Cơ Sở Lí Luận Và Thực Tiễn Của Việc Sử Dụng Infographic Trong Dạy Học Lịch Sử Ở Trường Trung Học Phổ Thông.

Những nội dung cụ thể và chi tiết khác về infographic còn được đề cập đến trong các đề tài như: Nguyễn Thị Thiện, Vấn đề sử dụng đồ họa trong thông tin báo chí Việt Nam hiện nay, Luận văn Thạc sĩ Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội, 2011; Đào Thu Trang, Đồ họa trong tác phẩm báo chí trên báo mạng điện tử Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội, 2013,….

Trên thực tế, hiện nay infographic được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực báo chí (chủ yếu và thông dụng nhất là các trang báo điện tử) nhằm đáp ứng nhu cầu tổng hợp tin tức nhanh của những độc giả thời hiện đại. Trong một bài phỏng vấn, ông Eric Scherer - Giám đốc chiến lược kế hoạch và hợp tác tại Agence France Presse (Pháp) đã khẳng định: “Báo chí trực quan đang là một trong những xu hướng không chỉ của phương tiện truyền thông truyền thống mà còn của các phương tiện truyền thông mới. Một bức ảnh hoặc đồ họa tốt có thể đáng giá hơn 1.000 - 2.000, thậm chí 3.000 từ” [36, tr. 39].

Như vậy, có thể thấy, infographic đang dần trở nên gần gũi và thông dụng hơn trong cuộc sống của thời hiện đại. Nghiên cứu về tác dụng của infographic dưới góc độ là một phương pháp mới, có ưu thế đặc biệt trong việc truyền tải thông tin và có khả năng áp dụng vào dạy học hiện đại với tư cách là một hướng đi mới cho xu hướng thay đổi phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa người học là nội dung đã được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu riêng lẻ của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc ứng dụng infographic vào giảng dạy nói chung còn hạn chế, và giảng dạy lịch sử còn là lĩnh vực quá mới mẻ. Đây là cơ sở quan trọng cho chúng tôi lựa chọn nghiên cứu về sử dụng infographic trong dạy học lịch sử, đặc biệt là trong bối cảnh vấn đề nâng cao chất lượng dạy học bộ môn đang đặt ra cấp thiết như hiện nay.

3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài

3.1. Mục đích

Trên cơ sở tìm hiểu bản chất, khẳng định vai trò của infographic, đề tài đi sâu đề xuất một số biện pháp sử dụng có hiệu quả infographic trong dạy học lịch sử

ở trường phổ thông. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng và hứng thú học tập bộ môn.

3.2. Nhiệm vụ

Nhằm thực hiện mục đích trên, đề tài có những nhiệm vụ cụ thể sau:

- Tìm hiểu lý luận về phương pháp dạy học Lịch sử, về infographic từ đó rút ra cơ sở lý luận về việc sử dụng infographic trong dạy học lịch sử.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

- Tìm hiểu thực tế việc dạy học lịch sử ở một số trường phổ thông.

- Thiết kế một số chủ đề infographic trong chương trình lịch sử Việt Nam (thế kỉ X – XV)

Sử dụng Infographic trong dạy học Lịch Sử Việt Nam thế kỉ X - XV ở trường Trung học phổ thông chuyên Hưng Yên - 3

- Đề xuất một số biện pháp sử dụng infographic nhằm phát huy năng lực của học sinh trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông.

- Thực nghiệm sư phạm để kiểm định tính khả thi của đề tài.

4. Khách thể và đối tượng nghiên cứu

4.1. Khách thể nghiên cứu

Khách thể nghiên cứu: toàn bộ quá trình dạy học lịch sử Việt Nam.

4.2. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là quá trình tổ chức các hoạt động dạy học nội khóa có sử dụng infographic cho học sinh trong dạy học Lịch sử Việt Nam lớp 10 trường THPT Chuyên Hưng Yên.

5. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Cơ sở phương pháp luận

Đề tài được tiến hành trên cơ sở phương pháp luận là quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về giáo dục và giáo dục lịch sử.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp quan sát sư phạm

- Phương pháp điều tra (khảo sát bằng phiếu hỏi)

+ Điều tra tình hình giảng dạy của giáo viên ở một số trường THPT về mức độ và cách thức sử dụng infographic trong dạy học nói chung và dạy học lịch sử nói riêng.

+ Điều tra nhận thức và mức độ được tiếp cận của học sinh về các nội dung lịch sử được giáo viên sử dụng infographic.

- Thực nghiệm sư phạm: Soạn bài và tiến hành thực nghiệm sư phạm nhằm kiểm nghiệm tính khả thi của các biện pháp sư phạm đã đưa ra.

- Sử dụng toán học thống kê để xử lý kết quả thực nghiệm sư phạm.

6. Đóng góp của đề tài

6.1. Về mặt khoa học

Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần nâng cao nhận thức của bản thân về lý luận bộ môn, về một trong những biện pháp được xem là có hiệu quả nhất trong thực hiện mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả học Lịch sử ở trường phổ thông và nâng cao chất lượng dạy học bộ môn nói chung.

6.2. Về thực tiễn

Giúp bản thân hiểu sâu sắc hơn về phương pháp dạy học Lịch sử, rèn luyện kĩ năng nghiên cứu khoa học, kĩ năng vận dụng lý luận vào dạy học của bản thân.

Thiết kế một bộ các infographic lịch sử thế giới và Việt Nam, sử dụng trong thực tiễn dạy học.

Đề xuất một số biện pháp sử dụng infographic hiệu quả có thể vận dụng vào thực tiễn dạy học Lịch sử ở các trường phổ thông.

7. Bố cục của đề tài

Đề tài gồm 2 chương. Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, cấu trúc cụ thể của đề tài như sau:

Chương 1. Cơ sở lí luận và thực tiễn của việc sử dụng infographic trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông.

Chương 2. Thiết kế và sử dụng infographic trong dạy học lịch sử Việt Nam (thế kỉ X - XV) ở trường trung học phổ thông Chuyên Hưng Yên.

CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG‌


1.1.Cơ sở lí luận của việc sử dụng infographic trong dạy học lịch sử ở trường THPT‌

1.1.1. Quan niệm về infographic và sử dụng infographic trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông

1.1.1.1. Quan niệm về infographic

Infographic dạng sơ khai có thể được xem là được hình thành từ sớm, khi con người biết dùng hình vẽ để biểu đạt các thông tin. Tuy nhiên, khái niệm infographic thì lại ra đời khá muộn. Có thể nói, đến cuối thế kỷ XX, Richar Saul Wurma – người sáng lập chương trình TED Talks – đã đề xuất từ “infographic” như một thuật ngữ chính thức được sử dụng trong lĩnh vực báo chí. The Sunday Times là tờ báo đầu tiên áp dụng infographic vào năm 1970 và nhận được phản hồi không mấy tích cực từ công chúng. Các infographic lúc bấy giờ bị cho là quá đơn giản, nhấn mạnh vào tính giải trí hơn là nội dung dữ liệu. Theo thời gian, infographic không chỉ xuất hiện trên giấy mà phát triển trên cả các phương tiện truyền thông. Nhờ các phần mềm đồ họa hiện đại, infographic ngày càng hấp dẫn, sáng tạo và nhanh chóng phổ biến trong mọi lĩnh vực. Infographic phát triển dưới nhiều dạng khác nhau như biểu đồ đường, dạng thanh, đồ thị… , trở thành phương tiện biểu thị dữ liệu theo cách có cấu trúc, đảm bảo tính ngắn gọn trong mục tiêu truyền tải thông tin.

Vậy infographic là gì? Hiện nay, có nhiều định nghĩa infographic khác nhau. Infographic là từ ghép của “Information” (thông tin) và “graphic” (đồ họa).

Theo Wikipedia, “Information graphics or infographics are graphic visual representations of information, data or knowledge intended to present complex information quickly and clearly”. Tạm dịch là “Information graphics hoặc infographics là nghĩa là hình thức đồ họa trực quan sử dụng hình ảnh để trình bày thông tin, dữ liệu hoặc kiến thức thể hiện những thông tin phức tạp một cách nhanh và rõ ràng”.

Tác giả Daniel Adam trong bài viết What Are Infographics and Why Are They Important? trên blog InstantShift đã khẳng định: Đồ họa thông tin là bản trình bày trực quan của thông tin sử dụng các yếu tố của thiết kế để hiển thị nội dung. Đồ họa thông tin biểu đạt được những thông điệp phức tạp đến người xem giúp tăng sự hiểu rõ của họ.

Infographic là cách thức thể hiện, cung cấp thông tin ngắn gọn, trực quan bằng các kí hiệu, hình tượng, giúp người đọc khai thác nội dung cần thiết một cách nhanh chóng và dễ nhớ. [35, tr. 185]

Thuật ngữ “infographic” tức là “đồ họa thông tin”, được hiểu là phương thức sử dụng hình ảnh đồ họa để mô tả thông tin, kiến thức, dữ liệu,... Mục tiêu của infographic là giúp khối dữ liệu khổng lồ trở nên rõ ràng, sống động và hấp dẫn hơn bằng cách chọn lọc và diễn giải chúng thành các biểu đồ, hình ảnh… theo chủ đề riêng biệt [3].

Như vậy, infographic có thể hiểu đơn giản là thiết kế đồ họa thông tin, cụ thể chính là dạng thức thể hiện các thông tin, dữ liệu hoặc kiến thức phức tạp bằng những hình ảnh trực quan, sinh động.

1.1.1.2. Sử dụng infographic trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông

Infographic lịch sử được hiểu là các sản phẩm thiết kế bằng các phần mềm đồ họa, có chứa các nội dung lịch sử đã được tổng hợp, sắp xếp theo trật tự nhất định và thể hiện dưới dạng hình ảnh trực quan, sinh động.

Như thế, hiểu một cách đơn giản, infographic lịch sử chính là cách thức thể hiện mới các nội dung lịch sử đã cũ. Nói cách khác, infographic cũng có thể được xem là một là loại kênh hình có tính trực quan cao, tác động trực tiếp đến nhận thức của học sinh. Bởi lẽ infographic mang yếu tố mới lạ, thu hút học sinh mà tranh ảnh đơn thuần không có được. Vì vậy, với infographic, học sinh không đơn thuần chỉ quan sát và liên hệ đến nội dung kiến thức mà còn phải lý giải, phân tích, giải thích, đánh giá những nội dung kiến thức được thể hiện trong đó.

Sử dụng infographic trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông hiện nay vẫn được xem là một nội dung mới mẻ vì hệ thống infographic lịch sử còn ít, chưa được

hệ thống, thẩm định về mặt nội dung và đưa vào sử dụng trong các nhà trường phổ thông như một tài liệu học tập chính thức.

1.1.2. Ðặc điểm của infographic

Một infographic cơ bản có bố cục bao gồm 3 phần là: hình ảnh, nội dung và kiến thức. Hình ảnh ở đây chính là sản phẩm của sự phối hợp các màu sắc và đồ họa. Đồ họa được chia làm 2 loại: Đồ họa chủ đề và đồ họa tham chiếu. Mỗi một loại sẽ được dùng đề thể hiện những dữ liệu thông tin nhất định. Tuy nhiên, các infographic đều có một số đặc điểm chung sau:

Thứ nhất, infographic mang tính khái quát cao.

Tính khái quát của infographic được đảm bảo bởi hệ thống hình ảnh biểu tượng cho phép cung cấp một lượng lớn thông tin; vừa làm rõ những dữ liệu phức tạp, vừa tổng hợp thông tin thông qua cách sắp xếp các nội dung và biểu tượng.

Thứ hai, infographic có tính logic.

Thông qua infographic, các thông tin có giá trị được tổng hợp theo hệ thống và đơn giản hóa để đảm bảo dễ hiểu trong một thời gian ngắn. Việc logic các nội dung kiến thức và hệ thống hóa theo một trật tự nhất định, được thể hiện trên một trang giấy thể hiện tính khoa học và logic của infographic.

Thứ ba, infographic có tính thẩm mĩ.

So với cách truyền tải nội dung thông thường bẳng các đoạn văn bản, infographic gây ấn tượng và hứng thú với người đọc về màu sắc, cách thức thể hiện sáng tạo các nội dung. Sự sắp xếp hợp lý các hình ảnh, số liệu, thông tin ngắn gọn trong các bố cục hài hòa chính là cơ sở tạo nên tính thẩm mĩ của infographic.

Thứ tư, infographic có tính sáng tạo.

Infographic là một sản phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân của người thiết kế, đa dạng về màu sắc và ý tưởng trình bày. Mỗi một sản phẩm infographic là một sản phẩm thể hiện ý Đồ riêng của người thiết kế. Cùng một nội dung, thông tin, nhưng cách thể hiện của mỗi người là khác nhau tùy vào góc nhìn, khả năng (tổng hợp, chọn lọc kiến thức và thẩm mĩ) của mỗi người cũng như mục đích thành lập infographic đó.

Về bản chất, infographic là hình thức dùng hình ảnh để trình bày thông tin – thường là những thống kê trên số lượng lớn. Những infographic thường được bố trí khoa học, đẹp mắt và theo một cách dễ hiểu nhất nhằm giúp người đọc có thể hiểu được. Tuy thời gian và công sức để làm ra một sản phẩm infographic có thể mất nhiều hơn so với sử dụng văn bản hoặc sơ đồ tư duy nhưng những lợi ích mà nó mang lại thì vượt trội hơn rất nhiều. Thay vì phải đọc và xem qua nhiều trang web, hay thiết kế, các thống kê phức tạp… giờ đây, học sinh chỉ cần xem một trang hình ảnh infographic là có đầy đủ thông tin cần thiết và biết cách logic các thông tin đó với nhau.

Đây là những nguyên nhân cơ bản để có thể ưu tiên sử dụng infographic trong dạy học thay vì các văn bản truyền thống. Trong các thế mạnh của infographic, có những điểm có thể hỗ trợ tốt cho giáo dục để đưa infographic vào dạy học lịch sử như một phương tiện dạy học mới, đáp ứng được những yêu cầu trong dạy học hiện nay. Cụ thể:

Thứ nhất,infographic có khả năng tạo sự thu hút lớn:

Theo nghiên cứu của Đại học Saskatchewan - Cananda, hình ảnh giúp người xem cảm thấy dữ liệu hấp dẫn và thu hút hơn. Giữa rất nhiều thông tin cập nhật mới liên tục trên internet, một infographic có khả năng được chọn đọc nhiều gấp 30 lần so với bài viết hoặc biểu đồ đơn giản. Nguyên nhân chủ yếu là do bẩm sinh, con người khám phá thế giới bằng trực quan với 90% thông tin được não ghi nhận dưới dạng hình ảnh. Do đó, thể hiện thông tin bằng hình ảnh vừa làm rõ những dữ liệu phức tạp, vừa cho phép tạo ra sự thu hút của người đọc với những thông tin khô khan được viết dưới dạng văn bản thông thường.

Có thể kiểm chứng qua ví dụ so sánh hai cách truyền đạt thông tin về cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933:

Bằng chữ:

Sách giáo khoa Lịch sử 11 Nâng cao có viết nội dung kiến thức về cuộc khủng hoảng 1929 – 1933 như sau:

« Trong những năm 1924 – 1929, các nước tư bản bước vào thời kì ổn định

về chính trị và đạt mức tăng trưởng cao về kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế diễn ra không đồng đều giữa các nước tư bản. Hơn nữa, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ nhưng thiếu kế hoạch, không tương xứng với cải thiện đời sống của đa số nhân dân đã dẫn tới khủng hoảng kinh tế.

Tháng 10 – 1929, khủng hoảng kinh tế bùng nổ ở Mĩ, sau đó lan ra toàn bộ thế giới tư bản, chấm dứt thời kì ổn định và tăng trưởng của chủ nghĩa tư bản. Cuộc khủng hoảng kéo dài gần 4 năm, trầm trọng nhất là năm 1932.

Cuộc khủng hoảng không những tàn phá nền kinh tế mà còn gây ra những hậu quả nặng nề về chính trị, xã hội. Hàng chục triệu công nhân thất nghiệp, nông dân mất ruộng đất, sống trong cảnh nghèo đói, túng quẫn. Những cuộc đấu tranh, biểu tình, tuần hành của những người thất nghiệp diễn ra ở khắp các nước.

Khủng hoảng kinh tế đã đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Để cứu vãn tình thế, các nước tư bản phải xem xét lại con đường phát triển của mình. Trong khi các nước Mĩ, Anh, Pháp tiến hành những cải cách kinh tế - xã hội để khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng và đổi mới quá trình quản lý, tổ chức sản xuất thì các nước Đức, Italia, Nhật Bản lại tìm kiếm lối thoát bằng những hình thức thống trị mới. Đó là việc thiết lập các chế độ độc tài phát xít – nền chuyên chính khủng bố công khai của những thế lực phản động nhất, hiếu chiến nhất… Quan hệ giữa các cường quốc tư bản chuyển biến ngày càng phức tạp. Sự hình thành hai khối đế quốc đối lập: một bên là Mĩ, Anh, Pháp với một bên là Đức, Iatlia, Nhật Bản và cuộc chạy đua vũ trang diễn ra ráo riết đã báo hiệu nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới mới » [9, tr.163 – 164].

Bằng infographic:

Xem tất cả 117 trang.

Ngày đăng: 23/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí