Năng Lực Tham Gia Của Các Bên Liên Quan, Đặc Biệt Là Người Dân Địa Phương


khách, chất lượng dich vụ,... còn những yếu tố khác không được đề cập, chẳng hạn như bảo vệ môi trường cảnh quan, rác thải,... Bản thân các chủ thể của doanh nghiệp khi được hỏi họ đều nhận thức được những nội dung cam kết đầy đủ với CQĐP về hồ sơ thủ tục (an ninh an toàn, môi trường,...), tuy nhiên các cam kết đối với PTDLBV các bên chưa có sự quan tâm. Đối với các quốc gia phát triển, khi hệ thống pháp luật hoàn chỉnh thì những cam kết này được thực hiện theo quy định pháp luật rất chặt chẽ. Trong khi ở các nước đang phát triển, chẳng hạn nước ta, hệ thống pháp luật chưa được hoàn thiện thì yếu tố cam kết vẫn chưa được nhận thức đầy đủ. Các bên liên quan vẫn chưa coi trọng tính hợp pháp của cam kết thỏa thuận, do thiếu sự phổ biến của hình thức cam kết và sự lan tỏa trong nhiều giao dịch thương mại trong xã hội vẫn dựa trên niềm tin nên mang tính rủi ro cao. Theo đó yếu tố cam kết cho PTDLBV giữa các bên chưa được nhận thức đầy đủ.

Như vậy, để có thể duy trì hợp tác thì sự cam kết giữa các bên liên quan là cần thiết. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu đã cho thấy nhân tố cam kết không phải là nhân tố chính, nhân tố then chốt để thúc đẩy hợp tác và cam kết hợp tác trong PTDLNT theo hướng bền vững vẫn chưa được nhận thức thấu đáo tại huyện Lâm Hà. Và vì nếu không có cam kết, thỏa thuận hợp tác thì nhiều quan hệ hợp tác vẫn có thể diễn ra.

4.3.1.5. Nhân tố sự phụ thuộc lẫn nhau

Kết quả phỏng vấn chỉ ra phần nhiều các doanh nghiệp trả lời sự phụ thuộc không cao giữa các doanh nghiệp ở nông thôn với các nông hộ và với DNDL khác bởi họ thiếu sự ràng buộc, cam kết chặt chẽ và thực tế quan hệ hợp tác chỉ diễn ra khi cùng có lợi:

Phụ thuộc hai bên cùng phát triển. Ví dụ bên em có khách bên kia có thu nhập thêm. Vì có ít công ty nên có tính ràng buộc giữa các công ty. Hợp tác hai bên cùng có lợi cùng phát triển, không phải phụ thuộc tất cả mà có khi là hỗ trợ. (Giám đốc doanh nghiệp, nam, 35 tuổi, Lâm Hà).

Sự phụ thuộc ở đây thể hiện các bên làm việc cùng nhau, cùng hợp tác kinh doanh vì lợi ích đôi bên, sự trao đổi thông tin, sáng kiến du lịch. Bởi nếu họ làm việc một mình những kết quả này sẽ không thể đạt được. Điều này lý giải các bên cần làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu. Ngược lại, nhiều bên liên quan cho rằng phụ thuộc là một sự bất lợi trong hợp tác kinh doanh du lịch. Điều này chỉ ra rằng, hợp tác với mục tiêu lợi nhuận nên các cơ sở luôn chủ động tìm kiếm các đối tác mới để thay thế:


Có nhưng không gắt gao, vì vẫn có sự thay thế. (Giám đốc doanh nghiệp, nam, 26 tuổi, Lâm Hà).

Phụ thuộc chắc không. Hai bên chẳng có gì phụ thuộc và ràng buộc nhau, mình làm vì lợi ích của nhau mà đi tới lợi nhuận cho cả hai bên. (Chủ nhà hàng, nam, 44 tuổi, Lâm Hà).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 206 trang tài liệu này.

Như vậy, dữ liệu từ những cuộc phỏng vấn trên cho thấy nhân tố sự phụ thuộc lẫn nhau có ảnh hưởng rất ít đến quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp tại huyện Lâm Hà và điều này cho thấy sự phụ thuộc nhau cho PTDLBV là rất khó đạt được.

4.3.2. Các nhân tố cản trở hợp tác giữa các bên liên quan

Quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững: Nghiên cứu trường hợp tỉnh Lâm Đồng - 13

4.3.2.1. Năng lực tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là người dân địa phương

Kết quả phỏng vấn CQĐP tại Lâm Hà đã cho thấy sự phối hợp với CĐĐP khá khó khăn vì nhận thức của nhiều nông hộ, doanh nghiệp tại chỗ làm du lịch chưa đầy đủ, chưa nhận thức được những lợi ích về lâu về dài mà mới chỉ quan tâm đến những lợi ích trước mắt:

Nhận thức của họ còn ỷ lại trông chờ, thủ tục hồ sơ hỗ trợ cho hết. Trình độ qua đào tạo du lịch chưa có, tài liệu để họ nghiên cứu mô hình du lịch chưa có, thêm nữa chuyên môn nghiệp vụ của nhân sự các cơ sở này như hướng dẫn viên du lịch chưa có. (CQĐP, nữ, 40 tuổi, Lâm Hà).

Nhận thức bà con nhân dân sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch mang tính chất tự phát, nghĩ rất đơn giản, chỉ nghĩ lợi ích trước mắt còn suy nghĩ lâu dài hạn chế, khó đồng thuận…. Có người có điều kiện đứng lên thành lập trung tâm kết nối (hợp tác xã), nhân lực làm thời gian đầu rất tốt nhưng lâu dài chưa phù hợp. (CQĐP, nam, 56 tuổi, Lâm Hà).

Kết quả phỏng vấn trên cho thấy nông hộ và một số doanh nghiệp ở nông thôn thiếu nhiều yếu tố để có thể PTDLBV bởi xuất phát từ tư duy ngắn hạn, chưa nhìn thấy đầy đủ lợi ích lâu dài có thể mang lại từ PTDL. Người dân còn thiếu nhiều điều kiện cần thiết để triển khai mô hình du lịch tại địa phương như kỹ năng và nghiệp vụ, kiến thức du lịch. Đặc biệt, nhiều nông hộ chưa tìm ra được mô hình du lịch phù hợp cho sự PTBV trong bối cảnh vùng nông thôn. Khi phỏng vấn đại diện một số DNDL ở nông thôn cũng phản ánh được những khó khăn để tham gia hợp tác:

Chúng tôi hiện đang kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ vẫn mang tính chất tự phát và chưa có chuyên môn và kinh nghiệm nhiều trong lĩnh vực đang hoạt động, chúng tôi rất khó khăn trong kết nối đối tác. (Giám đốc khách sạn, nam, 35 tuổi, Lâm Hà).


Đó là khó khăn về quảng bá, liên kết các điểm trên tuyến du lịch. (Giám đốc doanh nghiệp, nữ, 65 tuổi, Lâm Hà).

Nhìn chung, kết quả phỏng vấn cho thấy khó khăn nhất đối với nông hộ, doanh nghiệp để liên kết hợp tác là tư duy làm du lịch và thiếu kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ, về quảng bá du lịch. Qua đó cho thấy các nông hộ, doanh nghiệp nhưng chưa có sự chuẩn bị kỹ hoặc chưa có điều kiện tiếp cận các nguồn lực để đáp ứng được nhu cầu kinh doanh hiện tại.

Bên cạnh các khó khăn trên, khó khăn nữa là bị đối tác ép giá. Chẳng hạn như chủ một nhà hàng trên tuyến Đà Lạt đến Nam Ban cho rằng khó khăn của họ khi làm việc với đối tác là luôn bị ép giá. Khi tìm hiểu sâu hơn, tác giả được biết đối tác ở đây hướng dẫn viên là chủ yếu, được DNDL giao kết nối các dịch vụ để thực hiện các chương trình du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi, họ luôn thương lượng để ép giá các dịch vụ xuống mức rất thấp, khiến nhà hàng phải giảm lượng hàng hóa xuống mức tối thiểu. Khi sử dụng khách phàn nàn về chất lượng, số lượng. Chính vì thế làm mất uy tín, hình ảnh của nhà hàng. Và đây là nguyên nhân mà nhà hàng này không muốn hợp tác với đối tác khi bị ép giá. Do đó, đây cũng là khó khăn đáng kể của điểm đến vùng nông thôn, bởi khả năng chủ động kết nối đối tác của họ vẫn chưa có, họ vẫn phải phụ thuộc vào các đối tác tìm đến.

Còn đối với CQĐP, đa số những người được phỏng vấn đề cho rằng năng lực của một số cán bộ cũng không đáp ứng được đầy đủ vai trò dẫn dắt, quản lý đối với sự PTDLNT theo hướng bền vững khi người dân cần sự định hướng kinh doanh du lịch, một lĩnh vực khá mới mẻ đối với họ:

Về CQĐP hiện nay cũng có một số cán bộ chưa đáp ứng được làm đầu tàu gắn kết... CQĐP phải đứng ra làm trung gian liên kết. Thực ra giữa doanh nghiệp và người dân chưa có lòng tin với nhau (2 chiều) phải có CQĐP đứng ra, phải có trách nhiệm, phải có tâm huyết. Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo mối liên kết.(CQĐP, nam, 56 tuổi, Lâm Hà).

Điều này chỉ ra có những hạn chế nhất định về vai trò đầu tàu kết nối các bên liên quan để tạo thành mạng lưới du lịch, mang lại các cơ hội tham gia hoạt động du lịch cho các bên, và cũng là nguyên nhân dẫn tới hạn chế hợp tác thúc đẩy PTDLNT theo hướng bền vững. Đối với nông hộ thì thiếu kiến thức, kỹ năng, nguồn vốn, thiếu hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều trong số các nông hộ kinh doanh du lịch ở địa phương vẫn đang lúng túng chưa tìm ra được hướng đi cho cơ sở mình. Với các doanh nghiệp ở nông thôn họ cần hỗ trợ về nguồn vốn, quỹ đất, cơ chế hoạt


động của chuỗi hợp tác, đào tạo kỹ năng du lịch. Về phía CQĐP cũng chưa có hỗ trợ thiết thực cho PTDLNT theo hướng bền vững. Như vậy có thể thấy vai trò ―dẫn dắt‖ của CQĐP vẫn còn rất mờ nhạt trong PTDL tại vùng nông thôn.

Kết quả quan sát kết hợp phỏng vấn các doanh nghiệp ở nông thôn tổ chức hoạt động đón khách du lịch có kết quả khá bất ngờ và thú vị. Các doanh nghiệp, nông hộ đón khách tham quan tại khu vực thị trấn Nam Ban có nguồn khách rất ổn định quanh năm, và các doanh nghiệp, nông hộ này đã rất thành công trong kết nối với các DNDL và hướng dẫn viên và các doanh nghiệp, nông hộ này không cần đến các cam kết thỏa thuận hợp tác kinh doanh. Một phần vì những doanh nghiệp, nông hộ này có sản phẩm gắn với sản xuất nông nghiệp độc đáo, gắn với tài nguyên vùng nông thôn mà cả DNDL và khách du lịch khó có thể bỏ qua. Chẳng hạn như doanh nghiệp sản xuất lụa tằm tơ Cường Hoàn theo phương pháp truyền thống và doanh nghiệp sản xuất tơ tằm Huy Vạn Hạnh với công nghệ hiện đại hoặc trại dế Thiện An, cơ sở nuôi chồn Bảo An,…

4.3.2.2. Thời gian

PTDLNT có đặc điểm phụ thuộc yếu tố mùa vụ nông nghiệp rất cao nên đây là hạn chế lớn đối với các DNDL, nông hộ khi tổ chức các tour nông nghiệp và giảm cơ hội đón khách của các nhà vườn:

Tại mình du lịch canh nông phụ thuộc vụ mùa vụ, khi mình sắp xếp được thời gian theo vụ, mùa vụ bên mình báo cho công ty nhưng bên công ty không sắp xếp được với khách nên không chủ động được thời gian. (Giám đốc doanh nghiệp, nữ, 30 tuổi, Lâm Hà).

Em nghĩ sắp xếp thời gian với các hộ dân, họ rảnh mới đón được, họ bận làm họ không đón được. Thường mình phải hẹn lịch chủ động liên lạc lên lịch. (Nhà nghiên cứu, nữ, 30 tuổi, Đà Lạt).

Người đại diện làng nghề trồng dâu nuôi tằm tại thị trấn Nam Ban cho rằng sự phối hợp giữa người dân với CQĐP về tổ chức hoạt động tham quan du lịch tại địa phương là họ luôn bị động về thời gian do phải đón các đoàn khách đến tham quan làng nghề, phải bỏ công bỏ việc gia đình, tự bỏ chi phí đi lại để hướng dẫn khách tham quan, nghĩa là lợi ích không có, nhưng vẫn phải hoàn thành công việc được CQĐP giao. Điều đó cho thấy, CQĐP và các nông hộ tham gia vẫn chưa có cơ chế hoạt động của làng nghề, và chưa có nguồn quỹ để hoạt động:


Theo sự chỉ đạo của UBND thị trấn, bị động về thời gian, chi phí đi lại không có (tự bỏ công, tự hi sinh) để phục vụ. (Người dân, nam, 53 tuổi, Lâm Hà).

Khi phỏng vấn đại diện CQĐP huyện Lâm Hà, tác giả cũng nhận được câu trả lời tương tự. Điều này giải thích tại sao sự quan tâm của CQĐP đối với sự PTDLNT theo hướng bền vững tại địa phương chưa kịp thời, bao quát và sâu sát, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả HTCBLQ:

Về nhân sự thiếu quá nhiều từ huyện cho đến cơ sở, tất cả đều kiêm nhiệm, dưới xã chỉ có một cán bộ văn hóa kiêm hết luôn tất cả các hoạt động, huyện thì mình tôi phải phụ trách 7-8 lĩnh vực. (CQĐP, nữ, 40 tuổi, Lâm Hà).

Tóm lại, đối với các nông hộ, để duy trì quan hệ hợp tác thì yếu tố mùa vụ là rào cản kết nối giữa họ và doanh nghiệp, đồng thời với CQĐP thì thiếu nhân sự quản lý du lịch, sự quá tải công việc là yếu tố hạn chế kết nối với doanh nghiệp và nhà vườn.

4.3.2.3. Thông tin và giao tiếp

Nhân tố thông tin và giao tiếp vừa thúc đẩy, vừa cản trở HTCBLQ. Về quan hệ đối tác giữa đại diện một số doanh nghiệp có liên quan đến du lịch và các DNDL cũng cho thấy những điểm cần khắc phục đối với quá trình giao tiếp như giao tiếp gián tiếp (điện thoại, email,...), hạn chế về năng lực, ngôn ngữ và giao tiếp:

Đối tác không ở đây, có khi ở nơi khác chẳng hạn Sài Gòn, Đà Lạt hoặc nước ngoài nên các giao dịch làm việc qua email. Đây cũng là khó khăn nhất định. (Giám đốc doanh nghiệp, nam, 44 tuổi, Lâm Hà).

Sự phối hợp giữa CQĐP và người dân tại làng nghề du lịch tại huyện Lâm Hà vẫn còn lỏng lẻo. CQĐP chưa khẳng định được vai trò chủ đạo trong PTDL làng nghề dệt thổ cẩm của Đạ Đờn. Để PTDL làng nghề bền vững, người dân cần sự hỗ trợ của CQĐP về ngân sách, về đào tạo kỹ năng giao tiếp cho người dân cho làng nghề, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. PTDL làng nghề tại xã Đạ Đờn kết hợp với du lịch mạo hiểm trên sông Đạ Đờn, các nông hộ vườn trà xã Phúc Thọ sẽ tạo thành tam giác điểm đến có sức hấp dẫn cho huyện Lâm Hà.

… như làng nghề du lịch của Đạ Đờn, Nhà nước phải đứng ra khởi xướng, họ là đồng bào dân tộc thiểu số có khó khăn về mọi mặt luôn, ví dụ đầu ra sản phẩm, con người họ có rồi, cơ sở vật chất như vậy họ có rồi, ngành nghề truyền thống họ giữ như vậy rất là tốt luôn, nhưng khó khăn về ngôn ngữ, về giao tiếp, về trình độ,… (CQĐP, nữ, 40 tuổi, Lâm Hà).


Hơn nữa, đối với các làng nghề trồng dâu nuôi tằm, theo đại diện Hội nông dân tại thị trấn Nam Ban, những hạn chế trong công khai minh bạch thông tin các hoạt động của làng nghề trồng dâu nuôi tằm để thu hút các nông hộ tham gia xây dựng chuỗi cung ứng nông nghiệp, du lịch. Điều này cho thấy làng nghề thiếu cơ chế cho hợp tác và vì vậy thông tin không chính thức đến với nhiều nông hộ. Ngoài ra khi tham gia chuỗi cung ứng mọi thành viên cũng đều hy vọng được tham gia bình đẳng để đóng góp ý kiến vì sự phát triển của chuỗi:

Dưới cơ sở chúng tôi rất khó khăn trong vấn đề này về việc công khai minh bạch quan trọng nhất, mới thu hút bà con vào với tổ chức của mình, phải bình đẳng. (Chủ tịch hội nông dân, nam, 44 tuổi, Lâm Hà).

Đối với nhà nghiên cứu du lịch thì đề xuất

Có một hệ thống chia sẻ thông tin phù hợp hiệu quả dễ dàng tiếp cận đối với mọi đối tượng để tham gia hợp tác. (Nhà nghiên cứu, nữ, 43 tuổi, Đà Lạt).

Như vậy, phần lớn các câu trả lời về hạn chế của thông tin và giao tiếp đều liên quan đến các nông hộ. Nguyên nhân cũng bởi năng lực tham gia của họ (nhận thức, nguồn lực, kỹ năng,...), và các quan hệ hợp tác tại địa phương vẫn còn rất hạn chế. Người dân vẫn chưa chủ động được để xây dựng các quan hệ hợp tác trong nông nghiệp và du lịch. Chính vì thế nên các quan hệ bị giới hạn và các nguồn lực không được tập trung thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và du lịch. Do đó, thông tin và giao tiếp cũng là rào cản hạn chế rất nhiều đến quan hệ HTCBLQ.

4.3.2.4. Về quản lý và cơ chế chính sách

Các nội dung được phân tích ở trên cho thấy vai trò của CQĐP, đại diện Phòng Văn hóa huyện, trong các cuộc phỏng vấn tiếp theo cũng cho thấy thêm các khó khăn về sự phối hợp giữa cơ quan quản lý du lịch và các DNDL khi đi kiểm tra hoạt động các nông hộ, doanh nghiệp ở nông thôn là công tác nhân sự:

Nhân sự trong khâu đi kiểm tra hướng dẫn vô cùng khó khăn. Khi nào doanh nghiệp đề xuất mới đi được, còn lại mình cũng không có đi rà soát… bây giờ nhân sự không có thời gian. (CQĐP, nữ, 40 tuổi, Lâm Hà).

Qua phỏng vấn với đại diện CQĐP kết hợp xâu chuỗi quan sát bối cảnh mà người trả lời trao đổi thì tác giả hiểu nhóm từ ―nhân sự không có thời gian‖ có nghĩa là họ phải kiêm nhiệm rất nhiều việc nên bản thân họ cũng không thể chủ động đi kiểm tra rà soát các hoạt động du lịch đầy đủ được. Và như vậy, sự phối hợp giữa CQĐP và nông hộ, doanh nghiệp ở nông thôn trong kiểm tra, giám sát không được sát sao, kịp


thời. PTDLNT thiếu kế hoạch và kiểm soát không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự PTDLBV. Đối với vấn đề kinh phí, các nông hộ cũng chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ CQĐP cho sản xuất và quảng bá sản phẩm nông nghiệp và du lịch của họ:

Kinh phí là khó khăn nhất, ngoài kinh phí của hộ kinh doanh có sẵn cần sự động viên của nhà nước, chưa có sự hỗ trợ nào. Về nông thôn mới có lẽ sẽ có sự hỗ trợ…. Để thay đổi tốt hơn, thực ra kinh phí là đầu tiên để trong khâu tuyên truyền móc nối. Ví dụ, các doanh nghiệp họ cần quảng bá các sản phẩm du lịch của họ, họ phải tự mình, cần phải có khâu kết nối. Nói chung về mặt tuyên truyền, quảng bá cần có thêm sự hỗ trợ của Nhà nước nó mới quảng bá được rộng rãi cả nước, chứ còn họ cứ tự manh nha như vậy sẽ khó khăn... Tuy nhiên, đến nay chưa phát triển đồng đều nhận thức, chưa có nhiều, chưa coi trọng PTDL…. Hệ thống giao thông, đường sá chưa có sự đầu tư. (CQĐP, nữ, 40 tuổi, Lâm Hà).

Năng lực và nguồn lực hạn chế bao gồm thiếu kiến thức và kỹ năng đầy đủ về quản lý du lịch và phát triển, ngân sách và nguồn nhân lực của CQĐP, là những trở ngại đáng kể đối với sự PTDLBV của huyện Lâm Hả. Bản thân đại diện cơ quan quản lý du lịch tại huyện Lâm Hà cũng nhận thấy những vấn đề hạn chế trong công tác quản lý PTDLNT theo hướng bền vững. Chẳng hạn như Nhà nước chưa có một sự hỗ trợ nào cho CĐĐP quảng bá du lịch và vì vậy công tác này còn rất đơn lẻ. Xét về tổng thể chưa tạo ra được bức tranh toàn cảnh về điểm đến du lịch tại địa phương nhằm tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Nguyên nhân do CQĐP thiếu hỗ trợ về du lịch (kinh phí đối với các nông hộ, kiến thức làm du lịch), chính vì thế làm hạn chế khả năng kết nối đối tác của các nông hộ, doanh nghiệp ở nông thôn trong một mạng lưới du lịch địa phương. Đại diện CQĐP cũng bổ sung thêm những hạn chế về chính sách PTDL của địa phương mà ở đây liên quan đến chính sách của Nhà nước như thiếu sự hỗ trợ các điều kiện cần thiết để có thể PTDLNT và nông nghiệp tại địa phương:

Trong khi Nhà nước chưa có sự hỗ trợ, đúng ra là nhà nước phải hỗ trợ phần nào thì mình mới tổ chức cho họ khai thác hai lĩnh vực được chưa nhà nước bây giờ vẫn đang vận động, vận động không (vốn cũng không hỗ trợ), vay vốn ưu đãi để đầu tư đường giao thông tới, khu nhà, điện nước, bãi đậu xe. Ít nhất phải hỗ trợ được một phần nào đấy từ ngân sách nhà nước. (CQĐP, nữ, 40 tuổi, Lâm Hà).

Theo tôi nghĩ nếu có sự hợp tác hiệu quả về lâu dài thì bản thân CQĐP sở tại sẽ phải có cái nhìn khách quan, và thực tế hơn về những tiềm năng mà tại địa phương trước giờ chưa có sự quan tâm cần thiết từ đó trong hợp tác sẽ thuận lợi hơn về chính sách phát triển với sự giúp đỡ của CQĐP. (Giám đốc khách sạn, nam, 35 tuổi, Lâm Hà).


Kết quả phỏng vấn này đã chỉ ra cho đến nay, mặc dù nhiều nông hộ đã chủ động đón khách du lịch trên cơ sở sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn nhiều nông hộ kinh doanh du lịch mang tính tự phát, quy mô còn nhỏ, họ cần sự quan tâm hơn nữa của CQĐP về chính sách để định hướng và thúc đẩy các hoạt động du lịch trong một quỹ đạo chung. Cần có kế hoạch PTDLNT theo hướng bền vững và cần được tích hợp trong chương trình nông thôn mới của địa phương và phát triển sản phẩm OCOP để thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

4.3.2.5. Về khả năng tiếp cận

Đặc điểm của DLNT là ở các vùng nông thôn nên khoảng cách di chuyển, tiếp cận điểm đến rất khó khăn. Chính điều này đã tạo ra sức hút rời rạc của điểm đến và những bất lợi cho hợp tác giữa các bên liên quan:

Rào cản đầu tiên là sự bị cô lập về sản phẩm dịch vụ. Những địa điểm tạo ra sức hút rời rạc nhau, khoảng cách xa nhau, tạo sự di chuyển mất thời gian. Thêm nữa là cơ sở hạ tầng không được hỗ trợ, đường xấu, đoạn đường kết nối chưa được đầu tư để khai thác hiệu quả. Chính vì thể nên nhiều điểm có tài nguyên du lịch rất hấp dẫn nhưng để hợp tác kinh doanh doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ (Giám đốc doanh nghiệp, nam, 33 tuổi, Đà Lạt).

Hơn nữa, qua trong quá trình đi khảo sát thực địa, quan sát trực tiếp và điền dã tại huyện Lâm Hà, các điểm du lịch có khoảng cách khá xa nhau (chẳng hạn từ làng nghề dâu tằm tơ thị trấn Nam Ban đến đồi trà Long Đỉnh, làng dệt thổ cẩm xã Đạ Đờn đã tạo nên sự rời rạc trong thu hút du khách, mặc dù tại các điểm đó rất có giá trị, ý nghĩa cho khách tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, nhiều đoạn đường quá xấu, di chuyển chậm, nhiều nông hộ đường vào hẹp, dài khoảng 1km nhưng chỉ xe máy, xe ô tô từ 4 đến 16 chỗ vào được. Các đoàn khách có số lượng lớn khi đến tham quan thì phải đi bộ khá xa, do nông hộ chưa có phương tiện nhỏ để đón khách từ đường lộ. Tổng hợp những yếu tố vừa là những hạn chế ảnh hưởng đến HTCBLQ trong kinh doanh, đồng thời cũng là những hạn chế của PTDLNT theo hướng bền vững.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/04/2023