Thực trạng và các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam - 12


Đảm bảo an toàn hàng hải trong quá trình chuyên chở chính là đảm bảo chất lượng của dịch vụ vận tải. Đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của năng lực cạnh tranh. Ngành hàng hải mang tính quốc tế cao nên sự cạnh tranh rất gay gắt và quyết liệt. Vì vậy trong quản lý kinh doanh vận tải biển nếu không lấy mục tiêu chất lượng làm mục tiêu phấn đấu, nếu chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt thì doanh nghiệp sẽ bị đẩy lùi ra ngoài vòng quay của thị trường, đi đến thua lỗ, phá sản.

Đảm bảo an toàn hàng hải tức là hàng hoá phải được vận chuyển nhanh gọn, không bị hao hụt, hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Và để thực hiện được điều đó công ty phải chấp hành nghiêm chỉnh các công ước về an toàn của IMO và xây dựng cho được hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế - ISO 9000. Trường hợp tổn thất xảy ra mà thuộc trách nhiệm của công ty thì công ty phải có trách nhiệm bồi thường theo đúng quy định của pháp luật hay đã thoả thuận trong hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển. Điều này sẽ tạo nên độ tin cậy của khách hàng đối với công ty, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của công ty phát triển.

2.3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ thuyền viên

Con người là nhân tố quan trọng, quyết định trong mọi lĩnh vực kinh doanh. Bởi vậy, để có thể nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đạt được hiệu quả cao trong kinh doanh, việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực là một việc làm rất cần thiết. Dưới đây là một số giải pháp:

- Công ty cần phải xây dựng một chiến lược tuyển chọn được những người có trình độ cao, bố trí công việc đúng với chuyên môn, trình độ của họ.

- Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, ngoại ngữ, vi tính cho tất cả cán bộ, công nhân viên của công ty bởi vì đó là nhân tố quyết định tăng năng suất lao động và nâng cao tính an toàn trong kinh doanh hàng hải. Có trình độ chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt mới kinh doanh có hiệu quả cao và không phản bội lợi ích quốc gia, dân tộc, kết hợp hài hoà được giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của công ty

- Phối hợp chặt chẽ với các trường đào tạo nhân lực để đào tạo lại, đào tạo cập nhật và đào tạo nâng cao cho đội ngũ thuyền viên. Đồng thời phải thường xuyên


tổ chức các lớp dạy tiếng Anh để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho họ. Đối với những người sẽ là nguồn kế cận các vị trí cao hơn thì trước khi đề bạt thăng cấp phải được đào tạo để phù hợp với vị trí mới.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.

- Đối với đội ngũ quản lý trên bờ: Nếu là những người chưa qua đào tạo cơ bản thì nhất thiết phải đào tạo lại. Nếu là người đã qua đào tạo cơ bản thì việc đào tạo nâng cao là rất cần thiết. Mục đích của những khoá học này là nhằm cung cấp những kiến thức mới về khoa học quản lý, những thông tin mới về diễn biến kinh tế, chính trị, xã hội. Đặc biệt là cập nhật được các tình huống và các biện pháp giải quyết các tình huống thực tế.

- Cần đưa ra một số chính sách khuyến khích đối với đội ngũ thuyền viên để khuyến khích họ làm việc và cống hiến sức mình cho sự nghiệp phát triển của công ty như các chế độ lương, phụ cấp đi biển, độc hại, thâm niên đi biển, chế độ tiền ăn, tiền tiêu vặt cần cao hơn trên bờ có trình độ tương đương và cần tương ứng với chế độ thuyền viên của các công ty khác....

Thực trạng và các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam - 12

2.4. Các giải pháp nhằm giảm chi phí

Chi phí là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Hiệu quả kinh doanh cao thể hiện doanh nghiệp đó quản lý tốt yếu tố chi phí. Để nâng cao lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới công ty cần:

2.4.1. Đối với các Phòng, Ban, Chi nhánh

- Phân cấp loại tàu theo tuổi tàu, tuyến hoạt động, hiệu quả và điều kiện khai thác để lên kế hoạch sửa chữa và cung cấp các chủng loại vật tư, phụ tùng thay thế phù hợp, tránh lãng phí.

- Mở rộng mối quan hệ với nhiều nhà cung ứng khác nhau để có thể đàm phán giá nguyên, vật liệu phù hợp; tiến tới mua trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc các nhà cung ứng lớn mà không cần thông qua các môi giới.

- Đàm phán với các hãng sơn, dầu nhờn, các nhà cung ứng vật tư phụ tùng giảm giá phù hợp với mục tiêu cùng chia sẻ để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

- Tiếp tục chuyển đổi các tàu sang sử dụng dầu đốt 380cst theo đặc tính kỹ thuật máy chính của tàu.


- Tăng những công việc sửa chữa mà thuyền viên có thể tự làm; thu xếp để tiến hành sửa chữa tàu trong nước; khi sửa chữa cần cân nhắc xem xét để tận dụng những thiết bị vẫn có thể sử dụng tiếp.

- Nhận thêm tàu dầu về tự quản lý nhằm giảm chi phí quản lý.

- Tăng cường tuyên truyền, giải thích, động viên người lao động nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm cùng chia sẻ khó khăn chung với Công ty thông qua việc sử dụng tiết kiệm các thiết bị, văn phòng phẩm văn phòng như chỉ sử dụng điện thoại, máy fax, máy in, máy phô-tô… cho việc công và những công việc thực sự cần thiết; tắt các thiết bị sử dụng điện khi thấy không cần thiết; sử dụng giấy một mặt để in; phô-tô những tài liệu nội bộ chỉ mang tính tham khảo…

2.4.2. Đối với các tàu

- Phối hợp các phòng, ban, chi nhánh tăng cường những công việc sửa chữa gia công mà thuyền viên có thể tự làm; tăng cường sửa chữa tàu trong nước để tiết kiệm chi phí; khi sửa chữa cần cân nhắc xem xét để tận dụng những thiết bị vẫn có thể sử dụng tiếp.

- Tiếp tục phối hợp với các Phòng, Ban thực hiện chủ trương chuyển đổi việc sử dụng dầu F.O từ loại 180cst sang 380cst trên các tàu theo đặc tính kỹ thuật máy chính của tàu để giảm chi phí.

- Công tác thay thuyền viên phải được tiến hành tối đa tại các cảng trong nước, ở nước ngoài chỉ thay tại cảng thuận tiện nhất và tiết kiệm tối đa cho Công ty.

- Tuyên truyền giáo dục để nâng cao ý thức cho các thuyền viên về tính kỷ luật và ý thức trách nhiệm như không trực tiếp hoặc gián tiếp đồng lõa với kẻ xấu làm thất thoát hàng hóa trong quá trình vận chuyển/xếp dỡ vì nếu bị các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ thuyền viên/tàu thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

2.4.3. Một số biện pháp khác

- Trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới, mạng máy tính toàn cầu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực quảng cáo, tiếp thị khách hàng. Chi phí về Internet so với chi phí giao dịch là rất thấp bởi vì giao dịch và giới thiệu về dịch vụ của công ty qua Internet thuận lợi và rẻ hơn nhiều so với giao dịch qua điện thoại, fax và qua đường bưu điện. Hơn nữa những giao dịch


trong thương mại điện tử sẽ tiết kiệm cho công ty rất nhiều các khoản chi phí đi lại, ăn ở... tại nước ngoài trong các giao dịch trực tiếp thông thường. Mặt khác yêu cầu khách quan của nền kinh tế thị trường bắt buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng tin học vào mọi lĩnh vực hoạt động, có như vậy mới đảm bảo cạnh tranh có hiệu quả. Do đó việc ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh của công ty là một việc làm cần thiết trong việc giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nâng cao kết quả kinh doanh.

