Lịch Sử Ra Đời Và Phát Triển Của Du Lịch Nông Thôn Trên Thế Giới

e. Khách du lịch

Du khách là người quyết định nhất việc phát triển du lịch nông thôn là thích hợp hay không thông qua việc tự du khách tham quan các điểm du lịch nông thôn để lý giải văn hóa và lối sống nông thôn, trải nghiệm sự khác biệt trong văn hóa đem lại động cơ cho cộng đồng địa phương đó. Và du lịch được đánh giá thông qua những lời truyền miệng của du khách đăng trên internet và mạng xã hội về những điểm du lịch họ đã tham quan. Từ ý này, người ta cho rằng du khách cũng trở thành một thành phần tạo nên du lịch nông thôn.

f. Các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch

Các chuyên gia Việt Nam có chuyên môn trong lĩnh vực du lịch, các nhà tư vấn, các cơ quan hỗ trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ…cũng hợp tác phát triển du lịch nông thôn.

1.3. Lịch sử ra đời và phát triển của du lịch nông thôn trên thế giới

Du lịch nông thôn được manh nha hình thành trong xã hội Anh và châu Âu vào những năm cuối của thế kỷ XVIII. Vùng nông thôn được xem như là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí. Tuy nhiên, sự tham gia vẫn còn hạn chế bởi đó hầu như là đặc quyền của tầng lớp quý tộc hoặc những người trực tiếp sở hữu nông trại, các vùng đất rộng lớn tại nông thôn. Do vậy đối với phần lớn mọi người, cơ hội để được tham gia vào các hoạt động du lịch nông thôn hoặc bất cứ loại hình du lịch nào đều là không thể.

Đến những năm 1700, hoạt động du lịch thư giãn, nghỉ ngơi bắt đầu cạnh tranh với các hình thức du lịch nhằm mục đích kinh doanh, tôn giáo hoặc giáo dục bắt đầu được hình thành tại châu Âu. Mặc dù vẫn là loại hình du lịch dành riêng cho giới giàu có và những người có thời gian rỗi. Tầng lớp trí thức quý tộc trẻ châu Âu đã tổ chức những chuyến đi vòng quanh châu Âu để tìm hiểu, khám phá các nền văn hóa của vùng.

Những năm cuối thế kỷ XVIII hoạt động du lịch dần trở nên phổ biến và bắt đầu xâm nhập vào tầng lớp trung lưu trong xã hội. Bên cạnh đó mục đích du lịch không còn giới hạn trong loại hình du lịch giáo dục hoặc du lịch tham quan thuần túy,mà dần thay vào đó là các loại hình du lịch khám phá thiên nhiên, phong cảnh

đẹp ở các vùng nông thôn. Sự thay đổi đã biến những vùng nông thôn trở thành điểm đến du lịch phổ biến.

Cũng như các loại hình du lịch khác, sự tăng trưởng và phát triển của du lịch nông thôn được mở rộng đến nhiều tầng lớp trong xã hội. Trong suốt thế kỷ XIX, sự ra đời và phát triển của hệ thống xe lửa đã giúp cho việc tiếp cận đến vùng nông thôn xa xôi một cách dễ dàng với số lượng lớn khách du lịch tham gia. Ngành công nghiệp du lịch dần hình thành kéo theo sự tăng trưởng của loại hình du lịch nông thôn. Thomas Cook đã tổ chức thành công chuyến đi đến Thụy Sĩ năm 1863 và cuối thế kỷ XIX, Thụy Sĩ đã phát triển du lịch nông thôn thành một ngành công nghiệp với loại hình hoạt động chủ yếu là leo núi và nghỉ dưỡng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 174 trang tài liệu này.

Mặc dù phát triển trong suốt thế kỷ XIX nhưng mãi đến thế kỷ XX, du lịch nông thôn mới trở thành hoạt động du lịch được nhiều người ưa thích. Trong thời gian này, du lịch nông thôn không chỉ gia tăng một cách nhanh chóng về nhu cầu mà còn đa dạng loại hình và hoạt động tham quan.

Trong khoảng thời gian diễn ra các cuộc chiến tranh, nhiều người đã tham gia trải nghiệm loại hình du lịch nông thôn với sự cải thiện trong loại hình phương tiện vận chuyển. Các vùng nông thôn trở nên dễ dàng tiếp cận hơn. Ở Anh các hoạt động bơi thuyền, câu cá,… trở nên phổ biến hơn trong thời kì này. Nhu cầu tăng dẫn đến hoạt động du lịch được diễn ra ở nhiều vùng nông thôn hơn và phạm vi ngày một rộng lớn. Trong thời gian dài, du lịch nông thôn truyền thống dựa trên các hoạt động cơ bản diễn ra tại nông trại ở một số quốc gia như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Australia, Đức,…

Nghiên cứu phát triển du lịch nông thôn tỉnh An Giang - 5

Từ năm 1945 là thời kì phát triển một cách ấn tượng của ngành du lịch nói chung và sự gia tăng các nhu cầu của du lịch nông thôn nói riêng. Nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển của hoạt động du lịch nông thôn phải kể đến là sự gia tăng số lượng phương tiện di chuyển cá nhân trong dân cư. Ở Anh, năm 1939 có khoảng 2 triệu xe ô tô lưu thông trên đường và con số này tăng lên khoảng 20 triệu chiếc vào năm 1990. Cùng với chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao là quỹ thời gian rỗi cũng ngày một gia tăng trong xã hội công nghiệp. Kết quả là số lượng lớn du khách có thể thực hiện các chuyến tham quan, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng đến các vùng nông thôn [31, pg.53].

Ngày nay, nhận thức được tầm quan trọng của loại hình du lịch nông thôn một số nước phát triển đã luật hóa hoạt động này: ở Ý, đưa thành luật vào năm 1995 sau 35 năm phát động (1960); ở Nhật, ban hành Luật giải trí ở những vùng nông thôn, vùng chài cá và vùng núi năm 1994, thi hành từ 2006.

Ở Châu Âu, để phát triển du lịch nông thôn, tổ chức Eurogites – Hiệp hội Du lịch nông thôn Châu Âu đã được thành lập với 27 quốc gia thành viên, theo thống kê, mỗi năm du lịch nông thôn ở Châu Âu cung cấp hơn 3,6 triệu giường và doanh thu mỗi năm lên tới hơn 100 triệu euro. Một trong những quốc gia Châu Âu rất chú trọng tới phát triển hoạt động du lịch nông thôn là Pháp, quốc gia này là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế. Để đa dạng hóa các loại hình du lịch tăng tính hấp dẫn với du khách quốc tế, Bộ du lịch Pháp chủ trương lựa chọn khoảng 300 điểm du lịch nông thôn để đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch như đường giao thông, các phương tiện giao thông công cộng (tàu điện ngầm - metro…) nhằm thu hút du khách quốc tế. Ở Pháp còn có nhiều mạng lưới du lịch nông thôn như: Mạng lưới “Nhà ở nước Pháp” (Gites de France), Mạng lưới “Đón tiếp nông dân” (Acceuil paysan), “Chào mừng đến nông trại” (Bienvenue à la ferme)…Các mạng lưới du lịch kể trên phân bố khắp nước Pháp sử dụng nhà của người nông dân được sửa chữa lại để đón khách du lịch. Đây không phải là các nhà mới xây dựng với tiện nghi hiện đại mà là các nhà cổ truyền có ngăn các phòng cho khách ở với các tiện nghi vệ sinh tối thiểu. Các nhà phải giữ được phong cách địa phương. Nông dân nào muốn tham gia vào mạng lưới du lịch nông thôn phải sửa chữa nhà cửa của mình cho hợp với tiêu chuẩn của hệ thống du lịch. Các mạng lưới này mở lớp huấn luyện về dịch vụ du lịch, kiểm tra và xếp hạng các nhà nông dân theo tiêu chuẩn du lịch từ 1 đến 5 sao và quy định giá thuê. Phát hành sách hướng dẫn du lịch để thông tin cho khách hàng. Có nhiều loại cơ sở khác nhau. Khách hàng đến ở nhà nông dân, cùng sinh hoạt và làm việc với họ, tham gia các hoạt động văn hóa và đi thăm các thắng cảnh trong vùng.

Tại Ý, trong 5 năm(1985-1990), doanh thu từ du lịch nông thôn tăng gấp đôi, trong 10 năm tiếp theo (đến 2000) tăng thêm 50%. Doanh thu năm 2004 là 880 triệu euro với ¾ du khách đến từ các quốc gia Châu Âu khác. Các gia đình thành phố đi

du lịch nông thôn ở lại khá dài (3-6 ngày) với mục đích ưu tiên là nghỉ ngơi rồi mới đến mục đích tham gia sự kiện và tham quan di sản văn hóa, cuối cùng mới là ăn uống.

