LTM năm 2005 có quy định khá rõ ràng về chế tài này tại Điều 300 và Điều
301. Theo đó, phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 LTM 2005[Điều 300]. Như vậy phạt vi phạm chỉ xảy ra nếu có thỏa thuận về vấn đề này trong hợp đồng. Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 LTM 2005[Điều 301].
2.4.2.3. Buộc bồi thường thiệt hại
Bồi thường thiệt hại là việc buộc bên vi phạm trả tiền bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm [Điều 300 và Điều 301 LTM].
Các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm:
- Có hành vi vi phạm hợp đồng: Tất cả những hành vi không theo đúng cam kết trong hợp đồng đều bị coi là vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, không phải tất cả những hành vi ấy đều dẫn đến việc áp dụng hình thức trách nhiệm pháp lý bồi thường thiệt hại. Chỉ những hành vi nào trực tiếp dẫn đến những thiệt hại vật chất mà bên kia phải gánh chịu mới tạo thành cơ sở của hình thức bồi thường thiệt hại.
- Có thiệt hại thực tế: Những thiệt hại này phải là thiệt hại về vật chất và là những thiệt hại thực tế, tức là phải có thể tính toán và chứng minh được chứ không phải là do suy diễn mà có. Thiệt hại về khoản đáng lẽ thu được nhưng bị bỏ lỡ là những khoản thu đã được dự liệu khi ký hợp đồng hay ít ra là từ trước khi có hành vi vi phạm. Bên có thiệt hại có nghĩa vụ phải chứng minh tổn thất và mức độ tổn thất[Điều 304 LTM].
- Mối quan hệ trực tiếp giữa hành vi vi phạm hợp đồng của một bên và thiệt hại vật chất của bên kia: Hành vi vi phạm hợp đồng của một bên là nguyên nhân
trực tiếp và cơ bản dẫn đến thiệt hại của bên kia và thiệt hại này là kết quả không thể tránh khỏi của hành vi vi phạm hợp đồng.
Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài buộc bồi thường thiệt hại và chế tài phạt vi phạm nếu các bên có thỏa thuận trước đó về phạt vi phạm.
Có thể bạn quan tâm!
- Thời Gian Và Địa Điểm, Phương Thức Thực Hiện Hợp Đồng
- Thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật Việt Nam - 7
- Người Bán Phải Giao Hàng Đúng Địa Điểm Và Đúng Thời Hạn
- Khái Niệm Về Tranh Chấp Trong Giao Kết Và Thực Hiện Hợp Đồng Mua Bán Hàng Hóa
- Đánh Giá Về Thực Trạng Thực Hiện Hợp Đồng Mua Bán Hàng Hóa Của Các Doanh Nghiệp
- Xây Dựng Và Hoàn Thiện Các Quy Định Của Pháp Luật Thương Mại Hiện Hành Về Mua Bán Hàng Hóa Thống Nhất Trong Luật Pháp Quốc Gia Và Phù Hợp Với Thông
Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.
Như vậy, LTM năm 2005 [Điều 302] và Công ước Viên 1980 [Điều 74] đều thống nhất những thiệt hại được bồi thường là các khoản tổn thất hàng hóa và khoản lợi bị bỏ lỡ mà bên thiệt hại phải gánh chịu do vi phạm hợp đồng. Về tính chất thiệt hại được bồi thường, Công ước Viên nhấn mạnh đến việc tiên liệu trước của bên vi phạm, còn luật VN thì chú trọng đến yếu tố “ thực tế” và “trực tiếp” .
Về nguyên tắc hạn chế tổn thất, cả Công ước Viên 1980 và luật của VN đều có quy định tại Điều 77 Công ước Viên 1980 và Điều 305 LTM 2005. Trong đó, cả hai đều thống nhất rằng bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để ngăn chặn các tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Nếu họ không làm như vậy thì bên vi phạm có thể yêu cầu giảm bớt tiền bồi thường thiệt hại.
2.4.2.4. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng
Đây là một chế tài mới quy định tại LTM, theo đó một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau:
- Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên thỏa thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng;
- Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.
2.4.2.5. Đình chỉ thực hiện hợp đồng
Là một chế tài mới quy định tại LTM, đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau:
- Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng;
- Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Trong trường hợp một hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng nữa. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng. Bên bị vi phạm vẫn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của LTM.
2.4.2.6. Hủy bỏ hợp đồng
Điều 312 LTM quy định, bên có quyền lợi bị vi phạm có quyền tuyên bố hủy hợp đồng nếu việc vi phạm của bên kia là điều kiện để hủy hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận.
Đây là một quy định mới so với PL HĐKT năm 1989 về các trường hợp áp dụng chế tài hủy hợp đồng. Chế tài hủy HĐMBHH do các bên thỏa thuận và cần phải ghi vào hợp đồng trong điều khoản: "điều kiện hủy hợp đồng". Chế tài hủy bỏ hợp đồng còn được áp dụng trong các trường hợp một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Hủy bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng.
Huỷ bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng; Huỷ bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Huỷ bỏ hợp đồng được áp dụng khi xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để huỷ hợp đồng hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Trường hợp có thoả thuận về giao hàng, cung ứng dịch vụ từng phần, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình trong giao hàng, cung ứng dịch vụ và việc này cấu thành một vi phạm cơ bản đối với lần giao hàng, cung ứng dịch vụ đó thì bên kia có quyền tuyên bố huỷ hợp đồng đối với lần giao hàng, cung ứng dịch vụ. Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ đối với một lần giao hàng cung ứng dịch vụ là cơ sở để bên kia kết luận rằng vi phạm cơ bản sẽ xảy ra đối với những lần giao hàng,
cung ứng dịch vụ sau đó thì bên bị vi phạm có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ sau đó, với điều kiện là bên đó phải thực hiện quyền này trong thời hạn hợp lý. Trường hợp một bên đã tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với một lần giao hàng, cung ứng dịch vụ thì bên đó vẫn có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vu đã thực hiện hoặc sẽ thực hiện sau đó nếu mối quan hệ qua lại giữa các lần giao hàng dẫn đến việc hàng hoá đã giao, dịch vụ đã cung ứng không thể thể được sử dụng theo đúng mục đích mà các bên đã dự kiến vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Sau khi huỷ bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thoả thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp. Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của luật này.
Việc hủy hợp đồng sẽ dẫn đến các hậu quả pháp lý sau:
- Các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng. Hợp đồng bị hủy sẽ không còn hiệu lực kể từ thời điểm giao kết.
- Mỗi bên có quyền đòi hỏi lại lợi ích cho việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Nếu do việc hủy hợp đồng mà các bên đều có nghĩa vụ bồi hoàn thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời. Nếu không thể hoàn trả được bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền.
- Quyền đòi bồi thường thiệt hại do hủy hợp đồng thuộc về bên bị vi phạm[Điều 314].
Đối với vi phạm không cơ bản thì bên bị vi phạm không được áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2.4.3. Các trường hợp miễn trách nhiệm
Theo quy định tại Điều 294 LTM 2005 cũng có sự châm chước khi quy định của trường hợp miễn trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm, cụ thể bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
- Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận;
- Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp mình được miễn trách nhiệm.
Công ước Viên và luật VN đều có quy định rõ ràng về các trường hợp miễn trách tại Điều 79 CISG và Điều 294, 295 LTM 2005. Khi so sánh các điều khoản trên, Công ước Viên 1980 có quy định rộng và đầy đủ hơn so với luật VN. Điều 79 khoản 1 Công ước Viên quy định bên vi phạm được miễn trách nếu chứng minh được rằng trở ngại đó nằm ngoài tầm kiểm soát, không thể lường trước, không thể tránh khỏi và không thể khắc phục được hậu quả. Đây là một quy định khá chung chung và bao quát cho các trường hợp miễn trách. Ngược lại, Điều 294 LTM 2005 liệt kê khá chi tiết 4 trường hợp miễn trách, thiếu tính khái quát và có thể gây khó khăn khi áp dụng trong thực tế.
Ngoài ra, tại Điều 79 khoản 3 Công ước Viên 1980 còn quy định rõ ràng trường hợp miễn trách do bên thứ ba không thực hiện nghĩa vụ, luật của Việt Nam hoàn toàn chưa quy định gì về vấn đề này.
Về vấn đề thông báo và xác nhận trong trường hợp miễn trách, Công ước Viên 1980 và LTM 2005 đều bắt buộc bên vi phạm phải thông báo cho bên kia về trường hợp miễn trách. Tuy nhiên, Điều 295 LTM 2005 bắt buộc việc thông báo này phải bằng văn bản trong khi Công ước Viên 1980 không quy định gì về hình thức của thông báo.
2.5. Các nội dung khác của hợp đồng mua bán hàng hóa
2.5.1. Sửa đổi, chấm dứt hợp đồng mua bán hàng hóa
Trong quá trình thực hiện HĐMBHH, các bên có quyền thỏa thuận với nhau về việc sửa đổi, chấm dứt hợp đồng.
2.5.1.1. Sửa đổi hợp đồng
Hợp đồng mua bán hàng hóa đã được giao kết và có hiệu lực nhưng do điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi bên mà các bên có thể thỏa thuận sửa đổi hợp đồng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi tiến hành sửa đổi hợp đồng phải giải quyết hậu quả của việc sửa đổi đó. Nó có thể là:
- Chi phí đã bỏ ra để thực hiện một phần công việc trước khi sửa đổi mà bên thực hiện không thể thu hồi được.
- Chi phí để chuẩn bị cho việc thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng, mặc dù đã tận dụng, thanh lý chưa đủ bù đắp giá trị ban đầu của nó.
- Tiền bồi thường thiệt hại đã phải trả do sửa đổi hợp đồng.
2.5.1.2. Chấm dứt hợp đồng
Hợp đồng mua bán hàng hóa đã có hiệu lực nhưng khi tiến hành thực hiện nghĩa vụ thì các bên mới nhận thức được rằng họ cần phải chấm dứt hợp đồng vì việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không mang lại lợi ích hợp lý cho một bên hoặc cả hai bên như họ kỳ vọng khi giao kết hợp đồng. Trong Điều 424 BLDS đã nêu ra các trường hợp chấm dứt hợp đồng như sau:
- Hợp đồng được chấm dứt khi hợp đồng đã hoàn thành: Toàn bộ nội dung của hợp đồng được các bên thực hiện, thông qua đó các bên tham gia hợp đồng đáp ứng được quyền dân sự của mình thì hợp đồng được coi là hoàn thành và không có lý do để hợp đồng tồn tại nữa;
- Hợp đồng được chấm dứt theo thỏa thuận của các bên: Trong trường hợp bên có nghĩa vụ gặp khó khăn không có khả năng để thực hiện hợp đồng hoặc nếu hợp đồng đó được thực hiện sẽ gây ra tổn thất về vật chất cho một bên hoặc cả hai bên, thì các bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;
- Hợp đồng chấm dứt khi cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà việc thực hiện hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện;
- Hợp đồng chấm dứt khi bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
- Hợp đồng chấm dứt khi hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thỏa thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại.
2.5.2. Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng
Để ràng buộc và tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện các nghĩa vụ của hợp đồng, các bên trong HĐMBHH có thể thỏa thuận áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng quy định tại Điều 318 BLDS như:
- Cầm cố tài sản: là việc một bên giao tài sản thuộc sở hữu của mình cho bên kia để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự.
- Thế chấp tài sản: là việc một bên (bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (bên nhận thế chấp). Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ, không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp trừ trường hợp các bên có thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
- Đặt cọc: là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để đảm bảo giao kết, thực hiện hợp đồng.
- Ký quỹ: là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá trị khác vào tài khoản phong tỏa tại một ngân hàng để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.
- Bảo lãnh: là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ (bên được bảo lãnh) nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2.5.3. Chuyển rủi ro và chuyển quyền sở hữu
LTM bổ sung các quy định về chuyển rủi ro trong các trường hợp cụ thể được liệt kê tại các Điều 58, Điều 59, Điều 60, Điều 61.
2.5.3.1. Bên bán có nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa cho bên mua
Để có thể chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa cho bên mua, tạo điều kiện cho bên mua có thể tự do định đoạt đối với hàng hóa được mua theo hợp đồng, bên bán phải đảm bảo hàng hóa không có bất cứ “khuyết tật pháp lý” nào. Theo quy định của LTM, bên bán phải đảm bảo:
Thứ nhất, hàng hóa mua bán phải hợp pháp,tức là hàng hóa đó kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật và được phép lưu thông thương mại.
Thứ hai, quyền sở hữu của bên mua đối với hàng hóa không bị tranh chấp bởi bên thứ 3; bảo đảm hàng hóa và việc chuyển giao hàng hóa là hợp pháp. Sau khi chuyển quyền sở hữu, người bán không được có bất kì hành vi nào làm phương hại tới quyền sở hữu hàng hóa của người mua. Điều này có nghĩa là người bán phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp cũng như nguồn gốc của hàng hóa và phải chịu rủi ro cho đến khi quyền sở hữu đối với hàng hóa được chuyển cho người mua, kể cả trong trường hợp quyền sở hữu bị người thứ 3 tranh chấp. Trong trường hợp hàng hóa bị người thứ 3 tranh chấp thì bên bán phải đứng về phía bên mua để bảo vệ quyền lợi của bên mua; nếu sau đó người mua biết rằng người thứ 3 có quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ hàng hóa mua bán thì bên mua có quyền đình chỉ hợp đồng và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại.
Thứ ba, việc chuyển giao quyền sở hữu đối với hàng hóa cho bên mua là hợp pháp, tức là bên bán có toàn quyền định đoạt đối với hàng hóa được mua bán.
Thứ tư, hàng hóa mua bán không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên bán phải chịu trách nhiệm trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa đã bán. Trường hợp bên mua yêu cầu bên bán phải tuân theo bản vẽ kỹ thuật, thiết kế, công thức hoặc những số liệu chi tiết do bên mua cung cấp thì bên mua phải chịu trách nhiệm về các khiếu nại liên quan đến những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phát sinh từ việc bên bán đã tuân thủ những yêu cầu của bên mua[Điều 46].
Như vậy, trong quan hệ mua bán hàng hóa, bên bán không chỉ có nghĩa vụ đảm bảo hàng hóa không có khuyết tật về vật chất để bên mua có thể sử dụng được