Tổ chức kế toán quản trị chi phí, giá thành sản phẩm trong doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng Việt Nam - 19


- Báo cáo tình hình thực hiện định mức chi phí nguyên vật liệu trực tiếp.

- Báo cáo tình hình thực hiện định mức chi phí nhân công trực tiếp.

- Báo cáo tình hình thực hiện dự toán biến phí sản xuất chung.

- Báo cáo tình hình thực hiện dự toán định phí sản xuất chung.

Báo cáo đánh giá trách nhiệm quản lý

Trong doanh nghiệp gồm nhiều bộ phận thực hiện chức năng khác nhau và hình thành các trung tâm quản trị như các phân xưởng, trại sản xuất, bộ phận vật tư... Trong mỗi bộ phận đều phát sinh một số chi phí nhằm đạt để thực hiện mục tiêu đề ra. Để đạt được một quá trình dự toán toàn diện cần phải cố định trách nhiệm của các bộ phận và tập hợp thành các trung tâm trách nhiệm. Các trung tâm trách nhiệm phải xác định rõ các lĩnh vực chi phí chịu trách nhiệm với hoạt động mà họ kiểm soát.

Trong các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng có thể chia thành 3 trung tâm trách nhiệm như sau:

Trung tâm chi phí: là một bộ phận ở đó nhà quản lý phải có trách nhiệm đối với các chi phí phát sinh thuộc phạm vi quản lý của mình ví dụ như các trại sản xuất… Trách nhiệm của trung tâm này là báo cáo tình hình biến động giữa chi phí thực hiện với chi phí dự toán.

Trung tâm kinh doanh: là một bộ phận mà nhà quản lý trung tâm có trách nhiệm đối với sự phát sinh của cả doanh thu và chi phí. Trách nhiệm của trung tâm này là báo cáo các biến động của kết quả kinh doanh bộ phận (theo số dư đảm phí) giữa thực hiện với kế hoạch.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

Trung tâm đầu tư: Là bộ phận mà các nhà quản lý kiểm soát không chỉ lợi nhuận mà còn sự đầu tư vào tài sản….

Các báo cáo có thể được thiết kế theo mẫu:

Tổ chức kế toán quản trị chi phí, giá thành sản phẩm trong doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng Việt Nam - 19

Báo cáo trách nhiệm của trung tâm chi phí (Bảng 3.15) Báo cáo trách nhiệm của trung tâm kinh doanh (Bảng 3.16) Báo cáo trách nhiệm của trung tâm đầu tư (Bảng 3.17)

Báo cáo phục vụ cho quá trình kiểm tra và đánh giá


Để kiểm tra tình hình thực hiện dự toán chi phí, đánh giá kết quả thực hiện của từng đơn vị nội bộ doanh nghiệp cần lập các báo cáo chi phí. Thông qua báo cáo chi phí này các nhà quản trị sẽ đánh giá việc tiết kiệm hay lãng phí chí phí ở từng bộ phận từ đó đưa ra các biện pháp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh, thúc đẩy hạch toán nội bộ doanh nghiệp, sử dụng đòn bẩy kinh tế có hiệu quả...

Báo cáo chi phí phản ánh chi phí thực tế và dự toán của từng yếu tố chi phí phát sinh trong từng bộ phận để kiểm soát tình hình thực hiện chi phí dự toán của bộ phận đó và có kết cấu tương ứng với phương pháp xây dựng dự toán của từng bộ phận. Đối với những chi phí chiếm tỷ trọng lớn và ẩn chứa nhiều loại định mức khác nhau thì KTQT phải lập báo cáo riêng cho từng loại chi phí đó. Chằng hạn chi phí nguyên vật liệu trực tiếp ở các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng bao gồm nhiều loại vật tư khác nhau do đó doanh nghiệp phải xây dựng mức hao phí của từng loại cho từng đơn vị sản phẩm, công việc.

Các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng có thể lập các báo cáo sau:

- Báo cáo chi phí sản xuất (Bảng 3.18)

- Báo cáo chi phí sản xuất theo phương pháp bình quân (Bảng 3.19)

- Báo cáo chi phí sản xuất theo phương pháp nhập trước - xuất trước (Bảng

3.20)

- Báo cáo giá thành sản phẩm (Bảng 3.21)

- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (dạng theo biến phí) (Bảng 3.22)

3.3. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN TỔ CHỨC KẾ TOÁN QUẢN TRỊ CHI PHÍ, GIÁ THÀNH SẢN PHẨM TRONG CÁC DOANH NGHIỆP THUỘC NGÀNH GIỐNG CÂY TRỒNG VIỆT NAM

3.3.1. Đối với Nhà nước và các cơ quan chức năng

Trong điều kiện hiện nay sự nhận thức và các quan điểm về kế toán quản trị còn có những điểm khác nhau cả về lý luận và thực tiễn. Vì vậy về phía nhà nước mà cụ thể là các cơ quan chuyên ngành, các trường đào tạo chuyên ngành, các nhà khoa học kế toán có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức mô hình kế toán quản trị ở các doanh nghiệp. Cụ thể:


Một là, Nhà nước cần tạo môi trường cho kế toán quản trị phát triển: Hiện nay Việt nam, kế toán quản trị chỉ mới được biết đến về mặt lý thuyết, thực tế chưa có doanh nghiệp, tổ chức nào thực hiện đầy đủ kế toán quản trị, cán bộ kế toán tại các doanh nghiệp chưa hiểu kế toán quản trị là gì, vai trò của nó đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào. Chính vì vậy Nhà nước cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi để cho các doanh nghiệp nhận thức được nội dung, vai trò quan trọng của kế toán quản trị cần thiết đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường như hiện nay.

Hai là, cần có quan điểm nhất trí cơ bản về kế toán quản trị và sự cần thiết phải tổ chức kế toán quản trị cho các doanh nghiệp với những hình thức có tính chất quy định thích hợp, bước đầu cần yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện.

Ba là, Bộ tài chính với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về những hoạt động kế toán cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách tài chính, chính sách kế toán, hoàn thiện về mặt lý luận kế toán quản trị doanh nghiệp, bao gồm:

- Xác định rõ phạm vi và nội dung của kế toán quản trị trong các doanh

nghiệp

- Xác lập mô hình kế toán quản trị cho từng loại hình doanh nghiệp thuộc các

thành phần kinh tế và theo quy mô của từng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng Việt nam

Bốn là, các trường đại học, trung học, cao đẳng chuyên ngành tài chính kế toán, các nhà khoa học tài chính kế toán cần nghiên cứu, biên soạn nhiều tài liệu, sách tham khảo về kế toán quản trị để tuyên truyền và hướng dẫn về tổ chức kế toán quản trị cho các doanh nghiệp. Đồng thời cần tăng cường việc giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức và sự hiểu biết về kế toán quản trị cho sinh viên, cán bộ kế toán trong doanh nghiệp.

Năm là, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức kế toán quản trị vì chưa hiểu về kế toán quản trị cũng như chưa có kiến thức về nó, nên các trường đại học, cao đẳng, các nhà nghiên cứu về lĩnh vực này cần phải có nhiệm vụ giúp các doanh nghiệp hiểu biết thêm về kế toán quản trị thì mới có thể vận dụng được (nên


mở các lớp tập huấn cho cán bộ kế toán các doanh nghiệp về kế toán quản trị).

3.3.2. Đối với các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng Việt Nam

Các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng là nơi trực tiếp vận dụng và thực hiện kế toán quản trị nói chung và kế toán quản trị chi phí giá thành sản phẩm nói riêng, theo ý kiến chúng tôi cần phải:

- Cần phải có sự nhận thức nhất định về kế toán quản trị cũng như sự cần thiết phải vận dụng tổ chức kế toán quản trị ở doanh nghiệp.

- Hoàn thiện cơ chế tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh ở doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần căn cứ vào điều kiện, quy mô sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp và cơ chế quản lý kinh tế, tài chính mới, các doanh nghiệp cần hoàn thiện cơ chế tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh phù hợp với sự phân cấp quản lý, nhằm tăng cường hạch toán kinh tế nội bộ, xác định rõ mối quan hệ giữa các bộ phận trong đơn vị, giữa phòng kế toán với các bộ phận có liên quan trong toàn doanh nghiệp.

- Các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng Việt Nam cần rà soát, bổ sung, xây dựng hệ thống các định mức kinh tế kỹ thuật cho phù hợp và phải thường xuyên rà soát, bổ sung cho phù hợp với từng thời kỳ.

- Trong nền kinh tế mới, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, vì vậy các doanh nghiệp ngành giống cây trồng cần xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sao cho phù hợp đặc thù của ngành, đặc thù và yêu cầu quản lý của đơn vị.

- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức về kế toán quản trị cho cán bộ quản lý, cán bộ kế toán.

- Chủ động xây dựng mô hình tổ chức kế toán quản trị phù hợp với công ty, tổ chức sắp xếp, điều chỉnh và hoàn thiện tổ chức quản lý kinh doanh của công ty. Xây dựng và thiết kế hệ thống kiểm soát quản lý một cách phù hợp và hiệu quả.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3


Trên cơ sở thực trạng của kế toán quản trị chi phí và giá thành sản phẩm tại các doanh nghiệp ngành giống cây trồng Việt Nam và xu hướng phát triển của các


doanh nghiệp trong nền kinh tế hội nhập với quốc tế, luận án khẳng định sự cần thiết phải tổ chức kế toán quản trị chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm, đưa ra các nguyên tắc chung, nội dung cần hoàn thiện và có số liệu minh hoạ. Các nội dung chủ yếu cần hoàn thiện là:

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy kế toán quản trị trong các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng Việt Nam theo mô hình kết hợp.

- Hoàn thiện tổ chức công tác lập, luân chuyển và lưu trữ chứng từ kế toán có liên quan đến kế toán quản trị chi phí sản xuất và tình giá thành sản phẩm tại các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng Việt Nam.

- Hoàn thiện cách phân loại chi phí sản xuất để phục vụ cho kế toán quản trị và quản lý nội bộ doanh nghiệp.

- Xây dựng, bổ sung hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật cho các sản phẩm trong các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng Việt Nam.

- Hoàn thiện hệ thống tài khoản kế toán, hoàn thiện hệ thống sổ kế toán chi tiết phục vụ cho kế toán quản trị chi phí giá thành sản phẩm trong các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng Việt Nam.

- Hoàn thiện hệ thống báo cáo kế toán quản trị chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm trong các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng

Ngoài ra luận án cũng đã đưa ra các điều kiện và các giải pháp nhằm tổ chức kế toán quản trị chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm trong các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng Việt Nam, góp phần phát triển một cách bền vững ngành nông nghiệp và an ninh lương thực quốc gia.


KẾT LUẬN


Tháng 11 Năm 2006, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã đặt ra cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng nói riêng những vận hội và thách thức mới. Một mặt các doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường và được đối xử bình đẳng với các nước trên thế giới. Mặt khác, cũng đặt ra cho các doanh nghiệp những thử thách mới cho các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng như: Phá bỏ hàng rào thuế quan, phá bỏ sự bảo hộ của Nhà nước, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài…

Các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng cần phải tăng cường tính cạnh tranh của mình bằng cách sử dụng đồng bộ các giải pháp nhằm cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Sử dụng kế toán là công cụ quản lý kinh tế là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất trong việc quản lý kinh tế của các doanh nghiệp.

Nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện tổ chức kế toán quản trị nói chung và kế toán quản trị chi phí giá thành nói riêng luận án đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

1. Qua việc nghiên cứu và phân tích luận án đã góp phần làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận về tổ chức kế toán quản trị chi phí giá thành sản phẩm. Và rút ra được bài học qua nghiên cứu tổ chức kế toán quản trị chi phí của các nước trên thế giới.

2. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích lý luận và thực tế tại các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng Việt Nam luận án đã đánh giá sát đúng thực trạng kế toán chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm và phân tích được thực trạng kế toán chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm tại các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng Việt Nam.

3. Luận án đã đưa ra được những nguyên tắc cơ bản và sự cần thiết phải tổ chức kế toán quản trị chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm tại các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng Việt Nam và đặc biệt là xác định được mô hình kết hợp cho bộ máy kế toán tại các doanh nghiệp.


4. Luận án đã đưa ra các giải pháp hoàn thiện từng nội dung cụ thể của tổ chức kế toán quản trị chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm trong các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng Việt nam, những giải pháp này được đưa ra từ việc phân tích thực trạng kế toán chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm tại các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng, có căn cứ khoa học và tính khả thi cao.

5. Luận án đã đưa ra các điều kiện cơ bản về các cơ quan chức năng của nhà nước, của cơ sở đào tạo và của các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng Việt Nam để thực hiện các giải pháp nêu trên, nhằm góp phần phát triển bền vững ngành giống cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Những nội dung cơ bản đã nêu trong luận án đã đạt được mục tiêu và yêu cầu nghiên cứu đặt ra. Tuy nhiên do Việt nam vừa mới gia nhập tổ chức thương mại thế giới, do đặc thù của ngành giống cây trồng do đó cơ chế quản lý, sự phát triền của ngành sẽ có những biến động, những vấn đề phát sinh cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.

Tóm lại: Tổ chức kế toán quản trị chi phí giá thành sản phẩm trong các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng là một nội dung khá phức tạp, một mặt các doanh nghiệp chưa xác định rõ sự cần thiết của kế toán quản trị, mô hình kế toán quản trị cần vận dụng. Mặt khác về chính sách chế độ hướng dẫn về kế toán quản trị trong các doanh nghiệp chưa thực sự đầy đủ. Do vậy tác giả giả gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về lý luận và thực tiễn, cho nên trong luận án sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Tác giả rất mong nhận được sự đóng góp, bổ sung ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia quản lý, các cán bộ kế toán trong thực tiễn để luận án được hoàn thiện và thành công hơn./.


DANH MỤC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ


1. Nguyễn Quốc Thắng (2008), “Một số giải pháp nhằm hoàn thiện tổ chức kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp”, Thị trường giá cả (11/2008), tr 27.

2. Nguyễn Quốc Thắng (2009), “Hoàn thiện hệ thống chứng từ kế toán phục vụ kế toán quản trị chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại các doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng Việt nam”, Thị trường giá cả (9/2009), tr 30.

3. Nguyễn Quốc Thắng (2009), “Kế toán quản trị chi phí và giá thành tại doanh nghiệp giống cây trồng, Kế toán (80), tr 24.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/11/2022