Ngoài ra, ở Châu Âu còn có khá nhiều địa danh du lịch đồng quê nổi tiếng, cụ thể ngày 26/10/2007, tại Diễn đàn Du lịch hàng năm của Cộng đồng chung châu Âu (EU) tại Bồ Đào Nha, Ủy ban châu Âu (EC) đã trao danh hiệu “Điểm đến tuyệt vời của châu Âu”(EDEN) cho 10 địa danh du lịch đồng quê: Thung lũng Pielachtal, Dirndl (Áo); Thị trấn Durbuy nhỏ nhất thế giới (Bỉ); Khu di sản thiên nhiên Sveti Martin na Muri (Croatia); Khu nghỉ dưỡng Troodos gần bờ biển (Đảo Cyprus); Vùng du lịch nông thôn sinh thái Florina (Hy Lạp); Phong cảnh thiên nhiên tại Orség (Hungary); Quận Clonakilty (Ireland); Khu truyền thống cách tân Specchia (Ý); Thị trấn Kuldiga (Latvia); Nadur, đảo Gozo(Malta).

Trong khu vực Châu Á, Trung Quốc cũng là nước tăng cường phát triển du lịch nông thôn từ những năm 1990 nhằm xóa đói, giảm nghèo ở một số vùng nông thôn kém phát triển như Vân Nam, Quảng Đông. Mỗi năm, các điểm du lịch nông thôn ở Trung Quốc đón tiếp khoảng 300 triệu du khách, doanh thu từ du lịch nông thôn khoảng 5,13 tỷ USD (40 tỷ nhân dân tệ). Năm 2006, Tổng cục Du lịch Trung Quốc công bố 30 điểm du lịch nông thôn quanh thành phố Thượng Hải đã đón 3,91 triệu lượt khách, và hằng năm có khoảng 60 triệu lượt khách thành thị đến các vùng nông thôn trong các “tuần lễ vàng” (Nhân dịp quốc khánh 1/10, ngày Lao động 1-5 và ngày Tết nguyên đán). Từ năm 1999 là năm đầu tiên áp dụng chế độ nghỉ “Tuần lễ vàng”, tổng thu nhập về du lịch của 14 “Tuần lễ vàng” trong 7 năm qua tại Trung Quốc đạt 429,2 tỷ nhân dân tệ với 1,07 tỷ người đi du lịch. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Liên hợp Quốc (UNWTO) tháng 3/2007: Du lịch nông thôn đang giúp xóa đói giảm nghèo ở Trung Quốc, đặc biệt là những tỉnh lạc hậu nơi có đa số dân cư thuộc các dân tộc thiểu số giàu nét văn hóa dân tộc.

Ngoài Trung Quốc, trong khu vực Đông Á còn có Nhật Bản cũng chú trọng phát triển du lịch nông thôn, từ năm 1995, Bộ Nông Lâm Thủy sản đã thiết lập hệ thống các nhà nghỉ nông thôn trên khắp đất nước. Các nhà nghỉ này do các hộ nông dân cá thể hoặc trang trại đảm nhiệm dịch vụ ăn nghỉ và hướng dẫn du khách tham gia các hoạt động cùng người dân địa phương như: trồng trọt, chăn nuôi, gặt hái, câu cá…

Hàn Quốc bắt đầu phát triển du lịch nông thôn từ năm 1984 với hình thức dự án của chính phủ nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Hiện nay, du lịch nông thôn là một trong những lĩnh vực hứa hẹn nhất cho người nông dân Hàn Quốc nhằm bù đắp sự sụt giảm thu nhập trong nông nghiệp của họ. Từ năm 2003, chính phủ đương nhiệm đề xuất quy hoạch nông nghiệp và nông thôn với khoản kinh phí 119 nghìn triệu won (khoảng 119 tỷ USD) trong suốt giai đoạn 10 năm từ 2004- 2013.

Xã hội phát triển, ngày càng nhiều loại hình du lịch mới ra đời cạnh tranh với loại hình du lịch nông thôn. Tuy nhiên, loại hình du lịch nông thôn vẫn được duy trì một cách ổn định và bền vững bởi nhiều nguyên nhân như:

Ở các quốc gia có nền công nghiệp phát triển mạnh, số lượng thời gian nghỉ ngắn ngày được tăng lên. Các kỳ nghỉ ngắn ngày rất phù hợp với loại hình du lịch nông thôn đến các vùng lân cận.

Kể từ đầu thập niên 1980, đã bắt đầu có sự quan tâm lớn đến các loại di sản nói chung và di sản ở các vùng nông thôn nói riêng. Sự phát triển du lịch kéo theo sự quan tâm, bảo tồn các giá trị văn hóa tại địa phương.

Mối quan tâm đến sức khỏe và nhận thức về lợi ích của cuộc sống lành mạnh đã khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động chủ yếu được diễn ra trong tự nhiên, trong khung cảnh nông thôn.

Sự cải tiến chất lượng và tính khả dụng của các thiết bị và vật dụng ngoài trời tạo điều kiện giúp du khách gần gũi với thiên nhiên cũng như dễ dàng thưởng thức phong cảnh vùng nông thôn.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại nông thôn ngày càng nhận thức được vai trò, tầm quan trọng cũng như lợi ích mà hoạt động du lịch mang lại cho cộng đồng địa phương đã góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của vùng tăng cường quảng bá, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước.

1.4. Tiềm năng và sự cần thiết phát triển loại hình du lịch nông thôn ở Việt Nam

1.4.1. Tiềm năng phát triển loại hình du lịch nông thôn ở Việt Nam

Ở Việt Nam cho đến nay, khái niệm du lịch nông thôn vẫn chưa được nhắc tới trong các văn bản pháp lý, mặc dù nước ta có tiềm năng lớn để phát triển du lịch

nông thôn. Khu vực nông thôn có khoảng 75% dân cư đang sinh sống, có diện tích đất chiếm trên 92% diện tích lãnh thổ Việt Nam. Qua khảo sát năm 2013của JICA và Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã thực hiện trên 63 tỉnh thành thì cả nước có 121 khu vực nông thôn đang thực hiện, hoặc có tiềm năng thực hiện phát triển du lịch. Như vậy, tỉnh nào ở nước ta cũng có các làng nông nghiệp với không gian làng xã sinh động và cảnh quan đồng quê hấp dẫn,làng nghề có tiềm năng trở thành điểm du lịch nông thôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Việt Nam có văn hóa truyền thống đặc sắc, phong cảnh thiên nhiên đẹp, địa hình đa dạng gồm núi đồi, sông suối, biển đảo, hang động, hệ động, thực vật phong phú.Vùng nông thôn với những làng quê có văn hóa truyền thống đặc sắc, những vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa, những cánh đồng bát ngát, hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt, những vườn trĩu quả, người dân Việt Nam thân thiện hiếu khách,…là những điều kiện cần và đủ để nước ta phát triển du lịch nông thôn.

Một tiềm lực đáng kể khác ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam là truyền thống sản xuất hàng thủ công, như gốm sứ, dệt, đồng, da, sơn mài, mộc,đan lát... Các làng nghề này tuy có tiềm năng phát triển, nhưng chưa được sự quan tâm và đầu tư đúng mức,khó khăn trong quá trình vận chuyển, buôn bán cũng như nhu cầu của địa phương thấp. Du lịch được thiết lập như là nguồn thu nhập, là cầu nối giúp trao đổi mua bán các mặt hàng nông sản xuất khẩu tại chổ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Du lịch nông thôn có tiềm năng mang lại lợi ích trên phạm vi rộng hơn, nếu được phát triển một cách bền vững.

1.4.2. Sự cần thiết phát triển du lịch nông thôn ở Việt Nam

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp hơn dân cư thành phố khoảng 2,5 lần và khoảng cách thu nhập ngày càng có xu hướng gia tăng. Tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp ở nông thôn cũng cao hơn thành thị khoảng 7 triệu người. Mỗi năm, khu vực này có hơn 1 triệu người được bổ sung thêm vào lực lượng lao động, hàng chục nghìn người dân di cư tự phát ra các thành phố lớn hoặc đến những địa phương khác để tìm kiếm việc làm. Việc di cư làm suy yếu cơ cấu xã hội ở vùng nông thôn, gia tăng tệ nạn, tăng thêm áp lực ở thành phố về các mặt kinh

tế, xã hội, môi trường. Sự yếu kém của khu vực nông thôn còn thể hiện ở kết cấu hạ tầng như hệ thống đường sá, cung cấp nước tưới, tiêu, cung cấp điện, thông tin...

Về nông nghiệp: Nông nghiệp là hoạt động chính của kinh tế nông thôn, chiếm 68% tổng giá trị sản phẩm (GDP) ở nông thôn. Luật Đất đai năm 1993 đã tạo lập cơ sở pháp lý để hộ nông dân là đơn vị sản xuất nông nghiệp tự chủ, nhờ đó tạo ra động lực nâng cao sản xuất, bảo đảm an toàn lương thực cho hầu hết người dân. Nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất gạo, hiện nay đang đóng góp nhiều cho xuất khẩu. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của nông dân vẫn còn rất thấp. Hầu hết nông dân không có đủ việc làm, vì có ít đất đai (trung bình có 0,5 ha/hộ), ruộng đất lại bị chia thành nhiều mảnh nhỏ. Cơ khí hóa nông nghiệp phát triển rất chậm. Tương tự, có nhiều việc phải làm để cải thiện giống cây trồng, vật nuôi và áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại. Do vậy, nếu so sánh với nông nghiệp của các nước Đông Nam Á khác như Thailand và Philippines thì nông nghiệp Việt Nam không hiệu quả và không có tính cạnh tranh. Sự tiếp cận của Việt Nam với thương mại thế giới ngày càng sâu rộng làm cho việc khắc phục những thiếu sót này là mang tính cấp thiết.

Về công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn: Khu vực công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn còn yếu, nhưng có nhiều tiềm năng để phát triển. Do công nghiệp chưa phát triển nên chất lượng gạo xuất khẩu từ Việt Nam thấp do hư hại trong quá trình chế biến; chi phí sản xuất đường mía cao hơn các nước khác; lãng phí trong bảo quản, chế biến rau quả. Hơn nữa, quá nhiều nhà máy chế biến lại đặt ở thành phố, điều nàycó nghĩa là chi phí nhiều cho việc vận chuyển nông sản nguyên liệu từ nông thôn đến nhà máy.Khu vực nông thôn không có thêm việc làm do các nhà máy chế biến sản phẩm không ở gần nơi có nguồn nguyên liệu.

Để góp phần xóa đói, giảm nghèo, từ năm 2001, Tổ chức Phát triển quốc tế của Hà Lan (SNV)phối hợp với Sở du lịch của một số tỉnh thực hiện Chương trình Du lịch bền vững vì người nghèo và Sa Pa (Lào Cai) là điểm được lựa chọn làm thí điểm. Tại Thừa Thiên - Huế, SNV phối hợp với Sở Du lịch của tỉnh đề ra nhiều chương trình thiết thực và cụ thể với những nội dung chính: nâng cao nhận thức về du lịch bền vững; xóa đói, giảm nghèo; quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng và quan hệ hợp tác giữa các bên liên đới trong

du lịch. Với chương trình này, SNV hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các đối tác cấp tỉnh, huyện và cộng đồng để xây dựng mô hình du lịch bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, văn hóa và phát triển sinh kế cho người nghèo. Mô hình thí điểm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn khá nghèo nàn ở miền núi của tỉnh đã thu hút trên 30 đoàn khách quốc tế đến mua các sản phẩm du lịch của địa phương. Từ năm 1986 tại Long Hồ (Vĩnh Long) đã xây dựng được mô hình du lịch sinh thái ở nông thôn khá hiệu quả, mô hình đầu tiên từ ngôi nhà ba gian truyền thống của Nam Bộ gắn liền với sông nước, kênh rạch, miệt vườn. Hiện nay mô hình này đã được nhân rộng lên 21 điểm du lịch miệt vườn, thu hút khá đông khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các mô hình này vẫn còn thiếu sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương.Thực tế phát triển du lịch nông thôn tại 4 làng quê trong 7 điển hình phát triển du lịch nông thôn mà Cẩm nang thực tiễn phát triển du lịch nông thôn Việt Nam đưa ra đã chứng tỏ rằng du lịch nông thôn có thể tạo ra nguồn thu nhập kinh tế mới cho khu vực nông thôn từ đó mang lại các lợi ích cho cộng đồng bằng việc cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế, giáo dục nhờ nguồn thu từ du lịch đóng góp vào quỹ cộng đồng hay tăng cường giao lưu trao đổi văn hóa giữa cộng đồng và du khách cũng như nâng cao ý thức bảo tồn môi trường tự nhiên và văn hóa của cộng đồng.

1.4.3. Bài học kinh nghiệm từ các mô hình phát triển du lịch nông thôn trên thế giới và ở Việt Nam cần nghiên cứu và học tập

Quá trình nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tiềm năng vùng nông thôn để phát triển du lịch cần có sự phối hợp của nhiều yếu tố và nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia, bàn bạc, đóng góp ý kiến và đưa ra kết luận cuối cùng. Trong đó, cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, phát triển nông thôn. Ý kiến của chính quyền địa phương trong vấn đề quản lý, phát triển các hoạt động, dự án đầu tư, quản lý lượng khách đến địa phương khi hoạt động du lịch nông thôn bắt đầu được triển khai nhằm đảm bảo vấn đề an ninh, môi trường du lịch an toàn, bảo vệ môi trường vùng nông thôn trong dự án,…Ý kiến đóng góp, thái độ và mong muốn của chính cộng đồng cư dân vùng nông thôn sẽ tiến hành khai thác hoạt động du lịch. Đây chính là ba nhân tố quan trọng quyết định sự vận hành thành công của loại hình du lịch nông thôn.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 14/04/2023