Phân tích hiện trạng sử dụng tài nguyên rừng của người dân tái định cư Cân Tôm 2, thủy điện A Lưới, Thừa Thiên Huế - 2

MỞ ĐẦU

1.1 Tính cấp thiết của đề tài

Thủy điện A Lưới là dự án thủy điện lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, được xây dựng trên sông A Sáp, thuộc huyện A Lưới, với tổng vốn đầu tư

3.234 tỷ đồng, công suất lắp máy 170 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm ước đạt 686,5 triệu KWh. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, ngoài việc cung cấp điện, thủy điện A Lưới sẽ tạo cảnh quan du lịch, cải thiện môi trường, góp phần nâng cao chất lượng sống cho bà con vùng núi phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, vốn bị tàn phá nặng nề do bom đạn, chất độc dioxin của quân đội Mỹ trong chiến tranh.

Sau khi công trình thủy điện A Lưới được khởi công xây dựng từ năm 2007 tại xã Hồng Thượng, các hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời đến nơi ở mới để ổn định đời sống. Khu tái định cư Cân Tôm 2 được xây dựng và người dân đến định cư vào năm 2010. Tổng số hộ hiện nay tại khu tái định cư là 146 hộ với 540 nhân khẩu. Tuy các hộ dân đã vào khu tái định cư được hơn 3 năm nhưng cuộc sống vẫn chưa ổn định.

Cơ sở hạ tầng được xây dựng như: cầu cống, đường giao thông đều được bê tông hóa, điện thắp sáng về tới nhà của từng hộ dân. Tuy nhiên, khi người dân vào ở được 6 tháng thì một số đường đã xuống cấp nghiêm trọng. Ba trường học được xây dựng xong, trong đó, một trường Trung học cơ sở, một trường Tiểu học và một trường Mầm non để phục vụ việc học hành cho các cháu thôn TĐC. Một trạm Y tế được xây dựng cơ bản nhằm phục vụ cho việc khám và chữa bệnh cho nhân dân trong thôn. Tuy nhiên không có đội ngũ Y, Bác sỹ phục vụ tại trạm. Hiện nay, phòng học và nhà vệ sinh đã xuống cấp. Vấn đề chất lượng đất canh tác ở khu vực TĐC Cân Tôm 2 lại rất xấu nên bà con không thể sản xuất kinh doanh được. Cả khu TĐC có khoảng 12 ha diện tích gieo cấy lúa nước, nhưng để gieo được những mầm mạ, người dân đã phải vất vả, mất rất nhiều công sức cải tạo, đào bốc đá chất lên bờ, trong khi năng suất rất thấp. Đất vườn thì cằn cỗi, toàn đá sỏi và trồng cây gì cũng khó khăn. Đặc biệt, quá trình giao đất lâm nghiệp cho người dân còn gặp phải những vướng mắc nên nhiều hộ vẫn chưa nhận được đất đền bù này. Một trong những nguyên nhân là do mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ cũ và chủ mới của khu

đất. Khi đó, người dân khu TĐC quay lại phá rừng làm nương rẫy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng (TNR) của địa phương. Tình trạng này đang gây ra những khó khăn ảnh hưởng đến đời sống của người dân nơi đây và TNR cũng đang bị tàn phá từng ngày.

Vì vậy, tôi thực hiện đề tài: “Phân tích hiện trạng sử dụng tài nguyên rừng của người dân tái định cư Cân Tôm 2, thủy điện A Lưới, Thừa Thiên Huế” nhằm làm rõ những thuận lợi, khó khăn mà người dân địa phương trong quá trình sinh sống tại khu TĐC và sử dụng TNR gặp phải để đề ra hướng giải quyết cụ thể. Qua đó giúp cho cuộc sống của người dân ổn định và quản lý, sử dụng TNR một cách hợp lý theo hướng phát triển bền vững.

1.2 Mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu

1.2.1 Mục tiêu nghiên cứu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.

* Mục tiêu chung:

Phân tích được hiện trạng sử dụng TNR của người dân TĐC Cân Tôm 2, thủy điện A Lưới, Thừa Thiên Huế. Từ đó đưa ra một số giải pháp sử dụng và bảo vệ TNR hiệu quả.

Phân tích hiện trạng sử dụng tài nguyên rừng của người dân tái định cư Cân Tôm 2, thủy điện A Lưới, Thừa Thiên Huế - 2

* Mục tiêu cụ thể:

- Tìm hiểu tình hình đời sống của người dân khu TĐC Cân Tôm 2

- Phân tích hiện trạng sử dụng TNR của người dân khu TĐC Cân Tôm 2

- Đề xuất một số giải pháp trong quản lý và sử dụng TNR hợp lý

1.2.2 Đối tượng nghiên cứu

Tập trung nghiên cứu các hộ dân chuyển đến khu TĐC Cân Tôm 2 có hoạt động sinh kế liên quan đến TNR.

Nghiên cứu thực trạng sinh kế của người dân trước và sau khi xây dựng thủy điện A Lưới. TNR đóng vai trò như thế nào trong sinh kế của người dân và hướng giải quyết để bảo vệ rừng bền vững.

Dung lượng mẫu: 50 hộ.

Cách chọn mẫu: ngẫu nhiên theo danh sách hộ của thôn.

Dựa vào danh sách hộ gia đình của thôn Cân Tôm 2 và tiến hành thảo luận cùng với bí thư thôn Cân Tôm 2 để lọc ra danh sách những hộ có hoạt động sinh kế liên quan đến TNR (khoảng 95% hộ dân ở đây tham gia khai thác TNR). Sau đó lựa chọn ngẫu nhiên 50 hộ trong danh sách đó.

1.2.3 Phạm vi nghiên cứu

* Về không gian: Luận văn được thực hiện tại khu TĐC Cân Tôm 2, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

* Về thời gian: Nghiên cứu các tài liệu, thông tin trong vòng 3-5 năm có liên quan đến đề tài luận văn.

* Về nội dung:

- Tìm hiểu đời sống của người dân khu TĐC Cân Tôm 2 (sản xuất nông nghiệp, CSHT phục vụ đời sống của người dân, tình hình thu hồi và đền bù do thủy điện A Lưới).

- Tìm hiểu hoạt động sử dụng TNR của người dân khu TĐC Cân Tôm 2 (các sản phẩm khai thác từ rừng; thuận lợi và khó khăn khi sử dụng và khai thác các sản phẩm từ rừng…)

1.3 Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

* Ý nghĩa khoa học

Góp phần hệ thống hóa cơ sở lý luận liên quan đến vấn đề sử dụng tài nguyên rừng, tác động của thủy điện đến hoạt động sử dụng tài nguyên rừng.

Kết quả nghiên cứu của đề tài làm tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu khoa học tiếp theo về các vấn đề liên quan.

Phản ánh thực trạng sử dụng tài nguyên rừng của người dân khu tái định cư Cân Tôm 2 và đề xuất giải pháp thích hợp.

* Ý nghĩa thực tiễn

Tài nguyên rừng của xã Hồng Thượng ngày càng bị thu hẹp do việc xây dựng thủy điện A Lưới và sử dụng của người dân. Đề tài phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và đe dọa trong quá trình sử dụng tài nguyên rừng của địa phương. Từ đó tìm ra các giải pháp sử dụng và bảo vệ tài nguyên rừng hợp lý.

1.4 Kết cấu luận văn

Kết cấu bài luận văn gồm các phần cơ bản sau: Mở đầu

Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu

Chương 2: Địa điểm, thời gian, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu Chương 3: Kết quả nghiên cứu

Kết luận và kiến nghị

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN

1.1 Các khái niệm cơ bản

1.1.1 Khái niệm tài nguyên rừng

Theo luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 thì Rừng được xem là một hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó cây gỗ, tre nứa hoặc hệ thực vật đặc trưng là thành phần chính có độ che phủ của tán rừng từ 0,1 trở lên. Rừng gồm rừng trồng và rừng tự nhiên trên đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng [11].

Rừng cũng là một loại tài nguyên thiên nhiên nhưng nó lại có những đặc thù riêng, do đó cần phải xem xét rừng dưới các khía cạnh sau:

Rừng là nguồn tài nguyên sinh vật tái tạo được, có khả năng cung cấp lâm sản cần thiết cho đời sống con người như: tinh dầu, dầu nhựa, dầu béo, nhựa mủ, lương thực, thực phẩm, chất màu, chất béo, thuộc da, chất chát, nhiều loại dược liệu quý…Tất cả các tính năng vốn có của rừng đã làm cho rừng gắn bó mật thiết với sự phát triển kinh tế - xã hội [11].

Rừng, nếu hiểu đúng bản chất thì nó là nơi tập trung của cả động - thực vật và vi sinh vật, là một bộ phận không thể thiếu của môi trường sống của con người, đem lại sự cân bằng sinh thái trong tự nhiên, hạn chế các tác hại do sa mạc hoá gây ra, điều hoà khí hậu, điều tiết chế độ nước, bảo vệ mùa màng, nâng cao năng suất cây trồng…

* Phân loại rừng

Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, rừng được phân thành ba loại sau đây [11]:

1. Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm:

a) Rừng phòng hộ đầu nguồn;

b) Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay;

c) Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển;

d) Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường;

2. Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm:

a) Vườn quốc gia;

b) Khu bảo tồn thiên nhiên bao gồm khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh;

c) Khu bảo vệ cảnh quan gồm khu rừng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh;

d) Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học;

3. Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, lâm sản ngoài gỗ và kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm:

a) Rừng sản xuất là rừng tự nhiên;

b) Rừng sản xuất là rừng trồng;

c) Rừng giống gồm rừng trồng và rừng tự nhiên qua bình tuyển, công nhận.

1.1.2 Khái niệm về sản phẩm từ rừng

* Gỗ: là vật liệu thiên nhiên được sử dụng khá rộng rãi trong xây dựng và trong sinh hoạt vì những ưu điểm cơ bản sau: nhẹ, có cường độ khá cao, cách âm, cách nhiệt và cách điện điện tốt; dể gia công (cưa, xẻ, bào, khoan…), vân gỗ có giá trị mỹ thuật cao.

Ở nước ta, gỗ là vật liệu rất phổ biến. Rừng Việt Nam có nhiều loại gỗ tốt và quý vào bậc nhất thế giới. Khu Tây Bắc có nhiều rừng già và có nhiều loại gỗ quý như: trai, đinh, lim, lát, mun, pơmu. Rừng Việt Bắc có lim, nghiến, vàng tâm. Rừng Tây Nguyên có cẩm lai, hương…

* Lâm sản ngoài gỗ (LSNG):

Hội nghị lâm nghiệp do Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc triệu tập tháng 6 năm 1999 đã đưa ra và thông qua một khái niệm và định nghĩa về LSNG: “Lâm sản ngoài gỗ (Non timber forest product) bao gồm những sản phẩm có nguồn gốc sinh vật, khác gỗ, được khai thác từ rừng, đất có cây rừng (wooded lands) và cây ở

ngoài rừng”. Thuật ngữ này phải dịch sang Tiếng Việt là “Lâm sản ngoài gỗ cây”, nhưng để đơn giản vẫn dùng thuật ngữ lâm sản ngoài gỗ (LSNG). Với định nghĩa này, LSNG bao gồm cả động vật, gỗ nhỏ và củi và rộng hơn so với định nghĩa trước. Trong tài liệu sách báo nước ngoài, hiện tại cả hai thuật ngữ NWFP và NTFP vẫn được dùng [2].

Lâm sản ngoài gỗ (non-timber forest product): bao gồm các nguyên liệu có nguồn gốc sinh vật, không phải là gỗ, được khai thác từ rừng để phục vụ con người. Chúng bao gồm thực phẩm, thuốc, gia vị, tinh dầu, nhựa,nhựa mủ, tanin, thuốc nhuộm, cây cảnh, động vật hoang dã (động vật sống hoặc các sản phẩm của chúng), củi và các nguyên liệu thô như tre, nứa, mây, song, gỗ nhỏ và sợi (JennH.DeBeer, 2000).

Phân nhóm LSNG theo công dụng: Trên thế giới cũng đã có nhiều khung phân loại LSNG được đề xuất. Có khung phân loại dựa vào dạng sống của cây tạo ra các sản phẩm như nhóm cây gỗ, cây bụi, cây thảo, dây leo gỗ, dây leo thảo... Có khung phân loại dựa vào công dụng và nguồn gốc của các LSNG, như khung phân loại được thông qua trong Hội nghị tháng 11/1991 tại Băng Cốc. Trong khung này, LSNG được chia làm 6 nhóm:

- Các sản phẩm có sợi: Tre nứa, song mây, lá, thân có sợi và các loại cỏ.

- Sản phẩm làm thực phẩm:

+ Các sản phẩm nguồn gốc thực vật: thân, chồi, rễ, củ, lá, hoa, quả, quả hạch, gia vị, hạt có dầu và nấm.

+ Các sản phẩm nguồn gốc động vật: mật ong, thịt động vật rừng, cá, trai ốc, tổ chim ăn được, trứng và côn trùng.

- Thuốc và mỹ phẩm có nguồn gốc thực vật.

- Các sản phẩm chiết xuất: gôm, nhựa, nhựa dầu, nhựa mủ, tamin và thuốc nhuộm, dầu bó và tinh dầu.

- Động vật và các sản phẩm từ động vật không làm thực phẩm: tơ tằm, động vật sống, chim, côn trùng, lông mao, lông vũ, da, sừng, ngà, xương và nhựa cánh kiến đỏ.

- Các sản phẩm khác: như lá Bidi (lá thị rừng dùng gói thuốc lá ở Ấn Độ) [2]. Phân loại LSNG theo giá trị sử dụng như sau:

- Nhóm LSNG dùng làm nguyên liệu công nghiệp.

- Nhóm LSNG dùng làm vật liệu thủ công mỹ nghệ.

- Nhóm LSNG dùng làm lương thực, thực phẩm và chăn nuôi.

- Nhóm LSNG dùng làm dược liệu.

- Nhóm LSNG dùng làm cảnh.

LSNG đa dạng về giá trị sử dụng do đó nó có vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội:

+ LSNG có tầm quan trọng về kinh tế và xã hội. Chúng có giá trị lớn và có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm.

+ LSNG có giá trị đối với sự giàu có của hệ sinh thái rừng. Chúng đóng góp vào sự đa dạng sinh học của rừng. Chúng là nguồn gen hoang dã quý, có thể bảo tồn phục vụ gây trồng công nghiệp.

+ LSNG hiện bị cạn kiệt cùng với sự suy thoái của rừng bởi ảnh hưởng của sự tăng dân số, mở rộng canh tác nông nghiệp, chăn thả gia súc không kiểm soát, khai thác gỗ, thu hái chất đốt.

1.1.3 Khái niệm về tái định cư và tái định cư do thủy điện

a. Tái định cư (TĐC)

Tái định cư là việc phải di chuyển đến một nơi khác để sinh sống, đây là thuật ngữ chung liên quan tới bị thu hồi đất, mất đất, mất chỗ ở, mất tài sản, mất nguồn thu nhập hay mất những phương tiện kiếm sống khác.

Theo khái niệm của Ngân hàng Phát triển Châu Á (1995), tái định cư được phân loại dựa trên thiệt hại của người tái định cư [7]:

- Thiệt hại về tài sản sản xuất, bao gồm đất đai, thu nhập và đời sống.

- Thiệt hại về nhà ở, có thể là toàn bộ cộng đồng và các hệ thống, dịch vụ kèm theo.

- Thiệt hại về các tài sản khác.

- Thiệt hại về các nguồn tài nguyên của cộng đồng như môi trường sinh sống, văn hóa và hàng hóa.

Xem tất cả 106 trang.

Ngày đăng: 17/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí