Người Đứng Đầu Và Trách Nhiệm Của Người Đứng Đầu Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Cấp Bộ Trong Cải Cách Thủ Tục Hành Chính


Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN THỰC HIỆN THỂ CHẾ VỀ

TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC CẤP BỘ TRONG CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH


1.1. NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC CẤP BỘ TRONG CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

1.1.1. Quan niệm về người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cấp Bộ

1.1.1.1. Khái niệm và đặc điểm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cấp Bộ

Trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị đều tồn tại một „„người đứng đầu”. Đây là những người được pháp luật (hay điều lệ của tổ chức) xác lập về thẩm quyền, trách nhiệm và tính đại diện cho cơ quan, tổ chức, đơn vị. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là người lãnh đạo, quản lý và chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm pháp lý cao nhất về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Trong hệ thống chính trị của nước ta, có tổ chức được lãnh đạo theo chế độ thủ trưởng, có tổ chức được lãnh đạo theo chế độ tập thể, nhưng dù ở chế độ nào thì người đứng đầu (là người lãnh đạo, quản lý) đều rất quan trọng. Gắn liền với "người đứng đầu” trong cơ quan, tổ chức, đơn vị bao giờ cũng là thẩm quyền và trách nhiệm. Thẩm quyền là quyền lực của người đứng đầu do luật pháp, cấp trên hoặc tổ chức giao để họ được quyền quyết định các công việc lớn và lãnh đạo tổ chức thực hiện các công việc đó trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, đồng thời họ cũng phải chịu trách nhiệm về những vấn đề mà họ đã quyết định và tổ chức thực hiện.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.


Như vậy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là người lãnh đạo, quản lý, chịu trách nhiệm chính, chịu trách nhiệm cao nhất của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Thực hiện thể chế về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cấp Bộ trong cải cách thủ tục hành chính - 3

Cơ quan HCNN cấp Bộ là các cơ quan HCNN có thẩm quyền riêng ở trung ương được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc trách nhiệm thủ trưởng, bao gồm: Bộ, cơ quan ngang Bộ (gọi chung là Bộ). Người đứng đầu cơ quan hành chính cấp Bộ (gọi chung là Bộ trưởng) là người có vị trí cao nhất trong cơ quan HCNN cấp Bộ, có quyền cao nhất trong lãnh đạo, quản lý các hoạt động của Bộ, cơ quan ngang Bộ để thực hiện các mục tiêu lãnh đạo, quản lý đã đề ra. Vì vậy, có thể hiểu: Người đứng đầu cơ quan HCNN cấp Bộ là Bộ trưởng được trao quyền quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước và chịu trách nhiệm cá nhân đối với các quyết định quản lý của mình.

Người đứng đầu cơ quan HCNN cấp Bộ có những đặc điểm sau đây:

- Là thành viên Chính phủ, được trao quyền lực để thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng QLNN đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực được phân công.

- Có thẩm quyền ra các quyết định quản lý và chịu trách nhiệm cá nhân về các quyết định quản lý của mình trên phạm vi toàn quốc; đồng thời chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ huy, giám sát việc thực hiện các quyết định quản lý đã ban hành.

- Có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức thực thi các quyết định quản lý liên quan đến ngành, lĩnh vực phụ trách.

1.1.1.2. Vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cấp Bộ

Người đứng đầu cơ quan HCNN cấp Bộ là người có vai trò chỉ đạo, quản lý, định hướng toàn bộ các hoạt động QLNN mang tính hệ thống dọc


từ trung ương đến địa phương để thực hiện các mục tiêu, yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực. Vai trò của người đứng đầu cơ quan HCNN cấp Bộ được thể hiện ở các nội dung sau đây:

- Tổ chức, điều hành việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ theo quy định của pháp luật (Giúp Chính phủ thống nhất QLNN đối với ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thực hiện cácVBQPPL, chỉ đạo, điều hành các cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền...).

- Tham mưu, ban hành các quyết định pháp luật thuộc thẩm quyền (tham mưu, trình Chính phủ ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền quản lý ngành, lĩnh vực; ban hành các VBQPPL và các quyết định hành chính cá biệt thuộc thẩm quyền để quản lý, chỉ đạo, điều hành trong phạm vi ngành, lĩnh vực..).

- Là người đại diện cho Bộ trong quan hệ với các cơ quan nhà nước khác trong bộ máy nhà nước (chủ trì, phối hợp với các thành viên của Chính phủ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền; báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ QLNN về ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý...).

- Quản lý đội ngũ CBCC thuộc thẩm quyền (tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đội ngũ CBCC thuộc thẩm quyền quản lý...).

1.1.2. Quan niệm về cải cách thủ tục hành chính và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cấp Bộ trong cải cách thủ tục hành chính

1.1.2.1. Cải cách thủ tục hành chính

Nhà nước là một tổ chức đặc biệt thực hiện các chức năng quản lý nhằm bảo đảm trật tự, ổn định và phát triển xã hội thông qua bộ máy nhà nước. Về nguyên tắc, bộ máy nhà nước của bất kỳ quốc gia nào cũng được cấu thành bởi ba hệ thống cơ quan nhà nước, bao gồm: cơ quan thực hiện quyền lập pháp, cơ quan thực hiện quyền hành pháp và cơ quan thực hiện quyền tư


pháp. Trong đó, cơ quan thực hiện quyền hành pháp được gọi là hệ thống các cơ quan HCNN có vai trò quản lý, duy trì, thúc đẩy sự phát triển xã hội và bảo đảm cung cấp dịch vụ công cho xã hội theo những mục tiêu nhất định. Với việc thực hiện chức năng hành pháp, cơ quan HCNN thực hiện quản lý nhà nước thông qua việc tác động bằng tổ chức - quyền lực để điều hành các quan hệ xã hội, nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người, quyền công dân được pháp luật quy định. Đồng thời, cùng với quá trình phát triển và dân chủ hóa đời sống xã hội thì vai trò của cơ quan HCNN ngày càng quan trọng và mở rộng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự tác động của điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội thì hoạt động của các cơ quan HCNN cũng bộc lộ hay tiềm ẩn những tồn tại, hạn chế nhất định so với yêu cầu của sự phát triển (chẳng hạn như: sự lạc hậu của thể chế, mô hình tổ chức nền hành chính kém hiệu lực, s ự quan liêu của đội ngũ CBCC...), do đó nền hành chính nhà nước phải có sự cải cách để loại bỏ hay cải thiện những hạn chế để đáp ứng tốt hơn các mục tiêu phát triển.

Điều đó cho thấy, cải cách hành chính là yêu cầu tất yếu để đảm bảo nền hành chính vận hành hiệu lực, hiệu quả hơn đáp ứng những đòi hỏi khách quan của sự phát triển của xã hội. Vì vậy, để đáp ứng các mục tiêu tạo được những thay đổi tích cực trong các mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và công dân, xã hội thì cải cách hành chính phải được tiến hành đồng bộ đối với nhiều yếu tố, trong đó cải cách thể chế là một vấn đề quan trọng và được thể hiện rõ nét nhất qua các quy định về TTHC - các trình tự, thủ tục mà cơ quan HCNN giải quyết các đề nghị, yêu cầu của cá nhân, tổ chức về đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp được chính Nhà nước quy định và bảo đảm bằng pháp luật.


Theo nghĩa chung nhất, TTHC là trình tự, cách thức giải quyết công việc của các cơ quan HCNN có thẩm quyền trong mối quan hệ nội bộ ngành và giữa các cơ quan HCNN với các cá nhân, tổ chức nhằm đảm bảo đạt được mục đích, phù hợp với thẩm quyền của các cơ quan nhà nước hoặc của cá nhân, tổ chức trong quản lý HCNN. Tuy nhiên, tiếp cận ở góc độ bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của các nhân, tổ chức được pháp luật quy định và cung cấp các dịch vụ công thì TTHC phải được quy định chặt chẽ về trình tự, cách thức và các yêu cầu, điều kiện nhất định. Từ đó, có thể hiểu: TTHC là trình tự, cách thức giải quyết công việc của cơ quan HCNN có thẩm quyền trong mối quan hệ nội bộ nền hành chính và mối quan hệ giữa cơ quan HCNN với cá nhân, tổ chức.

Với quan niệm như vậy, có thể coi TTHC là “cầu nối” giữa cơ quan HCNN và cá nhân, tổ chức để thực hiện các nhiệm vụ QLNN và đảm bảo các quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức được pháp luật quy định. Do đó, để đảm bảo mục tiêu phục vụ của nền hành chính trước những yêu cầu, đòi hỏi của đời sống xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thì cải cách TTHC cần được thực hiện thường xuyên và có thể coi là điều kiện cơ bản cho việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân; giải quyết đúng đắn các mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân và đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính phục vụ trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân ở nước ta.

Trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và tiến trình hội nhập quốc tế, trong công cuộc chuyển dần từ nền hành chính truyền thống sang nền hành chính phục vụ thì cải cách TTHC đang là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi, cải cách TTHC là điều kiện cần thiết để tăng cường củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, tăng cường sự tham gia QLNN của nhân dân. Như vậy, gắn với CCHC thì cải cách TTHC là một nội dung quan trọng và được đặt trong tổng thể nhiệm vụ cải cách thể chế HCNN. Xét dưới


góc độ nội dung, phương pháp tiến hành cũng như mục tiêu và kết quả thì cải cách TTHC là quá trình rà soát, đánh giá để loại bỏ những bước, những thủ tục bất hợp lý, không cần thiết, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các TTHC mới theo quy định của pháp luật và triển khai thực hiện công khai, minh bạch tất cả các TTHC bằng các hình thức thiết thực và thích hợp.

Từ những phân tích trên, có thể hiểu: Cải cách TTHC là việc sửa đổi, thay thế có kế hoạch cụ thể những TTHC cũ chưa hợp lý hoặc không còn phù hợp để đạt mục tiêu hoàn thiện các TTHC, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và người dân.

1.2.2.2. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cấp Bộ trong cải cách thủ tục hành chính

Theo Từ điển Tiếng Việt, trách nhiệm được hiểu là: 1. Phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả; 2. Sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của họ, bảo đảm đúng đắn, nếu sai trái thì phải gánh chịu phần hậu quả [31, tr.1020]. Theo định nghĩa này, trách nhiệm gồm hai thành phần cơ bản: i) Những việc nên làm, phải làm, được làm (được hiểu như là bổn phận, nhiệm vụ, quyền hạn); ii) Sự cam kết đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và chịu trách nhiệm đối với kết quả đó. Trong đó, vế thứ nhất được coi là là nguyên nhân và vế thứ hai được coi là hệ quả tất yếu. Vì vậy, có thể hiêu: Trách nhiệm là những việc nên làm, phải làm, được làm với kết quả tốt; nếu kết quả không tốt thì sẽ phải gánh chịu những hậu quả nhất định.

Ở góc độ pháp lý, thuật ngữ “trách nhiệm” có thể được hiểu là bổn phận, thái độ đối với chức trách, nhiệm vụ, công việc được giao hoặc khả năng chịu hậu quả tiêu cực khi không thực hiện đúng các nghĩa vụ được quy định hay công việc được giao.


Bộ trưởng là người đứng đầu cơ quan HCNN cấp Bộ, vừa là thành viên Chính phủ, vừa là người đứng đầu và lãnh đạo cơ quan Bộ, Vì vậy, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan HCNN cấp Bộ cũng được hiểu theo cả hai nghĩa như trên. Theo đó, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan HCNN Bộ có thể bao gồm là toàn bộ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định nhà mà người đứng đầu phải thực hiện và phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp vi phạm (do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao) thì sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm.

Từ cách tiếp cận trên, có thể hiểu: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan HCNN cấp Bộ là việc thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của người đứng đầu Bộ; nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, thì chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan HCNN cấp Bộ bao gồm những nội dung cơ bản sau đây:

- Chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý; Gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên; tổ chức, điều hành cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn được giao; quyết định chủ trương, giải pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về quyết định đó;

- Ban hành hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật bảo đảm tính hợp pháp của văn bản (bao gồm: VBQPPL, văn bản cá biệt, công văn chỉ đạo, điều hành và nội quy, quy chế, điều lệ, quy định áp dụng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý).


- Căn cứ các quy định về phân công, phân cấp và nhiệm vụ, quyền hạn được giao, ban hành văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp phó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấu thành; bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp, cũng không bỏ trống.

- Tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng lương, cử dự thi nâng ngạch, quyết định nâng ngạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, cho nghỉ chế độ và quản lý đội ngũ CBCC theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;

- Quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản công được giao; phòng, chống cháy nổ và bảo đảm an toàn lao động tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đúng quy định của pháp luật; quản lý, kiểm tra thường xuyên, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, hư hỏng, mất mát, thất thoát; Thực hiện đúng quy định của pháp luật về văn hóa công sở.

- Tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong phạm vi thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật; Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; về phát ngôn, khai thác, quản lý và sử dụng mạng Internet trong cơ quan, tổ chức, đơn vị....

Trong trường hợp không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo pháp luật quy định, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm pháp lý – những hậu quả bất lợi như: Trách nhiệm kỷ luật (Khiển trách; cảnh cáo; cách chức; bãi nhiệm; hạ bậc lương; giáng chức; buộc thôi việc); trách nhiệm dân sự; trách nhiệm hình sự; trách nhiệm kỷ luật.

Trong lĩnh vực cải cách TTHC, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan HCNN cấp Bộ được hiểu là trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong việc tham mưu quy định và kiểm soát các TTHC được áp dụng trong ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/09/2023