Phát triển du lịch tâm linh khu vực phía Tây Hà Nội - 9


Trước ban Tam bảo là bệ hoa sen. Bệ này còn lưu lại những trang trí gạch gốm của thời Mạc, hình rồng, hoa sen và chim thần khá đẹp.

2.2.2 Di tích tín ngưỡng

2.2.2.1 Đình

Đình làng là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng ra đời từ thời Lê Sơ, đánh dấu một bước phát triển của cơ cấu làng xã cổ truyền. Đình làng là một biểu tượng của tính cộng đồng, tự trị dân chủ của làng xã. Ngôi đình là trung tâm văn hóa của làng mà thể hiện cô đọng nhất là lễ hội....Hà Tây tự hào có ba trong số những ngôi đình cổ nhất và có giá trị điêu khắc nhất Việt Nam đó là đình Thụy Phiêu và đình Tây Đằng và đình Chu Quyến.

Đình Thụy Phiêu

Đình Thụy Phiêu tọa lạc tại làng Thụy Phiêu, xã Thụy An, huyện Ba Vì. Làng Thụy Phiêu, còn có tên gọi khác là làng Nhang Phiêu, là một làng cổ nằm cách huyện lỵ Ba Vì chừng 5km về phía Nam. Thời Lê, làng này là một làng lớn nhất xã nên tên làng còn được dùng để đặt tên cho tổng Thụy Phiêu thuộc huyện Phúc Lộc.

Đình được dựng trên một gò đất cao hơn 20m ở đầu làng Thuỵ Phiêu, quay hướng Đông - Đông Bắc, tựa lưng vào núi Ba Vì, trông ra đầm Đượng. Trong đình Thuỵ Phiêu, trên phần đầu cây cột cái tiền bên trái gian giữa có khắc dòng chữ Hán "Thôn Đông, giáp Nam. Đại Chính nhị niên . Tân Mão, thập nhị nguyệt, sơ thất nhật, tu lý" (giáp Nam, thôn Đông sửa ngày 07 tháng 12 năm Tân Mão niên hiệu Đại Chính năm thứ hai). Đại Chính là niên hiệu của vua Mạc Đăng Doanh và năm Tân Mão dưới triều này là năm 1531. Niên đại 1531 của đình làng Thuỵ Phiêu khẳng định đây là ngôi đình cổ nhất nước ta.

Như nhiều công trình kiến trúc dân gian truyền thống khác, đình Thuỵ Phiêu có kết cấu khung gỗ chịu lực chính, ba phía (sau và hai bên) có xây tường gạch nhưng chủ yếu mang tính chất bảo vệ cổ vật và không gian thờ tự. Hầu hết cột và các cấu kiện khác đều được làm bằng gỗ mít. Một số cột được


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.

thay bằng gỗ lim ở các lần tu bổ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong đó có cột cái trước bên phải gian giữa được thay năm Quý Hợi (1923), cột cái sau bên phải gian giữa làm năm Cảnh Thịnh 8 (1800), cột quân trước gian bên phải làm năm Canh Thân (1860).

Phía sau của gian giữa có một sàn lửng được tạo cách mặt nền khoảng 1,5m tạo mặt bằng sàn thờ có diện tích 12m², mở cửa phía trước tạo thành cung thờ Thành hoàng làng.Trên kiến trúc gỗ đình Thuỵ Phiêu không được trang trí cầu kỳ và dày đặc như đình Tây Đằng nhưng qua các mảng điêu khắc trên vì nóc, bộ khung của sàn gác lửng đã góp phần khá quan trọng cho việc nghiên cứu về mỹ thuật của người Việt truyền thống qua các thời kỳ.

Phát triển du lịch tâm linh khu vực phía Tây Hà Nội - 9

Trong đình Thụy Phiêu trang trí biểu tượng vân xoắn lớn được thể hiện nhiều hơn cả trên các thành phần điêu khắc. Theo các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc, vân xoắn lớn là biểu tượng của nguồn sáng, của chớp trong tư duy của cư dân nông nghiệp lúa nước. Vân xoắn trên các con rường ở đình Thuỵ Phiêu được thể hiện bằng kỹ thuật chạm nổi, chạm chìm khá tròn trịa và trau chuốt. Đặc biệt trên một ván lá đề ở vì nóc gian bên phải có chạm hai vân xoắn lớn cuộn ngược chiều đối xứng với nhau và được buộc bởi một chuỗi hạt nổi có gắn lá đề nhỏ. Đề tài rồng cũng được chạm ở nhiều vị trí khác nhau, đáng chú ý hơn cả là các mảng chạm "tiên cưỡi rồng" trên ván lá đề ở các vì nóc.

Nằm trong vùng văn hoá cổ, cũng như hàng loạt các di tích ven chân núi Ba Vì, đình Thuỵ Phiêu thờ Đức Tản Viên làm Thành hoàng làng. Trong đời sống tinh thần của người Việt, thần Tản Viên có vị trí quan trọng đặc biệt. Tổ tiên ta đã coi thần là người mở đầu cho quá trình đấu tranh bền bỉ để chinh phục tự nhiên. Thần là biểu tượng cho truyền thống lao động sáng tạo của tổ tiên ta từ buổi đầu dựng nước. Trong cung thánh đình Thụy Phiêu vẫn còn lưu giữ được ba cỗ long ngai trên đặt ba bài vị, trong lòng bài vị có ghi "Tản Viên Sơn Quốc Chủ Tam Vị Đại Vương" và các bản ngọc phả (thời Nguyễn) ghi


chép về sự tích của các vị thành hoàng làng. Bài vị và hai cỗ ngai là tác phẩm điêu khắc nghệ thuật thế kỷ XVII, còn một cỗ long ngai khác là sản phẩm của điêu khắc cuối thế kỷ XVIII. Hai bên có hai tượng phỗng chầu bằng gỗ trong tư thế quỳ, hai tay chắp trước ngực, cởi trần, đóng khố, tóc búi trái đào mang đậm chất dân gian. Hai đầu cột sàn gác lửng đặt đôi nghề thờ bằng gỗ chạm tư thế ngồi chống hai chân trước chầu vào. Miệng nghê há rộng, ngậm viên ngọc, các đường nét làm cách điệu, nổi khối sinh động. Đôi nghê là tác phẩm điêu khắc gỗ thế kỷ XVII.

Đình Thụy Phiêu đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại quyết định số 52/2001/QĐ-BVHTT ngày 28 tháng 12 năm 2001.

Đình Tây Đằng

Đình Tây Đằng thuộc thôn Đông, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013.

Đây là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, độc đáo vào loại bậc nhất ở xứ Đoài. Đình thờ ba vị Thành hoàng: Tản Viên, Cao Sơn và Quí Minh, những vị anh hùng văn hoá, biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc trong việc chế ngự thiên tai, lũ lụt và chống giặc ngoại xâm...

Căn cứ vào dấu vết kiến trúc và nghệ thuật trang trí hiện còn, có thể khẳng định, đình Tây Đằng có niên đại khởi dựng vào thời Mạc, thế kỷ XVI. Và, kết quả kiểm tra bằng phương pháp C14 cũng đã ủng hộ nhận định này. Đến nay, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, và lần gần đây nhất là vào năm 2002 - 2004.

Kiến trúc của đình gồm: cổng đình, hồ bán nguyệt, nghi môn, tả- hữu mạc, đại đình, giếng đình và một số hạng mục phụ trợ khác. Điểm đặc biệt trong kiến trúc đình Tây Đằng và các ngôi đình cùng niên đại thời Mạc (thế kỷ XVI), như Đình Thanh Lũng (Ba Vì), là còn có thêm bộ phận cánh gà đỡ dưới dạ các xà dọc (tai cột). Cấu kiện này bao gồm hai thân gỗ, có đặc điểm dài ở


trên, ngắn ở dưới. Một số cánh gà còn có hai đấu vuông thót đáy kê ở giữa, với thân ván dày, bên dưới còn được chạm khắc tỉ mỉ các đề tài rồng, cá chép hóa rồng. Đình Tây Đằng hiện còn bảo tồn được tương đối nguyên vẹn hệ thống cánh gà có niên đại sớm nhất và hiếm thấy trong di tích cổ truyền ở nước ta.

