Quan hệ thương mại Việt Nam – Liên bang Nga giai đoạn 2007-2014 - 12


thủy sản vào Nga song thị phần của Việt Nam chỉ khoảng 3,6% trong tổng nhập khẩu thủy sản của thị trường này. Thời gian tới, với mức thuế suất ưu đãi 0% dành cho Việt Nam, cùng việc Nga cấm nhập khẩu mặt hàng này từ 3 đối tác chính là Na Uy, Mỹ, và Canada (thủy sản Na Uy chiếm 40% thị phần thủy sản nhập khẩu vào Nga) sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào thị trường này. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong bốn tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cá ngừ sang Nga đạt 1,65 triệu USD, tăng 218,4% so với cùng kỳ năm 2014; nguyên liệu cá ngừ đông lạnh vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính sang Nga với trị giá 1,58 triệu USD, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này. Ngành hàng gỗ, một trong ba mặt hàng được khuyến khích xuất khẩu sang thị trường Nga, được dự báo sẽ tăng nhanh về kim ngạch và tốc độ tăng trưởng do được hưởng những ưu đãi về thuế, biến Nga trở thành thị trường xuất khẩu gỗ lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ sau Mỹ và EU. Mặt khác, Việt Nam vẫn duy trì nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu như phân bón, sắt thép, thiết bị máy móc, xăng dầu từ Nga để phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, để đạt được những kỳ vọng trên, bên cạnh việc tận dụng những ưu đãi về thuế, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, xây dựng chiến lược xuất khẩu cho sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam; phối hợp cùng các cơ quan quản lý chức năng của nhà nước tiến hành xúc tiến thương mại, hỗ trợ thanh toán, hỗ trợ các dịch vụ xuất khẩu nhằm biến thị trường Nga tiềm

năng trở thành thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

4.2. Một số kiến nghị nhằm tăng cường quan hệ thương mại hàng hóa Việt Nam – Liên bang Nga giai đoạn 2015-2020

4.2.1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý

Bên cạnh sự hợp tác của các doanh nghiệp thì sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước được đánh giá là


một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Liên bang Nga phát triển. Các cơ quan bao gồm Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Liên Chính phủ Việt – Nga về hợp tác Kinh tế - Thương mại và Khoa học kỹ thuật, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Tham tán Thương mại Việt Nam, các Lãnh sự quán Việt Nam tại một số khu vực ở Liên bang Nga, Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Liên bang Nga. Trong đó, Ủy ban Liên Chính phủ Việt – Nga về hợp tác Kinh tế - Thương mại và Khoa học kỹ thuật là cơ quan mũi nhọn, có nhiệm vụ quan trọng trong việc giám sát, hỗ trợ, thúc đẩy tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam – Liên bang Nga.

4.2.2. Dỡ bỏ rào cản thương mại, tuân thủ thông lệ thương mại quốc tế

Trong thời gian qua, quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam – Liên bang Nga chưa tương xứng với tiềm năng có một phần nguyên nhân là do các rào cản thương mại như thanh toán, thủ tục hải quan. Trong khi Việt Nam đã gia nhập WTO từ năm 2007, còn Nga mới chỉ gia nhập từ năm 2012, do đó mức độ chuyển đổi, hòa hợp với luật pháp quốc tế còn thiếu sự tương đồng; nhiều quy định, thủ tục của Nga chưa phù hợp với chuẩn mực của WTO. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh ở Nga và Việt Nam còn thiếu sự minh bạch, tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu của các cơ quan quản lý hoạt động thương mại quốc tế còn tồn tại, hiệu lực pháp luật chưa cao.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.

Thứ nhất, về cơ chế thanh toán. Cơ chế thanh toán giao dịch ngoại thương và chuyển đổi giữa hai đồng bản tệ là đồng RUB và VND chưa tạo được thông lệ. Một phần do cơ chế thanh toán song phương hiện đang được hoàn thiện, phần khác do giá trị hai đồng tiền chưa có tính ổn định cao. Do vậy, Ngân hàng hai nước cần đẩy mạnh cho vay tài trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp, có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chính sách ưu đãi về tín dụng, lãi suất, phí, thanh toán.


Quan hệ thương mại Việt Nam – Liên bang Nga giai đoạn 2007-2014 - 12

Thứ hai, khác biệt về văn hóa và môi trường kinh doanh giữa hai nước Việt – Nga khiến việc hợp tác giữa các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chưa tìm được tiếng nói chung, đặc biệt là trong cơ chế thanh toán. Các doanh nghiệp Nga ít sử dụng phương thức thanh toán bằng thư tín dụng (L/C), thay vào đó họ thường sử dụng phương thức thanh toán trả chậm khi nhập khẩu và trả trước khi xuất khẩu. Điều này gây khó khăn cũng như tăng mức độ rủi ro trong thanh toán cho phía các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực hiện nhập khẩu và thanh toán trực tiếp với các doanh nghiệp Nga, mà thường thông qua nước thứ ba khiến chi phí và rủi ro tăng thêm. Cùng với đó, thủ tục hành chính, giấy tờ, đặc biệt là thủ tục hải quan của Nga còn nhiều bất cập khiến các doanh nghiệp Việt Nam còn e ngại. Vì vậy, Chính phủ hai nước cần tăng cường hợp tác hải quan, tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục, giấy tờ, thời gian xử lý hồ sơ cho các doanh nghiệp hai nước trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Thứ ba, các tiêu chí đánh giá kết quả giám định hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn còn chưa thống nhất, khiến cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nga thường bị giám định lại chất lượng và các tiêu chuẩn kỹ thuật, gây mất thời gian, phát sinh các thủ tục, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Do đó, Chính phủ hai nước cần có những chính sách tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng hơn cho các nhà xuất khẩu và các nhà đầu tư của hai nước. Các Bộ, ngành chức năng hai nước cần sớm công bố các chỉ tiêu, quy định, điều kiện về chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vào thị trường hai nước. Các tiêu chí đánh giá kết quả kiểm định hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt các thủ tục kiểm tra thú y cũng cần được thống nhất, đạt được sự công nhận lẫn nhau về kết quả giám định hàng hóa xuất nhập khẩu.

Thứ tư, Chính phủ hai nước cần tiếp tục định hướng, duy trì cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước sao cho phát huy được lợi thế so sánh,


các thủ tục về xuất xứ, kiểm định chất lượng, thủ tục hải quan, thanh toán L/C hòa hợp và hiện đại, áp dụng hệ thống logistics hiện đại nhằm giảm chi phí giao dịch hàng hóa, hướng tới giao dịch qua nội tệ là RUB và VND, tránh sự phụ thuộc vào những biến động tỷ giá của USD.

Thứ năm, cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần thực hiện cạnh tranh lành mạnh, hợp tác cùng có lợi, hạn chế rủi ro trong quá trình trao đổi thương mại, lựa chọn hàng hóa và dịch vụ uy tín, chất lượng cao để xuất khẩu, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển, nâng cao thương hiệu của doanh nghiệp, uy tín quốc gia, xứng đáng với quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

4.2.3. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Cơ chế thanh toán và các giao dịch tín dụng thông qua các ngân hàng giữa hai nước còn nhiều hạn chế. Do đó, cần thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong hệ thống các ngân hàng thương mại, xây dựng ngân hàng liên doanh lớn mạnh, hướng tới áp dụng các quy định quốc tế trong hoạt động thanh toán và tín dụng giữa hai nước.

Một trong những dự án quan trọng trong hợp tác Việt – Nga là Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) được thành lập theo thỏa thuận hợp tác giữa chính phủ hai nước, đi vào hoạt động từ tháng 11/2006. VRB là Liên doanh giữa hai Ngân hàng Thương mại Nhà nước hàng đầu là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Nga Vneshtorgbank (VTR). Năm 2009, tổng tài sản của VRB đạt 430 triệu USD, vốn tự có là 63 triệu USD. VRB đã cơ bản hoàn thành tự động hóa và điện tử hóa, kết nối thanh toán trực tiếp giữa Việt Nam và Nga bằng bốn loại tiền tệ là VND, RUB, USD, EUR [23].

Việc hình thành quan hệ của VRB với một số ngân hàng uy tín tại Nga như OBIBANK (thuộc Tập đoàn Metropol) có tác dụng tích cực thúc đẩy trao


đổi thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, do quy mô vốn còn hạn chế, các dịch vụ chưa phong phú nên cần thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hiện đại hóa các dịch vụ này để phục vụ tốt hơn cho các hoạt động thương mại, đầu tư của doanh nghiệp hai nước. Có thể kể đến dự án “Quỹ đầu tư Việt – Nga” của BIDV và VTR với quy mô khoảng 500 triệu USD, tập trung vào các dự án có tiềm năng tại Việt Nam như điện, nước, năng lượng, cơ sở hạ tầng, vận tải, môi trường. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy làn sóng đầu tư từ Nga vào Việt Nam, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Chính phủ hai nước cần thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng theo hướng:

Thứ nhất, tăng cường năng lực tài chính, mở rộng mạng lưới, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán nhằm phục vụ nhu cầu doanh nghiệp và người dân hai nước.

Thứ hai, đa dạng hóa các nguồn lực, xây dựng các quỹ đầu tư nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế thanh toán, bao gồm việc hoàn thiện cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ là RUB và VND, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp hai nước trong hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa bằng phương thức thanh toán theo thông lệ quốc tế, thuận tiện hơn, bình đẳng hơn, tạo hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp.

4.2.4. Điều chỉnh cơ chế hợp tác trong thương mại.

Nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại giữa hai bên, cần chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nhà nước, giữa địa phương với địa phương, thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thương mại quốc tế. Cần ưu tiên thúc đẩy hợp tác thương mại giữa các tổng công ty nhà nước, kết hợp quan hệ giữa địa phương với địa phương nhằm thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia, có sự hỗ trợ vốn, bảo lãnh thanh toán từ ngân


hàng hai nước. Việc thu hút các doanh nghiệp tư nhân lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp của người Việt tại Nga và các nước CIS, kết hợp với các doanh nghiệp nhà nước nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại là hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp của người Việt tại Nga cũng như các nước CIS, với những ưu thế về hiểu biết văn hóa, thị hiếu tiêu dùng của thị trường Nga, có quan hệ với chính quyền và các doanh nghiệp Nga, sẽ là cầu nối giữa địa phương và doanh nghiệp nhà nước, cùng doanh nghiệp tư nhân hình thành nên mạng lưới sản xuất, xuất khẩu, tiếp thị tại thị trường của nhau, cùng sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng tài chính, phát huy tính sáng tạo, linh hoạt, tận dụng lợi thế so sánh, khắc phục những nhược điểm cũng như cơ chế thanh toán không đảm bảo, các doanh nghiệp nhỏ lẻ, ít vốn.

Đây là tiền đề cho việc tăng cường kết hợp thương mại với đầu tư nhằm phục vụ cho thị trường của nhau, khai thác thị trường các nước trong khu vực thông qua hợp tác đa phương của hai phía như các Liên minh kinh tế Á – Âu, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN.

Tóm lại, vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước, kết hợp với sự năng động của các doanh nghiệp tư nhân, có sự hỗ trợ về vốn, quan hệ, bảo lãnh của nhà nước cũng như các địa phương từ hai phía là rất quan trọng.

4.2.5. Kết hợp giáo dục, đào tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các dự án liên quan đến giáo dục như xây dựng trường đại học Việt – Nga, hay 400 suất học bổng cho du học sinh Việt Nam từ Chính phủ Nga đều cho thấy sự coi trọng đào tạo nguồn nhân lực giữa hai nước. Tuy nhiên, vẫn cần những giải pháp mang tính đột phá hơn trong việc hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giữa hai nước. Hợp tác về lao động sẽ kéo theo hoạt động chuyển giao công nghệ trong quá trình hợp tác thương mại và đầu tư


giữa hai nước. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo như hợp tác giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu, tiến hành trao đổi sinh viên, giảng viên, cấp học bổng cho du học sinh và nghiên cứu sinh, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục đào tạo cũng như tăng cường hợp tác về khoa học kỹ thuật giữa hai nước. Bên cạnh đó, việc tạo ra triển vọng về cơ hội việc làm, thu nhập cũng hết sức quan trọng. Việc hợp tác đào tạo không chỉ thuộc về các trường đại học mà còn cần sự hợp tác của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, hiệu quả, phù hợp với các dự án, chiến lược phát triển của các công ty, doanh nghiệp.

4.2.6. Tăng cường quan hệ hợp tác với vùng Viễn Đông

Vùng Viễn Đông của Nga là một khu vực giàu tài nguyên khoáng sản, đất đai phì nhiêu, phù hợp với phát triển nông nghiệp phục vụ cho nhu cầu tại chỗ và cho xuất khẩu, tương lai có thể là vùng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, do thiếu vốn và nhân lực nên đến nay vùng đất này của Nga vẫn ở trong tình trạng kém phát triển. Trong khi đó, Việt Nam lại đang dần cạn kiệt các nguồn lực như than, dầu khí, khoáng sản, gỗ và cả đất đai. Việc tận dụng tốt cơ hội hợp tác với vùng Viễn Đông không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn là cơ hội để giải quyết vấn đề dư thừa lao động ở Việt Nam hiện nay, giúp Việt Nam có nguồn cung cấp ổn định về than đá, phân bón, clanke, dầu thô, khí đốt, gỗ, giảm áp lực về môi trường, góp phần giúp cả Việt Nam và vũng Viễn Đông phát triển nhanh và bền vững. Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên Việt Nam và vùng Viễn Đông cần kết hợp cả hợp tác về chính trị với hợp tác trong thương mại, đầu tư, tài chính ngân hàng, tăng cường vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp nhà nước và địa phương, thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia theo cơ chế thị trường, lựa chọn các lĩnh vực mà hai bên có lợi thế so sánh như năng lượng,


nông lâm ngư nghiệp. Bên cạnh đó, cần kết hợp hợp tác kinh tế thương mại với hợp tác lao động, hợp tác nghiên cứu triển khai, hợp tác giáo dục đào tạo.

4.2.7. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga

Mặc dù thị trường Nga vốn không phải là thị trường quá khó tính như thị trường Mỹ hay EU, song thị phần hàng hóa Việt Nam vẫn chỉ chiếm một thị phần nhỏ trên thị trường rộng lớn và tiềm năng này. Nguyên nhân chính là do hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với hàng hóa xuất khẩu của các nước khác. Do vậy, việc các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Nga nói riêng là vô cùng cần thiết, nếu hàng hóa Việt Nam muốn đứng vững trên thị trường Nga. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa thì trước hết phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần cải tiến, trang bị mới công nghệ, khuyến khích cán bộ công nhân viên nghiên cứu cải tiến công nghệ, nhận chuyển giao công nghệ từ các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước, nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài, ưu tiên nhập công nghệ nguồn, hiện đại, tránh nhập những công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Đối với thị trường Nga, doanh nghiệp cần đảm bảo giao hàng đúng thời gian, đúng số lượng, đúng mẫu mã và chất lượng đã thỏa thuận. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phấn đấu hạ giá thành sản xuất, giảm chi phí trung gian để tạo thêm cạnh tranh về giá cho hàng hóa Việt Nam. Do chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga khá cao nên các doanh nghiệp cần nghiên cứu những phương án, lộ trình vận chuyển mới, có thể kết hợp nhiều phương thức vận chuyển sao cho đảm bảo vừa hạ được giá thành sản phẩm, vừa đảm bảo được chất lượng hàng hóa. Một biện pháp nữa mà các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng để hạ giá thành, đó là sớm quy hoạch những vùng sản xuất và chế biến tập trung, đặc biệt là đối với hàng hóa nông sản thành phẩm, trên cơ sở

Xem tất cả 106 trang.

Ngày đăng: 23/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí