ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
----------oOo---------
VŨ THÚY HẰNG
THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN ĐOÀN LÊ
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 34
Có thể bạn quan tâm!
- Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Đoàn Lê - 2
- Những Cảm Hứng Nghệ Thuật Cơ Bản Trong Truyện Ngắn Của Đoàn Lê.
- Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Đoàn Lê - 4
Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.
LUẬN VĂN THẠC SỸ VĂN HỌC
Người hướng dẫn khoa học PGS – TS Lê Dục Tú
Hà Nội - 2010
MỤC LỤC
Trang
PHẦN I: PHẦN MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử vấn đề 3
3. Đối tượng phạm vi nghiên cứu 6
4. Phương pháp nghiên cứu 6
5. Những đóng góp mới của luận văn 7
6. Cấu trúc luận văn 7
PHẦN II: NỘI DUNG
CHƯƠNG I. CẢM HỨNG NGHỆ THUẬT 9
1. Cảm hứng nghệ thuật trong tác phẩm văn học 9
2. Cảm hứng nghệ thuật trong tác phẩm văn học sau 1975 11
3. Những cảm hứng nghệ thuật cơ bản trong truyện ngắn của Đoàn Lê 14
3.1. Cảm hứng bi kịch 14
3.1.1. Bi kịch chiến tranh 15
3.1.2. Bi kịch đời thường 18
3.1.2.1. Bi kịch cuộc sống thời mở cửa 18
3.1.2.2. Bi kịch tình yêu 27
3.1.2.3. Bi kịch hôn nhân – gia đình 36
3.2. Cảm hứng triết luận 46
3.2.1. Triết lý về cuộc sống – nhân sinh 46
3.2.2. Triết lý về tình yêu – hôn nhân 48
CHƯƠNG II: THẾ GIỚI NHÂN VẬT 51
1. Đặc điểm nhân vật trong truyện ngắn của Đoàn Lê 51
1.1. Đặc điểm nhân vật của văn học giai đoạn trước và sau 1975 51
1.2. Đặc điểm nhân vật trong truyện ngắn Đoàn Lê 55
2. Các kiểu nhân vật và phương thức biểu hiện trong truyện ngắn Đoàn Lê 59
2.1. Nhân vật cô đơn 59
2.2. Nhân vật thức tỉnh, tự ý thức 63
2.3. Nhân vật ảo 66
CHƯƠNG III: MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT TRONG
TRUYỆN NGẮN ĐOÀN LÊ 73
1. Cốt truyện 73
1.1. Cốt truyện truyền thống 74
1.2. Cốt truyện tâm lý 78
1.3. Cốt truyện kỳ ảo 83
1.4. Vai trò của người kể truyện đối với sự phát triển của cốt truyện 85
2. Tình huống truyện 87
2.1. Tình huống bi kịch 88
2.2. Tình huống tự nhận thức 89
3. Không gian - Thời gian nghệ thuật 90
3.1. Không gian nghệ thuật 91
3.2. Thời gian nghệ thuật 95
4. Ngôn ngữ nghệ thuật 100
4.1. Ngôn ngữ giàu chất hiện thực đời thường 101
4.2. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm 103
5. Giọng điệu nghệ thuật 105
5.1. Giọng điệu trữ tình 106
5.2. Giọng điệu mỉa mai, châm biếm 107
5.3. Giọng đồng cảm, xót xa 110
KẾT LUẬN 113
TÀI LIỆU THAM KHẢO 116
PHẦN I. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1 Văn học Việt Nam sau chiến tranh có nhiều khởi sắc. Những tìm tòi, đổi mới về cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật của văn học giai đoạn này đã khẳng định những bước chuyển mạnh mẽ của văn học nước nhà. Đặc biệt từ sau đổi mới, văn học thực sự có những bước tiến quan trọng bắt nhịp kịp thời với bước chuyển của thời đại. Sự xuất hiện của hàng loạt những cây bút nữ đã tạo nên diện mạo mới cho văn xuôi giai đoạn này như Đoàn Lê, Lê Minh Khuê, Y Ban, Lý Lan, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, nhất là với thể loại truyện ngắn. Họ nhìn nhận những vấn đề của cuộc sống bằng sự tinh tế, nhạy cảm của trái tim phụ nữ. Họ đưa vào tác phẩm của mình “một sinh khí mới rất cần thiết để thể hiện bề sâu, bề sau của cuộc sống con người hôm nay” (Nguyễn Minh Châu). Mỗi người một phong cách, một hướng tiếp cận, khám phá đời sống, các cây bút nữ giai đoạn này đều nỗ lực thể hiện sự phong phú phức tạp muôn màu của cuộc sống thời mở cửa, góp phần làm nên diện mạo của một nền văn học mới. Đóng góp của họ được thể hiện nhiều nhất ở thể loại truyện ngắn. Có thể nói văn học từ sau đổi mới là sự lên ngôi của thể loại này. Những tìm tòi, đổi mới về tư tưởng chủ đề, về hình thức nghệ thuật trong truyện ngắn là những đóng góp quan trọng làm nên những bước phát triển vững chắc cho thể loại truyện ngắn Việt Nam. Vì vậy tìm hiểu những khám phá nghệ thuật của bất cứ một tác giả nào trong giai đoạn văn học này cũng là những đóng góp có ý nghĩa để có cái nhìn khái quát hơn về diện mạo của cả một giai đọan văn học.
1.2 Đoàn Lê là một trong những gương mặt nữ ít nhiều đã thể hiện phong cách nghệ thuật của mình trên văn đàn sau 1975, nhất là thập niên cuối thế kỷ XX và những năm gần đây. Là một nghệ sỹ đa tài, Đoàn Lê đã để lại dấu ấn của mình trên nhiều lĩnh vực: từng là diễn viên điện ảnh, thiết kế mỹ thuật, biên kịch, đạo diễn phim, họa sỹ, nhà văn, nhà thơ. Đến nay vốn liếng văn chương của Đoàn Lê đã khá dày dặn. Ngoài những kịch bản phim truyện, bà có năm tập truyện ngắn, bốn cuốn tiểu thuyết và rất nhiều tác phẩm hội họa được giới phê bình đánh giá cao. Đặc biệt, trong tư cách nhà văn, Đoàn Lê được biết đến như một cây bút nữ có phong cách đa dạng và sức sáng tao tươi mới cùng với một ngôn ngữ dịu dàng nền nã. Bà từng có hai tập truyện ngắn được dịch ra tiếng
Anh để giới thiệu với bạn đọc Mỹ là Trinh tiết xóm chùa và Nghĩa địa xóm chùa, một tiểu thuyết được giải thưởng của hội nhà văn Việt Nam Cuốn gia phả để lại và gần đây nhất là cuốn tiểu thuyết Tiền định được lọt vào vòng chung khảo của giải thưởng Bách Việt, cùng một số truyện ngắn được nhận giải thưởng của các báo, các tạp chí (truyện Đêm ngâu vào - Giải A tạp chí Sông Hương, truyện Hạt vừng- Giải thưởng Tạp chí tác phẩm Văn học, truyện Trinh tiết xóm Chùa - Giải thưởng báo Văn nghệ). Ở mảng truyện ngắn, Đoàn Lê được đánh giá là một cây bút viết truyện ngắn đặc sắc. Truyện ngắn của bà xuất hiện đều đều trên các báo. Truyện ngắn Đoàn Lê lúc thì đằm thắm trữ tình, lúc lại hiện thực sắc sảo, có khi táo bạo hiện đại đến bất ngờ, có lúc lại trẻ trung thổn thức như một cô gái mới lớn. Đọc truyện ngắn của bà, người đọc dễ dàng nhận ra một trái tim phụ nữ giầu yêu thương với tất cả những vấn đề của cuộc sống nhân sinh, nhất là vấn đề người phụ nữ. Đoàn Lê cũng may mắn được sống và cảm nhận những giá trị cuộc sống ở cả hai giai đoạn văn học: những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và mảng hiện thực cuộc sống sau chiến tranh nhất là từ thời kỳ đổi mới. Bởi vậy, trong những sáng tác của bà, số phận của những con người bước ra từ cuộc chiến tranh cùng bi kịch của những con người trong cuộc sống muôn mặt đời thường đã hiện lên thật sâu sắc và cảm động. Dù không phải là người đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học, nhưng truyện ngắn của Đoàn Lê vẫn có nhiều yếu tố cách tân về thi pháp, phần nhiều là nằm trong ranh giới của truyện truyền thống- hiện đại. Trong truyện ngắn của Đoàn Lê, một không gian nghệ thuật luôn trở đi trở lại gây ám ảnh lòng người là không gian của một xóm Chùa cụ thể. Nhưng đó cũng là không gian bao trùm cả nông thôn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới- không gian với sự giao tranh quyết liệt của những yếu tố mới – cũ. Đây cũng là một trong những đề tài nổi trội của văn học giai đoan này. Bởi vậy tìm hiểu thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn của Đoàn Lê cũng chính là cách tiếp cận với cuộc sống và truyện ngắn đương đại. Đồng thời phong cách truyện của bà cũng rất tiêu biểu cho những cây bút nữ giai đoạn văn học sau đổi mới.
Với những lý do ấy, chúng tôi chọn đề tài tìm hiểu Thế giới nghệ thuật truyện ngắn của Đoàn Lê với hy vọng giúp bạn đọc hôm nay nhận diện một gương mặt văn học và từ đó nhìn nhận diện mạo của văn chương đương đại.
2. Lịch sử vấn đề
Văn học sau 1975 là sự nở rộ các truyện ngắn của nhiều cây bút nữ. Họ là lớp nhà văn trẻ tài năng và giầu nhiệt huyết. Lối viết của họ có sự kế thừa tinh hoa của giai đoạn văn học trước đồng thời cũng chứa đựng nhiều nét cách tân, đột phá ở cả phương diện nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Tuy vậy, sáng tác của họ còn khá mới mẻ đối với nhiều bạn đọc. Tình hình nghiên cứu tác phẩm, phong cách tác giả còn rải rác chưa có hệ thống, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc ngày càng cao của xã hội. Đoàn Lê là một cây bút có những dấu ấn nhất định trên văn đàn hôm nay, nhất là trong thời gian gần đây, sáng tác của Đoàn Lê đã được khá nhiều bạn đọc quan tâm. Tuy nhiên để có một cái nhìn khái quát về toàn bộ sáng tác của nhà văn này thì cho đến nay chỉ có rất ít công trình khoa học đi sâu nghiên cứu truyện ngắn Đoàn Lê một cách cụ thể. Hầu hết các bài viết mới chỉ dừng ở dạng giới thiệu, nhận xét sơ bộ, trình bày cảm xúc về một truyện ngắn, một tập truyện ngắn hay một tiểu thuyết nào đó của nhà văn.
Nhận xét về truyện ngắn Đoàn Lê, các nhà nghiên cứu, phê bình thường ghi nhận những đóng góp của bà với văn học Việt Nam giai đoạn đổi mới nhất là giai đoạn sau 1986. Vương Trí Nhàn khi lý giải về sự xuất hiện đông đảo của các cây bút nữ sau 1975 trong đó có sáng tác của Đoàn Lê đã cho rằng : “phụ nữ bắt mạch nhanh hơn nam giới. Họ luôn gần gũi với cái lỉnh kỉnh dở dang của cuộc sống. Mặt khác, với cái cực đoan sẵn có- tốt, dịu dàng, rộng lượng thì không ai bằng, mà nhỏ nhen, chấp nhặt, dữ dằn cũng không ai bằng, từng cây bút đã tìm ra mặt mạnh của mình khá sớm, định hình khá sớm” [49]. Sự góp mặt của những nhà văn nữ những năm gần đây trong đó có Đoàn Lê đã tạo ra một luồng sinh khí mới cho văn học đương đại. Cách nhìn hiện thực và con người bằng những ưu thế của giới tính trong sáng tạo nghệ thuật và cách lựa chọn đề tài, xử lý tình huống đã tạo nên những nét khác biệt có nhiều đóng góp của các cây bút nữ cho nền văn xuôi đương đại. Nhận định của một nhà phê bình về các nhà văn nữ của văn học đương đại thông qua các hình thức biểu hiện của nhân vật nữ trong sáng tác của họ trong đó có Đoàn Lê như sau: “Đặc điểm trong những truyện ngắn của các tác giả nữ là hiện thực xã hội đang thay đổi nhanh chóng, quyết liệt và ảnh hưởng đến từng cuộc đời, ít nhiều làm vỡ những giấc mộng lớn, mộng con với thái độ chung là chấp nhận như một chuyển động tất yếu của cuộc đời” [79, 103]. Bên cạnh những nhận định chung về sáng tác của
các tác giả nữ trong đó có Đoàn Lê thì những ý kiến, nhận xét riêng về truyện ngắn của bà cũng góp phần khẳng định sự ảnh hưởng của cây bút này đối với văn học nữ giai đoạn đổi mới. Tạp chí Nghiệp đoàn Xuất bản ở Mỹ năm 2005 đã nhận xét rất tinh tế về phong cách sáng tác Đoàn Lê và giá trị tập truyện ngắn: “Trinh tiết xóm Chùa”: “Đoàn Lê được ghi nhận ở phong cách đa dạng và sức sáng tạo tươi mới. Với giới học giả, những truyện ngắn này cho một cái nhìn vào bên trong văn hóa Việt Nam sau “đổi mới”. Với người đọc nói chung, đây là những tác phẩm bao quát và đầy nhân văn về những đề tài như lòng tham, hôn nhân, ly dị, tuổi già. Đó là những tác phẩm về quyền con người, khảo sát tất cả những gì bí ẩn, tinh tế của trái tim con người”. Trong bài viết: Đoàn Lê “chị tôi” [61], nhà văn Hồ Anh Thái đã có những ý kiến đánh giá rất tinh sắc về một số phương diện nghệ thuật trong truyện ngắn của Đoàn Lê: “Với ngôn ngữ dịu dàng, nền nã, hóm hỉnh, hài hước một cách nhẹ nhàng, chị viết về những vấn đề thời cuộc ở cái làng ven đô thị trong hàng loạt tác phẩm gắn với tên Xóm Chùa: Đất xóm Chùa, Nghĩa địa xóm Chùa, Người đẹp xóm Chùa, Giường đôi xóm Chùa.” Tuy là chuyện xóm Chùa nhưng Đoàn lê đã “tìm tòi và sử dụng rất nhiều kỹ thuật viết, chính thế mạnh này đã lôi cuốn người đọc”. Cũng trong bài viết này, tác giả còn đề cập đến nghệ thuật sử dụng yếu tố kỳ ảo trong hai truyện Nghĩa địa xóm Chùa và Lên Ruồi của Đoàn Lê.. “Cả Nghĩa địa xóm Chùa và Lên Ruồi đều nằm trong mạch truyện có yếu tố kỳ ảo của Đoàn Lê. Nhưng ngay cả trong những truyện kỳ ảo nhất của bà thì “cái thực vẫn lấn cái ảo, cái ảo chỉ làm lạ hóa, chỉ thay đổi một góc nhìn hiện thực, chứ không phải là yếu tố xoay chuyển và quyết định hiện thực nghệ thuật”. Cũng nói về nghệ thuật viết truyện có yếu tố kỳ ảo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú khi cho in trên tạp chí Tác Phẩm Mới truyện Nghĩa địa xóm Chùa của Đoàn Lê đã bày tỏ cảm xúc mãnh liệt của mình như sau: “Hay Đoàn Lê nghi có mầm bệnh trong người? Chỉ có người ốm mới dám viết những chuyện khủng khiếp như vậy”.
