Quan niệm văn chương của Xuân Diệu trước 1945 - 10

Chẳng hạn, để nói về một thứ thơ tinh chất, có sức tỏa hương, ông viết: "Hương của người đi qua vật chất, gộp lại bằng hồn ẻo lả của muôn hoa; ánh sáng, tiếng ca, cho đến muôn sắc nghìn màu đều chen chất trong giọt nước xanh này - cũng như một giọt sương tinh mà gió đêm gieo trên đời, làm bằng sự kết đọng của muôn thước khối bóng trăng..."

Phê bình văn học, nhất là phê bình thơ của Xuân Diệu là một lối phê bình cảm nhận tinh tế và đồng điệu. Đó là một cách "đối diện đàm tâm", lấy hồn mình để hiểu hồn người; ở đấy, những câu văn phê bình cũng như sóng đôi với lời thơ. Đây là cách Xuân Diệu bình thơ Huy Cận: "Sóng gợn tràng giang, trăng phơi đầu bãi, hay dấu chân gió thốc, gánh xiếc đi qua: cũng vẫn là một nỗi vắng vẻ ấy; ta thấy xa xa và rất xa, lòng người rộng rãi quá cho đến nỗi làm một với đất trời; và trời đất, và lòng người là một cõi mông lung, một khung mơ nó dịu dàng ru ta, nhưng vừa ru, vừa làm cho ta khóc".

Không phải chỉ trong phê bình thơ, người ta mới thấy chất thơ trong văn Xuân Diệu. Ngay trong nhiều bài tiểu luận - một loại văn diễn ý hơn là bộc lộ tình cảm, người ta vẫn có thể nhận ra cách viết đầy chất thơ. Đó là một chất thơ tự nhiên của ngòi bút Xuân Diệu. Chẳng hạn, nói về tiếng Việt thân thiết với mỗi con người Việt Nam, Xuân Diệu viết: "Tôi xin tóm tắt lại cùng anh em bằng một tình cảnh. Này một đứa bé Việt Nam lọt lòng ra đời. Tiếng mẹ ru bao bọc lấy nó, mơn trớn vuốt ve. Rồi ngày ngày được ẵm bồng trong những câu ru Nam Việt. Tâm linh nó tự nhiên nhuần thấm tiếng mẹ đẻ; nghe lời ru, nó hết khóc, nó mỉm cười. Nó nằm trong nôi, mà cũng là nằm trong lòng mẹ, mà cũng là nằm trong tiếng nước nhà. Nằm trong tiếng nói yêu thương - Nằm trong tiếng mẹ vấn vương một đời..." (Thanh niên với quốc văn).

Và đây là môt đoạn "lý luận" đầy tính trữ tình khác: "Người thi sĩ là một kẻ dại khờ, mang một khối lòng cũng to như quả đất, và bạ ai cũng cho,

gặp ai cũng xin, và phung phí kho tàng của hồn mình, như một kẻ triệu phú không biết giữ vàng. Người đời sẽ vỗ tay và kêu lên "a! thằng điên", nhưng muôn nghìn khát khao vẫn cứ mải mê uống nơi suối lòng không cạn" (Thơ của người).


