Sự truyền thừa truyền thống Yên Tử có ghi trong Đại Nam Thiền uyển truyền đăng tập lục do đại sư Phúc Điền trụ trì chùa Liên Tông biên soạn theo thứ tự hai mươi ba vị như sau: Hiện Quang, Viên Chứng, Đại Đăng, Tiêu Dao, Huệ Tuệ, Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, An Tâm, Phù Vân, Vô Trước, Quốc Nhất, Viên Minh, Đạo Huệ, Viên Ngộ, Tổng Trì, Khuê Thám, Sơn Đằng, Hương Sơn, Trí Dung, Tuệ Quang, Chân Trú, Vô Phiền. Mà chúng ta biết rằng chùa Vân Yên, đến đời Lê Thánh Tông đổi tên là Hoa Yên trên núi Yên Tử, địa chỉ này chính là quê hương tinh thần, là đại bản sơn của Phật giáo Trúc Lâm theo cách nói của Nguyễn Lang. Mặc dù chùa Vĩnh Nghiêm ở Hương Giang được chọn làm nơi làm việc của những vị lãnh đạo tinh thần, nhưng Yên Tử vẫn là linh hồn của Phật giáo Trúc Lâm. Điều này thấy được qua câu ca dao rất phổ biến: Dù ai quyết chí tu hành, Có về Yên Tử mới đành lòng tu. Có người nói: “Thiên hạ Lý - Trần bán vi tăng.” (Thời Lý - Trần một nửa dân chúng là người xuất gia tu theo đạo Phật). Thế nhưng tinh thần từ bi khoan dung bao la của đạo Phật không hề đi đôi với thái độ tiêu cực, yếm thế như có người vẫn suy diễn. Sức mạnh thật sự phi thường của con người nhà Trần đã minh chứng qua ba lần chiến tranh vệ quốc đánh thắng đế chế Nguyên Mông vô cùng hùng mạnh.
Tinh thần từ bi trí tuệ, nhập thế tích cực, vì dân vì nước của Thiền phái Trúc Lâm được thể hiện trong Trần Nhân Tông. Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanhLý giải việc Điều Ngự Giác Hoàng xuất gia như sau:
“Người ta thấy Điều Ngự đệ nhất Tổ đến ở chùa Hoa Yên, thì bảo là Ngài xuất gia, nào hay Tổ ta lúc bấy giờ biết coi thiên hạ là công. Trong nước vô sự, nhưng phía Bắc vẫn có nước láng giềng lớn mạnh, chưa được an tâm. Cái ý ấy không tiện nói rõ, sợ lòng người dao động. Cho nên nhắm được ngọn Yên Tử là núi cao nhất, phía Đông nhìn về Yên Quảng, phía Bắc liếc sang nhị Lạng, dựng lên ngôi chùa thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa mối lo nước ngoài xâm phạm, Thật là một vị Vô Lượng Lực Đại Thế Chí Bồ tát.” [175,tr.226]
Chúng sinh, từ nơi không sinh diệt mà vọng thấy sinh diệt, nên mới trôi lăn trong lục đạo, chịu khổ vô cùng. Chỉ cần thấy rõ vô minh vốn không có thật thể, thì vô minh không còn chỗ tồn tại và phát triển. Thật tướng của vạn pháp, chân như của pháp giới, bản chất của vạn vật vốn không sinh không diệt. Trong Thượng sĩ ngữ lục, Tuệ Trung thượng sĩ trả lời câu hỏi về một bài kệ trong kinh Hoa nghiêm nhằm giúp người học thấu rõ được thực tướng của các pháp, giác ngộ chân như Phật tính của mình: Tất cả pháp không sinh, Tất cả pháp không diệt, Nếu hiểu được như thế, Chư
Phật thường hiện tiền. Trần Nhân Tông cũng dùng ý bài kệ trong kinh Hoa nghiêm
này để khai thị cho đệ tử trước khi thị tịch được ghi lại trong Tam tổ thực lục:
“Bảo Sát hỏi: Tôn Đức đi đâu? Điều Ngự đáp: Tất cả pháp không sinh, Tất cả pháp không diệt, Nếu hiểu được như vậy, Chư Phật thường hiện tiền, Có chi là đi lại. Bảo Sát hỏi: Nếu như không sinh không diệt thì sao? Điều Ngự đưa tay bụm miệng Bảo Sát, nói: Chớ nói mê.” [204,tr.33]
Kế thừa tư tưởng này, Hải Lượng Thiền sư Ngô Thì Nhậm đã dùng hình thức công án và phương pháp phá chấp để thúc bách người học tự thân chiêm nghiệm, tự thân lãnh hội thật tướng các pháp, cho nên khi đệ tử hỏi:
Có thể bạn quan tâm!
