Thứ ba, thanh niên là một lực lượng xã hội to lớn, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh của đất nước.
Thứ tư, thanh niên cũng chính là chủ thể được thụ hưởng và thực thi chính sách pháp luật của nhà nước, qua đó nhằm bồi dưỡng và phát huy thanh niên, hướng đến mục tiêu phát triển từng cá nhân thanh niên và xây dựng lớp thanh niên tiến bộ cho xã hội.
1.1.1.2. Vị trí, vai trò của thanh niên
Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc. Với vai trò là nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội hiện tại và tương lai, thanh niên luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người.
Theo C.Mác: “Đảng của chúng ta là Đảng của tương lai, mà tương lai thuộc về thanh niên. Chúng ta còn là Đảng của những người đổi mới, vì sự đổi mới mà thanh niên luôn ham thích. Chúng ta là Đảng của cuộc đấu tranh hy sinh, xả thân chống lại những gì mục nát, mà thanh niên bao giờ cũng đi đầu trong cuộc đấu tranh hy sinh, xả thân ấy”. [6] Cùng thống nhất với C.Mác về vai trò của thanh niên trong sự nghiệp Cách mạng, Ph.Ănghen đã khẳng định rằng, thanh niên không thể đứng ngoài chính trị: “Họ là đạo quân xung kích của giai cấp vô sản quốc tế và đội hậu bị tin cậy của Đảng”. [6]
Kế thừa và phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ănghen về vai trò của thanh niên, V.I.Lênin cho rằng “Người ta quan sát thấy thanh niên công nhân một khát vọng nồng cháy không gì kìm hãm được sự vươn lên lý tưởng dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Sớm muộn thanh niên sẽ đến với chủ nghĩa xã hội nhưng bằng con đường khác với cha anh của họ”. [27] V.I.Lênin cũng chính là người đã phát hiện ra rằng,
khi chủ nghĩa xã hội hiện thực xuất hiện, thì đó cũng là lần đầu tiên, việc giáo dục thế hệ trẻ trở thành nhiệm vụ của toàn Đảng, của nhà nước và toàn xã hội.
Trong chủ trương, đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh từ những ngày đầu cách mạng, Đảng và Bác Hồ đã đề cao vai trò, vị trí quan trọng của thanh niên; xác định thanh niên là đội quân xung kích của cách mạng, chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà…Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”. [15]
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý nhà nước về công tác thanh niên trên địa bàn huyện Čư M’gar, tỉnh Đắk Lắk - 1
- Quản lý nhà nước về công tác thanh niên trên địa bàn huyện Čư M’gar, tỉnh Đắk Lắk - 2
- Đặc Điểm Cơ Bản Của Quản Lý Nhà Nước Về Công Tác Thanh Niên
- Phương Pháp Quản Lý Nhà Nước Về Công Tác Thanh Niên
- Tổ Chức Bộ Máy Quản Lý Nhà Nước Về Công Tác Thanh Niên
Xem toàn bộ 157 trang tài liệu này.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII, Ban Chấp Hành Trung ương Đảng khóa X đã đúc kết và ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, Nghị quyết nhấn mạnh: “Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thanh niên, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên nhằm chăm lo, bồi dưỡng và phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. [3]
Có thể khẳng định rằng vai trò của thanh niên rất quan trọng được thể hiện trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, thanh niên luôn thể hiện được vị trí, vai trò của mình trên mọi lĩnh vực cụ thể.
Vai trò của thanh niên
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã khẳng định vai trò của thanh niên: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên”. [2]
Ngay từ những ngày đầu cách mạng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh thức tỉnh, giác ngộ, thanh niên Việt Nam đã tin tưởng, đi theo Đảng, cùng với nhân dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập dân tộc, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc.
Sau khi đất nước thống nhất thanh niên sôi nổi tham gia các phong trào thi đua học tập, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế - xã hội. Tiêu biểu là các hoạt động xung kích, các phong trào xây dựng tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa, thực hiện nếp sống mới văn minh tiên tiến. Góp phần to lớn trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đưa nước ta tiến lên một tầm cao mới.
Bước sang thế kỷ XXI, nền kinh tế nước ta chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức với xu thế toàn cầu hóa, vị thế của Việt Nam đã được nâng cao trên trường quốc tế, tuy nhiên xu thế toàn cầu hóa cũng đã đặt ra thời cơ và cả thách thức to lớn. Đây là điều kiện thuận lợi cho thanh niên Việt Nam phát huy vai trò, sức lực và trí tuệ của tuổi trẻ để khẳng định mình, để trưởng thành và cống hiến cho đất nước. Thế hệ thanh niên ngày nay được thừa hưởng thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, được cống hiến và trưởng thành trong môi trường chính trị ổn định, sự phát triển vững chắc của kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng cao, được gia đình và xã hội dành cho nhiều cơ hội học tập để có trình độ văn hóa, chuyên môn cao hơn các lớp thanh niên đi trước. Những lợi thế đó là hành trang giúp thanh niên vững bước tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định, cần: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu
cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học - công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. [11]
Với vị trí, vai trò to lớn của thanh niên, có thể khẳng định: Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
1.1.2. Công tác thanh niên
1.1.2.1. Khái niệm công tác thanh niên
Trong cuốn Tra cứu các mục từ về tổ chức đã giải thích: “Công tác” là công việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị (đảng, nhà nước, đoàn thể, đơn vị kinh tế, sự nghiệp) cùng nhau thực hiện, hoặc giao cho từng thành viên trong tổ chức, cơ quan, đơn vị đó thực hiện. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có thể có những điểm giống nhau và khác nhau về chức năng, nhiệm vụ, quy mô tổ chức và đặc điểm nhân sự, nên nội dung, biện pháp thực hiện các công tác của từng cơ quan có thể có những điểm giống nhau và khác nhau. Các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá (định kỳ, đột xuất) về tài, đức của mỗi cán bộ, công chức, hoặc thành viên của tổ chức chính trị, xã hội có nhiều điểm cần lưu ý, nhưng phải lấy “chất lượng và hiệu quả công tác” của những người đó “làm thước đo chủ yếu”. [14]
Định nghĩa nêu trên chủ yếu đề cập đến công việc của các tổ chức, cơ quan, đơn vị một cách độc lập. Đối với CTTN, cần được hiểu là công việc của Đảng,
của tất cả các tổ chức trong xã hội, trước hết là của các tổ chức trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Theo tác giả Đào Ngọc Dung thì “Công tác thanh niên là hoạt động có mục đích của tổ chức tác động vào đối tượng thanh niên nhằm giáo dục, bồi dưỡng, định hướng và phát huy thanh niên, đáp ứng những đòi hỏi vốn có của thanh niên và yêu cầu phát triển của xã hội”. [8]
Thể chế hoá quan điểm trên của Đảng, tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 120/2007/NĐ-CP, ngày 23 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên quy định: “Công tác thanh niên là những hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội nhằm giáo dục, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phấn đấu và trưởng thành; đồng thời phát huy vai trò xung kích, sức sáng tạo và tiềm năng to lớn của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. [33]
Từ những khía cạnh phân tích ở trên, có thể hiểu: “CTTN là một bộ phận trong công tác quần chúng của Đảng, bao gồm toàn bộ những hoạt động của Đảng, nhà nước và các chủ thể xã hội khác, trong đó có Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam nhằm tác động một cách đồng bộ để để bồi dưỡng, tổ chức, động viên thanh niên phát huy mọi tiềm năng và thế mạnh, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển, cống hiến, trưởng thành vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
1.1.2.2. Đặc điểm công tác thanh niên
Từ khái niệm trên cho thấy bản chất và nội dung của CTTN mang những đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, CTTN là công tác thanh vận của Đảng, công tác vận động, tập hợp và đoàn kết thanh niên đi theo Đảng, phấn đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ hai, CTTN bao gồm toàn bộ hoạt động của Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ ba, CTTN bao gồm hệ thống các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước; các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam nhằm tạo ra những tác động tích cực trong quá trình giáo dục, bồi dưỡng và phát triển thanh niên.
1.2. Những vấn đề lý luận chung của quản lý nhà nước về công tác thanh niên
1.2.1. Khái niệm đặc điểm quản lý nhà nước về công tác thanh niên
Khái niệm quản lý nhà nước
QLNN được tạo bởi hai thành tố là quản lý và nhà nước.
Thứ nhất, quản lý là một hoạt động đặc biệt, là yếu tố không thể thiếu được trong đời sống xã hội, gắn liền với quá trình phát triển của xã hội. Về khái niệm quản lý cho đến nay vẫn tồn tại nhiều khác biệt trong cách hiểu. Song, một đặc điểm có thể nhận thấy, quản lý bao giờ cũng xuất hiện cùng với nhu cầu của con người, gắn liền với quá trình phân công và phối hợp trong lao động của con người. Để một hoạt động quản lý có thể diễn ra, bên cạnh chủ thể quản lý cần có các yếu tố khác như đối tượng quản lý, cách thức tác động của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý và những mục tiêu mà hoạt động quản lý hướng tới. C.Mác đã từng nói tới vai trò quản lý trong xã hội: “Bất kỳ lao động xã hội hay cộng đồng nào được tiến hành trên quy mô tương đối lớn đều cần có sự quản lý, nó giao kết mối quan hệ hài hoà giữa các công việc riêng rẽ và thực hiện chức năng chung nhất, xuất phát từ toàn bộ cơ cấu sản xuất (khác với sự vận động của từng bộ phận độc
lập trong nền sản xuất ấy). Một nghệ sĩ chơi đàn chỉ phải điều khiển có chính mình, nhưng một dàn nhạc thì cần phải có một nhạc trưởng”. [10]
Thứ hai, khi nhà nước xuất hiện thì phần lớn các công việc của xã hội do nhà nước quản lý. Nhà nước là trung tâm của hệ thống trị, là công cụ quan trọng để quản lý xã hội. Nhà nước thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật và chính sách làm công cụ để thực hiện QLNN đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tại khoản 1, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. [7]
Ở nước ta, do đặc thù của hệ thống chính trị, QLNN thường hiểu như sau:
Hiểu theo nghĩa rộng: “QLNN là hoạt động của cả bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp để điều chỉnh các quá trình xã hội và hành vi của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, được thể chế hoá thành pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm thực hiện chức năng đối nội, đối ngoại của nhà nước”. Theo đó, chủ thể của hoạt động QLNN ở đây bao gồm: Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Hiểu theo nghĩa hẹp: “QLNN là hoạt động có tổ chức và bằng quyền lực nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước để triển khai thực hiện pháp luật, điều chỉnh các quá trình xã hội, hành vi của cá nhân, tổ chức trong xã hội, nhằm giữ gìn trật tự xã hội, phát triển kinh tế - xã hội theo các mục tiêu của nhà nước. QLNN là hoạt động chấp hành và điều hành, nhằm điều chỉnh các quá trình xã hội và hành vi của cá nhân, tổ chức trong xã hội theo pháp luật, nhằm đạt được những mục tiêu mà nhà nước đã đặt ra”. Theo nghĩa này, QLNN là dạng quản lý mang tính chất thực hiện quyền lực nhà nước.
Theo Giáo trình Lý luận Hành chính nhà nước, “Quản lý nhà nước là một dạng quản lý xã hội đặc biệt, mang tính quyền lực nhà nước sử dụng pháp luật và chính sách để điều chỉnh hành vi của cá nhân, tổ chức trên tất cả các mặt của đời sống xã hội do các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện, nhằm phục vụ nhân dân, duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội”. [13]
Tóm lại, khái niệm QLNN là hoạt động của nhà nước trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm thực hiện chức năng đối nội, đối ngoại của nhà nước. Nói cách khác, QLNN là sự tác động của các chủ thể mang tính quyền lực nhà nước, chủ yếu bằng pháp luật tới các đối tượng quản lý nhằm thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước.
Khái niệm quản lý nhà nước về công tác thanh niên
QLNN về CTTN là việc nhà nước thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về CTTN thành chính sách, pháp luật. Đó là việc ban hành hệ thống các văn bản pháp luật; xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm giáo dục, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phấn đấu và trưởng thành.
Xác lập vai trò QLNN về CTTN là xác định CTTN trở thành đối tượng điều chỉnh của pháp luật, của chiến lược, chương trình và chính sách. Trong quá trình QLNN cần hướng tới nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy vai trò của thanh niên.
Ở nước ta QLNN về CTTN là một khái niệm còn khá mới và chưa có định nghĩa thống nhất, từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau khái niệm QLNN về CTTN được một số tác giả đưa ra như:
Theo tác giả Nguyễn Vĩnh Oánh thì “QLNN về CTTN là những hoạt động lập pháp, và lập quy của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chế định ra những quy định về CTTN; là hoạt động QLNN trong phạm vi những công việc về