Tiếng cười trong thơ Tú Mỡ - 14

tương phản đối lập trong thơ Tú Mỡ cũng chính là nghệ thuật khám phá những mâu thuẫn trong đời sống, trong nhân vật và đưa nó vào thơ ca bằng tiếng cười umua ý vị.

Trong thơ trào phúng Tú Mỡ, nhà thơ đi sâu vào khai thác những mâu thuẫn nội tại của nhân vật, hiện tượng là đối tượng được châm biếm. Ít nhiều, Tú Mỡ đã học tập nghệ thuật này trong truyện tiếu lâm của ta. Ông tạo ra tình thế có thể hài hước để đặt những vần thơ trào phúng đúng lúc, đúng chỗ. Chẳng hạn, Tú Mỡ kể quan sư Nguyễn Năng Quốc bên ngoài “sửa chùa sắm mõ in kinh”, mà đời thực vẫn:

Rượu ngon, gái đẹp vẫn say,

Trống chầu tom chát, hoa tay vẫn tình.

(Quan sư Nguyễn Năng Quốc)

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, hiện thực vốn chứa nhiều mâu thuẫn đáng cười, Tú Mỡ cứ bám sát mà kể. Quân viễn chinh Pháp khoe “Ra trận lập công/ Cực kì oanh liệt”, thế mà sự thực là hai lần “đánh hoảng” vì nhìn đom đóm, nghe tiếng tre nổ lại tưởng Việt Minh tấn công, để:

Cả đoàn huỳnh huỵch, Hạ thổ thực mau, Thầy đội cúi đầu,

Mũi hôn đất ruộng.

(Hai chiến công oanh liệt của giặc Pháp)

Nghệ thuật tương phản đối lập là một phương pháp vạch mặt thật của địch một cách hiệu quả. Các bài Kế hoạch Na-va “thượng thò hạ thụt”, Vặn lưỡi chống cộng của giặc Mĩ, Khóa mõm lại, Tuần lễ “Bảo vệ thuần phong mĩ tục”, Thành tín kiểu Ngô Đình Diệm, Mồm ca ngợi tay bôi nhơ, Nếu sư tử nó biết… đã bẻ gãy luận điệu nói dối, tuyên truyền nhảm của giặc Pháp ở trận đồng bằng Bắc Bộ bằng nghệ thuật này. Trong Nếu sư tử nó biết, luận điệu của Pháp là “Quân đội Pháp đánh hăng chống cự/ Như một đoàn sư tử oai linh”; sự thật ngược lại hoàn toàn được tù binh Pháp nói “Chúng tôi như thỏ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

vào tròng/ Chuột trong cạm bẫy, cá trong lưới chài/ Cảnh loạn xạ, mạnh ai nấy chạy...” Bài thơ “Bố mìn” Ngô Đình Diệm vạch mặt lừa đảo của bù nhìn ngụy khi cố bắt người vào Nam, dỗ dành cho công ăn việc làm, thật ra là:

Với nông dân chúng mật đường, Nói rằng sẽ cấp ruộng nương cấy cày.

Tiếng cười trong thơ Tú Mỡ - 14

Vào tròng bị chúng nó xoay, Đẩy vào kiếp nửa tù đày, phu phen,

Trần gian địa ngục tối đen, Rừng sâu nước độc đồn điền cao su.

Tú Mỡ có thể đối bài thơ nọ với bài thơ kia : Ông trẻ già châm chích những thanh niên ra vẻ đạo mạo nhưng thực chất lại rỗng tuênh:

Ngược đời! Có lắm hạng “ông ranh” Đạo mạo làm ra mặt lão thành

Bài … Và ông già trẻ là bài thơ có nhan đề ngược với nhan đề bài thơ trên, châm chích những ông già thích chơi trống bỏi:

Ngược đời có lắm cụ già nua Nhí nhảnh làm ra bộ tuổi thơ

Sự tương phản của hai bài thơ trên cho chúng ta cái nhìn toàn diện về thói xấu của trẻ, già, cười vào cái xấu đó và hình thành lối xử sự đúng đắn.

Phép tương phản đối lập trong văn biền ngẫu (văn tế, phú...) của Tú Mỡ rất phong phú, tuy nhiên không nằm trong trọng tâm của đề tài nên chúng tôi chỉ giới thiệu qua. Tóm lại, “thơ Tú Mỡ chủ yếu thành công là do ông vạch ra được những mâu thuẫn của các nhân vật và thời đại bấy giờ” [8, 142].

3.2.4. Giễu nhại

Từ điển Thuật ngữ Văn học định nghĩa “nhại” là Một thể văn châm biếm dùng sự bắt chước để chế giễu một tác phẩm hoặc cả một trào lưu nghệ thuật, phương tiện chủ yếu của nhại là bắt chước phong cách. Có hai kiểu nhại chủ yếu là kiểu “khôi hài” trong đó đối tượng thấp được trình bày bằng phong

cách cao và kiểu “chế nhạo” trong đó đối tượng cao được trình bày bằng phong cách thấp.

Trong thơ trào phúng Tú Mỡ, biện pháp giễu nhại thường triển khai theo lối phỏng một bài thơ nghiêm túc, đổi đi vài chữ, câu, lồng vào đó mộ nội dung hài hước, châm biếm, gây cười.

Tú Mỡ có các bài thơ nhại ca dao, nhại lời lẽ dân gian nhưng lại nói về nội dung hiện đại. Vì thế các bài thơ này có sự so sánh ngầm xưa – nay, truyền thống – hiện đại để người đọc suy ngẫm sau tiếng cười về những gì nhà thơ vừa nói. Bài Mười thương, Mười yêu nhại ca dao để châm biếm thói đời, châm biếm xu hướng mới của phụ nữ tân thời bị đồng tiền chi phối và những cái mới đang làm mất đi vẻ đẹp thùy mị truyền thống:

... Bảy thương lắm bạc nhiểu tiền Tám thương động tí nữ quyền giở ra.

(Mười thương)

... Chín yêu tài tử đa tình Mười yêu, yêu nhất túi mình đa xu...

(Mười yêu)

Các bài thơ nhại thơ văn cổ có một số lượng đáng kể trong thơ Tú Mỡ. Qui khứ lai từ nhại thơ Đào Tiềm khuyên các quan đã đến tuổi thì nên về hưu chứ đừng tham quyền cố vị (Tuổi bảy chục đến kì thượng thọ/ Treo ấn thôi tìm chỗ nghỉ ngơi). Tuyển thê đại cáo nhại phong cách cáo trong văn chính luận cổ, là bài cáo giễu ông Nguyễn Tiến Lãng đăng báo ảnh của mình và những lời lẽ có tính cách quảng cáo để kén vợ (Mới tí tuổi đầu/ Đã cao địa vị/... Sự nghiệp lẫy lừng/ Tình duyên ẩm ế/ Tủi phận lẻ loi).... Tâm sự ông vua lo nói về tâm sự tha hương tư cố quốc của Bảo Đại đang ở Hồng Kông (Buồn trông cửa bể Hồng Kông/ Trời xanh nước biếc mây bồng bềnh trôi/ Buồn trông cố quốc xa vời/ Việc nhà việc nước rối bời bòng bong...). Bài thơ này nhại Truyện Kiều ở đoạn Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích nhớ quê nhà, cha mẹ và người yêu, đoạn thơ này được viết bằng bức tranh tả cảnh ngụ tình tuyệt

tác của Nguyễn Du với điệp ngữ “Buồn trông...” mà bài thơ nhại trên sử dụng...

Nhỉều bài thơ nhại phong cách thơ Hồ Xuân Hương .Bài Lỡm cô Ngọc Hồ, Sư ông trúng số sử dụng lối nói lái của Bà chúa thơ Nôm như đã phân tích ở mục 3.2.2. Bài Chú nó nghèo cũng châm biếm Trần Lệ Xuân là kẻ quanh queo kiếm lợi bằng mánh khóe (Trổ tài gái đảm xoay nghìn khóe/ Nào quản mang tai tiếng đá đeo)- từ “đá đeo” ở đây với ở câu “Cái kiếp tu hành nặng đá đeo” trong thơ Hồ Xuân Hương đều phải nói lái mới ra nghĩa thật! Ngoài ra, Tú Mỡ có những bài thơ nhại thơ của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, nhại thơ Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Thế Lữ,...

Nguyễn Khuyến có Văn tế Phơ-răng-xi Gác-găng-ni-ê với những câu:

...Ông ăn cho no/ Ông nằm cho yên/ Khốn nạn thân ông/ Đéo mẹ cha nó. Ta gặp lại những từ ngữ như thế trong Sát khí của Tú Mỡ:

Non nửa tháng trời lo sốt vó Đi vay bạc triệu về phòng thủ

Sau này đóng góp chết cha dân! Khốn nạn chúng ông, cha chúng nó!

Bài Bầu cử có những câu thơ nhại theo lối liệt kê, trào lộng, xỏ xiên trong bài Năm mới chúc nhau của Trần Tế Xương:

-Lẳng lặng mà nghe họ diễn thuyết

-Phen này ông quyết xuống K.T Mở tiệm cô đầu có lẽ phát.

-Phen này mở hiệu viết văn thuê Dẫu chẳng làm giàu cũng đỡ kiết

Nhại thơ mở ra một khả năng vô cùng phong phú cho người sáng tác thơ trào phúng mở rộng các vấn đề xã hội đã từng được đề cập tới, nhưng ở một cấp độ khác, góc độ khác. Trong khi đó, người đọc luôn đối chiếu bài thơ nhại với tiêu bản, và có được những tiếng cười đôi khi là “tiếu tại ngôn ngoại”.

3.2.5. Vật hoá

Biện pháp vật hóa có tác dụng dùng tiếng cười thóa mạ để xóa sổ đối tượng chỉ trong chốc lát. Có khi, Tú Mỡ hướng vào kẻ thù mà thóa mạ, chửi mắng, báng bổ là “chó, cút đi, không phải người,...” – khi đó tiếng cười làm cho lời mắng chửi ấy đậm đà hơn, thâm hơn. Nó toát lên lòng căm thù, sự khinh bỉ những loại người đó đồng thời bày tỏ lòng yêu nước, yêu nhân dân của nhà thơ.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tú Mỡ có bài Quái thai mượn chuyện con lợn mặt người ở làng Vĩnh Phúc để nói về những kẻ “loài heo mặt người”. Bài Ngài trâu mượn chuyện con trâu kéo cày bỗng được nhấc lên hàng “chiến tướng”, được chăm bẵm cho thắm thịt trơn lông, và đưa ra bãi chọi, trâu thua bỏ xác, bị xẻ thịt, trâu thắng cũng bị xẻ thịt để người ta ăn lấy may, lấy mạnh. Việc “trâu hóa” các anh danh vọng trên đời đã giúp nhà thơ đưa ra một nhận định mang tính ngụ ngôn: danh vọng chỉ là bèo bọt, lắm khi là do người khác dựng lên cho mình để họ được lợi, đừng vội vui mừng vì tai họa còn tiềm ẩn:

Lắm anh danh vọng trên đời Chung quy cũng chỉ như loài trâu thôi.

Biện pháp này chủ yếu dùng cho những đối tượng là thực dân, bè lũ tay sai, Việt gian, đế quốc. Đức thì như diều hâu, Mĩ thì như khỉ độc:

Nhưng… con diều hâu Tây Đức khôn, Thấy khỉ độc Mĩ thua liên tiếp,

Dại gì liều lĩnh để trụi lông, Lao theo đuôi Mĩ vào nơi chết.

(Hốc xì!)

Tú Mỡ rất hay gọi giặc xâm lăng và bọn Việt gian là … chó: Chó Mĩ cút đi, Bảo Đại với con chó cái… Bởi quan niệm trong dân gian cho chó là loài ăn bẩn, cắn càn, nên nó là con vật đáng khinh nhất. Tú Mỡ nhắn nhủ cựu hoàng Bảo Đại :

Ngốc ơi là ngốc, hỏi ngốc có hay Người ta thâm ý, chung quy xỏ mày! Mày phản đồng bào, chó săn Pháp,

Chó chơi với chó, miệng đời chua cay…

(Bảo Đại với con chó cái) Tổng thống Mĩ Giôn-xơn thì Tú Mỡ gọi là Con đà điểu Giôn-xơn:

Thằng tổng Giôn diều hâu lểu đểu Cũng như con đà điều khác gì.

Các bài văn tế như Văn tế tướng Lơ-cơ-lec, Văn tế sống Vĩnh Thuỵ,... cũng thể hiện rõ nghệ thuật vật hoá. Có lẽ, Ngô Đình Diệm là nhân vật được Tú Mỡ vật hoá nhiều nhất, có khi là “thằng chó chẳng chê dơ”, “con chó săn của Mĩ”, có khi là con trăn, có khi hung dữ như cọp, thể hiện trong các bài Ngô Đình Diệm- chó săn của Mĩ, Con trăn Ngô Đình Diệm,…Cái lệnh, cái cồng và cái dùi là bài thơ đã ví Ngô Đình Diệm, Trần Lệ Xuân và đế quốc Mĩ như đồ vật dơ dáy, không còn tính người và vô sỉ: lệnh Diệm hô bắt lính giết chóc, cồng Xuân oang oang, ông ổng mồm Đát Kỉ, dùi Mĩ gõ sọ Ngô, dú dí với cồng Xuân.

3.2.6. Phóng đại

Tú Mỡ không sử dụng nghệ thuật này nhiều. Nghệ thuật phóng đại trong thơ Tú Mỡ thường gắn liền với nghệ thuật chơi chữ và vật hoá. Nghệ thuật này có ý nghĩa tô đậm được những chân dung biếm hoạ, làm nổi bật nghịch cảnh, bản chất của đối tượng, gây nhiều chuỗi cười thú vị và đồng tình của độc giả. Cho nên, ta mới thấy cụ Phạm Quỳnh có cái tài trứ danh của người vận động viên nhảy xa thế này:

Uốn mình, cất cánh, vươn vai, Nhảy một cái dài vô tới tận kinh.

(Nam hải nhị dị nhân)

Trong Dân biểu tranh năng, ông nghị trùm cũng nói quá lên cái lòng thành của mình với những ví von phóng đại. Ở đây, nghệ thuật phóng đại làm lộ diện bản chất bon chen, giành giật, làm láo báo cáo hay của các ông nghị:

Này tim, này mật, này gan,

Muốn moi ra hết trên bàn hiến dâng.

Trần Lệ Xuân trong bài Tứ đại của bà lớn cũng được miêu tả bằng nghệ thuật phóng đại: phóng đại cái bọng của bà to “phề phệ như bọng bò”, cái mặt “như hổ phù”, “trơ hơn thớt”, “cộp hơn mo”, cái miệng “xoạc tận mang tai” kêu quàng quạc phụ nữ đăng lính.

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy nghệ thuật phóng đại không được sử dụng nhiều như nghệ thuật chơi chữ hay tương phản đối lập. Tại sao Tú Mỡ không sử dụng nhiều nghệ thuật phóng đại? Trong khi đó, thực tế, văn học dân gian đã chứng minh đây là biện pháp trào phúng dễ sử dụng và dễ gây cười, mà lại có nét độc đáo riêng? Để lí giải điều này, chúng tôi quay trở về với hiện thực cuộc sống ở đúng thời điểm lịch sử của nó: cô Ngọc Hồ là gái lẳng lơ mà tự nhận mình là Băng Tâm khách, quan phán nọ cắt xẻo tiền nuôi cha mẹ nhưng ra đường thì tiêu vung cán tàn, quân Pháp, Mĩ thua rõ như ban ngày mà cứ xưng xưng là…đại thắng trận,…Ta dễ dàng nhận thấy: nguyên bản đối tượng đã chứa đựng mâu thuẫn nội tại và các yếu tố gây cười. Đây là đặc trưng mang tính lịch sử của đối tượng trào phúng, điều đó khiến nhà thơ không cần phải khuếch trương, phóng đại hay ngoa dụ lên để cố lột tả cái hài.

Chúng tôi cho rằng, việc sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật không chứng minh được cái tài của nhà thơ. Trong thực tế, sử dụng biện pháp nghệ thuật hợp lí, đúng và đạt được mục đích mới làm nên tài hoa của nghệ sĩ. Tú Mỡ thiên về hướng này, tức là sử dụng biện pháp nghệ thuật tuỳ theo mục đích tiếng cười. Nếu cần nhấn mạnh và tạo ấn tượng đặc biệt về đối tượng, nhà thơ sẽ dùng nghệ thuật phóng đại. Nếu không, nhà thơ sẽ khiến ta bật cười trên cơ sở “người thật, việc thật” và khiến ta hoàn toàn tin tưởng vào cái nhìn khách quan ấy, tin thơ Tú Mỡ chỉ nói toàn sự thật mà thôi!

3.2.7. Sử dụng từ láy:

Tần số sử dụng từ láy trong thơ Tú Mỡ nhiều hơn so với các bậc tiền bối như Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Có thể nói, từ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, đến Tú Mỡ, kho từ vựng từ láy của thơ trào phúng đã mở rộng sức chứa gấp nhiều lần với đủ hình thức đa dạng. Các từ láy không chỉ diễn tả trạng thái nội tâm và các điệu xúc cảm mà còn hướng đến miêu tả ngoại cảnh, phát huy tư duy hài hước của độc giả. Đây là một đóng góp lớn của Tú Mỡ và các nhà thơ hiện đại trong việc mở rộng chức năng cho ngôn ngữ dân tộc.

Khảo sát một số bài thơ tiêu biểu, chúng tôi có số liệu: bài thơ Nàng thơ của tôi gồm 48 dòng có 31 lượt từ láy; bài Hội Gióng gồm 102 dòng có 37 lượt từ láy; Con chuột chết Cỗ đám ma gồm 36 câu có 18 lượt từ láy; Hà Nội ăn chơi gồm 37 câu có 19 lượt từ láy; Tự thuật gồm 18 câu có 21 lượt từ láy… Quả thật, tần số sử dụng từ láy như vậy là rất cao, góp phần bộc lộ cảm xúc chủ quan của nhà thơ. Chính những từ láy ấy cũng góp phần gợi ra những ý buồn cười cho độc giả. Chẳng hạn, từ í oẳng là từ miêu tả cách nói, tiếng nói của Bảo Đại (“Cũng đòi í oẳng ra dàng ta đây” - Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi) và của Ngô Đình Diệm bù nhìn (“Lúc cần đến sẽ thả ra í oẳng” - Ngô Đình Diệm bù nhìn thứ 8). Từ láy này lập tức khiến ta hình dung ra tiếng gầm gừ, tiếng sủa của… chó, và thấy buồn cười!

Có điều, loại từ láy mà Tú Mỡ sử dụng rất ít được dùng trong văn chương thông thường. Một số từ láy “đắc địa” mà Tú Mỡ sử dụng và sáng tạo nên như: lốc nhốc, ngổ ngáo, xồm xoàm, té re, bắng nhắng, nhố nhăng, nhâng nháo, tất tưởi, thậm thụt, lộc ngộc, ve vãn, ngắc ngoải, ngoi ngóp, nhung nhúc, ỡm ờ, kè kè, ỉ eo, í oẳng, bô bô, đùng đoành (tiếng súng), tằng tặc (tiếng cối xay), dấm dớ… Chúng tôi trích cả ngữ cảnh để ý nghĩa từ láy thên rõ ràng:

- Chánh Thiệu lợm lợm lì lì,

Chọi với phó Kỳ ngổ ngổ ngang ngang.

- Xúng xa xúng xính đi ra hội đồng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/02/2024