những doanh nghiệp nhà nước lớn hoạt động trong lĩnh vực độc quyền (như PetroVietnam, VNPT, EVN,…) để bảo vệ những doanh nghiệp nhỏ hơn và người tiêu dùng. Vì vậy, cần mở rộng thẩm quyền xử lý vụ việc của Cục Quản lý cạnh tranh; về mặt tổ chức thì Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương, nhưng khi ra quyết định thì nên được hoàn toàn độc lập, chứ không phải là cơ quan giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Công thương để quản lý nhà nước về cạnh tranh.
1.2.4 Tăng cường hợp tác quốc tế
Cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam cần tăng cường sự hợp tác với các cơ quan quản lý cạnh tranh quốc tế để trao đổi thông tin liên quan đến tập trung kinh tế xuyên biên giới. Với xu hướng tập trung kinh tế xuyên biên giới ngày càng gia tăng, sự hợp tác quốc tế giữa các cơ quan quản lý cạnh tranh là rất quan trọng. Hiện nay, có rất nhiều tập đoàn đa quốc gia hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và có vị thế thị trường tương đối lớn nên thông qua hợp tác quốc tế, Cục Quản lý cạnh tranh có thể chủ động hơn trong việc giám sát hoạt động tập trung kinh tế của nhóm doanh nghiệp này.
Ngoài ra, đối với các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan khác cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát tập trung kinh tế. Để việc quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh và việc kiểm soát tập trung kinh tế hiệu quả, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý cạnh tranh và cơ quan đăng ký kinh doanh cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Hiện nay, chỉ có điều 38 Nghị định 116/2005/ NĐ-CP quy định về vấn đề này bằng trách nhiệm của cơ quan quản lý cạnh tranh trong việc gửi trả lời thông báo tập trung kinh tế đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Còn bên Luật Doanh nghiệp, mặc dù bước đầu đã sử dụng những nguyên tắc trong việc kiểm soát tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh, song trong thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục sáp nhập, chuyển nhượng vốn, cổ phần lại không có những quy định thích hợp để sự liên kết giữa thủ tục thông báo tập trung kinh tế và các thủ tục tương ứng đạt hiệu quả. Về nguyên tắc, trong những trường hợp phải thông báo theo Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp chỉ được thực hiện tập trung kinh tế sau khi có trả lời bằng văn bản của cơ quan quản lý cạnh tranh khẳng định vụ việc không thuộc trường hợp bị cấm. Khi đó, trong hồ sơ đăng ký kinh
doanh, hồ sơ sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp… cần có thêm văn bản trả lời của cơ quan quản lý cạnh tranh. Tuy nhiên, các quy định trong Luật doanh nghiệp và Nghị định 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/08/2006 về đăng ký kinh doanh không quy định về việc này. Thực trạng trên chắc chắn làm cho sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan càng thêm lỏng lẻo. Khi đó, việc kiểm soát tập trung kinh tế khó đem lại hiệu quả cao. Cần có một kênh thông tin để trao đổi cơ sở dữ liệu liên quan đến thông tin doanh nghiệp, phải báo cáo cho cơ quan chức năng giữa cơ quan quản lý cạnh tranh và các cơ quan chuyên ngành như Tổng cục thống kê, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán nhà nước, Ngân hàng nhà nước, các cơ quan điều tiết ngành. Các cơ quan đăng ký kinh doanh tại các địa phương (Sở Kế hoạch – Đầu tư) cũng lưu ý hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh cần tuân thủ các quy định của pháp luật về cạnh tranh để tránh trường hợp doanh nghiệp cứ tiến hành nhưng sẽ bị buộc phải thực hiện các biện pháp chế tài ở mức rất cao (có thể bị phạt đến 10% tổng doanh thu của năm tài chính trước thời điểm vi phạm và cùng với các biện pháp khắc phục hậu quả bổ sung).
2. Các đề xuất đối với doanh nghiệp
Về nguyên tắc, việc thực hiện các hành vi tập trung kinh tế là quyền của doanh nghiệp. Dưới góc độ kinh tế thì đây là quyền tự do kinh doanh mà pháp luật đã thừa nhận và bảo vệ. Rất khó để một doanh nghiệp có thể lớn mạnh ngay lập tức mà họ sẽ phải chấp nhận sự cạnh tranh gay gắt cả ở trong nước và nước ngoài. Tập trung kinh tế là một trong những cách thức hiệu quả giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cơ cấu hệ thống quản lý, bộ máy tổ chức nên cần được doanh nghiệp coi là một trong những chiến lược phát triển lâu dài. Doanh nghiệp cần phải nỗ lực tìm kiếm và đàm phán với những đối tác thực sự có khả năng để cùng phát triển.
Mặc dù Luật Cạnh tranh của các quốc gia nói chung cũng như của Việt Nam nói riêng đều không loại bỏ cách hành vi tập trung kinh tế ra khỏi thị trường, song vẫn phải kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế nhằm tránh nguy cơ doanh nghiệp hình thành vị trí thống lĩnh thị trường hay độc quyền, ảnh hưởng đến cạnh tranh. Nên bản thân các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc các quy định về tập trung
kinh tế, không được đi quá những điều mà pháp luật đã quy định; đồng thời mức chế tài đối với những vi phạm này cũng là rất lớn (gồm cả mức phạt bằng tiền tính theo doanh thu và các biện pháp khắc phục hậu quả khác). Doanh nghiệp nên nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ thông tin theo yêu cầu của luật pháp, có sự tham vấn với cơ quan chức năng trước khi tiến hành tập trung kinh tế (đặc biệt là về thủ tục thông báo, thủ tục xin hưởng miễn trừ, thị phần của các doanh nghiệp tham gia,...) và hợp tác với cơ quan điều tra khi xảy ra vụ việc ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh.
Các doanh nghiệp cần xây dựng được kênh kiểm soát thông tin, tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh nói chung, hoạt động tập trung kinh tế nói riêng. Bởi vì trong hoạt động tập trung kinh tế, thông tin về giá cả, thương hiệu, thị trường, thị phần, quản trị... là rất cần thiết cho các bên tham gia. Nếu thông tin không được kiểm soát, minh bạch thì có thể gây nhiều thiệt hại cho các bên, đồng thời ảnh hưởng nhiều đến các thị trường khác như hàng hóa, chứng khoán, ngân hàng. Bởi vì, cũng như các thị trường khác, thị trường tập trung kinh tế hoạt động có tính dây chuyền, nếu một vụ tập trung kinh tế lớn diễn ra không thành công hoặc có yếu tố gian dối thì hậu quả cho nền kinh tế là rất lớn vì có thể cổ phiếu, trái phiếu, hoạt động kinh doanh, đầu tư... của doanh nghiệp đó nói riêng và các doanh nghiệp liên quan bị ảnh hưởng theo.
Có thể bạn quan tâm!
- Bộ Máy Quản Lý Nhà Nước Về Tập Trung Kinh Tế Ở Việt Nam
- Xu Hướng Và Một Số Giải Pháp Kiểm Soát Tập Trung Kinh Tế Tại Việt Nam
- Một Số Giải Pháp Nhằm Kiểm Soát Tập Trung Kinh Tế Một Cách Hiệu Quả.
- Thông Tin Về Các Doanh Nghiệp Dự Định Tham Gia Tập Trung Kinh Tế
- Tập trung kinh tế: xu hướng và những vấn đề đặt ra tại Việt Nam - 12
- Tập trung kinh tế: xu hướng và những vấn đề đặt ra tại Việt Nam - 13
Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.
Thị trường tập trung kinh tế là một thị trường cần sự tham gia, tham vấn của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu về các lĩnh vực khác nhau như luật pháp, tài chính, thương hiệu... do đó, cần có những chương trình đào tạo để có được đội ngũ chuyên gia tốt, những người môi giới, tư vấn cho cả bên mua, bên bán, đồng thời là người cung cấp thông tin tốt nhất về thị trường. Có như vậy tập trung kinh tế tại Việt Nam mới hoạt động tốt và chuyên nghiệp hơn25.
25 Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương, Báo cáo tập trung kinh tế tại Việt Nam: Hiện trạng và dự báo, Hà Nội tháng 1/2009.
KẾT LUẬN
Tập trung kinh tế tại Việt Nam đã diễn ra khá sôi động trong thời gian qua và có xu hướng ngày một phát triển như là một chiến lược đổi mới tổ chức kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Các hình thức của tập trung kinh tế chủ yếu bao gồm sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp, liên doanh giữa các doanh nghiệp và các hình thức khác theo quy định của pháp luật, trong đó sáp nhập và mua lại được sử dụng phổ biến hơn cả. Là một khuynh hướng diễn ra rất mạnh trên thế giới, tập trung kinh tế một mặt mang lại hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp tham gia, mặt khác có thể làm cho môi trường cạnh tranh bị bóp méo, và tạo ra sự bất cân đối trên thị trường. Vấn đề là phải làm sao phát huy được điểm tích cực của các hoạt động này và hạn chế các tác động tiêu cực của nó.
Quá trình toàn cầu hoá thương mại, sự gia tăng cạnh tranh xuất phát từ quá trình tự do hoá kinh tế, việc mở cửa thị trường và sự gia tăng chi phí đầu tư công nghệ là những nguyên nhân làm cho tập trung kinh tế trở thành một hiện tượng có tính khách quan do nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Càng ngày, doanh nghiệp
không chỉ quan tâm đến phương diện cạnh tranh trực tiếp mà còn quan tâm đến phương thức giúp họ đảm bảo được ưu thế vượt trội của mình. Trong cuộc cạnh tranh này, tập trung kinh tế cho phép rút ngắn thời gian, tăng cường tác dụng mạng lưới và qua đó đẩy nhanh quay vòng đầu tư.
Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay đòi hỏi các nhà làm luật vừa phải thực thi chức năng kiểm soát tập trung kinh tế; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, công bằng; tuân thủ với các cam kết quốc tế của Việt Nam theo nguyên tắc vừa bảo vệ được cơ cấu cạnh tranh hiệu quả của thị trường vừa không xâm phạm quyền tự do đổi mới hình thức tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp.
Nghiên cứu thực trạng, xu hướng của hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam, đồng thời đề ra một số giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa việc kiểm soát tập trung kinh tế là tất cả nội dung mà khoá luận muốn hướng đến. Tham khảo kinh nghiệm thực tiễn quốc tế để ứng dụng linh hoạt với trường hợp của Việt Nam thực sự có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra giải pháp vừa tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, thích ứng với những đổi thay nhanh chóng từ áp lực hội nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO đặt ra, vừa đảm bảo thực thi các quy định kiểm soát tập trung kinh tế một cách hiệu quả.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. Tài liệu tiếng Việt
1) Đoàn Trung Kiên (2008), Pháp luật về cạnh tranh ở Việt Nam trong tiến trình tự do hoá thương mại, Tạp chí Luật học, số 10, trường Đại học Luật Hà Nội.
2) Bùi Thanh Lam (2008), Điều kiện xây dựng, phát triển thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam, Tạp chí Luật học, số 4, trường Đại học Luật Hà Nội.
3) Đinh Thị Mỹ Loan (2008), Tập trung kinh tế theo quy định của Pháp luật Cạnh tranh, Tài liệu hội thảo.
4) Phạm Duy Nghĩa (2004), Chuyên khảo Luật Kinh tế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
5) Tăng Văn Nghĩa (chủ nhiệm đề tài) (2007), Một số vấn đề đặt ra đối với việc thực thi Luật cạnh tranh, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 7 (231), Hà Nội.
6) Tăng Văn Nghĩa (2007), Những vấn đề đặt ra và giải pháp thực thi có hiệu quả Luật Cạnh tranh trong thực tiễn, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Hà Nội.
7) Tăng Văn Nghĩa (2008), Tài liệu học tập môn Pháp luật cạnh tranh, Trường Đại học Ngoại Thương - Khoa Quản trị kinh doanh, Hà Nội.
8) Phan Thảo Nguyên (2007), Một số lý luận về tập đoàn kinh tế - thương mại, Tạp chí Công nghệ Thông tin và Truyền thông.
9) Nguyễn Ngọc Sơn (2006), Kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh và vấn đề của Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 7, Văn phòng Quốc hội.
10) Lê Viết Thái (2005), Chuyên đề nghiên cứu về hành vi tập trung kinh tế. Đề tài Thể chế cạnh tranh tại Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, Viện nghiên cứu thương mại.
11) Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1998), Từ diển tiếng Việt, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
12) Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương (2009), Báo cáo tập trung kinh tế tại Việt Nam: Hiện trạng và Dự báo, Hà Nội.
13) Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương (2007), Kiểm soát tập trung kinh tế - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà nội.
14) Trường Đại học Luật Hà Nội (2006), Giáo trình Luật Thương mại, tập 1, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội.
15) Trường Đại học Luật Hà Nội (2006), Tạp chí Luật học, Chuyên đề về Luật Cạnh tranh, số 6
16) Thời báo Kinh tế Việt Nam (2009), Thành lập tập đoàn kinh tế mới: chưa có quy định cụ thể về chủ sở hữu, số 113
17) Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế (2005), Chính sách và thực tiễn pháp luật cạnh tranh của Cộng hoà Pháp, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
18) Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW. Trung tâm Thông tin - Tư liệu,
Tập đoàn kinh tế Việt Nam: Hiện trạng và xu hướng phát triển.
B. Tài liệu tiếng Anh
19) Cuts HRC (2008), Competition Law in Vietnam: A Toolkit, Hanoi
20) Michael Craig, 50 Best & Worst Business Deals of All Time
21)Berin Mihai, Economic concentration in the context of the world economy globalization, University of Oradea, Faculty of Economic Sciences, Romania.
C. Một số trang web:
- www.vcad.gov.vn (Trang web của Cục Quản lý cạnh tranh)
- www.mof.gov.vn (website Bộ Tài chính)
- www.mofa.gov.vn (website Bộ Ngoại giao)
- www.vibonline.com.vn (Diễn đàn các doanh nghiệp Việt Nam)
- www.vhdn.vn (Báo điện tử Văn hoá doanh nhân Việt Nam)
- www.vnmedia.vn (Cơ quan chủ quản: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN)
- www.vnexpress.net
- www.vneconomy.vn
- www.muabancongty.com
- www.sanmuabandoanhnghiep.com
- www.tinnhanhchungkhoan.vn
- www.atpvietnam.com
- www.saga.vn
- Sáp nhập thương hiệu: www.lantabrand.com
- www.nguoidaibieu.com.vn (Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội)
- Báo cáo định kỳ hàng năm về M&A của hãng dữ liệu toàn cầu Thomson (tại trang web www.thomson.com), hãng kiểm toán Pricewater house Coopers’ (website: www.pwc.com)