ngành du lịch. Ngay từ thập niên 90 của thế kỉ XX, ngành chức năng đã có sự phối hợp với Tổng cục du lịch lập Quy hoạch tổng thể cho sự PTDL trên địa bàn (Quy hoạch 1995). Từ đó đến nay đã có sự điều chỉnh, bổ sung cũng như ban hành Quy hoạch mới phù hợp với bối cảnh hiện nay. Sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền đối với phát triển du lịch còn được thể hiện qua Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ VIII, IX, X. Tỉnh ủy Tây Ninh cũng rất quan tâm đến sự PTDL trên địa bàn, đã ban hành “Nghị quyết chuyên đề đẩy mạnh khai thác tiềm năng phát triển du lịch Tây Ninh” (2011). Bên cạnh Văn kiện Đại hội và Nghị quyết, Tây Ninh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên nếu so với hệ thống tiêu chí đánh giá PTDL cho thấy, tiêu chí này chỉ đạt mức trung bình do các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương tuy quan tâm đến PTDL, có Nghị quyết của Đảng về PTDL, có quy hoạch tổng thể và chi tiết về PTDL được chính quyền địa phương phê duyệt nhưng việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về du lịch đạt hiệu quả thấp. Có thể nói, Tây Ninh là một trong những địa phương có chính sách thông thoáng cho sự PTDL, tạo cơ chế thuận lợi thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế cho hoạt động du lịch, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
- Tỉ lệ các điểm tham quan được bảo tồn, tôn tạo: PTDL dù trong bất kì thời điểm nào cũng cần coi trọng vấn đề bảo tồn, tôn tạo nguồn tài nguyên. Để PTDL trong bối cảnh hội nhập, yếu tố bền vững là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Nếu như số lượng các điểm du lịch cũng như các nguồn TNDL được quan tâm đầu tư, bảo vệ chiếm tỉ lệ cao, chứng tỏ sự phát triển mang tính bền vững. Do phần lớn các điểm TNDL ở Tây Ninh là các DTLSVH nên vấn đề đầu tư để bảo tồn, tôn tạo luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Đây là một trong những thuận lợi cơ bản cho sự PTDL trên địa bàn. Tiêu chí này được đánh giá tốt và đáp ứng được yêu cầu của sự hội nhập và phát triển.
- Kết quả khác: Ngoài những kết quả đánh giá theo hệ thống tiêu chí trên, trong quá trình phát triển ngành du lịch Tây Ninh còn đạt được một số kết quả khác.
+ CSHT - VCKT du lịch: hệ thống GTVT, TTLL, cấp điện, cấp nước… đã có những cải thiện đáng kể, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Cơ sở VCKT với hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí… đều có những bước
phát triển mới, trong đó quan trọng nhất là hệ thống cơ sở lưu trú, giai đoạn 2000 - 2016 tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 15,3%/năm, chất lượng lưu trú ngày càng được nâng cao.
+ Tăng trưởng bình quân lao động du lịch: Du lịch tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần nâng cao dân trí và cải thiện mức sống cho cư dân địa phương. Mặc dù số lao động du lịch trên địa bàn Tây Ninh còn khá ít nhưng cũng có sự tăng lên đáng kể. Trong giai đoạn 2000 - 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khá cao đạt 7,17%. Trong tương lai khi ngành du lịch hội nhập ngày càng sâu rộng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, nhất là số lao động gián tiếp và số lao động địa phương.
+ An toàn cho du khách: Lượng khách du lịch đến Tây Ninh ngày càng đông nhưng tình hình an ninh và trật tự xã hội vẫn được đảm bảo khá tốt. Theo kết quả khảo sát của tác giả năm 2016, có trên 50% du khách đánh giá tốt tình hình an ninh trật tự tại các điểm du lịch trên địa bàn (phụ lục 8b, 11). Trong các dịp lễ hội, du khách chen chúc khá đông đúc nhưng tình hình an ninh vẫn khá tốt, gần như không xảy ra tình trạng mất an ninh, mất kiểm soát như một số lễ hội ở các địa phương khác. Việc đảm bảo được an toàn cho du khách sẽ làm cho hình ảnh của Tây Ninh trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế được an toàn, thân thiện và mến khách. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc xây dựng môi trường du lịch thân thiện, mang lại cảm giác an toàn cho du khách sẽ góp phần quảng bá hữu hiệu hình ảnh đất nước và con người với bạn bè quốc tế.
+ Vấn đề rác thải và chất thải tại các điểm du lịch cũng như cơ sở kinh doanh du lịch: Việc tăng nhanh khách du lịch làm gia tăng áp lực khai thác tài nguyên, tăng lượng chất thải từ hoạt động du lịch. Chính quyền địa phương rất quan tâm đến vấn đề môi trường. Hầu như các cơ sở kinh tế nói chung và du lịch nói riêng đều có hệ thống thu gom và xử lí chất thải khá tốt nên ít ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Du khách đến Tây Ninh có thể tận hưởng bầu không khí trong lành, sạch sẽ, kể cả các điểm du lịch. Theo khảo sát của tác giả năm 2016, số du khách không hài lòng vì lí do môi trường không đảm bảo chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp, khoảng 6,8% (phụ lục 8a).
Có thể bạn quan tâm!
- Hiện Trạng Cơ Sở Lưu Trú Du Lịch Tây Ninh Giai Đoạn 2000 – 2016
- Các Loại Hình Du Lịch Đang Hoạt Động Ở Tây Ninh Hiện Nay
- Đánh Giá Chung Thực Trạng Phát Triển Du Lịch Tỉnh Tây Ninh Thời Kì Hội Nhập
- Định Hướng Chủ Yếu Và Một Số Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Tỉnh Tây Ninh
- Định Hướng Thị Trường Khách Du Lịch
- Một Số Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Tây Ninh Đến Năm 2020 Và Tầm Nhìn Đến Năm 2030
Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.
+ Việc quản lí sức chứa tại các điểm du lịch: Tây Ninh chưa có các công trình độc lập xác định sức chứa cho các điểm du lịch tiêu biểu, tuy nhiên việc quản lí cường
độ hoạt động tại các điểm, khu du lịch khá tốt, góp phần giới hạn lượng khách tập trung quá đông trong cùng một thời điểm tại các điểm tham quan du lịch, qua đó sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực lên tài nguyên và môi trường.
+ Việc ứng phó sự cố môi trường ở điểm du lịch: Hoạt động du lịch phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng môi trường. Những sự cố về môi trường nếu không được khắc phục kịp thời sẽ là những lực cản rất lớn trong thu hút khách du lịch. Tây Ninh đang từng bước xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường, điều tra đánh giá ô nhiễm môi trường du lịch; có cơ chế phối hợp rõ ràng, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và địa phương trong việc ứng phó với sự cố môi trường. Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc ứng phó với các sự cố môi trường ở các điểm du lịch.
2.2.4.2. Hạn chế và nguyên nhân
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu song nếu xét trên các tiêu chí đánh giá PTDL trong bối cảnh hội nhập, du lịch Tây Ninh vẫn còn một số tồn tại và hạn chế trên các vấn đề sau:
- Về số lượt khách và cơ cấu khách du lịch. Số lượt khách du lịch đến Tây Ninh khá lớn, tuy nhiên chủ yếu là khách nội địa. Trong cơ cấu khách du lịch, có sự mất cân đối rất rõ rệt. Khách nội địa lấn át hoàn toàn khách quốc tế (chiếm trên 99% lượt khách hàng năm). Trong cơ cấu khách nội địa cũng có sự chênh lệch đáng kể, có đến gần 90% là du khách địa phương và các tỉnh, thành lân cận (ĐNB, ĐBSCL). Khách quốc tế tuy có có mức TTBQ khá cao nhưng số lượt khách còn khá ít và chiếm tỉ trọng rất thấp (chưa đạt 1%). Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, trong đó có nguyên nhân chủ quan xuất phát từ tư duy chưa coi trọng đến thị trường du lịch quốc tế mà chỉ chú trọng đến thị trường nội địa, chú trọng đến số lượng mà chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng khách. Đây là hạn chế của lối tư duy theo kiểu cũ, phát triển theo chiều rộng, ảnh hưởng lớn đến PTDL trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
- Doanh thu du lịch khá thấp. Tuy có tốc độ tăng trưởng doanh thu khá cao nhưng nhìn chung doanh thu du lịch trên địa bàn còn khá thấp. Với 3,75 triệu lượt khách nhưng doanh thu mang lại chỉ khoảng 771 tỉ đồng và đóng góp cho nền kinh tế tỉnh chỉ khoảng 1,65% GDP (năm 2016), điều đó cho thấy hiệu quả kinh tế mà ngành du lịch mang lại chưa cao. Một trong những nguyên nhân là do phần lớn số lượt khách
du lịch chủ yếu là khách nội địa, với thành phần khách phần lớn thuộc nhóm người có thu nhập thấp nên khả năng chi trả không cao. Mặt khác, dịch vụ du lịch nghèo nàn cũng làm cho khách du lịch chi tiêu khá thấp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế nhưng thị trường khách quốc tế đến còn ít và cũng không ổn định, cũng là một trong những hạn chế làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu du lịch của tỉnh.
- Số ngày lưu trú bình quân còn thấp, mức chi tiêu bình quân 1 ngày/khách cũng còn khá khiêm tốn. Với số ngày lưu trú bình quân của khách nội địa và quốc tế năm 2016 lần lượt là 1,9 và 1,71 ngày và mức chi tiêu bình quân của khách du lịch trên địa bàn lần lượt là: 195.550 đồng (khách nội địa), 1.660.000 đồng (khách quốc tế), như vậy so với tiêu chí đánh giá PTDL, ta thấy các chỉ tiêu này rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của thời kì hội nhập. Nguyên nhân quan trọng nhất là do sản phẩm du lịch nghèo nàn, CSHT yếu kém, thiếu các điểm vui chơi giải trí đi kèm.
- Tỉ lệ khách quốc tế quay trở lại khá thấp. Đây là một trong những khó khăn, cản trở sự PTDL của tỉnh trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Khách quốc tế đến Tây Ninh chưa nhiều do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch còn đơn điệu. Hình ảnh đặc trưng, nổi trội cho sản phẩm du lịch Tây Ninh chưa được khai thác và phát huy có hiệu quả; một số sản phẩm du lịch truyền thống thiếu sức cạnh tranh do chưa nâng cao chất lượng dịch vụ; quản lý kinh doanh bất cập; dịch vụ vui chơi giải trí chưa được đầu tư đúng mức; về dịch vụ lưu trú, vẫn còn nhiều điều cần cải thiện như hệ thống phòng ốc, chất lượng đội ngũ nhân viên, thái độ phục vụ… Nhìn chung, sản phẩm du lịch đơn điệu là một trong những nguyên nhân đã ảnh hưởng lớn đến khả năng thu hút và lưu giữ khách cũng như tỉ lệ khách quay trở lại.
- Liên kết, hợp tác quốc tế về du lịch. Tây Ninh chưa xây dựng được hình ảnh đặc trưng, thương hiệu điểm đến trong mắt khách du lịch trong nước và quốc tế một phần vì vấn đề liên kết, hợp tác còn yếu. Tây Ninh cũng như nhiều địa phương khác trong vùng còn rất yếu trong việc hình thành các văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài. Việc liên kết nội vùng, liên vùng cũng như liên kết với khu vực ASEAN và thế giới còn hết sức lỏng lẻo. Hệ quả dễ nhận thấy nhất là trên địa bàn tỉnh chưa có bất kì dự án đầu tư nước ngoài nào trong lĩnh vực du lịch. Ngoài ra tỉnh cũng chưa có các chương trình, dự án hợp tác, liên kết trong đào tạo và phát triển nhân lực du lịch với các địa
phương trong và ngoài nước, việc trao đổi kinh nghiệm với các đối tác nước ngoài cũng rất hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự PTDL trên địa bàn.
- Đào tạo và phát triển nhân lực du lịch. Tây Ninh tuy có chú trọng phát triển nhân lực trong ngành du lịch nhưng việc này chỉ dừng ở cấp quản lí còn lực lượng lao động trực tiếp phục vụ khách thì vẫn còn mỏng và chưa được trang bị kiến thức cần thiết. Nhận thức của người dân và các em học sinh - sinh viên về du lịch còn hạn chế. Nhiều sinh viên ra trường cũng ít khi chịu về tỉnh cống hiến cho ngành. Nguyên nhân của tình trạng trên là do chế độ đãi ngộ còn thấp, điều kiện làm việc chưa tốt nên đã ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Nhìn chung nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn vừa yếu (chuyên môn, trình độ ngoại ngữ…) lẫn vừa thiếu (con người, cơ sở đào tạo…), chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự hội nhập và phát triển.
- Sự đồng thuận của cộng đồng địa phương trong PTDL. Đây là một trong những điểm sáng của sự PTDL trên địa bàn. Tuy nhiên ở một vài nơi, vai trò của cộng đồng địa phương còn chưa được coi trọng đúng mức nên sự ủng hộ của người dân còn chưa cao. Cần chú ý lắng nghe ý kiến của cộng đồng địa phương, các cá nhân và tổ chức trong việc xây dựng và quá trình triển khai các quy hoạch nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực và đảm bảo PTBV.
- Chính sách PTDL. Tây Ninh là một trong những địa phương có sự quan tâm lớn đến sự PTDL, tuy nhiên hiệu quả của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sự PTDL trên địa bàn còn chưa cao; việc triển khai các chương trình, kế hoạch trong PTDL còn khá hạn chế. Chính việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước còn khá chậm, hiệu quả còn khá thấp trở thành một trong những nguyên nhân cơ bản làm cản trở sự PTDL trên địa bàn.
- Những khó khăn, hạn chế khác:
+ Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch cũng gặp không ít khó khăn. Trong những năm gần đây, ngoại trừ loại hình du lịch tâm linh và du lịch về nguồn có những dấu ấn rõ nét, các loại hình du lịch còn lại như du lịch sinh thái còn chậm phát triển, chưa có bước đột phá; du lịch ẩm thực, làng nghề truyền thống tuy có nhiều tiềm năng nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Riêng sản phẩm du lịch tham quan, mua sắm ở các khu
kinh tế cửa khẩu lại không ổn định, thăng trầm tùy thuộc vào sự thay đổi cơ chế của Nhà nước và tình hình kinh tế, xã hội trên cả nước.
+ Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế. Việc đầu tư cho xúc tiến, quảng bá du lịch chưa được nhận thức đúng trong các cấp, các ngành. Khái niệm về marketing du lịch vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ và xa lạ đối với các doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn nên chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Ngoài ra, do hạn chế về kiến thức chuyên môn nên các doanh nghiệp du lịch tại Tây Ninh, chủ nhà hàng, khách sạn chưa thật sự nhiệt tình trong việc tham gia vào các hội chợ, triển lãm để quảng bá về Tây Ninh và bản thân họ tham gia một cách qua loa, không có sự đầu tư chu đáo và bài bản.
Hiện nay Tây Ninh đã có trang website giới thiệu về du lịch nhưng chưa có thông tin chuyên sâu, đầy đủ, nhiều thông tin được cung cấp một cách sơ sài, không đầy đủ. Nhiều báo cáo của các sở, ban ngành chỉ được đăng lên một phần rất nhỏ, thông tin không đầy đủ, gây không ít phiền hà cho người đọc, đặc biệt là những người muốn du lịch đến Tây Ninh.
+ Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp kinh doanh nhiều nhất là cơ sở lưu trú và nhà hàng, chất lượng dịch vụ chưa đạt tiêu chuẩn quy định. Hệ thống nhà hàng, khách sạn còn nhỏ lẻ hoạt động theo qui mô gia đình, chưa có tính chuyên nghiệp cao cũng như chưa có chiến lược phát triển theo định hướng PTDL của tỉnh. Các chủ thể kinh doanh thường hoạt động theo kiểu cha truyền con nối, chưa chú ý đến thu hút nhân tài để phát triển doanh nghiệp.
+ Công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế. Việc quy hoạch chi tiết một số điểm du lịch còn chưa kịp thời, chất lượng chưa cao, định hướng quy hoạch nhiều mặt chưa rõ, tầm nhìn chưa đủ dài nên chỉ sau thời gian ngắn đã lạc hậu, thiếu gắn kết giữa các quy hoạch; việc triển khai quy hoạch còn chậm chạp và tồn tại nhiều bất cập do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Tiêu biểu là quy hoạch ở Khu DTLSVH- DT&DL núi Bà Đen và vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, tuy đã có quy hoạch từ cách đây hàng chục năm nhưng đến nay việc triển khai hết sức chậm chạp và tồn tại nhiều bất cập.
+ Công tác đầu tư còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn khó khăn. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xã hội chưa cao. Môi trường đầu tư vẫn còn nhiều vướng mắc, thu hút đầu tư còn yếu so với nhiều địa phương trong cả nước, nhất là nguồn lực đầu tư nước ngoài.
+ Về các điểm du lịch. Ngoại trừ một số điểm quen thuộc thường xuyên có khách đến tham quan, nhiều điểm khác tại Tây Ninh hiện vẫn chưa có bước đột phá nào đáng kể. Kể cả một số điểm du lịch quen thuộc cũng tồn tại nhiều điểm hạn chế. Nhiều dịch vụ ở các điểm du lịch vẫn còn thiếu, các khu bán hàng lưu niệm, các trung tâm mua sắm còn chưa hấp dẫn, cung cách phục vụ còn thiếu tính chuyên nghiệp, hệ thống đường sá một số nơi còn kém chất lượng… Ngoài ra tình trạng chen lấn, móc túi, chặt chém du khách vẫn còn xảy ra ở một số điểm du lịch, nhất là trong dịp lễ tết.
+ Về xây dựng mô hình PTDL. Việc PTDL trên địa bàn trong những năm qua còn mang nặng tính tự phát, chưa có mô hình phát triển phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Do vậy, việc xây dựng một mô hình PTDL phù hợp là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Qua nghiên cứu về kết quả đạt được cũng như những khó khăn, tồn tại đối với sự PTDL trên địa bàn, cho ta thấy: so với hệ thống tiêu chí đánh giá PTDL được xây dựng trong bối cảnh hội nhập, du lịch Tây Ninh đã đạt được 4 tiêu chí: TTBQ khách du lịch quốc tế; Sự đồng thuận của cộng đồng địa phương trong PTDL; Chính sách PTDL; Tỉ lệ các điểm tham quan được bảo tồn, tôn tạo. Bên cạnh đó là những kết quả đã đạt được về CSHT, lao động du lịch, vấn đề về môi trường… Các tiêu chí còn lại chưa đạt: TTBQ doanh thu du lịch; Tỉ trọng khách quốc tế/tổng số khách; Thời gian lưu trú bình quân và mức chi tiêu bình quân 1 ngày/ khách; Tỉ lệ khách quốc tế quay trở lại; Liên kết, hợp tác quốc tế về du lịch; Đào tạo và phát triển nhân lực du lịch.
Qua sự tương quan giữa các tiêu chí đã đạt và chưa đạt được, ta có thể thấy sự PTDL trên địa bàn Tây Ninh chỉ mới đáp ứng một phần yêu cầu của sự hội nhập và phát triển. Để ngành du lịch phát triển, hội nhập được với sự phát triển của khu vực và quốc tế, đòi hỏi phải có những định hướng và giải pháp hợp lý, có cơ sở khoa học.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2
Tây Ninh có nhiều thuận lợi để PTDL. Với vị trí địa lí là cầu nối giữa hai trung tâm du lịch lớn: TPHCM và Phnôm Pênh, là cửa ngõ giao lưu quốc tế bằng đường bộ của vùng Đông Nam Bộ, Tây Ninh có những lợi thế so với các địa phương trong vùng. TNDL phong phú, đặc trưng, gồm cả TNDL tự nhiên và văn hóa, cho phép Tây Ninh phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó thế mạnh là du lịch tâm linh, tham quan các di tích lịch sử văn hóa (du lịch về nguồn) và du lịch sinh thái.
Hoạt động du lịch trên địa bàn trong hơn chục năm trở lại đây đã có những bước tiến đáng kể, góp phần cải thiện kinh tế địa phương và được xác định là một trong những thế mạnh của tỉnh.
Qua phân tích thực trạng PTDL của tỉnh theo ngành, lãnh thổ cũng như đánh giá thực trạng phát triển dựa trên yêu cầu của thời kì hội nhập (theo bộ 10 tiêu chí tác giả đã xây dựng), ta có thể thấy sự PTDL trên địa bàn Tây Ninh chỉ mới đáp ứng một phần yêu cầu của sự hội nhập và phát triển.
Các điểm du lịch hầu hết mới được khai thác (ngoại trừ núi Bà Đen), sản phẩm du lịch đơn điệu, chủ yếu dựa trên yếu tố sẵn có. Việc đầu tư, nâng cấp, tôn tạo các di tích còn nhiều hạn chế, công tác xúc tiến quảng bá du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Khách du lịch quốc tế còn ít về số lượng, chiếm tỉ trọng nhỏ bé (chưa đạt 1%) trong cơ cấu khách đến Tây Ninh. Doanh thu du lịch tuy có tăng lên nhưng tỉ trọng của ngành so với GDP toàn tỉnh còn khá khiêm tốn. CSHT - VCKT mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu du lịch; yếu tố lao động, con người chưa bắt kịp với yêu cầu của ngành du lịch trong thời kì hội nhập.
Trong bối cảnh mới hiện nay ngành du lịch cần phải phát huy được những thế mạnh sẵn có, biến những khó khăn thách thức thành những cơ hội để hội nhập với khu vực và quốc tế. Việc đưa ra những định hướng và giải pháp hợp lý, đúng đắn, có cơ sở khoa học là yêu cầu cấp thiết được đặt ra cho sự PTDL Tây Ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.