3.2 Cách diễn đạt giàu hình tượng.

Với tư cách là một cây bút trữ tình văn xuôi, mỗi truyện ngắn, tản văn của Xuân Diệu là cả một thế giới hình tượng đan dệt, mở rộng, giao hòa với nhau. Nhưng đặc điểm này cũng tồn tại trong văn phê bình tiểu luận của Xuân Diệu. Là một nhà thơ viết phê bình tiểu luận, Xuân Diệu cũng giống như nhiều nhà thơ khác viết phê bình - Chế Lan Viên hoặc Thế Lữ chẳng hạn, đã có một cách nhìn và cảm riêng với tác phẩm đi liền với một phong cách riêng. Đó là sự gắn kết tự nhiên giữa tư duy luận lý và tư duy hình tượng. Nói cách khác, tư tưởng được diễn đạt, được hiện thực hóa thông qua những hình tượng sinh động và biến ảo. Tuy vậy, ở Xuân Diệu điều này lại càng nổi bật như một dấu hiệu của phong cách phê bình tiểu luận, một yếu tố quan trọng tạo nên cái riêng của những bài văn Xuân Diệu. Nếu như văn phê bình tiểu luận của Hoài Thanh khúc chiết, mạch lạc và giàu sức khái quát, của Thế Lữ sáng sủa, duyên dáng pha chút hóm hỉnh, của Chế Lan Viên luôn bộc lộ những ý tưởng mạnh mẽ lắm khi đến cực đoan thì trong văn phê bình tiểu luận của Xuân Diệu, người đọc luôn gặp một cách nói giàu chất thơ và đầy hình tượng; hình tượng đan kết, liên hoàn, dẫn người đọc hứng thú đi vào ý tưởng.

Viết về yêu cầu thơ cần ngắn, không nên dài dòng nhạt nhẽo, ít người có cách diễn đạt hình tượng như Xuân Diệu: "Nhà thi sĩ không bán những thùng nước loãng chỉ tốt để tưới đường cho vạn chân đi; người chỉ tặng một hai giọt thơm, đựng trong những bình thủy tinh sáng loáng."( Thơ ngắn).

Đây là cách nhà thơ nói về tình trạng chữ quốc ngữ bị coi rẻ và đối xử bạc bẽo: " Có lẽ các bạn tôi cho quốc ngữ là một thứ chữ hoang. Mà chữ hoang thật mà! Nào có ai bắt phải học, nó cũng như cỏ hoang mọc bừa bãi ngoài đồng. Nó là thứ cây không có trái, hay là có trái mà trái ấy không nuôi các bạn tôi được, nên thật chẳng cần phải vun trồng " (Sinh viên với quốc văn).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.

Xuân Diệu xót xa vì thế hệ sau của đất nước sẽ không tìm thấy vốn liếng tinh thần gì trong văn chương nước nhà. Người ta có thể diễn đạt cái ý ấy một cách đơn giản như một ý tưởng lý luận, nhưng những câu văn của Xuân Diệu nói ý này một cách thống thiết và thông qua những hình tượng ám ảnh đến xót xa: "Chúng nó mà không có văn Việt Nam nuôi nấng, chúng nó sẽ đi thất thểu lang thang, sờ soạng để tìm ra một linh hồn. Ta sẽ thấy con cháu ta rải rác trên các con đường, xin xỏ ở văn học ngoài những thức cần thiết" (Sinh viên với quốc văn).

Cứ như thế, trong văn xuôi Xuân Diệu, cả trong văn trữ tình cũng như văn phê bình, người đọc sống trong cả một thế giới hình tượng phong phú vô tận:

Quan niệm văn chương của Xuân Diệu trước 1945 - 10

" ...Người tình nhân không tiền khoáng hậu", đi tới đâu là được mê tới đó, kéo muôn trái tim ở sau chân, hái muôn cành hoa ở trong tay, người tình nhân dành chiếm lấy tình yêu của muôn người..."

" Người yêu, theo đúng nghĩa, là người mà lòng ta yêu. Vị thần ấy sẽ thu nhận cả hương hoa của muôn trái tim, và sẽ đứng nguy nga trên cái đài cao như mây, ngó xem ngã ba, ngã tư, ngã muôn, ngã triệu của những con đường mà nhân loại theo đi để kiếm ái tình" (Đàn bà hay người yêu...)

