Xin phôi: phôi dư từ các cặp vợ chồng làm thụ tinh trong ống nghiệm sau khi đã thành công, có đủ con, được tự nguyện hiến lại cho ngân hàng phôi. Phôi được chuyển vào tử cung người xin.
Mang thai hộ: kỹ thuật này thường được áp dụng cho những trường hợp người phụ nữ có buồng trứng bình thường nhưng đã bị cắt tử cung hoặc bị bệnh lý nội khoa nặng (Ví dụ: bệnh tim) khiến việc mang thai có thể nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con. Tinh trùng chồng và trứng người vợ được cho thụ tinh trong ống nghiệm. Sau đó phôi được chuyển vào tử cung người mang thai hộ.
Ngoài ra, còn có các kỹ thuật hỗ trợ khác như: trữ lạnh tinh trùng, rã đông tinh trùng, trữ lạnh mô tinh hoàn, rã đông mô tinh hoàn, trữ lạnh noãn, rã đông noãn, trữ lạnh phôi, rã đông phôi, phẫu thuật lấy tinh trùng, hỗ trợ phôi thoát màng [37].
Trước sự phát triển của các kỹ thật hỗ trợ sinh sản và việc áp dụng thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm trong việc điều trị vô sinh ở Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của ba em bé lần đầu tiên được sinh ra nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm năm 1998. Pháp luật Việt Nam lần đầu tiên đề cập đến các khái niệm noãn, phôi, thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm trong Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học. Trong đó sinh con theo phương pháp khoa học được hiểu là việc sinh con được thực hiện bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không còn sử dụng thuật ngữ sinh con theo phương pháp khoa học mà thay bằng sử dụng thuật ngữ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Khoản 21 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích "sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm".
Tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP giải thích: "Thụ tinh trong ống nghiệm là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi".
Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Nghị định số 10/2015/NĐ-CP không giải thích thụ tinh nhân tạo nhưng căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP thì thụ tinh nhân tạo được hiểu là: "Thụ tinh nhân tạo là thủ thuật bơm tinh trùng của chồng hoặc của người cho tinh trùng vào tử cung của người phụ nữ có nhu cầu sinh con để tạo phôi".
Tại khoản 3, 4, 5 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP giải thích: Noãn là giao tử của nữ; tinh trùng là giao tử của nam; phôi là sản phẩm của quá trình kết hợp giữa noãn và tinh trùng.
Vậy sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc áp dụng một trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để lấy noãn, tinh trùng ra khỏi cơ thể sau đó tạo điều kiện thuận lợi cho noãn và tinh trùng kết hợp với nhau và khi tạo thành phôi thì phôi sẽ được phát triển trong tử cung của người mẹ.
Tinh trùng sau khi được lấy ra khỏi cơ thể người nam sẽ được bảo quản bằng cách làm đông lạnh ở -196 độ C và được lưu giữ tại ngân hàng tinh trùng và khi cần sử dụng tinh trùng sẽ được rã đông cung ứng cho người sử dụng. Vậy ngân hàng tinh trùng là nơi tập hợp các mẫu tinh trùng được gửi vào để lưu giữ, bảo quản tinh trùng phục vụ cho việc thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hoặc vì nguyện vọng lưu giữ cà nhân. Ngoài ra ngân hàng tinh trùng còn có chức năng cung ứng tinh trùng cho cặp vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ độc thân muốn sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hoặc hiến tặng cho các cơ sở làm nghiên cứu khoa học.
Có thể bạn quan tâm!
- Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng theo pháp luật Việt Nam - 1
- Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng theo pháp luật Việt Nam - 2
- Quy Định Của Một Số Nước Về Sinh Con Bằng Kỹ
- Điều Kiện Sinh Con Bằng Kỹ Thuật Hỗ Trợ Sinh Sản Với Tinh Trùng Từ Ngân Hàng Tinh Trùng Theo Pháp Luật Việt Nam
- Người Có Nguyện Vọng Lưu Giữ Cá Nhân
Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.
Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng là việc ngân hàng tinh trùng cung ứng tinh trùng cho người phụ nữ có nhu cầu để họ thực hiện việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Vậy
đây là trường hợp người phụ nữ dùng noãn của chính mình kết hợp với tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng tạo thành phôi. Phôi được phát triển trong tử cung của người phụ nữ đó. Đứa trẻ sinh ra có chung huyết thống của người phụ nữ sinh ra đứa trẻ đó và huyết thống của người đã gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng.
1.2. Ý NGHĨA CỦA VIỆC SINH CON BẰNG KỸ THUẬT HỖ TRỢ SINH SẢN VỚI TINH TRÙNG TỪ NGÂN HÀNG TINH TRÙNG
1.2.1. Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng là kết quả của việc ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y học
Tại Việt Nam mặc dù thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện thành công khá muộn so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Tuy nhiên trong những năm qua, lĩnh vực điều trị vô sinh của nước ta đã có những tiến bộ vượt bậc. Hiện nay, chúng ta đã thực hiện thành công các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phổ biến trên thế giới với tỉ lệ thành công khá cao và ổn định.
Nhu cầu điều trị vô sinh ở nước ta ngày một tăng, các cơ sở khám chữa bệnh phụ khoa và trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng đã thành lập các đơn vị điều trị vô sinh, đặc biệt vào năm 2011, với sự ra đời của Trung tâm nghiên cứu về di truyền và sức khỏe sinh sản (Khoa Y Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Việt Nam trở thành một trong bốn trung tâm đào tạo về hỗ trợ sinh sản lớn nhất của Châu Á (cùng với Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc) và hiện mỗi năm tiếp nhận đào tạo, huấn luyện đào tạo cho nhiều bác sĩ nước ngoài.
Theo Hội nội tiết sinh sản - vô sinh Thành phố Hồ Chí Minh, cả nước hiện có 15 Trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm và đến nay, hơn 10.000 trẻ đã ra đời nhờ kỹ thuật này. Ngoài ra, Việt Nam là nơi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhiều nhất khu vực Đông
Nam Á. Kỹ thuật và tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới, có thể thực hiện được hầu hết các kỹ thuật hiện đại của thế giới [36, tr. 40].
Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2000, Việt Nam bắt đầu nhận thụ tinh trong ống nghiệm cho người nước ngoài và ngày càng thu hút họ đến nước ta. Cũng theo bác sĩ:
Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng ba trung tâm lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là bệnh viện An Sinh, bệnh viện Vạn Hạnh, bệnh viện Từ Dũ, mỗi trung tâm tiếp nhận, điều trị, hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm cho khoảng 200 trường hợp người nước ngoài/năm và con số này ngày càng gia tăng. Trong đó, bệnh viện An Sinh mỗi năm có 100-150 trường hợp điều trị thụ tinh trong ống nghiệm cho người nước ngoài [36, tr. 40].
Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm của Việt Nam hiện đã phát triển thành công dù đi sau nhờ nhiều yếu tố. Đó là được đầu tư thiết bị tiên tiến, cán bộ y tế lĩnh vực này đều trẻ, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có kinh nghiệm và kiến thức nền tảng tốt, tổ chức được những hội thảo nhóm hằng năm có chất lượng chuyên môn cao, đi sâu vào học thuật, đội ngũ bác sĩ, nhân viên hỗ trợ LAB, điều dưỡng… giao tiếp tiếng Anh tốt.
Một trong những yếu tố góp phần vào thành công này là do chi phí thấp. Cụ thể, một ca thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam chỉ bằng 1/4 hoặc 1/3 với khu vực và 1/6 -1/8 so với Mỹ [36, tr. 40].
Thành tựu gần đây nhất Bệnh viện Từ Dũ đã thành công trong việc thực hiện kỹ thuật nuôi trưởng thành noãn trong ống nghiệm. Đây là một kỹ thuật khó, trên thế giới ít có bệnh viện nào có thể thực hiện được. Với thành công này Việt Nam được xem như một trong những quốc gia hàng đầu trong
kỹ thuật này, nhiều chuyên gia của Việt Nam được mời sang nước ngoài để giảng dạy kỹ thuật trên cũng như thu hút nhiều học viên các nước khác tìm đến Việt Nam để học tập. Điều này đã từng bước khẳng định được vị trí của Việt Nam trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, không chỉ về kinh nghiệm điều trị, nghiên cứu khoa học mà còn là một trung tâm đào tạo cho khu vực, công nghệ cao và thực hiện hầu hết các kỹ thuật điều trị vô sinh trên thế giới.
Với những kết quả đã đạt được, cùng rất nhiều cơ hội mới từ việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật của các nước trên thế giới vào Việt Nam, trong tương lai chắc chắn các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, trong đó có những kĩ thuật hỗ trợ sinh sản liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn, hiệu quả cho hỗ trợ sinh sản với tinh trùng sẽ ngày một phát triển hơn. Chúng ta, với tư cách là những công dân của đất nước, chắc chắn sẽ được tiếp nhận những thành tựu, những lợi ích và thành quả mà y học mang lại.
1.2.2. Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp
Tỷ lệ vô sinh ở nước ta khá cao, theo kết quả điều tra dân số năm 1982, tỷ lệ vô sinh chung là 13%. Nghiên cứu của tác giả Âu Nhật Luân (1995), tỷ lệ vô sinh ở nước ta vào khoảng 7% đến 10% dân số. Gần đây hơn, kết quả điều tra của tác giả Phạm Văn Quyền (2000) và Trần Thị Phương Mai (1999) cho thấy tỷ lệ vô sinh ở nước ta khoảng từ 10% - 15% dân số [33, tr. 42].
Đây là một vấn đề lớn không chỉ riêng cho ngành y tế mà là chung cho toàn xã hội. Các quy định pháp luật về vấn đề sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ra đời không chỉ mang lại niềm vui cho những người bị vô sinh mà còn là hành lang pháp lý quan trọng cho giới chuyên môn và cho những người muốn điều trị vô sinh.
Thêm nữa, cuộc sống công nghiệp hiện đại cùng nhịp sống hối hả không những cuốn hút phái nam mà cả phái nữ. Càng ngày càng có nhiều phụ nữ độc thân lựa chọn biện pháp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và thường nằm ở đối tượng phụ nữ thành đạt.
Bên cạnh đó, việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra: quy định này phù hợp với nguyên tắc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là: "việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận" [12, khoản 4 Điều 3]. Lý do mà pháp luật quy định như vậy xuất phát từ việc chính cặp vợ chồng vô sinh và người phụ nữ độc thân là người đem lại sự sống cho đứa trẻ và họ cũng là người mong muốn có đứa trẻ chứ không phải là người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi. Quy định trên cũng nhằm tránh những tranh chấp về quan hệ cha, mẹ, con của các chủ thể liên quan, là cơ sở đảm bảo ổn định mối quan hệ cha, mẹ, con, giúp cặp vợ chồng, người phụ nữ độc thân yên tâm nuôi dạy đứa trẻ trong điều kiện tốt nhất.
Vì thế, hoàn toàn có thể khẳng định rằng, việc tiến hành các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, trong đó có hỗ trợ sinh sản với tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng là hoàn toàn phù hợp thực tế, mang ý nghĩa nhân văn cao cả.
1.2.3. Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng giúp đảm bảo khả năng thực hiện chức năng cơ bản của gia đình - chức năng tái sản xuất con người
Là một trong những thiết chế cơ bản của xã hội, gia đình đảm nhận chức năng tái sản xuất con người; tái tạo, bảo dưỡng sức lao động cho xã hội. Tái sản xuất con người là một chức năng cơ bản và riêng có của gia đình. Hoạt động sinh con đẻ cái trước hết xuất phát từ nhu cầu tồn tại của chính con người, của xã hội. Việc thực hiện chức năng này không chỉ nhằm thỏa mãn
nhu cầu, mong ước của người vợ, người chồng mà còn là vấn đề xã hội, vấn đề duy trì tính liên tục của xã hội.
Theo Ph. Ăngghen, "con người ta thay đổi hàng ngày cuộc sống của mình, bắt đầu sản xuất ra những con người khác tức là tự tái sản xuất, đó là quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, giữa cha mẹ và con cái, đó là gia đình" [1]. Nếu không có sản xuất và tái sản xuất, kể cả tái sản xuất con người thì xã hội không phát triển, thậm chí không tồn tại được. Gia đình không chỉ tái sản xuất con người về mặt thể chất mà còn tái sản xuất ra đời sống tình cảm, tâm hồn, văn hóa tức là quá trình xã hội hóa con người, quá trình biến đứa trẻ từ một sinh vật người thành con người xã hội.
Nhờ có kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng mà chức năng duy trì nòi giống của các cặp vợ chồng hiếm muộn được đảm bảo đồng thời đáp ứng được nhu cầu sinh con cùng huyết thống, cùng mã gen với bố mẹ. Yếu tố huyết thống không chỉ là cơ sở để xác định cha, mẹ, con mà còn là cơ sở xác định nguồn gốc, dòng họ, gia phả với những giá trị văn hóa tinh thần, đạo đức và truyền thống của dòng họ gắn với mỗi con người cụ thể. Đó cũng là lý do để những cặp vợ chồng hiếm muộn vẫn luôn khao khát có đứa con mang dòng máu của mình và các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được tiến hành, trong đó phải kể đến kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng.
Rõ ràng, các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã giúp đảm bảo khả năng thực hiện chức năng cơ bản của gia đình - chức năng tái sản xuất con người.
1.3. SƠ LƯỢC PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ SINH CON BẰNG KỸ THUẬT HỖ TRỢ SINH SÁN VỚI TINH TRÙNG TỪ NGÂN HÀNG TINH TRÙNG
Năm 1978 là một trong những mốc quan trọng trong lịch sử y học thế giới. Tại Anh, em bé đầu tiên được sinh ra nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, đó là sự khởi đầu cho sự phát triển của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trên
người. Sau đó, trong những năm 80, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đã phát triển rất mạnh và lần lượt được báo cáo thành công tại nhiều nước trên thế giới, kể cả ở Châu Á. Năm 1983, Singapore thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Đây cũng là quốc gia Châu Á đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật này.
Tại Việt Nam, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện thành công khá muộn so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Năm 1997, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ bắt đầu triển khai thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, đến ngày 30/4/1998, 03 em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ra đời ở Việt Nam. Từ năm 1998 đến năm 2000, sau thành công ban đầu này, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ bước đầu đào tạo và chuyển giao công nghệ cho các Viện: Học viện Quân y, Bệnh viện Hùng Vương, Viện Bảo vệ bà mẹ và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế và bác sĩ do Sở Y tế Cần Thơ cử. Việc đào tạo và chuyển giao công nghệ đã có những bước thành công nhất định. Năm 2001, Viện Bảo vệ bà mẹ và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế đã thành công trong việc áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Pháp luật lần đầu tiên đề cập vấn đề sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại khoản 2 Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 09 tháng 06 năm 2000 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 quy định: "Việc xác định cha, mẹ cho con được sinh ra theo phương pháp khoa học do Chính phủ quy định".
Vậy, sau hai năm kể từ khi đứa trẻ đầu tiên được sinh ra nhờ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo thì pháp luật mới đề cập đến sinh con theo phương pháp khoa học chứ chưa có một quy định cụ thể nào về vấn đề này.
Ngày 12 tháng 02 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học (sau nay gọi là sinh