Ở nước ta, Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn về thuế hiện hành không đưa ra khái niệm, định nghĩa cụ thể về hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, có thể xem xét khái niệm hoàn thuế GTGT dưới các góc độ khác nhau, cụ thể:
Xét dưới góc độ kinh tế - tài chính, hoàn thuế GTGT là việc nhà nước hoàn trả lại cho doanh nghiệp một khoản tiền thuế nhất định đúng bằng với số thuế doanh nghiệp đã nộp khi doanh nghiệp thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Xét dưới góc độ nghiệp vụ thuế thì hoàn thuế GTGT chỉ đơn thuần là một biện pháp kỹ thuật trong công tác hành thu thuế.
Xét dưới góc độ pháp lý thì hoàn thuế là quyền của đối tượng nộp thuế được nhà nước trả lại một khoản tiền thuế nhất định khi có đơn yêu cầu của doanh nghiệp và doanh nghiệp chứng minh thỏa mãn các điều kiện pháp luật quy định. Hơn nữa hoàn thuế GTGT còn là một chế định pháp luật mà nội dung của nó là tập hợp các quy phạm pháp luật quy định về các trường hợp được hoàn thuế, điều kiện hoàn thuế, đối tượng được hoàn thuế, thẩm quyền ra quyết định hoàn thuế và trình tự, thủ tục hoàn thuế…
Đây là những quan điểm về hoàn thuế GTGT nhìn từ những góc độ khác nhau trong quá trình nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, thực tiễn pháp lý cho thấy hoàn thuế GTGT là việc nhà nước hoàn trả lại một khoản tiền nhất định cho đối tượng nộp thuế khi họ thỏa mãn các điều kiện pháp luật quy định.
Như vậy, hoàn thuế là việc hoàn trả lại số tiền thuế nộp thừa cho tổ chức, cá nhân nộp thuế khi:
+ Tổ chức, cá nhân nộp thuế có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp.
+ Tổ chức, cá nhân nộp thuế có số tiền thuế được hoàn theo quy định của pháp luật về thuế GTGT.
Mặt khác, quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối sản phẩm là chu trình kinh tế có sự tham gia của nhiều chủ thể. Cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ là người nộp hộ thuế GTGT nên việc hoàn thuế GTGT là một nghiệp vụ rất quan trọng của thuế GTGT. Phạm vi đối tượng nộp thuế GTGT rộng, việc hoàn thuế GTGT cũng diễn ra trên phạm vi rất rộng, bao hàm nhiều quan hệ phức tạp và có sự liên hoàn giữa các đối tượng nộp thuế.
Vì thế, hoàn thuế GTGT được hiểu là trường hợp đặc biệt của khấu trừ thuế nên hoàn thuế chỉ đặt ra đối với đối tượng nộp thuế theo phương thức khấu trừ thuế. Các cơ sở kinh doanh trong ba tháng liên tục trở lên (không phân biệt niên độ kế toán) có số thuế đầu vào chưa được khấu trừ hết sẽ được hoàn lại. Số thuế được hoàn là số thuế đầu vào chưa được khấu trừ hết của thời gian xin hoàn thuế. Cơ sở kinh doanh trong tháng có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nếu có số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ bán trong nước thì cũng được tính vào số thuế được hoàn trong tháng.
Có thể bạn quan tâm!
- Pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp - 1
- Pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp - 2
- Nội Dung Của Pháp Luật Về Hoàn Thuế Giá Trị Gia Tăng
- Điều Kiện Khấu Trừ, Hoàn Thuế Giá Trị Gia Tăng
- Quy Trình, Thời Hạn Giải Quyết Hoàn Thuế Giá Trị Gia Tăng
Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.
Về nguyên tắc, nếu trong thời kỳ nộp thuế mà thuế đầu vào được khấu trừ không hết thì sẽ phát sinh quyền hoàn thuế. Như vậy, qua phân tích ở trên, có thể hiểu: Hoàn thuế là hệ quả của hành vi khấu trừ thuế đầu vào, nếu số thuế đầu vào được khấu trừ không hết thì nhà nước có nghĩa vụ hoàn thuế cho doanh nghiệp, tức trả lại số thuế nộp thừa cho doanh nghiệp trong kỳ đó. Nếu Nhà nước không hoàn lại kịp thời số tiền thừa này thì coi như Nhà nước chiếm dụng vốn của doanh nghiệp. Số tiền này thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ là người nắm giữ tạm thời khi chưa xác định được số tiền doanh nghiệp phải nộp là bao nhiêu.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 123/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật thuế GTGT của Việt Nam quy định về hoàn thuế GTGT quy định:
Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.
Thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng bằng giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân (x) với thuế suất thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ đó [11].
Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế, khi bán hàng hóa, dịch vụ phải tính và thu thuế của hàng hóa, dịch vụ bán ra. Khi lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, cơ sở kinh doanh phải ghi rõ giá bán chưa có thuế, thuế GTGT và tổng số tiền người mua hàng hóa, dịch vụ phải thanh toán. Trường hợp hóa đơn chỉ ghi giá thanh toán, không ghi giá chưa có thuế và thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra thì phải tính trên giá thanh toán ghi trên hóa đơn, chứng từ.
Thuế GTGT đầu vào (=) tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Số thuế GTGT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam không thuộc các hình thức đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào là loại được dùng chứng từ đặc thù ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì cơ sở được căn cứ vào giá đã có thuế GTGT và phương pháp tính được nêu tại Điểm k, Khoản 1, Điều 7 Luật thuế GTGT 2008 (Giá chưa có thuế giá trị gia tăng = Giá thanh toán chia cho 1+ thuế suất của hàng hóa, dịch vụ (%)), để xác định giá chưa có thuế và thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
Chẳng hạn như trong kỳ, công ty B thanh toán dịch vụ đầu vào được khấu trừ là loại được dùng chứng từ đặc thù:
Tổng giá trị thanh toán là 150 triệu đồng (giá đã có thuế GTGT), dịch vụ này chịu thuế là 10%, số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ được tính như sau: Giá chưa có thuế GTGT = 150 triệu đồng chia cho (/) (1 + 10%).
* Đặc điểm của khấu trừ và hoàn thuế GTGT
Đặc điểm của phương pháp khấu trừ thuế là chỉ áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.
Chế định hoàn thuế GTGT thể hiện ưu điểm của Luật thuế GTGT so với Luật thuế doanh thu, khắc phục hiện tượng thuế đánh trùng lặp từ khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Hoàn thuế GTGT hỗ trợ tích cực đến xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ do mức thuế suất 0% cho một số hàng hóa xuất khẩu. Vì vậy, hoàn thuế GTGT có những đặc điểm nổi bật sau:
Thứ nhất: Chủ thể được hoàn thuế GTGT là đối tượng nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật. Tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 8/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT quy định: "Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng" [11]. Như vậy, chỉ những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế GTGT mới là đối tượng được hoàn thuế GTGT.
Thực chất của việc hoàn thuế là việc Nhà nước trả lại đối tượng nộp thuế một khoản tiền thuế tương ứng với số tiền thuế mà chủ thể đó đã nộp thừa. Như vậy, cá nhân, tổ chức thuộc diện nộp thuế GTGT mà chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế nộp thuế với Nhà nước thì cũng không có quyền yêu cầu hoàn thuế GTGT.
Thứ hai: Tổ chức, cá nhân đã thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, đó là chuyển quyền sở hữu một khoản tiền nhất định (tiền thuế) vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sau đó tổ chức, cá nhân căn cứ vào quy định hiện hành về hoàn thuế GTGT, nếu phù hợp các quy định này, thì tổ chức, cá nhân sẽ nộp đơn tới cơ quan thuế có thẩm quyền để yêu cầu được hoàn trả số tiền thuế.
Xét về bản chất thì hoàn thuế GTGT là việc chuyển quyền sở hữu (một giá trị nhất định) từ Nhà nước sang cho các tổ chức, cá nhân thỏa mãn các điều kiện được hoàn thuế. Việc hoàn thuế được thực hiện bằng một quyết định hành chính của cơ quan thuế có thẩm quyền.
Thứ ba: Căn cứ để được xét và chấp nhận cho hoàn thuế GTGT đó là bộ hồ sơ hoàn thuế GTGT. Hồ sơ hoàn thuế GTGT phải do chính chủ thể nộp thuế GTGT lập hợp lệ theo quy định của pháp luật nhằm chứng minh sự thỏa mãn các điều kiện được xét và chấp nhận hoàn thuế. Hồ sơ hoàn thuế GTGT được quy định cụ thể tại Điều 58 Luật quản lý thuế 2006 và Mục I phần G trong Thông tư số 60/2007/TT-BTC ban hành ngày 14/6/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ban hành ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế năm 2006.
Thứ tư: Nguồn tài chính để thực hiện hoàn thuế GTGT được trích lập từ số tiền thuế GTGT đã thu, gọi là quỹ hoàn thuế GTGT. Quỹ này do cơ quan tài chính thành lập và sử dụng vào mục đích hoàn thuế GTGT cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật. Những quy định cụ thể về quỹ hoàn thuế GTGT được Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể.
1.2. CÁC NGUYÊN TẮC HOÀN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG
Luật thuế GTGT năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định cụ thể về nguyên tắc hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết hồ sơ xin hoàn thuế GTGT của các cơ quan thuế có thẩm quyền, có thể thấy được một số nguyên tắc cơ bản sau đây trong việc hoàn thuế GTGT:
Nguyên tắc quan trọng trong hoàn thuế GTGT là chỉ hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.
Theo quy định tại điểm 1.2b Khoản 1, Mục III, phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một
số điều của Luật thuế GTGT và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP thì thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ được xác định như sau:
Thuế GTGT đầu vào bằng (=) tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Số thuế GTGT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào là loại được dùng chứng từ đặc thù ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì cơ sở được căn cứ vào giá đã có thuế và phương pháp tính nêu tại Điểm 1.10, Mục I, phần B Thông tư 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính để xác định giá không có thuế và thuế GTGT đầu vào.
Trường hợp hóa đơn ghi sai mức thuế suất GTGT mà các cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì xử lý như sau:
Đối với cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ: Nếu thuế suất GTGT ghi trên hóa đơn mua vào cao hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT.
Trường hợp xác định được bên bán đã kê khai, nộp thuế theo đúng thuế suất ghi trên hóa đơn thì được khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn nhưng phải có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý người bán. Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn thấp hơn thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn.
Về nguyên tắc, chỉ hoàn thuế cho các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT khi họ đã thực hiện xong nghĩa vụ thuế và có đủ các điều kiện luật định về hoàn thuế GTGT.
Cơ quan quản lý thuế căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành về thuế GTGT để áp dụng các nguyên tắc hoàn thuế GTGT. Trong thực tiễn, khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan quản lý thuế có xu hướng đơn giản hóa dần, thủ tục hoàn thuế GTGT nhằm tạo điều kiện tiết kiệm thời gian, cũng như chi phí cho các doanh nghiệp xin hoàn thuế.
1.3. VAI TRÒ, Ý NGHĨA CỦA HOÀN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG
Hoàn thuế là một chế định pháp luật của Luật thuế GTGT. Thông qua việc thực hiện pháp luật thuế GTGT thì hoàn thuế GTGT đã thể hiện được những vai trò và ý nghĩa như sau:
Thứ nhất: Hoàn thuế GTGT thể hiện tính ưu việt, vượt trội của thuế GTGT so với thuế doanh thu. Hoàn thuế GTGT đã khắc phục nhược điểm đánh thuế trùng lặp giữa các khâu, đối với cùng một hàng hóa, dịch vụ hay cùng một chủ thể nộp thuế, từ khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng của thuế doanh thu.
Hoàn thuế GTGT là trường hợp đặc biệt của khấu trừ thuế nên hoàn thuế chỉ đặt ra đối với đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế. Ở Việt Nam, căn cứ quy định của luật thuế GTGT thì: Các cơ sở kinh doanh trong 03 tháng liên tục trở lên (không phân biệt niên độ kế toán) có số thuế đầu vào chưa được khấu trừ hết. Số thuế được hoàn là số thuế đầu vào chưa được khấu trừ hết của thời gian xin hoàn thuế. Cơ sở kinh doanh trong tháng có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa xuất khẩu phát sinh trong tháng chưa được khấu trừ từ 200 triệu đồng trở lên thì được xét hoàn thuế theo tháng.
Trường hợp trong tháng, thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết, bao gồm cả thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ bán hàng trong nước thì cũng được tính vào số thuế được hoàn trong tháng. Đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu, gia công chuyển tiếp xuất khẩu, đối tượng hoàn thuế là cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu, gia công chuyển tiếp xuất khẩu. Đối với trường hợp
gia công ủy thác xuất khẩu thì đối tượng được hoàn thuế là cơ sở trực tiếp gia công hàng hóa xuất khẩu.
Thứ hai: Hoàn thuế GTGT giữ vai trò và ý nghĩa to lớn trong việc bảo đảm tính công bằng, bình đẳng cho các chủ thể nộp thuế.
Do bản chất của hoàn thuế GTGT là đánh vào giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng nên khi chưa có giá trị tăng thêm thì không được đánh thuế GTGT thêm của hàng hóa, dịch vụ. Do là loại thuế đánh vào giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ nên số thuế GTGT này đã được cấu thành ngay trong giá cả của các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế đó.
Khi có hoạt động tiêu dùng, các chủ thể tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ là người chịu thuế nhưng tiền thuế lại cấu thành trong giá của hàng hóa, dịch vụ nên không gây tâm lý cho người nộp thuế. Các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế nhà nước nhưng về bản chất chỉ là "nộp thuế hộ" cho đối tượng chịu thuế.
Hoạt động tài chính của doanh nghiệp không hề chịu áp lực gì trong việc nộp thuế vì số tiền thuế GTGT là đánh vào hoạt động tiêu dùng chứ không đánh vào doanh thu của doanh nghiệp nên nó không phải là yếu tố cấu thành lên giá thành sản phẩm nên không cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ ba: Hoàn thuế GTGT đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Theo quy định của pháp luật hoàn thuế GTGT thì hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cũng phải chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, với mức thuế suất chỉ là 0% thì sau khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, các chủ thể nộp thuế có quyền yêu cầu hoàn thuế GTGT đầu vào (có thể sẽ được hoàn lại toàn bộ số thuế đầu vào mà doanh nghiệp đã nộp, vì thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chỉ là 0%).