức đa dạng, phong phú, cho thấy đời sống nội tâm ngổn ngang, phức tạp, nhiều màu sắc của con người đương đại. Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu là một dòng miên man tâm trạng, ngổn ngang ký ức, tràn trề cảm xúc của lão Khúng trong hành trình đưa Bò Khoang xuống chợ Giát. Quyết định bán bò và chuyến đi gập ghềnh, nửa tỉnh nửa mê trong đêm ấy chính là cái cớ, là không – thời gian để lão dàn trải tâm tư, tự đối thoại với chính mình, tự nhìn lại chặng đường dài mấy chục năm nhiều biến động của gia đình mình, thời đại mình. Toàn bộ dòng tâm tư đó của lão,
từ lúc bắt đầu đưa Bò Khoang đi bán, qua việc quyết định phóng sinh cho nó vào rừng, đến khi gặp lại con vật ở sân trường nội trú, chính là cách để nhà văn bày tỏ thái độ của mình đối với người nông dân trong bối cảnh đương thời, thái độ mà Phạm Quang Long từng khái quát là “niềm tin pha lẫn với âu lo” [91] – một suy tư giàu tính triết lý và những dự cảm thể hiện trách nhiệm cao cả của người cầm bút trước cuộc đời. Bức thư gửi mẹ Âu Cơ của Y Ban, mượn hình thức một bức thư, là diễn biến tâm lý của một cô gái trẻ tột cùng đau và khổ khi đến bệnh viện Phụ sản bỏ đi cái thai ngoài ý muốn. Hồi ức những bài học về tự do, về tình yêu, giới tính không phải do cha mẹ, không phải nhờ sách vở trường lớp dạy, mà chính cuộc đời dạy cho, cứ chập chờn hiện lên đan xen giữa những cơn đau, giữa những điều nghiệt ngã, hãi hùng cô đang phải trải qua trong bệnh viện đã khiến người phụ nữ từng trải nhưng hồn nhiên, già dặn nhưng ngờ nghệch ấy ngập tràn trong một vùng rối ren của mặc cảm, sợ hãi, sám hối và cô độc. Trong cơn chênh vênh nhập nhòe giữa nỗi khát khao tình yêu chính đáng và sự mong manh của nghị lực, lý trí, cô đã nhân danh những người con gái, những người mẹ để gửi lời khẩn cầu tới mẹ Âu Cơ:
Mẹ Âu Cơ sinh được năm mươi người con trai, năm mươi người con gái. Con trai của mẹ thì thành anh hùng, thi sĩ, con gái của mẹ thì trở thành những bà mẹ. Đất nước anh hùng, ngoại xâm, thiên tai liên miên nên mẹ quan tâm đến những anh hùng, thi sĩ. Mẹ đã không chú ý đến những cô gái vốn dịu dàng, nhu mì, không mấy đòi hỏi. Mẹ ơi, mẹ hãy quan tâm đến chúng con, đến nỗi đau của những cô gái, những bà mẹ.
Tình huống truyện ở đây không hề phức tạp, mọi hành động, sự kiện đều nằm trong dự kiến của nhân vật chính và cũng không tạo một sự bất ngờ nào cho người đọc, thành công của truyện là ở sự đồng cảm, giãi bày, phân tích tâm trạng của nhân vật một cách tinh tế, thấu đáo đến tận cùng. Điều đó, cùng với một bố cục khéo léo, một hình thức phù hợp và lối viết điêu luyện, đã giúp truyện đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn (1989 – 1990) của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, và trở thành tác phẩm có mặt trong hầu hết những tuyển tập truyện ngắn đặc sắc thời kỳ đổi mới.
Trong tình huống tâm trạng, mối quan tâm hàng đầu của ngôn ngữ nghệ thuật chính là những cảm giác, cảm xúc, tình cảm, tâm trạng của nhân vật trong sự việc. Đôi khi, đó là sự nắm bắt một khoảnh khắc hết sức ngắn ngủi, mơ hồ và tinh tế vụt thoáng qua trong tâm hồn, nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhân vật và sự kiện. Tình huống trong Một mình của Lê Minh Khuê là như vậy. Mất mẹ từ khi chín tuổi, Dư đã quen với việc mình là tất cả với bố, và cảm thấy cuộc sống của bố bên mình là đủ đầy, hợp lý. Cho đến khi Dư ngoài hai mươi tuổi, đã đi làm và có người yêu, người cha gần năm mươi tuổi mới bắt đầu nghĩ đến việc có một người phụ nữ làm bạn, nhưng ngay lập tức Dư phản ứng gay gắt, quyết liệt, không chấp nhận san sẻ bố với cô Hồi, nhất là vì cô Hồi đã có con với một người đàn ông khác. Bỏ mặc người cha nhẫn nhịn, khổ đau, Dư đi lên chi nhánh miền núi của công ty công tác. Và rồi một sự cố xảy ra: lũ ống đột ngột làm Hiệp – một đồng nghiệp của Dư, bị quật vào tảng đá ngất lịm. Ngồi trên xe cấp cứu và trước phòng bệnh, trước mối hiểm nguy đang đe dọa tính mạng Hiệp, Dư đã có những rung động, những suy nghĩ hoàn toàn khác trước: “Dư ngồi chờ trong đám bạn chợt nghĩ đến khoảnh khắc sống của con người mong manh dễ vụn nát biết bao”. Dư thấy yêu quý, trân trọng sự sống, trân trọng những giây phút con người được ở bên nhau, và quyết định mở lòng, xóa bỏ sự ích kỷ để thay đổi cuộc sống cho bố. Trở về sau chuyến công tác, cô nói với người yêu: “Em không làm gì để bố buồn nữa đâu. Bố gần năm mươi tuổi rồi sao lâu nay em cứ lần chần giữ chân bố. Mà cô Hồi cũng chẳng có tội gì, em thấy có con với ai không quan trọng, quan trọng là có đứa con”. Từ ga tàu, Dư không về nhà ngay với bố mà qua đón mẹ con cô Hồi về cùng, háo hức được đem lại niềm vui, hạnh phúc cho bố và cô Hồi. Và hạnh phúc cũng lan tỏa vào tâm hồn cô trong một niềm hân hoan khó tả: “Cuộc đời có những phút xốn xang không hiểu mình làm mọi việc có đúng không?”. Cả thiên truyện, Dư đã một mình quyết định tất cả suy nghĩ và hành động của mình, nhưng chính thời khắc Dư cảm thấy cô độc, trơ trọi nhất khi Hiệp bị tai nạn, lại chính là thời khắc tâm hồn cô trở nên cởi mở nhất, và rồi sau đó nó trở nên nồng ấm, chan chứa tình yêu, tình người. Sự thay đổi đó không đến từ một lôgic nào của lý trí, mà từ những cảm xúc, những tình cảm đẹp