Về kết cấu mặt bằng, kiến trúc đình Tây Đằng thuộc phong cách nghệ thuật thế kỷ XVI. Theo mặt cắt dọc các bộ vì được các xà dọc liên kết lại thành một khung chịu lực. Liên kết của đấu bao gồm: Đứng lực trên xà là một đấu vuông thót đáy lớn, hai bên đều có tay đỡ ngang uốn đầu lên đỡ những đấu vuông thót đáy nhỏ hơn. Trên lưng tay đòn của đấu được thể hiện hình tượng của các thiên thần, như: nhạc sĩ thiên thần, vũ nữ thiên thần, thổi sáo, tiêu, gảy đàn đáy, đàn nguyệt. Các hình tượng trang trí này đã trở thành chủ thể độc đáo ở di tích đình Tây Đằng. Tại gian giữa tòa Đại đình phía trước bài trí sập thờ, hương án, án gian và các đồ thờ tự. Gian trái bên phải đình đặt ban thờ quan bộ hộ. Hậu cung là nơi thờ Thành hoàng làng, lưu giữ các vật thiêng liêng và đồ thờ cúng. Bên trong cửa hậu cung là nơi trang trọng, thâm nghiêm được đặt 3 ngai thờ vị Thành hoàng.

Nghệ thuật điêu khắc, trang trí kiến trúc đình Tây Đằng được thể hiện trên toàn bộ kết cấu gỗ của ngôi đình, hầu như không có mảng trống nào trên gỗ là không có chạm khắc trang trí. Với kỹ thuật chạm lộng, chạm bong kênh, chạm nối, chạm thùng đạt đến đỉnh cao của một hình thức thao diễn, tạo nên những tác phẩm điêu khắc tuyệt tác, dù những tác phẩm này đứng riêng biệt hay hòa nhập trong một tổng thể kiến trúc. Các đề tài được tập trung vào ít nhất ba loại hình cơ bản sau: linh vật, hình tượng con người, biểu tượng tự nhiên và cây cỏ được “vũ trụ” hóa. Các linh vật thì phổ biến nhất là rồng, lân, hươu, phượng, voi, ngựa... như miêu tả sinh hoạt của con người, đó là đốn củi, đuổi hổ, bắt rắn, làm xiếc, xen lẫn hoa cúc, lan đằng... Trong tạo hình rồng ở đình Tây Đằng là sự kế thừa gần gũi của con rồng thời Lê sơ. Rồng


của đình Tây Đằng nhìn chung đa số đầu dày, môi dày, râu và long mi răng cưa, tai và sừng vểnh lên. Ngoài đề tài rồng, tại đình Tây Đằng còn chạm khắc đề tài lân.

Đình Tây Đằng không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa của nhân dân địa phương, nơi hội tụ cộng đồng làng xã, mà còn là một “bảo tàng văn hoá, nghệ thuật dân gian” sống động, là nguồn tư liệu sáng giá để nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hoá của cộng đồng và dân tộc.

Đình Chu Quyến

Đình Chu Quyến, thuộc xã Chu Minh, huyện Ba Vì - một ngôi đình cổ được xây dựng từ thế kỷ 17 chính là một ngôi đình tiêu biểu, góp phần làm nên vẻ đẹp văn hóa cho vùng đất thiêng Ba Vì.

Đình Chu Quyến thờ thành hoàng làng là Nhã Lang Vương - con của Hậu Lý Nam Đế Phật tử. Đình thường được người dân ở đây gọi là đình Chàng vì xưa đình vốn thuộc làng Chu Chàng, xã Châu Chàng, tổng Châu Chàng, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây.

Với những giá trị độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc và lịch sử văn hóa, từ năm 1962, đình đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) xếp hạng là một trong những di tích văn hóa lịch sử đặc biệt quan trọng của Quốc gia.

Như hầu hết các ngôi đình cổ xứ Đoài, đình Chu Quyến có bộ mái đình xòe rộng ra bốn phía, chiếm tới hơn 3/4 toàn thể ngôi đình nhưng lại lan rộng xuống thấp nên càng làm tăng thêm vẻ vững chãi, bề thế của ngôi đình. Bù lại, các đầu đao của mái đều được uốn cong làm cho ngôi đình trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát và duyên dáng gấp bội phần.

Đình Chu Quyến là một ngôi đình cổ hiếm hoi có nhiều tác phẩm trang trí đặc sắc được thể hiện cả trên đất nung và trên gỗ. Ông Bạch Công Tiến - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì cho biết, rất nhiều đoàn chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa đã đến tham quan, tìm hiểu về giá trị của ngôi đình cổ


này và đều khẳng định: Những con giống làm bằng đất nung được trang trí trên hai đầu nóc, đầu đao của đình là rất tuyệt vời. Hình ảnh mây lửa mềm mại, hình tượng con lân, đầu rồng mắt to, trợn tròn, miệng há rộng hướng về các đao lửa trên bờ guột của đình thể hiện tài năng sáng tạo cao độ của người Việt xưa.

Giá trị văn hóa lịch sử của đình Chu Quyến còn được thể hiện ở những thần tích và một số di vật cổ, đặc biệt là những đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn và triều Nguyễn phong thần cho Nhã Lang Vương còn được lưu giữ đến tận ngày nay.

Đình Chu Quyến đã góp phần tạo thành một giá trị phong cách kiến trúc nổi bật ở một xứ nằm phía Tây Thăng Long, xứng với câu thành ngữ tục ngữ: "Cầu Nam - chùa Bắc - đình Đoài".

2.2.2.2 Đền

Đền thờ ở phía Tây Hà Nội (Hà Tây cũ) thường có kiến trúc nội công ngoại quốc, được xây dựng ngay trên đất của các vị thánh, thành hoàng lúc còn sinh sống. Các công trình kiến trúc trong khu đền đối xứng theo trục chính đạo và là nơi thờ Thánh hoặc thờ Thành hoàng làng. Đáng kể nhất ở đây cần nói tới đó là Đền Và và quần thể đền thờ Tản Viên sơn thánh (đền Hạ - đền Trung – đền Thượng).

Đền Và

Đền Và thuộc huyện Ba Vì, nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh (Tam vị thánh Tản: Tản Viên sơn thần, Cao Sơn, Quý Minh), vị thánh đứng đầu trong Tứ Bất Tử của người Việt.

Tọa lạc trên một quả đồi rộng và thấp, thâm u bóng lim cổ thụ, bao quanh là những bức tường xây bằng đá ong, đền Và có tổng diện tích khoảng trên dưới 2.000m2 , nằm trong khuân viên có tổng diện tích 8000m2. Theo thuyết phong thuỷ, đồi có thế đất hình con rùa (một trong tứ linh biểu tượng cho sự bền vững) quay mặt về hướng Đông. Nằm giữa cánh đồng Khói Nhang , đền


được xây dựng ngay trên lưng rùa, đầu rùa nhìn ra đầm Vân Mộng. Khu vực bên ngoài là dinh thờ Ngũ hổ, động Sơn Trang thờ Mẫu Thượng Ngàn và giếng Cô Tiên. Tam quan của đền nằm giữa hàng đại già có đến vài trăm năm tuổi, hướng về phía núi Tản Viên. Qua Tam quan, vào khu vực Ngoại cung là một khoảng sân gạch rộng, bên trái có gác chiêng, bên phải có gác trống, được kiến trúc theo kiểu chồng diêm tám mái. Kế đến là nhà tiền tế (được gọi là đền Hạ) với hai dãy tả, hữu vu, thuộc khu vực Nội cung. Theo nội dung tấm bia Vân Già trước nhà tiền tế, năm Tự Đức thứ 36- năm tổ chức đợt trùng tu đền lớn nhất với tiền cung tiến của dân sở tại, các quan chức hàng huyện, hàng tỉnh, các nhà buôn và khách thập phương thì đền Và đã có từ thời nước ta còn bị nhà Đường đô hộ (giai đoạn lịch sử 679- 866. Thông với nhà tiền tế (đền Hạ) là gian ngoài của hậu cung (đền Trung). Tại đây, có hai pho tượng: Một văn, một võ (văn võ lưỡng ban) trong tư thế ngồi, quay mặt vào nhau và bốn pho tượng Tứ trấn kích cỡ tương đương người thật, mỗi bên hai vị, đứng đối diện nhau, mặc áo bào đỏ, tay cầm vũ khí trấn ở bốn cung của Tam vị đức thánh Tản. Qua đền Trung đến gian trong của hậu cung (đền Thượng). Ngay ở vị trí trang trọng của thượng cung là bức đại tự với dòng chữ: “Thượng đẳng tối linh” có niên đại cùng với niên đại của tấm bia dựng ở đầu hồi nhà tiền tế, đồng thời cũng là năm đền được trùng tu với quy mô lớn nhất là năm Tự Đức

- Quý Mùi (1883). Phía trong cùng của hậu cung- theo thứ tự từ trong ra- là một chiếc khám lớn sơn son thếp vàng, cao trên ba mét, trong đặt bài vị đức Quốc mẫu là bà Đinh Thị Điên (tục gọi là bà Đen), mẹ của đức thánh Tản. Phía trước bài vị đức Quốc mẫu là bài vị Tam vị đức thánh Tản: Ở bên tả và ở vị trí cao nhất là Tản Viên, kế đến Cao Sơn (còn gọi là Sùng Công) và cuối cùng là Quý Minh (Hiển Công). Trước khám thờ là hương án, trên có ba cỗ long ngai của Tam vị đức thánh Tản.

Hiện ở đền Và còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Sắc phong của các triều đại, các đồ tế tự (trong đó có hai cây đèn đá thời Lê) và đặc biệt


là những tấm ván gỗ khắc văn thơ của các danh sĩ như: Nguyễn Khản, Nguyễn Thiện Kế, Trần Lê Nhân... khiến cho không gian linh thiêng và không gian văn hóa ở đây hòa quyện vào nhau, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Đoài.

Đền Và đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1964. Với những giá trị cảnh quan và cũng là di tích lớn nhất trong số 200 di tích lịch sử - văn hóa thờ Tản Viên sơn Thánh xứ Đoài; có vị trí địa lý gần gũi với làng cổ Đường Lâm, thành cổ Sơn Tây đền Và đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi về thăm đất Sơn Tây – trung tâm xứ Đoài xưa kia và một nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến ngày nay.

Quần thể đền thờ Tản Viên sơn thánh (đền Hạ - đền Trung – đền

Thượng)

Đền Hạ: Nằm dưới chân núi Tản, ven bờ sông Đà dữ dội, thường được người dân bản địa gọi là Tây cung hay đền Năm Dân. Đền Hạ được xây dựng từ đầu thế kỷ XVIII, gắn với huyền thoại Tam vị Sơn thánh đi đốn củi và nghỉ lại qua đây, nhân dân dựng đền để tưởng nhớ. Kiến trúc của Đền Hạ gồm điện thờ chính (Tiền Bái, Hậu Cung), Tam quan, nhà thờ Mẫu, Lầu cô, Lầu cậu, nhà sắp lễ. Hiện nay tại đền còn lưu giữ một tấm bia "Tản Viên từ ký" dựng năm Tự Đức thứ nhất 1848 ghi chép về đền thờ Đức Thánh Tản.

Đền Trung: theo một số tư liệu, Đền Trung được xây dựng từ triều Lý. Đến triều Nguyễn, vua Minh Mạng cho Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai trùng tu lại. Đền có kết cấu kiến trúc hình chữ Tam phỏng theo quẻ Càn trong kinh dịch, biểu tượng cho sự bền vững gồm Tiền tế, Đại bái, Hậu cung. Đền có quy mô lớn, hoành tráng, gồm nhiều hạng mục kiến trúc như miếu thờ Đức Ông, nhà Mẫu, nhà thờ Phật ... tất cả đã tạo thành một quần thể di tích liên quan đến sự tích Đức Thánh Tản Viên Sơn Tinh và là ngôi đền có một vị thế đẹp nhất trong các ngôi đền thờ Tản Viên ở Ba Vì.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/03/2024