hướng dẫn viên du lịch – thuộc doanh nghiệp lữ hành quản lý. Trong những quy định này, có những quy định có tính khả thi cao, có thể thực hiện ngay và nằm trong khả năng của các doanh nghiệp lữ hành như: Tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường khi xây dựng chương trình du lịch, không tổ chức loại hình du lịch gây tổn hại đến môi trường; đưa nội dung bảo vệ môi trường vào tài liệu hướng dẫn du lịch, không đưa khách vào những nơi không được phép hoạt động du lịch tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực cấm khác, không đưa khách đến các vùng bị ô nhiễm nặng, vùng đang xảy ra sự cố môi trường. Tuy nhiên, cũng có những quy định mà doanh nghiệp lữ hành có điều kiện tài chính, khả năng nhất định mới có thể thực hiện như: Trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, các biện pháp ứng cứu trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường cho các hướng dẫn viên du lịch; tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương nơi doanh nghiệp tổ chức các chương trình du lịch.
Trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận
chuyển khách du lịch
Trước đây, trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch ít được chú ý. Nhiều người còn cho rằng trong thời gian di chuyển từ điểm này tới điểm khác, khách du lịch thường chỉ có nhu cầu tối thiểu, nhất là khi ở trên phương tiện vận chuyển. Tuy nhiên, ngày nay nhiều phương tiện vận chuyển du lịch đã ra đời với đông đảo về số lượng và đa dạng về chủng loại. Có những phương tiện vận chuyển, khách du lịch lưu lại đến vài giờ, thậm chí vài ngày như tàu biển (vịnh Hạ Long), tàu hỏa (các toa du lịch đi từ Hà Nội – Lào Cai)... Do đó, không thể không tính đến tác động đến môi trường từ các phương tiện vận chuyển khách du lịch này và cần thiết phải có những quy định pháp luật xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển khách du lịch. Theo như Quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch thì cơ sở kinh doanh vận chuyển khách du lịch có trách nhiệm rất cụ thể như: Hướng dẫn, nhắc nhở khách du lịch không xả rác bừa bãi trên đường đi; không vận chuyển chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ; không vận chuyển trái phép các động vật, thực vật quý hiếm thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm do cơ quan có
thẩm quyền ban hành và sử dụng phương tiện vận chuyển khách du lịch phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do Bộ Giao thông Vận tải ban hành. Đây mới chỉ là những quy định ban đầu, chủ yếu mang tính chất nhắc nhở, giáo dục, thuyết phục, chưa có những biện pháp chế tài đảm bảo thực hiện.
Trách nhiệm bảo vệ môi trường của Ban quản lý khu điểm du lịch
Khu, điểm du lịch là nơi có nhiều tài nguyên du lịch; là nơi mà các hoạt động du lịch có ảnh hưởng tới môi trường rõ rệt nhất; là nơi công tác bảo vệ môi trường cần được quan tâm, chú ý nhiều nhất. Trong thời gian trước đây và hiện nay tại một số khu, điểm du lịch, các tài nguyên du lịch vẫn thuộc sự quản lý của nhiều cơ quan, nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Vì vậy công tác bảo vệ, tôn tạo tài nguyên (trong đó có hoạt động bảo vệ môi trường) do nhiều cơ quan thực hiện. Các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch cũng nằm tản mát ở nhiều văn bản khác nhau. Đôi khi có xuất hiện mâu thuẫn lợi ích giữa hai hay nhiều ngành cùng quản lý một tài nguyên du lịch hoặc các tài nguyên du lịch có liên quan mật thiết với nhau. Theo đó, công tác bảo vệ môi trường cũng bị lơ là, xem nhẹ theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Đến nay, trong nhóm các văn bản pháp luật môi trường có liên quan đến du lịch chỉ có duy nhất Quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch quy định cụ thể trách nhiệm của Ban quản lý khu, điểm du lịch. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Du lịch “Khu du lịch phải thành lập Ban quản lý khu du lịch”. Theo Quy chế này, Ban quản lý có những trách nhiệm rất cụ thể như: Xây dựng nội quy bảo vệ môi trường, niêm yết tại lối vào và những nơi dễ quan sát trong khu, điểm du lịch; đặt thùng rác ở vị trí thuận tiện cho khách, xây dựng khu vệ sinh công cộng tại vị trí phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường; bố trí cán bộ (chuyên trách hoặc kiêm nhiệm) theo dõi tình hình môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong khu, điểm du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng tiến hành quan trắc, theo dõi biến động môi trường tại khu, điểm du lịch; kịp thời phát hiện các hiện tượng suy thoái, ô nhiễm, sự cố môi
trường, thông báo ngay cho các cơ quan có trách nhiệm, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn ngừa và khắc phục hậu quả trong phạm vi khả năng.
