được coi như là một kho kiến thức sâu rộng về lịch sử, về tôn giáo, về văn hóa và về cách suy nghĩ, tình cảm của con người Việt Nam trong chiều dài lịch sử nước nhà qua nhiều giai đoạn khác nhau. Từ kháng chiến chống Pháp đến cải cách ruộng đất rồi đến kháng chiến chống đế quốc Mĩ- tất cả đã tạo nên một cái nhìn đa chiều, toàn diện và xuyên sốt đối với lịch sử nước nhà dưới con mắt của một người từng trải, một người có nhận thức sâu sắc về lịch sử, văn hóa trong toàn cảnh và qua từng giai đoạn.
Đặt trong mối quan hệ với tiểu thuyết của các thế hệ nhà văn tiền bối như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Minh Châu … thì ta dễ dàng nhận thấy Đội gạo lên chùa đã phản ánh đến một nội dung có tính chất bao quát, toàn vẹn và sâu sắc, xuyên suốt chiều dài của lịch sử hơn. Chính vì thế có thể nói trong văn chương thời kì đổi mới thì Đội gạo lên chùa đã đạt được những thành tựu rực rỡ.
Thực hiện luận văn: “Tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh trong thành tựu văn chương thời đổi mới”, chúng tôi mong muốn khẳng định những thành tựu đặc sắc của Nguyễn Xuân Khánh ở cả hai phương diện nội dung phản ánh và hình thức thể hiện, so với những tác phẩm tiểu thuyết văn hóa - lịch sử khác của ông, cũng như so với những tác phẩm tiểu thuyết của các tác giả khác cùng thời.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Về các cuộc phỏng vấn và trao đổi
Trên các phương tiện báo chí và truyền thông, một số cuộc phỏng vấn, trò chuyện văn chương của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh xung quanh tác phẩm Đội gạo lên chùa, chuyện nghề, chuyện đời…v.v đã được công bố, Hoàng Lan Anh có bài ghi chép trò chuyện Viết tiểu thuyết ở tuổi 79, đăng trên báo Người lao động, ngày 26 tháng 6 năm 2011. Thanh Vân có cuộc phỏng vấn với tiêu đề Không trải nghiệm nào là vô ích, đăng trên tạp chí Tia sáng, số 13, ngày 5 tháng 7 năm 2011. Đáng chú ý trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 729, tháng 7
năm 2011, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có bài tự thuật Tôi đã viết tiểu thuyết
“Đội gạo lên chùa” như thế nào, bộc lộ và chia sẻ nhiều điều xung quanh tác phẩm. Trên báo Sài Gòn giải phóng, ngày 30 tháng 10 năm 2011, Cao Minh có bài phỏng vấn với tiêu đề Nhà văn phải là nhà tư tưởng..v.v…
Tất cả những ý kiến, quan điểm mà nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đưa ra trong những cuộc trả lời phỏng vấn, trò chuyện văn chương, đều là những tài liệu tham khảo có ích, giúp chúng tôi tiếp cận tác phẩm và thực hiện luận văn một cách thuận lợi hơn.
2.2. Về các bài báo
Có thể bạn quan tâm!
- Tiểu thuyết Đội Gạo Lên Chùa của Nguyễn Xuân Khánh trong thành tựu văn chương thời đổi mới - 1
- Nguyễn Xuân Khánh - Một Hiện Tượng Văn Học Độc Đáo
- Một Đơn Vị Làng Trong Kháng Chiến Chống Pháp
- Tiểu thuyết Đội Gạo Lên Chùa của Nguyễn Xuân Khánh trong thành tựu văn chương thời đổi mới - 5
Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.
Ngay sau khi ra đời, Đội gạo lên chùa ra đời đã tạo nên một làn sóng xôn xao trong dư luận và nhiều giới bạn đọc. Một số nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ đã có những bài báo đáng chú ý về tác phẩm:
Trên báo An ninh thế giới số 118, tháng 6 năm 2011, tác giả Vũ Từ Trang có bài Nguyễn Xuân Khánh: Nhà văn độc hành, độc bộ, khẳng định hướng đi riêng thành công của nhà văn. Bài viết có đoạn cho rằng: “Khác với các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử trước, ông không phụ thuộc vào các sự kiện. Sự kiện lịch sử chỉ là nới nương tựa để ông giăng mắc các số phận. Từ những số phận đan chéo buồn vui, ông lí giải mọi mâu thuẫn. Văn của ông có sức mê dụ người đọc, tạo thành những thủ pháp riêng của ông”.
Trên báo Điện tử ngày 7 tháng 9 năm 2012, có bài viết đã khẳng định như sau: Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là cây bút có nhiều tác phẩm văn xuôi được giới nghề nghiệp và bạn đọc quan tâm trong những năm gần đây, nổi bật là ba tiểu thuyết gây đình đám: Hồ Quý Ly (năm 2000), Mẫu thượng ngàn (năm 2006) và Đội gạo lên chùa (năm 2011). Trong đó, tiểu thuyết Đội gạo lên chùa đã được tặng giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2011…Lí giải về cây bút Nguyễn Xuân Khánh, Văn Chinh ví tác giả như gốc mai già, mấy mươi năm chìm khuất đâu đó chợt bật lên rừng rực nở. PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp khẳng định: “Tư tưởng của ông là đóng góp chính yếu trong tư cách tiểu thuyết gia. Tư tưởng ấy đã làm nên bước ngoặt về quan niệm nghệ thuật, là trở về với lối tự sự truyền thống trong khi rất nhiều nhà văn tài năng khác dấn thân vào con đường đổi mới nghệ thuật văn xuôi”. Nhà phê bình Đoàn Ánh Dương có bài “Kiến giải về dân tộc trong Đội gạo lên chùa” trên báo Văn nghệ, số 27,
ngày 2 tháng 7 năm 2011. Tác giả viết: “Bộ ba tiểu thuyết văn hóa lịch sử này, Nguyễn Xuân Khánh đã gác sang bên những trăn trở về đổi mới bút pháp để đi sang đổi mới về mặt tư tưởng. Tư tưởng, chứ không phải là nghệ thuật tiểu thuyết, mới là mục đích chính yếu, đóng góp chính yếu của Nguyễn Xuân Khánh trong tư cách tiểu thuyết gia. Làm nên bước ngoặt về quan niệm nghệ thuật, là trở về với lối tự sự truyền thống trong khi rất nhiều nhà văn Việt Nam tài năng khác dấn thân vào con đường đổi mới nghệ thuật tự sự, Nguyễn Xuân Khánh đã thực sự thành công, tâm huyết không chỉ trong vai trò của nhà văn, mà còn trong vai trò của một trí thức luôn quan tâm đến các vấn đề của văn hóa, quốc gia, dân tộc”.
Còn rất nhiều bài báo khác nhận định, đánh giá về tiểu thuyết Đội gạo lên chùa. Trên đây chỉ là một số bài tiêu biểu mà chúng tôi có điều kiện được đọc. Nhưng việc giải quyết cụ thể cái hay, cái đặc sắc về vấn đề phản ánh và hình thức phản ánh trong tiểu thuyết thì vẫn là một vấn đề chưa kết thúc. Song với nội dung của những bài báo đó là những gợi dẫn quan trong để chúng tôi căn cứ và vận dụng triển khai luận văn.
2.3. Về hội thảo khoa học
Như đã trình bày ở trên, ngay sau khi tác phẩm Đội gạo lên chùa được xuất bản nó đã gây một tiếng vang lớn, thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của giới nghiên cứu và bạn đọc.
Tháng 6 năm 2011, Nhà xuất bản Phụ nữ và Hội nhà văn Hà Nội kết hợp tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học Nguyễn Xuân Khánh - Đội gạo lên chùa. Nhiều nhà phê bình đã có những tham luận công phu và nghiêm túc, tập trung vào việc tìm hiểu vấn đề Phật giáo trong đời sống văn hóa Việt Nam. Nguyễn Văn Tùng khai thác Cảm hứng Phật giáo; Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái tìm hiểu đặc thù đạo Phật Việt Nam ở vấn đề Tùy duyên; Phạm Xuân Thạch coi tiểu thuyết Đội gạo lên chùa là Một tiếng gọi khẩn thiết của cái thiện. Những phân tích, giải mã của họ đã cho thấy một sự đánh giá rất cao và một sự đón nhận rất trân trọng dành cho tác phẩm.
Tháng 10 năm 2012, Viện Văn học tổ chức Tọa đàm khoa học Lịch sử và văn hóa trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh. Tọa đàm đã đi vào một số vấn
đề lớn như tư tưởng nghệ thuật, vấn đề thể loại tiểu thuyết lịch sử, vấn đề nghệ thuật tự sự.v.v…Những tham luận trong tọa đàm đã khẳng định những nỗ lực tìm kiếm giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, đồng thời cũng chỉ ra một số đặc điểm hạn chế trong nghệ thuật tự sự của nhà văn.
Qua buổi tọa đàm, các bài viết tham luận đã được tập hợp thành cuốn sách Lịch sử và văn hóa- cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh. Đây là cuốn sách dày dặn, công phu, đưa ra những cách tiếp cận đa chiều về tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, đặt trong diễn trình của tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
2.4. Về các luận văn, đề tài nghiên cứu khoa học
Vì Nguyễn Xuân Khánh xuất hiện như là một hiện tượng văn học đương đại, nên đã có một số luận văn thạc sĩ nghiên cứu về tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh nói chung và tiểu thuyết Đội gạo lên chùa nói riêng. Nó cho thấy sức hút và giá trị văn học của những tác phẩm của nhà văn này.
Lê Thị Thúy Hậu thực hiện luận văn: “Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh” (Đại học Vinh năm 2009), Tống Thị Thanh thực hiện luận văn “Những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh vào tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại” (Đại học KHXH & NV- Đại học QG Hà Nội, năm 2010), Lê Thị Thu thực hiện luận văn “Nhân vật tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh” (Đại học sư phạm
- Đại học Thái Nguyên, năm 2010), Nguyễn Diệu Linh thực hiện luận văn “Diễn ngôn lịch sử và văn hóa trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh” (Đại học sư phạm Hà Nội, năm 2010), Phạm Văn Vũ thực hiện luận văn: “Cảm quan triết luận - Phật giáo trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh” (Đại học sư phạm - Đại học Thái Nguyên, năm 2010), Hoàng Thị Thu Hương với luận văn: “ Nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh qua tiểu thuyết Đội gạo lên chùa” (Đại học sư phạm - Đại học Thái Nguyên), Võ Thị Hồng Thắm với luận văn: “Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn thể loại” (Đại học Vinh)…v.v.
Những công trình nghiên cứu khoa học trên đây đều rất công phu, khoa học, tất cả đều là những tiền đề mang tính định hướng và gợi ý để chúng tôi
tiến hành thực hiện đề tài về “Tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh trong thành tựu của văn chương đổi mới”.
Như vậy có thể nói có rất nhiều bài báo, nhiều công trình nghiên cứu khoa học về tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nói chung và tiểu thuyết Đội gạo lên chùa nói riêng. Tiếp nhận toàn bộ những gì đã có của những người đi trước, trong luận văn này, chúng tôi mong hướng tới một nhận thức tổng thể những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của Đội gạo lên chùa trong tiến trình tiểu thuyết Việt Nam hiện đại và trong thành tựu văn chương đổi mới.
3. Nhiệm vụ và mục đích nghiên cứu
Tập trung khảo sát tiểu thuyết Đội gạo lên chùa trong bộ ba tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh: Hồ Qúy Ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa để khẳng định những đóng góp đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của nó. Qua đó xác định vị trí của Đội gạo lên chùa nói riêng và tác giả Nguyễn Xuân Khánh nói chung trong thành tựu của văn xuôi Việt Nam đương đại - thập niên mở đầu thế kỉ XXI.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Tiến hành thực hiện luận văn, trong khi tiếp cận với tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, chúng tôi tập trung nghiên cứu những thành công của tiểu thuyết trên sự gắn bó giữa hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Ngoài việc liên hệ với hai tác phẩm trong bộ ba tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn, chúng tôi sẽ liên hệ, so sánh, đối chiếu với một số tiểu thuyết của các bậc tiền bối để có cái nhìn quy chiếu cho vấn đề chính là thành công của tiểu thuyết Đội gạo lên chùa trong thành tựu văn chương đổi mới.
Luận văn chủ yếu khảo sát tiểu thuyết Đội gạo lên chùa (2011), bên cạnh đó khảo sát mang tính quy chiếu với một số tác phẩm: Hồ Quý Ly (2000) và Mẫu thượng ngàn (2006) của cùng tác giả. Và một số tiểu thuyết của các nhà văn lớp trước để có cái nhìn quy chiếu cho vấn đề chính là thành công của tiểu thuyết Đội gạo lên chùa trong thành tựu văn chương đổi mới.
5. Phương pháp nghiên cứu
Tiến hành làm luận văn, chúng tôi kết hợp đồng bộ một số phương pháp sau đây:
- Phương pháp liên ngành: kết hợp đồng bộ phương pháp nghiên cứu tôn giáo, nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn hóa.
- Phương pháp loại hình, phân tích tác phẩm theo đặc trưng của thể loại.
- Các phương pháp nghiên cứu khác như: phân tích và tổng hợp, so sánh, thống kê…
6. Đóng góp của luận văn
6.1 Thông qua đề tài, luận văn muốn khẳng định vai trò không thể thay thế được của thể loại tiểu thuyết truyền thống trong việc thể hiện nội dung văn hóa
- lịch sử mà tiểu thuyết Đội gạo lên chùa truyền tải.
6.2 Luận văn là công trình nghiên cứu mang tính tổng quát về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Đội gạo lên chùa.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Thư mục tham khảo, nội dung của luận văn có kết cấu gồm ba chương:
Chương 1: Nguyễn Xuân Khánh và dòng tiểu thuyết văn hóa- lịch sử trong nền văn xuôi Việt Nam đương đại.
Chương 2: Đội gạo lên chùa - một cái nhìn bao quát, toàn diện về văn hóa
- lịch sử thế kỉ XX qua một đơn vị làng và những cuộc phiêu lưu.
Chương 3: Đội gạo lên chùa- những nét đặc sắc trong nghệ thuật tiểu thuyết.
Chương 1
NGUYỄN XUÂN KHÁNH VÀ DÒNG TIỂU THUYẾT VĂN HÓA - LỊCH SỬ TRONG NỀN VĂN XUÔI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
1.1. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
1.1.1. Nguyễn Xuân Khánh - những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn chương
Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933, bút danh là Đào Nguyễn. Quê gốc ở làng Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội. Là nhà văn có cuộc đời trải qua nhiều cay cực, vất vả. Vốn là người gốc Hà Nội, từng sống ở làng Cổ Nhuế, sau đó có quãng thời gian cùng gia đình sống ở phố Huế - một phố buôn bán sầm uất. Hiện nay, ông sống ở ngõ nhỏ Trần Khát Chân. Mấy chục năm trên mảnh đất này, diện mạo của khu phố nay đã khác xóm nghèo ngày trước. Những căn nhà lá xập xệ. Những bờ ao, bờ chuôm thả đầy rau muống bè. Những khóm tre tả tơi. Những người lao động lầm lũi. Những cống rãnh nước thải của thành phố đổ về. Xác chuột chết, lòng lợn lòng gà thối, những cọng rau ôi vật vờ trôi…Tất cả những hình ảnh ấy đã tạo nên dấu ấn đậm nét trong những trang viết của ông sau này.
Nghiệp văn chương đến với Nguyễn Xuân Khánh cũng khá bất ngờ. Ông đã từng kể lại, đang là sinh viên trường Y, một trường đại học sang trọng ở Hà Nội, năm 1952, ông bỏ bút nghiên xin đi bộ đội. Nhiều người trong gia đình ngạc nhiên phải kêu lên, ông có thần kinh không đấy? Thế rồi những ngả đường hành quân, những buổi diễn tập và tình đồng chí đã thôi thúc Nguyễn Xuân Khánh cầm bút. Truyện ngắn đầu tay Một đêm in trên tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1959, rồi tập truyện ngắn Rừng sâu, Nhà xuất bản Văn học, in năm 1962, là những chứng chỉ để ông bước vào con đường văn học đầy cam go và những cái giá phải trả. Những ngày tháng tham dự lớp Bồi dưỡng viết văn trẻ khóa I, ông đã được tiếp xúc với nhiều nhà văn, nhà thơ danh tiếng, được sống cùng với những đồng đội cùng trang lứa, rồi sau này, họ chính là những người tạo nên diện mạo nền văn học nước nhà. Học xong lớp Bồi dưỡng viết văn trẻ, Nguyễn Xuân Khánh đến với Tạp chí Văn nghệ quân đội, ông là một
cây bút năng nổ. Thế rồi dính tai nạn nghề nghiệp, ông phải chuyển sang báo Thiếu niên Tiền phong. Những năm đầu của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc sau 1964 ông làm phóng viên tại khu IV. Năm 1983, ông về nghỉ hưu non. Đời ông lại chuyển sang một bước ngoặt mới. Ông phải làm mọi việc nặng nhọc để có tiền nuôi con ăn học: thợ mộc, thợ bốc vác, thợ cán bột mỳ, bảo vệ kho lương thực. Có thời kì ông làm thợ may, ông có bàn tay khéo léo nên từng may quần áo cho nhiều nhạc sĩ, họa sĩ. Thậm chí một thời túng quá ông phải đi bán máu. Ông từng làm Bí thư chi bộ tiểu khu Thanh Nhàn. Nhưng rồi, con người ông sinh ra có lẽ là để gắn bó với con chữ. Sau những giờ phút lao động mưu sinh cật lực để nhận những đồng tiền nuôi vợ con, những con chữ, những trang sách vẫn không ngừng quẫy đạp trong tâm trí ông. Khốn nỗi lâm nạn nghề nghiệp một thời nên khi cầm bút viết tâm trí ông lại càng dằng xé. Ban ngày lao động mệt mỏi, ban đêm ông lại chong đèn cùng với những con chữ. Vốn ngoại ngữ tiếng Pháp được cơ hội phát huy nên ông đã dịch hàng chục cuốn sách. Ông đã sớm có ý thức củng cố kiến thức chuẩn bị hành trang cho con đường dài của nghề nghiệp.
Trong cuộc đời của mình, ở giai đoạn nào dù là khó khăn nhất, Nguyễn Xuân Khánh cũng có những mục tiêu để theo đuổi. Một đêm (1959), Rừng sâu (1962) là những tập truyện ngắn đầu tay. Đến những năm tháng vất vả, cực nhọc nhất trong cuộc đời mình, ông cho ra đời: Miền hoang tưởng (tiểu thuyết, NXB Đà Nẵng, 1990), đây là tác phẩm đầu tiên ông lấy bút danh Đào Nguyễn. Rồi Trư cuồng (1981- 1982, chưa xuất bản) cũng được ông viết trong thời gian này. Nhưng đặc biệt không thể không nhắc đến bộ ba tiểu thuyết: Hồ Quý Ly (2002); Mẫu thượng ngàn (2005); Đội gạo lên chùa (2010) - những tác phẩm đã đưa tên tuổi của Nguyễn Xuân Khánh lên một tầm cao mới và tạo nên một hiện tượng hiếm có trên văn đàn. Cũng trong khoảng thời gian cho ra đời bộ ba tiểu thuyết, ông còn có: Hai đứa trẻ và con chó Mèo xóm núi (NXB Nhi đồng, Hà Nội, 2002) và Mưa quê (NXB Nhi đồng, Hà Nội, 2003). Ngoài những tác phẩm viết bằng tiếng Việt, phải kể đến những tác phẩm dịch của Nguyễn Xuân Khánh. Ông dịch hàng chục cuốn sách nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến: Những quả vàng của Nathalie Sarraute; Lời nguyền cho kẻ vắng mặt của Taha