kinh nghiệm áp dụng pháp luật, kinh nghiệm phân tích các mối quan hê xã hội và cả sức ép về tâm lý đối với công chứng viên khi thực hiện công chứng là rất lớn. Thêm vào đó, Luật công chứng lại còn khống chế cả thời hạn phải thực hiện việc công chứng: "Thời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc" (Điều 43, khoản 2). Hơn nữa, vì là dịch vụ đã được xã hội hoá, xuất hiện thêm yếu tố cạnh tranh nên việc tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu công chứng đòi hỏi phải được giải quyết gần như là tức thời, nếu không có các quy định phải khống chế thời gian của pháp luật. Với tất cả những sức ép như trên, liệu rằng những quy định về tiêu chuẩn công chứng viên trong Luật nói trên đã đủ chưa? Có thể thấy ngay câu trả lời là: quy định như vậy còn quá sơ sài, khó đáp ứng được với những diễn biến vô cùng phức tạp trong thực tiễn xã hội, dễ đẩy công chứng viên, nhất là các công chứng viên mới vào nghề mắc phải những sai phạm do thiếu kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh nghề nghiệp.
Hơn nữa, vì công chứng viên chỉ là một cá nhân được trao cho một phần quyền lực công của Nhà nước (thực hiện dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm) để thực hiện việc công chứng (nay thêm chức năng chứng thực) công chứng viên đòi hỏi một trình độ chuyên môn cao, kiến thức pháp luật lại phải rất rộng và đặc biệt là phải vững vàng. Thêm vào đó, yếu tố kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn cũng phải đầy đủ và chắc chắn. Do vậy, như quy định về tiêu chuẩn công chứng viên tại Điều 8 Luật Công chứng hiện hành nên được sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hơn các quy định và nhất là tăng cường, củng cố thêm yếu tố chất lượng của công chứng viên. Cụ thể, tại khoản 2 - Điều 8, Luật Công chứng 2014 quy định: "Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật". Rõ ràng, quy định này là không đủ và chưa hợp lý so với quy định các đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng (Điều 10): "Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên" hoặc "Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên". Những đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng này có thể xác định được số năm
công tác pháp luật của họ tối thiểu phải 08 đến 10 năm mới có thể được bổ nhiệm làm công chứng viên, Trong khi tại khoản 2 Điều 8 nói trên lại quy định chỉ cần 05 năm công tác pháp luật. Đây rõ ràng là một sự thiếu sót, "khập khiễng" của điều khoản này. Do vậy, để thống nhất về mặt định lượng trong hệ thống văn bản pháp luật và để thực hiện đúng tinh thần của điều luật là nhằm nâng cao chất lượng công chứng viên thì phải quy định lại Điều luật này. (Ví dụ, nên quy định: phải có đủ từ 05 năm làm giúp việc nghiệp vụ trực tiếp cho công chứng viên, hoặc chí ít thì cũng phải quy định: phải có ít nhất 05 năm làm việc tại tổ chức hành nghề công chứng, chứ không nên quy định chung chung là 05 năm công tác pháp luật như Luật hiện tại).
- Tiêu chuẩn về đạo đức công chứng viên:
Như đã phân tích ở phần bình luận về tiêu chuẩn đạo đức của công chứng viên cũng tại Điều 8, Luật Công chứng 2014: "có phẩm chất đạo đức tốt" là một quy định hoàn toàn chung chung, không hề có tính định lượng, rất khó thực hiện trên thực tiễn, tuy rằng tiêu chuẩn này rất cần. Do vậy cũng nên phải nghiên cứu và quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn (nhưng phải phân biệt với Điều 13 - "Những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên").
3.2. Kiến nghị về quy tắc đạo đức hành nghề công chứng viên.
Có thể bạn quan tâm!
- Người Đang Bị Truy Cứu Trách Nhiệm Hình Sự; Đã Bị Kết Án Mà Chưa Được Xoá Án Tích Về Tội Phạm Do Vô Ý; Đã Bị Kết Án Về Tội Phạm Do Cố Ý.
- Người Đang Bị Truy Cứu Trách Nhiệm Hình Sự, Đã Bị Kết Tội Bằng Bản Án Đã Có Hiệu Lực Pháp Luật Của Tòa Án Về Tội Phạm Do Vô Ý Mà Chưa Được
- Tuân Thủ Hiến Pháp, Pháp Luật, Không Trái Đạo Đức Xã Hội.
- Quy chế công chứng viên theo pháp luật Việt Nam - 14
- Quy chế công chứng viên theo pháp luật Việt Nam - 15
Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.
Tất cả các quy định trong bộ quy tắc đạo đức hành nghề công chứng này đều khá rõ ràng, mạch lạc, rất phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với truyền thống đạo đức dân tộc, đạo đức xã hội và đạo đức con người. Tuy nhiên, vì là một bộ quy tắc đạo đức áp dụng để hành nghề nên các quy định trong bộ quy tắc này dường như thiếu đi những quy định đòi hỏi phải có sự cụ thể. Trong một phạm vi nhỏ, ví dụ chúng ta sẽ chỉ ra quy định về sự "kiểm tra, giám sát, khen thưởng và xử lý vi phạm" (được quy định trong Chương IV của quy chế). Đó là:
+ Thứ nhất: quy định về các việc kiểm tra, thanh tra, giám sát. khen thưởng, xử lý vi phạm còn chung chung, chưa đề ra được lịch trình, tiêu chí và thành phần những người tham gia đánh giá cụ thể vào đoàn thanh tra, kiểm tra,
giám sát, khen thưởng, xử lý vi phạm. Điều này rất quan trọng, vì nó sẽ bảo đảm cho việc đánh giá được chính xác, kịp thời và quan trọng nhất là phải thật sự công tâm, khách quan và chuẩn mực. Muốn như thế, ngoài các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp hoặc Tổ chức xã hội nghề nghiệp hay chính Tổ chức hành nghề công chứng ra thì trong quy chế nên quy định thêm: trong thành phần đoàn thanh tra, kiểm tra, hay hội đồng giám sát, khen thưởng, xử lý vi phạm phải có mặt thêm các cơ quan báo chí, truyền thông, những người chuyên làm công tác xã hội và nhất là những người yêu cầu công chứng (người yêu cầu ngẫu nhiên và người yêu cầu thường xuyên), ... Có như vậy thì việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, xử lý vi phạm mới được chính xác, quy chế mới thực sự phát huy được tác dụng.
+ Thứ hai: Với quy định "Công chứng viên thực hiện không đúng Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, xử lý kỷ luật theo Điều lệ của tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên, bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật" thì cũng nên quy định thêm việc phải thành lập đoàn hay hội đồng xử lý vi phạm để cùng quyết định việc xử lý vi phạm. Đồng thời, nêu quy định chi tiết hơn từng vi phạm của thể của công chứng viên sẽ phải chịu mức xử phạt nào, mức độ bao nhiêu...
+ Thứ ba, đối với quy định "phải có phẩm chất đạo đức tốt" thì cũng phải quy định cụ thể hơn rất nhiều. Chuẩn mực đạo đức xã hội chúng ta có thể đã biết nhiều, chuẩn mực đạo đức trong pháp luật chúng ta cũng có thể trích dẫn ra từ một số các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm, nhưng đối với tiêu chuẩn công chứng viên thì nên đặt chuẩn mực đạo đức phải cao hơn một mức so với các đối tượng thông thường khác, tức phải quy định rõ hơn thế nào là đạo đức tốt. Ví dụ, có thể quy định thêm về tiêu chuẩn đạo đức tốt như: chưa từng bị kết án tù giam vì lỗi cố ý trong lĩnh vực công chứng, không bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ ba trong lĩnh vực công chứng vì lỗi cố ý, hoặc chưa từng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, hoặc những người không có hành vi gây ra những dư luận xấu có tác động tiêu cực đến xã hội, ...
3.3. Kiến nghị quy định về việc tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên
Thúc đẩy nhanh và triệt để việc thành lập các Hội công chứng viên tại tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, và Hiệp hội công chứng viên toàn quốc để có một sự thống nhất về việc thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ giữa các công chứng viên dưới sự chỉ đạo chung của cơ quan chuyên môn của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi cho từng công chứng viên. Đồng thời, thống nhất các tiêu chí hoạt động khác trong khuôn khổ quy định của pháp luật giữa hoạt động của các công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh và trên toàn quốc. Các Hội và Hiệp hội công chứng sẽ đóng góp vai trò to lớn trong việc chia sẻ thông tin nghiệp vụ giữa các công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng, tránh việc hoạt động không thống nhất, tránh cạnh tranh không lành mạnh, giải quyết các mối quan hệ nội bộ trong các Tổ chức hành nghề công chứng hay các Hội công chứng cũng như giữa các công chứng viên với nhau, bảo đảm hoạt động công chứng với tư cách là một nghề cao quý, đáng tin cậy và phát triển, ổn định.
3.4. Kiến nghị về công tác quản lý công chứng viên.
- Tuy trong Luật Công chứng 2014 không quy định, nhưng trên thực tế cho đến thời điểm hiện tại, khi bổ nhiệm công chứng viên, Bộ Tư pháp thường ra quyết định bổ nhiệm chức danh công chứng viên cho một công chứng viên kèm theo tên địa bàn mà công chứng viên đó phải làm việc. Đây là một khía cạnh rất thiếu tính khoa học pháp lý, bởi khi đã được bổ nhiệm chức danh công chứng viên thì công chứng viên đó đã được công nhận là người có đầy đủ năng lực và phẩm chất của công chứng viên rồi, họ có quyền làm việc, hành nghề ở bất cứ đâu trên toàn quốc theo quy định của hiến pháp và pháp luật như những công dân khác, được lựa chọn nơi hành nghề công chứng, lựa chọn tổ chức hành nghề công chứng theo đúng quy định của Luật Công chứng hiện hành quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 22. Do vậy, khi quyết định bổ nhiệm công chứng viên, Bộ
Tư pháp không nên ghi phạm vi địa bàn hoạt động công chứng, vì công chứng viên khi được bổ nhiệm.
- Tăng cường hơn nữa việc quản lý chặt chẽ về chuyên môn của công chứng viên bằng các biện pháp tổ chức hội thảo, kiểm tra và bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức, nghiệp vụ cho công chứng viên. Quản lý chặt chẽ mối quan hệ giữa công chứng viên Tổ chức hành nghề công chứng của mình, bảo đảm cho mối quan hệ này luôn đúng pháp luật, luôn thuận lợi nhất nhưng cũng phải luôn minh bạch. Thanh tra, kiểm tra nghiêm minh, xử lý công bằng các sai phạm của công chứng viên và các Tổ chức hành nghề công chứng. Công khai quy hoạch công chứng viên và các Tổ chức hành nghề công chứng, đối xử bình đẳng đối với tất cả các công chứng viên và Tổ chức hành nghề công chứng.
- Kịp thời giải thích pháp luật về công chứng và các pháp luật khác có liên quan cho công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh và trên toàn quốc để không ngừng nâng cao và hoàn thiện kiến thức pháp luật thực tế cho các công chứng viên, đồng thời tạo nên sự thống nhất trong việc công chứng giữa các công chứng viên với nhau và sự thống nhất giữa các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn một tỉnh và trên toàn quốc, nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc pháp luật có những quy định "chồng chéo" nhau khá nhiều trong các lĩnh vực có liên quan đến việc công chứng.
- Tăng cường phối hợp, kết hợp với các bộ, ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước khác để kịp thời ban hành các văn bản quy phạm nhằm làm thống nhất, phù hợp với nhau giữa các cơ quan, tổ chức khác với công việc công chứng do của các công chứng viên, tránh việc hành nghề một cách không thống nhất giữa các công chứng viên với các cơ quan, tổ chức có liên quan này.
- Xây dựng hệ thống thông tin về văn bản pháp luật công chứng và các thông tin khác có liên quan đến công chứng viên, liên quan đến nghiệp vụ công chứng, liên quan đến các giao dịch, tài sản có liên quan đến công chứng trong phạm vi địa bàn tứng tỉnh và trên địa bàn toàn quốc.
KẾT LUẬN
Công chứng viên Việt Nam hiện là một chức danh tư pháp được Nhà nước bổ nhiệm, làm việc và hoạt động trực thuộc hoặc chịu sự quản lý của ngành bổ trợ tư pháp - một ngành thuộc khối các cơ quan hành chính Nhà nước. Do vậy, công chứng viên Việt Nam hiện tại gần như đang chịu sự quản lý hoàn toàn của các cơ quan hành chính Nhà nước, tuy rằng sự quản lý này chỉ được trao cho của một số cơ quan hành chính nhất định ở địa phương và ở trung ương.
Công chứng viên tại Việt Nam là một chức danh tư pháp khá mới mẻ, chưa có chiều dài và chiều sâu phát triển như công chứng viên nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, với sự cố gắng của Nhà nước và toàn xã hội, hiện tại công chứng viên Việt Nam đang tồn tại, hoạt động và phát triển theo một quy chế khá chặt chẽ được quy định bởi Hiến pháp, các Luật mà trực tiếp nhất là Luật Công chứng 2014, thêm vào đó là các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyển ban hành nhằm củng cố và phát triển về chất lượng và số lượng ngày càng tiến bộ, tiến tới đáp ứng được với thực tiễn xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng. Với việc xã hội hoá công chứng và tham gia vào liên minh công chứng quốc tế, công chứng viên Việt Nam hiện tại đang có cơ hội lớn để tự hoàn thiện và phát triển mình theo kịp với trình độ phát triển chung của xã hội, học tập và cố gắng theo kịp với trình độ công chứng viên của nhiều nước có nền pháp luật và nền công chứng đã được thực tiễn kiểm nghiệm là tiên tiến trên thế giới.
Tuy nhiên, để công chứng viên Việt Nam được phát triển như vậy, các nhà khoa học pháp lý và nhất là những nhà xây dựng luật pháp ở nước ta phải đầu tư thêm nhiều công sức, vận dụng được nhiều những kiến thức đúng đắn và thực tiễn xã hội đa dạng, cũng như tận dụng được những kinh nghiệm quý báu từ chính những công chứng viên có kiến thức pháp luật tốt và bề dày kinh nghiệm để tiếp tục xây dựng, bổ sung nhằm hướng tới sự hoàn chỉnh một quy chế về công chứng viên trong tương lai sao cho hoàn thiện hơn, góp phần tạo dựng cho nước nhà một đội ngũ công chứng viên có trình độ chuyên môn giỏi, đáp ứng
được chuẩn mực ngày càng cao đối với công chứng viên thời hiện đại, có thể tiếp cận và hoà nhập được với thế giới, học tập và hội nhập được với các công chứng viên của các nước có nền pháp luật công chứng ưu việt. Thêm vào đó, quy chế công chứng viên trong tương lai phải cố gắng sàng lọc, lựa chọn được những người có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, vô tư, mẫn cán, không hám danh, không tham lợi để bổ sung vào đội ngũ công chứng viên Việt Nam, để cho xã hội thực sự coi trọng đội ngũ này, coi trọng chức danh tư pháp này, coi nghề công chứng là một trong những nghề cao quý, là một trọng những nghề đáng tin cậy nhất, coi công chứng viên là những người chuẩn mực về đạo đức, là một trong những người có chức danh đáng trân trọng nhất trong xã hội như các nước phát triển trên thế giới đã làm được. Tất nhiên, muốn thực hiện được điều này thì việc giáo dục, bồi dưỡng thường xuyên liên tục cho đội ngũ công chứng viên về cả chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp phải được đưa lên hàng đầu. Đây sẽ là trách nhiệm lớn của rất nhiều các cơ quan và của toàn xã hội./.
Với kiến thức còn hạn hẹp một học viên cao học, việc thực hiện đề tài thông qua bản luận văn này chỉ nêu bật được một khía cạnh nhỏ trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, mà bổ trợ tư pháp lại còn rất nhiều các lĩnh vực khác nữa. Nhưng vì chỉ mới bước đầu thực hiện một công việc nghiên cứu nên chắc chắn luận văn này của em sẽ còn thiếu sót rất nhiều. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của bản thân, đặc biệt là với sự chỉ bảo, giúp đỡ tận tình của thày giáo hướng dẫn khoa học - Phó giáo sư, Tiến sỹ Ngô Huy Cương - em cũng đã cố gắng rất nhiều trong việc thu thập tài liệu, nghiên cứu, đánh giá, trích dẫn, phân tích và trình bày và hoàn chỉnh bản luận văn này với sự quyết tâm, cố gắng nhất có thể trong phạm vi năng lực của mình. Em rất mong các thầy, các cô giáo, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ và cả các đồng nghiệp chỉ dẫn thêm, đóng góp cho em những ý kiến, những kiến thức mà em còn thiếu, những phương pháp hoặc những góp ý khác để em sẽ hoàn thiện hơn nội dung của đề tài này trong tương lai, giúp em có thể phát triển hơn đề tài này về sau hoặc giúp em sẽ đưa những kiến thức mới nhận được từ các thày, các cô để áp dụng trong thực tiễn công việc.
Em xin trân trọng cám ơn các thẩy, các cô trong Ban chủ nhiệm Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội cùng toàn thể các thày giáo, cô giáo đã trực tiếp hay gián tiếp giảng dạy, chỉ bảo, giúp đỡ cho em trong suốt quá trình học tập và thực hiện luận văn này. Em xin kính chúc tất cả các thày, các cô cùng gia đình luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và ngày càng thu được nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, nghiên cứu.
----------------