BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
Hồ Thị Vân Anh
TIỂU THUYẾT WILLIAM FAULKNER TỪ GÓC NHÌN NHÂN HỌC VĂN HOÁ
Chuyên ngành: Văn học nước ngoài
Mã số: 9 22 02 42
Có thể bạn quan tâm!
- Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hoá - 2
- Mối Bận Tâm Về “Viết” Và Những Chuyển Động Trong Lòng Nhân Học
- Nghiên Cứu Tiểu Thuyết Faulkner Từ Nhân Học Văn Hóa
Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. LÊ HUY BẮC
HÀ NỘI, 2022
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nêu trong luận án là kết quả của quá trình làm việc nghiêm túc, trung thực. Các tài liệu tham khảo, trích dẫn có xuất xứ rò ràng. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về công trình nghiên cứu của mình.
Hà Nội, ngày 01 tháng 01 năm 2022
Tác giả
Hồ Thị Vân Anh
Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến người hướng dẫn khoa học, GS. TS. Lê Huy Bắc, người thầy đã tận tình chỉ dạy, định hướng, khích lệ và đặt niềm tin vào nghiên cứu của tôi.
Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn các thầy cô trong Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các thầy cô và các nhà khoa học thuộc các đơn vị công tác khác đã nhiệt tình giảng dạy, chỉ dẫn, sẵn lòng chia sẻ các tri thức và tư liệu quý giá trong quá trình học tập của tôi.
Tôi xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo Sau đại học, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã hỗ trợ tôi trong quá trình thực hiện luận án.
Xin bày tỏ sự tri ân tới Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh, nơi các thầy cô, anh chị đồng nghiệp luôn dành cho tôi niềm tin yêu và nhiều ưu ái.
Cuối cùng, tôi xin tỏ lòng biết ơn sâu nặng tới gia đình, những người thân, những người bạn đã luôn yêu thương, đồng hành và tiếp sức cho tôi trong quãng đường thử thách và giàu ý nghĩa này.
Hồ Thị Vân Anh
MỞ ĐẦU 1
1. Lí do chọn đề tài 1
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2
2.1. Mục đích nghiên cứu 2
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu 2
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 3
3.1. Đối tượng nghiên cứu 3
3.2. Phạm vi nghiên cứu 3
4. Phương pháp nghiên cứu 3
5. Đóng góp của luận án 4
6. Cấu trúc của luận án 4
Chương 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI. 5
1.1. Nhân học văn hóa và nghiên cứu văn chương từ nhân học văn hóa 5
1.1.1. Giới thuyết về nhân học, nhân học văn hóa 5
1.1.2. Lịch sử nghiên cứu về mối quan hệ giữa nhân học và văn chương 9
1.1.3. Những đặc thù trong việc tiếp cận văn chương từ nhân học văn hóa 16
1.2. Nghiên cứu tiểu thuyết Faulkner từ nhân học văn hóa 20
1.2.1. Khái quát lịch sử nghiên cứu tiểu thuyết Faulkner 21
1.2.2. Những nghiên cứu về tiểu thuyết Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa 28
1.2.3. Hướng nghiên cứu tiểu thuyết Faulkner từ nhân học văn hóa của luận án.. 43 Tiểu kết 45
Chương 2. SỰ “MÔ TẢ SÂU” CĂN TÍNH MIỀN NAM NƯỚC MĨ 46
2.1. Vấn đề căn tính và quan điểm tiếp cận 46
2.2. Miền Nam và kí ức 51
2.2.1. Quá khứ - gánh nặng 51
2.2.2. Quá khứ - cái đẹp đã mất 55
2.2.3. Quá khứ - tội lỗi và lời nguyền 60
2.3. Miền Nam và những nan đề hiện tại 64
2.3.1. Cốt cách nông nghiệp và lối sống công nghiệp 64
2.3.2. Bất chấp định mệnh 70
2.3.3. Tự trị và hoà nhập 73
Tiểu kết 78
Chương 3. SỰ DIỄN GIẢI VỀ CÁC PHẠM TRÙ CỦA NHÂN TÍNH 79
3.1. Vấn đề nhân tính và quan điểm tiếp cận 79
3.2. Truy vấn đường biên nhị nguyên: chủng tộc và giới 83
3.2.1. Tự sự về màu da và “tâm thức kép” 83
3.2.2. Khủng hoảng bản sắc giới và sự trở về thiên tính nữ 92
3.3. Thách thức cái bình thường: khuyết tật và cái ác 100
3.3.1. Tự sự của cái thiếu khuyết: viết từ vai kẻ khác 100
3.3.2. Sự tầm thường của cái ác: đám đông phi nhân 107
Tiểu kết 114
Chương 4. HUYỀN THOẠI - NGHI LỄ NHƯ MỘT PHẨM TÍNH NHÂN HỌC TRONG TIỂU THUYẾT FAULKNER 115
4.1. Dưới bóng Cành vàng: cuộc “gặp gỡ” giữa Faulkner và Frazer 115
4.2. Cổ mẫu cái chết - sự tái sinh: ý niệm trung tâm trong xây dựng hình tượng 118
4.2.1. Trạng thái suy tàn của thế giới nhân sinh 119
4.2.2. Quá khứ phục sinh và cái đẹp vĩnh hằng 121
4.2.3. Sự bất khả hồi sinh: phản đề của cổ mẫu 129
4.3. Cổ mẫu hàm oan - một cách cắt nghĩa lối viết gothic 136
4.3.1. “Kẻ hàm oan” như một khởi nguyên của nhân vật gothic 137
4.3.2. Nghi lễ trút tội và lối viết gothic: ứng xử với “cái khác quái dị” 141
Tiểu kết 146
KẾT LUẬN 147
TÀI LIỆU THAM KHẢO 152
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. William Faulkner (1897-1962) là một tên tuổi lớn của văn chương Mĩ và văn chương hiện đại thế giới. Các tác phẩm thử thách sự thông tuệ và lòng kiên nhẫn của ông, ra đời đã gần một thế kỉ, vẫn chưa bao giờ ngưng vẫy gọi độc giả, nhà nghiên cứu luận bàn về chúng trong mối liên hệ đa dạng với đời sống văn hoá, hối thúc việc huy động một mạng lưới những tri thức liên ngành phong phú. Bức tranh nghiên cứu phê bình Faulkner trong suốt gần một thế kỉ qua cho ta một hình dung về sự gắn bó bền chặt và linh động giữa văn chương Faulkner với đời sống văn hóa trong lịch sử và đương đại. Trong nhận thức bước đầu của chúng tôi, văn chương Faulkner là một hiện tượng thú vị, đòi hỏi cách tư duy bao quát khi tiếp cận, nhận diện và đánh giá.
1.2. Nhân học văn hóa (cultural anthropology), với nỗ lực nhìn nhận con người bằng cái nhìn đa chiều và toàn vẹn trong những mối liên hệ với văn hóa, đã đáp ứng tham vọng tiếp cận bao quát nói trên đối với văn chương Faulkner. Lối đi này có thể dẫn tới cơ hội khám phá những câu chuyện thường gặp trong tiểu thuyết Faulkner, chủng tộc, giới tính, thân tộc, bệnh tật, chết chóc, tội phạm… Từ đó, chúng tôi đưa ra giả thiết rằng, phải chăng văn chương Faulkner nói chung, tiểu thuyết của ông nói riêng, là đối tượng nghiên cứu thích hợp với cách tiếp cận nhân học văn hóa?
1.3. Giả thiết này được kiểm chứng khi chúng tôi tiến hành khảo cứu lịch sử nghiên cứu, phê bình Faulkner trong suốt gần một thế kỉ qua, đặc biệt trong vài thập niên gần đây. Khảo cứu cho thấy hướng tiếp cận liên ngành và gắn kết với các bình diện văn hóa, xã hội là xu hướng triển vọng đối với tiếp nhận Faulkner. Thực tế, chỉ cần làm một phép thử xác suất, lướt qua các chủ đề của hội thảo thường niên về Faulkner do Đại học Mississippi (Hoa Kì) tổ chức trong gần nửa thế kỉ qua, có thể thấy bên cạnh những cách tiếp cận được cho là thuần túy văn chương, hàng loạt các khía cạnh nhân học văn hoá được dùng để soi chiếu tác phẩm của ông: địa lí, kinh tế, môi trường, tôn giáo, dân tộc, lịch sử, giới tính… Điều này, theo chúng tôi, xuất phát từ bản chất của khoa học nhân học, cụ thể hơn là nhân học văn hóa, và từ xu hướng vận động của các lí thuyết phê bình văn chương hiện nay. Hai lí do trên dẫn đến thực tế rằng dễ thấy hàng loạt những ứng dụng nghiên cứu về một hiện tượng cụ thể như văn chương Faulkner có những gặp gỡ, gần gũi với nhân học văn hóa.
Trong bối cảnh đó, với khả năng nhận thức và nghiên cứu của mình, chúng tôi mong đợi xác định được một khung lí thuyết nhân học văn hóa cụ thể, từ lựa chọn
và quan điểm của người nghiên cứu, để phân tích, xử lí hiện tượng cụ thể là tiểu thuyết Faulkner. Đề xuất một cách đọc Faulkner, dưới ánh sáng của nhân học văn hóa, trên tinh thần học hỏi, kế thừa từ một phông nền lịch sử nghiên cứu dày dặn đã có, thiết nghĩ là một hành trình đáng theo đuổi.
Với những lí do trên, chúng tôi lựa chọn đề tài: Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Lựa chọn đề tài này, luận án đặt ra những mục đích sau:
Được khích lệ từ những ứng dụng nghiên cứu văn chương từ nhân học rất ý nghĩa và thú vị trên thế giới, và đặc biệt là ở Việt Nam, luận án hướng tới việc góp thêm tiếng nói luận bàn về mối quan hệ liên ngành giữa văn chương và nhân học, trên cả bình diện lí thuyết và thực hành.