- Ảnh Hưởng Của Kinh Viên Giác Trong Tác Phẩm Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh
- Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh Với Sự Kế Thừa Và Phát Triển Tư Tưởng Thiền Phái Trúc Lâm Đời Trần
- Sự Kế Thừa Và Phát Triển Tư Tưởng Thiền Phái Trúc Lâm Trong Tác Phẩm Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh
- Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại - 24
- Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại - 25
- Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại - 26
Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.
佛說不生何以有生?佛說不滅何以有滅? Phật thuyết bất sinh hà dĩ hữu
sinh? Phật thuyết bất diệt hà dĩ hữu diệt? (Phật nói không sinh sao lại có sinh? Phật nói không diệt sao lại có diệt?) [175,tr.150]
Hải Lượng trả lời:
有生是不生有滅是不滅. Hữu sinh thị bất sinh, hữu diệt thị bất diệt.
(Có sinh là không sinh, có diệt là không diệt). [175,tr.150]
Hải Lượng thúc ép người học truy thấu bản chất của sinh diệt bằng câu hỏi đầy hình tượng và sáng tạo:
牛首蛇身難得見,雀眼雞起自然知.西牛賀洲有大千世界生無數萬億刧身,
有無數萬億年只有無數萬億身耳目口鼻具足.爾看來有生無? Ngưu thủ xà thân nan đắc kiến, Tước miên kê khởi tự nhiên tri. Tây Ngưu Hoá Châu
hữu đại thiên thế giới, sinh vô số vạn ức kiếp thân, hữu vô số vạn ức niên, chỉ hữu vô số vạn ức thân nhĩ mục khẩu tỵ cụ túc. Nhĩ khán lai, hữu sinh vô sinh? (Con vật đầu trâu mình rắn, khó nhìn thấy được; còn chim sẻ nằm ngủ, gà gáy sáng là điều tự nhiên, dễ biết. Tây Ngưu Hoá Châu có đại thiên thế giới, sinh ra vô số vạn ức kiếp thân, sống vô số vạn ức năm, có vô số vạn ức thân đầy đủ mắt tai mồm mũi. Các ngươi nói xem, như thế là có sinh hay không sinh?) [175,tr.150].
Phương pháp phá vỡ sự dính mắc, chấp trước, theo phương pháp phá chấp của
kinh Kim cang: 所言一切法也即非一切法,是故名一切法. Sở ngôn nhất thiết pháp giả tức phi nhất thiết pháp, thị cố danh nhất thiết phá. (Nói là tất cả pháp, tức không
phải tất cả pháp, cho nên gọi là tất cả pháp) [90,tr.97] mà các nhà Phật học của phái Trúc Lâm thường sử dụng dạy cho người học. Ngô Thì Nhậm vận dụng uyển chuyển phương pháp phá chấp để trả lời câu hỏi: “Lý không noi theo hết được, Dục không cắt đứt hết được hay sao?” của học trò. Ông nói: “Không cắt thì đứt, cắt thì không
đứt. Nước xem là nước thì đó không phải là nước thật, lửa xem là lửa thì đó chính là
lửa giả; nước thật thì nóng được, lửa thật thì lạnh được.” [169,tr.152]
Thiền sư Tuệ Trung của phái Trúc Lâm đã triệt ngộ Phật tính, sống trọn vẹn
với thể tính bình đẳng, nên trong Phàm thánh bất dị 凡聖不異 đã khẳng định Phật với chúng sinh cũng cùng mặt mũi như nhau. Cái nhìn vượt không gian, thời gian
này là cơ sở vững chắc, mang tính nhân văn với ý nghĩa cao nhất, siêu việt thời đại về sự bình đẳng tuyệt đối không chỉ giữa người và người, mà còn giữa mọi chúng sinh với Phật Trời Thần Thánh. Bởi vì, tất cả đều có Phật tính bình đẳng như nhau.
Hải Lượng kế thừa và xiển dương tinh thần bình đẳng qua chương Thu thanh:我聞孔子曰鳥獸不可與同群吾非斯人之徒與而谁與?蓮花經云我觀一切皆平等無有彼此愛憎之心我無貪著亦無限礙無限礙者儒家大同之義也.
Ngã văn Khổng Tử viết: Điểu thú bất khả dữ đồng quần ngô phi tư nhân chi đồ dữ nhi thùy dữ? Liên Hoa kinh vân ngã quán nhất thiết giai bình đẳng vô hữu bỉ thử ái tằng chi tâm ngã vô tham trước diệc vô hạn ngại, vô hạn ngại giả Nho gia đại đồng chi nghĩa dã. (Ta nghe Khổng Tử nói chim muông (ta) không thể cùng bầy được, nếu không bạn bè với người thì ta còn bạn bè với ai? Kinh Liên Hoa nói rằng, ta xem hết thảy đều bình đẳng, không có lòng yêu này ghét nọ. Ta không tham cái gì cũng không có cái gì hạn định và trở ngại (ta) cả. đó là cái nghĩa đại đồng của Nho gia) [169,tr.174]. Hải Lượng cụ thể hoá và phát huy tinh thần bình đẳng và cho đó giống như cái nghĩa đại đồng của Nho gia theo hướng thực tiễn. Nhưng thật sự ngoài giống nhau, tư tưởng bình đẳng của hai nhà có sâu cạn khác nhau.
Xu hướng thực tiễn hoá lý luận Phật giáo Trúc Lâm là phương châm trong cách giảng giải cho học trò của Hải Lượng. Khi học trò hỏi những vấn đề liên quan đến các khái niệm “tưởng”, “phi tưởng”, “phi phi tưởng” thì thiền sư lấy cớ bản thân mình chưa đạt đến “phi phi tưởng” để giảng tiếp vấn đề tu thân trong mức độ nhân thừa. Hải Lượng thiền sư triển khai lý thuyết luân hồi theo vấn đề này theo hướng thực tiễn:
年有一年之輪廻,月有一月之輪廻,日有一日之輪廻.輪故能廻.如儒循環
一般,環而可循,不環便循不上. Niên hữu nhất niên chi luân hồi; nguyệt hữu
nhất nguyệt chi luân hồi; nhật hữu nhất nhật chi luân hồi. Luân có năng hồi. Như Nho tuần hoàn nhất ban. Hoàn nhi khả tuần, bất hoàn tiện tuần bất thượng. (Một năm có cái luân hồi của một năm, một tháng có cái luân hồi của một tháng, một ngày có cái luân hồi của một ngày. Vì luân (bánh xe)
cho nên hồi (xoay tròn), cũng như nhà Nho nói tuần hoàn, vì hoàn (cái vòng) cho nên tuần (ven theo), không phải cái vòng thì không xoay.) [169,tr.29]
Khi học trò hỏi đến vấn đề luân hồi trong chuyện người chết thì làm dê, dê chết thì làm người, thiền sư viện dẫn sách Nho để giải thích :
儒說見豕負塗載鬼一車,你道是真鬼豕麼?眼本明而花耳本聰而鳴花無影
鳴無響. Nho thuyết kiến thỉ phụ đồ tái quỷ nhất xa, nễ đạo thị chân quỷ thỉ ma? Nhãn bổn minh nhi hoa, nhĩ bổn thông nhi minh, hoa vô ảnh, minh vô
hưởng. (Nho nói: Thấy lợn đội bùn, chở ma một xe thì nhà ngươi cho đó là ma thật, lợn thật hay sao? Mắt vốn sáng mà hoa, tai vốn tỏ mà ù, mắt hoa thì không có bóng, tai ù thì không có vang.)
Thiền sư khẳng định: 人為人,鬼爲鬼,畜生爲畜生. Nhân vi nhân, quỷ vi quỷ,
súc sinh vi súc sinh. (Người là người, ma là ma, súc sinh là súc sinh.) [tr.30]. Rõ ràng, không phải Hải Lượng không hiểu về luân hồi, nhân quả, nghiệp báo của nhà Phật mà ông muốn “đơn giản hoá” những vấn đề dễ gây hiểu nhầm và khó giải thích tường tận bằng cách thức thông thường. Bởi vì, vấn đề này, nếu không khéo giảng giải thì dễ làm người nghe hoang mang mê tín.
Tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm gồm thông cả Thiền - Tịnh - Mật, dung hợp Tam giáo: Phật - Đạo - Nho. Hải Lượng kế thừa và phát triển tư tưởng này một cách có lý luận, có hệ thống, nhất là quan điểm Phật - Nho nhất trí.
Nội dung tư tưởng cốt yếu của tác phẩm thể hiện rõ trên tiêu đề “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh”. Chúng ta có thể hiểu một cách khái quát tiêu đề của tác phẩm này là: Giáo lý chân truyền của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Chữ thanh nghĩa là lời nói, ở đây chỉ giáo lý, học thuyết. Bài kệ kết thúc phần hành trạng nêu rõ quy hướng của ông:
Lòng đạo vắng không,
Nay đã giác ngộ.
Ông về cùng ai,
Trúc Lâm Tam tổ. [175,tr.45]
Pháp mạch và tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần được Hải Lượng Ngô Thì Nhậm dốc lòng khôi phục ở cuối thế kỷ XVIII thì đến mấy chục năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, được Thiền sư Thanh Từ phát huy khá rực rỡ.
Thiền sư Thích Thanh Từ húy là Trần Hữu Phước, sau đổi lại húy là Trần Thanh Từ. Sinh ngày 24 tháng 07 năm Giáp Tý (1924), tại ấp Tích Khánh, làng Tích
Thiện, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long). Thân phụ Trần Văn Mão, thân mẫu là Nguyễn Thị Đủ. Ngài xuất gia năm Kỷ Sửu 1949 với Tổ Thiện Hoa tại chùa Phật Quang. Năm 1968, sau ba tháng nhập thất, Thích Thanh Từ liễu ngộ tâm tông, thông đạt thật tướng Bát nhã. Năm 1971 ông bắt đầu thành lập thiền viện Chân Không hoằng dương chính pháp. Với tôn chỉ kế thừa mạng mạch Thiền phái Trúc Lâm, từ đó đến nay ông đã thành lập hai mươi tám thiền viện, thiền tự như Thường Chiếu, Trúc Lâm Đà Lạt, Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Bạch Mã, Trúc Lâm Tây Thiên, Trúc Lâm Trí Đức… trong và ngoài nước. Ông đã thuyết giảng hầu hết các bộ kinh lớn liên quan đến Thiền tông và các bộ luận và ngữ lục của các vị Tổ sư phái Trúc Lâm như Khoá hư lục, Thánh đăng lục, Tam Tổ thực lục, Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục, Hương Hải thiền sư ngữ lục, Cư trần lạc đạo phú… Thiền sư Thích Thanh Từ là vị cao tăng của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam đương đại, góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn tài sản tinh thần của dân tộc. Hàng ngàn đệ tử xuất gia và hơn tám vạn bốn ngàn Phật tử quy y tu tập theo ông, chỉ riêng việc này đã đủ chứng minh rằng tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm sẽ được truyền thừa mãi mãi với thời gian.
4.3. VỊ TRÍ CỦA TÁC PHẨM TRÚC LÂM TÔNG CHỈ NGUYÊN THANH
TRONG VĂN HỌC PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI
Văn học Phật giáo là một bộ phận cấu thành của văn học dân tộc, có nhà nghiên cứu đã khẳng định: văn học Phật giáo thời Lý - Trần là tinh hoa, là đỉnh cao của văn học Phật giáo Việt Nam, đồng thời văn học Phật giáo còn là bộ phận văn học khơi nguồn, mở đầu cho văn học viết Việt Nam tính từ ngày đất nước giành lại độc lập tự chủ sau hơn một ngàn năm bị phương Bắc đô hộ [134]. Vì thế, văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại chiếm một vị trí khá quan trọng trong nền văn học dân tộc. Trong Lời giới thiệu chuyên khảo Văn học Phật giáo thời Lý - Trần: diện mạo và đặc điểm của Nguyễn Công Lý, GS. Nguyễn Đình Chú có khẳng định: “Muốn hiểu sâu nền văn hoá dân tộc, không thể không hiểu sâu văn hoá Phật giáo, nhất là ở thời trung đại. Trong văn hoá Phật giáo có văn học Phật giáo. Văn học Phật giáo là một bộ phận cấu thành của văn học dân tộc. Khoa Văn học sử Việt Nam nếu không coi trọng đúng mức văn học Phật giáo thì khiếm khuyết là điều tất yếu.” [134,tr.7]
Chúng tôi sử dụng khái niệm văn học Phật giáo để chỉ những tác phẩm thuộc các thể loại như thơ, kệ, tự, bi, minh, ký, luận thuyết triết lý, ngữ lục, niêm tụng kệ, tụng cổ, truyện được thể hiện trên các văn bia, kệ chuông, các bản ván, thực lục, ngữ lục, thiền phả… Về nội dung, đó là những tác phẩm trực tiếp hay gián tiếp bàn về nội
dung tư tưởng nhà Phật; những tác phẩm ít nhiều mang cảm quan Thiền học; những tác phẩm viết về chùa chiền, về sư sãi; kể cả những tác phẩm bài xích Phật giáo.
Có thể nêu ra đây những tác gia tiêu biểu của văn học Phật giáo thời kỳ đầu cho đến hết đời Trần như: Mâu Bác, Khương Tăng Hội, Đỗ Pháp Thuận, Khuông Việt, Vạn Hạnh, Định Hương, Thiền Lão, Lý Thái Tông, Cứu Chỉ, Huệ Sinh, Ngộ Ấn, Viên Chiếu, Mãn Giác, Chân Không, Thuần Chân, Đoàn Văn Khâm, Diệu Nhân, Kiều Trí Huyền, Đạo Hạnh, Trì Bát, Ỷ Lan, Pháp Bảo, Không Lộ, Nguyễn Công Bật, Lý Nhân Tông, Giác Hải, Giới Không, Viên Học, Khánh Hỷ, Viên Thông, Trường Nguyên, Tịnh Không, Bảo Giám, Đạo Huệ, Nguyện Học, Bản Tịnh, Trí Thiền, Đại Xả, Trí Bảo, Quảng Nghiêm, Tô Minh Trí, Nguyễn Thường, Thường Chiếu, Tịnh Giới, Y Sơn, Hiện Quang, Trần Thái Tông, Tuệ Trung thượng sĩ, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Quang Triều, Pháp Loa, Huyền Quang, Trương Hán Siêu, Nguyễn Sưởng, Trần Minh Tông, Phạm Ngộ, Phạm Mại, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Ức…
Những tác gia là thiền sư thời Lê - Nguyễn ở thế kỷ XV - XVII có Đạo Khiêm, Viên Thái, Pháp Tính, Diễn Khánh, Nguyên Thiều, Minh Lương, Minh Hành, Thuỷ Nguyệt, Tông Diễn, Tuệ Tĩnh, Hương Hải, Chân Nguyên, Pháp Bảo, Như Trừng…; ở thế kỷ XVIII - XIX có Liễu Quán, Tính Tuyền, Kỳ Phương, Pháp Chuyên, Tính Quảng, Như Sơn, Tịch Truyền, Toàn Nhật, Pháp Liên, Đạo Nguyên, An Thiền Phúc Điền, Thanh Nguyên, Phổ Tịnh, Thông Vinh, Như Như… thì còn có những tác gia là vua chúa, quý tộc, quan lại, nho sĩ như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Trực, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ, Nguyễn Xuân Chính, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Cư Trinh, Trịnh Căn, Mạc Thiên Tích, Lê Hữu Trác, Lê Ích Mộc, Ngô Thì Sĩ, Lê Quý Đôn, Ngô Thế Lân, Nguyễn Gia Thiều, Ninh Tốn, Đoàn Nguyên Tuấn, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Ngô Ngọc Du, Vũ Huy Tấn, Cao Huy Diệu, Ngô Thì Trí, Ngô Thì Điển, Phạm Quý Thích, Nguyễn Du, Phạm Thái, Nguyễn Hành, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Thiệu Trị, Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương, Tương An quận vương, Nguyễn Thông, Nguyễn Khuyến, Đào Tấn, Chu Mạnh Trinh…
Xin được liệt kê một số tác phẩm văn học Phật giáo tiêu biểu như: Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn của Đỗ Pháp Thuận (915-990); Vương lang quy của Khuông Việt (933-1011); Quốc tự, Khuyến Lý Công Uẩn của Vạn Hạnh (?- 1018), Tham đồ hiển quyết của Viên Chiếu (999-1091); Cáo tật thị chúng của Mãn giác (1052-1096); Vãn Quảng Trí thiền sư của Đoàn Văn Khâm; Ngôn hoài, Ngư nhàn của Không Lộ
(?- 1119); Đại Việt quốc đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi của Nguyễn Công Bật; Truy tán Vạn Hạnh thiền sư của vua Lý Nhân Tông (1066-1128), Khoá hư lục của Trần Thái Tông (1218-1277); Phóng cuồng ngâm, Trừu thần ngâm, Tụng cổ của Tuệ Trung thượng sĩ (1230-1291), Độc Phật sự đại minh lục hữu cảm, Hạ cảnh của Trần Thánh Tông (1240-1290); Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Thượng sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông (1258-1308); Trúc Lâm tôn giả thượng toà thính sư thị chúng, Yếu minh học thuật của Pháp Loa (1284-1330); Vịnh Vân Yên tự phú, Cúc hoa của Huyền Quang (1254-1334); Dục Thuý sơn Linh Tế tháp ký của Trương Hán Siêu (?-1354); Tiên du vạn phúc tự của Nguyễn Sưởng; Vãn Pháp Loa tôn giả, đề Thanh Mai tự, Tặng Huyền Quang tôn giả của Trần Minh Tông (1300-1357); Thôn Nam sơn tiểu khê của Chu Văn An (?-1370); Đề Báo Thiên tháp của Phạm Sư Mạnh; Bảo Nghiêm tháp của Trần Nguyên Đán (1325-1390); Đề Tiên Du tự của Nguyễn Phi Khanh (1355- 1428); một số bài thơ trong Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (1380-1442) như Tống tăng Đạo Khiêm quy sơn, Du sơn tự, Du Nam Hoa tự, Đề Yên Tử sơn Vân Yên tự, Hoa mộc cận, v.v..; Viên Thái (1400-1460) dịch Đại báo phụ mẫu ân trọng kinh ra tiếng Việt; bài Thập giới cô hốn quốc ngữ văn, mấy bài thơ viết về chùa chiền trong Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông (1442-1497) và Hội Tao đàn; một vài bài thơ trong Bạch Vân thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) như các bài giới răn trong thơ Nôm, bài Du Phổ Minh tự, Ngộ Trung nguyên xá tội trong thơ chữ Hán; những câu chuyện như Nghiệp oan của Đào thị, Cái chùa hoang ở Đông Triều trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ; tác phẩm Thiền môn khoa giáo, Nam tông tự pháp đồ của Lương Thế Vinh (1441-?); Thánh đăng ngữ lục của Chân Nghiêm thiền sư; Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa của Pháp Tính (1470- 1550); Nam Hải Quan Âm Phật sự tích ca của Thọ Tiên Diễn Khánh (1559-1620); Ngôi chùa ven cửa bể Tư Dung của Đào Duy Từ (1572-1636); Truy tán thiền sư Nguyên Thiều của Nguyễn Phúc Chu (1675- 1725); Sự lý dung thông, Giải Chân tâm trực thuyết, Ngữ lục của Hương Hải thiền sư (1628-1715); Kiến tính thành Phật lục, Thiền tông bản hạnh của Chân Nguyên thiền sư (1646-1726); bài thơ Tiêu tự thần chung của Nguyễn Cư Trinh (1716-1767); bài Phật Tích sơn tự thi của Trịnh Căn; bài Đề Bồng Lai tự của Lê Hữu Trác (1720-1791); bài Nhị Thanh động sự ký của Ngô Thì Sĩ (1725-1780); tác phẩm Kiến văn tiểu lục (thiên Thiền dật) của Lê Quý Đôn (1726-1784); tác phẩm Tam tổ thực lục được cho là của Tính Quảng (1740- 1780) và Hải Lượng; tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, các bài thơ Vãn thu
tham thiền, Tặng Liên Lão thiền sư Hưng Long tự, Lệ Giang vãn vọng, Đề Vạn Niên am của Hải Lượng Ngô Thì Nhậm (1746-1803); tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều (1741-1798); tác phẩm Kế đăng lục của Như Sơn; bài Vô tự thuyết của Ngô Thì Trí; bài Du Phúc Lộc tự của Ngô Thì Chí (1752-1788); Tây Phương sơn tự của Ngô Thì Điển; Quá Tây Phương sơn tự, Sùng Phúc tự Tây Phương sơn chung ký, Trúc Lâm Đại chân Viên giác thanh tự của Phan Huy Ích (1751- 1822); tác phẩm Hứa Sử truyện vãn của Toàn Nhật thiền sư (1755-1832); bài Du Tây Hồ Trấn Quốc tự của Phạm Quý Thích (1760-1825); tác phẩm Đoạn trường tân thanh, bài Văn tế thập loại chúng sinh, bài thơ Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài của Nguyễn Du (1765-1820); bài Đề Tiêu Sơn tự, tác phẩm Sơ kính tân trang của Phạm Thái (1777-1814); bài Chùa Trấn Bắc của Bà Huyện Thanh Quan; bài Vịnh Phật của Nguyễn Công Trứ (1778-1859); bài An sơn Phật Tích sơn hoài cổ của Nguyễn Văn Siêu (1799-1872); bài Dục Thuý Sơn tự của Cao Bá Quát (1808-1855); tác phẩm Pháp hoa quốc ngữ kinh của Pháp Liên (1800- 1860); các tác phẩm Đạo giáo nguyên lưu, Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục của An Thiền Phúc Điền (1790-1860); tác phẩm Giác Hoàng Phạn ngữ của Thiệu Trị (1811-1847); bài Huệ Cảnh Xà Lê điếu của Tùng Thiện vương (1819-1870); bài Tường Vân tự bi ký của Tuy Lý vương (1820-1897); bài thơ Tặng Nhất Định thiền sư của Tương An quận vương (1820- 1854); tác phẩm Dương Từ Hà Mậu, Ngư Tiều vấn đáp nho y diễn ca (Ngư tiều y thuật vấn đáp) của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888); bài Ký Chân giác thiền sư của Nguyễn Thông (1827-1884); tác phẩm Hàm Long sơn chí của Như Như (1836-1899); bài Tránh nắng ở chùa Thanh Giang của Nguyễn Khuyến (1835-1909); bài Tự Phật của Đào Tấn (1845-1907), v.v..
Đơn cử như Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người chính thức khai sáng Thiền phái Trúc Lâm, người để lại một sự nghiệp vĩ đại cho dân tộc Đại Việt ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn chương. Từ xưa đến nay ít có vị vua nào được như Trần Nhân Tông, nhìn ra thế giới, cùng thời với Ngài, không nhiều những vị vua có thể lập Đức, lập Công, lập Ngôn như Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Chỉ xét riêng ở lĩnh vực văn học, vị Sơ Tổ Trúc Lâm này có vị trí rất quan trọng trong nền văn học dân tộc. Trừ bài thơ tiếng Việt chữ Nôm Giáo trò với ba mươi hai âm tiết tương truyền là của thiền sư Đạo Hạnh, thì hai tác phẩm viết bằng tiếng Việt chữ Nôm: Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Sơ Tổ Trúc Lâm đại sĩ cùng với tác phẩm Vịnh Vân Yên tự phú của Tam Tổ Huyền Quang là những tác phẩm văn học hoàn chỉnh đầu tiên có giá trị lớn của nền văn học chữ Nôm tiếng