- Quan tâm đặc biệt trong công tác quản lý tài chính, quản lý kỹ thuật. Thực hiện quản lý chặt chẽ các định mức tiêu chuẩn kỹ thuật trong quản lý nhiên liệu, những loại vật tư phụ tùng chủ yếu, thực hiện chi đúng, đủ và tiết kiệm có hiệu quả, đảm bảo đúng chế độ quản lý tài chính nhà nước tại doanh nghiệp.

- Hoàn thiện việc xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi hệ thống theo dõi, quản lý nhiên liệu, phụ tùng vật tư, vật liệu phục vụ cho sản xuất, trong sử dụng phải triệt để tiết kiệm phù hợp với tình hình và điều kiện của công ty.

- Khắc phục tình trạng chưa đồng bộ giữa các bộ phận quản lý và các tàu; Các thuyền trưởng cần phải thực hiện đầy đủ những qui định quy chế, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo để tránh tình trạng lãng phí ngày tàu như vẫn thường xảy ra trong thời gian gần đây.

- Rút kinh nghiệm trong lập kế hoạch, quản lý, thực hiện chi phí sửa chữa, cần nâng cao trách nhiệm của các sĩ quan quản lý trong phối hợp sửa chữa, nghiệm thu và công việc bảo quản bảo dưỡng trên tàu nhằm giảm chi phí sửa chữa hàng năm.

- Hoàn thành kế hoạch vận tải đúng thời gian quy định để tránh những chi phí phát sinh như cảng phí, chi phí ngày tàu, chi phí lưu kho lưu bãi,...

- Bố trí, sắp xếp hợp lý để có thể khai thác tàu hai chiều, tránh tình trạng tàu chạy không hàng, từ đó giảm được chi phí vận hành.

- Tận dụng tối đa gói kích cầu của Chính phủ thông qua việc hỗ trợ lãi suất 4% vốn vay cho các doanh nghiệp để vay vốn với mức sản xuất ưu đãi từ các nguồn tín dụng nhằm tăng dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

2.5. Các biện pháp tăng doanh thu


Đội tàu hàng khô trong năm 2009 vẫn đang tập trung chuyển gạo từ Sài Gòn đi Philippines, Cuba. Tuy nhiên, do năng lực xếp dỡ tại cảng Sài Gòn không cao đã dẫn đến hiện tượng ùn tắc tại cảng, làm ảnh hưởng đến hoạt động của đội hàng khô. Tuy nhiên hiện nay hợp đồng vận chuyển gạo cũng đã được thực hiện gần hết vì thế công ty nên chuyển hướng hoạt động của đội tàu hàng khô đến những tuyến xa, điều kiện khai thác khó khăn hơn để đảm bảo nguồn thu cho công ty.

- Đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh việc phát triển đầu mối tìm nguồn hàng để có những phương án khai thác tàu với mức giá cước hợp lý nhất trong điều kiện rất khó khăn hiện nay.

- Hợp lý hóa một cách tối đa hành trình của tàu để giảm thời gian chạy ballast, chờ cầu và ảnh hưởng xấu của thời tiết.

- Tăng cường mối quan hệ với các chủ hàng truyền thống để đảm bảo nguồn hàng ổn định cho đội tàu, giảm thời gian tàu chờ hàng, chờ kế hoạch, tăng thời gian quay vòng.‌

- Có thể cho thuê tàu định hạn nếu tính toán thấy hiệu quả hơn tại từng thời

điểm.

- Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý để phát huy tối đa nguồn lực của doanh

nghiệp.

III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI NHÀ NƯỚC

1. Hoàn thiện hệ thống quản lý, chính sách, pháp luật hàng hải

Để thực hiện thành công chiến lược phát triển hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển (trong đó có Vosco) đòi hỏi phải có sự nỗ lực và kết hợp chặt chẽ của cả nhà nước và các doanh nghiệp. Trong đó vai trò của nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước có tính quyết định đến chiến lược tổng thể của ngành Hàng hải và của công ty, đặc biệt ở hai lĩnh vực chính là tạo nguồn vốn và cơ chế chính sách, còn vai trò của Vosco có tính quyết định đến việc biến những giải pháp thành hiện thực. Dưới đây là một số đề xuất như sau:

- Cải cách thể chế hàng hải: Hiệu lực quản lý nhà nước đối với ngành hàng hải chủ yếu phụ thuộc vào sự hoàn thiện của Bộ luật Hàng hải Việt Nam nói riêng và cả hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành nói chung. Bên cạnh đó hoạt


động hàng hải còn chịu sự điều chỉnh của các điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta đã ký kết hoặc tham gia. Tuy nhiên qua thực tiễn áp dụng Bộ luật hàng hải đã bộc lộ những hạn chế đòi hỏi sớm được xem xét và điều chỉnh. Cụ thể:

+ Trong nội dung điều chỉnh có một số điều khoản không còn phù hợp hoặc quy định chưa rõ, đặc biệt là các chế định liên quan đến cảng vụ, an toàn hàng hải, cầm giữ hàng hải, trách nhiệm dân sự chủ tàu, xử lý tài sản chìm đắm ở biển và một số điều khoản khác về hợp đồng vận chuyển hàng hóa, thuê tàu, bảo hiểm hàng hải, tổn thất chung…

+ Phạm vi áp dụng của bộ luật còn hạn chế, chỉ áp dụng đối với tàu biển Việt Nam, và đối với từng trường hợp hoặc quy định cụ thể thì mới áp dụng đối với tàu nước ngoài.

+ Do Bộ luật được bạn hành trước khi có hiệu lực của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) và nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh thuộc các lĩnh vực khác nên đã phát sinh những mâu thuẫn hoặc chồng chéo, nhất là một số chế định liên quan đến yếu tố hành chính, dân sự trong hoạt động hàng hải.

- Rà soát lại các văn bản dưới luật đã được ban hành từ những năm trước mà đến nay không còn phù hợp để từ đó hoàn thiện hoặc cho ra đời những văn bản, đạo luật khác.

- Hoàn thiện hơn nữa quản lý nhà nước về hàng hải theo xu thế hội nhập, hiện đại hoá các hoạt động quản lý và đơn giản những thủ tục hành chính.

+ Cần sớm có một quy chế mới dưới hình thức "Nghị định của Chính phủ" và chỉ quy định riêng về thủ tục, trình tự xét duyệt, cấp phép mua bán tàu biển để thay thế các văn bản cũ. Mục đích là để cải tiến lại quy trình xét duyệt, đấu thầu dự án mua bán tàu biển hiện hành cho đỡ phiền hà hơn. Nhất là cần tôn trọng quyền tự chủ về tài chính kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước hạch toán độc lập và xét đến những đặc điểm riêng của thị trường mua bán tàu biển quốc tế.

+ Kiện toàn bộ máy quản lý theo hướng giảm bớt đầu mối tham mưu, phân định hợp lý chức năng, nhiệm vụ của từng đầu mối và tách biệt rõ ràng chức năng quản lý nhà nước về chuyên ngành với chức năng điều hành các tổ chức sự nghiệp công hàng hải trực thuộc.


+ Nâng cao hiệu lực công tác quản lý đối với các doanh nghiệp vận tải biển. Thực hiện kiểm tra giám sát và quản lý hồ sơ các tàu thuộc các doanh nghiệp trên toàn quốc từ tình hình khai thác tàu cho đến hoạt động kinh doanh để có những biện pháp hỗ trợ tích cực.

+ Thiết lập quản lý doanh nghiệp nước ngoài một cách nghiêm khắc, chống cạnh tranh không lành mạnh để bảo hộ đội tàu trong nước.

- Tạo điều kiện phát triển đội tàu biển thông qua những chính sách giành quyền vận tải như:

+ Giảm thuế cho hàng hoá bán CIF mua FOB và tăng thuế với hàng bán FOB mua CIF.

+ Đẩy mạnh hợp tác liên doanh liên ngành giữa các doanh nghiệp vận tải biển với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để giành quyền vận tải cho đội tàu Việt Nam., có thể thực hiện dưới hình thức ký hợp đồng chuyên chở lâu dài.

- Đổi mới cơ chế quản lý phân bổ ngân sách, xoá bỏ cơ chế "xin - cho", tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức liên quan thêm quyền chủ động trong sử dụng ngân sách được cấp theo quy định.

2. Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành vận tải đường biển

Hiện nay cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành vận tải biển nước ta còn nghèo nàn lạc hậu, thể hiện ở phương tiện vận chuyển, thiết bị xếp dỡ, hệ thống kho bãi... nên đã hạn chế rất nhiều năng lực vận tải và khả năng kinh doanh của các công ty vận tải biển. Do đó việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp là một việc làm cần thiết.

- Nhà nước cần hỗ trợ cấp vốn đầu tư thông qua hình thức lãi suất ưu đãi và dành một phần ngân sách trực tiếp đầu tư cho đội tàu quốc gia, coi đó là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là vốn đầu tư cho sự phát triển đội tàu hiện đại có công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện để đội tàu đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngoại thương và đạt trình độ cạnh tranh nhất định trên thị trường vận tải biển khu vực và thế giới.


- Thực hiện cải tạo, nâng cấp các trang thiết bị xếp dỡ. Hiện đại hoá thiết bị xếp dỡ để có được tốc độ xếp dỡ hàng hoá nhanh hơn, tăng vòng quay phương tiện vận tải, giảm bớt những ngày tàu không hoạt động và giảm được cảng phí cho tàu.

- Chú trọng đầu tư trang thiết bị có công nghệ hiện đại, áp dụng các dây chuyền công nghệ xếp dỡ container và vận tải đa phương thức. Đổi mới trang thiết bị xếp dỡ, đặc biệt là trang thiết bị xếp dỡ container. Hiện nay một số cảng vẫn dùng xe nâng 2 càng xiên mà loại này hầu như không còn xuất hiện ở các bến cảng hiện đại nữa. Cũng cần phải trang bị lại cẩu giàn container thay cho cẩu Kondor cũng không phù hợp với việc xếp dỡ container.

- Trước xu thế vận tải container bằng đường biển ngày càng phát triển, cần phải cải tiến cơ sở hạ tầng ở một số cảng, ga ở Việt Nam, đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống cầu đường, phối hợp với vận tải đường sông, đường sắt đường bộ để vận chuyển, giao nhận container được nhanh chóng và hiệu quả.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng tìm kiếm cứu nạn, ứng cứu dầu tràn, chỉnh trị luồng tàu, khu neo đậu tàu, tránh bão...

- Thực hiện đầu tư phát triển ngành công nghiệp đóng tàu. Cải tạo, nâng cấp các nhà máy đóng tàu hiện có, liên doanh, liên kết với nước ngoài xây dựng thêm một số nhà máy mới với công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến, tiến tới có thể đóng được tàu trọng tải lớn cỡ 10.000 DWT, tàu chở dầu thô, dầu sản phẩm, tàu chở khí hoá lỏng... giảm chi phí đầu tư cho các công ty vận tải khi phải mua tàu của nước ngoài.

3. Mở rộng liên doanh liên kết với vận tải đường biển nước ngoài

- Để phát triển hàng hải, phát triển đội tàu cần phải có một số vốn rất lớn do đó việc liên doanh liên kết với nước ngoài hoặc khuyến khích nước ngoài đầu tư vốn là giải pháp mang tính khả thi. Tuy nhiên với hình thức liên doanh nhà nước cần quản lý chặt chẽ và hỗ trợ cho phía Việt Nam vì phía đối tác nước ngoài thường có nhiều biện pháp nhằm chiếm dụng vốn của phía Việt Nam.

- Chúng ta cần tham gia ký kết, phê chuẩn các Công ước quốc tế về hàng hải hơn nữa để tạo điều kiện phát triển ngành Hàng hải Việt Nam như: Công ước Tạo thuận lợi cho giao thông hàng hải quốc tế (FAL-65), Tìm kiếm và cứu nạn hàng hải

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/09/2022