Quan niệm văn chương của Xuân Diệu trước 1945 - 11

Còn đây là giọng mỉa mai những nhà Tây học sùng bái văn Tây : "Và thưa các bậc kỳ tài làm văn, làm thơ tây, nãy giờ tôi chưa nói mất lòng các ngài, nhưng chắc các ngài cũng khá thông minh để hiểu rằng sở dĩ tôi cãi kịch liệt về Tuy Lý Vương, là cốt ý cho các ngài cũng tự ngắm các ngài một chút". Với những sắc thái giọng điệu khác nhau, Xuân Diệu đã tạo được dấu ấn cho giọng điệu văn xuôi của mình. Đó là lời thúc giục nồng nàn của tuổi trẻ, khát sống, thèm yêu. Đó cũng là lời thủ thỉ tâm tình đượm một nỗi buồn thương. Đó là sự bày tỏ nồng nàn tha thiết những mong mỏi và khát vọng của ông về người nghệ sĩ, về văn chương. Qua giọng văn của ông, ta hình dung một con người đang từ tốn nói về mình, nói cho mình và cho người khác về những ấn tượng, những trải nghiệm trong cuộc sống cũng như những tư tưởng hoặc đã được nghiền ngẫm kỹ lưỡng, hoặc như bột phát phải lên tiếng trước những vấn đề của văn chương. Bản chất của văn ông là chia sẻ, tha thiết, do vậy mà văn Xuân Diệu luôn thấm thía, luôn thân mật tự nhiên, lôi cuốn và thuyết phục người nghe. Mỗi chữ, mỗi câu văn của ông như một giọt của tâm hồn và tư tưởng chắt lọc qua ngòi bút của một con người luôn khao khát giao cảm với con người và tạo vật, vô cùng thiết tha với quốc văn, tiếng mẹ đẻ và văn chương nước nhà.

3.4.Cách tổ chức ngôn ngữ trong diễn ngôn phê bình - tiểu luận của Xuân Diệu.

3.4.1. Lối đặt tên bài, cách mở đầu tạo ấn tượng.

Đặt tên bài viết và cách mở đầu bài viết để tạo sự hấp dẫn "ngay từ cái nhìn đầu tiên" - đó là một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của văn báo chí và văn chương nói chung.

Đọc tên bài " Tuy Lý Vương - thi sĩ Tàu ", có lẽ không ai không ngạc nhiên để đọc tiếp nội dung bài báo với rất nhiều thắc mắc: Tại sao một nhà

thơ hoàng tộc nổi tiếng, được vua Tự Đức rất khen ngợi lại là một thi sĩ Tàu? Và toàn bộ lập luận của Xuân Diệu đã làm sáng tỏ cái tên bài 'giật gân' ấy.

Có khi Xuân Diệu đặt tên bài và kèm theo đó một mệnh đề - chúng nhiều khi có ý nghĩa, vai trò như một luận đề cơ bản mà tác giả sẽ trình bày. Chẳng hạn như hai bài viết về thơ tình và ái tình. Bài thứ nhất có tên"" Đàn bà hay người yêu?- Aí tình và khuôn sáo" và bài thứ hai: "Thơ ái tình " với một luận đề kèm theo : Nếu tình yêu chỉ là tình yêu thì tôi yêu làm gì? Toàn bộ nội dung của bài viết sẽ lần lượt giải đáp những câu hỏi và những luận đề ấy.

Tên bài Công danh với sự nghiệp ghép song đôi hai cặp phạm trù đối lập để tác giả lập luận phê phán công danh, đề cao sự nghiệp. Và bài viết cũng mở đầu bằng một câu ấn tượng:" Nước Việt Nam ta lụn bại vì công danh".

Mở đầu bài Đàn bà hay người yêu? Aí tình và khuôn sáo là một lời kêu gọi, một hình tượng đẹp của tuổi trẻ: "Hỡi chàng trai trẻ đi trên đường kia, đẹp như một cây thông và mạnh như một chiếc tàu, ngừng lại đây và cho tôi dặn..."

Còn đây là cách mở đầu bài Thơ của người: "Thoát ra ngoài cuộc đời, ! Mộng tưởng cao quý; nhưng cứ ở trong cuộc đời, sự cao quý lại càng cao hơn!".

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.

Đặt tên bài và câu mở đầu bài viết của Xuân Diệu luôn tạo ấn tượng bởi tính sắc sảo và tính trực tiếp của vấn đề - chúng đủ sức tạo không khí tiếp nhận và cuốn người đọc vào những dòng văn.


Quan niệm văn chương của Xuân Diệu trước 1945 - 11

3.4.2. Lối hành văn, diễn đạt mới mẻ.

Xuân Diệu sử dụng nhiều câu mệnh lệnh thức, nhiều thán từ, câu hỏi nghi vấn. Có thể khẳng định không một cây bút phê bình tiểu luận nào đương thời sử dụng nhiều câu văn với nhiều dấu hỏi (?)và vấu chấm than (!)như

một dấu hiệu phong cách như Xuân Diệu. Chúng xuất hiện liên tục với một tần suất dầy đặcn, tạo ra không khí một cuộc đối thoại, tranh luận sôi nổi:

" Thì ra cái lối nhắm mắt mặc chuyện đời của Lý Bạch vốn ăn sâu trong máu của ta rồi! Đời bây giờ mà ta lại hát khúc Cổ Bồn của Trang Tử! Đốt! Đốt hết! Đập! Đập cả! Hãy nghêu ngao trong cái thú "hy di" ! Thật là cái khẩu khí của bọn anh hùng rơm!"

"Nhưng khi thiên hạ tọc mạch nhìn xem thì, hỡi ôi! Những vật liệu họ dùng đều trong cuộc đời cả".

Những câu mệnh lệnh thức cũng thường được dùng để kêu gọi, nhắc

nhở:

"Hãy thổi ngọn gió thơ của ta qua những sinh vật đáng yêu đáng

thương kia, để thơ ta đẫm vị nước mắt, vị mồ hôi".

"Hãy nói giùm những điều thiên hạ cảm thấy mà không nói được; hãy đem đến những bầy người khổ sở, cau có những bông hoa thơm mát của sự hiền lành. Hãy làm trái tim của anh bằng đường, và hãy tưởng trái tim của anh là một chiếc bánh mênh mông".

Còn đây là lối đặt câu lạ, mới về ngữ pháp - đôi khi gây không ít sự ngỡ ngàng cho người đọc nhưng không thể không thấy nó đã gây một ấn tượng và hiệu quả thẩm mỹ nhất định:

"Cầm ngọn giáo mà đâm chém giữa không trung, người anh hùng ấy chỉ có không khí sợ "

"Anh nên xét cho kỹ để chỉ nghe sự thành thực quả nhiên là thành thực của lòng anh".

" Thơ đâu phải là sự buông thõng hai tay, xuôi theo dòng nước mơ màng "...

Văn của Xuân Diệu ào ạt, biến hóa các kiểu diễn đạt. Tổ chức diễn ngôn của Xuân Diệu vừa chặt chẽ, vừa đa dạng. Nhà thơ luôn sử dụng các hình thức so

sánh, ví von - một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của thơ, nhiều khi rất độc đáo. Ông nói về hồn thơ Huy Cận:

"Tâm hồn ông là một cô gái xưa rón rén, ung dung, trông nết na dè dặt, kì thực hay liếc trộm và rất ưa viết thư tình”

Ông so sánh ví von để tự hình tượng nói về các loại thơ- thứ thơ mặn mòi của cuộc sống: " Cũng như cơn gió mặn thấm muối của biển nước, thơ ta hãy thấm muối của biển người" và cả thứ thơ tình dễ dãi, sẽ chỉ như những lời bướm ong dễ dàng bay đi với thời gian: “Thơ ấy cũng sẽ như bao nhiêu lời bướm ong mà trai gái hát qua hàng rào, và hết mùa gió nồm là câu ca cũng mất”.

Người ta còn có thể nhiều kiểu cấu trúc câu, sử dụng từ độc đáo khác - cấu trúc câu với các vế đối lập : "nhưng cô đơn giữa rừng người, còn ấm áp hơn trên núi biếc "; "cảnh chờn vờn một cách nặng nề"; và cả kiểu câu văn với các ý đối chọi được sắp xếp sao cho gây ấn tượng nhất : " miệng cười như khóc, méo một cái méo hãi hùng"...


3.4.3. Cách lặp từ vừa tạo những điểm nhấn cho tư tưởng, vừa tạo nhạc điệu cho văn.

Lối lặp từ ngữ, lặp cấu trúc câu là một cách tổ chức diễn ngôn trong văn xuôi Xuân Diệu. Nó tạo ra một tiết tấu riêng, những nốt nhấn để dẫn đến sự lôi cuốn đặc biệt: mỗi đoạn văn là một dòng chảy mạnh mẽ, ồ ạt của chữ nghĩa và ý tưởng.

Xin dẫn ra đây một số trong rất nhiều câu văn lặp từ ngữ, lặp cấu trúc câu trong văn Xuân Diệu:

"Mà Thê lương của sự chết cũng chỉ là một phần của Thê lương lớn, của Thê lương chung..."

" Chúng tôi cũng bơ vơ; mỗi hồn người là một cõi bơ vơ trong đất trời là một khung bơ vơ; chúng ta đồng một bơ vơ với nhau, vậy thì người cũng bớt bơ vơ một chút ".

" Và nghe thơ Huy Cận, lòng ta lây cái cảm thương không cùng của thi sĩ và trước nhất, ta cảm thương người thi sĩ rất nhiều cảm thương "

" Anh em có thể làm ngay chiều nay hay sáng mai được. Anh em giở ngay sách quốc văn ra mà đọc. Sách hay, anh em đọc, sách dở, anh em cũng cứ đọc".

"Và trong khi ca tụng đàn bà, người ta lại vu oan cho họ quá đáng. Đàn bà, lòng dạ đổi thay! Đàn bà, ân tình trơ tráo!".

" Chỉ có tình yêu, chỉ có người yêu!... Chỉ có lòng ta, chỉ có lòng ta

thôi!"

"Đây là cái điên tươi thắm của một bà mẹ, cái điên cần phải có trong

mọi công việc cao xa"

"Mà đi bằng cách nào. Và đi vào đâu. Lên cung tiên. Vào thiên đường. Xuống địa phủ. Những người bảo thế chỉ nói chơi đấy thôi. Họ đùa đấy".

"Thơ là hoa, là mộng. Thơ cũng là cơm ".

"Tôi qua trong sự mơ màng nó chẳng mơ màng. Tôi nghĩ cảnh, tôi nghĩ tôi, tôi nghĩ tất cả"

Có thể thấy rõ hiệu quả của lối cấu trúc lặp này của câu văn Xuân Diệu

. Nó đập mạnh vào tư tưởng, nó gây ấn tượng về một cuộc trò chuyện sinh động và biến hóa của những ý tưởng. Và người ta cũng cảm nghe trong đó cái nhạc tính của câu văn.


3.4.4. Mới mẻ và táo bạo trong sử dụng từ ngữ.

Xét riêng ở phương diện sử dụng từ ngữ trong văn xuôi, người ta đã có thể nhận ra rất nhiều cái mới trong văn Xuân Diệu. Và có lẽ đây cũng tạo một ấn tượng là văn Xuân Diệu "Tây quá". Những cách tân mạnh bạo của nhà thơ trong việc sử dụng từ ngữ nằm chung trong quan niệm làm phong phú quốc văn và tiếng Việt. Những đổi mới ấy không phải tùy hứng, tự phát. Nó nằm trong một tư tưởng bao quát về mở rộng văn chương, làm giàu thêm Tính cách An nam trong văn chương bằng cách tạo cho nó những khả năng mới.

Nhà thơ ý thức sâu sắc rằng tiếng Việt từ xưa ít được sử dụng trong văn chương và " một thứ tiếng để lâu quá, ít dùng quá thì cố nhiên ít được khéo léo". Bởi vậy, phải tạo thêm, phải bày đặt ra những cách dùng mới mà xưa kia các cụ không chịu làm" (Tính cách An nam trong văn chương). Xuân Diệu còn nói cụ thể hơn: "Thỉnh thoảng chúng ta cũng phải dùng những chữ bởi, của, trong...- những tiếng đưa đẩy mà trước đây các cụ rất ít dùng; và ta lại dùng theo những cách có hơi lạ". Và quả thật, Xuân Diệu đã sử dụng từ ngữ, và sáng tạo từ ngữ nữa, theo cách của ông.

Trước hết, có thể thấy ngay rằng trong văn Xuân Diệu, luôn gặp những từ lạ, những từ ghép mới mẻ. Người đọc có thể vừa ngạc nhiên vừa thú vị với lối tạo từ này:

"Một bầu say sưa, một trời tưởng nhớ "

"Ta dàn trải làm gì"? Ta hãy đọng lại nơi vài dòng châu sáng "

"Tiếng ảo não, hơi phồng, như trong ấy có sự gắng sức, tiếng rậm, và nhiều, và thê lương như sự chết..."

"Những linh hồn mộc mạc, buồn xa mà không biết mình buồn "

Và không thiếu những từ ngữ còn lạ hơn nữa: "cái điên tươi thắm","chụm nhà lụp xụp"...

Vẫn trong xu hướng mạnh dạn sáng tạo, "dùng theo những cách có hơi lạ, Xuân Diệu đã có lối dùng từ, chơi chữ táo bạo, có khi đến "táo tợn".Ông

ghép tên thi bá với một hình tượng tầm thường nhất: Tuy Lý Vương - thi sĩ "củ khoai".

Ông có thể diễn đạt ý bằng những từ ngữ mạnh và bạo đến mức có thể làm ngỡ ngàng người đọc của hôm nay: " Và bàn tay đã đàn trên phím thịt cũng là bàn tay nâng lấy trán ưu tư".

Xuân Diệu cũng có cách chơi chữ hóm hỉnh, đầy giễu cợt khi ông nói về các sĩ tử theo đuổi công danh thời xưa "khéo nấu nướng những món văn sách, kinh nghĩa, nấu giả Đường, giả Tống cũng như người ta nấu giả cầy và dọn lên cho các quan trường thưởng thức”, cũng như khi nói về bầu không khí của thơ tình đương thời: "Người ta đã nhả vào trong ấy không biết bao nhiêu là lười biếng, nhầm lẫn, a dua...".

Từ ngữ quen dùng với ý nghĩa thông thường, qua cách diễn đạt và sử dụng của ông bỗng có khi mang một sắc thái khác, một hàm nghĩa khác : "Dường như văn thơ của chúng ta đã ngủ một giấc thật ngon lành. Vì lòng của chúng ta đã ngủ".

Có thể dẫn ra rất nhiều những dẫn chứng tương tự về cách tạo từ và sử dụng từ của Xuân Diệu:

"hãy thổi ngọn gió thơ của ta qua những sinh vật đáng thương" "cô đơn ở giữa rừng người"

"những lâu đài vu vơ bằng mù sương" "cái cơn muốn khóc"

"cái cảm giác trỗi nhất" "thiên văn đài của linh hồn" "linh hồn chàng giãn nở"

Xuân Diệu là người sử dụng khá nhiều những giới từ nối liền câu văn và từ ngữ, những chữ của, bởi... - kiểu câu của văn Pháp. Nhà phê bình Hoài Thanh đã từng lên tiếng phê bình lối đặt câu quá Tây này. Nhưng Xuân Diệu

đã có lời "nói lại" với nhà phê bình và trình bày rõ ý định đặt câu theo lối đó : "Tôi xin lỗi ông Hoài Thanh vì tôi đã nói: "đại dương của thương nhớ, sa mạc của cô đơn". Tôi nhận rằng chữ "của" ngô nghê thực. Song le nếu nói: "nỗi thương nhớ mênh mông như đại dương. Câu dưới là một sự so sánh (une comparaison, câu trên có chữ của là một sự chung hợp, một sự lẫn lộn (une métaphore). Ý tôi là phải dùng métaphore mới tả được; thì tôi phải dùng chữ "của" dầu cái ấy nghe không quen tai".

Một ý thức rõ rệt và những cách thể nghiệm có ý thức trong câu văn và lối dùng từ của Xuân Diệu. Hoài Thanh nói về sự ngô nghê như người mới học nói tiếng ta, nhưng cũng lại cho đấy là chỗ hơn người của Xuân Diệu. Với Xuân Diệu, ông không quan tâm đến thắng thua trong tranh luận, bởi như ông nói, trong mọi đổi mới ngôn ngữ trong văn chương, "chỉ một điều mà ta nên nghĩ, dầu ta phải hay trái, là tiếng Việt Nam mà ta yêu...".

Xem tất cả 101 trang.

Ngày đăng: 18/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí