Bản tấu của bộ Công năm Minh Mạng thứ 17 (1836) cho biết: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được 1 nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, chọn phái biền binh thuỷ quân và vệ Giám thành đáp 1 chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng Hai thì đến Quảng Ngãi, bắt 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại, xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về, dâng trình”. Vua y lời tâu. Sai Suất đội Thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính thân, Thuỷ quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ” [152: 868]. Thông tin trên được trích dẫn từ sách Đại Nam thực lục, chính sử biên niên của nhà Nguyễn. Và cũng thật may mắn, ngày nay chúng ta còn tìm được bản gốc Châu bản triều Nguyễnthể hiện nội dung này qua Châu bản đề ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) với châu phê của vua Minh Mạng “Mỗi cọc dài 4 đến 5 thước, dày 1 tấc. Thuyền nào đến chỗ nào lập tức dựng cọc làm mốc” [13: 126, 127].
Một trong những công việc quan trọng của các đoàn công vụ khi tới Hoàng Sa là thăm dò để thông hiểu đường biển và vẽ bản đồ. Có lẽ cũng vì cần những người am nhiểu vùng biển này nên trong các đoàn ra Hoàng Sa - Trường Sa, lực lượng quan trọng bao giờ cũng là dân binh và Nhà nước thường thuê thuyền của người dân tại Quảng Ngãi, Bình Định. Sau những chuyến đi thành công họ được khen thưởng và miễn các hạng thuế. Châu bản ngày 11.7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837) Bộ Hộ
[tâu]: “Sách tâu của tỉnh Quảng Ngãi trình bày việc vâng mệnh chi tiền gạo thuê dân phu đến xứ Hoàng Sa thực hiện công vụ, xin cho được quyết toán. Việc này bộ thần xin trong 5 ngày để kê cứu, rồi tấu trình lại” [13: 137]. Châu bản ngày 19.7 năm Minh Mạng thứ 19 (1838) bản tấu của Bố chính Quảng Ngãi, trình tấu việc xin miễn trừ các hạng thuế cho 2 thuyền dân đã được Nhà nước thuê đi Hoàng Sa [13: 183]. Châu bản ngày 2 tháng 4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19 (1838), là bản tấu của bộ Công, trình tấu việc cử người ra khảo sát và vẽ bản đồ toàn bộ xứ Hoàng Sa, đi vào hạ tuần tháng 3 đến hạ tuần tháng 6 sẽ trở về. Bộ Công đã truyền dụ đến 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định để chuẩn bị nhân sự. Tuy vậy do năm này tình hình thời tiết không thuận lợi, gió Đông liên tục thổi không tiện cho việc ra khơi nên căn cứ vào sự thực tấu trình đầy đủ [13: 161]. Tuy nhiên chỉ mấy ngày sau, căn cứ vào Châu bản ngày 6.4 (nhuận) năm Minh Mạng thứ 19 (1838), bản tấu của bộ Công cho biết thuyền đã đi Hoàng Sa ổn thỏa: “Nay tiếp nhận tờ tư của Quảng Ngãi trình bày rằng vâng mệnh đi xem xét 4 chiếc thuyền đi Hoàng Sa. Giờ Mão ngày 3 tháng này [thuyền] đã nhổ neo ra khơi tại tấn Sa Kỳ. Tấn này hiện đã hộ tống thuyền qua biển ổn thỏa” [13: 167].
Về công tác vẽ bản đồ tại Hoàng Sa, Trường Sa chúng ta thấy đây không phải là công việc làm một lần đã xong. Hàng năm các đoàn có nhiệm vụ khảo sát, đo vẽ và tiến xa hơn năm trước. Vì thế, tất cả các đoàn đi về đều có dâng bản đồ và nhật ký hành trình, một số Châu bản thể hiện điều đó như Châu bản ngày 21.6 năm Minh Mạng thứ 19 (1838), bản tấu của bộ Công về việc tiếp nhận các viên chức đi công cán Hoàng Sa trở về là các viên Đỗ Mậu Thưởng, Thị vệ Lê Trọng Bá. Những người này trình bày về chuyến đi đã đến được 25 đảo thuộc 3 vùng, trong đó hàng năm [các đoàn] lần lượt đến được 12 hòn đảo, chưa từng đến được hòn đảo thứ 13. Còn một vùng ở phía nam, nơi này cách nơi kia khá xa, gió Nam lại thổi mạnh không tiện tới nên xin năm sau đến đó. Đoàn này vẽ được 4 bản đồ, có 3 bức vẽ riêng từng vùng, một bức vẽ chung, cùng một bản nhật ký cũng chưa được tu sửa hoàn chỉnh. Chuyến đi này họ cũng đã thu được 1 súng đại bác bọc đồng, các loại đá san hô đỏ, các loại chim, rùa biển [13: 175]. Hiệu quả của các đoàn công vụ đều có hình thức thưởng phạt tương ứng như tháng 7 năm Minh Mạng thứ 19 (1838), “Viên ngoại lang Công bộ Đỗ Mậu Thưởng vâng lệnh phái đi công cán Hoàng Sa
về, đem bản đồ dâng lên, vua cho là trải qua nhiều nơi, xem đo tường tất so với phái viên mọi lần thì hơi hơn. Đỗ Mậu Thưởng và các người đi cùng đều được gia thưởng áo quần và tiền [153: 355]. Hai Châu bản ngày 13.7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) trình tấu Cai đội Phạm Văn Nguyên nhưng trở về quá hạn, bản đồ vẽ không rõ ràng, tuy thế sau khi điều tra cho thấy họ đã tận lực và không có tư tệ nên tha phạt [13: 106, 112]. Trái với trường hợp Phạm Văn Nguyên, những trường hợp sau do vẽ bản đồ không được chu đáo đều bị trách phạt. Châu bản ngày 13.7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837) cho biết các viên Thủy sư Phạm Văn Biện do Kinh (triều đình Huế) sai phái, viên dẫn đường Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, lái thuyền Lưu Đức Trực do tỉnh sai phái đi Hoàng Sa trở về quá hạn, đã có chỉ trách phạt, đánh đòn. Các viên quản suất, dẫn đường được sai phái đi Hoàng Sa thực hiện công vụ, khi trở về không mang theo bản đồ bị trách phạt [13: 142, 153].
Dưới thời Thiệu Trị, việc vãng thám Hoàng Sa vẫn được tiếp tục, sách Thực lục ghi nhận tháng 7 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), “Ngũ đẳng thị vệ Nguyễn Hoán được phái đi đến Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi, tự tiện quấy rối các làng. Người cùng phái đi nêu ra để hặc. Hoán phải tội lưu đến hết bậc” [154: 749] Từ đấy liên tiếp trong các năm từ 1846, 1847 và cả chuẩn bị cho năm 1848 vua Thiệu Trị đều có châu phê “đình hoãn”. Châu bản ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), bản tấu của bộ Công trình bày việc đã đình hoãn việc đi thám sát Hoàng Sa năm 1846, 1847, nay sắp đến kỳ khảo sát đầu năm, “điều cần thiết là phải chuẩn bị đầy đủ trước. Nhưng xét thời gian này việc công quá bận rộn, xin dừng việc đi khảo sát đầu Xuân năm nay, đợi năm sau phúc trình lại”. Châu phê: dừng lại [13: 199].
Quá trình thăm dò, khai thác Hoàng Sa, Trường Sa nhiều năm liền mới có thể thông hiểu và vẽ bản đồ cũng như hải trình tới hai quần đảo này. Từ việc đo vẽ hàng năm tới việc vẽ được tấm bản đồ hoàn chỉnh của đất nước như Đại Nam nhất thống toàn đồ thời Minh Mạng có thể xem là những thí dụ điển hình cho những đóng góp lớn lao từ ý thức về lãnh thổ và quá trình thực thi chủ quyền trên vùng biển dài rộng của các vua Nguyễn [PL 14].
Nếu Đại Nam nhất thống toàn đồ là bản đồ được chính những người Việt vẽ vào cuối thời Minh Mạng thì điều đặc biệt là từ năm 1827, một bản đồ thế giới có vẽ về vùng biển Việt Nam bản tại Bỉ đã được xuất bản và tồn tại đến ngày nay góp
thêm một tài liệu vô giá khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ của vương quốc An Nan lúc bấy giờ. Tập bản đồ thế giới (Atlas Du Universel) [PL 12] do Phillipe Vandermaelen (1795 - 1869), nhà địa lý học người Bỉ biên soạn có các bản đồ về Việt Nam, gồm 3 bản đồ Tonquin (Bắc Hà), Camboge et An Nam (Cao Miên và An Nam) và Partie De La Cochinchine (Bộ phận thuộc Nam Hà). Nghiên cứu tập bản đồ này, tác giả Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, đây là một trong số ít bản đồ vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí, đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa: “Bản đồ đặt trong khu vực Cochinchine (Đàng Trong, mà người phương Tây lúc đó dùng để chỉ khu vực Miền Trung Việt Nam) là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của đế chế An Nam, đã minh chứng một cách đầy đủ, rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa ít nhất vào những thập kỷ đầu thế kỷ XIX, khi bộ bản đồ được xây dựng và xuất bản. Đặt trong mối quan hệ với bản đồ của các quốc gia trong khu vực, so sánh với các nguồn tư liệu, bản đồ, thư tịch cổ của Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây khác xuất hiện trong những thập kỷ đầu thế kỷ XIX, thì chắc chắn nó có giá trị kiểm chứng làm tăng thêm giá trị khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa của chính bản đồ này và toàn hệ thống bản đồ, tư liệu chúng ta tập hợp được” [120]. Trong tham luận tại Hội thảo quốc tế tại Đà Nẵng (tháng 6.2014), Trần Đức Anh Sơn cho biết đã sưu tầm được hơn 140 bản đồ phương Tây vẽ và xuất bản trong các thế kỷ XVI-XIX có vẽ và ghi chú các địa danh Paracel/paracels/pracel/parcel islands (quần đảo Hoàng Sa) và các quần đảo khác trên biển Đông. Không những thế, tác giả còn cho biết đã sưu tầm hơn 130 bản đồ do các nước phương Tây vẽ từ thế kỷ XVI-XX ghi nhận lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến cực nam đảo Hải Nam [166].
Tóm lại, dưới triều Nguyễn việc quản lý và khai thác tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được thực hiện thường xuyên và liên tục. Đây là hoạt động nối tiếp truyền thống từ các triều đại trước. Dưới triều Minh Mạng đã phân biệt rõ hai quần đảo quan trọng này. Điều đặc biệt là dưới triều Nguyễn đã tích hợp hoạt động của Nhà nước với địa phương, của thủy quân, dân binh và dân phu để quản lý và khai thác tại quần đảo này. Hàng năm cứ tháng 3 đến tháng 6, Nhà nước lại cử các đoàn công vụ tại Hoàng Sa. Công việc chủ yếu là đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ, khai thác
Có thể bạn quan tâm!
- Thông Tin Liên Lạc Trong Bảo Vệ Vùng Biển
- Hiệu Cờ, Hiệu Súng Và Kính Thiên Lý
- Hoạt Động Tuần Tra, Kiểm Soát Vùng Biển Và Thực Thi Chủ Quyền Trên Quần Đảo Hoàng Sa – Trường Sa
- Hiệu Quả Và Hạn Chế Của Hoạt Động Phòng, Chống Cướp Biển
- Cứu Hộ Thuyền Buôn, Thuyền Đánh Cá Nước Ngoài
- Chống Ngoại Xâm, Bảo Vệ Chủ Quyền (1858 – 1883)
Xem toàn bộ 235 trang tài liệu này.
sản vật, cứu hộ… thành phần ra đảo là thủy quân và dân phu do các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, ví như Châu bản ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837) cho thấy thành phần 1 lần đi khảo sát gồm 22 binh đinh, 20 viên Thủy sư, 2 viên Giám thành và 31 dân phu [13: 153]. Những thông tin về quá trình khai thác tại Hoàng Sa, Trường Sa nói trên có sự ghi nhận trong các bản đồ của người nước ngoài. Ở trong nước, thể hiện rõ nhất trong sách Đại Nam thực lục chính biên và từ tài liệu Châu bản, đây là là văn bản hành chính đặc biệt của Nguyễn chứng minh quá trình chiếm hữu liên tục tại quần đảo quan trọng này của triều Nguyễn mà không có bất kỳ một sự tranh chấp nào đối với các thế lực bên ngoài.
3.2. HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG CƯỚP BIỂN
3.2.1. Vài nét về nguồn gốc cướp biển tại vùng biển miền Trung
Cướp biển hay hải tặc là mối đe dọa thường trực trên vùng biển Việt Nam dưới triều Nguyễn. Cướp biển có nguồn gốc, xuất thân khá phức tạp là một trong những lý do làm cho công tác phòng chống gặp rất nhiều khó khăn. Chúng có thể xuất thân từ ngư dân, cũng có thể là các thuyền buôn, cũng có thể là các tay giang hồ và cũng có thể là những nhóm phản kháng bị đánh đuổi. Khi chúng chạy ra biển thì có thể biến thành hải tặc, bị đuổi ráo riết, có thể vào bờ và thành những tên cướp cạn… chính vì thế, cướp biển hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp, tạo thành mạng lưới nhưng cũng có thể có kiểu cướp biển mùa vụ. Bên cạnh đó, về quốc tịch, chúng có thể là người trong nước nhưng chiếm phần lớn là người nước ngoài hoạt động trên vùng biển Việt Nam. Chính vì ranh giới mong manh giữa hợp pháp và bất hợp pháp trong từng thời điểm nên nhà Nguyễn mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng không dễ đối phó. Sử nhà Nguyễn gọi chúng là “hải tặc”, “giặc biển”, “giặc Tàu Ô”, “Thanh phỉ”... thường được ghi nhận ở phía bắc còn ở phía nam có giặc Chà Và thường cướp bóc ở Tây Nam bộ, Nam Trung bộ.
Dưới triều Nguyễn ở bờ biển miền Trung ghi nhận nhiều cướp biển nhưng là từ phương bắc xuống. Cướp biển nhiều nhất là vùng Quảng Yên (Quảng Ninh), Hải Dương chúng trà trộn vào thuyền buôn, thuyền đánh cá với nhân khẩu hàng ngàn người nên khó phát hiện. Những thuyền này đã tràn xuống phía nam mà quấy nhiễu. Dọc các tỉnh miền Trung, cướp biển hoạt động nhiều nhất ở vùng biển Quảng Bình tới Thanh Hóa. Phía nam chủ yếu là giặc Chà Và (gọi chung hải tặc có nguồn gốc từ
Ấn Độ, Mã Lai, Indonesia) thường cướp phá vùng biển phía Nam Trung bộ, Tây Nam bộ, trong đó có một số lần tấn công vùng Bình Thuận, Phú Yên. Cá biệt, năm 1871 chúng còn quấy phá cả vùng Cát Bà.
Cướp biển trên vùng biển Việt Nam có nguồn gốc khác nhau nhưng tất cả đều gây nên nỗi kinh hoàng cho tàu thuyền qua lại trên biển. Bất luận là thuyền công, thuyền tư đều có thể bị chúng cướp phá, bởi vậy phòng chống cướp biển là mối quan tâm lớn của nhà Nguyễn. Đó không chỉ là trừ mối họa trước mắt mà còn là việc thực thi chủ quyền vùng biển, đảm bảo cho thuyền bè qua lại trên vùng biển được an toàn.
3.2.2. Hoạt động phòng chống cướp biển
Từ đầu thời Gia Long việc chống cướp biển đã đặc biệt được quan tâm. Gia Long năm thứ 2 (1803), ban chỉ truyền cho đồn phòng thủ ở cửa biển Đà Nẵng khi thấy có cướp biển qua lại ở ngoài biển thì “một mặt chạy tin hỏa tốc báo cho quan công đường chuyển, tâu, một mặt chạy tin hỏa tốc báo cho các đồn phân thủ ở ven biển vào miền trong, phía nam đến thành Bình Định. Lại một mặt chạy tin hỏa tốc báo cho các đồn phân thủ ở ven biển ra miền ngoài, phía bắc đến sứ Bắc thành, để tiện sức cho tàu thuyền công, tư phòng bị" [114: 424].
Bọn cướp biển chủ yếu là chặn cướp thuyền công vận tải, thuyền buôn và thuyền đánh cá của ngư dân. Thời gian hoạt động của thuyền vận tải, thuyền buôn cũng chính là thời điểm thuận lợi cho cướp biển ra tay cướp hại. Để bảo vệ thuyền công trên biển, Gia Long năm thứ 5 (1806), qui định, mỗi khi có thuyền vận tải ra biển thì phải đề phòng, ngăn chặn cướp biển từ trước. Trước khi thuyền vận tải Bắc thành xuất phát thì trước đó, các trấn Nghệ An, Thanh Hóa đã làm công tác tuần tra. “Hễ thấy thuyền sai của Bắc thành, bảo vệ đưa đoàn thuyền đã đến Biện Sơn thì lập tức báo cho Cai đội đội Tiểu sai ngồi ở thuyền Thanh Nghệ, tiếp tục bảo vệ đoàn thuyền về Kinh... trên đường biển, nếu gặp giặc biển, thì các thuyền binh đi bảo vệ, lập tức nên góp sức đề phòng đánh dẹp. Nếu ai thụt lùi thì đã có quân pháp" [114: 424]. Công tác chống cướp biển và bảo vệ vận tải công được phân chia theo từng chặng. Từ Bắc thành tới Thanh - Nghệ một chặng, từ Thanh Nghệ về Kinh đô là chặng còn lại.
Thời Gia Long thường xuyên phải đối phó với cướp biển nổi lên ở các địa phương, như: tháng 12.1804, Quảng Bình có nạn cướp biển, dinh thần phát binh thuyền dò bắt. Tháng 12.1805, giặc cướp ở ngoài biển Nghệ An, lính tuần dương đánh đuổi chạy, bắt được 18 người. Tháng 7.1807, Gia Long hạ lệnh cho các dinh cơ đội thuyền từ Quảng Bình vào nam đến Bình Thuận chia ban ứng trực, người trực ban được cấp lương tháng. Tháng 3.1817, hạ lệnh cho tấn thủ ven biển các địa phương, phàm có thuyền vận tải đi qua phần biển và thuyền giặc lảng vảng thì cho làm tập tâu đệ lên ngay, đừng chờ báo dinh trấn chuyển tâu để đến nỗi chậm trễ [149: 620, 649, 705, 945].
Thời Minh Mạng, cướp biển tiếp tục quấy phá vùng biển, cướp hại thuyền công, vua Minh Mạng thể hiện quyết tâm rất cao nhằm loại triệt “hồn ma lũ chuột” này. Vua dụ bộ Binh: “trước kia vùng Thanh Hóa và Nam Định bọn giặc bể thường có vài ba chiếc thuyền đón các thuyền buôn mà cướp bóc, sau đều bị quan quân vây bắt, địa phương được yên ninh, nay tỉnh Quảng Nam lại có tin báo này, liệu những hồn ma lũ chuột không thể để lâu, cần bắt giết ngay, tức thì sai quan vệ úy là Nguyễn Đức Trường quản lĩnh binh thuyền ra bể dò thám, vây bắt; lại khiến các quan từ Quảng Trị trở ra bắc, từ Quảng Nam trở vào nam, đều theo địa phận thuộc hạt, sai quân đi tuần tiễu, nếu gặp thuyền buôn người tàu có hình dạng khác thường, mà trong thuyền chứa đồ binh khí, súng đạn, tình bính nghi ngờ, bắt mà trị tội [149: 121- 122]. Vua cũng sai cấp phát kính thiên lý để có thể trông xa, phát hiện cướp biển.
Công tác tuần phòng chống cướp biển được thực hiện thường xuyên, phát hiện giặc biển thì phải tận lực đuổi bắt. Vua qui định các địa phương có bờ biển từ Quảng Bình trở ra bắc, vốn là nơi có nhiều giặc biển đón cướp thuyền công được phái đi Bắc thành. Các địa phương này, hàng năm từ tháng 3 đến tháng 7 phải tổ chức phái thuyền binh trong hạt tới những nơi ở các đảo mà thuyền cướp biển có thể đậu được, kiểm soát an ninh: “Nếu thấy thuyền “dị dạng”, tình trạng đáng ngờ thì lập tức bắt giải” [149: 425-426]. Không chỉ ở phía bắc, mà dưới thời Minh Mạng cũng ghi nhận cướp biển ở phía nam là “giặc Chà Và”. Như năm 1833, có đến hơn 20 thuyền cướp biển Chà Và cướp bóc ở vùng biển Khánh Hòa. Tổng đốc Phú Yên, Khánh Hòa hợp binh với Quảng Ngãi cùng tuần tiễu, đuổi đánh. Đến tháng 7.1836, giặc Chà Và lại cướp bóc ở Phú Yên, binh thuyền đuổi đánh, bắt được 8 tên [152:
982-983]. Minh Mạng cử các hạng thuyền lớn cùng số lượng lính khá đông để tuần tra, đánh đuổi hải tặc. Như năm 1839, vua cùng lúc cử lính ở Kinh và bốn cơ quân thủy, bộ, quản, vệ hơn 500 người, đi 10 chiếc thuyền Thanh Hải, Định Hải, Tuần Hải, ô thuyền chia làm hai đạo để tuần tiễu cướp biển [145: 271]. Cần lưu ý rằng đây là những thuyền hạng lớn tham gia tuần tiễu thể hiện quyết tâm chống cướp biển của vua Minh Mạng.
Bản tấu ngày 23.4 nhuận năm Minh Mạng 11 (1830), Trấn Quảng Bình cho biết việc tuần thuyền phỉ ở vùng biển tỉnh này: “Ngày 15 tháng này, bỗng có 2 thuyền phỉ đến cướp tại vùng biển Ông Dữ thuộc hạt đó. Nay truyền phái Long Vũ Tả vệ phó vệ uý Nguyễn Đức Trường 90 biền binh, cùng súng đầy đủ, ngay hôm đó ra khơi đến các vùng biển phía bắc Quảng Bình, và tất cả nơi thuyền phỉ có thể lui tới, gắng công lùng bắt. Theo quan thủ ngự Lệ Thuỷ thuộc hạt đó là Nguyễn Văn Vân báo rằng: Giờ Sửu nhìn thấy Long Vũ Tả vệ Phó vệ uý Nguyễn Đức Trường đem thuỷ bộ biền binh hiện đã đến tuần tiễu vùng biển trong hạt” [51: tập 42, tờ 104].
Thời Tự Đức, cướp biển tiếp tục hoành hành. Theo thống kê của chúng tôi, chỉ tính riêng dưới thời Tự Đức, số thuyền công gặp nạn gió và cướp biển có đến 447 lần cho thấy hậu quả của cướp biển không hề nhỏ [PL 4]. Châu bản cho biết cướp biển rất nhiều, một số ví dự như: ngày 18.4.1849, Tổng đốc Quảng Nam, Quảng Ngãi Nguyễn Lương Nhàn báo cáo về việc bọn cướp biển nhà Thanh chặn cướp thuyền buôn ở cửa sông Đại Áp. Ngày 28.4.1849, Tuần phủ Thuận Khánh Nguyễn Đăng Uẩn trình việc một chiếc thuyền buôn bị bọn cướp biển Trung Quốc cướp ở hải phận tấn Đà Thủy. Xin cho thuyền tuần tiễu thường xuyên. Ngày 4.2.1851, bộ Binh báo cáo về tình hình bọn cướp biển Trung Quốc chận cướp thuyền buôn ở tấn Vân Phong, Cam Linh tỉnh Khánh Hoà. Ngày 3.3.1851, bộ Binh trình báo cáo của Phan Huy Vịnh ở Quảng Ngãi về tình hình bọn phỉ Trung Quốc qua lại hải phận vùng này, chặn cướp các thuyền buôn, làm cản trở đường giao thông hàng hải giữa hai miền Nam- Bắc. Đã cho thuyền tuần tiễu ra sức trừ nhưng vẫn chưa hoàn toàn tiêu diệt được bọn chúng. Thậm chí có khi giặc biển táo tợn đồng loạt nổ súng vào cửa biển, quấy rối vùng biển, mang vũ khí đổ bộ lên bờ.... như ngày 26.4.1851, bộ Binh báo cáo về việc 10 chiếc tàu của Thanh phỉ nổ súng bắn vào cửa biển Cần Trà