Ảnh Hưởng Của Thất Nghiệp Đối Với Người Lao Động Và Gia Đình Người Lao Động


1.1.2. Phân loại thất nghiệp

Căn cứ vào mục đích nghiên cứu và việc lựa chọn tiêu chí phân loại có nhiều cách phân loại thất nghiệp khác nhau:

1.1.2.1. Căn cứ vào tính chất thất nghiệp

Thất nghiệp tự nhiên: Đây là loại thất nghiệp mà nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào cũng có. Thất nghiệp tự nhiên bao gồm thất nghiệp ma sát (tình trạng thất nghiệp do NLĐ thay đổi việc làm) và thất nghiệp cơ cấu nhưng không bao gồm thất nghiệp chu kỳ.

Thất nghiệp cơ cấu: Tình trạng thất nghiệp xảy ra khi nền kinh tế chuyển đổi cơ cấu, khi đó một số người không có khả năng tìm kiếm việc làm do thiếu các kỹ năng mà thị trường lao động cần có. Đây là dạng thất nghiệp xảy ra khi NLĐ và NSDLĐ không tìm được nhau vì những lý do khác biệt về địa lý, thiếu thông tin, thị trường lao động hoạt động không hiệu quả. Do sự thay đổi cơ cấu kinh tế sẽ có những ngành nghề thu hút nhiều lao động nhưng cũng có những ngành nghề bị thu hẹp sản xuất nên dư thừa lao động. Thất nghiệp cơ cấu thể hiện rõ nhất giữa hai ngành nông nghiệp và công nghiệp trong nền kinh tế mỗi quốc gia.

Thất nghiệp tạm thời: Phát sinh do sự di chuyển lao động giữa các vùng, miền, thuyên chuyển công tác giữa các giai đoạn khác nhau trong quá trình sản xuất. Loại này khá phổ biến và diễn ra thường xuyên. Thất nghiệp tạm thời còn được gọi là thất nghiệp bề mặt.

Thất nghiệp chu kỳ: Loại thất nghiệp này xảy ra do mức cầu chung về lao động giảm xuống. Nó còn được gọi là thất nghiệp do thiếu cầu, nguồn gốc chính là sự suy giảm tổng cầu, gắn liền với thời kỳ suy thoái của chu kỳ kinh doanh. Loại thất nghiệp này diễn ra theo chu kỳ và vì thế mang tính quy luật. Thất nghiệp chu kỳ có hai dạng: (i) Thất nghiệp chu kỳ cao xuất hiện trong thời kỳ suy thoái kinh tế và

(ii) Thất nghiệp chu kỳ thấp xuất hiện khi phát triển kinh tế mở rộng.

Thất nghiệp thời vụ: Phát sinh theo các chu kỳ SXKD của một số ngành, nghề chỉ diễn ra và kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định trong năm. Loại này xảy ra phổ biến trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp hay các công việc chịu ảnh hưởng, tác động của thời tiết theo mùa.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.


Thất nghiệp công nghệ: Xảy ra khi áp dụng những tiến bộ của khoa học, công nghệ vào SXKD làm cho NLĐ trong các dây chuyền sản xuất bị dôi ra. Thất nghiệp công nghệ được coi là một phần của khái niệm rộng hơn là thất nghiệp cơ cấu.

Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở tỉnh Hải Dương - 4

1.1.2.2. Căn cứ theo lý do, ý chí của người lao động

Trong nền KTTT, lao động ở các nhóm ngành nghề, doanh nghiệp được trả tiền công lao động khác nhau. Việc đi làm hay nghỉ là quyền của mỗi người. Người lao động có sự so sánh và tự do lựa chọn chỗ nào lương cao, điều kiện làm việc tốt thì làm và ngược lại chỗ nào lương thấp, điều kiện làm việc không phù hợp thì nghỉ vì thế xảy ra hiện tượng:

Thất nghiệp tự nguyện: Là loại thất nghiệp mà ở một mức tiền công nào đó, NLĐ không muốn làm việc hoặc do công việc không phù hợp với trình độ chuyên môn, điều kiện làm việc không thuận lợi, không có khả năng phát triển nghề nghiệp nên NLĐ nghỉ việc mặc dù họ vẫn có nhu cầu lao động.

