Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Sơn La hiện nay - 3

Có quan điểm cho rằng, “phát triển nguồn nhân lực là tổng thể các cơ chế, chính sách và biện pháp hoàn thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của toàn xã hội (phẩm chất về trí tuệ, thể chất, tâm lý - xã hội) và điều chỉnh hợp lý về số lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đòi hỏi về nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn phát triển” [24, tr.13].

Một số tác giả khác lại quan niệm: phát triển nguồn nhân lực chính là sự biến đổi số lượng và chất lượng nguồn nhân lực về các mặt cơ cấu, thể lực, kỹ năng, kiến thức và tinh thần v.v... cần thiết cho công việc, nhờ vậy mà phát triển được năng lực của họ, ổn định được công ăn việc làm, nâng cao địa vị kinh tế - xã hội và cuối cùng là đóng góp cho sự phát triển xã hội [63, tr.14].

Theo PGS.TS. Vũ Văn Phúc trong báo cáo đề dẫn hội thảo khoa học: “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” phát triển nguồn nhân lực là sự biến đổi về số lượng và chất lượng trên các mặt thể lực, trí lực, kỹ năng và tinh thần cùng với quá trình tạo ra những biến đổi tiến bộ về cơ cấu nhân lực. Nói một cách khái quát nhất, phát triển nguồn nhân lực chính là quá trình tạo lập và sử dụng năng lực toàn diện của con người, vì sự tiến bộ kinh tế, xã hội [60, tr.11].

Từ những luận điểm trình bày trên, có thể quan niệm: Phát triển nguồn nhân lực là sự biến đổi nguồn nhân lực về thể lực, trí lực, kỹ năng, tinh thần và số lượng, cơ cấu của đội ngũ lao động, nhằm sử dụng, phát triển và phát huy toàn diện nhân tố con người vì sự tiến bộ kinh tế, xã hội và sự hoàn thiện bản thân mỗi con người.

Do vậy, nội dung cơ bản phát triển nhân lực của tỉnh Sơn La cần tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau: thứ nhất, gia tăng về số lượng nhân lực có trình độ chuyên môn, nghề nghiệp; thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thứ ba, chuyền dịch cơ cấu nhân lực theo hướng tiến bộ; thứ tư, phát huy một số tố chất tích cực tiêu biểu của nhân lực tỉnh Sơn La.

Khi xem xét nguồn lực con người, đòi hỏi có quan điểm toàn diện, phải nhìn nhận con người với tất cả hiện trạng, tiềm năng, đặc điểm và sức mạnh của nó đối với sự phát triển xã hội ở cả phương diện là chủ thể lẫn phương diện là khách thể. Phát triển nguồn lực con người, ngoài việc quan tâm nâng cao mặt bằng và đỉnh cao dân trí, bồi dưỡng và nâng cao sức khỏe cho mỗi cá nhân, cho cộng đồng xã hội, còn phải chú ý đến việc xây dựng đạo đức, nhân cách, lý tưởng cao quý của con người.

Như vậy, phát triển nguồn nhân lực với nội hàm trên đây thực chất là đề cập đến vấn đề chất lượng nguồn nhân lực và khía cạnh xã hội của nguồn nhân lực của một quốc gia. Nguồn nhân lực chất lượng cao là khái niệm để chỉ những người lao động cụ thể có trình độ lành nghề (về chuyên môn, kỹ thuật) ứng với một ngành nghề cụ thể theo tiêu thức phân loại lao động về chuyên môn, kỹ thuật nhất định (Đại học, trên đại học, cao đẳng, lao động kỹ thuật lành nghề).

Giữa chất lượng nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng. Nói đến chất lượng nguồn nhân lực là muốn nói đến tổng thể nguồn nhân lực của một quốc gia, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng, là nhóm tinh tuý nhất, có chất lượng nhất. Bởi vậy, khi bàn về nguồn nhân lực chất lượng cao không thể không đặt nó trong tổng thể vấn đề chất lượng nguồn nhân lực nói chung của một đất nước.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường (yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước), đó là: có kiến thức: chuyên môn, kinh tế, tin học; có kỹ năng: kỹ thuật, tìm và tự tạo việc làm, làm việc an toàn, làm việc hợp tác; có thái độ, tác phong làm việc tốt, trách nhiệm với công việc.

Như vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao phải là những con người phát triển cả về trí lực và thể lực, cả về khả năng lao động, về tính tích cực chính

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 102 trang tài liệu này.

trị - xã hội, về đạo đức, tình cảm trong sáng. Nguồn nhân lực chất lượng cao có thể không cần đông về số lượng, nhưng phải tạo được năng lực có tính đột phá trong thực tế.

Nguồn nhân lực ở Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng, chưa bao giờ lại đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ cao như hiện nay. Nếu trong thời gian tới không giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chất lượng nguồn nhân lực trầm trọng, mà hệ quả của nó là ba vấn đề lớn đã được PGS.TS. Vũ Văn Phúc chỉ ra trong bài Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế:

Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Sơn La hiện nay - 3

Một là, sụt giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hai là, khó thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”. Nếu không có nguồn nhân lực đủ chất lượng để bước lên những bậc thang cao hơn, chúng ta sẽ mãi dậm chân ở mắt xích cuối cùng của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ba là, đánh mất cơ hội tham gia thị trường lao động quốc tế, đặc biệt sau khi gia nhập VTO. Hiện nay, lao động của Việt Nam có cơ hội rất lớn để tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, nhưng với trình độ lao động như hiện nay, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc đi làm thuê với giá nhân công rẻ mạt mà thôi.

Trong thế giới hiện đại, khi chuyển dần sang nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức và trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định của nó. Các lý thuyết tăng trưởng gần đây chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản: áp dụng công nghệ mới, phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là những con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tức là những con người được đầu tư phát triển, có kỹ năng,

kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo để trở thành “nguồn vốn con người, vốn nhân lực”. Bởi trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, phần thắng sẽ thuộc về những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao, có môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư, có môi trường chính trị - xã hội ổn định.

Phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng chỉ có thể đạt được kết quả tốt một khi gắn nó với việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực.

Như vậy, việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực là xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, phương pháp, nghệ thuật dùng người. Việc dùng người yêu cầu không chỉ “đặt đúng người, đúng việc”, mà còn phải bồi dưỡng, tạo điều kiện tốt nhất để con người có thể phát huy được năng lực sáng tạo và sở trường của mình nhằm hoàn thành tốt nhất công việc được giao.

Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vấn đề huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, cần phải giải quyết ba vấn đề quan trọng là:

- Thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng kinh tế một cách ổn định và bền vững.

- Gắn tăng trưởng kinh tế với xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm.

- Tạo ra được nhiều việc làm mới có chất lượng, đảm bảo quyền và các lợi ích chính đáng của người lao động và không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp dân cư.

Việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực thường chịu ảnh hưởng trực tiếp của quy luật cung cầu lao động trên thị trường, vào chất lượng nguồn nhân lực và các chính sách lao động, việc làm... đặc biệt là môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ đối với người lao động.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh một trong ba khâu đột phá để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 là: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước” [21, tr.265]. Đó cũng là con đường tất yếu để Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng đi tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi phải có nguồn nhân lực đủ về số lượng, mạnh về chất lượng và trở thành động lực thực sự của phát triển.

Đi đôi với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần hoạch định và tích cực triển khai thực hiện một chiến lược con người Việt Nam hiện đại, đủ tầm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới hiện nay và cả trong tương lai. Với nhận thức đó, Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020 được thủ tướng chính phủ quyết định trong Quyết định số 579/QĐ – TTG, ngày 19/4/2011 với mục tiêu chung là đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất đối với việc phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế, đã đề ra các mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2011 – 2020:

Một là, nhân lực Việt Nam có thể lực tốt, tầm vóc cường tráng, phát triển toàn diện về trí tuệ, ý chí, năng lực và đạo đức; có năng lực tự học, tự đào tạo, năng động, chủ động, tự lực, sáng tạo; có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng thích ứng và nhanh chóng tạo được thế chủ động trong môi trường sống và làm việc;

Hai là, nhân lực quản lý hành chính nhà nước chuyên nghiệp đáp ứng những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa trong thế giới hội nhập và biến đổi nhanh;

Ba là, xây dựng được đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là nhóm chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn - kỹ thuật tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ năng lực nghiên cứu, tiếp nhận,

chuyển giao và đề xuất những giải pháp khoa học, công nghệ, giải quyết về cơ bản những vấn đề phát triển của các nước và hội nhập với các xu hướng phát triển khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và công nghệ trên thế giới;

Bốn là, xây dựng được đội ngũ doanh nhân, chuyên gia quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp, có bản lĩnh, thông thạo kinh doanh trong nước và quốc tế, bảo đảm để các doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao trong nền kinh tế thế giới;

Năm là, nhân lực Việt Nam hội đủ các yếu tố cần thiết về thái độ nghề nghiệp, có năng lực ứng xử, (đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, tác phong làm việc, kỷ luật lao động, tinh thần hợp tác, tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân...) và tính năng động, tự lực cao, đáp ứng những yêu cầu đặt ra đối với người lao động trong xã hội công nghiệp;

Sáu là, thông qua quy hoạch phát triển Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020, xây dựng nhân lực Việt Nam có cơ cấu trình độ, ngành nghề và vùng miền hợp lý. Cùng với việc tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao đạt trình độ quốc tế, tăng cường phát triển nhân lực các cấp trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, miền, địa phương;

Bảy là, hình thành được xã hội học tập,đảm bảo cho tất cả mọi công dân Việt Nam có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo, thực hiện mục tiêu: “Học để làm người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập; học để có nghề, có việc làm hiệu quả, học để làm cho mình và người khác hạnh phúc; học để góp phần phát triển đất nước và nhân loại”;

Tám là, xây dựng được hệ thống các cơ sở đào tạo nhân lực tiên tiến, hiện đại, đa dạng, cơ cấu ngành nghề đồng bộ, đa cấp, năng động, liên thông giữa các cấp và các ngành đào tạo trong nước và quốc tế, phân bố rộng khắp trên cả nước, góp phần hình thành xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Như vậy, trong Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đã chỉ rõ mục tiêu cụ thể. Với tỉnh Sơn La cần áp dụng một cách khoa học và phù hợp với thực tế thực trạng nguồn nhân lực trong tỉnh để có thể có hiệu quả cao nhất. Và qua đó, có thể thấy chủ thể phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Sơn La chính là hệ thống chính trị của tỉnh, gia đình và chính người lao động là chủ thể phát triển nguồn nhân lực.

1.1.2. Đặc điểm của nguồn nhân lực

Qua nghiên cứu khái niệm nguồn lực con người, luận văn có thể đưa ra những đặc điểm cơ bản của nguồn lực con người như sau:

Thứ nhất, “nguồn lực con người” được biểu hiện ra là lực lượng lao động, là nguồn lao động (đội ngũ hiện có và sẽ có). Bên cạnh đó, khi đề cập đến nguồn lực con người còn nói đến quy mô và tốc độ tăng dân số của một địa phương, một số quốc gia trong một thời kỳ nhất định; tức là phản ánh cơ cấu dân cư và sự phân bố, sắp xếp nguồn lao động trong các ngành và các lĩnh vực kinh tế khác nhau, giữa các vùng miền của đất nước.

Thứ hai, “nguồn lực con người” phản ánh chất lượng dân số, của lực lượng lao động, biểu hiện ra ở hiện tại và còn đang tiềm tàng. Tuy nhiên, chất lượng của nguồn lực con người luôn có mối quan hệ biện chứng với số lượng. Khi nguồn lực con người có chất lượng cao nhưng số lượng hạn chế, cơ cấu không phù hợp sẽ rất khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngược lại, dân số đông, tăng nhanh nhưng trình độ thấp thì rất khó khăn cho việc sử dụng có hiệu quả, và còn tạo sức ép lớn do sự nảy sinh các vấn đề xã hội.

Thứ ba, “nguồn lực con người” được coi là nguồn lực nội tại và cơ bản nhất, đặc biệt nhất trong hệ thống các nguồn lực của sự phát triển kinh tế và xã hội. Nếu các nguồn lực khác khi sử dụng, khai thác không những không được tái tạo mà ngày càng cạn kiệt, thì nguồn lực con người, mà bộ phận cốt lõi là trí tuệ, lại có tiềm năng vô tận càng khai thác, sử dụng càng tạo ra giá trị cao hơn. Nó có khả năng tái tạo, phục hồi và tự đổi mới. Nguồn sức mạnh to

lớn đó ngoài việc biểu hiện ở khía cạnh thể lực còn được thể hiện ra ở trí lực, niềm tin, ý chí. Điều quan trọng hơn là ở sự gắn kết biện chứng giữa hai yếu tố sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của mỗi cá nhân và sự cộng hưởng của sự liên kết cộng đồng xã hội, được biểu lộ ra ở hiện tại và trong tương lai.

Thứ tư, “nguồn lực con người” còn bao hàm cả sự liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau giữa các yếu tố cấu thành nó cũng như sự tác động qua lại lẫn nhau giữa nó với các nguồn lực khác và với môi trường xung quanh. Hay có thể thấy nó biểu hiện thông qua ba mối quan hệ chính: quan hệ với thiên nhiên, quan hệ với xã hội, quan hệ với chính mình.

Thứ năm, “nguồn lực con người” còn chỉ ra rằng: con người được xem xét với tư cách là một nguồn lực, nguồn lực nội tại, cơ bản trong hệ thống các nguồn lực của sự phát triển xã hội. Sức mạnh của nguồn lực con người thể hiện ở sức mạnh thể lực, trí lực, niềm tin, ý chí.... Ở sự thống nhất biện chứng giữa các sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng, không chỉ trong hiện tại mà còn ở dạng tiềm năng. Là một nguồn lực, cũng như các nguồn lực khác (tài nguyên thiên nhiên, vốn, công nghệ...) con người tạo ra sức mạnh và tham gia vào quá trình thúc đẩy sự phát triển của một quốc gia, dân tộc. Song, so với các dạng nguồn lực khác, nguồn lực con người là một dạng nguồn lực đặc biệt, có nó các nguồn lực khác mới phát huy được tác dụng và có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển xã hội. Tính đặc biệt thể hiện: Đây là một dạng nguồn lực có sức mạnh tự thân. Sức mạnh tự thân có được là nhờ sự kết hợp giữa các yếu tố khách quan và nhân tố chủ quan của mỗi người để tạo nên sức mạnh của cộng đồng. Quá trình sử dụng nguồn lực không bao giờ cạn kiệt vì nó có khả năng tự phục hồi, khả năng tự tái sinh. Đây cũng là dạng nguồn lực có ý thức, có khả năng trí tuệ, do đó những giá trị mà nó đem lại là vô cùng to lớn nếu biết phát huy hợp lý. Mặt khác, đây cũng là dạng nguồn lực mở, sự dồi dào hay cạn kiệt về nguồn lực

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 14/09/2023