Những Yếu Tố Để Hợp Tác Thành Công Trong Phát Triển Du Lịch Nông Thôn Theo Hướng Bền Vững


4.3.3. Hợp tác các bên liên quan cho phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững

4.3.3.1. Những yếu tố để hợp tác thành công trong phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững

Theo quan điểm của đại diện CQĐP huyện Lâm Hà thì cần thiết phải có sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành tại địa phương trong PTDL để đạt được sự bền vững. Chẳng hạn Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo Chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2019. Để thực hiện thành công mô hình OCOP tại huyện Lâm Hà, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành tại địa phương trong đó ngành du lịch làm đầu mối cho sản phẩm OCOP đầu ra thông qua con đường du lịch:

Tôi nghĩ mô hình OCOP sẽ hoàn hảo nhất, nó kết nối hết tất cả các ngành, mà Phòng Nông nghiệp là nơi đầu mối sản xuất. Tuy nhiên, du lịch mình làm đầu mối cho tiêu thụ các sản phẩm OCOP đó tôi nghĩ rất tốt... Nhưng còn khó khăn tâm lý của người Việt Nam là lợi ích trước mắt. Ví dụ một số quán ăn ở đây thấy khách tây là giá gấp hai gấp ba… công tác nặng nề nhất của chúng tôi là công tác vận động tuyên truyền các hộ kinh doanh du lịch phải uy tín về chất lượng. Đó là nhận thức của cả cộng đồng. Cần phải coi bạn cũng như ta, ta cũng như bạn, sự hòa hợp cộng đồng, làm du lịch như thế này sẽ không bền vững được. (Đại diện CQĐP, nữ, 40 tuổi, Lâm Hà).

Đồng thời, kết quả cũng cho thấy cộng đồng nhận thức về sản xuất sản phẩm đặc thù địa phương và cách thức làm du lịch như nâng giá quá cao, chất lượng sản phẩm không đảm bảo còn nhiều hạn chế đã tạo ra sự gian dối, mất niềm tin với khách du lịch.

Đối với quan hệ giữa CQĐP và DNDL, cơ chế hợp tác diễn ra rất lỏng lẻo, CQĐP có giao nhiệm vụ cho các DNDL, đồng nghĩa với việc trao quyền cho các bên nhưng thiếu cơ chế hoạt động, thiếu sự cam kết, thiếu quá trình kiểm tra và giám sát các hoạt động hợp tác. Vì thế các hoạt động diễn ra mang tính hình thức, chưa thiết lập các mục tiêu cũng như hiệu quả đạt được, chưa tính tới tính khả thi của các hoạt động, CQĐP chưa trao quyền cho các bên liên quan khác, đồng thời tạo sự thiếu niềm tin của DNDL vào các quan quản lý địa phương khi thực hiện nhiệm vụ.

Đối với Chính quyền có giao nhiệm vụ nhưng không có cam kết. Đối với các tổ chức có giao nhiệm vụ, có cam kết nhưng không kiểm tra, tất cả các mối quan hệ dường như không kiểm tra… Chính quyền nên tạo lộ trình từ đầu, vẫn chưa có cơ chế,


nguyên tắc, vẫn chưa trao quyền cho các bên liên quan. (Đại diện doanh nghiệp, nam, 54 tuổi, Lâm Hà).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 206 trang tài liệu này.

Đại diện một DNDL tại địa phương đã chỉ ra cơ sở để kết nối là xác định được đối tác phù hợp với những hiểu biết về đối tác. Để quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp thành công cần có những điều khoản thỏa thuận chặt chẽ, rõ ràng và thực hiện theo các điều khoản đã được thiết lập:

Biết đối tác mình là ai, như thế nào, có thể trở thành đối tác được hay không. Mình cần hiểu và có thông tin đầy đủ về họ, chẳng hạn như ở đâu, kinh doanh gì, có thực sự quan tâm về sản phẩm của mình không, có cùng nhau thỏa thuận đàm phán được hay không mới bắt tay vào kết nối được. Nghĩa là mình phải tìm hiểu về họ. Mình phải đưa ra điều khoản thỏa thuận chặt chẽ, rõ ràng và thực hiện theo các điều khoản. Mối quan hệ của bên anh chủ yếu là đối tác nên cứ thỏa thuận phù hợp với yêu cầu 2 bên là ok thôi. (Đại diện doanh nghiệp, nam, 46 tuổi, Lâm Hà)

Quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững: Nghiên cứu trường hợp tỉnh Lâm Đồng - 14

Do vậy, để đạt được HTCBLQ trong PTDLBV, đại diện một DNDL đã đề xuất cần có mục tiêu, cam kết dài hạn giữa các bên liên quan. Sự cam kết này thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan vào hợp tác trên cơ sở vai trò, trách nhiệm của các bên, đồng thời chia sẻ các nguồn lực và lợi ích lâu dài cho các bên:

Theo kinh nghiệm của em cần một chiến lược lâu dài cần sự cam kết của các bên liên quan doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng trong 1-10 năm. Trung hạn 3 năm, dài hạn ít nhất 5 năm. Mục tiêu là gì, lợi ích cho các bên hiện hữu. Chính quyền cam kết chính sách đặc thù, doanh nghiệp đầu tư bao nhiêu (chi phí, marketing), người dân cam kết sự nhiệt tình dù thắng dù thua anh vẫn theo đuổi. Còn hiện giờ là tức thời, ăn bánh trả tiền thì không có gì là vững bền. Nếu không có cam kết ràng buộc trách nhiệm, lợi ích thì không hiệu quả. Hiện giờ sự phối hợp theo kiểu đánh bóng, bản thân Chính quyền quá nhiều hoạt động như kiểu đeo đá vô người, ai cũng thấy mệt nên làm không hiệu quả. (Đại diện doanh nghiệp, nam, 33 tuổi, Đà Lạt).

Để PTDLBV cần có sự theo đuổi mục tiêu dài hạn, cần HTCBLQ, cần sự tương tác lâu dài trên cơ sở nhiều bên tham gia, sự đồng thuận nhất quán và sự cam kết thực hiện và triển khai PTDL. Và trên cả là thiếu một tầm nhìn dài hạn cho PTDLNT theo hướng bền vững mà có thể thu hút được nhiều bên liên quan cùng tham gia thực hiện để khắc phục được yếu tố phát triển ―thiếu‖ bền vững hiện nay. Kết quả phỏng vấn cũng chỉ ra những hoạt động hợp tác từ phía CQĐP hiện nay chưa mang lại hiệu quả bởi xuất phát từ nguyên nhân CQĐP quá nhiều hoạt động, nên các hoạt động triển khai mang tính hình thức, hợp tác để triển khai cho xong, hiệu quả hiệu tác khó đạt được.


4.3.3.2. Những khó khăn, thách thức phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững tại Lâm Hà

Huyện Lâm Hà hiện nay được coi là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch. Về quy hoạch chung cho PTDL của huyện đã được ban hành, tuy nhiên thiếu sự liên kết hài hòa với ngành nông nghiệp và các ngành kinh tế khác:

Quy hoạch PTDL có rồi nhưng chương trình hành động gắn với PTDL canh nông huyện Lâm Hà chưa có. Cần xây dựng một chương trình hành động cụ thể. (CQĐP, nam, 56 tuổi, Lâm Hà).

Chương trình PTDL của địa phương vẫn tồn tại độc lập với các ngành kinh tế khác và chưa được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển làng nghề của huyện. Trong khi những năm gần đây, từng bước đi, lộ trình xây dựng nông thôn mới thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương đang hiện diện rất rõ trong từng không gian sống vùng nông thôn huyện Lâm Hà. Vì thế nên nhiều hoạt động du lịch diễn ra tại địa phương, đặc biệt gắn với người dân nông thôn vẫn mang tính tự phát và thiếu sự hỗ trợ từ phía CQĐP cho PTDL. Đồng thời, CQĐP rất ít tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nông hộ, doanh nghiệp ở nông thôn. Và kết quả là thiếu sự hỗ trợ CQĐP đối với một số nông hộ, DNDL dựa trên các tài nguyên nông nghiệp. :

Chúng tôi kiến nghị CQĐP hỗ trợ làm cổng chào vào làng nghề để mọi người đặc biệt là khách du lịch biết đó là làng nghề và để quảng bá du lịch địa phương. (Người dân, nam, 53 tuổi, Lâm Hà).

Cái này em vẫn có ý kiến nhưng hầu như Sở Ban ngành hầu như không tiếp thu. Họ hầu như không hỗ trợ gì .... cái mình cần hỗ trợ thì hầu như không thấy đâu. (Giám đốc doanh nghiệp, nữ, 30 tuổi, Lâm Hà).

Bên cạnh đó, một số nông hộ thì khẳng định con tằm rất nhạy cảm nên nếu lá dâu con tằm ăn không đạt tiêu chuẩn thì con tằm sẽ bị chết. Tuy nhiên qua điền dã thực địa, chúng tôi nhận thấy mùi thuốc trừ sâu trong không khí gần các vườn dâu, gần khu vực các gia đình sinh sống nên đây là vấn đề cần phải xem xét cẩn trọng khi tổ chức các tour du lịch. Còn tại khu vực thác Voi, từ lâu đã hấp dẫn số lượng lớn khách du lịch đến tham quan. Tuy nhiên giữ được thác nước sạch để phục vụ cho du khách cũng là vấn đề đại diện doanh nghiệp lo lắng và cảm thấy phần nào bất lực để giải quyết tận gốc vấn đề:


Về nguồn rác tại Thác Voi, một ngày 20-30 bao rác (heo, gà,...) phải dọn sạch nếu không thì khách không chịu nổi và họ sẽ không đến nữa. Rác từ đầu nguồn chảy về nên không biết làm thế nào.... Cung đường Tà Nung về quá nhiều rác, Sở nên chú ý vấn đề vệ sinh môi trường, nghiêm cấm rác. (Giám đốc doanh nghiệp, nữ, 65 tuổi, Lâm Hà).

Nội dung cuộc phỏng vấn đã cho thấy thiếu sự kết nối giữa các cơ quan ban ngành (du lịch, môi trường, nông nghiệp,...) từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, thị trấn để giải quyết vấn đề môi trường bị ô nhiễm. Thêm nữa, sự không hòa hợp với các điểm kinh doanh có vị trí gần nhau trong cộng đồng cũng là một yếu tố được người trả lời đề cập. Đại diện doanh nghiệp khẳng định:

Trong thâm tâm em muốn làm thương hiệu cho một điểm đến, hợp tác cùng nhau vì khách vào đông, muốn liên kết làm thương hiệu cho điểm đến, ba nhà thuê sân hợp tác cùng đón khách nhưng có vấn đề là nếu bắt tay nhà nuôi dế kia lại nghĩ là cạnh tranh nên không muốn hợp tác. Lâu dài phải bắt tay nhau. (Giám đốc doanh nghiệp, nam, 26 tuổi, Lâm Hà).

Qua quan sát, trên thực tế có ba hộ làm du lịch có vị trí rất gần nhau. Điều đặc biệt thú vị ở đây là cả ba hộ có những đặc trưng riêng (trại dế, trại động vật và nấu rượu, cà phê chồn) nên lượng khách ra vào tấp nập, và các nông hộ không thu vé tham quan mà chỉ dựa vào sự tự nguyện của khách và bán hàng (rượu, cà phê, dế,...). Tuy nhiên, qua quan sát, tác giả nhận thấy các hộ kinh doanh du lịch độc lập nhau, không có sự tương tác, kết nối với nhau, (khách ra vào chỉ một trong ba nông hộ), thậm chí là đối thủ cạnh tranh với nhau. Do đó, nguyện vọng kết nối các hộ tại một khu vực là nguyện vọng rất phù hợp trong bối cảnh này vì các hộ có thể góp phần bổ sung các dịch vụ và sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao chất lượng hình ảnh điểm đến. Điều này có thể được giải quyết khi có sự tham gia của CQĐP chủ động trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức các các nông hộ về những lợi ích do hợp tác du lịch mang lại.

4.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến hợp tác giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững tại huyện Lạc Dương

4.4.1. Các nhân tố thúc đẩy hợp tác các bên liên quan

Tại bối cảnh huyện Lạc Dương, ngoài các mối quan hệ hợp tác như huyện Lâm Hà, hình thức hợp tác ở Lạc Dương còn theo mang lưới với các nhóm cộng đồng làm du lịch. Mối quan hệ này tồn tại bên trong nội bộ nhóm và kết nối bên ngoài nhóm cộng đồng với các chủ thể khác. Các quan hệ bên trong thể hiện sự


tương tác giữa các bên liên quan bên trong nhóm với các thành viên nhóm, còn các quan hệ bên ngoài bao gồm các quan hệ hợp tác giữa nhóm cồng chiêng, CQĐP, người dân, doanh nghiệp và đại diện tổ chức JICA. Kết quả tổng hợp và mã hóa dữ liệu về các nhân tố thúc đẩy HTCBLQ tại Lạc Dương được thể hiện thông qua các nhân tố sau đây:

4.4.1.1. Nhân tố thông tin và giao tiếp

Dữ liệu được phân tích cho thấy thông tin và giao tiếp giữa các bên liên quan thúc đẩy HTCBLQ.

… khi nói chuyện với CQĐP họ không tin người dân có thể làm dịch vụ được. Say này khi đối thoại với Sở, Chính quyền, các bên liên quan, các trường Đại học đi nghiên cứu, các bên liên quan mới biết du lịch cộng đồng là như thế nào, từ đó họ mới có khái niệm cơ sở pháp lý sát hơn về du lịch cộng đồng. (Thành viên JICA, nam, 35 tuổi, Lạc Dương).

Đối với nhóm JICA, các quan hệ tương tác trong nhóm dựa trên các nội dung công việc cần thực hiện. JICA làm việc trên tinh thần nhiều bên tham gia như đại diện CQĐP, cơ quan quản lý du lịch địa phương, người dân, DNDL, chuyên gia,... Hợp tác và tương tác giữa các bên là cơ sở quan trọng để lên ý tưởng và xây dựng nội dung hoạt động hiệu quả. Qua đây có thể thấy các bên liên quan có nghĩa vụ tham gia góp ý, thảo luận trên cơ sở sự bình đẳng giữa các bên và do đó quá trình thông tin và giao tiếp rất thuận lợi thúc đẩy hiệu quả hợp tác:

Đối với nhóm làm việc JICA, thảo luận có sự tranh luận rồi mới thống nhất làm. Hay chuyên gia Nhật Bản thống nhất quan điểm trong cuộc họp. Nhóm mỗi người một lĩnh vực, nhiều ý kiến đưa ra trái chiều, họ sẽ lắng nghe, có một chuyên gia tổng hợp ý kiến đưa ra. Nhóm lớn chia ra nhiều nhóm nhỏ để thống nhất dễ dàng hơn. Tranh luận không gay gắt, cơ sở lý luận dựa vào cơ sở và phương pháp luận. Mỗi người một ý kiến và sau đó chọn ra ý kiến khả thi có khả năng phát triển nhất... Mỗi người sẽ có những điểm mạnh nhiều lĩnh vực khác nhau, bổ sung nhau để hoàn thiện để đưa ra lập luận bảo vệ quan điểm. Nếu quan điểm khác hay hơn nên bổ sung... Liên kết đưa ra sản phẩm, ý tưởng, nội dung mang tính hiệu quả cao. Nếu liên kết thiếu tranh luận cũng khó, thiếu sáng tạo, ỷ nại. (Đại diện Sở VH, TT & DL, nam, 46 tuổi, Đà Lạt).

Còn quan hệ giữa doanh nghiệp tại chỗ và người dân bản địa Cơ ho thì thành viên tương tác với nhau thường xuyên và liên tục tạo nên sức mạnh của nhóm và sự gắn kết các bên liên quan:


Giao tiếp thường xuyên, những lúc không có khách cũng giao tiếp thường xuyên trong nhóm zalo. Hẹn nhau đi cà phê, rất thân thiết. Giao tiếp bằng tiếng Lạch trong nhóm nhưng giao tiếp với khách bằng tiếng Kinh. (Người dân, nữ, 22 tuổi, Lạc Dương).

Đối với quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân địa phương củng cố sự gắn kết giữa họ, và điều này xuất phát từ sự gắn kết cộng đồng, gắn liền với hệ tình cảm văn hóa của người dân tộc bản địa Cơ ho. Giao tiếp thường xuyên trong nhóm hợp tác là cơ hội để các thành viên chia sẻ vui buồn,... và để bền chặt hơn nữa tình cảm giữa các thành viên và cộng đồng. Khác với hình thức giao tiếp trong quan hệ đối tác tại huyện Lâm Hà, hình thức giao tiếp chính là giao tiếp trực tiếp trong các nhóm hợp tác dịch vụ cồng chiêng tại huyện Lạc Dương. Hình thức giao tiếp này giúp các bên làm việc cùng nhau càng có thêm sự gắn kết và chia sẻ thông tin dễ dàng hơn.

Còn giao tiếp giữa đại diện CQĐP và đại diện doanh nghiệp cồng chiêng thì sự phối hợp được đề cập rất thuận lợi và đầy đủ:

10 nhóm tập trung ở 3 tổ dân phố nên triển khai nhanh, điện thoại hoặc trực tiếp trao đổi. (CQĐP, nam, 56 tuổi, Lạc Dương).

Như vậy giao tiếp thúc đẩy chia sẻ thông tin giữa người tham gia, đồng thời cũng là sự phối hợp trong quản lý kinh doanh du lịch của CQĐP. Và cũng theo đại diện CQĐP, sự tương tác giữa CQĐP và người dân nhìn chung thuận lợi, tuy nhiên vẫn tồn tại khoảng cách trong giao tiếp, đó chính là khoảng cách mà người làm quản lý tự xây dựng cho mình hàng rào ngăn cách trong giao tiếp với người dân địa phương. Mặc dù câu trả lời cho rằng quyền lực không ảnh hưởng đến giao tiếp giữa CQĐP và người dân, nhưng nội hàm của yếu tố quyền lực này có ảnh hưởng chi phối đến quan hệ hợp tác và tạo ra sự thiếu thân thiện trong giao tiếp:

Nói về tiếp xúc CQĐP, cơ quan quyền lực nhà nước, đối với địa phương huyện Lạc Dương chúng tôi, khi tiếp xúc người dân cũng có người rất sợ. Mà sợ không phải vì quyền lực mà là sợ vì nhiều khi không tiếp xúc được với nhau, thân thiện với nhau, phân cách và khoảng cách với nhau. (CQĐP, nam, 56 tuổi, Lạc Dương).

Qua quan sát trong quá trình đi phỏng vấn tiếp xúc với đại diện CQĐP và quan sát quá trình tiếp xúc của đại diện CQĐP với người dân, chúng tôi nhận thấy có nhiều người tham gia trong các cấp quản lý tại địa phương là người Cơ Ho nên họ hỗ trợ rất nhiệt tình cho người dân để nắm bắt các quy định của địa phương về kinh doanh du lịch cũng như các lĩnh vực khác.

Tóm lại, qua phân tích cho thấy thông tin và giao tiếp cởi mở, thuận lợi không chỉ giúp sự phối hợp, hợp tác đạt được hiệu quả hơn mà còn giúp gắn kết mọi thành


viên trong cộng đồng hơn, thúc đẩy sự tương tác, tương trợ lẫn nhau và thúc đẩy đổi mới, sáng kiến du lịch và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch. Như vậy, thông tin và giao tiếp có ảnh hưởng rất quan trọng và là nhân tố then chốt để thúc đẩy quan hệ mạng lưới HTCBLQ.

4.4.1.2. Nhân tố lợi ích

Giống như kết quả đã nghiên cứu tại huyện Lâm Hà, nhân tố lợi ích nhận được sự quan tâm nhiều nhất và là nhân tố then chốt, nhân tố động lực để thúc đẩy các bên tham gia hợp tác. Sự phối hợp về PTDL giữa các đại diện nhóm cồng chiêng và CQĐP thể hiện thông qua thảo luận và xây dựng sự đồng thuận về các vấn đề như mục tiêu chung, lợi ích, sự minh bạch, sự tham gia, sự xung đột sẽ là cơ sở quan trọng cho hợp tác hiệu quả:

Để PTBV, tất cả các bên liên quan du lịch quan trọng cùng ngồi lại thảo luận và xem xét các vấn đề một cách kỹ lưỡng, lợi ích của mỗi bên liên quan có thể được phát hiện rõ ràng và có thể đạt được sự đồng thuận hợp tác mặc dù có lợi ích cạnh tranh. Do đó, thông qua các cuộc thảo luận minh bạch, có sự tham gia và xây dựng các mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, các lợi ích cạnh tranh hoặc xung đột có thể được hài hòa và từ đó thiết lập sự hợp tác giữa các bên liên quan hiệu quả. Còn hiện tại ở góc độ địa phương thì làm chưa tốt điều này. (CQĐP, nam, 56 tuổi, Lạc Dương).

Khi phỏng vấn người dân địa phương về quan hệ hợp tác giữa họ và trưởng nhóm cồng chiêng về những lợi ích đạt được, họ cho rằng:

Du lịch giúp em cải thiện thu nhập, em nhận theo ca biểu diễn, một buổi biểu diễn khách đông được 160 ngàn/1.5 giờ. (Người dân, nữ, 22 tuổi, Lạc Dương).