Thất nghiệp không tự nguyện: Người lao động có khả năng lao động, trong độ tuổi lao động, có nhu cầu làm việc và chấp nhận mức tiền công nào đó nhưng vẫn không được làm việc do không thỏa thuận được với NSDLĐ hoặc không có người sử dụng. Loại thất nghiệp này thường xảy ra do kinh tế suy thoái, cung lớn hơn cầu trong thị trường lao động.

1.1.2.3. Căn cứ vào mức độ thất nghiệp

Thất nghiệp toàn phần: Người lao động hoàn toàn không có việc làm hoặc thời gian làm việc thực tế mỗi tuần dưới 08 giờ và họ vẫn có nhu cầu làm việc thêm. Thất nghiệp bán phần: Người lao động vẫn có việc làm, nhưng khối lượng công việc ít hoặc thời gian lao động thực tế trung bình chỉ đạt 03 đến 04 giờ trong

một ngày làm việc và họ vẫn có nhu cầu làm thêm.

Việc phân loại thất nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng, căn cứ vào mỗi loại hình thất nghiệp khác nhau cần có những chính sách hỗ trợ việc làm khác nhau để hỗ trợ NLĐ. Ví dụ như đối với thất nghiệp tạm thời, cần hỗ trợ NLĐ thông qua hình thức giúp đỡ họ tìm kiếm việc làm, cung cấp thông tin về việc làm, hỗ trợ thu nhập thông qua trợ cấp BHTN. Đối với thất nghiệp cơ cấu có thể thực hiện các chương


trình đào tạo lại lực lượng lao động bị dôi ra, hỗ trợ NLĐ chuyển đến những vùng có việc làm hoặc tạo ra đòn bẩy tài chính để khuyến khích các ngành đang tăng trưởng hoặc ngành mới chuyển đến những khu vực bị ảnh hưởng bởi ở đó tập trung nhiều ngành đang bị suy thoái. Đối với thất nghiệp theo chu kỳ thì biện pháp giải quyết tốt nhất là thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách tài khóa mở rộng hoặc chính sách tiền tệ mở rộng để khuyến khích tăng trưởng kinh tế. NLĐ thất nghiệp theo chu kỳ cần được hỗ trợ thu nhập với thời hạn dài hơn các loại hình thất nghiệp khác, ít nhất là dài hơn khoảng thời gian mà chế độ BHTN thông thường cho phép. Trường hợp thất nghiệp bán phần, theo mùa vụ sẽ hạn chế bằng cách hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, phát triển nghề phụ, tiểu thủ công nghiệp ...

1.1.3. Tác động của thất nghiệp

Thất nghiệp là một hiện tượng kinh tế xã hội do do tác động của nhiều yếu tố kinh tế - xã hội và ở chiều ngược lại, thất nghiệp có tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia cũng như từng cá nhân NLĐ. Mỗi loại thất nghiệp khác nhau có những mức độ tác động, ảnh hưởng khác nhau đến phát triển của nền kinh tế đòi hỏi các nhà lãnh đạo, hệ thống chính trị của quốc gia cần quan tâm giải quyết theo các phương thức khác nhau.

1.1.3.1. Ảnh hưởng của thất nghiệp đối với người lao động và gia đình người lao động

Người lao động bị thất nghiệp cũng đồng nghĩa với mất nguồn thu nhập. Vì vậy thất nghiệp có tác động ảnh hưởng tiêu cực ngay lập tức tới bản thân NLĐ và gia đình họ. Mức độ ảnh hưởng sẽ tăng dần theo thời gian. Thất nghiệp kéo dài sẽ dẫn đến khó khăn, nghèo túng. NLĐ gặp khó khăn trong việc chuyển đổi nghề nghiệp và thường phải xác lập một QHLĐ mới mà điều kiện làm việc, điều kiện tài chính kém hơn trước; con cái họ sẽ khó khăn khi đến trường khi họ không có nguồn thu nhập để chi trả các chi phí học phí; sức khỏe họ sẽ giảm sút do thiếu kinh tế để bồi dưỡng, chăm sóc y tế. Hậu quả là bản thân NLĐ và gia đình họ từng bước rơi sâu vào tình trạng sống dưới mức sống tiêu chuẩn chung của xã hội và nếu không có


sự trợ giúp nào khác sẽ dẫn đến tình trạng phải vay nợ, không có khả năng chi trả và đẩy NLĐ đến bần cùng có thể dẫn họ đến những hành vi sai lầm đáng tiếc.

1.1.3.2. Ảnh hưởng của thất nghiệp đối với nền kinh tế

Thất nghiệp chính là sự lãng phí nguồn lực xã hội và là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho nền kinh tế bị đình đốn, chậm phát triển. Quy luật của Okun (Okun's Law) nói đến mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế Mỹ với tổng sản phẩm quốc dân (GNP) đã nói rằng khi thất nghiệp giảm 1% thì GNP tăng 3%. Khi thất nghiệp tăng 1% thì làm cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 2%. Như vậy, có thể thấy rằng nếu nền kinh tế tăng trưởng cao thì thất nghiệp sẽ giảm và ngược lại. Tỷ lệ thất nghiệp cao cho thấy nền kinh tế đang trong tình trạng hoạt động không hiệu quả. Thực tế và lý thuyết đều cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tăng tỷ lệ thuận với số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản. Tại Việt Nam, theo thông cáo báo chí tình hình lao động và việc làm, tình hình kinh tế xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê (GSO), tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,47% cao gấp 1,14 lần so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và đã hoàn tất thủ tục giải thể là 56.200 doanh nghiệp, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Thất nghiệp tăng làm cho NLĐ mất thu nhập sẽ giảm nhu cầu tiêu dùng làm cho tổng cầu xã hội giảm khiến cho hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại.

1.1.3.3. Ảnh hưởng của thất nghiệp đối với chính trị, xã hội

Người lao động thường có vai trò trụ cột, hạt nhân trong mỗi gia đình. Khi rơi vào tình trạng thất nghiệp, họ luôn trong tình trạng hoang mang, lo lắng, mất niềm tin vào bản thân. Áp lực tâm lý đè nặng lên không chỉ bản thân họ mà còn tác động đến từng cá nhân trong gia đình mà mỗi gia đình lại là tế bào của xã hội nên có thể nói rằng thất nghiệp tác động đến cá nhân NLĐ có nghĩa là đã tác động đến toàn xã hội. Người lao động mất thu nhập, không thể thỏa mãn các nhu cầu cơ bản chính đáng của bản thân và gia đình sẽ có thể đẩy họ đến chỗ bất chấp kỷ cương, vi phạm pháp luật, hủy hoại đạo đức, nhân phẩm để kiếm kế sinh nhai, kiếm tiền trang trải cho sinh hoạt hàng


ngày như trộm cắp, mại dâm, buôn bán ma túy ... Tình trạng thất nghiệp diện rộng, tăng cao, kéo dài sẽ làm gia tăng căng thẳng, bất ổn xã hội. Người lao động mất lòng tin vào khả năng lãnh đạo điều hành của chính phủ cầm quyền, vào chế độ chính trị dễ dẫn đến các cuộc biểu tình, đe dọa sự ổn định chính trị của mỗi quốc gia.

1.2. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp

1.2.1. Khái niệm bảo hiểm thất nghiệp và chính sách bảo hiểm thất nghiệp

1.2.1.1. Khái niệm bảo hiểm thất nghiệp

Hiện có nhiều cách tiếp cận khác nhau về BHTN, theo Công ước số 102 năm 1952 của ILO về quy phạm tối thiểu về an toàn xã hội thì BHTN là một biện pháp hỗ trợ thiết thực về mặt tài chính cho NLĐ mất việc làm nhằm giúp họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, cơ chế pháp lý này còn tạo dựng hệ thống các giải pháp như hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề làm góp phần ổn định tâm lý, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ bị mất việc làm có cơ hội tìm kiếm, thích ứng với công việc mới.

Dưới góc độ kinh tế - xã hội, BHTN là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo ASXH. Quỹ BHTN do NLĐ và NSDLĐ đóng góp cùng với sự bảo hộ của nhà nước được coi là khoản thay thế một phần thu nhập, giúp ổn định cuộc sống cho người thất nghiệp trong thời gian tìm việc làm mới.

Dưới góc độ pháp lý, BHTN là tổng thể các quy định của pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành nhằm bảo đảm xây dựng và sử dụng quỹ BHTN để hỗ trợ một phần tài chính cho NLĐ thất nghiệp sớm tìm được việc làm.

Ở Việt Nam, khái niệm BHTN xuất hiện lần đầu tiên trong Luật BHXH năm 2006. Theo đó, BHTN là sự bảo đảm, thay thế, bù đắp một phần thu nhập của NLĐ trong trường hợp bị mất việc làm, đang có nhu cầu tìm việc làm đồng thời có một số biện pháp để họ nhanh chóng quay trở lại với thị trường lao động. Luật Việc làm năm 2013 đã hoàn thiện thêm khái niệm về BHTN. Theo Khoản 4, Điều 3 thì “Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp”.


Như vậy, dù các cách tiếp cận có khác nhau nhưng vẫn có điểm chung là bên cạnh việc hỗ trợ một khoản tài chính đảm bảo ổn định cuộc sống cho NLĐ trong thời gian mất việc làm thì mục đích chính của BHTN là thông qua các hoạt động đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, sớm đưa lao động thất nghiệp tìm được một việc làm mới thích hợp và ổn định. Giống như các loại hình BHXH khác, BHTN cũng dựa trên cơ chế có đóng góp BHTN thì mới được hưởng TCTN. Điểm khác biệt của BHTN là ở chỗ, sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ chỉ trong trường hợp NLĐ bị mất việc làm, đang có nhu cầu tìm việc làm và không chỉ bù đắp một phần thu nhập mà còn chi trả cho hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm ... Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ trao cho NLĐ “con cá” mà còn cung cấp cho họ “cần câu” để họ tự xây dựng cuộc sống tương lai.

Tóm lại, có thể hiểu BHTN như sau: Bảo hiểm thất nghiệp là một hình thức BHXH dựa trên sự đóng góp của NLĐ, NSDLĐ và nhà nước nhằm bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ khi mất việc làm, tạo điều kiện hỗ trợ NLĐ tìm được việc làm mới thông qua hoạt động tư vấn và giới thiệu việc làm hoặc đào tạo lại.

Nội hàm của khái niệm trên thể hiện BHTN là một hình thức của BHXH nên cơ chế đóng góp có sự tham gia của các bên trong QHLĐ và nhà nước. Mục đích là bù đắp một phần thu nhập và hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo, đào tạo lại cho NLĐ thất nghiệp. Nội dung chi trả BHTN bao gồm chi trả tài chính trực tiếp cho NLĐ và chi trả cho các dịch vụ giảm thiểu thất nghiệp như đào tạo, đào tạo lại và tư vấn giới thiệu việc làm.

1.2.1.2. Khái niệm chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Theo Nguyễn Hữu Hải (2014) thì chính sách là những chuẩn tắc cụ thể, để thực hiện đường lối, nhiệm vụ. Chính sách được thực hiện trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào đó. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tùy thuộc vào tính chất của đường lối của nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa. Theo James Aderson (1994) thì chính sách là một chuỗi (tập hợp) những hành động có mục đích nhằm giải quyết một vấn đề. Một cách tổng quát, có thể hiểu chính sách là những ứng xử (hành động) có mục đích của chủ thể với những


vấn đề phát sinh, tồn tại trong quá trình vận động, phát triển xã hội nhằm đạt mục tiêu nhất định. Điều lưu ý là chính sách phải là hành động, quyết định đã được lựa chọn thực hiện, không phải là một dự định.

Chính sách công là những quy định về ứng xử của nhà nước với những hiện tượng nảy sinh trong đời sống cộng đồng, được thể hiện dưới những hình thức khác nhau một cách ổn định, nhằm đạt được mục tiêu định hướng. Chính sách công có đặc điểm: (i) Do nhà nước ban hành; (ii) Tác động đến đời sống kinh tế - xã hội;

(iii) Có mục tiêu ổn định và (iv) Phải chứa đựng cả mục tiêu và biện pháp chính trị và đặc biệt là phù hợp với đường lối của đảng cầm quyền. Chính sách công là một loại công cụ mà các nhà nước dùng để quản lý kinh tế - xã hội, chuyển tải ý chí của nhà nước đối với các đối tượng quản lý, khuyến khích các hoạt động kinh tế - xã hội để mọi thành viên trong xã hội đều có thể tham gia đóng góp sức mình; kìm hãm, hạn chế mặt trái của nền KTTT, phát huy mặt tích cực, đem lại lợi ích công cộng, bảo đảm ASXH, nâng đỡ, tạo điều kiện cho từng cá nhân trong xã hội phát triển toàn diện về mọi mặt.

Bảo hiểm thất nghiệp trước đây và hiện nay ở nhiều nước trên thế giới vẫn là một chế độ trong hệ thống các chế độ của BHXH. Vì vậy nó mang đầy đủ tính chất của BHXH đó là bù đắp một phần thu nhập bị mất của NLĐ thất nghiệp từ đó giúp ổn định cuộc sống cho họ và gia đình. Nguồn tài chính hỗ trợ được lấy từ quỹ BHTN được hình thành và hoạt động thường xuyên đáp ứng yêu cầu được hưởng trợ cấp của NLĐ mất việc làm. Bảo hiểm thất nghiệp còn hỗ trợ người thất nghiệp được chăm sóc sức khỏe thông qua BHYT và đào tạo nghề, giới thiệu việc làm giúp họ nhanh chóng tìm được việc làm mới. Một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada sử dụng tên gọi “Bảo hiểm việc làm” bởi chính sách họ xây dựng nhấn mạnh hơn đến sự quan tâm đến các hoạt động hỗ trợ việc làm nhưng các nguyên tắc cơ bản trong thiết kế và triển khai các chế độ trợ cấp thất nghiệp vẫn không thay đổi.

Như vậy, có thể hiểu chính sách BHTN là hệ thống các quy định của nhà nước về sự đóng góp của NLĐ, NSDLĐ và nhà nước, về quyền lợi của NLĐ khi bị mất việc nhằm giúp họ có thể nhanh chóng tái gia nhập thị trường lao động.


1.2.2. Vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp

1.2.2.1. Đối với người lao động

Bảo hiểm thất nghiệp vừa có chức năng bảo vệ, vừa có chức năng khuyến khích đối với NLĐ thất nghiệp. Bảo hiểm thất nghiệp bảo vệ NLĐ thông qua chính sách TCTN, BHYT và hỗ trợ đào tạo nghề giúp NLĐ sớm tìm được việc làm thích hợp. Mặt khác, thông qua chính sách tư vấn, giới thiệu việc làm, BHTN còn khuyến khích NLĐ bị mất việc làm tích cực tìm kiếm việc làm và sẵn sàng đi làm theo sự giới thiệu của Trung tâm DVVL. Những hoạt động hỗ trợ này không những góp phần làm giảm khó khăn trước mắt trong cuộc sống của NLĐ mà còn tạo điều kiện cho họ tiếp tục tìm kiếm việc làm. Khi NLĐ nhận được sự hỗ trợ từ BHTN, họ cảm nhận được trách nhiệm của nhà nước, sự cưu mang của cộng đồng qua đó có thể giảm thiểu, hạn chế những nguy cơ dẫn đến xung đột trong quan hệ xã hội.

Chức năng bảo vệ và chức năng khuyến khích vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn với nhau. Nếu chức năng bảo vệ được thực hiện tốt nghĩa là thu nhập của NLĐ được bảo vệ gần với mức thu nhập trước khi mất việc làm sẽ tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, không khuyến khích được NLĐ tích cực học nghề và tìm kiếm việc làm mới. Vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, các cơ quan có thẩm quyền phải tính toán sao cho đảm bảo tỷ lệ tiền lương đóng quỹ BHTN không ảnh hưởng đến cuộc sống của NLĐ đồng thời mức chi trả, thời gian thụ hưởng cũng tương xứng với thời gian đóng góp, bảo đảm đáp ứng các nhu cầu tối thiểu cho NLĐ thất nghiệp và gia đình họ.

1.2.2.2. Đối với người sử dụng lao động

Quỹ BHTN được hình thành trên nguyên tắc nhà nước, NSDLĐ và NLĐ cùng đóng góp sẽ chi trả TCTN cho NLĐ khi họ mất việc làm thay cho NSDLĐ. Do vậy, NSDLĐ sẽ nhẹ gánh trách nhiệm hơn khi họ phải sa thải lao động hoặc cho NLĐ tạm nghỉ việc. Dưới góc độ này, BHTN không chỉ trợ giúp NLĐ mà còn trợ giúp cả NSDLĐ. Mặt khác, khi NLĐ biết rõ nếu thất nghiệp sẽ được hưởng BHTN thì họ sẽ yên tâm làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho NSDLĐ phát triển SXKD.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/07/2023