4.1.5. Quan điểm thị trường
Trong nội dung nghiên cứu của đề tài, việc sử dụng quan điểm thị trường là cần thiết. Thông qua việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng về các đặc điểm, nhu cầu, sở thích cũng như khả năng chi tiêu của các thị trường DL trọng điểm tỉnh Luang Prabang trong những năm qua, cho thấy rõ những ưu điểm, những lợi thế và ảnh hưởng của thị trường trong tổng thể ngành du lịch nói chung và trong việc khai thác hiệu quả nguồn TNDL nói riêng.
4.2. Các phương pháp nghiên cứu
4.2.1. Phương pháp tổng hợp và phân tích tài liệu
Từ các nguồn khác nhau, tài liệu được thu thập và thao tác xử lí trong phòng. Là phương pháp được sử dụng để nghiên cứu những đối tượng có mối quan hệ đa chiều, biến động trong không gian và thời gian, do đó rất thích hợp với việc nghiên cứu du lịch. Phương pháp này cho phép tác giả tổng quan các tài liệu, kế thừa những nghiên cứu trước đó và có cơ sở để đưa ra những nhận định và kết quả của công trình. Đây là thao tác quan trọng bởi nếu không được thực hiện một cách thận trọng và nghiêm túc thì có khả năng sai lệch làm ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu, đến tính chính xác và tính khoa học của công trình. Trong quá trình thực hiện luận văn này, tài liệu được thu thập từ rất nhiều nguồn khác nhau của cơ quan du lịch Lào.
4.2.2. Phương pháp phân tích số liệu thống kê
Đây là phương pháp thích hợp được sử dụng để thống kê các chỉ tiêu có tính định lượng như: số lượng khách, doanh thu, vốn đầu tư… Từ những số liệu có tính định lượng như trên, tác giả tiến hành phân tích, so sánh và rút ra kết luận mang tính định tính. Mục đích cuối cùng của những phân tích định lượng là rút ra các kết quả định tính.
4.2.3. Phương pháp khảo sát thực tế
Đây cũng là một phương pháp đặc trưng, truyền thống của khoa học Địa lý. Kết hợp với việc nghiên cứu qua bản đồ và các tài liệu liên quan, phương pháp thực địa được đánh giá là phương pháp quan trọng đối với việc nghiên cứu DL. Phương pháp này luôn được kết hợp với phương pháp điều tra xã hội học, do vậy các thông tin thực tế qua quan sát, nghe và trao đổi thu thập được càng trở nên phong phú hơn.
4.2.4. Phương pháp bản đồ - biểu đồ
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển du lịch tỉnh Luang Prabang, cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong xu thế hội nhập quốc tế - 1
- Phát triển du lịch tỉnh Luang Prabang, cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong xu thế hội nhập quốc tế - 2
- Một Số Hình Thức Tổ Chức Lãnh Thổ Du Lịch (Vận Dụng Cho Cấp Tỉnh)
- Xây Dựng Tiêu Chí Đánh Giá Điểm Du Lịch Vận Dụng Cho Tỉnh Luang Prabang
- Tình Hình Phát Triển Du Lịch Việt Nam Và Lào
Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.
Bản đồ- biểu đồ là phương pháp thể hiện trực quan, sinh động nhất các đối tượng nghiên cứu của Địa lý nói chung và Địa lý du lịch nói riêng. Bằng ngôn ngữ kí hiệu, bản đồ mô phỏng hình ảnh thu nhỏ một cách trung thực nhất các đối tượng nghiên cứu Địa lý du lịch với sự phân bố về bề mặt không gian lãnh thổ cũng như một số mặt về định lượng và định tính của đối tượng. Kết hợp với bản đồ là biểu đồ chỉ ra xu hướng phát triển của hiện tượng hoặc các dạng biểu đồ so sánh với không gian nhất định. Trong quá trình nghiên cứu luận văn, một số bản đồ chức năng đã được xây dựng: Bản đồ hành chính tỉnh Luang Prabang, Bản đồ hiện trạng tài nguyên du lịch tỉnh Luang Prabang, Bản đồ các tuyến điểm du lịch tỉnh Luang Prabang …
4.2.5. Phương pháp thang điểm tổng hợp đánh giá tiềm năng phát triển du lịch
Trong quá trình nghiên cứu tác giả sử dụng phương pháp thang điểm tổng hợp. Khi nghiên cứu phải lựa chọn các tiêu chí phù hợp để đánh giá. Mỗi hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch ở tỉnh đều có tiêu chí đánh giá cụ thể. Mỗi tiêu chí có các thang điểm đánh giá khác nhau. Việc xây dựng thang điểm đánh giá bao gồm chọn yếu tố đánh giá, xác định các bậc của từng yếu tố, xác định chỉ tiêu của mỗi bậc, cho điểm mỗi bậc, xác định hệ số tính điểm cho các yếu tố.
- Xác định điểm của mỗi bậc và chọn hệ số của các tiêu chí đánh giá: Để đánh giá bằng cách tính điểm thì việc xác định điểm số cho mỗi bậc là rất quan trọng. Trong thang đánh giá, số điểm mỗi bậc của các yếu tố đều bằng nhau. Điểm mỗi bậc được tính từ cao xuống thấp. Kế thừa các công trình của nhiều tác giả, mỗi bậc của mỗi tiêu chí được lựa chọn điểm số theo thang bậc 4,3,2,1.
- Lựa chọn các tiêu chí đánh giá: Trong mỗi hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch có các tiêu chí đánh giá khác nhau. Dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn phải lựa chọn tiêu chí đánh giá như thế nào để đảm bảo tính phân loại của các hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch.
- Xác định bậc của từng tiêu chí đánh giá: Mỗi tiêu chí đánh giá theo từng bậc, thường gồm từ 3 đến 5 bậc từ cao xuống thấp, nhiều đến ít, tốt đến xấu… ứng với các mức độ thuận lợi khác nhau. Đề tài sử dụng 4 bậc từ cao xuống thấp để chỉ mức độ thuận lợi (rất thuận lợi, khá thuận lợi, thuận lợi trung bình và không thuận lợi).
- Xác định hệ số cho mỗi bậc tiêu chí: Việc xác định các tiêu chí cụ thể ứng với mỗi bậc là rất quan trọng. Khi xây dựng có sự định lượng cụ thể để phân loại các tiêu
chí. Trong thực tế, các tiêu chí được lựa chọn để đánh giá có tính chất, mức độ và giá trị không đồng đều. Vì thế, cần phải được xác định hệ số cho các tiêu chí quan trọng hơn. Các hệ số được lựa chọn là 3, 2, 1.
Khi lựa chọn được các tiêu chí đánh giá, xác định thang điểm và hệ số thì tiến hành đánh giá. Điểm đánh giá bao gồm điểm đánh giá riêng của từng yếu tố và điểm tổng hợp. Điểm đánh giá riêng là điểm của các bậc nhân hệ số của yếu tố đó. Như vậy, tiêu chí đánh giá riêng cao nhất có bậc 4 và hệ số cao nhất là 3. Điểm đánh giá sẽ là 4 x 3 = 12. Điểm đánh giá riêng thấp nhất và có hệ số thấp nhất là 1 x 1= 1. Điểm đánh giá tổng hợp là tổng số điểm đánh giá của các yếu tố đó. Căn cứ vào số điểm tối đa mà thang điểm đã xác định và kết quả đánh giá cụ thể của mỗi đối tượng để đánh giá và xếp loại đối tượng đó.
Dựa vào phương pháp này, việc đánh giá điểm cho mỗi hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch đảm bảo tương đối khách quan dễ thực hiện, có thể nhìn một cách nhanh chóng và toàn diện những tiềm năng của các điểm, cụm, tuyến du lịch.
4.2.6. Phương pháp chuyên gia
Ngoài các phương pháp trên thì phương pháp chuyên gia cũng đóng vai trò quan trọng, trong quá trình nghiên cứu đề tài, du lịch thuộc hai lĩnh vực KT - XH đan xen, có liên hệ với nhau và có tác động ảnh hưởng qua lại. Vì vậy, người nghiên cứu muốn đảm bảo cho các đánh giá khách quan, thực tế cần phải có sự tham gia đóng góp ý kiến và kinh nghiệm của các chuyên gia thuộc các ngành khác nhau và kinh nghiệm của chuyên gia đã đúc kết. Tác giả đã tham khảo ý kiến các chuyên gia quản lý, doanh nghiệp du lịch tỉnh Luang Prabang.
4.2.7. Phương pháp SWOT
SWOT là công cụ/phương pháp phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (trong tiếng Anh được viết tắt từ: Strengths, Weaknesses, Opportunities và Threats). Đây là một khung lập kế hoạch mà thông qua đó các cộng đồng có thể nêu lên những ưu tiên, xác định mối quan tâm về du lịch như là một trong những hoạt động triển vọng cho việc tạo thu nhập, sự sẵn sàng của cộng đồng cho việc phát triển và họ có thể thể hiện những lo lắng về việc phát triển du lịch. Đây là một bước hữu ích nhất trước khi bước vào đánh giá chi tiết.
5. Những đóng góp chính của luận văn
- Tổng quan có chọn lọc, góp phần làm sáng tỏ cơ sở lí luận và thực tiễn về phát triển du lịch trong xu thế hội nhập và vận dụng chúng vào tỉnh Luang Prabang.
- Đánh giá những tiềm năng chủ yếu cho phát triển du lịch, những thế mạnh và hạn chế trong phát triển du lịch tỉnh Luang Prabang;
- Phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động du lịch theo hướng bền vững trên địa bàn Luang Prabang giai đoạn 2010-2015.
- Đề xuất những định hướng và giải pháp cụ thể nhằm phát triển du lịch tỉnh Luang Prabang trong tương lai.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, ảnh minh họa, nội dung chính của luận văn được trình bày trong 3 chương.
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển du lịch trong xu thế hội nhập quốc tế.
Chương 2: Các nhân tố ảnh hưởng và thực trạng phát triển du lịch tỉnh Luang Prabang.
Chương 3: Định hướng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Luang Prabang trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRONG XU THẾ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.1. Về phát triển du lịch
1.1.1.1. Một số khái niệm
a. Du lịch
Khái niệm về du lịch có nhiểu cách hiểu do được tiếp cận bằng nhiều cách khác nhau, sau đây là một số quan niệm về du lịch theo các cách tiếp cận phổ biến.
- Du lịch là một hiện tượng: Trước thế kỷ thứ XIX đến tận đầu thế kỷ XX du lịch hầu như văn được coi là đặc quyền của tầng lớp giàu có, quí tộc và người ta chỉ coi đây như một hiện tượng cá biệt trong đời sống kinh tế - xã hội. Trong thời kỳ này, người ta coi du lịch như một hiện tượng xã hội góp phần làm phong phú thêm cuộc sống và nhận thức của con người. Đó là hiện tượng con người rời khỏi nơi cư trú thường xuyên để đến một nơi xa lạ vì nhiều mục đích khác nhau ngoại trừ mục đích tìm kiếm việc làm và ở đó họ phải tiêu tiền mà họ đã kiếm được ở nơi khác.
- Du lịch là một hoạt động: Theo Mill và Morrison du lịch là hoạt động xảy ra khi con người vượt qua biên giới một nước, hay ranh giới một vùng, một khu vực để nhằm mục đích giải trí hoặc công vụ và lưu trú tại đó ít nhất 24 giờ nhưng không quá một năm. Như vậy, có thể xem xét du lịch thông qua hoạt động đặc trưng mà con người mong muốn trong các chuyến đi. Du lịch có thể được hiểu " là hoạt động của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm thỏa mãn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một thời gian nhất định.” Với các cách tiếp cận nói trên du lịch mới chỉ được giải thích dưới góc độ là một hiện tượng, một hoạt động thuộc nhu cầu của khách du lịch.
