kiên cố hoá các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông, các trạm xá. Hầu hết các xã có điểm bưu điện văn hoá xã, các bãi tập thể dục thể thao, nhà văn hoá thôn nơi hội họp của nhân dân. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Thông tin liên lạc đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu ngày càng phát triển của các làng nghề, tạo điều kiện cho họ tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Toàn thành phố đã đạt 26 máy điện thoại/100 dân. 100% số xã ngoại thành đã có điện thoại. Các làng nghề phát triển 100% số hộ làng nghề có điện thoại cố định như xã Vạn Phúc (Hà Đông), Bát Tràng (Gia Lâm), La Phù, Dương Liễu (Hoài Đức), Chuyên Mỹ, Phú Túc (Phú Xuyên), Ninh Sở, Thắng Lợi, Vạn Điểm, Quất Động (Thường Tín), Phùng Xá, Hữu Bằng (Thạch Thất),… Một số làng nghề có truyền thống như làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc,… có hàng nghìn cơ sở và hộ sản xuất sử dụng internet để giao dịch thương mại và quảng bá sản phẩm của làng nghề.
3.3. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG TÀI CHÍNH VỚI PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN VÙNG VEN ĐÔ HÀ NỘI
3.3.1. Những kết quả đạt được
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, tích cực: Trên cơ sở Nghị định 45/2012/QĐ-CP ngày 21/05/2012 của Chính phủ về khuyến công; Nghị định 134/2004/NĐ-CP ngày 09/06/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn; Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 7/07/2006 về phát triển ngành nghề nông thôn; Quyết định 1697/QĐ- UBND ngày 9/04/2011 của UBND Thành phố Hà Nội về phê duyệt chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2011 - 2015; Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy và Nghị quyết 03/2010/NQ-HĐND của HĐND Thành phố, UBND Thành phố đã ban hành và phê duyệt các đề án, kế hoạch xây dựng nông thôn mới, xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tại 19 xã.
Các nhiệm vụ, giải pháp được triển khai đồng bộ như: Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, huy động các nguồn
lực đầu tư hạ tầng nông thôn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa nội dung phát triển công nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở, các tổ chức, doanh nghiệp tích cực vào cuộc, nhân dân đồng tình hưởng ứng, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo và triển khai đồng bộ, tích cực và đã đi vào cuộc sống, góp phần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, về “chung tay xây dựng nông thôn mới”. Đây là một trong những kết quả nổi bật của Thành phố trong việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng Thành phố.
Có thể bạn quan tâm!
- Tỷ Lệ Đóng Góp Gtsx Làng Nghề Đối Với Gdp Của Tp Hà Nội
- Thực Trạng Tài Chính Với Phát Triển Công Nghiệp Nông Thôn Vùng Ven Đô Hà Nội
- Các Chính Sách Tài Chính Khuyến Khích Ưu Đãi Phát Triển Công Nghiệp Nông Thôn Vùng Ven Đô
- Quan Điểm, Định Hướng Và Mục Tiêu Phát Triển Công Nghiệp Nông Thôn Vùng Ven Đô Hà Nội
- Gtsx Làng Nghề Trong Tổng Gtsx Công Nghiệp Thành Phố
- Tăng Chi Ngân Sách Nhà Nước Cho Đầu Tư Phát Triển Công Nghiệp Nông Thôn Vùng Ven Thành Phố Hà Nội
Xem toàn bộ 184 trang tài liệu này.
- Công tác lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch được quan tâm chỉ đạo. Đã phê duyệt xong quy hoạch công nghiệp Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch phát triển nghề, làng nghề Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Công tác lập và phê duyệt quy hoạch xã nông thôn mới, vận động nông dân dồn điền, đổi thửa, xây dựng đường giao thông nội đồng, cải tạo đường làng ngõ xóm… được thực hiện trên diện rộng và đạt kết quả tốt. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 12 triệu đồng/ người / năm (năm 2009) lên 21 triệu đồng/ người/ năm (năm 2012).
- Đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, bao gồm với lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia, vốn hỗ trợ chương trình mục tiêu của Thành phố, vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp, vốn huy động các cơ quan, doanh nghiệp và đóng góp tự nguyện của nhân dân cho phát triển công nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Theo số liệu tổng hợp của Sở Công Thương Hà Nội, kinh phí cho đầu tư khuyến công giai đoạn 2008 - 2012 là 65 tỷ 377 triệu đồng; theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT Hà Nội, kinh phí đầu tư cho nông thôn mới toàn Thành phố đến hết năm 2012 là 13.089 tỷ 534 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Thành phố là 4.450 tỷ 958 triệu đồng (chiếm 34%), ngân sách huyện là 6.664 tỷ 751 triệu đồng (chiếm 51%), ngân sách xã là 318 tỷ 059 triệu đồng (chiếm 2,4%), nhân dân đóng góp 646 tỷ 600 triệu đồng
(chiếm 4,9%), nguồn khác là 1.009 tỷ 167 triệu đồng (chiếm 7,7%), chưa tính giá trị hàng nghìn m2 đất và hàng chục nghìn ngày công lao động mà nhân dân đóng góp hiến tặng.
- Hệ thống chính sách về phát triển nghề và làng nghề càng được hoàn thiện hơn, đã tạo điều kiện cho các Bộ, Ngành, Trung ương, Thành phố đến địa phương chỉ đạo phát triển ngành nghề được tốt hơn. Các chính sách hỗ trợ nghề, làng nghề (đường giao thông, điện, nước…) đã được các cấp và cơ sở quan tâm đầu tư triển khai đồng bộ nên làng nghề được phát triển. Từ năm 2005 - 2010 tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, Thành phố Hà Nội, các huyện, các doanh nghiệp là 79 tỷ 556 triệu đồng; trong đó 41 tỷ 85 triệu đồng hỗ trợ từ khuyến công Thành phố và khuyến công quốc gia được triển khai ở tất cả các chương trình khuyến công.
- Chính sách khuyến khích xây dựng kiên cố hóa đường làng, ngõ xóm, xây dựng kênh mương nội đồng được triển khai tích cực, bước đầu đạt một số kết quả. Hệ thống thủy lợi nội đồng cơ bản đạt, giao thông nội đồng tăng 34% so với năm 2009. Bằng chính sách Nhà nước hỗ trợ 100% tiền mua vật tư, người dân tự bàn, tự làm, công tác vận động nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất làm đường làng, ngõ xóm đã trở thành ngày hội, số km đường làng, ngõ xóm được cứng hóa tăng 13% so với năm 2009.
- Đời sống nông dân từng bước được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn ngày một tăng. Nông thôn cơ bản không có nhà dột nát, tỷ lệ các hộ có nhà kiên cố và khang trang ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm; tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh ngày càng một tăng; tỷ lệ nhà xưởng đảm bảo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường, tách khỏi khu dân cư ngày càng tăng; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhanh; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ; chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao; đặc biệt là đời sống nông dân trong các làng nghề, cụm công nghiệp vùng ven đô từng bước được cải thiện.
3.3.2. Những hạn chế tồn tại
- Công tác triển khai Nghị định của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ, Ngành, Thành phố về công nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới còn chậm so với mục tiêu, kế hoạch đề ra. Công tác tuyên truyền chưa sâu, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về công nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới thiếu toàn diện; một số địa phương quá chú trọng đến việc đầu tư hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, chưa quan tâm triển khai sâu rộng phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đào tạo phát triển nghề, phát triển công nghiệp nông thôn, thực hiện quy ước, hương ước ở thôn làng. Việc huy động nguồn lực tại chỗ, phát huy vai trò chủ thể của người dân và chính quyền địa phương trong phát triển công nghiệp nông thôn chưa thật rõ nét.
- Nguồn vốn cho phát triển công nghiệp nông thôn còn thiếu, chưa đảm bảo theo cơ cấu vốn dự kiến cho tổng nguồn vốn; vốn tín dụng, vốn huy động đóng góp của người dân, doanh nghiệp thấp, chủ yếu vẫn từ ngân sách Nhà nước. Việc tiếp cận vay vốn của các tổ chức tín dụng còn hạn chế và khó khăn do cơ chế về thủ tục, tài sản thế chấp, hiệu quả dự án đầu tư… trong khi huy động vốn và tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, các thành phần kinh tế khác hạn chế. Một số hộ, doanh nghiệp trong các làng nghề chưa tự giác chấp hành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
- Cơ chế chính sách và hướng dẫn của các Bộ, Ngành Trung ương còn thiếu đồng bộ và chồng chéo giữa các ngành. Các cơ chế hỗ trợ và khuyến khích của Thành phố về tài chính thương mại, đổi mới công nghệ, đăng kí thương hiệu, thu hút nhân tài còn chưa cụ thể. Nguồn nhân lực, trình độ cao cho các làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nguyên liệu cho sản xuất còn khó khăn, các nghề truyền thống khan hiếm nguyên liệu (mây, tre, cỏ tế, gỗ...) trên 80% từ các tỉnh bạn và nhập khẩu từ nước ngoài. Mặt bằng sản xuất chật hẹp, di dời các hộ, doanh nghiệp đến các cụm sản xuất TTCN rất khó khăn do thiếu vốn. Cơ sở hạ tầng hầu hết ở các làng nghề lâu ngày chưa được nâng cấp, cải tạo nên đã hạn chế đến phát triển nghề, làng nghề.
- Hạ tầng nông thôn (giao thông, thủy lợi, điện) một số nơi còn khó khăn, nhất là vùng xa trung tâm. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai khu vực nông thôn ở nhiều nơi còn yếu kém, vệ sinh môi trường nông thôn ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên, nhất là ở các làng nghề, cụm công nghiệp.
- Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, đặc biệt trong các làng nghề, cụm tiểu thủ công nghiệp truyền thống không ổn định, vẫn nhiều lao động thiếu việc làm, kinh tế rất khó khăn.
- Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch còn thấp, chưa đạt được kế hoạch đề ra.
- Tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo cao. Việc đào tạo và giải quyết việc làm cho nông dân, nhất là nông dân ở những nơi bị thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là việc truyền nghề, học nghề truyền thống.
3.3.3. Nguyên nhân của những hạn chế tồn tại
3.3.3.1. Nguyên nhân khách quan
- Địa bàn vùng ven đô thành phố Hà Nội sau hợp nhất, số đơn vị hành chính cấp xã, số làng nghề, cụm công nghiệp ở khu vực nông thôn rất lớn, với cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn và chưa đồng bộ, đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, đặc biệt là quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn vùng ven đô.
- Sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và sự phát triển CNNT tại các vùng không đồng đều, trình độ dân trí, thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực ven đô và nông thôn còn chênh lệch lớn so với khu vực nội thành.
- Cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực còn lạc hậu, việc tạo môi trường thu hút các nhà đầu tư còn chậm; đặc biệt là chính sách thuế, tín dụng còn chưa
phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của các địa phương, trọng tâm là phát triển công nghiệp nông thôn vùng ven đô Thành phố.
- Tác động của giá cả, các yếu tố thị trường, thiên tai dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp nông thôn, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn vùng ven đô Thành phố.
3.3.3.2. Nguyên nhân chủ quan
- Trình độ năng lực đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý cơ sở am hiểu về lĩnh vực công nghiệp nông thôn nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Một bộ phận cán bộ trách nhiệm không cao; uy tín thấp, ảnh hưởng đến công tác vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới và phát triển công nghiệp nông thôn tại địa phương.
- Công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, phương châm, cách làm trong việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, trong xây dựng nông thôn mới hiệu quả chưa cao, dẫn tới một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân còn tư tưởng trây ì, ỷ lại vào Nhà nước, chưa phát huy được nội lực của địa phương và huy động nguồn lực tại chỗ cho việc phát triển công nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
- Công tác dự báo còn yếu, chưa lường hết được diễn biến phức tạp của tình hình và những khó khăn, thách thức nên xây dựng một số nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp chưa phù hợp. Năng lực vận dụng, cụ thể hóa, nhất là một số mặt còn hạn chế. Chưa tập trung đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết một số vấn đề trọng tâm, lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp nông thôn. Sự phối hợp nội bộ giữa các sở, ngành và giữa sở, ngành với các địa phương trong một số lĩnh vực để phát triển công nghiệp nông thôn còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Một số thủ tục hành chính liên quan về đất, quy hoạch, thế chấp vay vốn… vẫn là rào cản làm chậm tiến độ phát triển CNNT.
Tiểu kết chương 3
Từ việc nghiên cứu tiềm năng, thực trạng tài chính đối với phát triển công nghiệp nông thôn vùng ven đô thành phố Hà Nội trong thời gian qua bước đầu cho chúng ta thấy chỗ mạnh, chỗ yếu, chỗ hẫng hụt trong quá trình phát triển của nó.
Về tiềm năng: Vùng ven đô thành phố Hà Nội là một trong những vùng có số lượng làng nghề nhiều và mang tính nổi trội với nhiều làng nghề truyền thống và nghệ nhân tài hoa. Trên cơ sở có nhiều ngành nghề truyền thống, các địa phương đã mở rộng được xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Sự phát triển của công nghiệp nông thôn là một trong những phương tiện quan trọng để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và đời sống hàng ngày của nông dân.
Các làng nghề truyền thống đã và đang làm thay đổi lĩnh vực công nghiệp nông thôn và bộ mặt nông thôn. Một nông thôn mới văn minh đang được hình thành từ sự phát triển của LNTT. Hệ thống cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) của các địa phương được xây dựng khang trang, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của làng nghề truyền thống.
Chủ trương đổi mới và chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước đã làm cho làng nghề truyền thống trong vùng trở nên năng động. Đặc biệt là việc ban hành các cơ chế chính sách về tài chính trong việc huy động và sử dụng nó để phát triển công nghiệp nông thôn, hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề đã tạo điều kiện cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tích lũy nhanh, dần dần chiếm được thị trường trong nước và ngoài nước. Nhưng sự phát triển đó còn mang tính tự phát trong điều kiện hết sức khó khăn. Các LNTT chưa chọn được mô hình sản xuất kinh doanh thích hợp, chưa được đánh giá và quan tâm đúng mức. Vì thế suốt mấy chục năm qua phát triển công nghiệp nông thôn vẫn nằm trong tình trạng chung là:
- Thị trường kém phát triển, kể cả thị trường đầu vào và thị trường đầu ra.
- Công nghệ lạc hậu, phần lớn các cơ sở sản xuất vẫn sử dụng công nghệ máy móc truyền thống do doanh nghiệp Nhà nước và ở độ thị thải loại.
- Kết cấu hạ tầng kém phát triển, không đồng bộ, không thích hợp với thiết bị và công nghệ hiện đại.
- Trình độ lao động thấp, thợ chỉ được kèm cặp trong một thời gian ngắn, không có điều kiện đào tạo cơ bản.
- Nghèo vốn, dẫn đến công nghệ chắp vá không đồng bộ, mức đầu tư thấp.
- Sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương về vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường… còn hạn chế.
Do đó, phát triển công nghiệp nông thôn là vấn đề quan trọng và có tính chiến lược trong sự nghiệp CNH, HĐH ở nước ta cũng như vùng ven đô thành phố Hà Nội. Vì vậy, cần phải có phương hướng và giải pháp tài chính thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn vùng ven đô thành phố Hà Nội, quan trọng là đánh giá được vai trò của tài chính với phát triển công nghiệp nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và Đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.