cần phải đến khi nhà thơ trở thành tác giả của cuốn sách Các nhà thơ cổ điển (1959), có lẽ chỉ ít lâu sau, chính Xuân Diệu (khi viết bài này mới 21 tuổi) sẽ nhận ra sự bồng bột trong những câu như thế. Nhưng “thiết tha và bồng bột” đó chính là cái “tạng” của Xuân Diệu và chính sự bức xúc bảo vệ tiếng mẹ để và xây dựng một nền Quốc văn đã khiến ông cất những lời nồng nàn và cũng cực đoan đến thế. Nhưng người ta sẽ hiểu hơn toàn bộ tư tưởng ông trong lời kết luận cuối cùng:
“Và, thưa các bậc kỳ tài làm văn, làm thơ Tây, nãy giờ tôi chưa nói mất lòng các ngài, nhưng chắc các ngài cũng khá thông minh để hiểu rằng sở dĩ tôi cãi kịch liệt về Tuy Lý Vương, là cốt ý cho các ngài cũng tự ngắm các ngài một chút”.
Qua những lời kết luận của bài viết, người có thể hiểu và thông cảm với ý kiến của Xuân Diệu: ông không chỉ giễu cợt một thi nhân hoàng tộc làm những câu thơ hay không phải bằng tiếng mẹ đẻ, mà còn đả kích chua cay những người lấy tiếng Tây làm phương tiện diễn đạt ý tình trong văn chương.
Hàng bia Văn Miếu cũng đầy tinh thần cảnh tỉnh, luận chiến khi nói về cách lập thân bằng công danh để đạt trong khoa cử thi chữ Hán thời xưa.
Ông chế giễu tên tuổi những Thái học sinh từng được khắc tên bia đá là những người chỉ "khéo thuộc lòng, khéo ăn cắp sách, khéo nấu nướng những món văn sách, kinh nghĩa, nấu giả Đường, giả Tống cũng như người ta nấu giả cầy và dọn lên cho các quan trường thưởng thức” và do thế, họ chỉ là những người làm việc không công cho nước Tàu”.
Như chúng ta đã biết, nền thi cử bằng chữ Hán đã bị bãi bỏ năm 1919 nhưng dư âm của nó thì mãi mãi vẫn còn, cụ thể là trong Văn Miếu (Hà Nội) có hai hàng bia khắc tên các vị khoa giáp ngày trước. Bia làm bằng đá và mỗi tấm đứng trên lưng một con rùa với ý nghĩa là lưu danh thiên cổ và “sống lâu
như rùa" - con rùa mà theo Xuân Diệu là biểu tượng của "sự đi chậm, sự lười biếng, sự ngu độn nữa kia"!
Xuân Diệu đã cho rằng hai hàng bia đá đó là sự mỉa mai cho “phương danh, quý tính của chư vị Thái học sinh, của những bậc đỗ đạt rất cao, văn tài rất giỏi, vẻ vang cho nước nhà thuở xưa”. Nhà thơ trẻ mỉa mai: "Chắc những người có tên trên hai bảng vàng danh dự đó, xưa kia đã chắc mẩm nắm được hậu thế trong tay, và gật gù làm thêm những sách vở bằng chữ Tàu để sau này cho con cháu Việt Nam học. - Cũng như bây giờ..." Câu văn buông lửng đầy hàm ý. Cái hàm ý ấy lại một lần nữa bộc lộ công khai trong lời kết của bài viết nhằm tới một chủ đích rõ ràng: Cái dụng ý xây đài kỷ niệm cho các ông nghè, “nay đã hỏng bét” và "Người Việt Nam đời này đã bỏ xó cái “công danh Tàu” đời trước; còn cái “công danh Tây” đời này, người Việt Nam đời sau sẽ để vào góc nào? ”
Cũng liên quan đến học vấn và công danh được các thế hệ trước xây dựng trên nền tảng Hán học, trong bài tiểu luận Công danh và sự nghiệp viết ngày 20-3-1945) Xuân Diệu nói về khoa cử thời xưa: “Khoa cử là cái khuôn sẵn của nhà cầm quyền để nắn ép nhân tài. Khoa cử là cái học chật hẹp , cái học bóp chẹt người ta trong khuôn khổ một câu văn, trong sáo hủ của vài ý tưởng chính thức được nhà cầm quyền công nhận, cái khoa cử ấy nó nghiêm ngặt quá, nên nhân tài nào đi qua cũng phải chặt bớt, đẽo bớt, gọt cho nhẵn, sửa cho cân, đến nỗi ra xong cái khuôn, thì nhân tài đã chết rồi, chỉ còn lại một ông cống, ông nghè vô vị”.
Tựu trung lại vẫn chỉ là sự đả phá của nhà thơ trẻ với mọi thứ công danh văn nghiệp xây dựng từ cái vốn ngoại lai và mong muốn tha thiết vun đắp một nền quốc văn nước nhà - nhất là khi cái nền quốc văn ấy còn đang trong cảnh “nhà nghèo cơm thiếu”.
Có thể bạn quan tâm!
- Quan niệm văn chương của Xuân Diệu trước 1945 - 1
- Quan niệm văn chương của Xuân Diệu trước 1945 - 2
- Sự Xuất Hiện Của Xuân Diệu Và Những Tác Phẩm Văn Xuôi Trữ Tìnhs, Phê Bình - Tiểu Luận Trong Bối Cảnh Văn Chương Đương Thời.
- Tư Tưởng Văn Chương Và Quan Niệm Về Thơ Của Xuân Diệu Qua Phê Bình.
- Người Nghệ Sĩ Phải Có Một Tâm Hồn Thành Thật Và Một Trái Tim Đa Cảm.
- Tính Trừu Tượng Và Phức Tạp Của Thơ - Thơ Khó.
Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.
Cái tâm nguyện thiết tha ấy được nói lên một cách bồng bột và có những ý không đủ độ sâu sắc và chính xác nhưng cũng đủ sức thuyết phục và chia sẻ vì nhiệt tình chân thực và nồng nàn trong mỗi bài viết. Và có lẽ nhiều nhà khảo cứu văn chương chữ Hán đang cố công phục hồi những giá trị quá khứ cũng không lấy làm phật ý bởi những lời bồng bột của nhà thơ trẻ. Họ đọc thấy ở đấy rất nhiều sự đồng cảm về sự tha thiết với nền quốc văn Việt Nam cũng đang thức tỉnh trong chính lòng họ và thúc đẩy những cố gắng âm thầm của họ. Xuân Diệu là như thế. Với ông, tình yêu là vô biên, tuyệt đích, dù đó là ái tình hay tình yêu dành cho tiếng Việt:
“Anh em không nghe tiếng mẹ gọi hay sao? Anh em nỡ lòng nào mà hờ hững cho được! Nhà nghèo mà anh em biết chịu thương, chịu khó, biết cố gắng, biết hi sinh thì chả mấy chốc mà cái nhà Văn học Việt Nam từ vách đất mái tranh sẽ hoá nên lâu đài cung điện (Sinh viên với quốc văn).
Trước phong trào "phục cổ", "quay về vốn cũ của cha ông", "nhiều bạn tân học quay về học chữ Hán", Xuân Diệu viết bài Cái học quẩn quanh. Tiếp tục phê phán chế giễu lối học nệ cổ, ca ngợi giá trị văn chữ Hán, ông viết: " Sao chúng ta, người Việt Nam, lại lấy vốn văn chương của người Tàu làm cái vốn của mình? ". Lấy tiếng Việt, vốn văn chương Việt làm căn cốt cho mọi sáng tạo - tư tưởng ấy vang lên như một thúc giục thiết tha.
Một loạt bài chung một chủ đề: hãy xây dựng nền quốc văn thực sự, nền quốc học thực sự Việt Nam bộc lộ rõ rệt tình cảm thiết tha của Xuân Diệu đối với văn hóa văn chương nước nhà.
1.2.2. Mối quan hệ giữa Tính cách An nam trong văn chương và vấn đề Mở rộng văn chương.
“Tính cách An Nam trong văn chương"và "Mở rộng văn chương" là hai tiểu luận gắn bó với nhau một cách mật thiết, tập trung thể hiện quan niệm tích cực, mới mẻ của Xuân Diệu về tính dân tộc trong văn chương và khát
vọng cách tân, đưa văn chương dân tộc hoà nhập với văn chương nhân loại. Chúng ta bắt gặp cái tôi của Xuân Diệu với ý thức cá nhân, cá thể đã được thức tỉnh dám lên tiếng nói thẳng những suy nghĩ riêng của mình. Ông viết : “Có lẽ ý tôi sẽ ngược với rất nhiều người” song vẫn “mong được cái tự do tư tưởng”; “nói những điều tôi thành thực tin”; và dám cam đảm chấp nhận” dù bị công kích cũng đánh”. Một thái độ dũng cảm của tuổi trẻ, hay đúng hơn, của một Xuân Diệu trẻ tuổi đầy tự tin vào tư tưởng của mình.
Đứng vững trên lập trường dân tộc, với nhiệt tình yêu nước của tuổi trẻ Xuân Diệu phê phán kịch liệt những tư tưởng cố chấp, hủ lậu nhân danh thuyết “Tính cách An nam” nhưng thực ra đã biến cái thuyết đẹp kia thành một thuyết chật hẹp, nông nổi. Xuân Diệu thẳng thắn bầy tỏ thái độ:
“Chúng ta phải giữ gìn cho tính cách An Nam. Điều ấy rất phải. Nhưng giữ gìn bờ cõi có phải là đóng hết cửa biển, tuyệt hết giao thông, bế tắc cả nước lại đâu! Giữ gìn không phải là đánh tâm mến yêu một cảnh nghèo đói”
Nhà thơ tin vào quy luật đào thải tự nhiên của văn chương: những cái phản với tinh thần quốc văn tất phải tiêu diệt, cái gì không hợp với tiếng Việt Nam tất phải chết. Xuân Diệu phê phán lối văn nô lệ cho văn Tàu hay văn Tây đồng thời rất quan tâm đến vấn đề mà ngày nay chúng ta vẫn thường gọi là bản sắc dân tộc: “Văn mỗi nước có một tinh thần, khó diễn tả cho rõ được, ta phải có một thứ cảm xúc riêng để cảm nghe cái tinh thần ấy”. Và cái bản sắc riêng ấy, tức là tính dân tộc của văn học, hay nói theo cách diễn đạt của tác giả lúc bấy giờ: “ Tính cách An Nam trong văn chương” được Xuân Diệu quan niệm một cách rất cởi mở.
Trước hết, “Văn chương Việt Nam được giữ gìn một cách chắc chắn là tiếng Việt Nam; có hình thức, có mẹo luật riêng” và có cả một “tinh thần riêng mà ta cảm nghe rất rõ”. Vì vậy, dùng Tiếng Việt (chữ Xuân Diệu dùng
là tiếng An Nam) như một khí cụ, dùng đúng, dùng cẩn thận theo tinh thần Việt Nam thì nhất định văn ta là văn Việt Nam. Quan điểm này đặt vào hoản cảnh ra đời của nó khi mà sau gần chín thế kỷ, văn học nước ta vẫn còn nặng nề với những điển cố, điển tích, Hán tự, khi mà dân tộc ta dù đã có chữ viết nhưng trong nhà trường để đào tạo ra tầng lớp công chức Tây học , nhà nước thực dân thống trị chỉ daỵ học bằng tiếng Pháp, còn Tiếng Việt lại bị kinh bỉ, khinh rẻ, chúng ta mới thấy hết được ý nghĩ sâu xa bền chặt của tình yêu và cả một thế hệ nhà thơ cùng thời nói chung.
Mặt khác, Xuân Diệu còn lập luận: “Chúng ta là người An Nam, có chịu ảnh hưởng Âu Tây, nhưng vẫn là người An Nam. Mà người Âu Tây là gì? Họ cũng là người. Trừ những điều riêng Tây quá, chứ cái “kho” cái “đáy”; cái “vốn” của con người ở đâu đâu cũng giống nhau”. Do đó “có cái đẹp riêng của văn mỗi nước và có cái đẹp mà văn nước nào cũng có thể như nhau”. Phải chăng, ở đây Xuân Diệu là một trong những nhà phê bình, bằng tiên cảm của một nhà thơ lớn đã thấy được mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính nhân loại. Và cũng từ đó, Xuân Diệu cho rằng để có tính cách An Nam trong văn chương, không phải chỉ bó hẹp trong phạm vi dân tộc mình với những cái đã có mà còn cần phải “mở rộng văn chương” để giao lưu tiếp thu thêm, để làm mở mang thêm trí não, tình cảm dân tộc, làm cho “con người” của ta giàu thêm. Ông đặt câu hỏi: “Cái học Âu Tây đã làm cho chung ta tinh vi, kỹ lưỡng; vì sao chúng ta không có những điều ấy trong văn học Việt Nam? ” !
Đồng thời cũng như nhiều nhà văn khác, trong quan niệm của Xuân Diệu, văn chương là một sự sáng tạo, người viết văn còn phải truyền sự sống, thêm sự sống vào cho người thường, nó không chỉ dừng lại ở sự mô tả mà thôi đâu, văn chương còn là sự dò xét, sự đoán hiểu.Vì vậy Xuân Diệu nhiệt tình cổ vũ cho sự tiếp thu và sáng tạo cái mới với mục đích để văn học làm sao diễn tả biểu hiện cho được sự sống đa dạng, phong phú và phát triển
không ngừng của tâm hồn con người Việt Nam. Xuân Diệu hào hứng và sôi nổi: “Chúng ta phải tạo thêm, phải bày đặt ra những cách dùng mới mà xưa kia các cụ không chịu tìm, vả lại chúng ta ở thế kỉ XX, chúng ta có những cái phức tạp mà các cụ không có”; “Đốt đi, củi sẽ cháy, tưới đi đất sẽ ướt, ta cứ nói đến một sự sống mãnh liệt, đầy đủ, tất nhiên những tâm hồn Á Đông sẽ có sự hưởng ứng. Người Á Đông giấu trong lòng một ngọn lửa thần, như than lấp dưới tro ta phải làm cho ngọn lửa ấy biểu lộ”.
Tất nhiên cũng phải thấy rằngT, trong cái nhìn và quan niệm của Xuân Diệu về tính dân tộc thời bấy giờ đôi lúc chưa thể tránh khỏi phiến diện hoặc cực đoan. Chẳng hạn như ông viết: “Chúng ta nay chịu ảnh hưởng của văn học Tây Âu, nhưng ta phải ngoan lên nhiều lắm, đã tỉnh dậy nhiều lắm, đã không nô lệ cho văn học nước ngoài. Ta đã biết làm như La Fontaine: Sự bắt chước của ta không phải là nô lệ”; chứ ngẫm cái quá khứ văn học của ta mà xem, cha ông ta đă bắt chước Tàu một cách tệ hại là nhường nào. Đành rằng ta gần Tàu hơn Tây, nhưng chúng ta xưa đã ăn cắp chứ không chịu ảnh hưởng”. Chỉ nhấn mạnh một chiều "cha ông ta đã bắt chước Tàu một cách tệ hại là nhường nào" mà không thấy sự tiếp thu có sáng tạo của cha ông để tạo nên không ít kiệt tác văn chương, mang đậm tâm hồn và bản sắc Việt Nam - điều đó phản ánh cái nhìn một chiều và không khách quan của nhà thơ trẻ. Có lẽ cách nói quá lên này âu cũng là một cách gây ấn tượng và cũng là căn bệnh thường gặp của những cuộc cách tân ở vào buổi đầu của nó.
1.3. Vấn đề thanh niên với quốc văn.
Thiết tha xây dựng nền quốc văn nước nhà, Xuân Diệu bộc lộ tâm nguyện và nhiệt huyết ấy trong nhiều bài viết. Và một điều đáng chú ý là ông đã chia sẻ tâm nguyện ấy trước hết và tha thiết hơn cả với những người đồng lứa, những trí thức văn nhân thuộc thế hệ ông. Nhà thơ trẻ đã có bài nói
chuyện Sinh viên với quốc văn - một bài nói với sinh viên trường Đại học ngày 4 tháng 2 năm 1945- trước ngày 9 tháng 3 (Nhật đảo chính PhápN) chỉ hơn một tháng và cuộc Cách mạng tháng Tám cũng đã đến rất gần.
Đó trước hết là một cuộc nói chuyện tâm tình, " tâm tình với quốc văn, tâm tình của chúng ta với quốc văn". Những gì ấp ủ trong lòng nhà thơ về đất nước, dân tộc càng có dịp bộc lộ mạnh mẽ và tha thiết.
Trước hết nhà thơ nói về tình trạng coi thường tiếng mẹ đẻ, "tiếng nói của mẹ Việt Nam ". Với nhiều sinh viên khi đó, " có cái gì như là khinh khỉnh đối với quốc ngữ. Ông giáo giảng văn, các bạn nghe bằng lỗ tai chểnh mảng" vì còn cố làm bài luận Pháp văn cho kịp nộp! Với lối học coi thường tiếng Việt, cái thứ tiếng bị coi là "nôm na mách qué" như thế, làm sao tuổi trẻ có thể hiểu và cảm được cái hay của những áng văn chương dân tộc.
Sau khi nhấn mạnh tình trạng quốc ngữ, quốc văn bị "bỏ hoang", Xuân Diệu nói về việc sinh viên phải có bổn phận với quốc văn. Nhà thơ nhấn mạnh: "Trong những việc hệ trọng, tất phải có việc ra sức vì quốc văn", bởi vì sinh viên là những học sinh bậc nhất, những thanh niên may nhất, học cao nhất. Nếu sinh viên, bên cái học nhà trường, không nghĩ đến cái học quốc ngữ, thì những người nhiệt tâm với quốc ngữ đều là những người khác hay sao? ".Xuân Diệu ví von: tiếng Việt chỉ như người "mẹ nhỏ" so với tiếng Pháp ở vị trí "mẹ cả", nhưng người con vẫn phải dành phần thiêng liêng nhất cho mẹ đẻ của mình; tình cảm ấy dù có phải che giấu đi, thì "càng che giấu lại càng thắm thiết, càng lấp vùi lại càng nóng hổi, càng chặt đẽo lại càng nở lộc, đâm chồi".
Bài tiểu luận này của Xuân Diệu cũng đề cập đến những công việc cụ thể phải làm với quốc văn. Qua những ý kiến của nhà thơ, người ta có thể nhận ra phần nào thực trạng quốc văn ở thời kỳ này và những việc thiết thực mà sinh viên, trí thức phải làm để xây dựng và củng cố quốc văn. Trước hết,
đó là công việc dịch những tinh hoa văn chương thế giới. Không phải là dịch cẩu thả, không phải là dịch qua bản dịch của một ngôn ngữ khác mà phải dịch tận nguồn. Nhà thơ xót xa với tình trạng "cái gia tài văn học của ông cha ta để lại, hiện nay ta chưa khai thác gì cả". Phải nghiên cứu, tìm hiểu nhưng phải làm công việc đó một cách nghiêm cẩn, sâu sắc. Và sau tất cả những điều ấy, là phải sáng tác, sáng tạo cho nền văn chương nước nhà. Xuân Diệu dành những lời trân trọng nhất đề cao văn chương sáng tác: “ Viết bài này, tôi muốn dựng lại cái thang giá trị, muốn lập lại các ngôi thứ, muốn dành bậc nhất cho văn sáng tạo. Tôi muốn nhắc cho công chúng nhớ rằng chỉ có văn ở đầu óc ta nghĩ ra, còn mang vết máu tuỷ của ta, mới là đáng kể. Tất cả những cái khác chỉ có giá trị của những tài liệu. Những văn mượn, văn dịch chỉ là những món phân để vun bón cho những lá, những hoa của văn nước nhà... Chúng ta tha hồ dịch, dịch tất cả văn hay ngoại quốc, thu thập rất nhiều của lạ, nhưng trí sáng suốt của ta không lầm lẫn bao giờ, không xao lãng sự sáng tạo của chúng ta". Chỉ có như thế, văn chương nước nhà mới phát triển, "chứ không lơ thơ lẻ tẻ nhơ cái cảnh chợ chiều hiện nay".
Với tư cách là người đi trước cùng với uy tín của một tên tuổi lừng lẫy trên thi đàn, Xuân Diệu tiếp tục đi xa hơn trong việc vạch ra và phê phán "những tật xấu trong tinh thần A đông" - những tật xấu này sẽ làm phương hại, trì trệ đến công việc xây dựng quốc văn. Đó là lối lười suy nghĩ, chỉ dập khuôn theo cổ nhân, theo Tàu; phải thực sự cúc cung tận tụy với công việc; phải làm thực, nghĩ thực chứ không phải bôi phết qua loa như những công trình khảo cứu, dịch thuật đương thời - ông gọi đó là thứ "voi nan". Nhà thơ cũng đề ra những điều mà ông gọi là "nguyên tắc" : đó là trọng sự thật, trọng sự lành mạnh. Giọng văn Xuân Diệu đầy tính phê phán khi ông nói về những "tài tử văn nhân" sống sa đọa với rượu và thuốc phiện đồng thời gieo rắc cái đó trong văn chương đương thời. "Họ ca tụng rằng: Khói huyền lên! Khói