- Xem xét du lịch một cách toàn diện hơn thì cần phải cân nhắc tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch mới có thể khái niệm và hiểu được bản chất của du lịch một cách đầy đủ. Các chủ thể đó bao gồm: Khách du lịch, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ du lịch, chính quyền địa phương sở tại, cộng đồng dân cư địa phương. Theo cách tiếp cận này “Du lịch là tổng hợp các hiện tượng và các mối quan hệ phát sinh từ sự tác động qua lại giữa khách du lịch, các nhà kinh doanh,
chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương trong quá trình thu hút và tiếp đón khách du lịch”.
Hội nghị lần thứ 27 (năm 1993) của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã đưa ra khái niệm du lịch như sau: “Du lịch là hoạt động về chuyến đi đến một nơi khác với môi trường sống thường xuyên của con người và ở lại đó để tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hay các mục đích khác ngoài các hoạt động để có thù lao ở nơi đến với thời gian liên tục ít hơn một năm”. [26]
Trong Luật Du lịch Việt Nam (năm 2005), tại điều 4, chương I, định nghĩa: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”.[17]
Tóm lại, du lịch là hoạt động mang tính không thường xuyên của con người ở ngoài nơi công tác và nơi cư trú, diễn ra vào thời gian rảnh rỗi, nhằm mục đích tham quan, vui chơi giải trí, phục hồi sức khỏe đồng thời nâng cao nhận thức về thế giới xung quanh. Tác động của du lịch đến địa bàn hoạt động du lịch là trên mọi khía cạnh và tùy thuộc từng loại hình du lịch cụ thể. Ngược lại thì địa bàn lại quy định sự có mặt của các loại hình du lịch.
b. Khách du lịch
Theo Luật Du lịch Việt Nam (năm 2005) thì “Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến”. Tại điều 34, chương V quy định: “Khách du lịch gồm khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế. Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam đi du lịch trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Khách du lịch quốc tế là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch; công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam ra nước ngoài du lịch”.[17]
Việc xác định ai là du khách (khách du lịch) có nhiều quan điểm khác nhau ở đây cần phân biệt giữa khách du lịch, khách thăm quan và lữ khách dựa vào 3 tiêu thức: Mục đích, thời gian, không gian chuyến đi.
Theo nhà kinh tế học người Anh, ông Ogilvie: Khách du lịch là “ tất cả những người thỏa mãn 2 điều kiện: rời khỏi nơi ở thường xuyên trong khoảng thời gian dưới một năm và chi tiêu tiền bạc tại nơi họ đến thăm mà không kiếm tiền ở đó ”. Khái
niệm này chưa hoàn chỉnh vì nó chưa làm rõ được mục đích của người đi du lịch và qua đó để phân biệt được với những người cung rời khỏi nơi cư trú của mình nhưng lại không phải là khách du lịch.
Hội nghị Liên hợp quốc về du lịch tại Roma (1963) thống nhất quan niệm về khách du lịch quốc tế và nội địa, sau này được tổ chức du lịch thế giới WTO (World Tourism Organization) chính thức thừa nhận: Khách du lịch quốc tế (International Tourist) là những người lưu trú ít nhất là một đêm nhưng không quá một năm tại một quốc gia khác với quốc gia thường trú với nhiều mục đích khác nhau ngoài hoạt động để được trả lương ở nơi đến. Khách du lịch nội địa (Domestic Tourist) là một người đang sống trong một quốc gia, không kể quốc tịch nào, đi đến một nơi khác không phải nơi cư trú thường xuyên trong quốc gia đó trong khoảng thời gian ít nhất 24 giờ và không quá một năm với các mục đích khác nhau ngoài hoạt động để được trả lương ở nơi đến.
c. Sản phẩm du lịch
Sản phẩm du lịch bao gồm các dịch vụ du lịch, các hàng hóa và tiện nghi cung ứng cho du khách, nó được tạo nên bởi sự kết hợp các yếu tố tự nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật và lao động du lịch tại một vùng, một địa phương nào đó.
Như vậy sản phẩm du lịch bao gồm những yếu tố hữu hình (hàng hóa) và những yếu tố vô hình (dịch vụ) để cung cấp cho du khách hay nó bao gồm các hàng hóa, các dịch vụ và tiện nghi phục vụ khách du lịch.
Theo Luật Du lịch Việt Nam (2005): “Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch” [17]. Như vậy, hiểu một cách chung nhất, sản phẩm du lịch là sự kết hợp những dịch vụ và phương tiện vật chất trên cơ sở khai thác các tài nguyên du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Sản phẩm du lịch = Dịch vụ du lịch + Tài nguyên du lịch [17].
Dịch vụ du lịch gồm có: dịch vụ lữ hành; dịch vụ vận chuyển; dịch vụ lưu trữ, ăn uống; dịch vụ vui chơi, giải trí; dịch vụ mua sắm; dịch vụ thông tin, hướng dẫn; dịch vụ trung gian và dịch vụ bổ sung.
d. Tài nguyên du lịch
Du lịch là một trong những ngành có sự định hướng tài nguyên rõ rệt. Tài nguyên du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức lãnh thổ du lịch, hiệu quả hoạt động
của ngành du lịch. Tài nguyên du lịch được phân loại thành hai hình thức cơ bản là tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.
1.1.1.2. Các loại hình du lịch
Các hoạt động du lịch rất phong phú và đa dạng. Tùy theo yêu cầu và mục đích khác nhau mà hoạt động đó được phân loại thành các loại hình khác nhau.
a. Phân loại tổng quát
- Du lịch sinh thái, còn có nhiều tên gọi khác nhau: Du lịch thiên nhiên, du lịch dựa vào thiên nhiên, du lịch môi trường, du lịch xanh, du lịch thám hiểm, du lịch bản địa, du lịch có trách nhiệm, du lịch nhạy cảm, du lịch bền vững.
- Du lịch văn hóa.
b. Phân loại cụ thể các loại hình du lịch
- Căn cứ vào phạm vi lãnh thổ: du lịch quốc tế, nội địa.
- Căn cứ vào nhu cầu đi du lịch của du khách: du lịch chữa bệnh, nghỉ ngơi, giải trí, thể thao, công vụ, tôn giáo, khám phá, thăm hỏi, quá cảnh...
- Căn cứ vào phương tiện giao thông: bằng xe đạp, tàu biển, tàu hỏa, hàng không, ô tô...
- Căn cứ theo phương tiện lưu trú: du lịch ở khách sạn, du lịch ở Motel, du lịch nhà trọ, du lịch camping...
- Căn cứ vào thời gian đi du lịch: du lịch dài ngày từ 2 tuần đến 5 tuần, ngắn ngày, cuối tuần...
- Căn cứ vào đặc điểm địa lý của địa điểm du lịch: du lịch miền biển, vùng núi, đô thị, đồng quê...
- Căn cứ vào hình thức tổ chức du lịch: du lịch theo đoàn, du lịch cá nhân...
- Căn cứ vào thành phần của du khách: du khách thượng lưu, bình dân...
- Căn cứ vào phương thức kí kết hợp đồng đi du lịch: du lịch trọn gói, mua từng phần của tour du lịch...
c. Phân loại theo mục đích chuyến đi
- Du lịch thuần túy: Bản chất của du lịch là du ngoạn để cảm nhận những giá trị vật chất và tinh thần có tính văn hóa cao. Chuyến du ngoạn đó có thể có mục đích thuần túy là thăm quan, nghỉ ngơi, giải trí, nâng cao nhận thức về thế giới xung quanh. Du lịch thuần túy có thể bao gồm các loại hình sau: