Pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc cơ sở giáo dục đại học công lập tại Việt Nam - 2

TÓM TẮT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Thông tin chung


1.1. Tên luận văn: Pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc cơ sở giáo dục đại học công lập tại Việt Nam

1.2. Tác giả: Nguyễn Phương Thảo


1.3. Chuyên ngành: Luật Kinh tế


1.4. Thời gian bảo vệ: 2022


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 99 trang tài liệu này.

1.5. Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Minh Hằng


Pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc cơ sở giáo dục đại học công lập tại Việt Nam - 2

2. Những đóng góp của luận văn


Thứ nhất, thông qua việc phân tích các khái niệm cơ bản về doanh nghiệp khoa học và công nghệ trực thuộc cơ sở giáo dục đại học công lập, luận văn đã hệ thống hóa các cơ sở lý luận về pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp khoa học và công nghệ trực thuộc cơ sở giáo dục đại học công lập.

Thứ hai, luận văn phân tích các quy định pháp luật liên quan đến việc thành lập và quản lý điều hành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trực thuộc cơ sở giáo dục đại học công lập, từ đó nhận diện được những thuận lợi và khó khăn về mặt pháp lý mà loại hình doanh nghiệp này đang phải đối mặt trong hoạt động thực tiễn.

Thứ ba, luận văn đưa ra định hướng hoàn thiện pháp luật và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp khoa học và công nghệ trực thuộc cơ sở giáo dục đại học công lập.

MỞ ĐẦU


1. Tính cấp thiết của đề tài


Trước sự đổi mới phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đại học là một yếu tố mang tính chiến lược nhằm kiến tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài bền vững. Các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) công lập tại Việt Nam đang có những sự thay đổi mạnh mẽ, không chỉ thực hiện mục đích nghiên cứu và truyền bá kiến thức hàn lâm mà còn phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo gắn liền với khởi nghiệp. Chính vì vậy, việc thành lập các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) trực thuộc CSGDĐH đang ngày càng phổ biến do các CSGDĐH muốn đưa các nghiên cứu của mình áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra sản phẩm có giá trị thương mại. Hơn nữa, không thể chỉ dựa vào duy nhất nguồn ngân sách Nhà nước cho các hoạt động nghiên cứu khoa học do gánh nặng nhu cầu về cơ sở vật chất cũng như nội dung nghiên cứu, nhất là đối với các CSGDĐH với định hướng phát triển KH&CN. Nắm bắt được tình hình thực tiễn cùng với mục đích hướng tới xu thế toàn cầu, pháp luật Việt Nam đã bước đầu cho phép các CSGDĐH được phép thành lập doanh nghiệp.

Trên thế giới, mô hình doanh nghiệp KH&CN đang được nhiều quốc gia đẩy mạnh, vì nó không chỉ mang lại lợi thế về kinh tế mà còn đem đến những lợi ích không hề nhỏ cho xã hội từ việc đưa những nghiên cứu khoa học từ trong phòng thí nghiệm áp dụng vào đời sống. Tại các quốc gia phát triển, các đạo luật và chính sách được đưa ra nhằm hỗ trợ cho các CSGDĐH vận hành doanh nghiệp trực thuộc một cách thuận lợi nhất. Tại Việt Nam, mô hình này vẫn được coi là mới trên thị trường, do vậy bên cạnh những thuận lợi về các quy định và chính sách của Nhà nước đối với loại hình doanh nghiệp này thì vẫn còn tồn tại những điểm chưa hợp lý trong vấn đề thành lập và quản lý điều hành. Vì vậy, học viên chọn nghiên cứu đề tài “Pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc cơ sở giáo dục đại học công lập tại Việt Nam” nhằm phân tích các quy định pháp luật Việt Nam mà doanh nghiệp trực thuộc CSGDĐH công lập phải áp dụng trong quá trình thành lập và quản lý điều hành, từ đó đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo điều kiện cho loại hình doanh nghiệp này có cơ hội được

phát triển và mở rộng. Một số gợi ý cũng được đưa ra cho các CSGDĐH công lập nhằm tạo lập môi trường phát triển cho doanh nghiệp trực thuộc.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài


Tại các quốc gia phát triển, các nghiên cứu về mô hình doanh nghiệp trong cơ sở đại học (hay còn gọi là mô hình doanh nghiệp spin-off) trên thế giới được thực hiện khá nhiều và đa dạng. Một số công trình tiêu biểu được công bố trong thời gian qua như “Evaluating Performance of University Spin-Off Companies: Lessons from Italy” (Bigliardi, Galati, F., & Verbano, C., 2013), nghiên cứu về mô hình doanh nghiệp spin-off tại Ý và tại các quốc gia Châu Âu nói chung cùng với việc đề xuất một mô hình đánh giá tiền kiến hoạt động của các doanh nghiệp spin-off; “Resources, capabilities, risk capital and the creation of university spin-out companies” (Lockett,

A. & Wright, M., 2005), đánh giá tác động từ các nguồn lực, quy trình cũng như năng lực của trường đại học đối với việc hình thành các doanh nghiệp spin-off tại Anh. Tại nước láng giềng Trung Quốc, mô hình doanh nghiệp trong trường đại học cũng nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học do nó mang những tính chất riêng biệt. Một số công trình nổi bật được công bố như Eun, J.H., Lee, K., & Wu, G. (2006), “Explaining the “University-run enterprises” in China: A theoretical framework for university–industry relationship in developing countries and its application to China”, nhằm giải thích và đánh giá về sự phát triển của mô hình doanh nghiệp trong trường đại học tại Trung Quốc bằng cách xây dựng khung lý thuyết mới về mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp; Li, He, L., & Zhao, Y. (2020), “The triple helix system and regional entrepreneurship in China”, đánh giá các tác động của mô hình xoắn Triple Helix tới tinh thần khởi nghiệp tại Trung Quốc, hơn nữa nhấn mạnh ảnh hưởng đa chiều của sự hợp tác giữa trường đại học – doanh nghiệp - chính phủ trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong khu vực.

Trong thời gian qua, đề tài về doanh nghiệp trực thuộc đại học nhận được khá nhiều sự quan tâm của giới học thuật. Có rất nhiều hội thảo khoa học cấp trường cũng như các công trình nghiên cứu về đề tài này, chủ yếu là nhìn từ góc độ kinh tế học như Hội thảo về mô hình “Doanh nghiệp trong trường đại học” được Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) phối hợp với Trường Đại học Nam Cần Thơ tổ

chức, bàn luận về sự phát triển của mô hình doanh nghiệp trong trường đại học như một đóng góp cho sự phát triển của nguồn nhân lực chất lượng cao (Kinh Tế Sài Gòn Online, 2020). Nổi bật nhất trong số các công trình nghiên cứu phải kể đến tác giả Đinh Văn Toàn với một số công trình tiêu biểu như: “Phát triển doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học - Từ kinh nghiệm quốc tế đến thực tiễn Việt Nam” (Đinh Văn Toàn, 2019), Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN); “Phát triển doanh nghiệp trong trường đại học và những gợi ý chính sách về đổi mới quản trị đại học ở Việt Nam” (Đinh Văn Toàn, 2019), Tạp chí Khoa học: Kinh tế và Kinh doanh, ĐHQGHN. Tác giả đã miêu tả rõ bức tranh toàn cảnh về hoạt động của các doanh nghiệp trực thuộc trường đại học tại Việt Nam hiện nay và đưa ra giải pháp đóng góp cho công tác nâng cao hiệu quả.

Một số công trình về đề tài doanh nghiệp KH&CN trực thuộc trường đại học được thực hiện bởi các nghiên cứu sinh và cán bộ trường ĐHQGHN cũng được công bố trong thời gian gần đây. Công trình luận án “Chính sách phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong các trường đại học tại Việt Nam” (Mai Hoàng Anh, 2020) đã đưa ra đề xuất xây dựng chính sách phát triển dành cho các doanh nghiệp KH&CN trực thuộc ĐHQGHN thông qua việc nghiên cứu thực tiễn mô hình doanh nghiệp spin-off tại một số nước trên thế giới và nghiên cứu thực trạng hoạt động của một số doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập tại Việt Nam. Bài viết “Đề xuất chính sách phát triển doanh nghiệp khoa học, công nghệ tại Đại học Quốc gia Hà Nội” (Đinh Văn Toàn, 2021) àn trên tạp chí Kinh tế và Dự báo phân tích chính sách liên quan đến việc phát triển doanh nghiệp KH&CN tại ĐHQGHN và đưa ra kiến nghị hoàn thiện chính sách này.