Những quy định này, mặc dù nằm trong văn bản có hiệu lực pháp lý không thực sự cao (Quyết định của Bộ trưởng) nhưng lại rất thiết thực và phù hợp, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của các Ban quản lý hiện nay trong việc bảo vệ môi trường, duy trì sự hấp dẫn của các tài nguyên du lịch.
Trách nhiệm bảo vệ môi trường của khách du lịch
Có thể bạn quan tâm!
- Tác Động Chủ Yếu Của Du Lịch Tới Môi Trường
- Nội Hàm Pháp Luật Bảo Vệ Môi Trường Trong Lĩnh Vực Du Lịch
- Thực Trạng Pháp Luật Về Bảo Vệ Môi Trường Trong Lĩnh Vực Du Lịch Ở Việt Nam
- Thực Trạng Pháp Luật Thuộc Lĩnh Vực Khác Có Liên Quan Đến Vấn Đề Bảo Vệ Môi Trường Trong Lĩnh Vực Du Lịch
- Tình Hình Thực Hiện Pháp Luật Môi Trường Có Liên Quan Đến Hoạt Động Du Lịch
- Công Tác Phối Hợp Giữa Cơ Quan Quản Lý Nhà Nước Về Du Lịch Và Cơ Quan Quản Lý Nhà Nước Về Môi Trường Để Thực Hiện Bảo Vệ Môi Trường Trong
Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.
Khách du lịch ở đây bao gồm cả khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế. Đây là đối tượng quan trọng có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường trong lĩnh vực du lịch. Do đó, các quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường của đối tượng này rất quan trọng. Trong phạm vi điều chỉnh của các văn bản pháp luật về môi trường thì khách du lịch cũng được xem như những cá nhân khác và có trách nhiệm “Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường” (Khoản 1, Điều 35 – Luật Bảo vệ môi trường 2005). Tuy nhiên, khách du lịch lại có những đặc điểm riêng, đặc thù như: Đến từ nhiều quốc gia, dân tộc khác nhau; chỉ đến du lịch trong một khoảng thời gian nhất định; không am hiểu hoặc biết rất ít về pháp luật Việt Nam; có hướng dẫn viên du lịch h đi cùng trong chuyến du lịch và nằm trong sự quản lý của các doanh nghiệp du lịch. Vì lẽ đó, cần thiết phải có những quy định riêng điều chỉnh hoạt động bảo vệ môi trường của khách du lịch. Quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch đã quy định trách nhiệm cụ thể của đối tượng này phù hợp với đặc điểm họ. Theo đó, khách du lịch có trách nhiệm chung là “Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường tại nơi đến du lịch và sự chỉ dẫn về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, của tổ chức, cá nhân vận chuyển khách du lịch và người có thẩm quyền quản lý nơi đến du lịch” [18, 5] và những trách nhiệm cụ thể như: Xả rác đúng nơi quy định; không xua đuổi, trêu chọc hoặc có hành vi khác xâm phạm đến sinh hoạt bình thường của các loài động vật tại nơi đến du lịch; không chặt cây, bẻ cành hoặc có hành vi khác phá hoại cây cối, thảm thực vật tại nơi đến du lịch; không đốt lửa, mang hoá chất độc hại, chất nổ,
chất dễ gây cháy đến nơi du lịch; không mua bán, sử dụng các động vật, thực vật quý hiếm trái quy định của pháp luật.
Trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư nơi diễn ra hoạt
động du lịch
Cộng đồng dân cư là chủ thể sinh sống, cư trú gắn liền với các tài nguyên du lịch. Hoạt động của chủ thể này có tác động rất lớn tới môi trường nơi diễn ra các hoạt động du lịch. Bên cạnh trách nhiệm chung là tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường, cộng đồng dân cư còn có những trách nhiệm cụ thể được quy định tại Quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch. Đó là: không được có các hoạt động gây tác động xấu đến cảnh quan môi trường du lịch; thực hiện thu gom, xử lý rác thải và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường theo hướng dẫn của các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý khu, điểm du lịch; tham gia bảo vệ, tôn tạo môi trường du lịch, phòng và chống ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường trên địa bàn; không xả chất thải rắn xuống bãi tắm du lịch, chất thải lỏng trước khi thải xuống khu vực này phải được xử lý bảo đảm các chỉ tiêu chất thải theo quy định của pháp luật; không chặt phá cây trong rừng đặc dụng, không săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã; không tổ chức hoạt động gây tiếng ồn quấy nhiễu sinh hoạt bình thường của các loài động vật...
2.1.1.4. Nhận xét chung
- Pháp luật về bảo vệ môi trường đã bước đầu “quan tâm” đến công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch. Trước đây, pháp luật về bảo vệ môi trường chỉ dừng ở những quy định chung, thiếu quy định chi tiết, cụ thể. Vấn đề bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch chưa được đặt vào vị trí quan tâm đúng mức mà nó cần phải có8, mặc dù chúng ta đã thừa nhận mối quan hệ gắn kế chặt chẽ giữa du lịch và bảo vệ môi trường. Thời gian gần đây, du lịch Việt Nam phát triển mạnh, mang lại nhiều yếu tố tích cực cho nền kinh tế nhưng cũng tạo ra áp
lực ngày một lớn lên môi trường xung quanh. Để điều chỉnh hoạt động này theo hướng giảm thiểu các tác động tiêu cực từ du lịch tới môi trường và phù hợp với
8 Tại thời điểm trước năm 2003 các lĩnh vực y tế, công nghiệp.... đều đã có những văn bản pháp luật quy định về bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực đó. Lĩnh vực du lịch chỉ được điều chỉnh bởi những quy định chung.
xu thế bảo vệ môi trường nói chung, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành như Luật Bảo vệ môi trường mới, Nghị định số 80/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và đặc biệt là Quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch ban hành kèm theo Quyết định số 02/2003/QĐ-BTNMT ngày 29/7/2003 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Những văn bản này đã tạo thành khuôn khổ pháp lý cần thiết cho công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vưc du lịch.
- Pháp luật về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động du lịch còn thiếu tính đồng bộ. Trong khi các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao được ban hành mới (Luật Bảo vệ môi trường, Luật Du lịch) thì những văn bản thấp hơn lại không được cập nhật, sửa đổi, bổ sung. Những văn bản có hiệu lực pháp lý thấp hơn lại là những văn bản quy định chi tiết, cụ thể, do không theo kịp những thay đổi của Luật nên gây ra khó khăn nhất định cho việc thực hiện, áp dụng pháp luật trong thực tiễn.
- Pháp luật về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động du lịch còn thiếu những quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện. Như đã phân tích, những quy định cụ thể về trách nhiệm bảo vệ môi trường của các chủ thể liên quan không có nhiều, lại nằm ở văn bản có hiệu lực pháp lý không cao. Do đó, việc thực hiện và áp dụng những quy định này trên thực tế gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có những quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện. Hiện nay, pháp luật môi trường liên quan đến hoạt động du lịch hầu như không có những quy định này. Ngay đến cả văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường cũng chỉ quy định các hành vi vi phạm hành chính nói chung trong bảo vệ môi trường mà không xác định hành vi vi phạm hành chính riêng của các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch. Đây là một trong những hạn chế cho việc triển khai, thực hiện pháp luật trong bảo vệ môi trường du lịch.
- Tài nguyên du lịch chưa được pháp luật về bảo vệ môi trường coi là đối tượng đặc biệt cần bảo vệ. So với các yêu cầu bảo vệ môi trường nói chung, vấn đề bảo vệ môi trường đối với tài nguyên du lịch có yêu cầu cao hơn, xuất phát từ tính nhạy cảm của môi trường du lịch và vai trò của môi trường trong việc duy
trì sự hấp dẫn và duy trì điều kiện cho các hoạt động du lịch. Những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường mới chủ yếu dừng ở việc xác định các tổ chức, cá nhân được sử dụng tài nguyên, môi trường vào mục đích du lịch và trong quá trình hoạt động phải bảo vệ môi trường chứ không có những quy định nhằm bảo đảm các tổ chức, cá nhân này phải chú ý tới những yêu cầu nhất định trong trường hợp hoạt động của họ có tác động đến môi trường du lịch. Đối với những người tham gia hoạt động du lịch, các quy định này cũng chưa làm rõ những hành vi cụ thể trong bảo vệ môi trường theo đặc thù của hoạt động du lịch.
2.1.2. Các quy định pháp luật về du lịch có liên quan đến bảo vệ môi trường
Văn bản quan trong nhất trong lĩnh vực du lịch là Luật Du lịch được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, khoá XI, có hiệu lực từ ngày 1/1/2006, thay thế cho Pháp lệnh Du lịch đã ban hành ngày 8/2/1999. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 1/6/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Du lịch. Ngoài ra còn phải kể đến Nghị quyết số 45-CP ngày 22/6/1993 của Chính phủ về đổi mới quản lý và phát triển ngành du lịch, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giữ gìn trật tự, trị an và vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan du lịch. Các quy định này liên quan đến hai nhóm chủ thể chính là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động du lịch.
2.1.2.1. Quy định đối với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch
Pháp luật về du lịch ghi nhận công tác bảo vệ môi trường có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển du lịch. Bên cạnh những chức năng, nhiệm vụ cụ thể trong quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, pháp luật cũng xác định nhiệm vụ của cơ quan quản lý du lịch trong bảo vệ môi trường như :
- Nhiệm vụ bảo đảm hài hoà giữa kinh tế, xã hội và môi trường được quy định là một nguyên tắc phát triển du lịch9. Bảo vệ. tôn tạo tài nguyên và môi trường du lịch là một trong những lĩnh vực được Nhà nước ưu đãi, khuyến khích
9 Điều 5 – Luật Du lịch
đầu tư10. Lần đầu tiên, Luật Du lịch dành riêng một điều (Điều 9) quy định về vấn đề bảo vệ môi trường du lịch. Trong đó, Luật xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý du lịch trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình ban hành các quy định nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch.
- Đảm bảo phát triển du lịch theo hướng du lịch văn hoá, du lịch sinh thái. Đây là loại hình du lịch thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa bảo vệ môi trường với du lịch. Thực hiện tốt chức năng này, ngành du lịch cũng góp phần đảm bảo cho hiệu quả chung của công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.
- Bảo vệ, tôn tạo, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên du lịch. Tài nguyên du lịch là yếu tố hết sức quan trọng đối với phát triển du lịch, đồng thời cũng là những thành phần của môi trường. Quản lý tốt nguồn tài nguyên này, các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch không chỉ đảm bảo những điều kiện bền vững cho hoạt động của ngành mình mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
- Có biện pháp kiểm tra, quản lý thích đáng đối với các hoạt động dịch vụ dễ gây ô nhiễm hoặc ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan du lịch. Thông qua hoạt động này, các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch có thể kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hoạt động dịch vụ du lịch tiềm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn, giảm thiểu những tác động tiêu cực cho môi trường.
Đặc biệt, tại Điều 12 Luật Du lịch còn quy định hành vi “Hành vi xâm hại tài nguyên du lịch, môi trường du lịch” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Điều này cho thấy, pháp luật du lịch đã ghi nhận tầm quan trọng của môi trường đối với phát triển du lịch và qua đó trách nhiệm bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch cũng được xác định là của mọi tổ chức, cá nhân mà vai trò chính và trước hết là các cơ quan quản lý về du lịch.
2.1.2.2. Quy định đối với các tổ chức, cá nhân
Pháp luật du lịch có một số qui định về nghĩa vụ đối với bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân khi tiến hành hoạt động du lịch, bao gồm:
10 Khoản 2, Điều 6 “Chính sách phát triển du lịch” – Luật Du lịch
Các qui định về trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ sở lưu trú du
lịch, dịch vụ du lịch và doanh nghiệp lữ hành:
+ Các cơ sở lưu trú du lịch cũng như các nhà hàng ăn uống phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường tại cơ sở mình. Đây là yếu tố hết sức quan trọng không chỉ cho bảo vệ môi trường mà còn cho sức khoẻ của du khách cũng như nhân dân địa phương, nơi các cơ sở này hoạt động.
+ Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải thực hiện bảo vệ môi trường; chấp hành, phổ biến, hướng dẫn khách du lịch thực hiện đúng các qui định về bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hoá. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong quá trình tiến hành các hoạt động du lịch, trách nhiệm này của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành mang một ý nghĩa lớn lao. Cùng với hoạt động hướng dẫn du khách tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hay thưởng thức cảnh đẹp tự nhiên, các hướng dẫn viên du lịch đồng thời cũng là người tuyên truyền, phổ biến các qui định về bảo vệ môi trường, hạn chế những hành vi gây tác động xấu cho môi trường nơi tiến hành du lịch của du khách.
+ Các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch phải bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường tại nơi du lịch. Đây là yếu tố sống còn quyết định tính bền vững của phát triển du lịch.
Các qui định về trách nhiệm bảo vệ môi trường của du khách:
+ Trong quá trình tiến hành hoạt động du lịch ở những nơi có các loài động thực vật rừng quí hiếm, du khách phải tuyệt đối tuân thủ các qui định của pháp luật về bảo vệ các loài động thực vật này, tránh gây những tác động xấu đến môi trường sống cũng như sự tồn tại, phát triển của chúng. Đây cũng đồng thời là trách nhiệm của cả các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, các nhà hàng ăn uống, dịch vụ du lịch.
+ Du khách phải tôn trọng và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, môi trường, di tích lịch sử nơi đến du lịch.