Ngôn Ngữ Gợi Tả Cảm Xúc, Cảm Giác.

đỗi giản dị nhưng không dễ thực hiện được của con người, đó là trở về với làng quê của mình.

Huệ, Liên (Tối ba mươi) dẫu mang thân phận là những cô gái giang hồ nhưng trong phút giao thừa-khoảnh khắc thiêng liêng của trời đất, đã hướng tâm tưởng của mình về thời thơ ấu, chốn quê hương,làng quê thân quen.

Nhân vật Diên (Trong bóng tối buổi chiều), biết rằng mình sẽ mất người yêu, chàng đã để cho tâm hồn trôi theo dòng kỷ niệm. Ở đấy là làng quê thân yêu rất đỗi mộc mạc, nên thơ mà chàng và Mai đã lớn lên.

Không gian hiện thực trong truyện ngắn Thạch Lam còn được thể hiện ở bình diện : không gian thành thị . Nếu như không gian thành thị trong các tác phẩm của Nguyên Hồng tràn đầy những âm thanh hồn hậu, lạc quan, nhộn nhịp của cuộc đời lao động mồ hôi và nước mắt…còn không gian thành thị trong các tác phẩm của Thạch Lam không ồn ào, rất tĩnh lặng nhưng cũng hết sức ngột ngạt. Nó giống như cuộc đời bất hạnh của những kiếp người gắn bó với nó. Tất cả là nơi con người hoặc đánh mất mình hoặc kéo dài cuộc sống vô nghĩa một cách bế tắc (Trong bóng tối buổi chiều, Tối ba mươi, Một cơn giận, Một cuộc đời,..) Đấy là một nhà máy với những bức tường loang lổ cũ kỹ (Trong bóng tối buổi chiều) đang phôi thai trong nó mầm mống bi kịch. Phía sau nó là cuộc sống nhộn nhạo trái với luân thường đạo lí tiêu biểu cho một xã hội nửa tây nửa ta. Ở đó, Mai tự đánh mất mình, còn Diên thì rơi vào bi kịch : bất lực trước việc mất người yêu.

Hay đó là một căn phòng nhà săm ẩm ướt, tồi tàn, bẩn thỉu (Tối ba mươi), là môi trường buộc Huệ, Liên phải trải qua chuỗi ngày cơ cực đắng cay với số phận của những con người “dưới đáy xã hội’’. Còn nữa đó là “một dãy nhà lụp xụp và thấp lè tè, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn đến cả thềm nhà. Trong cái hang tối tăm và bẩn thỉu ấy, sống một đời sống khốn nạn những người gầy gò, rách rưới như những người trong

một cơn mê” (Một cơn giận). Nó là không gian chứa đựng cuộc đời của anh phu xe (Du) và những người lao động bần hàn… Nó là hiện thân cho những tai họa vô phương cứu chữa của những con người nghèo khổ.

Có ý kiến cho rằng tính chất bó hẹp và trùng lặp của không gian truyện ngắn Thạch Lam phản ánh cái bi kịch của xã hội mòn mỏi, tù túng, chật hẹp, không lối thoát. Điều này cũng đúng một phần. Nhưng có lẽ đó chưa phải là nguyên nhân đích thực. Sự trùng lặp ở một khía cạnh nào đó là sự sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ đều giúp ta khám phá những đặc điểm lí thú về phong cách của họ. Những hiện tượng lặp đi lặp lại trong sáng tạo nghệ thuật của nhà văn là những gợi mở để chúng ta có thể hiểu sâu hơn về một bản sắc nghệ thuật độc đáo. Chúng ta biết rằng Thạch Lam đã sống một thời thơ ấu ở phố huyện Cẩm Giàng, ở xóm chợ của những người dân nghèo. Sau này ông sống ở một căn nhà nhỏ ven Hồ Tây, ít có điều kiện đi lại mà thường chỉ ngồi viết ở nhà. Trước nhà là một khoảng sân con, một cây liễu ngay bên hồ, cạnh một cầu ao thô sơ, rủ lá xuống mặt nước. Trong không gian dịu dàng quyến luyến đó gần gũi với thiên nhiên, ký ức tuổi thơ sống lại và đó cũng là căn nguyên của việc trong các tác phẩm của Thạch Lam thường xuất hiện những kiểu không gian bình lặng, êm đềm của những ngõ huyện đồng quê

Bên cạnh đó, cũng có khi không gian thành thị lại trở thành khát vọng cho những con người nhỏ bé tội nghiệp đang sống mòn mỏi sau lũy tre làng.

