Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh - 2

- Đào Anh Tới (2014), “Hoàn thiện cơ sở pháp lý về chứng cứ điện tử trong phòng, chống tội phạm công nghệ cao”, Tạp chí Kiểm Sát, Số Xuân (01/2014);

- Lê Tường Vy (2015), “Bàn về tội Sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, Tạp chí Kiểm Sát, Số 5/2015;

- Đỗ Huyền Trang (2015), “Giải pháp xử lý, ngăn chặn và phòng ngừa tội phạm công nghệ cao ở Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Số 22 (11/2015);

- Nguyễn Đình Trung (2016), “Cảnh báo một số hành vi lừa đảo qua mạng máy tính, mạng internet hoặc sử dụng các phương tiện điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Tạp chí Kiểm sát, Số 10/2016.

Các bài viết trên đã nhận diện và làm sáng tỏ một số vấn đề về khái niệm, đặc trưng, các dấu hiệu pháp lý của Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử hình sự tội phạm này; phân tích, đối chiếu và phân biệt tội phạm này với một số tội phạm khác trong Bộ luật hình sự và đề xuất giải pháp hoàn thiện

Tuy nhiên, các công trình này chỉ nghiên cứu các nội dung riêng lẻ của Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản chứ chưa nghiên cứu đầy đủ một cách có hệ thống về tội phạm này ở cả lý luận và thực tiễn. Do đó, việc nghiên cứu đầy đủ lý luận cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản từ thực tiễn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là công trình mới, không trùng lặp với bất cứ công trình khoa học nào, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu của luận văn là trên cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đối với Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Luận văn tìm ra những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc thời gian qua; từ đó kiến nghị và đề xuất các giải

pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực tiễn áp dụng pháp luật đối với tội phạm này trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 97 trang tài liệu này.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, luận văn có các nhiệm vụ sau:

Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh - 2

- Hệ thống hóa, làm rò các khái niệm, dấu hiệu pháp lý của Tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 290 BLHS. Phân biệt Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với các tội phạm khác.

- Phân tích, đánh giá thực tiễn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án cụ thể về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, tìm ra những vấn đề khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp phải trong việc xác định dấu hiệu hành vi phạm tội.

- Từ việc tìm ra những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật, tác giả luận văn sẽ kiến nghị, đề xuất những giải pháp để hoàn thiện quy định của pháp luật về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản cũng như những giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong xét xử các vụ án có liên quan tới tội phạm này trong thời gian tới.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của Luận văn là cơ sở lý luận, quy định của pháp luật hình sự và thực tiễn áp dụng pháp luật trong xét xử đối với Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

4.2. Phạm vi nghiên cứu

- Về không gian: Luận văn nghiên cứu Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

- Về thời gian: Luận văn nghiên cứu các vụ án Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản từ năm 2016 đến năm 2020.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Cơ sở lý luận

Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin với phép duy vật biện chứng khoa học và biện chứng khoa học lịch sử; tư tưởng Hồ Chí Minh; các quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Để phục vụ cho việc nghiên cứu, luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp so sánh, lịch sử.

- Phương pháp phân tích và tổng hợp nhằm tiến hành phân tích và tổng hợp một cách khái quát các nội dung cần nghiên cứu trong Luận văn. Qua đó, phân tích thành từng vấn đề để tìm hiểu cụ thể quy định về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, Luận văn tiến hành tổng hợp từng vấn đề lý luận đã phân tích, nhằm làm rò, đầy đủ và cụ thể về tội phạm này.

- Phương pháp so sánh được sử dụng để làm rò những điểm giống nhau và khác nhau trong quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với một số tội phạm khác có liên quan và với quy định của tội phạm này trong luật hình sự một số nước trên thế giới.

- Phương pháp bình luận án được sử dụng để bình luận các bản án trong thực tiễn xét xử vào nội dung đề tài nghiên cứu.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa về mặt lý luận

- Đề tài xây dựng được khái niệm, dấu hiệu pháp lý của tội phạm quy định tại Điều 290 BLHS.

- Phân tích một cách toàn diện các quy định trong BLHS và văn bản hướng dẫn thi hành về tội phạm quy định tại Điều 290 BLHS, so sánh với các quy định của

điều luật tương tự. Tìm ra những hạn chế, thiếu sót trong quy định của pháp luật về Điều 290 BLHS hiện hành

- Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện về mặt pháp luật, làm cơ sở lý luận khoa học về tội phạm quy định tại Điều 290 BLHS;

6.2. Ý nghĩa về mặt thực tiễn

Kết quả nghiên cứu của luận văn đã chỉ ra được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật về Điều 290 BLHS, từ đó, đưa ra các kiến nghị có cơ sở lý luận và thực tiễn để giải quyết các khó khăn, vướng mắc đó. Vì vậy, kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng để các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước nói chung, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả áp dụng quy định của BLHS về Điều 290 BLHS. Ngoài ra, những kết quả nghiên cứu của đề tài luận văn đạt được còn có thể làm tài liệu tham khảo cho các học viên khác và cho những người có quan tâm trong quá trình công tác, học tập và nghiên cứu.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận văn bao gồm 03 chương:

Chương 1: Những vấn đề lý luận và pháp luật hình sự Việt Nam về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Chương 2: Thực tiễn áp dụng quy định về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương 3: Các yêu cầu và giải pháp bảo đảm áp dụng đúng pháp luật hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ TỘI SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN


1.1. Những vấn đề lý luận về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

1.1.1. Khái niệm về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

Trước khi tìm hiểu khái niệm về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, chúng ta cần tìm hiểu một số khái niệm sau về: mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, phương tiện điện tử, dữ liệu, thương mại điện tử, chiếm đoạt tài sản.

- Mạng máy tính: là tập hợp nhiều máy tính kết nối với nhau, có thể chia sẽ dữ liệu cho nhau.

- Mạng viễn thông: là một tập hợp các thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông. Mạng viễn thông gồm có: Mạng viễn thông công cộng, mạng viễn thông riêng, mạng nội bộ.

- Mạng Internet: là một hệ thống các mạng máy tính liên kết toàn cầu sử dụng chuẩn Internet Protocol Suite (TCP/IP) để phục vụ hàng tỷ người dùng trên khắp thế giới. Nó là mạng của các mạng, bao gồm hàng triệu mạng cá nhân, mạng cộng đồng, trường đại học, doanh nghiệp, chính phủ, từ từng địa phương đến phạm vi toàn cầu, liên kết với nhau. Internet chứa đựng phạm vi nguồn thông tin và dịch vụ vô cùng lớn, như World Wide Web (WWW) và hạ tầng hỗ trợ sử dụng thư điện tử (http://en Wikipedia.org/wiki/Internet). Theo quy định tại Điều 3 Luật viễn thông năm 2018 thì mạng Internet còn được hiểu là hệ thống thông tin toàn cầu sử dụng giao thức Internet và tài nguyên Internet đi cung cấp các dịch vụ và ứng dụng khác nhau cho người sử dụng dịch vụ viễn thông.

- Phương tiện điện tử: là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện tử hoặc công nghệ tương tự như: Điện thoại, máy tính...

- Tội phạm: là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực TNHS hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của BLHS phải bị xử lý hình sự.

- Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là một trong những tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hay còn gọi là tội phạm công nghệ cao. Dựa vào khái niệm tội phạm được quy định trong BLHS, có thể đưa ra khái niệm về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản như sau: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do một người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi thực hiện với lỗi cố ý bằng việc sử dụng phương tiện phạm tội là mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử nhằm xâm phạm và phá vỡ hoạt động cùng với sự an toàn của hệ thống công nghệ thông tin được pháp luật hình sự bảo vệ, qua đó xâm phạm quyền sở hữu tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo vệ.

1.1.2. Dấu hiệu pháp lý của Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tại Điều 290 về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các

trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 290 BLHS năm 2015 là căn cứ pháp lý để làm rò cấu thành tội phạm của Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phân biệt tội phạm này với những tội phạm khác. Đây là căn cứ pháp lý để Tòa án quy kết người nào đó có phạm tội Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản hay không.

Khoa học pháp lý về hình sự xác định “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” có 04 yếu tố cấu thành tội phạm, đó là: khách thể của tội phạm, chủ thể của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm. Bốn yếu tố cấu thành tội phạm này có mối liên hệ mật thiết, bổ trợ lẫn nhau, cụ thể như sau:

1.1.2.1. Khách thể của tội phạm:

Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản được quy định tại Chương XXI - Các tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Như vậy, có thể thấy việc sắp xếp tội trên trong Bộ luật Hình sự Việt Nam phản ánh khách thể của tội phạm này nằm trong khách thể loại của nhóm tội an toàn công cộng, trật tự công cộng.

Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là xâm phạm hoạt động bình thường của hệ thống công nghệ thông tin và còn xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về lợi ích vật chất cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Như vậy, khách thể trực tiếp của Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là xâm phạm sự an toàn của hệ thống công nghệ thông tin (an toàn trong lĩnh vực công nghệ thông tin) và qua đó xâm hại quan hệ sở hữu của người khác.

Xem tất cả 97 trang.

Ngày đăng: 25/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí