Lý Luận Về Công Tác Xã Hội Nhóm Đối Với Trẻ Em Mồ Côi


trong tình yêu thương của cha mẹ, nên trẻ cần được đáp ứng nhu cầu thừa nhận, tôn trọng từ mọi người xung quanh. Chính điều đó, là động lực giúp các em tin yêu cuộc sống, yêu đời và khẳng định bản thân trong xã hội.

- Nhu cầu được khẳng định bản thân: khẳng định bản thân là một nhu cầu quan trọng mà bất cứ cá nhân nào trong xã hội cần được đáp ứng. Khẳng định bản thân là việc một người được thể hiện khả năng, được ghi nhận, tán thưởng và đánh giá cao những nỗ lực của mình. Với TEMC, do có những nét khác biệt về đặc điểm tâm lí so với trẻ em được sống chung với cha mẹ, nên các em cần được đáp ứng nhu cầu khẳng định bản thân trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.

- Nhu cầu hỗ trợ tâm lý – xã hội: TEMC là đối tượng thiếu thốn tình cảm, cũng như sự yêu thương, chăm sóc của cha mẹ, gia đình. Vì vậy, NVCTXH cần tiếp cận và phát hiện sớm các vấn đề tâm lý; tư vấn, tham vấn cho trẻ cũng như giới thiệu và kết nối trẻ tới các cơ sở hỗ trợ tâm lý xã hội chuyên sâu.

- Nhu cầu hướng nghiệp: hướng nghiệp là một nhu cầu thực tế và cần thiết đối với mỗi chúng ta. Đặc biệt là TEMC, đối tượng không có điểm tựa khi trưởng thành. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ, hướng nghiệp cho trẻ ngay từ khi các em đang học phổ thông. Song song với quá trình hướng nghiệp, cần có sự kết nối, hỗ trợ giúp trẻ có cơ hội tiếp cận việc làm sớm nếu trẻ có nhu cầu và phù hợp với độ tuổi, sở thích của trẻ. Nhất là TEMC khuyết tật, các em càng cần được tạo điều kiện tham gia vào các khóa, lớp dạy nghề, phù hợp với sở thích, dạng tật, cũng như khả năng của mình, thay vì chỉ chú tâm tới việc dạy kiến thức ở trường học.

- Nhu cầu về định hướng hành vi: TEMC là đối tượng trẻ có những thiếu hụt trong quá trình giao tiếp, học hỏi những hành vi mới, do các em không có sự giáo dục, chăm sóc và định hướng hành vi từ gia đình – môi trường giáo dục đầu đời. Khi sống tại các cơ sở chăm sóc trẻ em, với số lượng khoảng hơn 10 trẻ trong một gia đình/một phòng, đã làm cản trở quá trình chăm sóc, định hướng các hành vi tích cực của các mẹ dành cho trẻ. Hơn nữa, TEMC có thể học hỏi những hành vi tiêu cực từ các bạn trong trung tâm.

- Nhu cầu gia đình thay thế: có nhiều quan điểm cho rằng, gia đình thay thế chăm sóc tốt cho trẻ và giải quyết một số nguyên nhân cơ bản gây ra stress cho người chăm sóc trẻ. Hơn nữa, việc sống tập trung nhiều TEMC trong một cơ sở cũng không phải là cách làm tốt do có những mặt trái của nó. Việc một trẻ được


37


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.

sống trong gia đình thay thế, được chăm sóc, nuôi dưỡng, tôn trọng như những thành viên khác trong gia đình hơn bao giờ hết là một yếu tố tốt cho sự phát triển, hình thành nhân cách của trẻ. [180; tr.9].

Gia đình thay thế giúp các em sẽ học hỏi và tham gia vào các truyền thống văn hoá gia đình, có hiểu biết về lịch sử của đất nước, biết chia sẻ và học các kỹ năng xã hội quan trọng, từ đó giúp các em tham gia và tương tác với các thành viên khác trong gia đình và xã hội một cách tốt nhất, làm nền tảng cho sự phát triển và hình thành nhân cách tích cực cho trẻ sau này. Ngoài ra, gia đình thay thế giúp tăng sự tương tác giữa trẻ với các anh/chị em trong gia đình và với cha mẹ giúp kích thích phát triển trí não cho trẻ [179], [180, tr.9].

Công tác xã hội nhóm đối với trẻ em mồ côi từ thực tiễn các cơ sở chăm sóc trẻ em tại thành phố Hà Nội - 7

Với những TEMC, nếu được nhận làm con nuôi hoặc được chăm sóc thay thế sẽ làm giảm tải sức nặng cho các cơ sở chăm sóc trẻ em cũng như giúp cho hệ thống an sinh xã hội của đất nước được giảm tải. Không những vậy, khi trẻ sống trong các gia đình thay thế, các em được sống trong sự yêu thương, đùm bọc của bố mẹ, chính điều đó sẽ bù đắp phần nào những khoảng trống về đời sống tình cảm trong lòng trẻ. Cũng trong Luật trẻ em năm 2016 đã quy định rõ: “Trẻ em được chăm sóc thay thế khi không còn cha mẹ; không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em; trẻ em được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi” [84].

Như vậy, việc hiểu và đáp ứng các nhu cầu chuyên biệt cho TEMC là một hoạt động rất cần thiết đối với những người chăm sóc trẻ, nhất là các cơ sở chăm sóc TEMC hiện nay. Vì thực tế, TEMC là đối tượng có nhiều khoảng trống trong đời sống vật chất và tinh thần, các em hơn bao giờ hết cần được đáp ứng các nhu cầu cơ bản và các nhu cầu chuyên biệt, chỉ khi thực hiện được điều đó, trẻ mới lấp đi khoảng trống và vươn lên sống hòa nhập với xã hội, tự lập và phát triển.

2.2. Lý luận về công tác xã hội nhóm đối với trẻ em mồ côi

2.2.1. Mục đích và nguyên tắc công tác xã hội nhóm đối với trẻ em mồ côi

2.2.1.1. Mục đích của công tác xã hội nhóm đối với trẻ em mồ côi

CTXHN là một phương pháp hướng tới trợ giúp cùng một lúc cho nhiều cá nhân có chung nhu cầu, vấn đề, mục đích, ... giúp họ vượt qua khó khăn, thực hiện các nhiệm vụ, khôi phục các chức năng và tăng cường sự ra quyết định tiến tới phát triển. Các mục đích cụ thể của CTXHN hướng tới là:


- Phòng ngừa: mỗi chúng ta đều có thể gặp phải những khó khăn trong cuộc sống mà bản thân không biết trước được, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa trước những rủi ro đó thông qua việc nâng cao các kiến thức về nhiều lĩnh vực cho chính bản thân thông qua các hoạt động nhóm. Trong CTXH nói chung và CTXHN nói riêng, việc tổ chức các hoạt động nhóm nhằm phòng ngừa những vấn đề khó khăn có thể xảy ra với thân chủ được xem là một hoạt động quan trọng. Các hoạt động đó được thực hiện thông qua việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng giúp những các cá nhân, nhất là nhóm TEMC được trang bị và rèn luyện, từ đó có thể tự chăm sóc cho chính bản thân và phòng tránh được các vấn đề phát sinh [73], [94].

- Thay đổi cảm xúc hành vi tiêu cực của các cá nhân, chỉnh sửa những hành vi lệch chuẩn, giúp các cá nhân có thể hòa nhập được tốt hơn: nhiều thành viên đến với nhóm vì họ đang gặp vấn đề trong cuộc sống, họ cảm thấy chán nản, thiếu tự tin. Việc TEMC tham gia vào nhóm với sự quan tâm của các thành viên trong nhóm, được chấp nhận, được chia sẻ và lắng nghe từ các thành viên khác giúp trẻ tự tin hơn vào bản thân và nỗ lực hơn trong giải quyết vấn đề [67], [73], [94].

- Phục hồi: nhiều TEMC phải trải qua những khó khăn, tổn thương, mất mát trong cuộc sống, các em có thể có những lo lắng, đau buồn, khủng hoảng. Khi tham gia nhóm, chính sự chia sẻ, thấu cảm, động viên khích lệ của các thành viên trong nhóm giúp các em nhanh chóng lấy lại tinh thần, vươn lên và phục hồi những vai trò, giá trị, điểm mạnh của bản thân. [67].

- Chỉnh sửa: mỗi cá nhân khi có những hành vi lệch chuẩn, nhất là TEMC rất cần được hỗ trợ nhằm thay đổi những hành vi chưa phù hợp để tìm kiếm và thay thế bằng các hành vi tích cực hơn. Thông qua hoạt động CTXHN giúp TEMC nhận diện được hành vi tiêu cực của bản thân, chủ động học hỏi những hành vi tích cực từ những thành viên khác trong nhóm.

- Hoạt động xã hội: nhiều cá nhân, nhất là TEMC có những hạn chế nhất định trong các hoạt động, nhất là các hoạt động mang tính chất xã hội, cần sự hòa đồng, chia sẻ. Thông qua hoạt động CTXHN, TEMC được lôi cuốn vào các hoạt động, được chia sẻ, trải nghiệm và thể hiện bản thân. Cũng thông qua các hoạt động CTXHN, cá nhân trẻ được tương tác, lắng nghe và học hỏi từ các thành viên khác và nhận ra được ý nghĩa của việc tham gia vào nhóm.


Như vậy, mục đích của CTXHN đối với TEMC hướng tới các khía cạnh phòng ngừa, trang bị các kiến thức cho TEMC, giúp trẻ tự bảo vệ bản thân cũng như giải quyết các khó khăn. Bên cạnh đó, với những nhóm TEMC có khó khăn chung mà không tự giải quyết được, NVCTXH hỗ trợ nhằm giúp các thành viên phục hồi các chức năng và tiến tới phát triển.

2.2.1.2. Các nguyên tắc của công tác xã hội nhóm đối với trẻ em mồ côi

Trong quá trình trợ giúp TEMC thông qua phương pháp CTXHN, nhằm đảm bảo những quyền lợi và sự an toàn cho trẻ, đòi hỏi NVCTXH cần tuân thủ các nguyên tắc đạo đức trong CTXH như:

1) Chấp nhận thân chủ: TEMC là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi cũng như thiếu sự giáo dục của gia đình. Vì vậy, đa số trẻ có những hạn chế về hành vi, giao tiếp.... Chính vì lẽ đó, NVCTXH cần chấp nhận trẻ, chấp nhận cả những điểm tốt và điểm hạn chế, đặc điểm tâm lý, tính cách đặc trưng của TEMC. Chấp nhận ở đây không có nghĩa là đồng tình với những hành vi, suy nghĩ sai lệch của các trẻ.

Trong hoạt động CTXHN với TEMC đòi hỏi NVCTXH cần tổ chức các hoạt động và khai thác hồ sơ của các thành viên trong nhóm. Thông qua quá trình khai thác hồ sơ đó, NVCTXH hiểu được phần nào những cá tính, quan điểm, hạn chế của từng trẻ. Nhưng không vì thế mà NVCTXH có thái độ phê phán, lên án trẻ, ngược lại NVCTXH cần thể hiện thái độ chấp nhận trẻ. Khi NVCTXH thể hiện tốt được điều đó, đồng nghĩa với việc trẻ cảm nhận được sự chia sẻ, thấu cảm và sẵn sàng, chủ động tham gia quá trình tương tác nhóm và có động lực giải quyết tốt nhiệm vụ được giao.

2) Nguyên tắc tôn trọng quyền tự quyết của TEMC: ai trong chúng ta cũng có quyền được sống theo cách riêng của mình, quyền được tôn trọng và bảo vệ. TEMC tại các cơ sở chăm sóc trẻ em, hơn bao giờ hết các em cần được tôn trọng, lắng nghe. Chính sự tôn trọng, lắng nghe đó giúp các em cảm nhận được mình là người có giá trị như những trẻ em bình thường khác, từ đó giúp các em tự tin hơn trong các quyết định của bản thân. Tuy nhiên, trong những trường hợp TEMC chưa đủ nhận thức thì việc ra các quyết định cần tới sự hỗ trợ của người giám hộ hoặc của NVCTXH.

3) Nguyên tắc cá biệt hóa: mỗi TEMC được ví như một thế giới thu nhỏ vì ở đó các em có những vấn đề khó khăn khác nhau cũng như nhu cầu riêng biệt. Vì vậy, NVCTXH làm việc tại các cơ sở chăm sóc trẻ em cần nắm bắt được điều đó để không đánh đồng giữa các trẻ với nhau trong quá trình can thiệp, hỗ trợ [73], [94].


4) Nguyên tắc trẻ cùng tham gia giải quyết vấn đề: CTXHN với TEMC hướng tới trợ giúp trẻ giải quyết vấn đề của chính mình, nhưng không có nghĩa là NVCTXH “làm thay, làm hộ”, mà NVCTXH cần khuyến khích trẻ tham gia khám phá vấn đề của bản thân, tự định hướng trong việc giải quyết vấn đề của mình.

Hiện nay tại các cơ sở chăm sóc TEMC, mặc dù trẻ được đội ngũ NVCTXH chăm sóc tốt và có những hỗ trợ kịp thời khi các em gặp khó khăn trong cuộc sống, tuy nhiên cũng có những tình huống, vấn đề buộc trẻ phải tự giải quyết, NVCTXH không thể làm thay cho trẻ được. Khi NVCTXH thực hiện tốt nguyên tắc này, sẽ giúp trẻ chủ động, sáng tạo và quyết đoán hơn trong các tình huống. Ngược lại, nếu NVCTXH “làm thay, làm hộ” sẽ khiến trẻ thụ động, ỷ lại thiếu sự sáng tạo.

5) Nguyên tắc giữ bí mật: trong CTXHN với TEMC để hiểu được các vấn đề của trẻ từ đó làm căn cứ đưa ra các hoạt động trợ giúp, đòi hỏi NVCTXH cần thu thập các thông tin liên quan tới quá khứ và hiện tại của trẻ. Các thông tin đó cần phải được bảo mật, trừ trường hợp được sự đồng ý của trẻ hoặc các hành vi của trẻ có thể gây tổn hại tới bản thân và những người xung quanh, khi đó, NVCTXH có thể chia sẻ thông tin với các cơ quan pháp luật [73], [94].

6) Nguyên tắc xây dựng mối quan hệ nghề nghiệp với thân chủ: trong quá trình can thiệp, trợ giúp cho các nhóm là TEMC, đòi hỏi NVCTXH tạo được lòng tin, mối quan hệ với thân chủ, chỉ khi đó, thân chủ tin tưởng và chia sẻ với NVCTXH. Tuy nhiên, để tránh những hiểu lầm không đáng có, NVCTXH không nên tỏ thái độ quá thân mật cũng như không thể hiện thái độ lạnh lùng, xa cách, mà cần thể hiện thái độ phù hợp trong mối quan hệ nghề nghiệp, tránh khiến trẻ hiểu lầm vào mối quan hệ giữa NVCTXH và trẻ [73], [94].

2.2.2. Một số hoạt động công tác xã hội nhóm đối với trẻ em mồ côi

2.2.2.1. Hoạt động giáo dục kỹ năng sống

* Khái niệm giáo dục kỹ năng sống

Kỹ năng sống được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau như:

Chiều hướng thứ nhất, kỹ năng sống là năng lực của mỗi cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày, quan điểm này được đề cập trong các nghiên cứu [82], [108], [152].

Chiều hướng thứ hai, kỹ năng sống là năng lực tâm lý xã hội, là khả năng ứng phó một cách hiệu quả với những tình huống diễn ra trong đời sống dựa trên


những phẩm chất tâm lý cơ bản của nhân cách và kinh nghiệm của cá nhân, quan điểm này được đề cập trong các nghiên cứu [75], [82], [152].

Một số tác giả khác cũng đưa ra quan điểm về giáo dục kỹ năng sống như:

Tác giả Phạm Thanh Vân (2010) cho rằng: “Giáo dục kỹ năng sống là một quá trình với những hoạt động giáo dục cụ thể nhằm tổ chức, điều khiển để biết cách chuyển dịch kiến thức và thái độ giá trị thành hành động thực tế một cách tích cực và mang tính chất xây dựng” [152].

Tác giả Nguyễn Thị Hương Lan (2016) cho rằng: “Giáo dục kỹ năng sống là những kỹ năng tâm lý xã hội liên quan đến những tri thức, những giá trị và những thái độ, cuối cùng được thể hiện ra bằng những hành vi làm cho cá nhân có thể thích nghi và giải quyết có hiệu quả các yêu cầu và thách thức của cuộc sống” [75].

Như vậy, các khái niệm có sự đồng nhất về một số điểm sau:

- Giáo dục/phát triển kỹ năng sống giúp các cá nhân, nhóm người học cách thích nghi để đối phó hiệu quả với các thách thức trong cuộc sống hàng ngày;

- Là quá trình cá nhân, nhóm người biết cách vận dụng một cách linh hoạt các kiến thức, kỹ năng vào từng bối cảnh thực tế;

- Giáo dục/phát triển kỹ năng sống giúp cá nhân, nhóm người hình thành các thái độ sống tích cực, tự tin, chủ động trong mọi tình huống và dễ dàng trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội.

Như vậy, giáo dục kỹ năng sống cho TEMC là một quá trình với một chuỗi các hoạt động cụ thể được triển khai, tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm giúp cho TEMC có được các kỹ năng đối phó, giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống.

* Mục đích hoạt động giáo dục kỹ năng sống

Giáo dục kỹ năng sống nhằm giúp các nhóm TEMC tại các cơ sở chăm sóc trẻ em có được các kiến thức, giá trị, thái độ và kỹ năng phù hợp giúp trẻ hoàn thiện bản thân, tự bảo vệ mình cũng như dễ dàng đối phó với các vấn đề phát sinh trong cuộc sống.

* Nội dung hoạt động giáo dục kỹ năng sống

Có nhiều khía cạnh trong hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho các nhóm TEMC như: xác định giá trị bản thân, giao tiếp, ra quyết định, xác định vấn đề...


- Giáo dục kỹ năng sống giúp xác định giá trị bản thân

Giáo dục kỹ năng sống là hoạt động rất cần thiết đối với trẻ em nói chung và TEMC nói riêng, nhất là các trẻ đang được nuôi dưỡng và chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc trẻ em. Thực tế hiện nay việc giúp TEMC được trang bị kỹ năng sống đã trở thành nhiệm vụ quan trọng và không thể thiếu. Bởi lẽ, TEMC là đối tượng bị khuyết thiếu môi trường giáo dục đầu tiên – là gia đình, có những trẻ không xác định được giá trị của bản thân, thậm chí cho rằng mình là người không có giá trị. Chính vì vậy, các em tỏ ra bất cần, chán chường thậm chí buông xuôi phó mặc cho số phận, không tự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Hiện nay số lượng TEMC sống tại các cơ sở chăm sóc trẻ em chủ yếu sống theo mô hình gia đình hoặc phòng, nên việc hỗ trợ, can thiệp cho các nhóm trẻ là rất hợp lí và thuận lợi, đồng nghĩa với việc NVCTXH cần sử dụng phương pháp can thiệp CTXHN với các nhóm TEMC trong việc xác định giá trị bản thân.

- Giáo dục kỹ năng sống giúp trẻ ra quyết định

Ra quyết định là năng lực của con người lựa chọn phương án tối ưu từ các phương án có thể để giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề trong cuộc sống. Hiệu quả phải gắn liền với tính xây dựng, tích cực và phù hợp với bối cảnh” [41].

Giáo dục kỹ năng ra quyết định là quá trình tác động có mục đích, có tổ chức với nội dung, phương pháp, biện pháp phù hợp… của các lực lượng giáo dục đến người được giáo dục nhằm hình thành và phát triển kỹ năng ra quyết định” [41].

Quan điểm trên cho thấy giáo dục kỹ năng ra quyết định là một quá trình, có các nội dung, cách thức thực hiện và mục đích hướng tới hình thành và phát triển được các kỹ năng ra quyết cho cá nhân.

- Giáo dục kỹ năng sống giúp trẻ xác định vấn đề

Vấn đề được hiểu là những sự việc xảy ra làm cho chúng ta cần xem xét, nghiên cứu sắp xếp thứ tự ưu tiên và tìm ra hướng giải quyết. TEMC là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi do không được sống trong mái ấm gia đình nên khi gặp phải những vấn đề trong cuộc sống sẽ khiến các em cảm thấy bơ vơ, mất phương hướng và khó khăn trong việc xác định vấn đề cũng như đưa ra giải pháp để giải quyết.

Để giúp TEMC xác định và giải quyết vấn đề, đòi hỏi sự trợ giúp của NVCTXH. Với những trẻ, nhóm TEMC được NVCTXH hỗ trợ kịp thời, các em sẽ tự tin và xác định vấn đề chính xác, từ đó lên kế hoạch tự giải quyết. Ngược lại, với


những trẻ không tự xác định được vấn đề, sẽ khiến các em mất phương hướng, khó kiểm soát bản thân và luôn sống trong lo âu.

- Giáo dục kỹ năng sống giúp trẻ xác định mục tiêu

Trong cuộc sống mỗi chúng ta ai cũng có những hướng đi, mục tiêu cho riêng mình. Tuy nhiên, việc xác định được mục tiêu sống cho bản thân không phải ai cũng làm được, nhất là TEMC. Bởi các em thường hay sống trong mặc cảm, tự ti, không lạc quan. Chính vì vậy, cần có các hoạt động giáo dục kỹ năng xác định mục tiêu cho TEMC, đây được xem là tiền đề giúp các em chuẩn bị tương lai cho mình.

Các nội dung đó thực hiện thông qua các hình thức giáo dục kỹ năng sống cho TEMC như: giáo dục đại trà; giáo dục cá nhân; giáo dục theo nhóm (nhóm lớn, nhóm nhỏ, nhóm theo nhu cầu, nhóm theo độ tuổi, nhóm theo giới tính...). Hay có những quan điểm cho rằng có hình thức giáo dục kỹ năng sống trực tiếp và giáo dục kỹ năng sống gián tiếp.

* Hình thức giáo dục kỹ năng sống

Hoạt động giáo dục kỹ năng sống có thể được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như:

- Giáo dục kỹ năng sống bằng hình thức truyền thông, sổ tay: với hình thức này, các cơ sở chăm sóc TEMC có thể thực hiện truyền thông thông qua các buổi sinh hoạt chung, thông qua các cuốn sổ tay tại thư viện...

- Giáo dục kỹ năng sống thông qua các câu lạc bộ: khi TEMC tham gia vào các câu lạc bộ đồng nghĩa với việc trẻ là thành viên của câu lạc bộ. Do đó, các em chủ động, sáng tạo, có trách nhiệm với những nhiệm vụ được giao giúp khẳng định giá trị của mình cũng như tăng thêm kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề...

- Giáo dục kỹ năng sống thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế: việc tổ chức cho các nhóm TEMC tham gia vào các buổi trải nghiệm thực tế giúp trẻ có cái nhìn mở, tương tác với mọi người nhiều hơn, thúc đẩy sự tư duy, khám phá cũng như tăng khả năng thích ứng với các điều kiện sống, học tập. Hơn nữa, giúp các em có được các kỹ năng như: quản lý bản thân, lập kế hoạch cho tương lai, ra quyết định...

- Giáo dục kỹ năng sống thông qua nhóm nhỏ (nhóm nhiệm vụ): khi TEMC tham gia vào các nhóm nhỏ với tư cách là một thành viên, trẻ sẽ được rèn luyện thái độ làm việc nhóm nghiêm túc, tăng cường kỹ năng chủ động trong thực hiện các


44

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/10/2022