Kirkus Reviews, một tạp chí có uy tín trong ngành xuất bản của Mỹ, nhận xét về văn phong của tập truyện Nghĩa địa xóm Chùa của Đoàn Lê: “Mười truyện mang màu sắc Gogol trong một bản dịch tiếng Anh đầu tiên của Đoàn Lê...Thảng hoặc Đoàn Lê có xu hướng ẩn dụ kiểu Kafka như trong Lên ruồi, hay một truyện ngắn đạt tới giọng điệu riêng tư thấm thía như Giường đôi xóm Chùa. Đó là những truyện ngắn đặc sắc”, những truyện ngắn “như những viên
đá quý”, những truyện “phúng dụ, châm biếm, huyễn tưởng” với văn phong tinh tế, linh hoạt. Trong bài viết “Đoàn Lê- nghệ sỹ đa tài” (Báo nhân dân http
/wv.nd. com.vn) nhận định về văn phong Đoàn Lê: “giản dị, hóm hỉnh, sâu sắc, Đoàn Lê có biệt tài phát hiện và miêu tả những chi tiết đắt giá ngay trong những cái tưởng chừng như vụn vặt đời thường. Văn phong Đoàn Lê cuốn hút người đọc bằng những câu chữ tinh tế, mượt mà”.
Trong luận án tiến sỹ với đề tài “Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam”, Tiến sỹ Bùi Thanh Truyền đã khảo sát hàng loạt truyện ngắn có yếu tố kỳ ảo trong đó có truyện ngắn Nghĩa địa xóm Chùa của Đoàn Lê. Ông đã phát hiện được khả năng kỳ diệu của ngôn ngữ Đoàn Lê trong việc khu biệt thế giới kỳ ảo: “Đặc trưng của thế giới huyền thoại đã chi phối rất rõ cách sử dụng ngôn ngữ của nhà văn. Đến lượt mình, hệ thống ngôn ngữ này cũng có chức năng khu biệt quan trọng thế giới kì ảo ấy. Khi miêu tả tình làng nghĩa xóm , Đoàn Lê viết: "Từ ngày ra nhập tịch nghĩa địa xóm Chùa tôi được sống trong cảnh chan hoà tình người, tối lửa tắt trăng có nhau cực kì vui vẻ." Hạ xuống một chữ trăng, người viết đã tạo lập nét khu biệt đáng kể của không gian, thời gian và đặc tính của những "cư dân nghĩa địa" với đêm, bóng tối cùng sự dị ứng bởi ánh sáng mặt trời” [74, 170]. Còn khi viết truyện ngắn Chờ nhật thực, gửi cho Báo tuổi trẻ cuối tuần chính Đoàn Lê nói về việc sử dụng yếu tố kỳ ảo trong truyện của mình: “Yếu tố huyền ảo được sử dụng, nhằm tôn lên những nét hiện thực và lịch sử.”
Trong bài viết “Ai cứu xóm Chùa” [13], tiến sỹ Nguyễn Lân Dũng nhận xét về không gian xóm Chùa trong hàng loạt những sáng tác của Đoàn Lê như sau: “Xóm Chùa là tên một làng quê được nhắc đến trong nhiều truyện ngắn của nữ tác giả Đoàn Lê. Có thể đó không phải là một địa danh thật và không phải mọi câu chuyện ở đây đều xảy ra tại một làng quê cụ thể nào. Nhưng với cái nhìn sắc sảo và nhân ái của tác giả, tôi tin là những câu chuyện xảy ra liên quan đến cái Xóm Chùa này đều là những chuyện có thật tại nông thôn nước ta từ ngày Mở cửa. Tôi khâm phục văn tài của Đoàn Lê vì chị đã làm cho người đọc không thể không khắc khoải suy nghĩ và lo âu cho tương lai của nông thôn nước ta trước những diễn biến đi ngược lại với truyền thống nhân văn, nhân ái qua hàng nghìn năm qua”.