người đọc cũng chính bởi thứ ngôn từ giản dị, thô mộc mà đặc sắc với những câu văn “lúc lỉu những thành phần như một đoàn tàu chợ”… Văn của ông là tiếng nói đau đáu, thiết tha đòi quyền sống cho những kiếp người cùng khổ, bởi “Nguyên Hồng viết bằng tình thương, một tình thương không kiềm chế được. Nguyên Hồng viết bằng nước mắt, nước mắt không có giọt cuối cùng. Chìm dưới đáy mỗi một câu văn Nguyên Hồng là những giọt nước mắt như thế” (Linh Thi). Những câu văn dài bộn bề chi tiết “như một cái cây xum xuê, lúc lỉu những thành phần như một đoàn tàu chợ”, được bắt nguồn từ một vốn sống phong phú, một tấm lòng giàu tình cảm, và một tâm hồn dạt dào sức sống của Nguyên Hồng. Phải chăng viết như vậy nhà văn mới “chuyển tải” hết được nỗi khổ đau vô bờ bến của các nhân vật (đặc biệt là nhân vật phụ nữ và trẻ em) trong xã hội cũ. Và cũng chỉ mới như vậy, nhà văn mới thể hiện được chủ nghĩa nhân đạo thống thiết của mình đối với con người, đối với cuộc đời và tình yêu đối với văn chương nghệ thuật.
4.3.1.2. Ngôn ngữ phù hợp với tâm lý, tính cách của từng kiểu nhân vật
Như đã nói, thế giới nhân vật của Nguyên Hồng là thế giới của những con người lao động nghèo khổ dưới đáy trong xã hội thực dân phong kiến. Và để khắc họa cụ thể, sinh động từng kiểu nhân vật đó, nhà văn đã sử dụng thứ ngôn ngữ nghệ thuật phù hợp với từng kiểu nhân vật, phù hợp với các nét bản chất và tính cách riêng biệt của họ.
Với những người lao động nghèo khổ như: phu phen, thợ thuyền, những người buôn thúng, bán bưng… thì ngôn ngữ của họ phần lớn là những từ ngữ bình dân xô bồ, bạo dạn. Tuy nhiên đó là những lúc họ phải bươn chải vật lộn để kiếm ăn, để tồn tại, “hoàn cảnh sống đã rèn đúc nên ở họ tính can đảm đến táo tợn”, còn với những người cùng cảnh ngộ, với cha mẹ, chồng vợ, con cái, hàng xóm… họ dành cho nhau những câu nói tình nghĩa thật xúc động. Chẳng hạn như lời nói đầy động viên, an ủi của Mũn (trong Đây bóng tối) nói với Nhân lúc Nhân bị mù lòa, đau đớn, phiền muộn muốn quyên sinh: “- Thôi mình ạ, cảnh ngộ eo hẹp bắt buộc phải thế mình cũng đừng nên phiền muộn làm gì… mà mình trông ba đứa con hay vòi vĩnh, hay quấy khóc kia kìa, chăm nom chúng thật bận bịu vô cùng, thế mà mình còn phải coi cả cơm nước cho cả nhà thì sự vất vả, nắng nôi của tôi có thấm thía gì”. Sự cảm thông và lời nói đầy tình nghĩa ấy đã làm dịu lòng
Nhân, làm cho Nhân quên hẳn cái ý định tự tử để cho Mũn “nhẹ gánh” trên vai. Hoặc đó là lời an ủi của một người mẹ già với con trai khi cả nhà họ đang bị cái đói đe dọa từng ngày, khi xung quanh họ là cảnh người đói lần lượt chết như ngả rạ hai bên đường “- Đã có giời! không ai cưu mang được ai nữa thì đã có giời. Chẳng nhẽ giời lại đoản hết cả mọi người? (…) Giờ đã ngoài đôi mươi tháng giêng, mà cuối tháng ba sang tháng tư thì giời có mưa. Giời để cho sống qua mấy tháng nữa là không việc gì nữa. Phải! Không lo nữa, có thóc chiêm, hơn hai tháng nữa có thóc chiêm” [73, tr. 602]. Trong khung cảnh tối tăm vì sự đói khát chết chóc ấy, bà lão gần đất xa trời đã động viên con trai tin tưởng vào những ngày tháng trước mắt. Sự lạc quan của bà mẹ nghèo ấy thật đáng quý, nó xuất phát từ triết lý muôn đời của nhân dân lao động “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, nhất là ở trong những hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy! Những đối thoại tình nghĩa ấy thể hiện bản chất tốt đẹp, tình nghĩa sâu sắc của những người dân lao động, đồng thời cũng thể hiện được quan niệm của nhà văn về con người: “Tất cả những con người bị coi là cặn bã ấy đều không ít chau chuốt cho sự sống những tình cảm sâu xa tươi thắm mà các bọn người trong giai cấp bóc lột không thể nào có được, không thể nào xử sự được” [67].
