đảo Cát Bà cùng với Đồ Sơn, Hạ Long trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế của cả nước”.
Những năm gần đây, đặc biệt trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Hải Phòng luôn là một điểm đến lý tưởng để du khách trong và ngoài nước có cơ hội khám phá những nét độc đáo về du lịch sinh thái. Sản phẩm tour du lịch của Hải Phòng ngày càng đa dạng và lôi cuốn, với hệ thống biển, đảo, di tích đền miếu và giá trị văn hoá truyền thống lễ hội, tài nguyên di sản văn hoá…điều đó đã góp phần làm phong phú các tour du lịch trên địa bàn. Sự phát triển đó tạo ra hiệu quả kinh doanh đáng khích lệ, góp phần không nhỏ trong tổng sản phẩm xã hội, cũng như ngân sách của thành phố. Hiện nay, Hải Phòng đang tiến hành quy hoạch khu du lịch Đồ Sơn, đồng thời xây dựng đề án trình UNESCO công nhận Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới.
Tuy nhiên, Du lịch Hải Phòng còn không ít hạn chế và yếu kém. Đó là: chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế; công tác quy hoạch chưa theo kịp được đà phát triển nhanh chóng, còn mang nặng tính tự phát. Du lịch Hải Phòng không có sự quảng bá tốt, thiếu những sản phẩm du lịch độc đáo, những thương hiệu mạnh để đủ sức cạnh tranh ngay ở trong nước, chứ chưa nói đến quốc tế. Thu hút và huy động vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn khiêm tốn, vì vậy chưa có những công trình lớn làm điểm nhấn cho phát triển ngành. Là một thành phố lớn, đô thị loại 1, song đến nay thành phố vẫn chưa có khách sạn 5 sao, hạn chế trực tiếp đến việc tổ thức các sự kiện quốc tế lớn ở Hải Phòng. Lực lượng lao động du lịch vừa thiếu, vừa yếu ở hầu hết các lĩnh vực kỹ thuật, nghiệp vụ, công tác quản lý du lịch tuy có cố gắng nhưng còn nhiều bất cập…
Hội nhập quốc tế là xu thế khách quan, đòi hỏi các quốc gia, các vùng lãnh thổ vừa thúc đẩy hợp tác, vừa tăng sức ép cạnh tranh và tính phụ thuộc lẫn nhau, đặt ra những thời cơ và thách thức mới cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hải Phòng nói riêng. Chính vì vậy, phân tích hiện trạng du lịch Hải Phòng là cần thiết và quan trọng để tìm ra những mặt mạnh, mặt yếu trong
phát triển kinh tế du lịch, để trên cơ sở đó đưa ra giải pháp có tính khả thi cho phát triển du lịch Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay. Do đó đề tài “Phát triển du lịch ở Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế” có ý nghĩa cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.
2. Tình hình nghiên cứu
Du lịch là lĩnh vực đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học nghiên cứu dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, đến nay đã có nhiều tác giả, nhiều cuốn sách, bài báo, luận văn và các công trình khoa học đề cập đến vấn đề phát triển du lịch như:
“Phát triển kinh tế du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”, Luận văn thạc sỹ Kinh tế của Trần Quốc Nhật, 1995.
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển du lịch ở Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế - 1
- Đặc Trưng Của Hoạt Động Du Lịch
- Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Phát Triển Du Lịch
- Sự Tác Động Qua Lại Giữa Hội Nhập Quốc Tế Và Phát Triển Du Lịch
Xem toàn bộ 153 trang tài liệu này.
“Kinh tế dịch vụ và du lịch tỉnh Ninh Bình”, Luận văn thạc sỹ Kinh tế của Hoàng Đức Cường, 1999.
“Du lịch Hải Phòng - Thực trạng, phương hướng và giải pháp”, Luận văn thạc sỹ Kinh tế của Phạm Thị Khánh Ngọc, 1999.
“Phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc - tiềm năng và giải pháp”, Luận văn thạc sỹ kinh tế của Trần Ngọc Tư, 2000.
“Thị trường du lịch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”, Luận văn thạc sỹ kinh tế của Trần Thanh Bình, 2005.
“Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế”, Luận văn thạc sỹ kinh tế của Nguyễn Anh Tuấn, năm 2006.
“Tài nguyên du lịch” của tác giả Bùi Thị Hải Yến và Phạm Hồng Long năm 2007, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
“Phát triển kinh tế du lịch Ninh Bình”, Luận văn thạc sỹ Kinh tế chính trị của Mai Thị Thanh, 2007.
“Phát triển du lịch ở tỉnh Bến Tre”, Luận văn thạc sỹ Kinh tế chính trị của Phan Văn Thạch, 2009.
Trong các công trình nghiên cứu ở trên, các tác giả đã góp phần hệ thống hóa lý luận, phản ánh những vấn đề chung của du lịch Việt Nam và thực trạng du lịch ở một số địa phương trong điều kiện mới của đất nước với nhiều góc độ và cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương do có những đặc điểm riêng về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội nên có những thế mạnh cạnh tranh riêng cũng như những thách thức riêng trong việc phát triển du lịch của địa phương. Việc áp dụng và phân tích cho từng địa phương cụ thể cũng cần được phát triển thêm nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế như hiện nay.
Ngoài các công trình nghiên cứu đã dẫn ở trên còn phải kể đến những bài viết trên các tạp chí như: “Du lịch Việt Nam trước thời cơ mới và thách thức mới” (Thương mại năm 1995 - số 8 kỳ 2);
Bài viết “ Về hoạt động xuất khẩu và dịch vụ tại chỗ đối với khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam” (Thông tin kế hoạch số tháng 8/1994);
Bài viết “Về định hướng du lịch năm 1996 - 2000” của Đào Thùy Phi (Tạp chí Kinh tế và dự báo số 5, 1995);
Bài viết “Phát triển nhanh, bền vững và lành mạnh du lịch Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của tác giả Đỗ Quang Trương (Tạp chí cộng sản số 4, 1996);
Bài viết “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2001 - 2010”, Tạp chí Du lịch Việt Nam, 2002
Đề tài nghiên cứu khoa học của Lê Thị Lan Hương: “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế du lịch và dịch vụ du lịch chất lượng cao, trình độ cao phục vụ hội nhập quốc tế” năm 2003;
Bài viết “Du lịch Việt Nam vượt qua những thách thức vững bước trên con đường hội nhập” của tác giả Võ Thị Thắng, Tạp chí du lịch Việt Nam, 2/2004;
Bài viết “Đổi mới cơ chế xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam” của tác giả Phạm Hữu Minh (Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 3, 2007);
Bài viết “Phát triển bền vững du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế” của tác giả Nguyễn Văn Mạnh, Tạp chí Khoa học kinh tế, 8/2008;
Bài viết “Thực trạng và định hướng phát triển ngành du lịch sau giai đoạn suy thoái kinh tế” của tác giả Lê Anh Tuấn và Phạm Mạnh Cường (Tạp chí Nghiên cứu kinh tế số 10, 2010)…
Trong các bài viết và đề tài nghiên ở trên, các tác giả đã đề cập đến các vấn đề chung của du lịch Việt Nam ở nhiều góc độ như: chiến lược phát triển du lịch, thời cơ và thách thức của ngành du lịch trong bối cảnh mới của đất nước, một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế du lịch, thực trạng và định hướng phát triển du lịch trong quá trình hội nhập quốc tế...
Đối với Hải Phòng, là thành phố có tiềm năng du lịch lớn, việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn về vấn đề phát triển du lịch dưới góc độ của khoa kinh tế chính trị vẫn còn ít công trình khoa học; đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với việc phát triển du lịch ở Hải Phòng.
Do đó, đề tài “Phát triển du lịch ở Hải Phòng trong điều kiện hội nhập quốc tế” vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu và vẫn còn ý nghĩa lý luận và thực tiễn.
3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
3.1. Mục đích
Làm sáng tỏ về phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế; phân tích thực trạng phát triển du lịch ở Hải Phòng; đề xuất giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, góp phần đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của Hải Phòng.
3.2. Nhiệm vụ
- Hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về mối quan hệ giữa phát triển du lịch và hội nhập quốc tế.
- Đánh giá thực trạng phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2001 – 2011, định hướng đến 2020.
- Phân tích về cơ hội và thách thức đối với phát triển du lịch ở Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Trên cơ sở đó đề xuất một số phương hướng và giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng trong thời gian tới.
4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn tập trung nghiên cứu về phát triển du lịch Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay dưới góc độ kinh tế chính trị.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Không gian: Nghiên cứu tại Hải Phòng.
- Thời gian: Giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2011, tầm nhìn đến 2020.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Kế thừa và vận dụng những thành tựu nghiên cứu về du lịch của các tác giả, đồng thời quán triệt những quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch ở nước ta hiện nay.
- Tiếp cận nghiên cứu đề tài theo quan điểm duy vật biện chứng, logic - lịch sử và mang tính hệ thống.
- Sử dụng những phương pháp nghiên cứu lý thuyết, tập hợp, phân loại, phân tích, tổng hợp, so sánh... để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận của đề tài.
- Quán triệt một số phương pháp nghiên cứu thực tiễn như thống kê, phân tích số liệu thực tiễn... để tìm ra những điểm mạnh, yếu và giải pháp phát triển bền vững du lịch Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
6. Đóng góp của luận văn
- Luận giải những vấn đề lý luận cơ bản về du lịch, phát triển du lịch; mối quan hệ tác động qua lại giữa hội nhập quốc tế và phát triển du lịch.
- Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong phát triển du lịch ở Hải Phòng. Trên cơ sở dự báo phát triển du lịch Việt Nam, thực trạng và yêu cầu phát triển của ngành du lịch thành phố Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đề xuất những giải pháp khả thi thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong thời gian tới đến 2020.
- Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể làm tài liệu tham khảo cho các cơ quan, ban, ngành của thành phố phục vụ cho việc hoạch định những chính sách thúc đẩy phát triển du lịch trong những năm tiếp theo; tư liệu tham khảo cho các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Hải Phòng.
7. Kết cấu của luận văn
- Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Chương 2: Thực trạng phát triển du lịch của Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Chương 3: Phương hướng và giải pháp phát triển du lịch ở Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Chương 1
PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ
1.1. Du lịch và phát triển du lịch
1.1.1. Du lịch
1.1.1.1. Các khái niệm về du lịch
Du lịch là hoạt động đã có từ lâu trong lịch sử phát triển của loài người. Ngày nay, du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống xã hội và đang phát triển mạnh mẽ thành một ngành kinh tế mũi nhọn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, khái niệm "Du lịch" được hiểu rất khác nhau. Nguyên nhân là do hoàn cảnh (thời gian, khu vực) khác nhau, dưới mỗi góc độ tiếp cận khác nhau lại có một cách hiểu về du lịch khác nhau.
- Xét từ góc độ ngữ nghĩa của từ "Du lịch" được dùng ở mỗi nước.
Du lịch là một thuật ngữ rất thông dụng, nó bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: “tonos” nghĩa là đi một vòng. Thuật ngữ này được latinh hóa thành Turnur và sau đó thành “tour” (tiếng Pháp) nghĩa là đi vòng quanh, cuộc dạo chơi, khởi hành còn “touriste” là người đi dạo chơi. Theo Robert Langquar, từ “tourism” (du lịch) lần đầu tiên xuất hiện trong tiếng Anh vào khoảng năm 1800 và được quốc tế hóa nên nhiều nước đã sử dụng trực tiếp mà không dịch nghĩa. Ở Đức sử dụng từ “Derfremdenverkehrs” có nghĩa nhìn nhận du lịch là mối quan hệ, vận động đi tới các vùng, địa danh khác lạ của người đi du lịch.
Trong tiếng Việt, thuật ngữ “du lịch” được dịch thông qua tiếng Hán. Du có nghĩa là đi chơi, lịch có nghĩa là sự từng trải. Người Trung Quốc còn gọi du lịch là “du lãm” với nghĩa là đi chơi để nâng cao nhận thức.
Như vậy, nhìn chung “du lịch” được hiểu là việc đi lại của từng cá nhân hoặc một nhóm người rời khỏi chỗ của mình trong khoảng thời gian ngắn đến các vùng xung quanh để nghỉ ngơi, giải trí hay chữa bệnh. Người Trung Quốc đã cho rằng du lịch bao gồm 5 yếu tố là: thức, trú, hành, lạc, y. Đi du lịch là được
nếm những món ăn ngon, ở trong những căn phòng tiện nghi, đi lại trên những phương tiện sang trọng, được vui chơi giải trí vui vẻ và có điều kiện mua sắm hàng hóa, quần áo...
- Xét từ góc độ các đối tượng và nhiệm vụ khác nhau của các đối tượng đó khi tham gia vào "hoạt động du lịch". Đối với người đi du lịch thì đó là cuộc hành trình và lưu trú ở một địa danh ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm thoả mãn nhu cầu vật chất, tinh thần của mình. Đối với các chủ cở sở kinh doanh du lịch thì đó là quá trình tổ chức các điều kiện sản xuất, dịch vụ phục vụ người đi du lịch nhằm đạt lợi nhuận tối đa. Đối với chính quyền địa phương có địa danh du lịch, thì đó là việc tổ chức các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật để phục vụ du khách; tổ chức các hoạt động kinh doanh đa dạng giúp đỡ việc lưu trú, việc hành trình của du khách; tổ chức tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại địa phương, tăng nguồn thu cho dân cư, cho ngân sách, nâng cao mức sống của dân cư; tổ chức các hoạt động quản lý hành chính nhà nước bảo vệ môi trường tự nhiên, xã hội của vùng v.v.
- Từ quan niệm và góc độ tiếp cận khác nhau, có rất nhiều các định nghĩa khác nhau về du lịch. Trong vòng hơn 7 thập kỷ qua, kể từ khi thành lập hiệp hội quốc tế các tổ chức du lịch IUOTO (International of Union officical Travel Organization) năm 1925 tại Hà Lan - tiền thân của WTO, đã có rất nhiều tổ chức và cá nhân đưa ra các khái niệm khác nhau.
Năm 1963, với mục đích quốc tế hoá, tại Hội nghị Liên hợp quốc về du lịch họp ở Roma, các chuyên gia đã đưa ra định nghĩa về du lịch như sau: “Du lịch là tổng hợp các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc hành trình và lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi ở thường xuyên của họ hay ngoài nước họ với mục đích hoà bình. Nơi họ đến lưu trú không phải là nơi làm việc của họ”.