bản hướng dẫn trong lĩnh vực đối ngoại, kinh tế đối ngoại còn thiếu và chưa nhất quán; cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan làm công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế chậm hoàn thiện và chưa ngang tầm với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới. Chức năng, nhiệm vụ của một số Sở, Ban ngành còn chồng chéo và chưa rõ ràng đã gây sự lúng túng trong công tác phối hợp tổ chức triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế...
Mặt khác, EWEC có thể nảy sinh hệ quả phi kinh tế như những tiêu cực về văn hoá - xã hội; môi trường, dịch bệnh; buôn bán ma tuý, phụ nữ, trẻ em; tin tặc, di dân bất hợp pháp; nạn khủng bố, xung đột về dân tộc, tôn giáo và các tội phạm xuyên quốc gia khác...
Nguy cơ tụt hậu về kinh tế là một trong những nguy cơ lớn, thách thức quá trình hội nhập của các nước và các địa phương dọc EWEC vào nền kinh tế, chính trị khu vực và thế giới.
Để sớm dỡ bỏ những rào cản này đang là điều đặt ra đối với các nhà hoạch định của các nước và các địa phương dọc EWEC. Tất nhiên, để hành lang kinh tế đi vào cuộc sống là cả một quá trình khó có thể đòi hỏi làm ngay một sớm một chiều, nhất là nhiều vấn đề đang liên quan tới 4 nước và khu vực. Song, chắc chắn để các địa phương trên hành lang nối được với nhau thành mạch thông suốt, thiết nghĩ các quốc gia và mỗi địa phương trên hành lang không thể bỏ qua “công việc nội bộ” của mình. Đó là quan tâm và đầu tư sao cho thỏa đáng, kịp thời ngay về cơ chế chính sách, vốn cùng lộ trình phát triển tại mỗi địa phương của nước mình, nhất là đối với các trung tâm thương mại ngay từ bây giờ trước khi tiếp tục muốn mở rộng hay nối dài hành lang liên kết.
3.3. Một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây
Từ thực tiễn của tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc EWEC, trên cơ sở phát huy những thành công đã đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế trong thời gian tiếp theo để đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa các nước nằm dọc hành lang này, Chính phủ và các địa phương của các nước dọc EWEC cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy được lợi thế của mình đồng thời tranh thủ được các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho sự phát triển của địa phương, quốc gia mình và của EWEC.
Để hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc EWEC đạt được tương lai tốt đẹp, cần phải có quyết tâm và nỗ lực rất nhiều, không chỉ sự nỗ lực của các Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương, các nhà tài trợ mà cả sự nỗ lực của các doanh nghiệp và người dân sinh sống dọc Hành lang. Theo đó, các Bộ, ngành trung ương của bốn nước nằm dọc hành lang cần phải tiếp tục tham mưu cho Chính phủ của mình, tăng cường nâng cấp hạ tầng cơ sở như: giao thông, viễn thông và tăng cường cải cách thể chế để tạo thuận lợi và thông thoáng về thủ tục cho người và hàng hóa qua lại trong hành lang. Đối với các địa phương, cần tăng cường phối hợp chính sách, không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, tăng cường thương mại và thúc đẩy phát triển du lịch, tạo ra sự liên kết về các mặt giữa các địa phương trong Hành lang. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ tích cực của các Nhà tài trợ, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là rất quan trọng. Trong thời gian tiếp theo, sự tiếp tục hỗ trợ của các nhà tài trợ cho các địa phương không chỉ trong phát triển hạ tầng cơ sở mà cả về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực và hỗ trợ cải cách thể chế cho các địa phương trên EWEC vẫn là nhân tố rất cần thiết cho sự phát triển của EWEC. Đối với các doanh nghiệp, sự phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây sẽ mở ra rất nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn, do vậy sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo trên EWEC.
Chính phủ và các địa phương của các nước dọc EWEC cần phải tập trung vào các giải pháp sau đây:
Hành lang kinh tế Đông Tây có trên 25 triệu người, nhưng dân trí còn thấp, kinh tế chậm phát triển, hạ tầng còn khó khăn. Chính phủ các nước cần có chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trên toàn tuyến. Mặt khác, các địa phương tự mình hoạch định chính sách hợp lý, ưu tiên phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng hướng vào phục vụ phát triển triển kinh tế - du lịch và dịch vụ; Đồng thời tăng cường phát triển nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính; Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động vận tải liên quốc gia; Tăng cường hiện đại ở các cửa khẩu… Cần xây dựng qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên tuyến EWEC của quốc gia mình, trong đó cần
coi trọng sự liên kết để tranh thủ và phát huy lợi thế vốn có của từng quốc gia nhằm cùng nhau phát triển trên Hành lang kinh tế này.
Có thể bạn quan tâm!
- Tác Động Đối Với Hợp Tác Tiểu Vùng Mekong Mở Rộng
- So Sánh Thủ Tục Hải Quan Hiện Nay Của Các Quốc Gia Ewec Và Singapore
- Tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc hành lang Đông Tây 1998 - 2010 - 17
- Tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc hành lang Đông Tây 1998 - 2010 - 19
- Triển Vọng Của Hợp Tác Kinh Tế Giữa Các Nước Thuộc Hành Lang Kinh Tế Đông Tây
- Tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc hành lang Đông Tây 1998 - 2010 - 21
Xem toàn bộ 206 trang tài liệu này.
Các quốc gia cần khẩn trương đàm phán, thống nhất về liên minh thuế quan, cắt, giảm các biện pháp thuế quan và phi thuế quan, tạo điều kiện tự do hoá thương mại, đầu tư, giao thông vận tải... trước mắt triển khai sớm các thoả thuận đã ký kết như: xử lý các vướng mắc trong việc quá cảnh phương tiện vận tải (tay lái nghịch) nhằm tạo điều kiện cho phương tiện giao thông của các nước được lưu thông thuận tiện trên toàn tuyến EWEC.
Các quốc gia cần có cơ chế, chính sách kích cầu sản xuất phát triển và sớm đơn giản hoá thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá, xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại của cư dân trên tuyến EWEC.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế liên Chính phủ giữa các nước trên EWEC tạo cơ sở pháp luật thông thoáng và tạo sự tương tác để thúc đẩy sự phát triển của các Khu kinh tế trên EWEC. Trước mắt cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật để ổn định các chính sách, tạo sự yên tâm và lòng tin các nhà đầu tư. Về lâu dài, cần xây dựng Nghị định hoặc Luật Khu kinh tế đặc biệt áp dụng cho khu vực để có điều kiện phát triển bền vững trên EWEC.
Các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông Tây cần tăng cường phối hợp quảng bá hình ảnh đất nước mình và của từng địa phương một cách sâu rộng; Tổ chức các trạm thông tin đầu cầu; Thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị, hội chợ; Giao lưu văn hóa nghệ thuật; Tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại, dịch vụ; Phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm tính đặc thù của từng địa phương trong vùng.
Các quốc gia và các địa phương nằm dọc EWEC cần tiếp tục cải cách hành chính công, đặc biệt là thủ tục kiểm tra một cửa theo hiệp định vận tải qua biên giới (CBTA) đã ký kết giữa các nước trong Tiểu vùng Mekong; Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; Kịp thời bãi bỏ các rào cản về hải quan, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế và kiểm dịch động thực vật; Tiếp tục tranh thủ mọi nguồn lực để đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, trước hết là xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các Khu kinh tế thương mại đặc biệt; Tiếp tục đào tào, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Hợp tác, liên kết các tỉnh thuộc EWEC để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch.
Để phát triển thương mại - dịch vụ trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây phải tập trung vào các giải pháp:
Một là, tiếp tục hoàn thiện tuyến hành lang nối thông đến điểm cuối trên lãnh thổ Myanmar, xây dựng cơ sở hạ tầng phụ trợ phục vụ cho việc vận chuyển người và hàng hóa dọc hành lang; Tiếp tục triển khai đầy đủ Hiệp định GMS - CBTA, đặc biệt là các nội dung liên quan đến EWEC, qua đó hài hòa, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, kiểm dịch và xuất nhập cảnh.
Hai là, tăng cường sự hợp tác kinh tế và đầu tư phát triển về thương mại dịch vụ giữa các địa phương của các quốc gia trên EWEC. Có cơ chế chính sách thích hợp thông thoáng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đầu tư phát triển thương mại và dịch vụ. Hỗ trợ các địa phương dọc hành lang phát triển công nghiệp, các ngành nghề có thế mạnh.
Ba là, cần có quy hoạch tổng thể về phát triển thương mại dịch vụ trên toàn tuyến và mỗi quốc gia cũng như từng địa phương thuộc mỗi quốc gia. Trên cơ sở đó Chính phủ của các quốc gia trên EWEC cần có chính sách ưu tiên về cơ sở hạ tầng nhất là giao thông đường bộ, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu các loại phương tiện qua lại Hành lang kinh tế Đông Tây.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhất là trong khâu làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người và phương tiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển hàng hóa, xuất nhập cảnh người và phương tiện qua biên giới.
Năm là, cần xây dựng đề án tổng thể về xúc tiến thương mại cho các quốc gia trên toàn tuyến EWEC đến năm 2020 và tìm kiếm các nguồn vốn hỗ trợ hoặc vay với lãi suất ưu đãi để thực hiện. Bên cạnh đó mỗi quốc gia và địa phương căn cứ vào quy hoạch phát triển thương mại dịch vụ của mình để chủ động xây dựng và tìm kiếm nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu xúc tiến thương mại của quốc gia, địa phương mình. Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến các thị trường trọng điểm của từng quốc gia cho các loại sản phẩm hàng hóa xuất khẩu có lợi thế của từng quốc gia, địa phương. Định kỳ tổ chức các hội chợ triễn lãm nhằm giới thiệu cho nhau biết các sản phẩm tiềm năng của mỗi quốc gia, địa phương kết hợp với tư vấn về xuất khẩu, tổ chức hội thảo về xuất khẩu.
Sáu là, tích cực kêu gọi hỗ trợ, đầu tư từ các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế vào việc xây dựng kho bãi hiện đại, dịch vụ giao nhận kho vận, các trung tâm công nghiệp và thương mại trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây; Hợp tác tổ chức các sự kiện; Hội chợ triễn lãm và các họat động giao thương khác nhằm quảng bá về hành lang, giúp các doanh nghiệp trong vùng có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, nâng cao nhận thức...
Bảy là, tăng cường mối quan hệ liên doanh liên kết với các doanh nghiệp của các nước trên EWEC nhằm không ngừng củng cố và mở rộng thị trường một cách vững chắc và ổn định, từng bước hình thành các tập đoàn thương mại đa quốc gia của khu vực trên cơ sở đó vừa phát triển mạng lưới kinh doanh tại các nước trong khu vực và làm nòng cốt thúc đẩy tiến trình hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN trong tầm nhìn 2020.
Tám là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành thương mại dịch vụ nhất là kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp, công nghệ kinh doanh, ứng dụng công nghệ mới trong quản lý kinh doanh, chương trình về tư vấn kinh doanh, về thị trường, về phát triển thương hiệu...
Trên lĩnh vực kinh tế du lịch cần phải có sự phối hợp chặt chẽ để khai thác tiềm năng sẵn có của mỗi quốc gia trong khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây để phát triển du lịch. Các nước và các địa phương nằm dọc EWEC phải tiếp cận vấn đề một cách tổng thể, chuyên nghiệp và có tính chiến lược dựa trên sự nghiên cứu bài bản, khoa học. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cấp, các ngành liên quan cũng như sự tham gia đông đảo, tích cực từ phía cộng đồng các quốc gia trong khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây và sự hợp tác hỗ trợ phát triển của các đối tác quốc tế. Các nước và các địa phương thuộc EWEC phải tập trung vào ba nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, nhóm các giải pháp về chính sách chung:
Một là, Các nước và các địa phương thuộc EWEC cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch với các nước, các tổ chức quốc tế trên cơ sở cùng có lợi; phù hợp với pháp luật mỗi bên, pháp luật và thông lệ quốc tế nhằm phát triển du lịch, gắn thị trường du lịch của từng nước với thị trường du lịch khu vực và thế giới, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
Hai là, Tăng cường xây dựng, kêu gọi hợp tác, đầu tư quốc tế đối với các Dự án du lịch tập trung; huy động các chuyên gia quốc tế để giảng dạy và hỗ trợ xây dựng các tài liệu đào tạo về các tiêu chuẩn cơ bản, dịch vụ khách hàng, bán các sản phẩm giá trị gia tăng và tiếp thị với chi phí thấp; đào tạo cho những hướng dẫn viên tại địa phương...
Ba là, các nước trong Hành lang kinh tế Đông Tây cần phối hợp sử dụng có hiệu quả các khoản hỗ trợ đã có của ADB và Nhật Bản; đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư từ các đối tác phát triển khác.
Thứ hai, nhóm các mang tính giải pháp định hướng:
Một là, EWEC nằm trong Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng, do đó việc phát triển kinh tế du lịch trong EWEC cần gắn với Chiến lược phát triển Du lịch trong GMS. Cần nghiên cứu, lồng ghép các tour du lịch hiện có của mỗi nước, mỗi vùng miền trong khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây để trở thành những tour du lịch chung của khu vực trên nguyên tắc tôn trọng định hướng du lịch quốc gia của mỗi nước, khai thác có hiệu quả nhất những giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi quốc gia trong vùng. Tạo dựng thương hiệu mạnh về du lịch của khu vực đủ sức cạnh tranh với các khu vực khác trên thế giới.
Hai là, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiên nay, liên kết để phát triển là xu thế tất yếu. Vì vậy, cần tăng cường liên kết các cơ quan quản lý du lịch quốc gia, các cơ quan xúc tiến du lịch, các công ty lữ hành các nước dọc Hành lang kinh tế Đông Tây trong hoạt động khai thác du lich nhằm xây dựng chiến lược phát triển du lịch tổng thể, tạo sự ổn định của hệ thống dịch vụ sử dụng và mức giá cạnh tranh với các điểm đến khác; liên tục phối hợp trong vấn đề tạo ra sản phẩm chung cũng như việc nghiên cứu đổi mới sản phẩm du lịch.
Mọi cố gắng đều hướng đến việc tạo ra các nhóm Công ty liên kết nhằm tổ chức khai thác một cách chuyên nghiệp, tạo sức mạnh chung cho khai thác du lịch của khu vực, từng bước xúc tiến hình thành Hiệp hội Du lịch các quốc gia trong khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây.
Thứ ba, nhóm các giải pháp mang tính hành động cụ thể:
Một là, các quốc gia trong vùng cần tiếp thị tiểu vùng như một điểm đến duy nhất với chiến lược quảng cáo chung để tạo ra sức mạnh tổng hợp, có sức lan tỏa
mạnh mẽ thu hút du khách khát khao khám phá khu vực; Đi đôi với quảng bá, tuyên truyền cần tăng cường nghiên cứu xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đi lại trong khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây; giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, lệ phí nhiêu khê, áp dụng công nghệ tiên tiến kiểm soát tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ, sân bay, hải cảng. Đây là điểm mấu chốt cơ bản tạo ra không gian Du lịch thông thoáng để khách du lịch được thỏa sức tham quan, khám phá các nét đẹp văn hóa của các nước trong khu vực.
Hai là, ký kết các văn bản hợp tác giữa các dự án về lĩnh vực du lịch của các nước trong EWEC. Việc hợp tác giữa các dự án của các nước sẽ giúp tránh trùng lặp các hoạt động, đồng thời đạt được các mục tiêu chung với hiệu quả cao hơn.
Ba là, tiếp tục thúc đẩy tổ chức thực hiện Thỏa thuận giữa các nước nằm dọc EWEC về vận tải khách du lịch.
Để giúp cho Hành lang kinh tế Đông Tây phát triển thì sự tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ của ADB và Nhật Bản là hết sức quan trọng.
Với sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế và khu vực, của các nước lớn cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Chính phủ và nhân dân các nước, các địa phương dọc EWEC, trong thời gian tới chắc chắn EWEC sẽ phát triển mạnh và đạt được những kết quả to lớn hơn phục vụ cho sự phát triển và quá trình hội nhập trước hết là của các địa phương, các nước dọc EWEC và sau đó là của GMS, ASEAN. EWEC sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, giảm sự chênh lệch phát triển giữa các địa phương, các nước trong GMS và ASEAN đúng như mục tiêu đã đề ra của hành lang.
3.4. Các gợi mở chính sách tham gia của Việt Nam trong hợp tác kinh tế Hành lang kinh tế Đông Tây
3.4.1. Đóng góp của Việt Nam trong tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010)
Đối với Việt Nam, với vị trí địa thuận lợi, Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt đối với Tiểu vùng Mekong mở rộng nói chung và với Hành lang kinh tế Đông Tây nói riêng. Việt Nam nằm ở bờ phía Đông của phần lục địa của GMS liền kề với các tuyến đường biển quốc tế Đông Á - Đông Nam Á; từ Châu Á qua Thái Bình Dương tới Châu Âu, Châu Mỹ; từ Châu Á qua Ấn Độ Dương tới Châu Phi, vòng
Đại Tây Dương tới các nước Tây Âu và Bắc Âu. Khi mở ra Hành lang kinh tế Đông Tây như “cây cầu đường bộ” nối liền từ Myanmar sang Thái Lan, Lào và đi tới bờ biển Đông của Việt Nam thì giao lưu thương mại trong vùng sẽ được đẩy mạnh rất nhiều, tạo ra hành lang vận tải mới trực tiếp từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, giảm chi phí vận tải đi và tới của Lào, Đông Bắc Thái Lan ra biển.
Hành lang kinh tế Đông Tây có ý nghĩa nhiều mặt, vừa giúp các tỉnh miền Trung Việt Nam phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vừa củng cố quan hệ hợp tác với Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và tăng cường liên kết kinh tế trong Tiểu vùng Mekong.
Với vai trò cửa ngõ thông ra biển đối với tiểu vùng, Việt Nam là đầu ra cũng như đầu vào quan trọng cho hàng hóa của Thái Lan, Lào, Myanmar và các nước lân cận như Trung Quốc, Campuchia. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Đà Nẵng sẽ là trung tâm kinh tế của khu vực, một điểm trung chuyển hàng hóa hết sức quan trọng trên tuyến hành lang phục vụ cho xuất nhập khẩu không chỉ cho miền Trung và một phần của Lào như hiện nay, mà sẽ cho cả vùng Đông Bắc Thái Lan, Myanmar và có thể mở rộng đến Vân Nam (Trung Quốc).
Các địa phương của Việt Nam có nhiều tiềm năng xây dựng các cảng biển, trong đó tiêu biểu là các cảng nước sâu: Cửa Việt, Đông Hà (Quảng Trị), Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng, Tiên Sa (thành phố Đà Nẵng) có khả năng cải tạo hoặc xây dựng thành những cảng biển lớn.
Các địa phương của Việt Nam nằm ở đầu phía Đông của hành lang, đầu mối thông thương ra biển Đông không chỉ của EWEC mà của cả tiểu vùng Mê Công mở rộng. Thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng phát triển về vị trí địa lý, kinh tế biển, văn hoá, lịch sử, nhân lực cùng với một số tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi… nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung của nước ta. Như vậy có thể nói, các tỉnh miền Trung của Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong Hành lang kinh tế Đông Tây.
Tham gia vào tiến trình hợp tác kinh tế EWEC (1998 - 2010), các tỉnh miền Trung Việt Nam đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng thông qua các hoạt động đầu tư, thương mại và du lịch. Những kết quả đạt được trong tiến trình hợp tác kinh