Hoạt Động Tuần Tra, Kiểm Soát Vùng Biển Và Thực Thi Chủ Quyền Trên Quần Đảo Hoàng Sa – Trường Sa

Chương 3

HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ VÀ THỰC THI CHỦ QUYỀN VÙNG BIỂN MIỀN TRUNG DƯỚI TRIỀU NGUYỄN GIAI ĐOẠN 1802-1885


Với việc xây dựng hệ thống phòng thủ tại các cảng biển vùng duyên hải cùng việc tổ chức lực lượng thủy quân đông đảo, các vua đầu triều Nguyễn có điều kiện để tổ chức các hoạt động bảo vệ và thực thi chủ quyền tại vùng biển miền Trung. Đó là các hoạt động tuần tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục thể hiện quyền làm chủ của mình trên vùng biển dài rộng, trong đó đặc biệt chú ý đến việc quản lý và khai thác tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Một số hoạt động khác là phòng ngừa, chống ngoại xâm, chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn cũng được thực hiện. Đó là những hoạt động chủ yếu của triều Nguyễn nhằm thực thi và bảo vệ chủ quyền trên vùng biển miền Trung.

3.1. HOẠT ĐỘNG TUẦN TRA, KIỂM SOÁT VÙNG BIỂN VÀ THỰC THI CHỦ QUYỀN TRÊN QUẦN ĐẢO HOÀNG SA – TRƯỜNG SA

3.1.1. Tuần tra, kiểm soát vùng biển

Tuần tra, kiểm soát là hoạt động quan trọng trong bảo vệ và thực thi chủ quyền vùng biển. Mục đích của tuần tra mặt biển được vua Minh Mạng chỉ rõ là là một việc mà có đến ba điều lợi: “đi tuần phòng ven bể, một là để thao luyện cách lái thuyền cho quen thiện dòng nước, một là để tập đánh dưới nước, biết rõ đường bể, khiến cho bọn giặc bể nghe tin không giám gây sự. Thế có phải là một việc mà được ba điều lợi không” [144: 310]. Một trong những cái lợi trực tiếp mà Minh Mạng không đề cập đến trong bản dụ trên là bảo vệ vận tải biển, vốn được sử dụng rất nhiều trong việc vận chuyển sản vật và vật liệu ở các địa phương về Kinh đô. Trên thực tế, hoạt động tuần tra được thực hiện thường xuyên nhưng chú trọng nhiều nhất vào khoảng tháng 3 đến tháng 7, có khi bắt đầu từ tháng 4 và kéo đến tháng 8. Đó là những tháng thuận lợi cho việc vận tải đưởng thủy và đây cũng chính là thời điểm có nhiều cướp biển. Như cách hiểu thông thường, các thuyền tuần tra còn có nhiệm vụ hộ tống thuyền vận tải. Vua Tự Đức từng quở trách bộ Binh về việc phân chia tàu hộ tống không đảm bảo với châu phê “Nghĩ xét thế nào mà không hợp lý?

Hà Tĩnh thì không cho đi hộ tống, Nghệ An thì vận tải trở về lại sai đi hộ tống, đều không đáng việc” [53: tập 282, tờ 66].

Công tác tuần tra được tiến hành theo chu kỳ nhất định, tùy thuộc vào thời gian có nhiều thuyền buôn và thuyền công sai đi lại nhiều hay ít. Binh thuyền phái đi cũng luân phiên thay đổi 3 tháng một lần bởi “phái đi lâu ngày, có phần nhọc mệt, nay chuẩn cho các viên quản vệ đang tại ngũ ở nguyên mà quản suất, còn các viên quản suất dư dả cho đến quân lính, cứ 3 tháng phải chiếu số thay đổi, để cho kẻ làm người nghỉ được đồng đều” [85: 310]. Tháng 8.1810, vua Gia Long định lại 4 điều về việc vận tải biển, trong đó có nói: “việc vận tải cứ mỗi năm một lần, thượng tuần tháng Tư thì ra biển. Quan sở tại trước ngày ra khơi, tư ngay cho các trấn thủ các địa phương, ngày đêm đi tuần ở biển; thuyền chở đi qua, có cần giúp đỡ gì, tức thì chiếu cố và khám làm chứng, đem việc tâu lên" [149: 795]. Tuy nhiên cũng tùy theo từng điều kiện cụ thể mà có thể tiến hành sớm hoặc muộn hơn có khi tháng Giêng, tháng Hai đã phải tiến hành tuần thám. Đặc biệt ở các vùng biển có nhiều hải tặc thì không kể mùa nào bởi tấn thủ sở tại vốn có trách nhiệm tuần phòng...

Việc tuần tra, kiểm soát vùng biển nói chung được giao cho đội quân chính qui, song ở các địa phương thường được giao quyền chủ động. Để làm điều đó, Nhà nước phân ngạch các thuyền tuần tra cho tất cả các tỉnh miền Trung [PL 2]. Các tỉnh lấy dân địa phương (dân ngoại tịch) rồi lập thành các đội tuần tra, như tháng 7.1803, “lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập đội Hoàng Sa. Sai thuộc nội Cai cơ Võ Văn Đức quản giữ ba đạo Cần Giờ, Vũng Tàu và Đồng Tranh”. Võ Văn Đức tâu rằng: “Cần Giờ trước có quân ba đội Bình Hải, gần đây trốn đi gần hết. Xin hạ lệnh cho Cai đội Tiền thủy là Bùi Văn Hạnh mộ dân ngoại tịch lập làm đội Bình Hải cho lệ theo để sai khiến”. Vua y cho [149: 566]. Bản dụ thời Minh Mạng qui định “các tỉnh có hải phận, đều đóng hai, ba chiếc thuyền nhanh nhẹ, và sai nhân dân các đảo sửa chữa thuyền đánh cá, liệu cấp khí giới để đi tuần thám” [114: 427]. Năm 1838, vua Minh Mạng chuẩn cho các trấn từ Thuận An trở vào nam, lấy dân tráng 36 xã thôn, chia làm 6 thành, trích lấy 1 thành, 192 người đặt làm 4 đội cùng với 3 đội cũ gọi là vệ Phong Hải (trước đặt gọi là vệ Tuần Hải) đặt 1 viên quản vệ chuyên coi biền binh vệ ấy. Hàng năm cứ ngày 15.1 thì ra biển do thám [114: 661].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 235 trang tài liệu này.

Quân địa phương đóng vai trò quan trọng, là "tai mắt" của triều đình trong việc nắm bắt thông tin, tuần thám trên biển. Điều này có thể tìm thấy nhiều dẫn chứng từ các tư liệu trong chính sử nhà Nguyễn như Thực lục Hội điển và đặc biệt là Châu bản triều Nguyễn. Ví dụ, bản tấu bộ Binh ngày 30.2 năm Minh Mạng 19 (1938) về việc phái thuyền đi tuần tiễu vùng biển nam, bắc. Theo đó, về phía nam có thuyền Thanh Hải, hai chiếc Tuần Hải, hai Ô thuyền; 2 viên quản vệ 6 Suất đội, biền binh hơn 270 người. Về phía bắc có thuyền Định Hải, Tuần Hải, hai Ô thuyền, 1 viên quản vệ phối hợp với các loại biền binh thuỷ bộ là hơn 220 người [51; tập 65, tờ 291]. Các Châu bản ngày 20.7 năm Thiệu Trị 1 (1841), ngày 8.7 năm Thiệu Trị 7 (1847), đều có nội dung cho rút binh thuyền tuần dương khi mùa vận tải đã xong, vùng biển đã yên: “Nay thời tiết đã vào thu mà vùng biển của các địa phương đều đã yên. Vậy truyền dụ cho binh thuyền do Kinh phái, ở phía Nam là Hiệp quản Vũ Khoa lập tức đem binh thuyền rút về Kinh. Ở phía Bắc là bọn Quản vệ Trần Quang Cương chờ tới hạ tuần tháng này, sau khi việc vận tải đã xong thì đem binh thuyền rút về. Châu điểm”. [52: tập 9, tờ 62; tập 48, tờ 172].

Thuyền ở Kinh phái và thuyền ở các tỉnh phái đi thường là phía nam đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, phía bắc có khi tới tận Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay), nhưng thường là tới Nam Định. Ở các tỉnh thì công tác tuần tra đều do thủy quân ở các vệ thực hiện. Có báo cáo thường xuyên cho triều đình về thời gian đi, thuyền hiệu, số quân và dân binh, biền binh thực hiện. Tấu của Đề đốc Kinh thành Lương Văn Liễu ngày 15.1 năm Minh Mạng 19 (1838), cho rằng nay khí trời ấm áp, đường biển thuận tiện thời kỳ thương thuyền qua lại buôn bán nên phái binh thuyền tuần tiễu để vùng biển được yên ổn: “Nay xin phái Giám thành vệ Phó vệ uý Trương Đình Bành quản lĩnh nhuệ binh 10 tên cùng biền binh đến Thuận An 30 tên gồm 60 tên, chia ra tại cửa tấn, phái hai thuyền đầy đủ khí giới đi các cửa biển trong hạt tuần tiễu, nếu gặp thuyền phỉ lập tức truy nã bắt lập án nghiêm trị để yên mặt biển. Châu phê: Được” [51: tập 62, tờ 67]. Tấu của bộ Binh ngày 12.5 năm Thiệu Trị 2 (1842), xin phái cử thêm 2 thuyền tuần biển số 1, số 2 cùng với 2 chiếc ô thuyền, cử thêm 2 Suất đội phối hợp vào các loại thuyền phân chia đến các tỉnh, phía nam từ Thừa Thiên tới Bình Thuận phía bắc tới Quảng Yên tuần tra qua lại, giữ yên vùng biển. Châu phê: Đã xem [52: tập 117, tờ 52].

Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885 - 14

Một số Châu bản sau đây cho thấy việc tuần tra là công việc quan trọng của tấn sở các tỉnh. Như bản tấu trình của bộ Binh ngày 3.2 năm Tự Đức 22 (1869) giải thích việc phân chia tuần tiễu phía bắc nhưng không có Quảng Bình. Bộ này giải thích, Quảng Bình theo lệ hàng năm có phái 3 chiếc tuần thuyền căn cứ hạt phận tuần tiễu nên không cần thuyền của Kinh phái thêm. Châu điểm. [53: tập 184, tờ 216]. Tấu của trấn thần Thanh Hóa Hồ Văn Trương ngày 6.3 năm Minh Mạng 11 (1830) cho biết các xứ Biện Sơn, Mê Sơn, Ni Sơn và các cửa tấn thuộc trấn hạt đều là vùng biển quan trọng trước mắt đến kỳ chính vận chuyển đường biển nên việc đầu tiên là đề phòng cho nghiêm ngặt. Trấn này đã đem 104 binh lính thủy bộ đi trên 3 chiếc thuyền Lê, thuyền mỗi chiếc đặt 3 khẩu pháo quá sơn, gồm 9 khẩu đạn dược, nghi trượng đầy đủ... ngày mồng 4 tháng này từ bờ biển ở trấn dời bến ra biển phân chia đi tuần tiễu. Châu phê: "Được" [51: tập 41, tờ 43]. Tại tấn Đại Chiêm (Quảng Nam) cũng thường xuyên tuần tiễu cướp biển: “Thần bộ xét thấy hải phận đảo Chàm (Cù Lao Chàm) thường có phỉ đến quấy nhiễu nên tiễu trừ để vùng biển này được yên. Lệnh cho tàu Thuận tiệp trở về ngay địa hạt này để tiễu phỉ” [53: tập 235, tờ 284].

Thuyền tuần biển với nhiều loại, như các loại chuyên dụng của Nhà nước hay thuyền của địa phương, thậm chí có khi dùng thuyền đánh cá nên công hiệu thấp, năm 1838, vua cho làm thuyền khỏa đồng (bọc đồng) để đi tuần. Các tỉnh dọc theo bờ bể thời làm theo hình dáng thuyền “đại dịch”, mỗi tỉnh 2 chiếc mà tỉnh nào mặt bể rộng mông mênh thời làm ba bốn chiếc đều gọi là thuyền “tuần dương”. Tấu của bộ Hộ ngày 21 tháng 6 năm Tự Đức 32 cho thấy tàu máy hơi nước Lợi Đạt có vai trò quan trọng trong tuần tiễu và hộ dẫn lúc bấy giờ [53: tập 318, tờ 87].

Bên cạnh công tác tuần tra thì một hoạt động quan trọng khác là kiểm soát tàu thuyền qua lại trên biển, đặc biệt là các cửa biển. Đây cũng là hoạt động quan trọng, thường xuyên dưới triều Nguyễn. Các tấn biển ngoài công tác phòng thủ còn có nhiệm vụ quan trọng khác là kiếm soát các tàu thuyền qua lại tại cửa tấn. Xem xét tình hình cụ thể rồi thường xuyên làm tờ tâu báo về Kinh đô. Thuyền công, thuyền tư, thuyền trong nước và thuyền nước ngoài đều phải quan tâm kiểm soát không ngoài mục đích an ninh và kinh tế. Các cơ quan có liên quan như ty Hành nhân, Tào chính và nha Thương bạc ngoài việc chuyên môn còn có chức năng “quản chế ngoại

thương”. Tháng 12.1835, Minh Mạng sai “cấp đồ nhung phục cho quan Quảng Thủy để dùng mặc khi có sai phái và xét hỏi các tàu buôn ngoại quốc” [65: 256]. Việc quy định tàu phương Tây chỉ được đến buôn bán ở Đà Nẵng, không được lập cơ sở buôn bán trên đất liền cũng không ngoài mục đích là để dễ bề kiểm soát vùng biển.

Ngoài Đà Nẵng là nơi đón tiếp tàu phương Tây, để đề phòng tàu phương Tây có thể đến cửa biển khác khó đối phó, tháng 5.1835, Minh Mạng truyền dụ cho các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hoà, Bình Thuận, Biên Hoà, Gia Định phàm các thuyền của Tây dương đến đỗ ở tấn phận nào thì tấn thủ đem người đến tại chỗ xét hỏi lý do đến và xem xét hình dáng, màu sơn, cờ hiệu, số người ở trong thuyền nhiều hay ít, thuyền đó là thuyền buôn hay thuyền chiến: “Nhất nhất ghi rõ, lập tức báo tỉnh. Nếu thuyền buôn thì theo lệ thường mà làm (tức bảo đến Đà Nẵng- Tg); nếu là tàu chiến thì một mặt phi tấu, một mặt sai phái binh thuyền canh phòng nghiêm ngặt ở tấn phận và phi tư cho tỉnh láng giềng phòng bị. Thuyền ấy đi ngày nào, hoặc vẫn đóng lại làm việc gì, cũng cho phép tiếp tục tâu lên để biết rõ tình trạng” [152: 770].

Đề phòng kiểm soát, ngăn chặn sự gian trá, trà trộn, năm Minh Mạng thứ 11 (1830), qui định tàu nước ngoài đến buôn ở các địa phương, phải có hàng hóa mới cho vào cảng, không cho nói ỷ vào việc đưa thuyền không đến đón khách để ngăn tình tệ gian trá. Minh Mạng cũng qui định chặt chẽ việc kiểm soát tàu thuyền phương Tây như khi đến đậu phải xét hỏi trong tàu có bao nhiêu người, “đăng ký rõ ràng, mới cho lên bờ, mua bán với các cửa hàng chợ búa gần đó, nhưng phải nghiêm việc phòng bị, không cho ở tản mát nhà dân, mua bán xong rồi lại điểm đủ số người, buộc ra biển không cho một người ở lại” [152: 838]. Bản tấu của trấn Quảng Ngãi ngày 9.5 năm Minh Mạng 10 (1829) cho biết sau khi nhận được lệnh của bộ Binh lập tức phái thuộc viên tại trấn phân ra 3 chiếc thuyền của hạt ra khơi tuần tiễu: “Lại sức cho khắp các trấn thủ thuộc hạt, theo địa hạt vùng biển của từng nơi mà tuần tra xem xét, đã bắt được 3 chiếc thuyền lạ nhà Thanh, lập tức sai thuộc viên kiểm tra chất vấn. Vua châu phê. Cho phép tức tốc tiến hành tra hỏi rõ ràng tâu trình đầy đủ” [51: tập 34, tờ 5]. Thiệu Trị năm thứ 5 (1845), qui định chi tiết hơn về kiểm soát tàu thuyền nước ngoài đến cảng biển Việt Nam (cụ thể chỉ được vào Đà Nẵng) trước tiên phải kéo cờ để tiện ghi nhận. Khi thuyền vào thì phải tới gạn hỏi rõ


102

ràng. Nếu lấy củi thì chỉ được lấy ở Sơn Trà, lấy nước ở chợ Hàn, không được vào làng xóm, một vài ngày là phải nhổ neo, sợ sinh việc. Muốn lên bờ đi chợ, mua thức ăn thì không được đi quá 10 người và không được mang binh khí. Có hàng hóa muốn bán thì phải kê khai đầy đủ. Đặc biệt là không được ở lại trong dân. “Nếu ai trái lệnh thì lập tức bắt giữ, chiểu theo luật "kẻ nước ngoài vào cõi" mà xử tội chém đầu. Còn người cho ở thì cũng xét tội như kẻ phạm pháp” [114: 418, 419].

Trong giai đoạn chiến tranh với Pháp, khi vua Tự Đức còn tại thế, đại thần Thương bạc là Nguyễn Văn Tường từng gửi thư cho thống đốc Nam kỳ F. Thomson, dẫn điều khoản trong hiệp ước để thông báo “cấm bất cứ tàu nào của Pháp vào cảng Thuận An vì lý do giao hảo Việt – Pháp đang gián đoạn” [2: 56].

Nhìn chung những qui định về việc kiểm soát tại vùng biển, cửa biển là hoạt động thường xuyên và được nhà Nguyên rất quan tâm thực hiện trong đó lưu ý kiểm soát các thuyền phương Tây bởi vua Nguyễn đã ý thức rất rõ nguy cơ đe dọa từ bên ngoài.

3.1.2. Tổ chức bảo vệ và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa

Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo quan trọng đã được các chúa Nguyễn và Tây Sơn quản lý và khai thác từ các thế kỷ trước. Sau khi thành lập, triều Nguyễn đã tiếp tục truyền thống của các triều đại trước trong việc quản lý hai quần đảo qua trọng này.

Một năm sau khi lên ngôi, tháng 7.1803, Gia Long đã lấy cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa. Tháng 2 năm Gia Long 14 (1815), Gia Long sai đội Hoàng Sa, đứng đầu là Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển. Tháng 2 năm sau (1816) Gia Long tiếp tục sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa [149: 566, 589, 922].

Một tài liệu từ nước ngoài trong tập san Châu Á Hội, xuất bản tại Luân Đôn năm 1849 đánh giá rất cao tầm nhìn chiến lược của vua Gia Long về biển đảo khi cho rằng quần đảo Hoàng Sa tuy rất buồn tẻ, nghèo nàn nhưng vua Gia Long đã long trọng cắm cờ tại đây để thể hiện sự chiếm hữu của mình, thậm chí ông còn cho lập trại quân để thu thuế tại đây: “Pracel hoặc Paracels (Cồn Vàng). Tuy rằng cái thứ quần đảo này không có gì ngoài đá tảng và những cồn lớn nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn lợi, vua Gia Long đã nghĩ tăng lãnh thổ bằng cách chiếm thêm cái đất

buồn bã này. Năm 1816, ông đã tới long trọng cắm cờ ông và chính thức giữ chủ quyền các hòn đá này, mà hình như không một ai tranh giành với ông”. “Đây chúng tôi đáng lẽ không kể đến quần đảo Cát Vàng nó ở gần bờ biển An Nam 15 đến 20 dặm và lan giữa các vĩ tuyến 15 và 17 độ bắc, và các kinh tuyến 111 và 113 độ đông, nếu vua xứ Cochin-China đã không đòi quần đảo ấy là của mình, với nhiều đảo và ghềnh rất nguy hiểm cho người hàng hải. Không biết vì san hô hay vì lẽ khác mà các ghềnh đá ấy lớn dần; nhưng rõ ràng nhận thấy rằng các đảo ấy càng năm càng cao, và một vài cái bây giờ đã có người ở vĩnh viễn, thế mà chỉ mấy năm trước sóng đã vỗ mạnh đập qua. Những đảo ấy đáng lẽ không giá trị nếu nghề chài ở đó không phồn thịnh và không bù hết mọi nguy nan cho kẻ phiêu lưu. Từ lâu đời, những thuyền phần lớn từ Hải Nam tới, đã hằng năm đến thăm các bãi nổi này và tiến hành cuộc viễn du xa xa đến tận bờ đảo Borneo. Tuy rằng hằng năm hơn phần mười bị đắm, nhưng cá đánh được rất nhiều, đến nỗi không những bù hết mọi thiệt thòi, mà còn để lại món lợi rất to. Chính phủ An Nam thấy những lợi có thể mang lại nếu một ngạch thuế đã đặt ra, bèn lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này mà mọi người ngoài tới đây đều phải trả, và để bảo trợ người đánh cá bản quốc. Vậy nên, một cuộc giao dịch lớn được dần dà gây nên và có cơ bành trướng nhờ sự có rất nhiều cá tới trên các bãi này đẻ trứng. Một vài đảo có cây cối cằn cỗi, nhưng thiếu nước ngọt; và những thủy thủ nào quên mang theo nước trữ đầy đủ, thường bị lâm vào cơn khốn đốn lớn” [84: 11-12].

Thời Minh Mạng tiếp tục công việc khai thác, bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, coi đây là hải cương quan trọng hiểm yếu về phía biển. Trong bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ được vẽ vào thời Minh Mạng đã phân định rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa, thể hiện là hai quần đảo riêng biệt nằm ngoài khơi bờ biển miền Trung [PL 14]. Tuy phân định rõ Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông nhưng trong quan niệm của triều Nguyễn vẫn coi hai quần đảo này là xứ Hoàng Sa gồm nhiều đảo xa bờ, là cương giới hiểm yếu của quốc gia. Theo tác giả Phan Huy Lê, căn cứ “Châu bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mạng 19 (1838) phản ánh một quan niệm coi cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hiện nay là “xứ Hoàng Sa” và phân biệt làm 4 sở, trong đó có 3 sở ở phía bắc, đã khảo sát được 25 đảo và một sở nằm cách khá xa ở phía nam vì gió Nam thổi mạnh nên chưa khảo sát được, phải

đợi đến năm sau. Theo miêu tả của Châu bản, có thể xác định 3 sở phía bắc là quần đảo Hoàng Sa và một sở cách xa về phía nam là quần đảo Trường Sa” [100: 9, 10].

Nhìn chung dưới triều Minh Mạng có nhiều hoạt động trong việc đẩy mạnh quản lý, khai thác trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các thư tịch dưới triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí,… đặc biệt là Châu bản triều Nguyễn đều ghi nhận những hoạt động cộng vụ trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa dưới triều Minh Mạng. Ví như Châu bản ngày 27.6 năm Minh Mạng thứ 11 (1830) cho biết thủ ngự, thủy quân tại Đà Nẵng đã cứu tàu Pháp gặp nạn tại phía tây Hoàng Sa [13: 55, 63]. Châu bản ngày 22.11 năm Minh Mạng thứ 14 (1833) cho biết dân phu Phạm Văn Sênh vâng mệnh triều đình đi công vụ ở Hoàng Sa cùng 19 thuyền viên khác khi trở về được ban thưởng nhưng Phạm Văn Sênh khai báo sai số người (thừa 1 người). Tuy thế vì số tiền quá ít, lại chưa lĩnh nên xin tha tội [13: 87-89]. Tháng 8 năm 1833, vua Minh Mạng dụ bộ Công: “Trong hải phận Quảng Ngãi, có một giải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường [mắc cạn] bị hại! Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời” [151: 743]. Mùa Xuân năm Minh Mạng thứ 15 (1834), vua sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ [152: 120- 121]. Mùa Hạ năm Minh Mạng thứ 16 (1835), dựng đền thờ thần [ở đảo] Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Công việc này do Cai đội Thuỷ quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, thực hiện trong hơn 10 ngày. Vật liệu được chở ra từ đất liền. Điều đặc biệt là ngôi miếu mới xây cách ngôi miếu cũ 7 trượng, chứng tỏ từ trước, người Việt cũng đã xây miếu tại đây [152: 764].

Địa thế của Hoàng Sa rất hiểm, là chỗ thường gây tai nạn cho tàu thuyền tuy nhiên với cái nhìn đúng đắn về một phần lãnh thổ quan trọng của hải cương nên dù khó khăn đến đâu hàng năm vua Minh Mạng đều sai thủy quân và dân binh ra đảo để thể hiện sự chiếm hữu của mình. Ngoài việc xây miếu, trồng cây, năm 1836, vua Minh Mạng tiến thêm một bước quan trọng là cho cắm mốc thể hiện quyền làm chủ.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/03/2023