Tài nguyên du lịch biển Việt Nam cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng - 14

cho sức khỏe của du khách. Mỗi loại hình du lịch có những đặc trưng riêng nhưng trong thực tế du khách thường kết hợp một vài thể loại du lịch với nhau trong cùng một chuyến đi. Đa dạng hoá các dịch vụ giúp mở rộng thời vụ cho du lịch biển và mang hiệu quả kinh tế cao.

- Các khu nghỉ dưỡng được bố trí ở ven biển, tương đối xa các vùng dân cư, vì vậy công việc cứu hộ phải được đặt lên hàng đầu. Cần có đội ngũ nhân viên cứu hộ có sức khoẻ và phản ứng nhanh nhẹn.

Cần có đội ngũ đại diện nghỉ dưỡng (resort representation) có kiến thức về dinh dưỡng, có khả năng hướng dẫn các bài tập vận động - chịu trách nhiệm chăm sóc khách hàng đến nghỉ trọn gói ở các khu nghỉ dưỡng.

Nhân viên còn cần có hiểu biết về các loại hình giải trí, du ngoạn phổ biến trong vùng để tư vấn cho khách hàng và biết ngoại ngữ để giao tiếp với khách nước ngoài.

Có nhân viên hoặc thuê người dân địa phương hàng ngày đi dọc bãi tắm để nhặt rác (nylon, vỏ chai nước, các loại rong rêu do sóng đưa từ ngoài biển vào) và đảo cát để tránh gây nấm cho du khách.

- Đối tượng của du lịch nghỉ dưỡng biển là “khách thượng lưu”. Du khách nhiều tiền không quan tâm họ chi bao nhiêu cho một bữa ăn hay một buổi săn dưới biển nhưng lại đòi hỏi chất lượng các dịch vụ cao cấp và chuyên nghiệp. Để lôi cuốn khách quốc tế đến Việt Nam một lần và trở lại nhiều lần, các khu nghỉ dưỡng biển không nên lạm dụng chính sách cạnh tranh về giá mà cần tăng cường cơ sở vật chất, tiện nghi và tính chuyên nghiệp hay nói cách khác phải đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Mặt khác, các khu nghỉ dưỡng biển trong nước phải tạo được điểm khác biệt so với nhau và so với các khu nghỉ dưỡng của nước ngoài. Làm thế nào để khách không nhầm lẫn một khu du nghỉ dưỡng tại Hawai với một khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam và cũng không thể nhầm lẫn một khu du

lịch trên đảo với một khu du lịch trên đất liền. Nếu chỉ đơn thuần nhấn mạnh về tiện nghi của một khu nghỉ dưỡng 5 sao thì người ta có thể tìm thấy dễ dàng ở Hawai, Bali hay Phukhet... Chúng ta phải dựa vào đặc thù thiên nhiên và văn hoá khu vực để tạo bản sắc riêng. Giá trị cảnh quan vùng ven biển dễ bị trùng lặp và nhàm chán nếu nó không thể hiện được các không gian văn hoá xã hội khác nhau. Tập trung xây dựng cảnh quan kiến trúc và dịch vụ hạ tầng theo chuyên đề khác nhau, sử dụng kiến trúc truyền thống và bản địa, vật liệu địa phương, kết cấu cổ truyền cho các khu nhà nghỉ, khách sạn mang đến cái khác lạ cho du khách khi ngắm nhìn hay sống trong các kiến trúc đó. Vật liệu và vật trang trí tiểu cảnh là đồ dùng hàng ngày (lưới đánh cá, lu nước, mái chèo; lọ hoa sen, khóm trúc...) có khả năng tạo ngôn ngữ kiến trúc khác biệt giữa các vùng văn hoá.

3.2.2 Khai thác tài nguyên bền vững

Khai thác bền vững về tài nguyên là việc sử dụng các tài nguyên không vượt quá khả năng tự phục hồi của nó, sao cho đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện tại mà không làm suy yếu khả năng tái tạo trong tương lai để đáp ứng được nhu cầu của thế hệ mai sau.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 152 trang tài liệu này.

- Sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, không vượt quá sức chứa và hạn chế có những tác động tiêu cực đến môi trường.

Khái niệm sức chứa bao gồm 4 khía cạnh: vật lý, sinh học, tâm lý và xã hội. Về khía cạnh sinh học, sức chứa sinh thái tự nhiên được hiểu là giới hạn về lượng khách đến một khu vực mà vượt quá sẽ xuất hiện các tác động của các du khách và các tiện nghi do họ sử dụng tới môi trường, tới tập tục sinh hoạt của các loài thú hoang dã và làm cho hệ sinh thái xuống cấp. Về khía cạnh xã hội, sức chứa văn hoá xã hội được hiểu là giới hạn về lượng khách mà tại đó bắt đầu xuất hiện những tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đến đời sống văn hoá xã hội, đến những tập tục và truyền thống sinh hoạt của người dân bản địa. Dưới góc độ vật lý, sức chứa được hiểu là lượng khách tối đa mà không gian của điểm du lịch có thể tiếp

Tài nguyên du lịch biển Việt Nam cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng - 14

nhận. Nó liên quan đến những tiêu chuẩn tối thiểu về không gian đối với mỗi du khách cùng những hoạt động tương ứng với loại hình du lịch mà họ tham gia.

Theo mục đích du lịch, sức chứa cho nghỉ dưỡng biển được xác định 30- 40 m2/người (picnic 50 - 60 m2/người, thể thao 200 - 400 m2/người, hoạt động cắm trại ngoài trời: 100 - 200 m2/người) [25]. Cần tiến hành nghiên cứu sức chứa cho từng địa điểm du lịch nghỉ dưỡng biển cụ thể để có quy định và giải pháp phù hợp. Áp dụng các chỉ số sức chứa cùng với các chỉ số về thị trường vào việc xây dựng các công trình đón tiếp du khách.

- Môi trường, hệ sinh thái biển đảo là những yếu tố nhạy cảm, dễ bị phá huỷ trước các tác động của hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động du lịch. Nhu cầu phát triển du lịch biển đảo tăng nhanh gây sức ép lên tài nguyên. Tốc độ khai thác quá nhanh trong khi khả năng quản lý khai thác hạn chế. Trên thực tế, ở tất cả các cấp từ trung ương đến huyện, tỉnh đều có tiến hành quy hoạch để phát triển vùng ven biển. Tuy nhiên, việc quy hoạch này thường mang tính đơn ngành, thiếu sự điều phối theo cả cấu trúc chiều dọc (từ trung ương đến địa phương) và cả cấu trúc chiều ngang (các ngành trên cùng một địa bàn) hay nói cách khác là thiếu cách tiếp cận hệ thống đa ngành trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Nguồn tài nguyên thường bị chia cắt, chức năng thống nhất và hoàn chỉnh cũng như cân bằng sinh thái tối ưu của đới bờ biển bị phá vỡ. Sự bất cập giữa quy hoạch ngành và quy hoạch lãnh thổ dẫn đến tình trạng chồng chéo trong khai thác sử dụng tài nguyên biển. Trong các kế hoạch phát triển thiếu kế hoạch quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thiếu chiến lược khai thác cảnh quan tổng thể đi kèm với các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể để đánh giá, phê duyệt các dự án đầu tư du lịch. Khai thác mang tính chất tự phát, chỉ tập trung ưu tiên khai thác, ít chú ý đến việc bảo vệ môi trường và tài nguyên vùng bờ biển, thường chỉ chú ý đến lợi ích của ngành mình, ít chú ý đến

ngành khác. Tại một số địa phương, việc phát triển công nghiệp đang phá vỡ nhiều cảnh quan, xâm hại tới môi trường nghiêm trọng. Ở Quảng Ninh, những ngọn núi bị đào bới loang lổ để khai thác. Không chỉ trên mặt đất, những lò than cắt đứt những mạch nước ngầm làm môi trường thay đổi, làm chết cả rừng cây. Việc neo đậu và xuất phát của hàng trăm tàu thuyền trong vùng vịnh Lan Hạ làm xuất hiện váng dầu ở vùng nước biển Cát Bà gần khu vực bãi tắm Cát Cò. Du lịch biển, đảo đang có nhiều mâu thuẫn trong phát triển kinh tế xã hội, giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, lợi ích giữa các ngành... làm cho du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nguy cơ ô nhiễm còn do nề nếp sinh hoạt và ý thức bảo vệ môi trường kém của cư dân vùng biển.

Tài nguyên có thể tự duy trì hoặc tự bổ sung một cách liên tục nếu được quy hoạch và quản lý tốt. Cần thiết xây dựng chiến lược khai thác biển tổng thể đi kèm với các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể để đánh giá, phê duyệt các dự án đầu tư. Khi chưa có quy hoạch được phê duyệt thì chưa cấp phép xây dựng cho các dự án vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của tương lai. Vận dụng cách tiếp cận hệ thống đa ngành trong sử dụng tài nguyên biển, hạn chế mâu thuẫn giữa ngành Du lịch với các ngành kinh tế khác. Cần có nguồn đầu tư cần thiết cho việc bảo tồn, tái tạo tài nguyên cũng như việc thực thi các chính sách môi trường hợp lý.

Quản lý chặt chẽ việc xả rác trực tiếp cũng như gián tiếp xuống biển. Đầu tư trang thiết bị vận chuyển rác, xử lý rác. Thành lập đội chuyên thu gom rác và khuyến khích người dân tham gia vào quá trình thu gom rác. Nhà hàng, khách sạn phải có hệ thống xử lý nước thải riêng.

- Vùng ven biển là phần lãnh thổ phải đối mặt trực tiếp với những tác động của biển, sóng thần, bão lũ, nước dâng, sự xâm thực của nước

mặn, cho nên việc đầu tư các công trình du lịch thường rất tốn kém và chịu nhiều áp lực đối với sự phát triển bền vững.

Ở Việt Nam 75% bờ biển nước ta đang bị xói lở, có nơi đạt đến hàng chục mét mỗi năm. [24] Xói lở biển là kết quả của sự dâng cao của mực nước biển so với đất liền do hiệu ứng nhà kính gây nên. Đây là hiểm hoạ có tính trường diễn. Vì vậy phải đẩy lùi các công trình xây dựng và kết cấu hạ tầng vào sâu trong đất liền ít nhất 100 – 150 m với mực nước thuỷ triều lên. Xây dựng dải đệm an toàn ngăn cách giữa mực nước biển và khu vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong vùng dải đệm phát triển rừng phòng hộ bảo tồn, các barie sinh thái tự nhiên như cồn cát, gò đống đất đá tự nhiên. Các nhà cao tầng song song bờ biển cần để trống tầng trệt (như nhà sàn) để nước dâng có thể luồn qua. Nhà dài vuông góc với bờ biển, đầu hồi phía đông cần có kiến trúc tròn hoặc ôvan để giảm lực cản của nước và sóng biển.

Tiểu kết chương 3

Tài nguyên du lịch và tiềm năng kinh tế của vùng ven biển Việt Nam rất lớn tuy nhiên việc khai thác cho du lịch nghỉ dưỡng nói riêng và du lịch biển nói chung mới ở giai đoạn đầu của xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng của tài nguyên. Trong quá trình thiết kế các sản phẩm du lịch chưa căn cứ vào đặc điểm tài nguyên để định hướng sản phẩm đặc trưng cho khu vực dẫn đến tình trạng trùng lặp về sản phẩm du lịch biển.

Trong một thời gian dài, tỷ trọng khách du lịch (quốc tế, nội địa) cũng như thu nhập từ du lịch biển so với du lịch cả nước ổn định ở mức cao. Tuy nhiên, đối với khu vực ven biển với ưu thế nổi trội về tài nguyên, lại là trọng điểm đầu tư thì sự ổn định tương đối đó phản ánh du lịch biển chưa tạo được sự hấp dẫn đặc biệt với khách du lịch, cần những giải pháp đột phá.

Các khu nghỉ dưỡng biển cao cấp ở Việt Nam hạn chế về số lượng, quy mô, đa số xây dựng chưa rõ phong cách. Việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng chỉ mới được nhìn nhận dưới khía cạnh công năng kinh tế, còn khía cạnh thẩm mỹ, bảo tồn môi trường chưa được lưu tâm.

Yếu tố thân thiện với môi trường bị đe doạ khi bê tông hoá, diện tích cây xanh mất dần, khai thác quá sức chịu tải của môi trường và sự thiếu quan tâm đến hệ thống xử lý chất thải một cách khoa học.

Để xây dựng các khu nghỉ dưỡng biển cao cấp, có khả năng cạnh tranh cao, chúng ta phải chú ý đến vị trí; diện tích, độ cao, khoảng cách giữa các đơn vị kiến trúc; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân viên; đa dạng hoá, nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và quan trọng là phải đầu tư nghiên cứu để thiết kế nét khác biệt giữa các khu nghỉ dưỡng biển.

Để khai thác tài nguyên du lịch biển bền vững, chúng ta cần sử dụng tài nguyên không vượt quá khả năng tải; tiến hành quy hoạch, quản lý; hạn

chế các tác động tiêu cực đến môi trường và có những phương án đối phó với các hiểm hoạ thiên nhiên.


KẾT LUẬN

Tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng biển là các thành phần và tổng thể tự nhiên thuộc vùng ven biển và hải đảo có thể khai thác, sử dụng để tạo nên các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển.

Khí hậu Việt Nam với đặc trưng nóng ẩm, ít biến động, môi trường trong lành. Bờ biển Việt Nam kéo dài vơí 126 bãi biển tương đối bằng phẳng, cát trắng, mịn, độ trong suốt cao, nước ấm, sóng nhỏ, nền đáy biển chắc và an toàn. Núi ăn sát ra biển, nhiều dạng địa hình đan xen, phong cảnh luôn thay đổi đa dạng. Cách ly với lục địa, yên tĩnh, trong lành cộng thêm hình thái đặc biệt của cảnh quan, nhiều hải đảo Việt Nam có sức cuốn hút đặc biệt với đối tượng khách du lịch nghỉ dưỡng. Việt Nam còn có nhiều loại tài nguyên đặc sắc làm căn cứ cho việc xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn. Khu vực có ưu thế nổi trội về tài nguyên là vùng ven biển miền Trung, đặc biệt đoạn từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều kiện khai thác tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng biển nhiều thuận lợi.

Luận văn nhận diện, đánh giá tổng quát tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng biển Việt Nam về quy mô, số lượng, giá trị, phân bố đến các điều kiện khai thác, chứng minh Việt Nam có thế mạnh lớn về tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng biển. Đối chiếu với thực tế thấy chúng ta đang khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên đó không hiệu quả và thiếu bền vững, cần thiết có những định hướng để sử dụng tài nguyên tối ưu hơn.

Đây là một đề tài có ý nghĩa thực tiễn lớn. Tuy nhiên do phạm vi nghiên cứu rộng, khó khăn trong việc sử lý thông tin từ nhiều nguồn thứ cấp, lại không có điều kiện về thời gian và kinh phí để kiểm chứng thông tin nên những đánh giá nhận xét chưa sâu và chưa thực sự khách quan.

Hoàn thành luận văn này, tác giả xin trân trọng cảm ơn sự hướng dẫn và giúp đỡ nhiệt tình của TS. Nguyễn Phúc Đức.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 01/05/2023