Đặc điểm chung của các công trình trên là đều nhấn mạnh về khía cạnh quản trị đại học, yếu tố pháp lý về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp lại chưa được khai thác triệt để. Trong khi đó, xu hướng thành lập doanh nghiệp trong các CSGDĐH đang ngày một gia tăng cũng như vai trò hết sức quan trọng của nó đối với tình hình kinh tế xã hội chung. Việc chưa làm rõ được các vấn đề pháp lý của việc thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp KH&CN nói riêng sẽ dẫn đến các rủi ro đối với các CSGDĐH công lập khi triển khai mô hình

mới này. Do đó, đề tài luận văn thạc sĩ mà học viên lựa chọn không trùng lặp với các công trình nghiên cứu đã công bố trước đây.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu đề tài


Trên cơ sở lý luận về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp KH&CN trực thuộc các CSGDĐH, thông qua việc phân tích các quy định pháp luật về thủ tục thành lập doanh nghiệp KH&CN trong các CSGDĐH ở Việt Nam và các quy định pháp luật chi phối hoạt động quản lý điều hành của loại doanh nghiệp này, mục đích của luận văn là nhận diện những thuận lợi và khó khăn về mặt pháp lý mà mô hình doanh nghiệp này phải đối mặt, từ đó đưa ra một số đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về thành lập và quản lý điều hành các doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập.

Nhiệm vụ của luận văn này nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận về doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập, nghiên cứu và phân tích các quy định pháp luật về vấn đề thành lập và quản lý điều hành loại hình doanh nghiệp này, cũng như đưa ra định hướng hoàn thiện pháp luật và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về thành lập và quản lý điều hành các doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu


Đối tượng nghiên cứu của đề tài là pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập tại Việt Nam. Đối tượng nghiên cứu của đề tài còn là thực tiễn thi hành các quy định pháp luật này.

Phạm vi nghiên cứu của luận văn này tập trung vào phân tích các quy định pháp luật về thành lập doanh nghiệp trong các CSGDĐH công lập tại Việt Nam và các quy định pháp luật liên quan đến các hoạt động quản lý điều hành loại hình doanh nghiệp này tại Việt Nam. Về mặt không gian, luận văn nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam, phân tích và đánh giá các quy định liên quan đến việc thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập tại Việt Nam. Về mặt thời gian, luận văn lấy mốc thời gian từ năm 2018 khi Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sửa đổi cho phép các CSGDĐH công lập được thành lập doanh

nghiệp trực thuộc. Một số văn bản pháp luật được đưa vào nghiên cứu như Luật Doanh nghiệp năm 2020; Luật GDĐH năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2018; Luật KH&CN năm 2013; Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017; Luật Viên chức năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành của những luật này cùng một số văn bản pháp luật khác có nội dung liên quan.

5. Phương pháp nghiên cứu


Luận văn sử dụng phương pháp thống kê, phương pháp so sánh, phương pháp phân tích tổng hợp, phương pháp hệ thống hóa, khái quát, bình luận làm rõ những nội dung nghiên cứu và nhằm đạt được kết quả nghiên cứu của đề tài. Cụ thể:

Chương 1 sử dụng phương pháp hệ thống hóa và phương pháp phân tích tổng hợp để làm rõ khái niệm, đặc điểm, vai trò và ý nghĩa của doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập. Chương này còn sử dụng phương pháp so sánh để chỉ ra những điểm khác biệt của mô hình doanh nghiệp trực thuộc CSGDĐH công lập đối với mô hình doanh nghiệp spin-off.

Chương 2 sử dụng phương pháp thống kê và phương pháp phân tích tổng hợp để nghiên cứu và phân tích các quy định pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập tại Việt Nam.

Chương 3 sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp để luận giải cho các giải pháp và kiến nghị được nêu ra trong luận văn.

6. Kết cấu của luận văn


Nội dung luận văn bao gồm ba chương:


Chương 1. Khái quát về pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập tại Việt Nam

Chương 2. Thực trạng pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập tại Việt Nam

Chương 3. Đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập tại Việt Nam

CHƯƠNG 1. KHÁI QUÁT VỀ PHÁP LUẬT VỀ THÀNH LẬP VÀ QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRỰC THUỘC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CÔNG LẬP TẠI VIỆT NAM

1.1. Khái quát về CSGDĐH công lập và doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập

1.1.1. Khái quát về CSGDĐH công lập


Trong hệ thống giáo dục quốc dân tại Việt Nam, giáo dục đại học là bậc đào tạo cao nhất thực hiện chức năng đào tạo các chương trình đại học và sau đại học nhằm mục đích phục vụ cộng đồng; ngoài ra, CSGDĐH còn có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động KH&CN (khoản 1 Điều 4, Luật GDĐH sửa đổi năm 2018). CSGDĐH bao gồm đại học, trường đại học và CSGDĐH có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó, Luật GDĐH phân biệt sự khác nhau giữa hai khái niệm đại học và trường đại học. Trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học) là CSGDĐH cung cấp dịch vụ đào tạo nghiên cứu đa ngành nghề, còn đại học là CSGDĐH cung cấp dịch vụ đào tạo nghiên cứu đa lĩnh vực (khoản 2 và 3 Điều 4, Luật GDĐH sửa đổi năm 2018); cả hai đơn vị này đều thiết lập cơ cấu tổ chức tuân thủ theo quy định của Luật GDĐH. Trong đó, đại học quốc gia, đại học vùng là các CSGDĐH thực hiện nhiệm vụ chiến lược và phát triển vùng của quốc gia. Cơ cấu tổ chức của các CSGDĐH nói chung không có sự khác biệt, quy định trong Điều 14 và 15 Luật GDĐH sửa đổi năm 2018 bao gồm Hội đồng trường; hiệu trưởng và phó hiệu trưởng; các khoa, phòng chức năng, thư viện, tổ chức KH&CN, tổ chức phục vụ đào tạo khác; các trường, phân hiệu, viện nghiên cứu, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và các đơn vị khác thành lập theo nhu cầu phát triển của trường đại học. Điểm khác biệt duy nhất trong cơ cấu của đại học đó là trường đại học được liệt kê nằm trong cơ cấu của đại học theo Điều 15 Luật GDĐH, hay nói cách khác đây là mô hình đại học trong đại học.

Các loại hình CSGDĐH được phép thành lập theo quy định là CSGDĐH công lập và CSGDĐH tư thục, trong đó CSGDĐH công lập là “do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và là đại diện chủ sở hữu” (điểm a khoản 2 Điều 7, Luật GDĐH sửa đổi năm 2018). Hai loại hình CSGDĐH này đều mang những đặc tính cơ

bản chung và đều thực hiện mục tiêu được đề ra như trên, tuy nhiên CSGDĐH công lập có những đặc trưng về cơ cấu tổ chức và quản lý điều hành như sau:

Thứ nhất, CSGDĐH công lập được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, trực thuộc các Bộ và cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền hoặc UBND cấp tỉnh. Do vậy, tổ chức này là một đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ về GDĐH theo định nghĩa của Luật Viên chức: “Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý Nhà nước” (khoản 1 Điều 9, Luật Viên chức sửa đổi năm 2019).

Thứ hai, CSGDĐH công lập thuộc sở hữu của Nhà nước và do Nhà nước thành lập, do vậy thuộc sự quản lý và giám sát về tổ chức và hoạt động theo quy định của Nhà nước cũng như cơ quan chủ quản là Bộ và cơ quan ngang Bộ, và chính quyền địa phương. Về cơ cấu tổ chức, CSGDĐH công lập có những bộ phận cơ bản như Hội đồng trường, Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng, các phòng ban chức năng và khoa đào tạo, viện nghiên cứu chuyên ngành. Các quy trình, thủ tục thành lập, công nhận Hội đồng trường cũng như việc công nhận, bổ nhiệm hay bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch Hội đồng trường hoặc các thành viên khác của Hội đồng trường đều phụ thuộc vào cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý Nhà nước. Ngoài ra, các vấn đề về tổ chức nhân sự, tài chính, huy động vốn, xây dựng cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ cán bộ giảng viên… đều bị phụ thuộc nhiều vào cơ quan chủ quản và chịu sự quản lý chuyên môn của cơ quan quản lý Nhà nước về GDĐH.

Thứ ba, cơ sở vật chất và nguồn tài chính đều do Nhà nước đầu tư và đảm bảo kinh phí, do vậy phải tuân thủ theo các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng các tài sản này. Về cơ chế quản lý tài chính, các CSGDĐH công lập được phép tự chủ trong khuôn khổ nhất định. Các CSGDĐH công lập có quyền tự chủ tối đa ở một số khoản chi nhất định, nhưng đồng thời phải tuân thủ các khoản mục chi đã được ấn định bởi cơ quan phân bổ và giao dự toán.

Là bậc đào tạo cao nhất trong hệ thống giáo dục, các CSGDĐH nói chung và các CSGDĐH công lập nói riêng là nguồn cung cấp trực tiếp nguồn nhân lực có kiến thức, trình độ và chất lượng cao cho xã hội, đồng thời còn thực hiện nhiệm vụ là trung

Xem tất cả 99 trang.

Ngày đăng: 23/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí