pông, tennis. Nam thanh niên thành thị giàu sang cũng đua nhau ăn mặc không kém thiếu nữ.
Có thể nói, những đổi mới trong sinh hoạt của các tầng lớp trên đây sẽ dẫn đến sự thay đổi suy nghĩ, cảm xúc trong chính bản thân những con người này. Góp phần vào sự thay đổi đó còn do sự tiếp xúc với văn hoá phương Tây mà đặc biệt là với văn học lãng mạn Pháp.
Năm 1915, thực dân Pháp và triều đình phong kiến bắt buộc phải bãi bỏ thi Hương ở Bắc Kỳ. Năm 1919 khoa thi Hội cuối cùng ở Huế đã kết thúc chế độ khoa thi cử phong kiến. Từ đây, trong các trường học, học sinh bắt đầu say sưa với văn hoá Pháp mà đặc biệt là văn học lãng mạn Pháp. Người ta bắt đầu ca ngợi thơ lãng mạn của Huygô, Lamartine, Musset,... Nhiều người rất thích bài thơ "Le Lac" (Cái hồ) của Lamartine, mê nhân vật Atala trong tác phẩm cùng tên của Chateaubriand.
Sự tiếp xúc văn hoá trên đây đã đem đến cho tầng lớp thanh niên tiểu tư sản thành thị những năm 30 của thế kỷ này những tình cảm mới, những rung động mới. Họ yêu đương mơ mộng, vui buồn không giống các cụ ngày xưa nữa. Điều này đã được Lưu Trọng Lư nêu lên công khai trong buổi diễn thuyết ở nhà Học Hội Quy Nhơn hồi tháng 6 năm 1934: "Các cụ ta ưa những màu đỏ chót ta lại ưa những màu xanh nhạt. Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya, ta lại nao nao vì tiếng gà lúc đúng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ, các cụ coi như làm một điều tội lỗi ta thì cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng, cái tình say đắm, cái tình thoáng qua, cái tình gần gũi, cái tình xa xôi, cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu..." [5-21].
Sự tiếp xúc với văn hoá phương Tây và lối sống đô thị hoá cũng làm cho ý thức cá nhân nảy nở và phát triển rất nhanh lấn át ý thức cộng đồng xưa
cũ. Những con người trong xã hội ngày càng muốn khẳng định cái tôi cá nhân của mình trong gia đình và cả ngoài xã hội, điều này được biểu hiện rất rõ trong văn học. Vì vậy, một quan niệm mới về văn chương cũng đồng thời xuất hiện.
Đến thế kỷ XX, với sự xuất hiện của tầng lớp thị dân đông đảo và lối sống đô thị hoá, với ảnh hưởng của văn hoá phương Tây... ý thức cá nhân mới nảy sinh và phát triển mạnh mẽ trong tầng lớp thị dân mà trước hết là ở bộ phận trí thức tân học. Họ có quan điểm hoàn toàn khác với thế hệ trước về cái đẹp, về đạo đức, nhân sinh và đặc biệt là về văn hoá nghệ thuật. Họ cho rằng những quy phạm chặt chẽ của thi pháp cổ đã trở thành vật cản trên chặng đường tự do dân chủ hoá nền văn học nước nhà. Họ lên tiếng chống lại sự trói buộc trái tự nhiên của thi pháp cổ mang tính phi ngã đã một thời là mẫu mực cho các sáng tác văn chương nghệ thuật. Họ đòi hỏi một sự cách tân để thoả mãn nhu cầu thẩm mỹ mới và để kích thích cá tính sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật văn chương.
Có thể nói, lối sống đô thị hoá và sự tiếp xúc văn hoá phương Tây của một số tầng lớp dân chúng Việt Nam vào những năm 30 của thế kỷ này là tiền đề quan trọng cho xu hướng hiện đại hoá đời sống xã hội, trong đó có văn học. Ngoài ra, góp phần không nhỏ vào sự đổi mới của xã hội nói chung và văn nghệ nói riêng còn phải kể đến vai trò của báo chí.
Từ năm 1913, báo chí bắt đầu đổi mới và có khuynh hướng, chương trình rõ rệt hơn, hình thức báo chí cũng được cải tiến. Báo chí thời nay được xuất bản bằng các thứ tiếng Tàu, Pháp, Quốc Ngữ và đôi khi cả chữ Nôm nữa. Về sau, những trí thức tân học của ta đã cổ động cho chữ quốc ngữ và dùng nó làm phương tiện phổ biến. Văn hoá, khoa học tiến bộ góp phần thúc đẩy bánh xe lịch sử tiến lên. Chính báo chí đã hoạt động sôi nổi khiến chính quyền thực dân và Chính phủ Nam triều phải bãi bỏ chế độ thi cử lỗi thời làm
cho nền Hán học ở Việt Nam sụp đổ hoàn toàn. Báo chí cũng là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, phê bình văn học trao đổi ý kiến đánh giá tác phẩm, phổ biến lý luận kinh nghiệm sáng tác. Đặc biệt, báo chí còn góp phần đấu tranh cho sự thắng lợi của văn hoá tiến bộ, cho sự toàn thắng của chữ quốc ngữ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự đổi mới văn học.
Có thể bạn quan tâm!
- Thế Lữ với tiến trình văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 - 1
- Thế Lữ với tiến trình văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 - 2
- Cuộc Đấu Tranh Giữa Thơ Mới Và Thơ Cũ
- Quan Điểm Nghệ Thuật Của Thế Lữ - Một Bước Tiến So Với Quan Điểm Nghệ Thuật Của Văn Học Trung Đại
- Những Cách Tân Về Hình Thức Và Nội Dung Nghệ Thuật
Xem toàn bộ 148 trang tài liệu này.
Tham gia vào công cuộc đổi mới có một số tri thức Hán học chịu ảnh hưởng của sinh hoạt đô thị tư sản và văn hoá phương Tây thông qua Tân Thư Trung Quốc như Tàn Đà, Nguyễn Bá Học, Hoàng Ngọc Phách, Phan Khôi,... nhưng chủ yếu vẫn là tầng lớp tri thức tân học. Những cây bút này đã tạo nên trên văn đàn công khai ở Việt Nam vào những năm 30 của thế kỷ hai trào lưu văn học là văn học hiện thực và văn học lãng mạn chủ nghĩa. Hai trào lưu này đều đấu tranh thoát khỏi hệ thống thi pháp cổ trung đại và đã thực sự đóng góp có hiệu quả vào tiến trình hiện đại hoá nền văn học Việt Nam.
Thế Lữ cũng thuộc kiểu tri thức nghệ sĩ mới tiểu tư sản ở một thuộc địa nửa phong kiến trong số những văn nghệ sĩ, những nhà hoạt động khoa học xã hội - nhân văn nói trên. Ông xuất hiện từ năm 1932 và trưởng thành trong 13 năm (1932 - 1945) có một vị trí hết sức quan trọng trong tiến trình hiện đại hoá văn học nước nhà trước Cách mạng tháng Tám.
1.1.2. Sự nở rộ và phát triển các khuynh hướng, nhóm phái văn học
Thời kỳ 1930 - 1945 là thời kỳ đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp hết sức gay gắt. Từ đó dẫn đến những cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng và ý thức hệ, sự tác động qua lại hết sức phức tạp của các khuynh hướng và phương pháp sáng tác khác nhau.
Năm 1930 là năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng đó cũng là năm xuất hiện phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, mở đầu cho dòng văn học vô sản và các khuynh hướng lãng mạn, hiện thực phê phán đã phát triển thành dòng độc lập.
Từ 1923 đến 1931 Nguyễn Công Hoan đã khẳng định phương pháp hiện thực phê phán trong thể loại truyện ngắn (Răng con chó của nhà tư sản, Oẳn tà roằn, Thật là phúc, Ngựa người và người ngựa...).
Trong hai năm 1930 - 1931 Ngô Tất Tố viết những tiểu phẩm văn học nổi tiếng trên các báo phổ thông, Đông Phương với các biệt hiệu Thiết Khẩu Nhi; Thục Điểu,... Năm 1931 cũng là năm tác phẩm đầu tay của Vũ Trọng Phụng ra đời (Không một tiếng vang).
Năm 1932 đánh dấu một bước phát triển đột biến của dòng văn học lãng mạn: Báo Phong hoá; Văn xuôi Tự lực văn đoàn; Phong trào Thơ mới... Từ 1930 - 1935 cũng nổ ra hàng loạt cuộc tranh luận lớn nhỏ: cuộc tranh luận về Nho giáo giữa Phan Khôi, Trần Trọng Kim và Tản Đà; cuộc tranh luận xung quanh vấn đề Thơ mới. Báo Phong Hoá cho đăng hàng loạt phóng sự dài chủ trương bỏ cũ theo mới. Tất cả những cuộc tranh luận đó phản ánh cuộc đấu tranh giữa lễ giáo phong kiến, đại gia đình phong kiến với chủ nghĩa cá nhân tư sản, cuộc đấu tranh của tình cảm cá nhân, ý thức cá nhân chống lại những khuôn khổ gò bó, lối suy nghĩ và ngôn ngữ khuôn sáo của thơ ca một lớp nhà nho đã lỗi thời, đã tàn tạ. Tự Lực Văn Đoàn đề xướng phong trào Âu hoá, đề cập đến cuộc xung đột giữa mới và cũ, lên án gia đình phong kiến, bênh vực tình yêu lứa đôi, bênh vực chủ nghĩa cá nhân tư sản.
Văn học lãng lạn thời kỳ 30 - 45 gần như chiếm địa vị độc tôn trên thi đàn văn học công khai. Bắt đầu với nhóm Tự Lực Văn Đoàn và Phong trào Thơ mới. Ngoài nhóm Phong hoá, Ngày nay còn phải kể đến các nhóm Hà Nội báo (Huy Thông, Lưu Trọng Lư, Thái Can, Nguyễn Nhược Pháp), Tiểu thuyết thứ bảy (Thâm Tâm, Trần Huyền Trân; Lai Ba, Ngọc Giao, Thanh Châu), Tao Đàn (Nguyễn Tuân, Phạm Hầu, Lưu Kỳ Linh), Xuân Thu Nhã Tập (Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ...). Ngoài làng văn đất Hà Thành còn phải kể đến các nhóm Sông Thương (Bàng Bá Lân, Anh
Thơ), nhóm Huế (Nam Trân, Nguyễn Đình Thư), nhóm Bình Định (Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê,...).
Ở nước ta, các nhà văn lãng mạn ít khi thành lập trường phái và có những tuyên ngôn nghệ thuật riêng. Tuy nhiên ở thời kỳ này chúng ta cũng thấy được quan điểm thẩm mĩ của họ qua một số bài thơ của Thế Lữ (Cây đàn muôn điệu), Xuân Diệu (Cảm xúc, lời thơ, Gửi hương), những bài phát biểu của Lưu Trọng Lư trong cuộc tranh luận về nghệ thuật (1935 - 1936) và cuối cùng người ta đã nghe thấy âm thanh của chủ nghĩa "nghệ thuật vị nghệ thuật" từ những bản nhạc dạo đầu của Cây đàn muôn điệu của Thế Lữ.
Như vậy, văn học thời kỳ 1930 - 1945 là thời kỳ nở rộ và phát triển các khuynh hướng, nhóm phái văn học cùng với khuynh hướng văn học hiện thực phê phán, văn học lãng mạn, đặc biệt là phong trào thơ mới đã góp phần rất quan trọng trong việc đưa văn học Việt Nam tiến thẳng vào thời kỳ hiện đại. Một trong những người có công đầu tiên phải kể đến là Thế Lữ - người có vai trò mở đường cho Thơ mới nói riêng và cho cả giai đoạn văn học 1930 - 1945 nói chung.
1.1.3. Sự xuất hiện một thế hệ nhà văn, nhà thơ tài năng và sự hoàn thiện về thể loại
Cùng với sự chuyển biến của tình hình xã hội, văn học thời kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945, đặc biệt từ đầu những năm 30 trở đi, đã phát triển nhanh chóng đạt nhiều thành tựu to lớn. Chỉ trong vòng hơn một thập niên, các khu vực các dòng văn học đều vận động, phát triển với nhịp độ khẩn trương, mau lẹ. Điều đó thể hiện ở sự phát triển về số lượng tác giả và tác phẩm, sự hình thành và đổi mới các thể loại văn học và độ kết tinh ở những tác giả, tác phẩm tiêu biểu.
Tiểu thuyết từ trước năm 1930 còn ít ỏi và có phần đơn giản, thậm chí một số chỉ là phỏng tác. Đến những năm 30, thể loại này trở nên phong phú
và thật sự đổi mới, nhất là ở cách dựng truyện, tổ chức kết cấu và xây dựng tính cách nhân vật. Nhóm Tự lực văn đoàn với những tác phẩm thành công của Nhất Linh, Khái Hưng đã đẩy cuộc cách tân tiểu thuyết lên một bước mới. Tiếp đó là những tiểu thuyết có giá trị của Vũ Trọng Phụng. Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao... đã đưa thể loại này lên đến đỉnh cao.
Truyện ngắn thời kỳ này cũng phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng. Chưa bào giờ truyện ngắn Việt Nam lại phong phú, đặc sắc như thế: truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan; truyện ngắn trữ tình của Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Zếnh, truyện ngắn phong tục của Tô Hoài, Bùi Hiển, Kim Lân; truyện ngắn có khả năng tạo nên bầu không khí Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân; truyện ngắn viết về đời tư, về cái hằng ngày, dựng lên được cả thế giới "sống mòn", mang tư tưởng sâu sắc, ý nghĩa khái quát rộng lớn với nhiều trang phân tích tâm lý đạt tới trình độ bậc thầy của Nam Cao... Chỉ sau hơn một thập niên, chúng ta đã thấy xuất hiện nhiều truyện ngắn đặc sắc, trong đó một số truyện ngắn có thể coi là kiệt tác.
Phóng sự và tuỳ bút cũng phát triển mạnh được kết tinh trong những sáng tác của Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân. Về bút ký, tuỳ bút phải kể đến Xuân Diệu và đặc biệt là Nguyễn Tuân - một cây bút tài hoa, độc đáo với nhiều tác phẩm đặc sắc.
Trong lĩnh vực thơ ca, phong trào Thơ mới đã đem lại sự đổi thay sâu sắc với đội ngũ thi sĩ đông đảo, đa dạng, phong phú về phong cách nghệ thuật. Hoài Thanh khẳng định trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thế: "Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên... và thiết tha rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu" (Thi nhân Việt Nam).
Thơ ca cũng là thể loại chủ lực và có giá trị nhất của bộ phận văn học cách mạng. Đáng chú ý hơn cả là sáng tác của nhà thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Thuỷ, Sóng Hồng,... trong đó tiêu biểu nhất là những tập thơ sáng tác trong tù như Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh và Từ Ấy của Tố Hữu. Đây là hai thành tựu xuất sắc đưa thơ ca cách mạng lên tầm cao mới.
Ở chặng này, kịch nói tiếp tục phát triển, được nhiều thành tựu vượt trội hơn so với trước đây. Gây được tiếng vang là những vở kịch của Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ, nhất là những vở kịch khai thác đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng.
Cùng với sáng tác, nghiên cứu lý luận phê bình văn học cũng phát triển, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Có giá trị hơn cả là những công trình như Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân. Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, Văn học Khải Luận của Đặng Thai Mai... đã góp phần thúc đẩy nền văn học phát triển.
Dường như bất cứ thể loại nào, văn học cũng phát triển ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chính vì phát triển với tốc độ vũ bão như vậy nên không có cây bút nào giữ được vai trò tiên phong trong suốt chặng đường dài. Đó là cuộc chạy tiếp sức đầy căng thẳng, quyết liệt và cũng thật ngoạn mục tạo một nhịp độ khẩn trương, nhanh chóng chưa từng thấy trong lịch sử văn học dân tộc. Vì vậy, Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại thật có lí khi khẳng định "Ở nước ta một năm có thể kể như ba mươi năm của người".
Hoà chung trong sự phát triển mạnh mẽ đó chúng ta phải kể đến vai trò của Thế Lữ trong sự phát triển và hoàn thiện một số thể loại góp phần làm cho văn học giai đoạn này thực sự có một diện mạo mới, đa dạng, phong phú mang tính hiện đại.
1.2. VỊ TRÍ, VAI TRÕ CỦA THẾ LỮ TRONG SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA MỘT SỐ THỂ LOẠI VĂN HỌC MỚI
Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, bút hiệu Lê Ta, sinh ngày 06 tháng 10 năm 1907 tại ấp Thái Hà - Hà Nội trong một gia đình viên chức nhỏ. Thuở nhỏ ở Lạng Sơn sau đó về Hải Phòng học sơ học và thành chung. Năm 1929 học song năm thứ ba bậc thành chung thì về Hà Nội thi đỗ dự thinh vào trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học được một năm thì bỏ.
Có thể nói, Nguyễn Thế Lữ thuộc vào một số ít những nghệ sĩ đa tài của nền văn học nghệ thuật trước cách mạng. Thế Lữ là "khởi điểm của những khởi điểm".
Khi sống ở Hải Phòng, lúc chỉ mới mười tám, đôi mươi Thế Lữ đã viết truyện, làm thơ. Khi nền văn học nước nhà bước vào thời kỳ hiện đại hoá văn học, Thế Lữ bắt đầu được mời làm báo Phong hoá, sau đó ra nhập Tự lực văn đoàn là người sáng lập văn phái này. Ông là nhà báo, người biên tập nòng cốt, mẫn cán của hai tờ Phong hoá và Ngày nay.
Về văn xuôi nghệ thuật, Thế Lữ cũng có những đóng góp đáng kể ở thể loại truyện trinh thám, truyện huyễn tưởng như là mở đầu một thể tài mới, một cách viết mới.
Trong khi các tiểu thuyết gia văn học hiện thực phê phán như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao,... đang trực tiếp dùng ngòi bút của mình để phơi bầy sự xấu xa, thối nát của xã hội thực dân nửa phong kiến đang đè nặng lên tâm hồn và thể xác của những người dân lương thiện, trong khi các tác giả văn xuôi Tự lực văn đoàn đang tập trung miêu tả những câu chuyện tình ngang trái do lề thói phong kiến cổ hủ gây ra thì Thế Lữ cho ra đời một loạt sáng tác khác hẳn: ông viết truyện trinh thám và các "truyện lạ" theo kiểu Etga Pô.