suy nghĩ muốn bỏ bữa để tránh cơn đau. Ngoài ra, nếu không được điều trị sớm, các lỗ sâu sẽ lớn dần và sâu vào tận buồng tủy. Cảm giác đau răng sẽ xuất hiện với mật độ dày hơn khiến trẻ sẽ chán ăn dẫn đến sụt cân. Tình trạng này kéo dài sẽ làm trẻ suy nhược, rối loạn cảm xúc, lo âu, giảm sức đề kháng do thiếu chất dinh dưỡng, có thể dẫn đến SDD [45].
Về mặt kinh tế - xã hội
Người bị bệnh sâu răng thường lo lắng vì hơi thở có mùi khó chịu của mình gây ra những khó khăn trong giao tiếp, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và công việc. Người bệnh phải tốn một khoảng chi phi khá lớn cho việc điều trị sâu răng, nhất là khi đã có biến chứng viêm tủy.
Đối với trẻ em, bệnh sâu răng khiến trẻ trở nên thụ động, ngại tiếp xúc với bạn bè, học hành cũng giảm sút. Theo thời gian, trẻ sẽ dễ cô lập bản thân với mọi người không chỉ bạn bè xung quanh mà còn cả gia đình. Điều này rất ảnh hưởng đến sự định hình tâm lý sau này của trẻ [45].
1.2.6. Lịch sử nghiên cứu tình trạng sâu răng Nghiên cứu trên thế giới
Theo WHO, từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến năm 1975, tình trạng sâu răng ở các nước phát triển ngày càng cao (chỉ số SMT từ 7,4 đến 12). Tuy nhiên, đến các năm từ 1979-1982 thì chỉ số này giảm xuống còn từ 1,7 đến 4. Ngược lại, sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai thì các nước đang phát triển có tỷ lệ sâu răng thấp, đến những năm 1980 lại tăng cao [171]. Từ 1983 đến 2002, nhiều nghiên cứu cho thấy sâu răng ở trẻ ít biến động và có xu hướng giảm xuống. Một điều tra của cơ quan Giám sát Dinh dưỡng và Sức khỏe Hoa Kỳ trong các năm1988-1994 và 1999-2002 cho thấy ở lứa tuổi 6-12 chỉ số SMT là 1,62 và 1,67 [89].
Davies G. và cs (2013) ghi nhận tại Anh, tỷ lệ trẻ em bị sâu răng giảm từ 30,9% năm 2008 còn 27,9% vào năm 2012, tương đương với phần trăm thay đổi là 9,7%. Chỉ số SMT giảm từ 1,11 năm 2008 còn 0,94 năm 2012, giảm 15,3% [97].
Trong khi đó ở các nước đang phát triển, thì tỷ lệ sâu răng lại có khuynh hướng gia tăng, chỉ số SMT từ 1960 đến 1972 là 0,1 đến 6,5 nhưng từ 1976 đến 1982 tăng lên từ 2,3 đến 10,7. Từ 1983 đến nay, nhiều công trình khoa học công bố với tỷ lệ sâu răng khác nhau nhưng đều ở mức cao [135].
Alamoudi N., Salako N.O., Massoud I. (1996) nghiên cứu sâu răng của 1522 trẻ em 6-9 tuổi tại Jeddah, Ả Rập Xê Út, kết quả cho thấy chỉ số sâu mất trám trung bình răng sữa và răng vĩnh viễn theo thứ tự là 4,23 và 1,85. Có một tỷ lệ cao sâu răng không được điều trị và hầu hết các răng bị sâu được nhổ bỏ, từ đó cho thấy tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa [78].
Theo nghiên cứu của J.M. Tang và cộng sự trên 5.171 trẻ từ 5 tháng đến 4 tuổi ở Arizona năm 1997, tỷ lệ sâu răng tăng dần theo tuổi: trẻ 3 tuổi tỷ lệ sâu răng là 35%, trẻ 4 tuổi tỷ lệ sâu răng là 49% [163].
Ở một số nước trong khu vực lân cận của Việt Nam: theo thông báo của WHO năm 1994 và năm 1997, hầu hết các nước trong khu vực này có trên 90% dân số bị sâu răng và chỉ số SMT tuổi 12 ở nhiều nước còn ở mức cao, từ 0,7 (Trung quốc) đến 4,9 (Campuchia) [141]. Ở Malaysia năm 1997, kết quả của điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc ở học sinh cho thấy ở trẻ 6 tuổi, số răng sâu trung bình trên một em là 4,1 nhưng có hơn 90% răng sâu không được điều trị, tỷ lệ răng sâu được trám chiếm khoảng 10% [175]. Theo nghiên cứu của Mahejabeen R. và cộng sự trên 1500 trẻ từ 3 đến 5 tuổi ở Hubli - Dharwad Ấn Độ (2006) thì tỷ lệ sâu răng ở trẻ 3 tuổi là 42,6%, trẻ 4 tuổi là 50,7%, trẻ 5 tuổi là 60,9% [127]. Cho đến gần đây, Datta P., Datta PP. (2013) nghiên cứu tần suất sâu răng ở học sinh bang Sundarban, Ấn Độ là 71%, tỷ lệ sâu răng cao ở trẻ thuộc những gia đình có thu nhập thấp [96].
Đầu thế kỷ XXI, bệnh sâu răng vẫn còn là một vấn đề sức khỏe răng miệng ở hầu hết các nước công nghiệp hóa, ảnh hưởng đến 60-90% học sinh và đa số người lớn. Nó cũng là một bệnh về răng miệng phổ biến nhất ở một số nước châu Á và Mỹ Latinh, trong khi đó lại ít phổ biến và ít nghiêm trọng trong ở các nước châu Phi [183]. Ở Nam Phi, nghiên cứu 30876 trẻ 5-12 tuổi ở 9 vùng cho thấy tình trạng sâu răng có giảm với chỉ số SMT từ 2,2 năm 1989 còn 1,1 vào năm 2002, tuy nhiên trên 80% trẻ em sâu răng chưa được điều trị [87]. Do sự thay đổi điều kiện sống, tỷ lệ sâu răng tăng ở các nước đang phát triển ở châu Phi từ những năm 1970 đến 2004, đặc biệt do tăng tiêu thụ các loại đường và nguồn fluor không đầy đủ [93].
Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đều ghi nhận thực trạng báo động của sức khỏe răng miệng toàn cầu, ảnh hưởng đến trẻ em cũng như người lớn, răng sữa cũng như
răng vĩnh viễn. Điều này đòi hỏi sự cấp bách của chiến lược y tế công cộng mà đã rất thành công trong quá khứ, một chiến dịch mới cho fluor dưới mọi hình thức, chương trình giáo dục sức khỏe răng miệng ở trường học, dùng chỉ nha khoa, chế độ ăn uống thích hợp và khám răng định kỳ [86].
Nghiên cứu trong nước
Từ những năm 60 của thế kỉ XX có nhiều tác giả công bố kết quả điều tra sâu răng tại nhiều địa phương, cho thấy tình trạng sâu răng đang rất phổ biến ở nước ta. Một nghiên cứu năm 1977 thông báo, 77% trẻ em 6 tuổi ở Hà Nội và nông thôn bị sâu răng sữa, 30% trẻ em 13 tuổi sâu răng vĩnh viễn [28]. Năm 1978, bộ môn Răng Hàm Mặt trường Đại học Y Hà Nội thông báo tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn của trẻ em 6 tuổi trở lên khoảng 39,0%, sâu răng sữa 1-5 tuổi là 31,3% [27]. Năm 1981, Hoàng Tử Hùng đưa ra tỷ lệ sâu răng sữa ở một số tỉnh Miền Nam: 70,5%, ở Thuận Hải là 72,1% [25].
Từ năm 1991 đến năm 1998 tiếp tục có nhiều nghiên cứu đưa ra tỷ lệ sâu răng và chỉ số SMT ở một số địa phương như Yên Bái, Hoà Bình, Nam Định, Hà Nội, Đà Nẵng .v.v. cho thấy tỷ lệ sâu răng dao động trong khoảng 34,5% - 62,0%, SMT từ 1,3 - 4,3 [13]. Nhìn chung các nghiên cứu đều cho thấy sâu răng ở Việt Nam là bệnh phổ biến và tỷ lệ mắc cao. Càng về sau càng có nhiều nghiên cứu ở địa phương, nhiều lứa tuổi và có quy mô rộng hơn. Qua đó thấy rằng khi chưa có công tác nha học đường, tình trạng sâu răng ở trẻ em Việt Nam có chiều hướng tăng cao.
Viện Răng - Hàm - Mặt Hà Nội phối hợp với Viện nghiên cứu và thống kê sức khỏe răng miệng Australia tiến hành điều tra bệnh răng miệng ở Việt Nam trong 3 năm 1999-2001 thu được các kết quả: 6-8 tuổi có 85% sâu răng sữa, 25,4% sâu răng vĩnh viễn (smt: 5,4; SMT: 0,48), 9-11 tuổi là 56,3% và 54,6% (smt: 1,96;
SMT: 1,19) [66].
Trương Mạnh Dũng và cộng sự (2011) nghiên cứu cắt ngang 7775 trẻ 4-8 tuổi tại 5 tỉnh thành Việt Nam ghi nhận 81,4 % sâu răng sữa (smt là 4,7), 16,3% sâu răng vĩnh viễn (SMT là 0,3), 90,6% có cặn bám, 81,1% có cao răng, 11,9% chảy máu lợi [4]. Theo nghiên cứu của Vò Văn Thanh, tỷ lệ sâu răng chung ở học sinh tiểu học huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định năm 2011 là 78,8%, trong đó sâu răng sữa 93,7% và sâu răng vĩnh viễn chiếm 28,3% [56].
1.3. Mối liên quan của dinh dưỡng và sâu răng đến sự phát triển cơ thể trẻ em
Sâu răng vẫn là bệnh mạn tính thường gặp nhất trong thời thơ ấu, mặc dù có thể phòng ngừa được. Sức khỏe răng miệng kém gây rất nhiều bất lợi đến khả năng dinh dưỡng, sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Do đó, cần phải xác định yếu tố nguy cơ và có biện pháp phòng ngừa đối với sâu răng ở trẻ em. Một số nghiên cứu của Gerdin EW và Hooley M đã tìm hiểu về mối liên hệ hai chiều giữa sâu răng và một số chỉ số nhân trắc ở trẻ em (bao gồm: chiều cao và cân nặng). Các nghiên cứu đã lập luận rằng sâu răng có tương quan với việc tăng trọng lượng, điều này được cho là do tiêu thụ đường [107, 112]. Nghiên cứu của Shen A, et al năm 2019 cho thấy, sâu răng có tác động tiêu cực đến sự phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ, ngược lại, tình trạng dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến sự phát triển sâu răng [155].
Tình trạng dinh dưỡng và tình trạng sâu răng cũng là hai yếu tố có mối liên quan chặt chẽ với nhau, khi tình trạng dinh dưỡng và thể chất tốt thì sức khỏe răng miệng sẽ tốt và ngược lại. Tình trạng SDD, TC-BP có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tình trạng răng miệng của trẻ, ngược lại những trẻ mắc sâu răng làm giảm chức năng của khoang miệng cũng sẽ tác động lại thể chất của trẻ.
Dinh dưỡng là sự đồng hóa của thực phẩm và những ảnh hưởng của nó đối với quá trình trao đổi chất của cơ thể. Theo Psoter WJ và Ehizele AO: “Dinh dưỡng là khoa học về thực phẩm và có liên quan đến sức khỏe” và “Suy dinh dưỡng là sự mất cân bằng tế bào giữa việc cung cấp chất dinh dưỡng, năng lượng với nhu cầu của cơ thể để đảm bảo sự tăng trưởng, duy trì và các chức năng khác”. Suy dinh dưỡng là tình trạng khi cơ thể không nhận đủ lượng vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác cần thiết để duy trì chức năng các mô và các cơ quan khỏe mạnh. Suy dinh dưỡng Protein - Năng lượng (PEM) xảy ra khi thiếu hụt protein, thực phẩm giàu năng lượng hoặc cả hai, liên quan đến nhu cầu của cơ thể [102, 146]. Sự thiếu hụt năng lượng và protein trong chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của răng (Bảng 1.1) [102, 151].
Bảng 1.1. Sự ảnh hưởng của suy dinh dưỡng đến cấu trúc răng miệng [102, 151]
Chậm thay răng, giảm kích thước răng, rối loạn chức năng tuyến nước bọt | |
Thiếu Vitamin A | Giảm sự phát triển biểu mô, suy yếu quá trình hình thành răng, giảm sự hình thành men răng |
Thiếu Vitamin D / Canxi phốt pho | Hạ canxi huyết tương, tổn thương răng vĩnh viễn, chậm mọc răng, khung xương ổ răng bất thường |
Thiếu Vitamin C | Hình thành ngà răng không đều, chảy máu lợi, chậm chữa lành vết thương, hình thành collagen khiếm khuyết. |
Thiếu Vitamin B1 (Thiamine) | Môi nứt nẻ |
Thiếu Vitamin B2 (Riboflavin), Vitamin B3 (Niacin) | Viêm lưỡi, viêm loét lợi |
Thiếu Vitamin B6 | Bệnh nha chu, thiếu máu, viêm lưỡi, cảm giác nóng rát trong khoang miệng |
Thiếu Vitamin B12 | Hôi miệng, viêm lợi, xuất huyết,viêm loét ở miệng |
Thiếu sắt | Rối loạn chức năng tuyến nước bọt, lưỡi đau với cảm giác nóng rát, khó thở |
Có thể bạn quan tâm!
- Tình Trạng Dinh Dưỡng Và Sự Phát Triển Cơ Thể Trẻ Em
- Diễn Biến Suy Dinh Dưỡng Của Trẻ Dưới 5 Tuổi Qua Các Năm Ở Việt Nam [76]
- Sơ Đồ Keyes Giải Thích Nguyên Nhân Gây Bệnh Sâu Răng
- Phường Phương Lâm, Thành Phố Hòa Bình, Tỉnh Hòa Bình
- Các Chỉ Tiêu Nhân Trắc, Thực Trạng Dinh Dưỡng Và Các Yếu Tố Liên Quan Của Trẻ Trong Nghiên Cứu
- Cân Nặng Trung Bình (Kg) Của Trẻ Theo Khu Vực Nghiên Cứu
Xem toàn bộ 176 trang tài liệu này.
Suy dinh dưỡng là một bệnh do nhiều yếu tố gây ra, có thể khởi phát sớm trong thời gian sống trong tử cung hoặc thời thơ ấu, hoặc nó có thể xảy ra trong suốt cuộc đời của một cá nhân do dinh dưỡng kém. Suy dinh dưỡng có ảnh hưởng nhiều đến các mô ở miệng và sự phát triển bệnh răng miệng. Nó ảnh hưởng đến sự phát triển của khoang miệng và sự tiến triển của các bệnh răng miệng thông qua sự thay đổi cân bằng nội mô, giảm sức đề kháng đối với màng sinh học vi khuẩn và giảm khả năng sửa chữa mô.
Răng đang trong giai đoạn tiền ăn mòn bị ảnh hưởng bởi tình trạng dinh dưỡng của cơ thể. Sự thiếu hụt vitamin A, B, C, D và suy dinh dưỡng năng lượng
protein (PEM) có liên quan đến các rối loạn trong cấu trúc miệng [154]. Nghiên cứu của Infante và Gillespie đã quan sát thấy mối tương quan mạnh mẽ giữa mức độ giảm sản sinh men răng và tình trạng sâu răng ở răng nguyên thủy của trẻ em Guatemala thiếu dinh dưỡng [114]. Nhiều nghiên cứu đã quan sát thấy mối liên quan giữa suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ và suy giảm men răng ở răng nguyên thủy bằng cách sử dụng các thiết kế nghiên cứu khác nhau [146]. Trong ba nghiên cứu cắt ngang, các tác giả đã cho thấy rằng SDD ở trẻ em không chỉ gây ra sự chậm mọc răng mà nó còn làm cho những răng rụng sớm dễ bị sâu trong cuộc sống sau này [83, 117]. Một nghiên cứu theo chiều dọc tương tự khác của Alvarez JO cho thấy mối liên quan giữa suy dinh dưỡng sớm và sự tăng lên của bệnh sâu răng [84]. Các nghiên cứu này cho thấy rằng suy dinh dưỡng gây ra sự chậm phát triển của răng, ảnh hưởng đến sự phân bố tuổi sâu răng và dẫn đến sự tăng lên của bệnh sâu răng. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy rằng, tình trạng béo phì cũng có thể làm tăng tình trạng sâu răng của trẻ [145].
Tóm lại, nhiều nghiên cứu khác nhau ở trong và ngoài nước đều cho thấy tình trạng SDD, TC-BP và tình trạng sâu răng có mối liên quan đến nhau. Các kết quả cho thấy SDD, TC-BP tác động lên sự mọc răng, giảm men răng, tỷ lệ nhiễm sâu răng và các bệnh nha chu. Ngược lại, tình trạng sâu răng cũng ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, tỷ lệ sâu răng càng lớn thì sự ảnh hưởng càng nhiều. Vì vậy, chúng tôi đề xuất nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng và tình trạng sâu răng của trẻ mầm non tại các vùng sinh thái khác nhau để có thể đánh giá toàn diện hơn, từ đó đưa ra các kiến nghị có liên quan đến kết quả nghiên cứu.
Chương 2. ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA BÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng, thời gian nghiên cứu
Khảo sát được tiến hành trên 2090 trẻ mầm non từ 24 đến 72 tháng tuổi trong nghiên cứu.
Tiêu chuẩn lựa chọn đối tượng khảo sát
Tất cả trẻ mầm non tham gia vào nghiên cứu đều đang học tại các trường mầm non, là những trẻ bình thường, không vắng mặt trong những ngày khảo sát.
Tiêu chuẩn loại trừ
Những trẻ không khảo sát là những trẻ có bệnh mạn tính, có dị tật, khuyết tật về hình thể và tinh thần.
Thời gian nghiên cứu: từ năm 2015 đến năm 2020
2.2. Thiết kế nghiên cứu
+ Sử dụng phương pháp nghiên cứu cắt ngang để khảo sát về các chỉ số nhân trắc, tình trạng sâu răng và các yếu tố liên quan của trẻ mầm non thuộc các vùng sinh thái khác nhau.
+ Các bước nghiên cứu:
Thu thập các tài liệu liên quan đến nghiên cứu
Họp thống nhất, tập huấn cho cán bộ công tác
Xây dựng kế hoạch để triển khai nghiên cứu
Tiền trạm: liên hệ với các trường đã chọn làm nghiên cứu, làm việc với Ban giám hiệu nhà trường để tìm sự đồng thuận và giúp đỡ. Thống nhất thời gian điều tra phù hợp với lịch học của nhà trường. Làm việc với Hội phụ huynh của trường để nhận được sự hợp tác từ bố mẹ của học sinh.
Tập huấn nhóm cộng tác
Mục tiêu, yêu cầu và nội dung nghiên cứu
Thống nhất cách điều tra nhân trắc và tiêu chuẩn chẩn đoán sâu răng
Cách sử dụng các mã số trong điều tra và ghi chép kết quả nghiên cứu
Triển khai công tác điều tra, khảo sát
2.3. Phương pháp nghiên cứu
2.3.1. Phương pháp tính tuổi
Tuổi của trẻ mầm non trong nghiên cứu được tính theo quy ước của WHO. Số liệu về ngày sinh và ngày khảo sát được đưa vào phần mềm WHO AnthroPlus để tính ra số tuổi của trẻ. Trẻ từ 24 tháng đến dưới 36 tháng là 2 tuổi; 36 tháng đến dưới 48 tháng là 3 tuổi; 48 tháng đến dưới 60 tháng là 4 tuổi; 60 tháng đến dưới 72 tháng là 5 tuổi.
2.3.2. Phương pháp chọn mẫu
Do mục tiêu của nghiên cứu cắt ngang là nên chúng tôi sử dụng phương pháp chọn mẫu theo mục đích theo cách phân tầng để xem xét có sự khác nhau giữa các vùng sinh thái hay không.
Qua phân tích điều kiện kinh tế - xã hội, tính khả thi và ý nghĩa của việc triển khai nghiên cứu này, chúng tôi đã chọn ba tầng, một tầng là nông thôn vùng miền núi cao, một tầng là thành thị miền núi và một tầng là nông thôn đồng bằng. Cụ thể là chọn xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đại diện cho tầng nông thôn miền núi cao, chọn phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đại diện cho tầng thành thị miền núi, còn xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đại diện nông thôn đồng bằng.
Các địa bàn nghiên cứu
- Xã Cao Mã Pờ là một xã nông thôn miền núi đặc biệt khó khăn, thuộc khu vực III, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang bao gồm 4 dân tộc (dân tộc Mông, Hán, Dao, Tày), tuy nhiên dân tộc Tày chiếm tỷ lệ rất thấp (0,5%).