Cũng kế thừa thành quả nghiên cứu vô cùng đồ sộ về Faulkner trên thế giới và lịch sử đọc về Faulkner hơn nửa thế kỉ qua ở Việt Nam, trong phạm vi tư liệu bao quát được, luận án cố gắng hình dung một bức tranh tổng quan về lịch sử nghiên cứu Faulkner, chọn lọc một số đóng góp nổi bật trong việc đọc tiểu thuyết Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hoá.
Đọc tiểu thuyết Faulkner từ nhân học văn hoá, luận án nhằm tìm kiếm, giải mã quan niệm về con người và nhân sinh của Faulkner, cách nhà văn nhìn nhận, diễn giải thực trạng nhân sinh và cắt nghĩa cội nguồn của thế giới nhân sinh ấy, bởi suy cho cùng, cốt lòi của nhân học là con người. Luận án cũng hướng tới khám phá và xác định những nét đặc sắc trong nghệ thuật tiểu thuyết Faulkner, cắt nghĩa những đặc trưng nghệ thuật ấy từ cội nguồn nhân học, vốn tri thức văn hoá và quan niệm nhân sinh của nhà văn.
Có thể coi đây là một nghiên cứu trường hợp, thực hành việc tìm hiểu và vận dụng nhân học văn hóa, một lí thuyết liên ngành và nhiều tiềm năng trong nghiên cứu văn chương.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được những mục đích trên, luận án xác định các nhiệm vụ nghiên cứu:
Giới thuyết về nhân học văn hóa với tư cách là một lí thuyết có tính ứng dụng cao trong nghiên cứu văn chương. Việc giới thiệu được tiến hành trên tinh thần không đi vào mô tả các diễn biến chi tiết của tiến trình lí thuyết, mà nhằm tổng thuật những đặc trưng cốt lòi của nó. Cũng ở chương đầu tiên, luận án phác thảo những nét chính trong một bức tranh về lịch sử tiếp nhận Faulkner, trong đó, đặt trọng tâm
vào hướng nghiên cứu từ góc nhìn nhân học văn hóa. Từ cái nhìn tổng quan đó, luận án lựa chọn một khung lí thuyết nhân học văn hoá phù hợp và vừa sức với việc tiếp cận tiểu thuyết Faulkner.
Nhiệm vụ trọng tâm của luận án, được triển khai trong ba chương tiếp theo, là khảo sát, phân tích, diễn dịch những tri thức, quan niệm cũng như lối viết nhân học trong tiểu thuyết Faulkner. Trong đó, chương hai và chương ba đọc Faulkner như một nhà nhân học “mô tả sâu” và diễn giải hai khái niệm trụ cột: căn tính cộng đồng và nhân tính. Chương cuối thực hiện nhiệm vụ phân tích những dấu tích huyền thoại
- nghi lễ như trong tiểu thuyết Faulkner.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là tiểu thuyết William Faulkner được nhìn từ lí thuyết nhân học văn hoá.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi khảo sát chính của luận án là 04 tiểu thuyết: Âm thanh và cuồng nộ (Nxb Văn học, 2008), Khi tôi nằm chết (Nxb Hội nhà văn, 2012), Nắng tháng tám (Nxb Hội nhà văn, 2013), Absalom, Absalom! (Vintage, 1990). Bốn tiểu thuyết trên được xem là “tứ đại kì thư”, những điển phạm trong sự nghiệp Faulkner. Chúng ra mắt độc giả lần lượt vào các năm 1929, 1930, 1932, 1936. Những thập niên 1920- 1930 này là giai đoạn đầy biến động và phong phú về mặt văn hoá trong lịch sử Hoa Kì, điều hứa hẹn những chất liệu hiện thực giàu có cho hướng tiếp cận nhân học.
Một phần nội dung nghiên cứu của luận án là nhân học văn hóa, với tư cách là một điểm tựa lí thuyết để tiếp cận tiểu thuyết Faulkner. Đây vốn là một lí thuyết dày rộng, khá mới mẻ và đầy thử thách, nên chúng tôi lựa chọn tập trung vào một bộ khung các khái niệm, vấn đề quan trọng và phù hợp. Vì thế, các tư liệu nhân học văn hóa được khai thác trong luận án, tuy chưa toàn diện nhưng mang tính chọn lọc chủ quan, chủ yếu từ hai nguồn: các công trình dẫn nhập về ngành học và các công trình liên quan tới các vấn đề cụ thể được khảo cứu, bao gồm các vấn đề về căn tính văn hoá, nhân tính và huyền thoại - nghi lễ.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận án tiếp cận tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hoá, cụ thể là theo tinh thần của nhân học diễn giải. Ý nghĩa phương pháp luận cốt yếu của nhân học diễn giải là ở sự chuyển dịch từ tư duy nhân quả sang tư duy diễn giải: thực hành nhân học, về bản chất, không phải là khoa học tìm kiếm quy luật, mà là một hành trình diễn giải những mạng lưới ý nghĩa bất tận của văn hoá. Tinh thần