Theo triết học Ấn Độ con người có ba trạng thái: tỉnh thức (Jagrat), mơ mộng (Sphapna) và ngủ không mơ (Sushypti). Cuộc sống là sự liên tục từ trạng thái này sáng trạng thái khác và giữa chúng dường như không có biên giới có định. Trạng thái mơ mộng được người Phương Đông xem như một thế giới khác thế giới thực tại, một không gian không gian khác không gian thực tại. Mơ mộng là sự mở rộng không gian, đúng hơn là sự hợp nhất không gian nội tâm và không gian vũ trụ.

Nhân vật Tâm (Cô hàng xóm) đã từng thèm muốn, mơ mộng không gian tỉnh thành qua số phận may mắn của mấy cô bạn lấy chồng trên tỉnh. Đặc biệt, Tâm nghĩ đến các em sẽ khôn lớn, đỗ đạt ra tỉnh làm việc, không phải gắn bó với cái không gian ngột ngạt của làng quê nữa. Hay trong truyện “Hai đứa trẻ” đêm nào cũng thức đợi tàu và qua những vùng sáng lấp lánh trên tàu, Liên và An “mơ về Hà Nội xa xăm…Hà Nội sáng rực ánh đèn…”. Đấy là những khát khao mơ ước thay đổi cuộc sống tù đọng giúp con người có thêm niềm tin vào cuộc sống và giúp cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

Qua khảo sát một số truyện ngắn của Thạch Lam ta nhận thấy không gian hiện thực hàng ngày đều được sử dụng làm nền, phông cho nhân vật hoạt động, đặc biệt là việc thể hiện chiều sâu tâm lí. Những nhân vật này được xây dựng theo kiểu nhân vật “hướng nội”, Thạch Lam thường dồn nén, thu nhỏ phạm vi không gian. Không gian dồn nén thu nhỏ nhiều lúc cũng là một dụng ý nghệ thuật của Thạch Lam, nhà văn để cho nhân vật tự đối diện kiểm nghiệm đánh giá được chính mình và những gì xung quanh mình một cách rõ ràng và sâu sắc hơn trong sự bó hẹp của điều kiện sống, điều kiện thể hiện mình. Đấy là một căn phòng tồi tàn bẩn thỉu nơi nhà săm(Tối ba mươi). Đó là một rạp hát (Người đầm), có khi không gian lại là một toa xe (Cuốn sách bỏ quên), hay chỉ là một túp lều nát giữa đồng (Người lính cũ)…

Khi nói đến không gian nghệ thuật trong truyện ngắn của Thạch Lam ta không thể không nói đến kiểu không gian hồi tưởng của các nhân vật. Chính không gian hồi tưởng đã góp phần vào việc mở rộng không gian trong truyện ngắn Thạch Lam.Thông qua việc đan cài giữa không gian thực tại và không gian hồi tưởng, ta thấy được sự đối lập giữa hai không gian mà nhân vật của Thạch Lam đã trải qua. Mặt khác giúp cho nhân vật ý thức được sự tồn tại chông chênh, đầy bi kịch của mình.

Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Thạch Lam - 9

Người lính cũ trong túp lều rách nát giữa đồng không mông quạnh, với dáng hình “gầy gò hốc hác, ngồi co ro trên cái bục đát sát vách. Quần áo bác ta rách nát, trên vải phủ một cái bao gạo đã thủng nhiều chỗ đang phải đối mặt với bệnh tật đói rách, manh chiếu không đủ che thân đã hồi tưởng lại những tháng ngày hoàng kim của mình”. Từ không gian một túp lều rách nát giữa đồng mở rộng sang một không gian khác: không gian sáng lạn của nước Pháp “những khi khoác tay vợ đi xem chớp ảnh, trong túi có ba bốn trăm quan vào hàng cà phê uống rượu rồi đi khiêu vũ. Những khi theo vợ về quê ở miền nam Provence…anh ta nhắc tên tỉnh đã qua, bây giờ xã xôi mù mịt: Jouluose, Bordeaux…Militry, Saint-Etreuil(Người lính cũ)

Huệ, Liên ( Tối ba mươi) dẫu phải sống kiếp giang hồ, nhưng trước giờ phút giao thừa vẫn nhớ về quá khứ “..Đã lâu lắm rồi thì phải, nàng mặc chiếc áo mới đứng trên thềm nhà nhìn mấy bông hoa đào nở trước vườn…”. Đấy là quá khứ đẹp đẽ, nhưng lại là “một thời đã xa”, để khi nghĩ về nó, các cô ý thức hơn về kiếp sống sa đọa của mình.

Bên cạnh đó, trong những truyện ngắn của Thạch Lam, không gian bóng tối cũng được thể hiện khá nhiều qua các tác phẩm. Bóng tối trở thành nỗi ám ảnh đè nặng lên cuộc sống của những con người khốn khổ. Đấy là bóng tối “trên con đường mấp mô chân trâu”. Con đường về nhà của Tâm (Cô hàng xén). Đó là “bóng tối khắp nơi dồn lại quãng phố hẽm này” trùm lên cuộc đời Huệ, Liên – hai cô gái giang hồ trong (Tối ba mươi). Cũng là khoảng tối ngập đầu trong dãy nhà lụp xụp, thấp lè tè xiêu vẹo trong (Một cơn giận) Khoảng tối trùm lên khắp phố huyện với ánh sáng le lói tạo nên vẻ “hiu hiu đạm đạm” trong Hai đứa trẻ… Bóng tối được Thạch Lam sử dụng một cách đầy dụng ý. Nó như là sự đồng nghĩa với đói, rét, cơ cực, tủi nhục… tạo thành một hiện thực bủa vây, hành hạ con người và cũng qua đó nhà văn đã tô đậm một mảng số phận, bi kịch của những con người nghèo khổ trong xã hội.

Để thực hiện thành công dụng ý nghệ thuật của mình, bên cạnh không gian hiện thực hàng ngày, Thạch Lam còn biểu hiện một trục không gian khác đó là “không gian hòa quyện vào thời gian”. Ở đây không gian và thời gian không hề chia cắt. Nó như tương trợ lẫn nhau làm cho tình huống truyện càng trở nên dồn nén. Từ đó giúp nhà văn khắc họa sâu nét tâm lí của nhân vật, tính cách nhân vật và tập trung thể hiện chủ đề tư tưởng của mình. Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ ứng với cái không gian của phố huyện tù túng giam hãm con người là “Giờ khắc của ngày tàn”. Cuộc sống tẻ nhạt của hai chị em Liên và những người dân phố huyện bắt đầu chìm vào đêm tối: “Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước giờ khắc của ngày tàn”.

Không gian hòa quện vào thời gian đã trở thành một vòng tròn vô hình khép kín, dồn chặt từng số phận khổ đau, từng kiếp sống lầm lạc của con người. “Cái trục thời gian – không gian nghệ thuật của Thạch Lam là nơi tồn tại một thế giới khôn cùng, quanh quẩn, ngột ngạt, từng mảnh đời vỡ vụn, có ý nghĩa khái quát trong đó hằn sâu lên sự vấn tâm- cũng là lời đối thoại với cuộc đời của tác phẩm- rằng liệu con người có đủ sức vùng vẫy thoát khỏi tình trạng khốn cùng của không gian chật hẹp ấy không”? [ 54, tr 70 ]

Các kiểu không gian nghệ thuật đã góp phần vào việc phát triển tính cách nhân vật. Với biệt tài trong lĩnh vực truyện ngắn, Thạch Lam đã sử dụng hết sức thành công và linh hoạt các hình thức của không gian nghệ thuật, làm cho nó thoát không gian vật chất vốn dĩ, tiến đến với không gian nhân bản không chỉ cho nhân vật mà còn chuyển hóa sâu rộng đến lòng người.

Không chỉ với không gian nghệ thuật, mà còn cả thời gian nghệ thuật, nhà văn Thạch Lam đã sử dụng nó hết sức nhuần nhuyễn và linh hoạt trong quá trình sáng tạo. Thời gian và không gian chuyển động, thay đổi, có ảnh hưởng sâu sắc tới sự thay đổi tính cách của nhân vật. Cũng chính vì thế mà thế

giới nghệ thuật của Thạch Lam, đã tạo được một phong cách phong phú và thật đến bất ngờ .

Chương 4‌

NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU

TRONG TRUYỆN NGẮN THẠCH LAM.

4.1 Ngôn ngữ truyện ngắn Thạch Lam

Trong tôn chỉ mục đích của Tự lực văn đoàn có đề ra yêu cầu về ngôn ngữ “ Dùng lối văn giản dị, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam”. Các tác giả của Tự lực văn đoàn đã là những người đi đầu trong việc thực hiện những tôn chỉ đó. Là thành viên tích cực của Tự lực văn đoàn, Thạch Lam đã khắc phục thứ ngôn ngữ đậm chất Hán Việt, tích cực đưa ngôn ngữ thuần Việt vào trong các sáng tác văn chương, mang đến cho truyện ngắn của mình thứ văn xuôi đạt đến mức độ hoàn hảo, “làm cho tiếng Viêt Nam gon ghẽ đi co duỗi thêm, mềm mại và tươi đậm hơn”[37 ,tr 60]. Nếu như Tự lực văn đoàn được đánh giá là có công đóng góp cho sự phát triển của ngôn ngữ văn xuôi tiếng Việt theo hướng hiện đại thì Thạch Lam cũng có công rất lớn. Cho đến nay những công lao đóng góp đó vẫn mang nhiều ý nghĩa.

4.1.1 Ngôn ngữ gợi tả cảm xúc, cảm giác.

Thế giới cảm giác cảm xúc trong truyện ngắn của Thạch Lam rất phong phú: vừa có cảm giác hướng ngoại vừa có cảm giác hướng nội, có những cảm giác mạnh nhưng cũng có những cảm giác mơ hồ mong manh. Khai thác từ vốn từ dân tộc, nhà văn đã tìm được cách thức diễn tả được hết các cung bậc tình cảm.

Tập trung diễn tả cảm xúc trong tâm hồn con người là hứng thú nghệ thuật và cũng là đóng góp của Thạch Lam. Nhân vật của ông chủ yếu cảm nhận thế giới xung quanh, giao hòa với người khác bằng cảm giác, nhờ có cảm giác ấy mà con người có khả năng tự lắng lọc tâm hồn mình. Để vươn tới được chiều sâu cảm giác, cảm xúc, các nhà văn đã sử dụng khá nhiều các tính từ, động từ miêu tả trạng thái trong kho từ vựng của Tiếng Việt.

Trong văn Thạch Lam có nhiều loại cảm giác khác nhau đều được diễn tả thật tinh tế. Đó là cảm giác của mặt đất khô rắn làm “đau đớn bàn chân non nớt” của Tân trong Trở về. Nỗi đau đớn tột cùng khi bị mất đi một cái chân của mình trong Cái chân què được diễn tả rất giản dị bằng thứ ngôn ngữ rất quen thuộc “ Toát mồ hôi trán, quả tim đập mạnh”. Để lột tả cơn giận dữ khi biết vợ ngoại tình của Sinh (Đói), nhà văn dùng những từ ngữ mang sắc thái mạnh: “Cơn giận dữ nổi lên mãnh liệt trong lòng”; “cái giận như sôi nổi bồng bột trong lòng”. Trong Cuốn sách bỏ quên kể về một nỗi buồn của một nhà văn bị vỡ mộng văn chương, Thạch Lam dùng những từ ngữ giàu khả năng gợi vào chiều sâu cảm xúc “tuy trời không mưa nhưng Thành tựa thấy trong lòng mưa bụi , buồn rầu và chán nản, một mối buồn không sâu sắc nhưng êm đềm làm tê liệt cả tâm hồn”. Đó là nỗi buồn nhẹ như mưa bụi nhưng thấm sâu, đủ làm nguội đi ước mơ cháy bỏng về nghiệp văn chương. Sự ân hận của Thanh trong “Một cơn giận” thật dai dẳng không làm cho tâm hồn anh được bình yên. Nó như “ một cái gì đè nặng lên ngực”, làm cho anh “khó thở” “trong lòng nôn nao” “cảm giác ngẹn ngào chẹn lấy cổ”. Bao nhiêu nỗi uất ức tủi cực đã đẩy Dung trong Hai lần chết xuống dòng nước lạnh. Trong cơn đau đớn nàng vẫn cảm thấy rõ “ trí nàng sắc lại khi nước lạnh ập vào mặt, nàng uất ức lịm đi, thấy máu đỏ trào lên, rồi một cái màng đen tối che lấp cả”. Những từ ngữ sắc mạnh vừa diễn tả nỗi đau thân xác, vừa diễn tả nỗi đau trong tâm hồn. Đây là cái “rung động” đầy khát khao của bà Cả trong Đứa con, “một tiếng thở dài sẽ thoát ra môi rồi đôi mắt ráo của bà bỗng mờ đi như ướt lệ” khi nhìn đứa bé đang rúc đầu vào đôi vú mẹ căng sữa.

Diễn tả cảm xúc vui buồn, đau thương hạnh phúc không phải là điều mới lạ trong văn chương. Thạch Lam không ưa tô đậm, đẩy cao cảm xúc đến tuyệt đỉnh mà tìm kiếm lối viết giản dị, cốt yếu nói đúng cảm giác thực. Vì vậy mà nhà văn không sáng tạo những biểu tượng mới lạ, những từ mới, nghĩa mới.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 02/02/2023