Như đã nói, ngôn ngữ của Nguyên Hồng là thứ ngôn ngữ giản dị, gần với lời ăn tiếng nói của tầng lớp lao động dưới đáy xã hội đương thời. Trong các tác phẩm Láng, Quán Nải, Những ngày thơ ấu, Mợ Du… ta nhận thấy có nhiều những từ ngữ nói về những công việc nặng nhọc của nhà nông, như: cắt cỏ, cày, vác, cuốc, đập, làm đất… “họ, kẻ vác cày cuốc đập, đòn gánh người dắt trâu hay mang những nón áo, ấm đất, điếu cày. Tất cả đều lặng lẽ, phờ phạc vì đói mệt” [73]; Những từ ngữ của những người làm nghề buôn thúng, bán bưng, (hoặc những nghề nhỏ mọn khác) cũng có rất nhiều trong sáng tác của Nguyên Hồng trước Cách mạng. Những từ ngữ chỉ những dụng cụ lao động của họ như thúng, mủng, mẹt, vỉ buồm, chòng, xay bột, làm bánh, thạch, chè, xôi chè, luộc khoai, nhà đò, luồng nước, hàng quà, bán rong… Nhiều hơn cả là từ ngữ gắn liền với công việc cực khổ của những người thợ thuyền, của phu khuân vác, đội than ở các nhà máy, bến tàu, bến cảng, như: máy hập, băng, xe goòng, chở, vác, đèo, đội, thợ nề, làm phu, cu ly, đòn bẩy, thanh sắt, dây curoa, đất, đá, bánh xe, dây da, chuyển động, ổ sắt, búa lớn, quai… Điều đặc biệt là với những từ ngữ giản dị, bình thường mang đậm hơi thở cần lao ấy đã được Nguyên Hồng tái hiện thành một bức tranh đầy
màu sắc về sự khốn khổ lam lũ của những con người sống dưới đáy xã hội. Đúng như Nguyễn Minh Châu nhận xét về ngôn ngữ Nguyên Hồng “câu chữ nào cũng lấm láp cuộc sống, mang hơi thở hổn hển của cuộc sống lam lũ”. Những từ, những câu chữ ấy luôn “cựa quậy, phập phồng” đánh vào tâm thức người đọc, ám ảnh người đọc về cuộc sống nô lệ của nhân dân ta dưới thời thực dân phong kiến. Nguyên Hồng có thói quen lúc rỗi rãi thường hay đến những nơi đông người như vườn hoa, chợ, bến tầu, bến xe,… để lắng nghe ngôn ngữ đối thoại đời thường, ngôn ngữ chợ búa, ngôn ngữ của những người lao động buôn thúng, bán bưng vất vả cực nhọc để chắt lọc và đưa vào văn chương của mình. Vì thế, ngôn ngữ của Nguyên Hồng là ngôn ngữ của đời sống cần lao, “mang hơi thở nóng hổi” của cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm!
- Không Gian Xã Hội Đen Tối, Nhức Nhối, Chứa Đựng Đầy Bất Công Và Tội Lỗi
- Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng thời kỳ trước năm 1945 - 16
- Ngôn Ngữ Đầy Ắp Chất Liệu Cuộc Sống Cần Lao, Phù Hợp Với Tâm Lý, Tính Cách Của Từng Kiểu Nhân Vật
- Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng thời kỳ trước năm 1945 - 19
- Đề Tài Nghiên Cứu Khoa Học Cấp Bộ
- Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng thời kỳ trước năm 1945 - 21
Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.
Với những nhân vật tha hóa, lưu manh hóa, tác giả đã sử dụng một thứ ngôn ngữ đặc biệt - thứ ngôn ngữ phù hợp với tính chất nghề nghiệp và bản chất, tính cách của những con người táo tợn, bất cần, sống cuộc sống ngoài vòng pháp luật. Khác với những nhà văn khác cùng thời, cùng khuynh hướng, Nguyên Hồng là người đặc biệt dành sự quan tâm nhiều đối với loại nhân vật tha hóa, lưu manh hóa - và cái khác biệt của nhà văn cũng chính là ở kiểu xây dựng loại nhân vật này. Có lẽ do hoàn cảnh sống dưới đáy xã hội mà Nguyên Hồng đã phải nếm trải, nên ông gần gũi và rất am hiểu họ. Với kiểu nhân vật này nhà văn sử dụng những từ ngữ ăn nói trợn trạo, bất cần đời, đầy tiếng lóng của những dân “anh chị”. Ta hãy lắng nghe một cuộc đối thoại trong Bỉ vỏ giữa nhân vật Năm Sài Gòn và đồng bọn:
“Hắn nói đến đây, cả bọn nhao nhao lên hỏi:
- Có “Tế bướu” (nhiều tiền) không?
- Bao nhiêu “thạch” (đồng)?…
- Tôi biếu anh Năm “trách chợm” (một chục), còn mỗi anh “kẹo thạch” (năm đồng).
Tư lập lơ lấm lét chờ Năm nhận lời mới hất hàm hỏi Chín:
- Thế “khánh vọt” (khánh vàng) với “khong bẹt” (khóa vòng bạc) đâu? Chín hiếc cười đáp:
- Ấy suýt tôi quên thằng “vỏ lỏi” bế em bé đưa ra ao than, chực tháo khánh và vòng, xích thì có bốn “so quéo” ở trong ấy đi ra bắt gặp nó, nó hoảng hốt vứt
đứa bé xuống một cái hố rồi chạy mất… Lại thấy bóng “cớm chùng” và “cớm tẩy”, tôi phải bấm nó rồi cả hai “ngũ dị” đi thẳng” [74, tr. 338].
Và đây là ngôn ngữ đối thoại trong cuộc cắt máu ăn thề của những tay “anh chị” đất Hải Phòng: “Tôi là Sửu Nháy, hai mươi mốt tuổi, không cha mẹ, không anh em, vợ con không quê quán… can án sáu lần, tổng cộng bốn năm tù… xin nguyện hết lòng giúp đỡ, bênh vực anh em, nếu sai lời sẽ bị trời tru, đất diệt”; “Tôi là Tư Chơi, hai mươi tư tuổi, không quê quán, anh em, cha mẹ, can án tám lần, tổng cộng 7 năm tù, nguyện như Sửu Nháy nếu sai lời xin quỷ thần hai vai bắt hộc máu chết tươi”;“Tôi là Bảy Hựu, hai mươi tuổi, không cha mẹ, không quê quán… không cả chồng con, theo anh Hai Răng vàng giang hồ từ thuở nhỏ, can án sáu lần, cộng bốn năm tù, xin nguyện như anh em, nếu sai lời, sẽ bị chết đâm, chết chém ở đầu đường, xó chợ”… [73, tr. 124].
Ta thấy qua những đoạn đối thoại trên, tác giả đã tạo được một loại ngôn ngữ có sắc thái riêng của những kẻ giang hồ hành nghề cướp giật, đâm thuê, chém mướn. Họ muốn tồn tại được thì phải bất chấp tất cả, nên họ “yêng hùng” ngay cả trong khẩu khí. Nguyên Hồng đã chú ý sử dụng ngôn ngữ đối thoại để thể hiện bản chất và nghề nghiệp của loại nhân vật này. Đặc biệt, trong tiểu thuyết Bỉ vỏ những tiếng lóng, những biệt ngữ mà các nhân vật lưu manh, tha hóa sử dụng là 272 lượt (tần số được Nguyên Hồng sử dụng hết sức đậm đặc). Có thể kể ra hàng trăm từ lóng mà tác giả đã sử dụng như: “Hồ lỳ” (người tính toán ở chiếu bạc),“chạy dọc” (kẻ ăn cắp trên tàu thủy, tàu hỏa hay ô tô), “cớm chùng” (mật thám), “phụ cớm” (phụ mật thám), “cớm độc” (đội xếp), “Cớm tẩy” (mật thám tây, đội sếp tây), “tôm”(bắt), “mòi” (móc, rút) hay những biệt ngữ:“vỏ lỏi” (ăn cắp nhỏ tuổi), “tiểu yêu” (chỉ trẻ con ăn cắp), “yêu tạ” (kẻ cắp lâu năm), “bỉ vỏ” (đàn bà ăn cắp),“quấy” (đi chơi nhà chứa);“diễn xưa” (uống rượu say),“phiện phò” (hút sách chơi bời);“bùng” (án biệt xứ),“pét bích” (tám lần can án),“củ” (chết), “ngũ dị” (chạy trốn), te (đẹp), “tiền bồi” (tiền ăn cắp của bọn ăn cắp trích nộp cho đàn anh), hiếc (lần lưng, móc túi), “khai” (cắt túi, xẻo đẫy), “hắc” (cẩn thận, khôn ngoan), “thắt đớm” (thắt lưng), “tễ biếu” (nhiều tiền), “đi phiên” (đi khám bệnh), “bét dịp” (tám tháng), “nhỡ” (bị tù), “đét” (không ăn cắp được), “mổ chạc” (ăn nhờ), “ngũ dị” (chạy trốn)… Nguyên Hồng dùng nhiều những tiếng lóng, những biệt ngữ như trên với mục đích để phản ánh cuộc sống tối tăm đầy tội lỗi và cũng đầy
nguy hiểm của những kẻ lưu manh, trộm cắp, cùng đường nổi loạn. Các nhân vật này sử dụng những tiếng lóng, những biệt ngữ như vậy là để thông báo cho nhau trong những hoàn cảnh bị dồn đẩy, hoặc trong những tình huống cực kỳ nguy hiểm, hoặc khi trốn chạy để khỏi bị mật thám bắt… Cuộc sống tăm tối bấp bênh của họ được nhà văn miêu tả bằng nhiều tiếng lóng mà chỉ có những kẻ “trong nghề” mới hiểu được. Tài năng của Nguyên Hồng là ở chỗ nhà văn đã dùng chính ngôn ngữ của họ để miêu tả thực tế cuộc sống của họ, một cuộc sống ăn cắp, ăn cướp, đâm thuê, chém mướn, trong sự lo sợ bị bắt, bị vào tù hoặc sự thanh toán lẫn nhau có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngay cả khi bày tỏ tình cảm, họ cũng nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ của riêng họ: "Tám Bính vênh mặt nũng nịu:
- Khi nào cớm mó được đến người em. Năm Sài Gòn lườm yêu Bính:
- Mình chỉ kiêu ngạo thôi, tài giỏi sành sỏi như Tư Lập Lơ còn “cáy” không dám làm tiền nữa là mình thứ vị gì.
- Nhưng em…
- Em là “bỉ” chứ gì?
... Năm liền quàng tay qua Bính, kéo mặt Bính sát tận mặt mình, thều thào:
- Em gái nhỏ tôi “te” quá”. [73, tr. 392].
Như vậy, chủ ý đưa tiếng lóng vào trong đối thoại của các nhân vật này, nhà văn nói lên bản chất nghề nghiệp của họ, đó là thứ ngôn ngữ chỉ bản chất hung hãn và thái độ bất cần đời của những con người bị dồn đẩy phải sống một cuộc sống ngoài vòng pháp luật. Đúng như tác giả Lê Hồng My đã nhận xét: “Tiếng lóng của Nguyên Hồng đã đưa người đọc đến với tầng lớp cặn bã nhất của xã hội để nhận biết về sự đau xót của hạng đĩ điếm, trộm cắp, sát nhân vẫn bị người đời khinh rẻ. Đó là mảng hiện thực mà bao thế hệ nhà văn đã không ngừng trăn trở, tìm hiểu, khám phá. Dưới ngòi bút Nguyên Hồng, tiếng lóng đã bồi đắp thêm giá trị hiện thực của tác phẩm, làm cho bức tranh đời sống xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám trong văn học nước nhà thêm chân thực và sâu sắc” [101, tr. 127].
Có thể thấy, với những nhân vật tha hóa, lưu manh, trộm cướp… nhà văn thường sử dụng những ngôn ngữ của những kẻ bợm trạo, bất cần, hoặc những
tiếng lóng của giới giang hồ để lột tả bản chất và tính nghề nghiệp của họ. Cũng vậy, khi miêu tả cuộc sống của những đứa trẻ lang thang nơi đầu đường xó chợ, nhà văn sử dụng những từ ngữ phù hợp với hoàn cảnh sống và tâm lý của lứa tuổi này. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ của kiểu nhân vật trẻ em, người đọc nhận thấy đó là thứ ngôn ngữ vừa trẻ con, lại vừa già dặn của người lớn. Phải chăng môi trường lao động cực nhục bắt buộc chúng phải bươn trải, phải giành giật, phải mánh lới… như những tay “anh chị” lớn tuổi để tồn tại? Chúng có những từ ngữ riêng, không ngang ngược bất cần như những tay “anh chị”, nhưng cũng đầy tính “bụi đời” - thứ ngôn ngữ đã ngấm vào chúng trong những ngày kiếm sống. Đây là đoạn đối thoại của hai nhân vật Điều và Tý Sáu, chúng bàn nhau ăn cắp tiền của ông già mù trong truyện ngắn Con chó vàng: “- Con chó vẫn thức mày ạ. Mà tao biết hai thằng mình khờ rồi, ban ngày đi ăn xin, ông lão mới bỏ quần áo vào bị chứ đi ngủ, thế nào bố già chẳng lẩn vào người. Mà bên bố già lại có con chó tai quái kia thì có giời mà lấy được.
- Ức thật, hai thằng sáng mà lại chịu thua con chó của bố mù” [73, tr. 156].
Lẽ ra, bình thường người đi ăn xin lại bị mù làm người ta thương xót, nhất là tình cảm ấy ở trẻ em lại càng trong sáng và thể hiện sự thương xót nhiều hơn, nhưng cuộc sống kiếm sống lang thang nơi đầu đường xó chợ làm các em trở nên chai sạn mất dần đi những tình cảm tốt đẹp, dửng dưng với những cảnh ngộ rất đáng thương tâm của người đời. Chúng gọi ông lão là “bố già”, là “bố mù” một cách dửng dưng và còn định giết chó, cướp tiền của ông lão - người còn khốn cùng hơn chúng. Trong Bỉ vỏ, Nguyên Hồng miêu tả cảnh những đứa trẻ lang thang đầu đường xó chợ, ăn cắp, lừa lọc để tồn tại, nhưng cũng có nhiều lúc chúng bị các tay “anh chị” “hớt tay trên” “sản phẩm” ăn trộm của chúng, đẩy chúng vào tình trạng sắp chết vì đói, chúng đã bộc bạch những nỗi tức tối qua những lời nói đầy hằn học, đầy biệt ngữ và tiếng lóng:
“Hiếu chêm một câu:
- Mà Tám Bính “siêu” (lấy đi) mới thần tình chứ.
… Hiếu chuyên môn ăn cắp, nên các cử chỉ của Bính nó diễn lại một cách khéo léo, tự nhiên vô cùng làm Sẹo phải tròn mắt kêu lên:
- Tám Bính “dựa nhẩu” (lấy nhanh) đến thế cơ à?
Minh hất hàm cười:
- Ấy chết, bà mày có biết “làm tiền” tí nào đâu! Mất hết cả ngờ vực, thằng Sẹo gật gù:
- Khoái đấy, thích đấy!... Nó vui vẻ cất tiếng:
- Chúng mày nhỉ, “bỉ” (ăn cắp) ấy dễ lắm, tốt lắm, làm thế nào những lúc “đét” (túng thiếu), chúng ta chả “trách phò” (xin nhờ vả) được tí tỉnh” [74, tr. 381].
Qua những đối thoại trên, ta thấy nhân vật trẻ em, tuy còn ít tuổi nhưng đã sử dụng các tiếng lóng, những biệt ngữ nghề nghiệp của chúng một cách thành thục, trơn tru. Cuộc đời của chúng nhiều lúc phải trải qua những ngày đói khát, rét mướt ê chề, chênh vênh giữa sự sống và cái chết, như nhân vật Minh có lúc “đói quá lả đi mê mệt, nằm rũ trên thềm gạch xây cạnh chuồng tiêu… May mà sáng hôm sau thằng Hiếu ăn cắp được đôi giày ta mới, bán được hai hào rưỡi mua phở cho nó ăn, chứ không nó chết đói mất” [74, tr. 383]. Ta thấy, trong những hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy, tận đáy sâu tâm hồn các em vẫn ngời lên sự tương thân, tương ái, đùm bọc lẫn nhau của những người cùng cảnh ngộ. Điều đó làm người đọc ấm lòng hơn bởi thấy các em là những đứa trẻ đáng thương chứ không đáng giận cho dù bị rơi vào hoàn cảnh nào.
Để miêu tả cuộc đời những người phụ nữ phải làm nghề mại dâm để tồn tại, Nguyên Hồng cũng dùng những từ ngữ phù hợp với nghề nghiệp của họ, như: “sộp”, “đồ chơi”, “đi phiên”, “lẳng giai”, “sộp kê”, “xé giấy”,… hoặc những từ ngữ thể hiện những trạng thái cảm xúc khi tủi thân, khi ê chề, tủi nhục, đau đớn của những người đàn bà bị sa chân vào nhà chứa như: Tám Bính, Hai Liên… “Sau sáu mươi ngày đêm ròng rã ít khi chợp mắt làm “đồ chơi” cho mọi hạng người, tiếp những ông khách “sộp” của chủ chứa mà đến tiền đi “phiên” (đi khám bệnh) cũng không có” …
…“Dứt lời, Hai Liên bấm Tám Bính, ghé vào tai Bính nói thầm: Thằng cha này có vợ nhưng vợ ở tận Hà Đông, ít khi gặp xuống chơi, nó lẳng giai lắm mà
“sộp kê” (nhiều tiền) lắm, lại đi đạo nữa đấy”;
…“Hai Liên ái ngại, cau mày ngẫm nghĩ một lát rồi bảo Bính:
Chị muốn rời bỏ chốn này lắm phải không?... thôi được… khi nào chị thật khỏe mạnh, em sẽ đánh mối giúp chị một người có thể xé giấy lấy chị…
“Em không lừa dối chị đâu tuy em thường “khấu bộp” mọi người để lấy tiền” (Bỉ vỏ) …
Vào thời điểm đó, các tác phẩm của văn học lãng mạn đang đến với bạn đọc bằng những từ ngữ nuột nà, trơn tru đầy mộng mơ của những chàng và nàng, những nhân vật chàng trai, cô gái Mới tân thời, đã chinh phục và ru ngủ độc giả bằng những tác phẩm: Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đời mưa gió, Đoạn tuyệt… thì Nguyên Hồng đã dũng cảm đưa vào trang viết của mình những từ ngữ đầy gân guốc, bụi bặm, đầy tính bình dân của nhà máy, của than bụi, của nhà máy, của bến phà, từ ngữ của đời sống cần lao để miêu tả chân thực đời sống lam lũ của họ. Điều đặc biệt cũng là khác biệt của nhà văn là ông đã sử dụng những biệt ngữ, những tiếng lóng để miêu tả cuộc sống hỗn độn, khốn cùng của những con người sống dưới đáy xã hội, sống ngoài vòng pháp luật. Giáo sư Hà Minh Đức khẳng định: “Không thể làm sống dậy cuộc sống giang hồ, lưu manh của những kẻ như Tám Bính, Năm Sài Gòn, Ba Bay nếu như trong Bỉ vỏ Nguyên Hồng không dùng tiếng lóng”. Thành công của Nguyên Hồng chính là ở chỗ ông đã đưa tiếng lóng trở thành một thứ ngôn ngữ nghệ thuật vào văn chương và giúp ta hiểu thêm về những con người tội lỗi bị xã hội cũ ruồng bỏ, để cảm thông và thương xót cho họ. Đồng thời, tiếng lóng của Nguyên Hồng đã góp phần làm phong phú thêm ngôn ngữ văn xuôi hiện đại.
Còn với những nhân vật thanh niên trí thức tiểu tư sản nghèo khổ thì ngôn ngữ đối thoại của họ rất ít mà thường nặng về suy nghĩ nội tâm. Trong các sáng tác Tôi dạy học, Lớp học lẩn lút, Một trưa nắng, Hai dòng sữa… các nhân vật thanh niên trí thức đều ít hành động, ít đối thoại, mà nặng về độc thoại, suy nghĩ. Ví dụ như trường hợp nhân vật Hưng (trong Miếng bánh) vì đói ăn dài ngày mà anh đã bỏ ra hai hào để mua bánh để tận hưởng thỏa mãn cơn khát thèm, bỗng hình ảnh đói khát, xác xơ của người vợ hiện ra khiến cho anh cảm thấy tê dại, miếng bánh bỗng nhiên thành “mảnh thủy tinh tẩm mật cá”. Và anh tự chất vấn mình, toàn bộ tâm trí anh quay cuồng bởi tiếng rít mắng của còi lòng: “Khốn nạn! Sao mày lại lén lút ăn không chia sẻ với vợ con như thế này! Mày thèm khát thế vợ con mày no đủ hay sao? Mày còm còi thế vợ con mày béo tốt hay sao? Mày nhẫn tâm thế à?”. Biết đó là hành động xấu xa, ích kỷ, Hưng không nén nổi giận dữ, anh tự xỉ vả mình là “khốn nạn”, “nhẫn tâm”. Những tiếng nói lên án gay gắt lên án tự trong