Đem lại rất nhiều lợi ích vì tính chất công việc của em rất là áp lực, …, thật sự mà nói em đi làm công việc này để vui để xả stress, một phần em rất thích hát và múa mặc dù hát không hay, múa không đẹp nhưng em rất thích. (Người dân, nữ, 22 tuổi, Lạc Dương).

Bên cạnh những lợi ích về vật chất, quan hệ mạng lưới hợp tác cũng mang lại cho người dân địa phương những lợi ích về tinh thần, thể hiện họ rất vui khi tham gia làm việc trong nhóm hợp tác. Đồng thời lợi ích cũng chính là động cơ để người dân địa phương tham gia du lịch, mặc dù thù lao không cao nhưng góp phần gia tăng sinh kế cho cuộc sống của họ. Kết quả phỏng vấn trưởng nhóm cồng chiêng về quan hệ của họ với người dân địa phương tham gia trong nhóm hợp tác thể hiện:


Nói chung, tất nhiên gắn kết mới đùm bọc được lẫn nhau, mình cũng tạo điều kiện cho mọi người để đời sống có thêm thu nhập, có niềm vui, làm gì cũng có thù lao. (Trưởng nhóm cồng chiêng, nam, 48 tuổi, Lạc Dương).

Điều này cho thấy, quan hệ giữa người trưởng nhóm và các thành viên nhóm dựa trên sự tự nguyện, sẵn sàng giúp đỡ nhau. Đặc điểm của người dân bản địa ở đây là sự gắn kết gia đình, dòng họ, cộng đồng, nơi cư trú trên cơ sở tình cảm nên trong cuộc sống họ có sự phụ thuộc lẫn nhau về nguồn lực và sự hỗ trợ, trong lao động và kinh tế. Lợi ích từ hợp tác mang lại thông qua trao đổi hiểu biết, tương tác xã hội. Tuy nhiên để đạt được lợi ích cũng như tạo ra được việc làm cho thành viên nhóm, trưởng nhóm cồng chiêng với tư cách là đại diện doanh nghiệp luôn phải nỗ lực để tìm kiếm, liên hệ với các đối tác để mang lại nguồn thu, đảm bảo lợi ích cho thành viên tốt hơn:

Liên hệ với nhiều DNDL đến thì mang nhiều lợi ích cho anh em. Thì sẽ chia được cho anh em nhiều hơn. Ví dụ 1 tháng được khoảng 500-600K/ 1 em. Cái này chỉ là phụ thêm cuộc sống chứ không phải cuộc sống chính. (Trưởng nhóm cồng chiêng, nam, 35 tuổi, Lạc Dương).

Về sự phối hợp giữa các nhóm cồng chiêng và CQĐP, đại diện một nhóm cồng chiêng cho rằng:

Nhà nước không đánh thuế, nhưng một phần nào đó họ làm rất chặt chẽ hàng tháng họp, quản lý nhà nước, tôn trọng quy định nhà nước, pháp chế, Sở VH, TT & DL cấp giấy phép hoạt động, cấp một năm một lần. (Trưởng nhóm cồng chiêng, nam, 35 tuổi, Lạc Dương).

Với chức năng quản lý, sự phối hợp giữa CQĐP và cơ sở cồng chiêng rất chặt chẽ và thường xuyên. Nhà nước không thu thuế là một sự hỗ trợ và điều kiện thuận lợi cho các nhóm cồng chiêng, đảm bảo được lợi ích và sự chia sẻ đến CĐĐP. Đồng thời, về phía CQĐP đã có những cam kết về chương trình du lịch để giữ được bản sắc văn hóa của người Cơ Ho và cũng là cách CQĐP nỗ lực bảo tồn và phát các giá trị văn hóa bản địa, đồng thời hướng đến PTDLBV.

Kết quả phỏng vấn thành viên JICA đồng thời là trưởng nhóm cồng chiêng về quan hệ hợp tác giữa dự án và CĐĐP:

JICA không mang tính chất áp đặt mà vận động người dân tự nguyện tham gia gắn với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, gắn với lợi ích, chia sẻ lợi ích, những người tham gia được ưu tiên vay vốn cải thiện sinh kế. (Thành viên JICA, nam, 52 tuổi, Lạc Dương ).

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/04/2023