Thực Hiện Hoạt Động Xúc Tiến Đầu Tư Của Tỉnh Để Thu Hút Đầu Tư Của Doanh Nghiệp Vào Phát Triển Du Lịch

Hai là, doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân để đền bù, giải phóng mặt bằng. Tỉnh hỗ trợ bằng tiền mặt từ ngân sách tương đương một phần chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng sau khi doanh nghiệp đã thực hiện dự án. Trường hợp xây dựng cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, vui chơi giải trí… với diện tích không lớn, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp mua quyền sử dụng đất lâu dài thông qua đấu giá đất, mua trên thị trường tự do. Tỉnh thực hiện chính sách miễn giảm thuế một thời gian nhất định để hỗ trợ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động.

+ Chính sách đối với lao động trong ngành du lịch: như chính sách đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chính sách sử dụng lao động, chính sách về tiền lương cho lao động trong ngành du lịch… Chính quyền cấp tỉnh thường hỗ trợ đào tạo học sinh, sinh viên và lao động trong doanh nghiệp để nâng cao tay nghề, kỹ năng. Các tỉnh thường mở các lớp đào tạo về văn hóa, luật pháp; các nghiệp vụ cơ bản trong du lịch, đào tạo nghề… Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tuyển dụng lao động, ưu tiên tuyển dụng đối với lao động của tỉnh, nơi có dự án đầu tư. Chính quyền tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng người lao động về chuyên môn nghiệp vụ trong ngành du lịch để cung cấp nguồn lao động cho các doanh nghiệp du lịch.

Chính sách về lao động trong ngành du lịch còn có chính sách giới thiệu, hỗ trợ tìm kiếm việc làm trong ngành du lịch, chính sách này cần gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh với quy hoạch, kế hoạch đào tạo, dạy nghề, sử dụng lao động du lịch tại chỗ.

+ Chính sách khoa học công nghệ phục vụ kinh doanh du lịch: Cùng với việc thực hiện các chính sách của trung ương nhằm phát triển khoa học, công nghệ phục vụ kinh doanh du lịch trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chính quyền cấp tỉnh có thể thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới như: công nghệ đặt tour, đặt phòng, đặt vé vui chơi, giải trí, kiểm soát khách qua mạng, xây dựng khu vui chơi giải trí sử dụng máy móc điện tử, các phương tiện phục vụ giải trí, phục vụ vận chuyển hành khách, phục vụ tiêu dùng của khách du lịch, phục vụ nghỉ dưỡng… Tỉnh cũng có thể có chính sách khuyến khích liên kết giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh phương tiện, vật tư cho ngành du lịch trong việc đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh du lịch.

+ Chính sách về hỗ trợ cung cấp thông tin, thủ tục đầu tư, hỗ trợ quảng cáo, giới thiệu hình ảnh: Chính quyền tỉnh có thể có những quy định để đảm bảo cho các doanh nghiệp được cung cấp thông tin khi tìm hiểu cơ hội, môi trường đầu tư một cách đầy đủ, cập nhật, rõ ràng, đúng quy định của pháp luật. Khi doanh nghiệp đã đầu tư, rất cần được quảng cáo sản phẩm, xây dựng thương hiệu để duy trì và phát triển kinh doanh như quảng cáo dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, trung tâm lữ hành đảm bảo chất lượng đưa khách đi du lịch.., vì vậy tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp quảng cáo, giới thiệu hình ảnh bằng các phương tiện truyền thông của tỉnh hoặc trung ương sẽ góp phần thu hút dầu tư của doanh doanh nghiệp vào phát triển du lịch.

2.2.1.3. Thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch

Xúc tiến đầu tư vào phát triển du lịch cấp tỉnh là hoạt động của chính quyền tỉnh thực hiện quảng bá cơ hội đầu tư, giới thiệu chính sách đầu tư, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư vào du lịch ở tỉnh. Có 2 hình thức xúc tiến đầu tư của tỉnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch của tỉnh đó là: xúc tiến đầu tư trực tiếp và xúc tiến đầu tư gián tiếp.

Xúc tiến đầu tư trực tiếp của tỉnh là hoạt động xúc tiến đầu tư của chính quyền tỉnh thực hiện quảng bá thông tin một cách trực tiếp cho các nhà đầu tư thông qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi, hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư, hội thảo, hội chợ… Trong đó, các nhà đầu tư được chính quyền tỉnh cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác.

Xúc tiến đầu tư gián tiếp của tỉnh là hoạt động xúc tiến đầu tư của chính quyền tỉnh thông qua hoạt động trung gian như kênh thông tin đại chúng. Qua các kênh này nhà đầu tư được chính quyền tỉnh cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác, giúp cho họ tìm thấy cơ hội để ra quyết định đầu tư. Các công cụ tuyên truyền gồm các phương tiện truyền tin công khai, dễ tiếp cận như truyền hình, đài phát thanh, các trang mạng xúc tiến đầu tư, qua các môi giới trung gian… được sử dụng để phổ biến rộng rãi các thông tin cần thiết đến nhà đầu tư như: danh mục các lĩnh vực và địa bàn được nhà nước ưu đãi đầu tư, các cam kết hỗ trợ và ưu đãi của chính quyền tỉnh khi nhà đầu tư quyết định đầu tư…

Cụ thể, hoạt động xúc tiến đầu tư của chính quyền tỉnh mà cơ quan tham mưu trực tiếp là Sở Du lịch (hoặc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch) để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch của tỉnh được thực hiện bằng những hình thức như:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 212 trang tài liệu này.

- Chính quyền tỉnh tổ chức và tham gia Hội nghị xúc tiến đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch của tỉnh.

- Chính quyền tỉnh tổ chức và tham gia các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm về đầu tư và xúc tiến đầu tư vào du lịch của tỉnh.

Thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch ở tỉnh Nghệ An - 7

- Chính quyền tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư, tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư vào du lịch của tỉnh.

- Chính quyền tỉnh tổ chức Hội nghị trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và dự án đầu tư kinh doanh du lịch của tỉnh.

- Chính quyền tỉnh thực hiện các hoạt động về hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư vào phát triển du lịch của tỉnh.

- Chính quyền tỉnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư vào phát triển du lịch của tỉnh.

- Chính quyền tỉnh tổ chức và tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế.

- Chính quyền tỉnh xây dựng và phổ biến danh mục dự án khuyến khích đầu tư vào du lịch của tỉnh…[10].

2.2.1.4. Phát triển kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch của tỉnh

Kết cấu hạ tầng phần lớn được xây dựng để thực hiện đa mục tiêu như thu hút đầu tư vào nhiều ngành, lĩnh vực, và cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở tỉnh cũng sử dụng chung kết cấu hạ tầng đó và một số kết cấu hạ tầng dành riêng cho khu du lịch, điểm du lịch mới khai thác, nơi chưa có sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Kết cấu hạ tầng ở tỉnh được cải thiện, phát triển sẽ tạo điều kiện tốt hơn để doanh nghiệp thu hút du khách đến với cơ sở kinh doanh du lịch ở tỉnh.

Hạ tầng giao thông của tỉnh: Đó là các công trình đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và các cơ sở hậu cần vận tải như bến, bãi đỗ xe, nhà ga, cảng biển… Tốc độ phát triển, sự đồng bộ và kết nối thông suốt giữa các tuyến như đường bộ với hệ thống cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu… của tỉnh cũng thể hiện chất lượng hệ thống giao thông chung của một tỉnh.

Trong khi nghiên cứu để quyết định đầu tư, doanh nghiệp sẽ xem xét liệu kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh có đủ điều kiện để đảm bảo hoạt động kinh doanh của

họ có hiệu quả. Do đó, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh phát triển sẽ là yếu tố thuận lợi lớn để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào kinh doanh du lịch ở tỉnh.

Năng lượng và nước sạch của tỉnh: Các nguồn năng lượng mà phổ biến nhất là điện của tỉnh đóng vai trò then chốt để vận hành các hoạt động sản xuất kinh doanh trong hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng đòi hỏi chính quyền tỉnh cần thực hiện những hoạt động đầu tư quy mô lớn về kết cấu hạ tầng cung cấp năng lượng. Song song với vấn đề năng lượng, hạ tầng nước sạch của tỉnh cũng đóng một vai trò quan trọng cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng cần nước sạch cho nhiều hoạt động của mình như xây dựng các bể bơi, khu công viên nước, nguồn nước sinh hoạt cho lượng lớn du khách… Vì vậy, việc chú trọng phát triển hạ tầng cung cấp nước sạch của tỉnh là quan trọng với bất kỳ một tỉnh nào trong việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào kinh doanh du lịch ở tỉnh đó.

Hạ tầng công nghệ của tỉnh: Hạ tầng công nghệ của tỉnh phản ánh điều kiện và khả năng cho phép các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh có thể năng động, linh hoạt trong việc lựa chọn trang bị và đưa vào ứng dụng, khai thác các kỹ thuật hiện đại và công nghệ mới, từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, tăng hiệu quả cạnh tranh. Đóng vai trò tiên phong trong lĩnh vực du lịch là hạ tầng công nghệ thông tin.

2.2.1.5. Cải cách hành chính để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch của tỉnh

Các khâu hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội đều phải qua khung cửa bộ máy hành chính nhà nước thì mới thành hiện thực. Vì vậy, ở tỉnh nếu chính quyền tỉnh không đổi mới hoạt động hành chính thì nhịp độ và chất lượng thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch của tỉnh sẽ chậm trễ, khó khăn. Nếu thủ tục hành chính cấp tỉnh phiền hà, không dứt điểm sẽ dẫn đến làm tốn thời gian giải quyết công việc của doanh nghiệp, chồng chéo về quyền hạn, không phân định rõ về trách nhiệm, không hợp lý về tổ chức, trình tự, thiếu, hạn chế về trình độ nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm… Do đó, lực cản lớn làm nản lòng các nhà đầu tư ở cấp tỉnh là thủ tục hành chính rườm rà, phiền phức, nảy sinh những tiêu cực gây tốn kém về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, làm mất cơ hội đầu tư. Bộ máy hành chính cấp tỉnh hiệu quả sẽ góp phần quan trọng tạo nên sự thành công trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào

kinh doanh du lịch của tỉnh. Bộ máy đó phải thống nhất, gọn nhẹ, sáng suốt và nhạy bén. Đối với những quy định pháp luật cần phải được chính quyền tỉnh đơn giản hóa, công khai và nhất quán, được thực hiện bởi những người có trình độ chuyên môn cao, được giáo dục tốt và có kỷ luật, tôn trọng pháp luật.

Quan điểm chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp được thực hiện trên thực tế sẽ làm cho doanh nghiệp nhanh chóng triển khai hoạt động đầu tư, nắm bắt kịp thời những cơ hội trong kinh doanh. Nếu thủ tục hành chính rườm rà, thời gian hoàn thành chậm trễ, chi phí tốn kém, nhiều khâu, nhiều công đoạn cần thực hiện, thông tin hướng dẫn không rõ ràng, minh bạch sẽ làm nản lòng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, từ đó có thể dẫn đến doanh nghiệp quyết định không đầu tư, chuyển sang đầu tư tỉnh khác.

2.2.2. Tiêu chí đánh giá thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch cấp tỉnh

Để đánh giá thực trạng thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch cấp tỉnh, cần dựa vào các tiêu chí sau đây:

(1) Chính quyền tỉnh có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, kế hoạch thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch cấp tỉnh: Các văn bản này có nội dung hợp lý, hướng đến khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch của tỉnh hay chưa, mức độ thực hiện các văn bản này thời gian qua.

(2) Chính quyền tỉnh có xây dựng và thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch cấp tỉnh: Việc thực thi các chính sách, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch (chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi về đất đai, đối với lao động, chính sách khoa học công nghệ, chính sách hỗ trợ, cung cấp thông tin, thủ tục đầu tư, hỗ trợ quảng cáo, giới thiệu hình ảnh…) được thực hiện tốt hay chưa tốt.

(3) Chính quyền tỉnh có thực hiện xúc tiến đầu tư: các hoạt động xúc tiến đầu tư, các hình thức xúc tiến đầu tư đã thực hiện, mức độ thực hiện thường xuyên hay không thường xuyên, ngân sách cho hoạt động này đáp ứng yêu cầu hay chưa.

(4) Mức độ đáp ứng về kết cấu hạ tầng cho thu hút đầu tư phát triển du lịch: Bao gồm hệ thống giao thông, điện, cấp thoát nước, hệ thống thông tin liên lạc, cơ sở vật chất phục vụ dịch vụ du lịch.

(5) Mức độ hài lòng về cải cách hành chính liên quan đến công tác thu hút đầu

tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch.

(6) Kết quả thu hút đầu tư về:

- Kinh tế: Số doanh nghiệp thu hút được, quy mô vốn của các doanh nghiệp, cơ cấu loại hình doanh nghiệp, số dự án đầu tư vào du lịch.

- Về xã hội: Giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động.

- Môi trường: Mức độ ảnh hưởng đến môi trường của tỉnh.

2.2.3. Những nhân tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch

2.2.2.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh

Điều kiện tự nhiên của tỉnh trước hết phải nói đến khí hậu, thời tiết. Đây là yếu tố khá quan trọng tác động đến quyết định của khách du lịch từ đó cũng tác động đến nhà đầu tư. Với thời tiết thuận lợi quanh năm, nhà đầu tư sẽ yên tâm đầu tư vì số lượng khách du lịch sẽ được đảm bảo ổn định, ngược lại thời tiết bất lợi nhiều sẽ dẫn đến khách du lịch cũng hạn chế, làm cho doanh thu khi khai thác sẽ hạn chế, lợi nhuận giảm từ đó nhà đầu tư sẽ hạn chế đầu tư. Khí hậu các tỉnh Bắc Trung Bộ có đặc trưng là khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều, gió thịnh hành là gió nam. Mùa động lạnh, khô hanh, ít mưa, gió đông bắc. Vì vậy, thu hút đầu tư ở các tỉnh Bắc Trung Bộ hướng đến phục vụ du khách đang chủ yếu vào mùa xuân và mùa hạ, vì với thời tiết này, khách du lịch mới có số lượng lớn, còn mùa thu và mùa đông do giá lạnh nên du khách không nhiều. Do đó, những dự án đầu tư vào du lịch sẽ phải tính đến tính thời vụ trong kinh doanh. Ví dụ như vào mùa xuân, sau tết âm lịch, thường là các hoạt động du lịch tâm linh, lễ hội, văn hóa. Vào mùa hạ, hoạt động du lịch sôi động nhất là du lịch biển, du lịch sinh thái, tham quan danh thắng, trải nghiệm. Do đó, nhà đầu tư chỉ có thể có doanh thu và lợi nhuận cao khi có nhiều khách du lịch, lúc ít khách, doanh thu vì thế sẽ tụt giảm, từ đó sẽ ảnh hưởng đến quyết định có nên đầu tư hay không, hoặc đầu tư bao nhiêu là vừa để đảm bảo tính hiệu quả.

Đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút đầu tư của doanh nghiệp. Một địa phương có trình độ kinh tế - xã hội cao sẽ được chuẩn bị sẵn hạ tầng tốt như giao thông, điện, thông tin liên lạc… để kinh doanh du lịch, có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương tốt hơn về nhiều mặt. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực tại địa phương sẽ đáp ứng yêu cầu để nhà đầu tư tuyển dụng, thuận lợi hơn nhiều với việc tuyển dụng lao động ở địa phương khác đến. Trình độ kinh tế - xã hội

cao hơn đồng nghĩa với mức sống của người dân cũng cao hơn, đây là nguồn khách du lịch tại chỗ đáng kể cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch, từ đó gia tăng thu hút đầu tư.

Tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh là những thế mạnh về du lịch của tỉnh chưa được khai thác, chưa được biết đến. Các thế mạnh này gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa, tâm linh. Sự phát triển của ngành du lịch gắn liền với việc khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các di tích lịch sử - văn hóa… Do đó, tài nguyên thiên nhiên như núi, rừng, biển, vịnh, đảo, sông ngòi, ghềnh thác, suối, ao hồ, hang động, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử… là những nhân tố rất quan trọng ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào ngành du lịch. Những tỉnh có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú thì sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào ngành du lịch. Tài nguyên du lịch là tất cả các nhân tố có thể kích thích động cơ của khách du lịch được ngành du lịch vận dụng để tạo ra lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội. Luật du lịch năm 2017 chia tài nguyên du lịch làm 2 loại:

- Tài nguyên du lịch tự nhiên: bao gồm cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.

- Tài nguyên du lịch văn hóa: bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch [42].

2.2.2.2. Sự ổn định về kinh tế, chính trị - xã hội của tỉnh

Ổn định về kinh tế, chính trị - xã hội của tỉnh là trạng thái phát triển bình thường, có trật tự, kỷ cương trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm nền kinh tế được vận hành đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, hệ thống chính trị của tỉnh hoạt động có hiệu quả, phát huy được sức mạnh đoàn kết nhất trí của toàn dân, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, môi trường kinh tế, xã hội phát triển lành mạnh.

Ổn định kinh tế, chính trị - xã hội của tỉnh là ổn định cuộc sống mọi mặt cho nhân dân và cho sự phát triển bình thường của nền kinh tế. Do vậy, ổn định kinh tế, chính trị - xã hội ở tỉnh giữ vị trí đặc biệt quan trọng hiện nay. Nó vừa là điều kiện

đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch của tỉnh nói riêng. Nếu để xảy ra mất ổn định kinh tế, chính trị - xã hội ở tỉnh sẽ tác động xấu đến thu hút đầu tư của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Nội dung chủ yếu để ổn định kinh tế, chính trị - xã hội ở tỉnh là: Về kinh tế, nền kinh tế của tỉnh đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra bình thường, không bị đình trệ. Ngân sách của tỉnh đảm bảo ngày càng tăng, không bị thâm hụt so với trước, đáp ứng nhu cầu chi tiêu theo kế hoạch đề ra. Nợ công của tỉnh ở mức cho phép, có thể trả được nợ trong ngắn hạn; Về chính trị - xã hội, không có tình trạng biểu tình, bạo loạn lật đổ, xung đột vũ trang, các tệ nạn xã hội như trộm cắp, ma túy, cướp giật, khiếu kiện đông người, chống đối chính quyền và doanh nghiệp, gây mất trật tự nơi công cộng…

Thực tế cũng chứng minh rằng, không một tỉnh nào giữ vững được nhịp độ phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của nhân dân trong tình trạng tỉnh đó có sự lộn xộn về chính trị - xã hội. Khi một tỉnh lâm vào tình trạng mất ổn định chính trị - xã hội, nhất là để xảy ra rối loạn ở địa bàn thì đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh không những không phát triển, mà có thể còn bị kéo lùi. Thực tiễn ở nước ta cho thấy, tại một số tỉnh trước đây để xảy ra mất ổn định chính trị - xã hội, chẳng những kinh tế không phát triển, mà lĩnh vực xã hội cũng có nhiều vấn đề bức xúc. Thu hút đầu tư vì thế không có kết quả, nhất là thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch.

Như vậy, ổn định kinh tế, chính trị - xã hội ở tỉnh là điều kiện tiên quyết nhằm giảm thiểu những rủi ro của vốn đầu tư vượt khỏi sự kiểm soát của chủ đầu tư. Những bất ổn kinh tế - chính trị - xã hội làm cho hoạt động kinh doanh du lịch bị ngưng trệ do khách du lịch không đến nhằm đảm bảo sự an toàn cho mình, nguồn vốn đã đầu tư khó được thu hồi, điều này không chỉ làm cho dòng vốn đầu tư bị chững lại, thu hẹp mà còn làm cho dòng vốn đầu tư chuyển đến nơi khác an toàn và hấp dẫn hơn.

2.2.2.3. Mức độ hấp dẫn của chính sách thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp

Các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh là những cơ chế, chính sách mà tỉnh ban hành tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn nhà đầu tư ra quyết định đầu tư. Chính sách thu hút đầu tư có thể là chính sách ưu đãi tài chính như ưu đãi về thuế, bao gồm miễn, giảm thuế; chính sách về hỗ trợ vay vốn tín dụng, giảm thiểu rủi ro; chính sách hỗ trợ về

Xem tất cả 212 trang.

Ngày đăng: 04/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí