Nhận xét: Các công trình nêu trên nghiên cứu về tội chống người thi hành công vụ với một số dấu hiệu pháp lý, cùng với các tội danh khác quy định trong BLHS; chưa đi sâu phân tích những tồn tại, hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành và văn bản hướng dẫn thi hành cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự về tội danh này từ đó kiến nghị những giải pháp hoàn thiện pháp luật và bảo đảm áp dụng đúng pháp luật trong thực tiễn.
2.2. Dưới góc độ đề tài luận án tiến sỹ và luận văn thạc sỹ
Luận văn thạc sĩ luật học, Bùi Hoài Thương (2016), Tội chống người thi hành công vụ trong luật hình sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Nhận xét: Luận văn đã phân tích được các dấu hiệu pháp lý của tội chống người thi hành công vụ, lịch sử lập pháp các quy định về tội này, quy định của một số quốc gia trên thế giới về tội chống người thi hành công vụ, kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, luận văn nghiên cứu tội chống người thi hành công vụ trong bối cảnh BLHS năm 2015 chưa có hiệu lực pháp luật, trên phạm vi cả nước, trong giai đoạn 2012 đến 2016, khác về phạm vi không gian và cách xa thời gian tác giả nghiên cứu.
Luận văn thạc sĩ luật học, Nguyễn Anh Tuấn (2017), Tội chống người thi hành công vụ theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Học viện khoa học xã hội.
Nhận xét: Luận văn đã phân tích các dấu hiệu pháp lý của tội chống người thi hành công vụ, lịch sử lập pháp các quy định về tội này, kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật tại tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, luận văn nghiên cứu tội chống người thi hành công vụ trong bối cảnh BLHS năm 2015 chưa có hiệu lực pháp luật, trên phạm vi thời gian và không gian khác đề tài tác giả nghiên cứu.
Luận văn thạc sĩ, luật học Phạm Quốc Huy (2020), Tội chống người thi hành công vụ từ thực tiễn thành phố Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Học viện khoa học xã hội.
Nhận xét: Luận văn đã phân tích các dấu hiệu pháp lý của tội chống người thi hành công vụ theo quy định của BLHS năm 2015, lịch sử lập pháp các quy định về tội này, kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật tại thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, luận văn nghiên cứu tội chống người thi hành công vụ trên phạm vi thời gian và không gian khác đề tài tác giả nghiên cứu.
Có thể bạn quan tâm!
- Tội chống người thi hành công vụ từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai - 1
- Dấu Hiệu Đặc Trưng Của Tội Chống Người Thi Hành Công Vụ
- Phân Biệt Tội Chống Người Thi Hành Công Vụ Với Tội Cố Ý Gây Thương Tích Hoặc Gây Tổn Hại Cho Sức Khỏe Của Người Khác Trong Trường Hợp “Đối
- Điểm Mới Của Tội Chống Người Thi Hành Công Vụ Trong Bộ Luật Hình Sự Năm 2015
Xem toàn bộ 93 trang tài liệu này.
Ngoài ra, còn có một số luận văn thạc sĩ khác như: Nghiêm Xuân Cương (2021), Tội chống người thi hành công vụ từ thực tiễn tỉnh Bắc Ninh, Học viện khoa học xã hội; Phạm Quốc Huy (2020), Tội chống người thi hành công vụ từ thực tiễn thành phố Hà Nội, Học viện khoa học xã hội; Trần Hoàng Vũ (2019), Tội chống người thi hành công vụ theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam, Học viện khoa học xã hội; Vũ Thị Dịu (2018), Áp dụng pháp luật hình sự về tội chống người thi hành công vụ từ thực tiễn thành phố Hải Phòng, Học viện khoa học xã hội; v.v...
Nhận xét: Các luận văn nếu trên cũng đã phân tích được các dấu hiệu pháp lý của tội chống người thi hành công vụ, lịch sử lập pháp các quy định về tội này, kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, so với các luận văn trên thì tác giả nghiên cứu trên phạm vi không gian khác, dựa trên số liệu thống kê và các bản án của TAND tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020 nên không trùng lặp với bất kỳ công trình nghiên cứu nào trước đây.
2.3. Đề tài nghiên cứu và bài viết trên các tạp chí chuyên ngành
Bài viết “Tội chống người thi hành công vụ và một số tội khác có dấu hiệu chống người thi hành công vụ trong Luật hình sự Việt Nam”, của tác giả Phạm Văn Báu đăng trên Tạp chí luật học số 06-2005 (tr 9-11).
Bài viết “Hoàn thiện căn cứ pháp lý cho tội chống người thi hành công vụ bị gây thương tích”, của tác giả Ngô Văn Lượng đăng trên Tạp chí Khoa học kiểm sát số 03-2018 (tr 26-28).
Bài viết "Hình phạt đối với tội phạm chống người thi hành công vụ ở một số quốc gia" của TS. Nguyễn Toàn Thắng đăng trên Tạp chí Kiểm sát, số 15/2020, tr. 58-60.
Bài viết "Hoàn thiện căn cứ pháp lý cho tội chống người thi hành công vụ khi người thi hành công vụ bị gây thương tích" của Ngô Văn Lượng đăng trên Tạp chí Khoa học kiểm sát số 23/2018, tr. 25-27.
Nhận xét: Các công trình nghiên cứu trên chủ yếu nghiên cứu tội chống người thi hành công vụ với khía cạnh nhỏ về mặt lý luận hoặc từ thực tiễn mà chưa đi sâu nghiên cứu quy định của pháp luật và thực tiễn tội chống người thi hành công vụ một cách đầy đủ, toàn diện.
Nhận xét chung: Các đề tài, công trình nghiên cứu trên cơ bản đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, đánh giá tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ. Các kết quả nghiên cứu về lí luận của các công trình nêu trên sẽ được tác giả tiếp thu, phát triển trong luận văn của mình. Tuy nhiên, những công trình trên đều đã được thực hiện cách đây một thời gian, có đề tài nghiên cứu từ thực tiễn ở một địa phương nhất định, nhưng các địa phương có tính đặc thù, đặc điểm khác nhau nên có những cách áp dụng pháp luật, xử lý có nét khác biệt và chưa có đề tài nghiên cứu nào về “Tội chống người thi hành công vụ từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai”. Do vậy, học viên đã chọn đề tài này làm đề tài nghiên cứu luận văn thạc sỹ của mình.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Từ cơ sở các vấn đề lý luận và các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, từ thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về TCNTHCV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, luận văn đề xuất các giải pháp bảo đảm việc xác định tội danh
và quyết định hình phạt đối với TCNTHCV theo pháp luật Việt Nam và đề suất sửa đổi, bổ sung chế định liên quan đến TCNTHCV trong thời gian tới.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích trên, luận văn giải quyết những nhiệm vụ sau:
- Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận và pháp luật về tội chống người khi thi hành công vụ.
- Nghiên cứu thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật hình sự về tội chống người thi hành công vụ tại tỉnh Đồng Nai, những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của nó.
- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu các chương trên, luận văn đưa ra một số giải pháp bảo đảm áp dụng đúng pháp luật về tội chống người thi hành công vụ.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận về TCNTHCV, được quy định tại Điều 330 BLHS 2015. Đồng thời, tìm hiểu thực tiễn áp dụng pháp luật quy định về TCNTHCV tại tỉnh Đồng Nai.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn được nghiên cứu trong phạm vi những lý luận về TCNTHCV, chuyên ngành Luật hình sự và tố tụng hình sự gắn với thực tiễn tại tỉnh Đồng Nai. Các số liệu thu thập tại TAND tỉnh Đồng Nai từ năm 2016 đến năm 2020.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp luận
Luận văn được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về Nhà nước và pháp luật, về đấu tranh, phòng chống tội phạm.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Học viên đã trực tiếp tổng hợp các tài liệu liên quan đến TCNTHCV và nghiên cứu, phân tích, đánh giá một số vụ án phạm tội chống người thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Đồng Nai. Những phương pháp nghiên cứu cụ thể là: phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê…
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
6.1. Ý nghĩa lý luận
Luận văn góp phần làm phong phú thêm cơ sở lý luận, góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật về TCNTHCV. Ngoài ra, luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu học tập và nghiên cứu.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Kết quả nghiên cứu trong luận văn góp phần nâng cao hiệu quả xử lý các vụ án hình sự về TCNTHCV, đồng thời làm cơ sở để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số chế định của pháp luật liên quan đến TCNTHCV trong hệ thống pháp luật hình sự nước ta.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương, như sau:
Chương 1: Những vấn đề lý luận và pháp luật về tội chống người khi thi hành công vụ.
Chương 2: Thực tiễn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về tội chống người thi hành công vụ tại tỉnh Đồng Nai.
Chương 3: Giải pháp bảo đảm áp dụng đúng pháp luật về tội chống người thi hành công vụ.
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ TỘI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ
1.1. Khái niệm và dấu hiệu đặc trưng của tội chống người thi hành công vụ
1.1.1. Khái niệm tội chống người thi hành công vụ
- Về khái niệm công vụ
Để hiểu rò khái niệm tội chống người thi hành công vụ, chúng ta cần hiểu rò bản chất của công vụ và chống người thi hành công vụ là như thế nào? Ở nước ta hiện nay, trong các văn bản pháp luật, thuật ngữ “công vụ”
chưa được hiểu thống nhất, cụ thể:
Nghị quyết số 04/NQ-HĐTPTANDTC: “Công vụ là một công việc mà cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội giao cho một người thực hiện” [13].
Nhận xét: Kể từ khi BLHS năm 1985 được ban hành thì đây là văn bản pháp luật đầu tiên đề cập đến khái niệm công vụ, nhưng đây là khái niệm công vụ theo nghĩa rộng, không giới hạn phạm vi, chủ thể của công vụ.
Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: “Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan” [28, Điều 2].
Nhận xét: Có thể thấy quy định này đã chỉ ra đặc điểm quan trọng nhất của công vụ đó là việc thực hiện phải tuân theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và quy định có liên quan (tính đúng pháp luật) và giới hạn phạm vi chủ thể của hoạt động công vụ là cán bộ, công chức.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2010 có nội dung xác định: “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện
nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án” [26].
Nhận xét: Có thể thấy trong khái niệm này thì phạm vi của công vụ chỉ trong ba lĩnh vực là quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Đây là những lĩnh vực có việc ban hành nhiều quyết định cá biệt, có tính chất mệnh lệnh - phục tùng và tác động tới từng cá nhân cụ thể và chủ thể của hoạt động này là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ.
Từ các quan điểm trên, có thể hiểu công vụ phải là hoạt động quản lý nhà nước và là hoạt động thực hiện đúng quy định của pháp luật, tức là những hoạt động được thực hiện dựa trên cơ sở quy định của pháp luật, được giới hạn trong ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Chủ thể của công vụ là người thuộc các cơ quan nhà nước hoặc được cơ quan nhà nước giao quyền thực hiện những nhiệm vụ nhất định. Hoạt động không đúng pháp luật là hoạt động “làm trái công vụ” và rò ràng không phải là công vụ.
- Về người thi hành công vụ
Tương tự như khái niệm “công vụ” chưa được nhận thức thống nhất, nên “người thi hành công vụ” cũng có nhiều cách hiểu khác nhau:
Nghị quyết 04/NQ-HĐTPTANDTC quy định: “Người thi hành công vụ là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội, thực hiện chức năng, nghiệp vụ của mình và cũng có thể là những công dân được huy động làm nghiệp vụ (như: tuần tra, canh gác...) theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội”.
Theo hướng dẫn trên thì người thi hành công vụ gồm:
+ Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
+ Những công dân được huy động làm nhiệm vụ theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2010 quy định: “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án” [26, Điều 3].
Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ xác định, người thi hành công vụ “... là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội” [7, Điều 3].
Từ những định nghĩa trên, tác giả rút ra một số đặc điểm của người thi hành công vụ như sau:
+ Thứ nhất, người thi hành công vụ là người có thẩm quyền thực hiện công vụ nhất định, bao gồm hai nhóm là: Người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án. Người tuy không được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào làm việc trong các cơ quan nhà nước nhưng được các cơ quan nhà nước hay người có chức vụ quyền hạn giao thực hiện một nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án.