(3). Các kết quả cũng cho thấy mức độ tác động của QSDĐ đến các khía cạnh khác nhau của hiệu quả là khác nhau. Quyền sử dụng đất tác động đến hiệu quả kĩ thuật lớn hơn đáng kể so với tác động đến hiệu quả phân bổ trong nhóm các hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng. Cụ thể, với các hộ có giấy chứng nhận, hiệu quả kĩ thuật được tìm thấy cao hơn các hộ chưa có giấy chứng nhận khoảng 11%, nhưng với hiệu quả phân bổ chỉ là 3%. Kết quả này cho thấy tác động của quyền sử dụng đất là rõ rệt đến đầu tư và công nghệ sản xuất của các hộ nông dân. Khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng, nông dân có thể thế chấp vay tín dụng cho các khoản đầu tư trồng trọt; có thể đưa ra các quyết định đầu tư cải tạo đất cho mục đích trồng trọt lâu dài; có thể đổi đất hoặc chia sẻ quyền sử dụng với những người có điều kiện canh tác tốt hơn... Do đó, khi quyền sử dụng đất được bảo đảm sẽ thúc đẩy đầu tư gắn liền với đất, tăng năng suất trong các hoạt động nông nghiệp.
(4). Kết quả hồi quy phân vị đã chỉ ra, các hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có năng suất nhân tố tổng hợp lớn hơn các hộ không có giấy chứng nhận. Ngoài ra, các hộ có năng suất cao hơn có mức chênh lệch về năng suất giữa hộ có và không có giấy chứng nhận lớn hơn. Điều này cho thấy mức độ đầu tư, cải tạo năng suất của các hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng lớn hơn so với các hộ không có chứng nhận, đặc biệt ở nhóm có năng suất trồng trọt cao hơn. Sự bảo đảm về quyền lợi trên đất và giá trị lợi nhuận mang lại từ nông nghiệp đã khiến các nông hộ tập trung sản xuất, cải tiến kĩ thuật và kết quả là mức năng suất đạt được đã cao hơn các hộ còn lại.
(5). Trong mô hình đánh giá tác động đến hiệu quả sản lượng còn cho thấy, mức độ tác động của lao động và chi phân bón đến hiệu quả cao hơn khá nhiều so với tác động từ chi phí cho máy móc. Điều này cho thấy sản xuất trồng trọt của các hộ nông dân sẽ đạt hiệu quả tốt hơn nếu quan tâm đến trình độ lao động và khả năng đầu tư cho chăm sóc cây trồng thông qua lượng phân bón được sử dụng.
(6). Diện tích đất trồng trọt của các hộ khá nhỏ, quy mô trồng trọt có tương quan dương với hiệu quả ở hầu hết các mô hình. Với hiệu quả phân bổ, tác động này có hình chữ U ngược, trong đó, các hộ có quy mô trên 4000m2 sản xuất với hiệu quả thấp hơn các hộ có diện tích dưới 1500m2.
(7). Các yếu tố về nhân khẩu học như tuổi, học vấn của chủ hộ có tác động rõ nét đến hiệu quả sản xuất, trong đó các chủ hộ có học vấn cao hơn có xu hướng đầu tư và đạt được hiệu quả sản xuất tốt hơn, trong khi các chủ hộ lớn tuổi đầu tư ít hơn và có hiệu quả sản xuất thấp hơn. Các yếu tố về giới tính và dân tộc của chủ hộ cũng thể hiệu mối tương quan với hiệu quả sản xuất, trong đó, chủ hộ là nữ có hiệu quả sản xuất thấp hơn so với chủ hộ nam và dân tộc Kinh có hiệu quả sản xuất cao hơn các dân tộc khác.
(8). Biến pci đại diện cho yếu tố vĩ mô là mức độ quản trị của địa phương có ảnh hưởng khá lớn tới tâm lý và các quyết định đầu tư sản xuất của nông hộ. Trong mô hình đánh giá tác động đến hiệu quả năng suất, biến pci có tác động dương thể hiện vai trò tích cực của quản trị tới hiệu quả sản xuất của nông hộ. Biến tương tác “redbook*pci” mang dấu âm cũng cho thấy khi các chính sách về đất đai của tỉnh được đánh giá tốt thì sự chênh lệch giữa quyết định đầu tư và hiệu quả sản xuất của các hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các hộ chưa có giấy chứng nhận giảm xuống.
Hiệu quả kĩ thuật | Hiệu quả phân bổ | Hiệu quả sản lượng | Năng suất nhân tố tổng hợp | |
redbook_1 | + | + | + | + |
arean_1 | + | + | + | + |
arean_2 | + | - | + | |
educn_1 | + | + | ||
educn_2 | + | + | + | |
agen_1 | + | + | ||
agen_2 | - | - | ||
female | - | - | ||
kinh | + | + | + | |
weather | + | + | + | |
year_2016 | + | - | + | + |
year_2018 | + | - | + | + |
ln_income_per | + | + | ||
pci | + | |||
redbook*pci | - | - | ||
ln_labor | + | |||
ln_spf | + | |||
ln_machine | + |
Có thể bạn quan tâm!
- Bảng Phân Phối Hiệu Quả Phân Bổ Trong Sản Xuất Nông Nghiệp
- Ước Lượng Các Tác Động Đến Hiệu Quả Kĩ Thuật Bằng Mô Hình Hồi Quy Phi Tham Số Kernel
- Kết Quả Ước Lượng Các Tác Động Đến Hiệu Quả Sản Lượng
- Aigner, D., Lovell, K. And Schmidt, P. (1977), ‘Formulation And Estimation Of Stochastic Frontier Production Function Models’, Journal Of Econometrics, Vol. 6 No. 1, Pp. 21-37.
- B: Kiểm Định Sự Phù Hợp Của Hàm Lợi Nhuận Và Các Thông Số Hiệu Quả
- Tác động của quyền sử dụng đất nông nghiệp lên hiệu quả sản xuất nông nghiệp Việt Nam - Tiếp cận bằng các mô hình toán kinh tế - 18
Xem toàn bộ 155 trang tài liệu này.
Bảng 4.21: Tóm tắt chiều tác động của các yếu tố đến hiệu quả và năng suất nông nghiệp
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
Luận án đã tập trung nghiên cứu về hiệu quả sản xuất nông nghiệp của các nông hộ Việt Nam với hai nội dung chính. Nội dung thứ nhất là ước lượng hiệu quả sản xuất nông nghiệp của các nông hộ bao gồm: hiệu quả kĩ thuật, hiệu quả phân bổ, hiệu quả kinh tế và năng suất nhân tố tổng hợp. Nội dung thứ hai là đánh giá tác động của các yếu tố đến các chỉ số hiệu quả này, trong đó quan tâm chính đến tác động từ quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Với nội dung thứ nhất, luận án sử dụng phương pháp tiếp cận biên ngẫu nhiên (Stochastic frontier approach – SFA), với hàm lợi nhuận và hàm chi phí biên ngẫu nhiên để ước tính hiệu quả kĩ thuật, từ đó làm cơ sở để ước tính hiệu quả kinh tế và hiệu quả phân bổ. Ưu điểm của cách tiếp cận tham số này là nó có tính đến sai số ngẫu nhiên, và nó cũng cho phép thực hiện các kiểm định thống kê về kết quả ước lượng. Ngoài ra sử dụng hàm lợi nhuận biên để ước tính hiệu quả kĩ thuật sẽ khắc phục được sự khác nhau giữa các hàm sản xuất “thực hành tốt nhất” cho mỗi nông hộ. Để ước tính năng suất nhân tố tổng hợp, luận án sử dụng hàm sản xuất Cobb – Douglas và phương pháp Solow.
Với nội dung thứ hai, luận án đã sử dụng nhiều phương pháp dữ liệu mảng khác nhau để xem xét tác động của quyền sử dụng đất cùng một số yếu tố khác đến mọi phương diện của hiệu quả. Bao gồm:
Phương pháp hồi quy với dữ liệu mảng cơ bản và phương pháp ước lượng tổng quát (Generalized Estimate Equation – GEE) để đánh giá tác động của quyền sử dụng đất đến hiệu quả kĩ thuật và hiệu quả phân bổ. Đây là một phương pháp ước lượng ưu việt cho các mô hình dữ liệu mảng, mở rộng của mô hình tuyến tính tổng quát với giá trị của biến phụ thuộc dạng tỉ lệ. Các kết quả ước lượng từ mô hình GEE đã đánh giá được các tác động khác nhau của quyền sử dụng đất đến hiệu quả kĩ thuật và hiệu quả phân bổ. Kết quả từ mô hình cũng cho biết các tác động biên từ quyền sử dụng đất đến hiệu quả khi các yếu tố khác thay đổi.
Phương pháp hồi quy phân vị với dữ liệu mảng (Quantile regression) cho phép nghiên cứu đồng thời những thay đổi trong các phần cụ thể của biến phụ thuộc với các biến độc lập so với sự thay đổi ở phần còn lại của phân phối. Việc sử dụng hồi quy phân vị để ước tính sự thay đổi trung bình của biến phụ thuộc ở
phân vị bất kì cho thấy nó phù hợp để nghiên cứu nhiều sắc thái hơn về tác động của các biến độc lập lên biến phụ thuộc. Luận án sử dụng phương pháp này nhằm đánh giá tác động của quyền sử dụng đất đến các mức năng suất khác nhau, câu hỏi “Tác động của các yếu tố đầu vào đến hiệu quả sản xuất có khác nhau giữa các nông hộ có năng suất thấp và các nông hộ có năng suất cao không?” đã được trả lời.
Phương pháp hồi quy phi tham số (Non-parametric regression) có ưu điểm là nó có thể ước lượng mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập mà không cần đưa ra một dạng hàm cụ thể. Phương pháp này nhằm khắc phục hạn chế của các phương pháp tham số bởi các ước lượng tham số có thể sai lệch nếu dạng hàm được chỉ định không phù hợp. Luận án sử dụng phương pháp này như một công cụ kiểm định tính vững của các kết quả ước lượng trong các mô hình tham số. Kết quả từ mô hình phi tham số cho thấy các ước lượng từ các mô hình tham số ở trên là đáng tin cậy.
Luận án đã thu được một số kết quả chính như sau:
(1) Kết quả ước tính hiệu quả kĩ thuật trung bình trong sản xuất nông nghiệp của các nông hộ trồng cây ngắn ngày là 73.81% và dao động trong khoảng 11,01% đến 95,45%. Mức hiệu quả này cho thấy trình độ canh tác của nông dân đang ở mức khá cao. Điều này phù hợp với thực tế sản xuất, vì trồng trọt là loại hình canh tác phổ biến lâu đời của nông dân Việt Nam. Bên cạnh đó, mức hiệu quả còn phân phối khá rộng. Những hộ có hiệu quả thấp nhất cách rất xa mức hiệu quả trung bình và những hộ có hiệu quả cao nhất. Kết quả này phản ánh trình độ canh tác giữa các hộ nông dân còn có khoảng cách rất lớn và còn rất nhiều cơ hội để các hộ thu được thêm lợi nhuận sản xuất mà không cần tăng các yếu tố đầu vào.
(2) Hiệu quả phân bổ và hiệu quả kinh tế nông nghiệp của các hộ đang ở mức khá thấp, trong đó hiệu quả phân bổ trung bình là 46,84% và hiệu quả kinh tế trung bình là 35,27%. Điều này phản ánh khả năng phân bổ nguồn lực và chi phí đầu vào của các nông hộ còn yếu, những lãng phí về nguồn lực và kĩ năng kết hợp sản xuất chưa phù hợp đã khiến hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp chưa hiệu quả. Điều này cũng cho thấy còn rất nhiều tiềm năng để các nông hộ nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất và lợi nhuận từ những đầu vào hiện có.
(3) Mô hình GEE xem xét các tác động đến hiệu quả kĩ thuật đã khẳng định, các hộ nông dân trồng trọt trên đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng có hiệu quả sản xuất cao hơn các hộ chưa được cấp chứng nhận khoảng 11%. Điều này
khẳng định có ảnh hưởng tích cực của an ninh quyền sử dụng đất đến tâm lý đầu tư và quy trình canh tác của nông dân.
(4) Tác động của quyền sử dụng đất đến hiệu quả kĩ thuật lớn hơn nhiều so với tác động đến hiệu quả phân bổ cho thấy ảnh hưởng của quyền sử dụng đất đến các quyết định lâu dài trong sản xuất. Vì phân bổ nguồn lực chi phí cho các yếu tố đầu vào sản xuất thường là các quyết định ngắn hạn của nông dân theo mùa vụ nên quyền sử dụng đất không tác động nhiều đến hiệu quả phân bổ. Tâm lý đầu tư dài hạn và những thay đổi trong kĩ thuật canh tác bị ảnh hưởng lớn hơn từ mức độ an tâm về quyền sử dụng đất.
(5) Kết quả từ mô hình hồi quy dữ liệu mảng về tác động của quyền sử dụng đất đến hiệu quả năng suất cho thấy, các hộ sản xuất trên đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng có sản lượng lúa cao hơn các hộ chưa được cấp giấy chứng nhận khoảng 0,71 kg. Tương tự, từ mô hình hồi quy dữ liệu mảng và mô hình hồi quy phân vị đánh giá tác động của quyền sử dụng đất nông nghiệp đến năng suất nhân tố tổng hợp cũng khẳng định các hộ là chủ sở hữu có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có năng suất nhân tố tổng hợp cao hơn các hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng. Cụ thể, trong mô hình tác động cố định, hệ số của biến redbook bằng 0,28 với mức ý nghĩa 5%, điều này cho thấy có hộ có quyền sử dụng đất có năng suất cao hơn các hộ không có quyền sử dụng khoảng 0,28%. Trong hầu hết các phân vị, hệ số hồi quy của biến redbook đều mang dấu dương trong đó tại các phân vị cao (q70, q80) mức độ tác động của quyền sử dụng đất đến năng suất nhân tố là cao nhất, khoảng chênh lệnh là 0,32%. Kết quả này phản ánh rất rõ ràng vai trò của quyền sử dụng đất đến hiệu quả năng suất nông nghiệp.
(6) Ngoài quyền sử dụng đất, các yếu tố như diện tích trồng trọt, trình độ học vấn, tuổi, giới tính và dân tộc của chủ hộ cũng có tác động đến hiệu quả ở hầu hết các mô hình. Quy mô trồng trọt có tác động tích cực đến hiệu quả kĩ thuật và năng suất nhưng có quan hệ hình chữ U ngược với hiệu quả phân bổ, điều này cho thấy các hộ nông dân vẫn chưa có kĩ năng canh tác trên quy mô lớn. Trình độ học vấn có tương quan dương với hiệu quả, khẳng định vai trò của giáo dục đến hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, kinh nghiệm canh tác thông qua tuổi của chủ hộ cũng có quan hệ hình chữ U ngược với hiệu quả. Các chủ hộ lớn tuổi hơn có kinh nghiệm canh tác tốt hơn các chủ hộ trẻ nhưng các chủ hộ lớn tuổi nhất lại bộc lộ khả năng tiếp cận công nghệ mới yếu hơn, do đó có hiệu quả sản xuất thấp hơn.
(6) Quản trị nhà nước về đất đai tại địa phương cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến tâm lý đầu tư và sản xuất của các hộ nông dân. Trong mô hình dữ liệu
mảng và mô hình hồi quy phân vị đều chỉ ra, khi khả năng tiếp cận đất đai của người dân trong tỉnh được nâng lên thì chênh lệch về năng suất giữa các hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các hộ không có giấy chứng nhận giảm xuống.
2. Một số kiến nghị
Đối với cơ quan quản lý nhà nước
(1) Kết quả phân tích cho thấy có sự khác biệt rất lớn về hiệu quả sản xuất nông nghiệp giữa các nông hộ, kể cả sau khi đã loại trừ những yếu tố mang tính đặc trưng chất lượng của mảnh đất. Điều này cho thấy trình độ sản xuất của nông dân còn chênh lệch khá nhiều. Như vậy có thể cho rằng đang tồn tại sự khác biệt khá lớn giữa các nông hộ trong cách thức sản xuất. Với một thực tế đã được chỉ ra trong chương 3 là học vấn của các chủ hộ còn khá thấp, thì để nâng cao năng lực sản xuất cho các nông hộ, nhà nước có thể tổ chức tốt hơn các hoạt động khuyến nông hộ, thông qua các chương trình đào tạo và phổ biến kĩ thuật để họ có thể thực sự nắm được các phương pháp thực hành nông nghiệp hiệu quả, cũng như có thể hỗ trợ trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.
(2) Một góc nhìn khác, và cũng là mối quan tâm chính của luận án, đó là cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp thông qua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các phân tích ở chương 3 đã cho thấy có sự khác nhau về tỉ lệ đầu tư cải tạo đất giữa các mảnh đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng và không có chứng nhận là khác biệt khá lớn. Trong khi đất không có giấy chứng nhận chỉ được đầu tư với tỉ lệ khoảng 50% thì đất đã có giấy chứng nhận có tỉ lệ đầu tư trên 70%. Thống kê cũng chỉ ra lợi nhuận bình quân từ các hộ trồng trọt trên đất có giấy chứng nhận là lớn hơn các hộ còn lại ở tất cả các năm quan sát. Các kết quả ước lượng ở chương 4 cũng đã làm nổi bật tác động đáng kể của quyền sử dụng đất đến hiệu quả sản xuất trên mọi phương diện được nghiên cứu, bao gồm: hiệu quả kĩ thuật, hiệu quả phân bổ, sản lượng và năng suất nhân tố tổng hợp. Như vậy, có thể khẳng định việc gia tăng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, phân tích thống kê từ chương 3 còn cho thấy tỷ lệ mảnh đất chưa được cấp quyền sử dụng đất đang ở mức khá cao. Trong khi có khoảng trong 35,77% mảnh đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng ở năm 2012 thì có 11,04% các mảnh đất đang được chờ cấp sổ và 24,74% là các mảnh đất khai hoang hoặc trong tình trạng có tranh chấp. Năm 2016 số mảnh đất chờ cấp giấy chứng nhận là 17,53% và đất khai hoang hoặc tranh chấp là 16,74%. Tỉ lệ các mảnh đất này tiếp tục tăng ở năm 2018 là 20,81% và 17,27%. Thực trạng này cho thấy, sự biến động về quyền sử dụng đất nông nghiệp là
khá lớn, điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư và các quyết định sản xuất dài hạn của nông dân. Vì vậy việc đẩy nhanh quá trình cấp giấy chứng nhập quyền sử dụng đất nông nghiệp là điều cần được quan tâm nhằm nâng cao tính pháp lý về đất đai để người dân yên tâm sản xuất và đầu tư trên mảnh đất của mình. Nhà nước cần chú ý xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, củng cố và cải cách các quy định hành chính về quyền sử dụng đất giúp người dân tiếp cận với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dễ dàng hơn, giảm bớt các tranh chấp, khiếu kiện đất đai.
(3) Do hiệu quả sản xuất bị tác động bởi quy mô canh tác như các nghiên cứu đã chỉ ra, các hộ trồng trọt trên quy mô lớn hơn có hiệu quả cao hơn. Do đó chính phủ nên tập trung khuyến khích nông dân dồn điền, đổi thửa bằng cách trao quyền sử dụng đất lâu dài và ổn định hơn cho nông dân. Bên cạnh đó việc tăng cường tính pháp lý, tạo thuận lợi hơn cho việc cho thuê, mượn quyền sử dụng đất nông nghiệp cũng là một kênh quan trọng để tạo nên một nền kinh tế nông nghiệp quy mô. Thống kê cho thấy tỉ lệ thuê đất nông nghiệp mới trên 10% và đang gặp khá nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai cũng như các thủ tục hành chính. Do đó, nhà nước cần nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch, xác định giá đất cụ thể phù hợp hơn; cung cấp các thủ tục nhanh gọn về cấp quyền sử dụng, trao đổi mua bán đất để thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp. Khuyến khích đa dạng hóa nông nghiệp bằng cách nới lỏng các hạn chế sử dụng đất. Cơ quan nhà nước cần xây dựng cơ sở dữ liệu về quyền sử dụng đất nông nghiệp để từ đó phát triển nền nông nghiệp hiện đại và đáp ứng được yêu cầu của kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.
Đối với các nông hộ
Để tiếp cận đất đai tốt hơn cho quá trình sản xuất, người dân cần tích cực tìm hiểu về các chính sách liên quan đến đất đai.
Nâng cao trình độ học vấn, tìm hiểu thêm các kĩ thuật canh tác mới và tham gia học tập về quản trị sản xuất nhằm phân bổ hợp lý các nguồn lực hiện có, từ đó lựa chọn cây trồng và nâng cao năng suất nhằm đạt được lợi nhuận cao hơn trong sản xuất nông nghiệp.
Ủng hộ quan điểm dồn điền đổi thửa của chính phủ, tham gia vào thị trường đất đai để có cơ hội tích tụ ruộng đất, nhằm hướng tới sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô và một nền nông nghiệp hàng hóa.
3. Hạn chế của luận án và một số hướng nghiên cứu tiếp theo
Mặc dù Nghiên cứu sinh đã rất nghiêm túc trong tìm hiểu và nghiên cứu với sự cố gắng lớn để trả lời các câu hỏi đã nêu và đạt được mục tiêu nghiên cứu, tuy nhiên
luận án vẫn không tránh khỏi những hạn chế. Về số liệu nghiên cứu, luận án thực hiện dựa trên số liệu thứ cấp mà không thực hiện điều tra trực tiếp các nông hộ để có các thêm thông tin định tính về thực tiễn sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Để ước lượng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, luận án mới chỉ xét đến hiệu quả sản xuất của các nông hộ trồng cây ngắn ngày mà chưa đề cập được đến các loại hình sản xuất khác. Cuối cùng, để phản ánh về quyền sử dụng đất của các hộ nông dân luận án mới chỉ quan tâm được một khía cạnh đó là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà chưa quan tâm được đến hạn mức sử dụng hay các điều kiện trong quá trình sử dụng đất, đây cũng là một hạn chế của luận án này.
Một hướng nghiên cứu tiếp theo mà Nghiên cứu sinh dự định sẽ theo đuổi sau khi hoàn thành luận án là đánh giá tác động của quyền sử dụng đất đến thị trường thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam. Đây là một thị trường mới hình thành và đang có xu hướng phát triển; quyền sử dụng đất có thể ảnh hưởng đến tâm lý thuê đất hoặc trao đổi mua bán đất nông nghiệp.