Vietnam Airlines, và có thể còn nhiều công trình nghiên cứu khác mà người viết chưa có điều kiện tiếp cận. Bài khóa luận này được thực hiện dựa trên những thông tin, nguồn tài liệu được cập nhật gần đây nhất, cùng với những đánh giá, những công trình nghiên cứu làm tài liệu tham khảo, từ đó đưa ra một vài nhận định của người viết về đối tượng nghiên cứu. Hy vọng những con số và thông tin mới trong khóa luận có thể được bổ sung thêm vào nguồn dữ liệu khi người đọc tìm kiếm về thị trường vận tải hành khách của Vietnam Airlines.
3. Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu của khóa luận là thị trường vận tải hành khách của hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, qua đó làm rõ những biến động, thay đổi của thị trường này nhằm thích ứng với hoàn cảnh hội nhập kinh tế của Việt Nam; phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cũng như những cơ hội và thách thức mà thị trường gặp phải.
4. Mục đích và phạm vi nghiên cứu
Khóa luận này được thực hiện với mục đích cung cấp thêm thông tin, đưa ra nhận định về thị trường vận tải hành khách của Vietnam Airlines trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO, từ đó có những đánh giá khái quát nhất, kết luận đúng đắn nhất về thị trường, và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện và phát triển thị trường.
Phạm vi nghiên cứu của khóa luận chú trọng vào đối tượng là thị trường vận tải hành khách của Vietnam Airlines với các số liệu, các thống kê, bảng biểu, dẫn chiếu, minh họa từ năm 1986 khi Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế cho đến hết năm 2008, trong đó nhấn mạnh giai đoạn 5 năm từ 2004 - 2008.
5. Phương pháp nghiên cứu:
Khóa luận được thực hiện dựa trên cơ sở phương pháp suy diễn và quy nạp, theo cách thức phân tích – tổng hợp các số liệu, sự kiện, tài liệu có được; cùng với phương pháp so sánh để đưa ra những đánh giá và nhìn nhận của cá nhân người viết về đối tượng nghiên cứu.
6. Kết cấu khóa luận:
Khóa luận tốt nghiệp được chia làm ba phần, tương ứng với ba chương, mỗi chương đảm nhận một chức năng nhất định trong tổng thể kết cấu của khóa luận.
Có thể bạn quan tâm!
- Thị trường vận tải khách hàng của Vietnam Airlines trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế - 1
- Vận Tải Hàng Không Góp Phần Mở Rộng Giao Lưu Văn Hóa, Xã Hội Trong Nước Và Quốc Tế:
- Xu Hướng Phát Triển Của Vận Tải Hàng Không Trong Khu Vực Và Trên Thế Giới:
- Những Hoạt Động Kinh Doanh Và Xúc Tiến Hợp Tác Kinh Tế Quốc Tế:
Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.
Chương I. Lý luận chung về thị trường vận tải hành khách bằng đường hàng không trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế - nêu ra cơ sở lý thuyết chung nhất liên quan đến đối tượng nghiên cứu của khóa luận.
Chương II. Thực trạng thị trường vận tải hành khách của Vietnam Airlines trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế - là phần chứa đựng nội dung chính của khóa luận. Trong chương này, người viết trình bày giới thiệu sơ lược về hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines và thực trạng thị trường vận tải hành khách của Vietnam Airlines trong khoảng thời gian từ sau năm 1986, trong đó nhấn mạnh giai đoạn 5 năm từ 2004-2008, qua đó làm rõ những thay đổi của thị trường do tác động của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đem lại.
Chương III. Những giải pháp phát triển thị trường vận tải hành khách của Vietnam Airlines trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế – dựa trên những quan điểm cá nhân qua những phần phân tích ở chương II và định hướng phát triển của Vietnam Airlines trong giai đoạn 2009-2020, người viết đưa ra một số ý kiến, giải pháp nhằm hoàn thiện và đẩy mạnh thị trường vận tải hành khách của hãng hàng không này. Ý kiến đưa ra dựa trên những lợi thế sẵn có của Vietnam Airlines và khắc phục những khó khăn của hãng.
Người viết xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới các thầy cô giáo trong khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, những người đã cung cấp những kiến thức quí báu về lĩnh vực vận tải và giao nhận trong ngoại thương; lòng biết ơn sâu sắc tới cô giáo Hoàng Thị Đoan Trang, người đã tận tình dẫn dắt, chỉ bảo người viết trong suốt thời gian thực hiện khóa luận này. Người viết kính mong nhận được sự quan tâm, sửa chữa và góp ý của các thầy cô giáo và bạn đọc.
Hà Nội, tháng 05 năm 2009 Sinh viên thực hiện
Vũ Thị Thu Hương
CHƯƠNG I: Lý luận chung về thị trường vận tải hành khách bằng đường hàng không trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế
I. Cơ sở lý luận về thị trường vận tải hành khách bằng đường hàng không trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế:
Cùng với sự phát triển của cuộc sống, con người đã sáng tạo những cách thức lao động mới, những phương tiện mới nhằm đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của mình. Vận tải nói chung ra đời phục vụ cho nhu cầu đi lại và giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa con người với nhau từ khắp các vùng đất khác nhau trên thế giới. Trong đó, vận tải hàng không là ngành vận tải tiên tiến nhất gần gũi với cuộc sống thực tế, thể hiện sự phát triển vượt bậc của con người về trình độ khoa học, công nghệ và khả năng ứng dụng để đạt được mục đích của mình.
1. Các khái niệm có liên quan:
1.1. Vận tải hàng không và vận tải hành khách bằng đường hàng không:
Theo nghĩa hẹp, vận tải HK được hiểu là sự di chuyển bằng máy bay trên không trung, nhằm chuyên chở một hay nhiều đối tượng nào đó từ một địa điểm này đến một địa điểm khác. Các đối tượng đó có thể là hành khách, hàng hóa, hành lý hay bưu kiện.
Theo nghĩa rộng, vận tải HK là sự tập hợp các yếu tố kinh tế, kỹ thuật nhằm khai thác việc chuyên chở bằng máy bay một cách có hiệu quả. Như vậy, dựa trên những yếu tố khoa học kỹ thuật, con người sáng tạo ra hình thức vận tải HK và tiến hành nó như một hoạt động kinh tế có mục đích; và sự ra đời của vận tải HK chính là để phục vụ cho mục đích ấy. Qua đó, khái niệm vận tải hành khách bằng đường HK có thể được định nghĩa là sự chuyên chở con người từ nơi này đến nơi khác bằng máy bay, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và đạt được mục đích kinh tế nhất định.
Xuất hiện sau cùng trong lịch sử phát triển của ngành vận tải, vận tải HK là một ngành còn non trẻ. Nếu như vận tải đường biển ra đời và phát triển từ thế kỷ thứ V trước công nguyên, thì vận tải HK được thai nghén từ thế kỷ XVI, và phải đến những năm đầu của thế kỷ XX, ngành vận tải này mới bắt đầu hoàn thiện và phát triển – khi mà trình độ khoa học kỹ thuật của con người đạt đến mức cho phép
chinh phục được bầu trời và chế tạo ra cỗ máy có khả năng di chuyển trên không trung, chịu được trọng tải của một lượng hành khách và hàng hóa nhất định trong đó.
Theo C. Mác, ngành vận tải là một ngành sản xuất vật chất thứ tư của con người, và do vậy, nó cũng sáng tạo ra sản phẩm. Sản phẩm của ngành vận tải nói chung và vận tải HK nói riêng, là sự di chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý và bưu kiện trong không gian. Tuy nhiên, không giống với các ngành sản xuất vật chất khác, ngành vận tải HK có những đặc điểm khác biệt về quá trình sản xuất, sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm. Môi trường sản xuất của vận tải HK là không gian, luôn di động chứ không cố định như trong các ngành sản xuất khác; sản phẩm của vận tải HK không tồn tại dưới hình thức vật chất, mà quá trình sản xuất và tiêu thụ diễn ra đồng thời, do đó không có khả năng dự trữ sản phẩm vận tải để tiêu dùng về sau mà chỉ có khả năng dự trữ năng lực vận tải; sản xuất trong vận tải HK là quá trình tác động về mặt không gian vào đối tượng chuyên chở chứ không phải tác động về mặt kỹ thuật, nên hình dạng, kích thước của đối tượng chuyên chở không bị thay đổi; quá trình sản xuất của ngành vận tải HK không tạo ra sản phẩm vật chất mới mà chỉ làm thay đổi vị trí của đối tượng chuyên chở (hàng hóa, bưu kiện) trong không gian, qua đó làm tăng giá trị của chúng. Như vậy, ngành vận tải HK là một ngành thuộc loại hình dịch vụ tổng hợp, và sản phẩm trong kinh doanh vận tải HK được xác định thuộc loại hình dịch vụ.
1.2. Thị trường vận tải hành khách bằng đường hàng không:
Thuật ngữ thị trường được các nhà chuyên môn định nghĩa dựa trên nhiều khía cạnh, tuy nhiên, nói một cách đơn giản, ở đâu hoặc khi nào có sự gặp gỡ trực tiếp hoặc gián tiếp giữa một số lượng lớn người mua và người bán, nhằm tiến hành những hoạt động có mục đích của mình, thì ở đó hoặc khi đó thị trường được hình thành.
Thị trường vận tải hành khách bằng đường HK thuộc loại hình thị trường dịch vụ. Đó là nơi gặp gỡ giữa hai đối tượng, một bên là hãng cung cấp sản phẩm dịch vụ HK và một bên là những người có nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ HK đó. Sự gặp gỡ này bao gồm cả hình thức trực tiếp tại một địa điểm nhất định, như sân bay,
nhà ga, kho hàng… giữa các bên có nhu cầu, hoặc hình thức gián tiếp như đặt vé, đăng ký qua hệ thống máy tính kết nối Internet. Đánh giá sự sôi động và phát triển của thị trường vận tải hành khách bằng đường HK dựa trên một số tiêu chí như dung lượng khách hàng, đặc điểm của thị trường, mạng đường bay, đội máy bay của hãng và một yếu tố không thể thiếu là sự cạnh tranh giữa các hãng HK với nhau nhằm thu được lợi nhuận cao nhất. Đánh giá hiệu quả hoạt động của một hãng kinh doanh và khai thác vận tải HK dựa theo một số tiêu chí như: hệ số sử dụng ghế, lợi nhuận, tỷ suất hao phí vốn, thời gian hoàn vốn, doanh thu bình quân trên 01 hành khách vận chuyển hay 01 kg hàng hóa…[3; 29-35]. Đối tượng của thị trường này là hành khách có nhu cầu đi lại và vận chuyển hành lý của mình bằng máy bay. Đối tượng tham gia vào thị trường bao gồm những bên có nhu cầu cung ứng dịch vụ HK như hãng HK, doanh nghiệp cung ứng máy bay, doanh nghiệp cung ứng vận tải bằng ô tô, xe chuyên chở người và hành lý, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ ăn uống, giải trí… cũng như những hành khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải HK.
1.3. Hội nhập kinh tế quốc tế:
Hội nhập kinh tế quốc tế, theo quan niệm đơn giản nhất và phổ biến hiện nay trên thế giới, là việc các nền kinh tế gắn kết lại với nhau. Theo cách hiểu này, hội nhập kinh tế đã diễn ra từ hàng ngàn năm nay và hội nhập kinh tế với quy mô toàn cầu đã diễn ra từ cách đây hai nghìn năm khi đế quốc La Mã xâm chiếm thế giới và mở mang mạng lưới giao thông, thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong toàn bộ lãnh địa chiếm đóng rộng lớn của họ và áp đặt đồng tiền của họ trên tất cả các thuộc địa.
Hội nhập kinh tế quốc tế, hiểu theo một cách chặt chẽ hơn, là việc gắn kết mang tính thể chế giữa các nền kinh tế với nhau. Nói rõ hơn, đó là quá trình chủ động thực hiện đồng thời hai việc: một mặt, gắn nền kinh tế và thị trường từng nước với thị trường khu vực và thế giới thông qua các nỗ lực thực hiện mở cửa và thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế quốc dân; và mặt khác, gia nhập và góp phần xây dựng các thể chế kinh tế khu vực và toàn cầu.
Hội nhập kinh tế quốc tế có thể là song phương - tức là giữa hai nền kinh tế, hoặc khu vực - tức là giữa một nhóm các nền kinh tế, hoặc có thể là đa phương - tức
là có quy mô toàn thế giới giống như những gì mà Tổ chức Thương mại Thế giới đang hướng tới.
2. Đặc điểm, vai trò của vận tải bằng đường hàng không:
2.1. Đặc điểm:
Tuy mới chỉ là ngành vận tải non trẻ, song những thế mạnh của vận tải HK đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý và quan tâm của ngày càng nhiều khách hàng. Công nghệ tiên tiến, hiện đại với độ an toàn cao, sang trọng và thoải mái là những yếu tố giúp phương thức vận tải này phát triển một cách mạnh mẽ trên toàn thế giới, và trở thành một ngành không thể thiếu với bất cứ quốc gia nào muốn tiến bước trên con đường phát triển kinh tế. Bên cạnh những đặc trưng chung của ngành vận tải, vận tải HK có những ưu điểm nổi bật như sau:
- Tuyến đường trong vận tải HK là không trung và hầu như là đường thẳng, không tốn kém trong việc đầu tư xây dựng đường xá như vận tải đường bộ, đường sắt; ít phụ thuộc và vị trí địa lý, địa hình; nhưng lại phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên như khí hậu, thời tiết của từng vùng.
- Tốc độ vận chuyển của vận tải HK cao hơn hẳn các phương tiện khác: gấp 27 lần so với đường biển, 10 lần so với đường sông và 8,3 lần so với đường sắt. Nhờ có công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, khoảng thời gian di chuyển bằng máy bay đã được rút ngắn đi rất nhiều so với các loại hình phương tiện khác nếu xét trên cùng một quãng đường dài. Hơn nữa, việc bay theo những mạng đường bay trên không trung đã giúp cho vận chuyển bằng đường HK giảm bớt được các thủ tục quá cảnh khi qua biên giới giữa nhiều nước, thay vì phải làm nhiều lần thủ tục nếu đi bằng đường bộ hay đường sắt.
- Độ an toàn của vận tải HK được đánh giá là cao nhất trong các loại hình vận chuyển, bởi yếu tố an toàn luôn được đề cao hàng đầu và là kim chỉ nam thúc đẩy khoa học kỹ thuật và công nghệ của ngành phát triển không ngừng. Từ đội ngũ phi công, tiếp viên cho đến việc đảm bảo, giám sát về máy móc, nhiên liệu luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt nhất theo qui định về an toàn bay [1;151-153].
- Là ngành vận tải hiện đại, có khả năng kết nối nhiều vùng trong một quốc gia và nhiều quốc gia trên thế giới với nhau mà các ngành vận tải khác khó thực hiện
được. Nếu việc di chuyển bằng đường bộ, đường sắt hay đường thủy bị hạn chế bởi điều kiện địa lý tự nhiên, thời gian và khả năng phát triển giao thông của từng vùng trong một đất nước, hay của mỗi một quốc gia trên thế giới, thì vận chuyển bằng máy bay sẽ khắc phục được những hạn chế về không gian, thời gian đó.
Ưu điểm là vậy, song vận tải HK không phải không có những nhược điểm:
- Vốn đầu tư cho vận tải HK rất lớn, phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và khả năng phát triển kinh tế của đất nước đó. Những nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải và kiểm soát không lưu luôn đòi hỏi trình độ kỹ thuật, công nghệ cao, cũng như đội ngũ nhân viên thành thạo về chuyên môn và có năng lực. Trong khi những yêu cầu này đối với các loại hình phương tiện vận tải khác thì không cao đến như vậy.
- Giá cước vận chuyển hành khách và hàng hóa cao hơn nhiều so với các phương tiện vận tải khác, do bao gồm cả các chi phí đầu tư cho trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, phương tiện, nhiên liệu và các dịch vụ phục vụ… Do đó, hình thức vận tải này thường chỉ được dùng để chở người và các loại hàng hóa có giá trị cao, quí hiếm và các loại hàng hóa dễ hư hỏng, thời hạn bảo quản sử dụng ngắn.
- Số lượng hành khách và hàng hóa vận chuyển bị hạn chế, do trọng tải và dung tích của máy bay nhỏ. Nếu một chiếc tàu biển có khả năng chở hàng nghìn hành khách hay hàng tấn hàng hóa cồng kềnh thì máy bay lại ngược lại, con số giới hạn nhiều nhất cũng chỉ hơn sáu trăm người hay vài tấn hàng hóa có kích thước vừa phải trên một chuyến bay [1;151-153].
Vận tải hành khách bằng đường HK cũng bao hàm những ưu nhược điểm của ngành vận tải HK nói chung. Tuy nhiên, nói chung, đối tượng của vận tải bằng đường HK chủ yếu là hàng khách và hành lý của họ. Hàng hóa vận chuyển bằng hình thức này không phổ biến, chỉ tập trung vào một số loại hàng hóa nhất định. Vì thế, hầu hết các máy bay hiện nay của thế giới chủ yếu được dùng để chở khách, hoặc kết hợp chở hàng với khối lượng nhỏ. Ở Việt Nam, thị trường vận tải hành khách bằng đường HK sôi động và thường xuyên hơn so với thị trường vận tải hàng hóa bằng con đường này. Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ những hạn chế vốn có của ngành vận tải HK, và một nguyên nhân nữa xuất phát từ nội tại và
khả năng của Việt Nam, đó là tiềm lực kinh tế của nước ta còn chưa mạnh, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ ngành còn thiếu và yếu, chưa đủ khả năng để đưa vận tải bằng đường HK đến gần hơn với doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.
Mặc dù một số hạn chế trên có ảnh hưởng ít nhiều tới ngành vận tải HK nói chung và vận tải hành khách bằng đường HK nói riêng, song nhìn chung, đây vẫn là loại hình vận tải được lựa chọn ngày càng nhiều trên thế giới bởi những ưu điểm nổi bật so với các loại hình vận tải khác.
2.2. Vai trò:
2.2.1. Vận tải hàng không trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước:
Kinh tế của một đất nước không thể phát triển nếu không có sự giao lưu và hợp tác với các quốc gia trên thế giới. Điều đó đặt ra cho các ngành được coi là “cầu nối” với thế giới một sứ mệnh tối quan trọng, đó là phải tạo mọi điều kiện để đưa quốc gia mình tiếp cận với thế giới và để thế giới biết đến dân tộc mình. Một trong những ngành giữ vị trí huyết mạch trong quá trình phát triển kinh tế và quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế là ngành giao thông vận tải nói chung và ngành vận tải HK nói riêng. Vận tải hành khách bằng đường HK là một phần không thể không tham gia trong quá trình đó, bởi sự vận chuyển hành khách không chỉ đơn thuần là đưa du khách quốc tế đến với đất nước Việt Nam mà còn là sự giới thiệu, tạo điều kiện đi lại cho các doanh nhân, các đối tác làm ăn đến tìm kiếm và khai thác cơ hội hợp tác kinh tế với doanh nghiệp quốc gia mình.
Vận tải HK được xem là một mắt xích không thể thiếu trong dây chuyền kinh tế của một quốc gia và của toàn cầu, bởi bản thân ngành đã có những ưu thế nhất định. Thứ nhất, vận tải HK có khả năng kết nối nhiều vùng trong một quốc gia và nhiều quốc gia, những khu vực trên thế giới. Phạm vi quan hệ kinh tế không chỉ dừng lại ở quan hệ giữa các trung tâm kinh tế nội tại một đất nước, mà còn được mở rộng ra các cường quốc kinh tế lớn trên toàn cầu. Hơn nữa, trong khi vận tải HK thực hiện vai trò trung gian liên kết với thế giới, thì cơ hội hợp tác không chỉ dành riêng cho bản thân nền kinh tế, mà đồng thời đó cũng là cơ hội hợp tác của chính hãng HK ấy với các hãng HK khác. Một khi các hãng HK này thực hiện mở rộng mạng đường bay, tăng số chuyến bay thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc quan hệ