"Người Á đông giấu trong lòng một ngọn lửa thần, như than lấp dưới tro; ta phải làm cho ngọn lửa ấy biểu lộ " (Mở rộng văn chương)

" Xem suốt tập Lửa thiêng, cái cảm giác trỗi nhất của ta là một cảm giác không gian: ta nghe xa vắng quanh mình; ta đứng trên thiên văn đài của linh hồn, nhìn cõi bát ngát; một cái buồn vời vợi dàn ra cho đến hư vô". " Thơ! Cái tiếng "thơ" thực thi vị quá. Chẳng trách người ta cởi trần truồng hay đeo áo mũ, làm duyên làm dáng đến buồn cười". (Thơ của

người).


3.3. Giọng điệu.

Giọng điêụ là một trong những yếu tố quan trọng của tác phẩm văn học, thể hiện tài năng, phong cách và cá tính sáng tạo của nhà văn. Giọng điệu thường hiểu một cách bao quát như là chất giọng riêng độc đáo, khó lẫn của một nhà văn, vì vậy nó mang đầy đủ bản sắc, dấu ấn của cá tính sáng tạo. Nhà văn chỉ có thể khẳng định vị trí và đóng góp của mình khi họ có cách nói riêng, giọng điệu riêng không lẫn với người khác. Giọng điệu là “ thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hịên tượng được miêu tả, thể hiện trong lời văn, quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa, gần, thân sơ thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm".

Như vậy giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu của tác giả. Giọng điệu góp phần liên kết hình thức, thể hiện thái độ của người kể đối với người nghe. Giọng điệu của lời kể biểu hiện phức tạp , tương ứng mỗi trạng thái tâm lý con người là một sắc thái giọng điệu khác nhau. Có khi người kể bộc lộ thái độ tình cảm, trân trọng bằng cảm xúc, sự chiêm nghiệm sâu xa về cuộc đời.

Mỗi nhà văn có một giọng điệu riêng. Ngay trong văn trữ tình, ta có thể nhận ra Nguyễn Tuân giọng ngông nghênh, kiêu bạc, Thạch Lam giọng tâm

tình thủ thỉ, Hồ Dzếnh giọng xót xa bùi ngùi nỗi nhớ quê và niềm tha hương. Trong văn phê bình, người ta cũng thấy rõ giọng điệu riêng của Xuân Diệu so với các nhà phê bình đương thời: Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Thế Lữ...

Nét chủ đạo trong giọng điệu Xuân Diệu là giọng điệu tâm tình, chia sẻ giọng nồng nàn, sôi nổi. Bên cạnh đó, là những sắc thái đa dạng của giọng: khi thì khao khát mơ mộng, khi buồn bã thất vọng, khi mỉa mai giễu cợt...Có thể nói, những giọng điệu phối hợp, chuyển hóa nhau trong văn Xuân Diệu cũng tạo nên một sức lôi cuốn riêng.

3.3.1. Giọng tâm tình chia sẻ.


Giọng tâm tình chia sẻ được Xuân Diệu sử dụng trong nhiều sáng tác về thiên nhiên, tình yêu. đó gam chủ trong giọng điệu của ông là sự sôi sục, mãnh liệt, say mê sôi nổi, bộc lộ niềm thiết tha với cuộc sống, thiết tha với tạo vật. Ý thức được quy luật sinh tồn, ông luôn sợ mọi thứ tuột khỏi tầm tay nên ông vội vàng, cuống quýt giục giã mọi người hãy hưởng gấp những gì cuộc đời ban tặng, đừng để phí hoài, bằng giọng nửa như dỗ dành, nửa như thuyết phục, mà không kém phần thiết tha:

“Gấp đi em, mau đi em, hoa ở tuổi em mới thật là hoa, để nâng niu hôn hít, thêm dăm tuổi nữa hoa chỉ trồng cho đẹp nhà. Gấp đi em, mau đi em, gấp đi trò truyện cùng tạo hoá, mau đi em vơ vẩn cho nhiều.” (Giã từ tuổi thơ).

Hay một giọng khao khát: “Tiếc cho những môi nhỏ xinh xinh tô màu cánh sen, nói ra những tiếng uốn éo thanh tao, tiếc cho những môi xưa chết đi mà chưa được dùng. Ta muốn có một đạo bùa phục sinh những đoá môi xưa, sống lại đây với mầu môi sắc ướt vẻ ngọt, mùi thơm, cho con trai đời xúm lại mà hôn, rồi bây giờ cũng tan tành, như thế cho khỏi ân hận.” (Trong vườn mơn trớn).

Trong nhiều trang văn của mình, Xuân Diệu lại hiện ra như một con người vừa say mê bồng bột vừa tinh tế kín đáo. Ông tâm sự với người đọc về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Trong những truyện ngắn trữ tình của mình, ông viết về chuyện đời, chuyện văn chương không bằng những lời chua chát, đao to búa lớn mà bằng lời tâm tình thủ thỉ của một người trẻ tuổi mà đã từng chiêm nghiệm, suy nghĩ để thấu hiểu cuộc đời.

truyện ngắn Phấn thông vàng, nơi gửi gắm những quan niệm sống và văn chương kể chuyện một chàng hoạ sĩ, vô duyên trong tình yêu đến nỗi phát sợ đành tắt lửa lòng, nhà văn không mỉa mai, giễu cợt, mà thể hiện thái độ đồng cảm xót xa Chính giọng điệu kể đầy chia sẻ cảm thông của nhà văn như đã đem tình yêu thiên nhiên bù đắp, sưởi ấm tấm lòng đã nguội lạnh vì yêu cho chàng, giúp chàng lấy lại vẻ yêu đời, hồn nhiên để tiếp tục đi tìm tình yêu mới. Những câu hỏi dồn dập, thúc bách và tha thiết cùng với sự lặp từ và tăng cấp tạo một hơi văn dồn dập, đầy thuyết phục chia sẻ: “Chàng thất bại ba lần, lần thứ tư sao lại chẳng là một lần thẳng cuộc? Sao chàng không thử mười lần, một trăm lần nữa? Mười phen yêu ít nữa cũng hai phen gặp, một trăm phen yêu đã cho ta hai mươi phen gặp rồi và vẫn còn đủ một trăm tình yêu”.

Trong văn phê bình tiểu luận bộc lộ những quan niệm về văn chương và quốc văn, nơi mà cách trình bày khách quan những quan điểm của mình thường dễ tạo giọng điệu lạnh lùng, trung tính thì Xuân Diệu vẫn chọn một chất giọng cho riêng ông. Với giọng tâm tình, chia sẻ, ông như mở một cuộc trò chuyện giữa những nhà văn, những người tuổi trẻ, một cuộc đối thoại với chính văn chương. Ông mong mỏi làm phong phú thêm tiếng Việt, và ông chia sẻ cái mong muốn ấy bằng giọng tâm tình: "Ta phải nhận rằng xưa kia các cụ có mấy khi chịu dùng tiếng An nam! Chúng ta phải tạo thêm, phải bày

đặt những cách dùng mới mà xưa kia các cụ không chịu tìm, và lại chúng ta ở thế kỷ hai mươi, chúng ta có cái phức tạp mà các cụ không có". Nói về một thứ thơ hướng về con người, giọng ông trữ tình thấm thía: "Ai có thấy cô gái quê kia, mình mặc áo nâu, vai mang gánh nặng, thế mà khi dừng chân dưới bóng cây, uống bát nước chè, cô không quên liếc mắt vào trong nước để tự ngó hình dung. Loài người ưa soi gương; hãy cho lòng người đến soi gương ở suối lòng của người, hỡi người thi sĩ!".

Giọng tâm tình chia sẻ này dương như là giọng chủ đạo của những bài như Công danh với sự nghiệp, Cái học quẩn quanh, và nhất là bài Sinh viên với quốc văn. Nhà thơ kể về mình những năm đi học, nhà thơ nói về hiện trạng học hành như ông đã quan sát như một cuộc trò chuyện thân tình để cuối cùng, lôi cuốn người nghe, người đọc vào một mục đích cao cả là xây dựng quốc văn: "Làm sao cho cái lâu đài văn học Việt Nam có xây lên, thì anh em cũng là những kẻ đã góp phần. Chứ một ngày kia, lâu đài ấy có rạng rỡ, chẳng lẽ anh em tưởng rằng nó tự trên trời rơi xuống hay sao? Anh em sẽ giận mình biết bao, nếu trong khi người ta lo khuân gạch, vác cây, mà anh em cũng chẳng có tiếng "hò khoan", gọi là góp câu thúc giục".

3.3.2.Giọng điệu nồng nàn, tha thiết.

Nồng nàn, bộc lộ cho hết lòng yêu của mình với cuộc sống, con người và văn chương là cái "tạng" riêng của Xuân Diệu. Ông phải nói lên điều đó như người yêu phải thể hiện hết mình trong bài Phải nói: "Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ - Phải nói yêu trăm bận đến ngàn lần". Chính cái nhiệt tình sôi nổi trong sự bộc lộ đã tạo ra cho văn Xuân Diệu sự nồng nàn tha thiết đặc biệt. Có những lúc sự nồng nàn ấy trở thành giọng hô hào, kêu gọi:

"Anh em ơi! Sống chết là ở lúc này; vứt ngay cái công danh đi, nghĩ đến cái sự nghiệp. Anh em ơi! Thời bây giờ là thời ném bút! " (Công danh với sự nghiệp).

"Sinh viên với quốc văn! Sinh viên với quốc văn Việt Nam "! Biết bao nhiêu điều các bạn có thể tự tình kể lể với cái hồn của nước ta đọng trong quốc ngữ!" (Sinh viên với quốc văn).

Và cũng có những lúc, tình cảm nồng nàn tha thiết bộc lộ qua những câu hỏi bức xúc, riết róng đối với đối tượng: " Nhưng ta tạm giả sử là tâm hồn người An nam chỉ có thể thầm kín, vừa phải. Thế thì sao? Thế thì người viết văn cứ vừa phải mà thôi ư? Thế thì ta cứ giam hãm trong sự mờ nhạt, sự nhác lười ư? Ta cứ nói đi nói lại ngần ấy chuyện ư? (Thơ của ngườiT).

Nhiều khi, tình cảm nồng nàn tha thiết của nhà văn biến thành những than đau đớn:

" Thế là ở giai đoạn ấy, tiếng Việt Nam bỗng ng như một người mẹ không đủ sữa để mà nuôi con. Thật là đớn đau, thật là tủi hổ cho lòng mẹ!"( Sinh viên với quốc văn)

những niềm đau ứa lệ:

" Mảnh tình viết đến cuối bài, vẫn còn " cái cơn muốn khóc. "

Người đọc còn có thể gặp nhiều giọng điệu khác: giọng giễu cợt, giọng mỉa mai bóng gió, giọng phẫn nộ bực tức... Xét đến cùng, vẫn là tấm lòng nồng nàn của Xuân Diệu trước hiện trạng của văn chương và niềm khao khát thay đổi nó, làm phong phú cho nó. Chẳng hạn: " Xưa kia, ta sẵn lòng nói đến bến Tiền đường, đến tuyết, đến bức Tràng thành, đến những cảnh Tàu đặc. Ta đã dùng điển tích một cách yên tâm quá, cho đến nỗi - than ôi!- ta đã dám viết những câu nửa tàu nửa ta, đem cả cái cú pháp tàu trong văn ta: Phù con dại cái mang hay là mặc thế gian chi mai mỉa..." hoặc: " Học mà khảo cứu thì cũng được đi. Nhưng không! Học để bói bằng cỏ thi và mu rùa! Cỏ thi là cỏ gì ta chẳng có biết! Thì ta cứ vơ một nắm đũa hay một bó tăm mà gọi là cỏ thi cũng được!"

Xem tất cả 101 trang.

Ngày đăng: 18/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí