Thị trường tài chính Phần 1 - ThS. Lý Vân Phi Chủ biên - 8

Bài đọc thêm

PHÂN LOẠI TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI

Căn cứ vào nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối, tỷ giá hối đoái được chia ra thành tỷ giá mua vào và tỷ giá bán ra.

+ Tỷ giá mua vào: là tỷ giá mà ngân hàng áp dụng khi mua ngoại tệ từ khách hàng .

Ví dụ: Vào ngày 01/3/2012 ta có tỷ giá mua vào giữa đồng USD và đồng VND do Vietcombank niêm yết như sau : 1USD = 20.800 VND.

+ Tỷ giá bán ra: là tỷ giá mà ngân hàng áp dụng khi bán ngoại tệ cho khách hàng.

Ví dụ: Vào ngày 01/3/2012 ta có tỷ giá bán ra giữa đồng USD và đồng VND do Vietcombank niêm yết như sau : 1USD = 20.860 VND.

Giữa tỷ giá bán ra và tỷ giá mua vào có sự chênh lệch nhằm đảm bảo cho ngân hàng có thu nhập để trang trải chi phí giao dịch và tìm kiếm lợi nhuận thỏa đáng, nhưng thường sự chênh lệch này không quá cao. Do vậy, khi niêm yết giá ngân hàng thường niêm yết cả giá mua và giá bán.

+ Tỷ giá chéo: là tỷ giá giữa hai đồng tiền được suy ra từ đồng tiền thứ ba (còn gọi là đồng tiền trung tâm).

Căn cứ vào phương diện thanh toán quốc tế, tỷ giá hối đoái được chia ra thành tỷ giá tiền mặt và tỷ giá chuyển khoản.

+ Tỷ giá tiền măt: là loại tỷ giá áp dụng cho các ngoại tệ tiền mặt, séc, thẻ tín dụng. Thông thường, tỷ giá mua tiền mặt thấp hơn và tỷ giá bán tiền mặt cao hơn so với tỷ giá chuyển khoản.

+ Tỷ giá chuyển khoản: áp dụng cho các trường hợp giao dịch thanh toán qua ngân hàng. Loại tỷ giá này thường thấp hơn tỷ giá tiền mặt.

Ví dụ: Vào ngày 01/3/2012 ta có tỷ giá mua vào giữa đồng AUD và đồng VND do Vietcombank niêm yết bằng tiền mặt: 1 AUD = 22.078,10 VND; bằng chuyển khoản: 1 AUD = 22.211,37 VND.

Căn cứ vào thời điểm mua bán ngoại hối, tỷ giá hối đoái được chia ra thành :

+ Tỷ giá mở cửa và tỷ giá đóng cửa:

Trong giao dịch ngoại hối, thông thường các ngân hàng không thông báo tất cả tỷ giá của các hợp đồng ký trong ngày mà chỉ công bố tỷ giá mở cửa áp dụng cho hợp đồng giao dịch đầu tiên và tỷ giá đóng cửa áp dụng cho hợp đồng giao dịch lúc cuối cùng trong ngày.

+ Tỷ giá giao ngay (spot) và tỷ giá kỳ hạn (forwards):

Tỷ giá giao ngay: là tỷ giá được thỏa thuận hôm nay, nhưng việc thanh toán xảy ra trong vòng hai ngày làm việc tiếp theo.

Tỷ giá kỳ hạn: là tỷ giá được thỏa thuận ngày hôm nay, nhưng việc thanh toán xảy ra sau đó từ 3 ngày làm việc trở lên.

Căn cứ và chế độ quản lý tỷ giá, tỷ giá hối đoái được chia ra thành:

+ Tỷ giá cố định: là tỷ giá do ngân hàng trung ương công bố cố định trong một biên độ giao động hẹp. Dưới áp lực cung cầu của thị trường, để duy trì tỷ giá cố định, buộc ngân hàng trung ương phải thường xuyên can thiệp, do đó làm cho dự trữ ngoại hối quốc gia thay đổi.

+ Tỷ giá thả nổi hoàn toàn: là tỷ giá được hình thành hoàn toàn theo quan hệ cung cầu trên thị trường, ngân hàn trung ương không hề can thiệp.

+ Tỷ giá thả nổi có điều tiết: là tỷ giá được thả nổi, nhưng ngân hàng trung ương tiến hành can thiệp để tỷ giá biến động theo hướng có lợi cho nền kinh tế.

+ Tỷ giá chợ đen: Tỷ giá được hình thành bên ngoài hệ thống ngân hàng, do cung cầu trên thị trường tự do quyết định.

+ Tỷ giá chính thức (ở Việt Nam ngày nay là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng): là loại tỷ giá do ngân hàng trung ương công bố. Nó phản ánh chính thức về giá trị đối ngoại của đồng nội tệ. Tỷ giá chính thức được áp dụng để tính thuế xuất nhập khẩu và một số hoạt động khác liên quan đến tỷ giá chính thức. Ngoài ra, ở Việt Nam tỷ giá chính thức còn là cơ sở để các ngân hàng thương mại xác định tỷ giá kinh doanh trong biên độ cho phép.

+ Tỷ giá kinh doanh: là tỷ giá dùng để kinh doanh mua bán ngoại tệ. Tỷ giá này do các ngân hàng thương mại hay các tổ chức tín dụng đưa ra. Cơ sở xác định tỷ giá này là tỷ giá chính thức do ngân hàng trung ương công bố xem xét đến các yếu tố liên quan trực tiếp đến kinh doanh như: quan hệ cung cầu ngoại tệ, tỷ suất lợi nhuận, tâm lý của người giao dịch đối với ngoại tệ cần mua hoặc bán. Tỷ giá kinh doanh bao gồm tỷ giá mua, tỷ giá bán.

Căn cứ vào mối quan hệ tỷ giá với chỉ số lạm phát, tỷ giá hối đoái được chia ra thành:

+ Tỷ giá danh nghĩa là tỷ giá giao dịch mua bán giữa các đồng tiền trên thị trường ngoại hối mà không đề cập đến tương quan sức mua giữa chúng.

+ Tỷ giá thực là tỷ giá phản ảnh mối tương quan về sức mua giữa 2 đồng tiền.

Căn cứ vào phương tiện chuyển ngoại hối, tỷ giá được chia ra thành:

+ Tỷ giá điện hối: là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng điện. Đây là tỷ giá cơ sở để xác định các loại tỷ giá khác.

+ Tỷ giá thư hối: là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng thư.


Bài đọc thêm:

QUY ƯỚC TÊN ĐƠN VỊ TIỀN TỆ

Để thống nhất và tiện lợi trong các giao dịch ngoại hối, Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (International Standard Organization) gọi tắt là ISO quy ước tên đơn vị tiền tệ của một số quốc gia được viết bằng ba ký tự. Hai ký tự đầu là tên quốc gia, ký tự sau cùng là tên đồng tiền. Chẳng hạn tên đơn vị tiền tệ của Việt Nam là VND thì hai ký tự đầu VN viết tắt của Việt Nam, ký tự sau cùng D viết tắt tên của đồng.

Dưới đây là minh họa ký hiệu đơn vị tiền tệ của một số quốc gia theo ISO:


Tên đồng tiền

Viết tắt tên đơn vị tiền tệ



Bảng Anh

GBP



Dollar Mỹ

USD



Đồng Euro

EUR



Dollar Canada

CAD



Dollar Hồng Kông

HKD



Dollar Singapore

SGD



Dollar Úc

AUD



Yên Nhật

JPY



Đồng Việt N m

VND



Won Hàn Quốc

KRW



Yuan Trung Quốc

CNY



Kíp Lào

LAK



Rupee Ấn Độ

INR



Dollar New Yealand

NZD



Peso Philippines

PHP



Baht Thái Lan

THB



Franc Đức

FRF



Ringgit Malaysia

MYR



Rupiah Indonexia

IDR


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 70 trang tài liệu này.

Thị trường tài chính Phần 1 - ThS. Lý Vân Phi Chủ biên - 8


Bài đọc thêm

THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI VIỆT NAM- DIỄN BIẾN VÀ XU THẾ 13

Thành lập từ năm 1991, trải qua nhiều giai đoạn phát triển với nhiều thăng trầm, thị trường ngoại hối Việt Nam đã có một bước phát triển đáng kể về quy mô cũng như loại nghiệp vụ giao dịch.

Những dấu mốc đáng lưu ý

Năm 1991, Trung tâm Giao dịch ngoại tệ được thành lập và hoạt động với mục tiêu: Thiết lập thị trường ngoại hối chính thức cho giao dịch giữa ngân hàng và các đơn vị kinh tế; Đánh giá và đo lường cung cầu ngoại tệ trên thị trường; Quyết định tỷ giá chính thức hợp lý giữa USD và VND; Chuẩn bị những điều kiện ban đầu cho việc hình thành thị trường tài chính trong tương lai.

Năm 1994, Trung tâm Giao dịch ngoại tệ chấm dứt hoạt động thay vào đó là thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, nhằm xây dựng một thị trường có tổ chức cho giao dịch ngoại tệ giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) và tạo cơ sở hình thành thị trường ngoại hối hoàn chỉnh trong tương lai. Trước năm 1998, trên thị trường các giao dịch chủ yếu là giao dịch giao ngay. Kể từ năm 1998, giao dịch ngoại tệ kỳ hạn và hoán đổi mới chính thức được đưa vào giao dịch.

Cho đến nay, thị trường ngoại hối Việt Nam đã có một bước phát triển đáng kể về quy mô cũng như loại nghiệp vụ giao dịch, thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và NHTM trong và ngoài nước. NHTM đóng vai trò nòng cốt trên thị trường ngoại hối và đóng vai trò trung gian trong các giao dịch kinh doanh ngoại tệ nhằm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho khách hàng là các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty xuất nhập khẩu. Ngoài ra, các NHTM còn mua bán ngoại tệ với nhau trên thị trường nhằm mục tiêu thu lợi nhuận và đảm bảo cân bằng trạng thái ngoại tệ khi cần để giảm thiểu rủi ro.

Diễn biến những năm gần đây

Năm 2009, tỷ giá USD/VND tiếp tục đà tăng trong 4 tháng đầu năm, đặc biệt sau khi NHNN thực hiện nới rộng biên độ tỉ giá lên ±5% khiến cho tỷ giá ngoại tệ liên NH đã có đợt tăng đột biến.

Năm 2010, giá USD đã tăng khá mạnh trong năm 2009, sang đến tháng 1/2010 lại giảm nhẹ và tiếp tục dao động quanh mức 18.479đồng/USD cho đến giữa tháng 2/2010. Nguyên nhân là do: Nguồn cung USD có thể tăng từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp; từ vốn hỗ trợ phát triển chính thức; từ vốn đầu tư gián tiếp; từ nguồn kiều hối từ Việt kiều và từ lao động làm việc ở nước ngoài gia tăng; nguồn thu từ khách quốc tế đến Việt Nam gia tăng trở lại; kim ngạch xuất khẩu chuyển từ tăng trưởng âm (-) sang tăng trưởng dương (+)… Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng, sức ép tâm lý găm giữ USD do lo sợ rủi ro tỷ giá giảm, chênh lệch giữa giá thị trường tự do với giá niêm yết trên thị trường chính thức đã giảm đáng kể.



13 http://www.petrotimes.vn/thuong-truong/dien-dan-kinh-te/2011/09/thi-truong-ngoai-hoi-viet-nam-dien-bien- va-xu-the

Đến cuối năm 2010, thị trường ngoại hối VN rơi vào tình trạng căng thẳng khi cầu ngoại tệ quá lớn, trong khi nguồn cung lại khan hiếm. Điều này khiến cho giá USD/VND tăng mạnh, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô.

6 tháng đầu năm 2011, với chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN, điểm nổi bật nhất của thị trường ngoại tệ là duy trì được sự ổn định. Tỷ giá giao dịch dần hạ xuống. Bắt đầu từ sự “giảm nhiệt” của tỷ giá trên thị trường tự do, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường này so với thị trường chính thức giảm dần xuống, thậm chí có thời điểm còn thấp hơn cả thị trường chính thức – một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm qua.

Trên thị trường chính thức, tỷ giá giao dịch của các NHTM thường ở mức thấp hơn biên độ tối đa theo quy định (1% so với tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng do NHNN công bố); xen kẽ những ngày tăng, tỷ giá đã có nhiều ngày đứng và nhiều ngày giảm, đây là điều hiếm thấy trước đây.

Khi thị trường tự do bị thu hẹp, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và thị trường chính thức giảm thiểu, tỷ giá cơ bản ổn định và có xu hướng giảm, đã tạo thời cơ để NHNN mua vào ngoại tệ. Theo số liệu của NHNN, tính đến hết tháng 7/2011, NHNN đã mua được 5 tỷ USD dự trữ ngoại hối, một động thái mà từ giữa năm 2008 đến trước tháng 5/2011 chưa thực hiện được. Các doanh nghiệp và người dân đã bắt đầu bán ngoại tệ cho ngân hàng; bước đầu chuyển dần quan hệ huy động và cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua – bán ngoại tệ giữa ngân hàng với khách hàng; việc niêm yết giá thanh toán, mua – bán trực tiếp bằng ngoại tệ đã được thu hẹp.

Xu thế phát triển

Kết quả tổng quát của việc ổn định thị trường ngoại tệ là góp phần vào việc chống đôla hóa, vàng hóa nền kinh tế, góp phần vào việc ổn định tâm lý, tạo tiền đề thực hiện việc kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố và nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia.

Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng cũng chưa thể chủ quan, bởi thị trường ngoại tệ còn đứng trước những thách thức không nhỏ.

Chênh lệch quá lớn giữa lãi suất đồng nội tệ và ngoại tệ khiến các doanh nghiệp đổ xô đi vay USD, sau đó bán ra lấy VND để phục vụ sản xuất kinh doanh, làm cho nguồn cung ảo USD trên thị trường gia tăng. Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, cung ảo này sẽ biến thành cầu thực khi các khoản vay đến kỳ đáo hạn và sẽ tạo áp lực lên tỷ giá những tháng cuối năm.

Nhập siêu liên tục tăng lên trong các tháng đầu năm làm cho cán cân thương mại, cán cân thanh toán bị mất cân đối, tạo sức ép lên tỷ giá. Mặt khác, theo thống kê từ đầu năm đến nay, nguồn ngoại tệ từ đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm, nguồn kiều hối sẽ khó tăng cao so với năm trước. Nguồn ngoại tệ từ đầu tư gián tiếp, hỗ trợ phát triển chính thức và khách quốc tế đến Việt Nam có thể tăng, nhưng không có ý nghĩa quyết định.

Tốc độ tăng CPI tuy đã chậm lại, nhưng vẫn còn cao, nên yếu tố lạm phát vẫn hiện hữu. Người có vốn có thể vẫn chưa hết kỳ vọng vào các nơi “trú ẩn” an toàn, trong đó có ngoại tệ.

Các chính sách như thắt chặt tiền tệ, dẹp bỏ thị trường chợ đen, giảm mức trần lãi suất huy động USD… chỉ tác động ngắn hạn đến tỷ giá. Sự biến động tỷ giá trong dài hạn tùy thuộc vào mức độ nhập siêu và chỉ số lạm phát của Việt Nam trong tương lai.

Và về lâu dài, để giải quyết tốt bài toán tỷ giá ở Việt Nam, cần phải giải quyết một cách căn bản bài toán nhập siêu và lạm phát nhằm tạo dựng lòng tin vững chắc vào tiền đồng.


Tài liệu tham khảo

[1] TS. Nguyễn Minh Kiều, Thị trường ngoại hối và các giải pháp phòng ngừa rủi ro, NXB Thống kê, 2008;

[2] TS Nguyễn Văn Tiến, Cẩm nang thị trường ngoại hối và các giao dịch kinh doanh ngoại hối, NXB Thống Kê, 2010;

[3] PGS. TS Nguyễn Đăng Dờn, Thị trường tài chính, NXB Phương Đông, 2011.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 28/12/2022