luật của chế độ cũ là không phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, để tạo tính đồng bộ, thống nhất trong việc quy định của pháp luật đối với điều kiện công nhận về nuôi con nuôi cần điều chỉnh cho phù hợp với pháp luật hiện hành. Có quan điểm cho rằng nên sửa đổi Điểm a Khoản 1 Điều 50 là: “Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi” theo người viết quan điểm trên cũng không khả thi bởi Luật nuôi con nuôi được ban hành phù hợp với đất nước trong điều kiện kinh tế xã hội phát triển, điều kiện đăng ký nuôi con nuôi rất chặt chẽ nên sẽ không phù hợp với việc giải quyết nuôi con nuôi thực tế.
Ngoài ra, đối với các trường hợp tại thời điểm phát sinh nuôi con nuôi thực tế không đủ điều kiện đăng ký nhưng lại đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành hoặc ngược lại tại thời điểm phát sinh đủ điều kiện nhưng tại thời điểm đăng ký lại không đủ điểu kiện như điều kiện về độ tuổi được nhận nuôi, điều kiện vật chất...hoặc điều kiện của người nhận nuôi là vợ chồng, nếu chỉ một bên vợ hoặc chồng nhận con nuôi tại thời điểm Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực thì có giải quyết việc công nhận nuôi con nuôi thực tế trong trường hợp này không? Nếu không giải quyết thì trái với quy định của Luật nuôi con nuôi năm 2010 về điều kiện công nhận tại Điều 50, nếu công nhận thì sẽ vi phạm nguyên tắc tại Khoản 3 Điều 8 Luật nuôi con nuôi năm 2010 sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc áp dụng pháp luật. Vì vậy pháp luật nên có hướng dẫn cụ thể đảm bảo điều kiện trên có tính khả thi áp dụng trong thực tiễn giải quyết tạo thuận lợi cho người dân khi đi đăng ký, đối với điều kiện này pháp luật cần điều chỉnh vận dụng linh hoạt theo hướng có lợi cho công dân, có thể giải quyết đăng ký nuôi con nuôi thực tế nếu đáp ứng điều kiện của pháp luật tại thời điểm phát sinh hoặc theo pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, theo quy định Luật HN&GD năm 2000 thì người trên 15 tuổi
có thể được nhận làm con nuôi của “người mất năng lực hành vi dân sự” và trong thực tế đã phát sinh quan hệ nuôi con nuôi giữa con nuôi với người mất năng lực hành vi dân sự. Xét về bản chất thì người mất năng lực hành vi dân sự không thể hiện được ý chí trong việc xác lập nuôi con nuôi thực tế . Vậy có được giải quyết công nhận nuôi con nuôi thực tế trong trường hợp này không? Thuật ngữ “nuôi con nuôi” được hiểu là quan hệ nuôi dưỡng giữa cha, mẹ và con là quan hệ mang tính chất hai chiều. Vì vậy, mặc dù người mất năng lực hành vi dân sự không thực hiện được việc chăm sóc, nuôi dưỡng con nuôi nhưng đến thời điểm đi đăng ký nuôi con nuôi thực tế nếu con nuôi đã đủ tuổi thành niên và có nguyện vọng tiếp tục xác lập quan hệ nuôi con nuôi với người mất năng lực hành vi dân sự thì pháp luật cần công nhận nuôi con nuôi đối với trường hợp này. Và theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011, khi đăng ký việc nuôi con nuôi cả người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi phải có mặt là không hợp lý đối với những trường hợp này. Theo người viết, đối với những trường hợp trên không bắt buộc người mất năng lực hành vi dân sự phải có mặt, mà chỉ cần con nuôi và người làm chứng có mặt để tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi thực tế.
- Thứ 2: Đến thời điểm Luật nuôi con nuôi có hiệu lực thi hành quan hệ cha, mẹ con vẫn tồn tại và cả hai bên đều còn sống. Việc quy định như trên là chưa hợp lý. Bởi nuôi con nuôi thực tế là một sự kiện đã phát sinh từ trước khi đi đăng ký vì vậy rất nhiều trường hợp đã xác lập quan hệ cha, mẹ con từ rất lâu các bên có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục...quan hệ đó được họ hàng và mọi người xung quanh thừa nhận, nếu một trong hai bên chết trước khi đăng ký mà không được pháp luật công nhận nuôi con nuôi thực tế sẽ không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người còn sống. Chẳng hạn ví dụ trường hợp cụ thể đã sảy ra trên thực tế như sau: Năm 2001 ông Nguyễn
Văn A đi làm bãi về đã phát hiện ra một bé trai (X) mới sinh bị bỏ rơi tại một dãy nhãn gần nhà ông. Ông A đã thông báo cho bà con hàng xóm biết để nhận lại cháu bé. Tuy nhiên 5 tháng trôi qua không ai đến nhận, ông A quyết định nhận X làm con nuôi. Trong suốt thời gian nhận X làm con nuôi ông A đối xử với X như cha con và X cũng rất hiếu thuận với ông A, quan hệ của cha con ông X được mọi người xung quanh và họ hàng thừa nhận. Đến năm 2005 ông D đến nhận X là cháu ngoại (ông D chỉ có nhã ý nhận X làm cháu ngoại để đi lại thăm hỏi chứ không nhận về nuôi) đến năm 2007 ông D chết có để lại cho X một suất hưởng tài sản thừa kế của ông. Đến năm 2008 ông B đến nhận X làm con đẻ và xuất trình được kết quả giám định ADN nhưng do X không đồng ý về sống với ông B nên sau một thời gian ông B và X cũng không còn đi lại. Đến năm 2012 không may X đã chết do bị tai nạn giao thông. Sau khi X chết ông B trở về yêu cầu nhận thừa kế tài sản do X để lại vì cho rằng ông B là cha đẻ của X nên có quyền hưởng di sản thừa kế do X để lại. Vậy ông A có quyền hưởng di sản thừa kế của X hay không? Như vậy nếu như căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 50 Luật nuôi con nuôi không thể tiến hành thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi và ông A không được pháp luật công nhận là cha nuôi của X nên sẽ không được hưởng thừa kế của X để lại.
Đặc biệt, trong thời gian qua, các cơ quan công chứng tại Thành phố Hồ Chí Minh rất “khó xử” khi tiếp nhận các yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế do cha mẹ nuôi chết để lại. Đó là những trường hợp đã được nhận làm con nuôi từ trước giải phóng nhưng không lập thủ tục nhận con nuôi [31]. Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thanh Sang thuộc một trong số các trường hợp trên. Trước đây, ông được bà X. nhận làm con nuôi. Năm 2002, bà X. mua một căn nhà tại khu Văn Thánh Bắc (phường 25, quận Bình Thạnh) và đến năm 2007 thì bà qua đời. Sinh thời, bà X. sống độc thân, không chồng con, không anh chị em và chỉ có nghệ sĩ Thanh Sang là người
thân duy nhất. Khi nghệ sĩ nộp hồ sơ khai nhận di sản thừa kế, phòng công chứng đã không biết giải quyết sao vì trước đây bà X. không làm thủ tục nhận ông làm con nuôi. Nghệ sĩ Thanh Sang đã phải xuất trình các bản hộ khẩu có được từ năm 1989 đến thời điểm mẹ nuôi mất, trong đó ghi rõ hai bên là mẹ – con nuôi. Tháng 4-2008, nhiều nghệ sĩ cải lương (như NSND Thanh Tòng, các NSƯT Thanh Điền, Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ…) cùng ký giấy xác nhận bà X. là mẹ nuôi của nghệ sĩ Thanh Sang từ trước giải phóng. Tiếp đó, Sở Văn hóa và Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân phường 25 (quận Bình Thạnh) cũng đóng dấu xác nhận quan hệ mẹ – con nuôi giữa bà X. và nghệ sĩ Thanh Sang. Tuy vậy, hồ sơ khai nhận nêu trên cũng phải mất hơn một năm trời mới được công chứng.
Do lúc này, luật chưa có quy định cụ thể nên không những làm công chứng viên bối rối mà cơ quan cấp giấy cũng không ít băn khoăn nhưng thực tiễn dựa trên những giấy tờ thì việc khai nhận di sản thừa kế vẫn được công nhận. Luật Nuôi con nuôi đã công nhận con nuôi thực tế, đã tạo ra hướng giải quyết cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu hiện tại Luật chỉ công nhận con nuôi thực tế khi cả hai bên người nhận nuôi và người được nhận nuôi phải còn sống, thì những trường hợp tương tự như trường hợp trên sẽ không được giải quyết.
Luật nuôi con nuôi ra đời, công nhận nuôi con nuôi thực tế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn, tạo ra hướng giải quyết cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên nếu quy định chỉ công nhận quan hệ nuôi con nuôi khi cả hai bên còn sống thì sẽ không giải quyết được nhiều tồn tại trong xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của người còn sống sẽ không được pháp luật công nhận và bảo vệ (như ví dụ nêu trên) không những vậy các vấn đề phát sinh khi một trong hai bên chết cũng rất khó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết...Do vậy điểm b Khoản 1 Điều 50 cần có hướng dẫn,
Có thể bạn quan tâm!
- Quan Hê ̣giữa Người Nhận Nuôi Và Người Được Nhận Nuôi
- Con Đã Thành Niên Mà Không Có Khả Năng Lao Động.”[17, Điều 669 ]
- Thủ Tục Chấm Dứt Việc Nuôi Con Nuôi Thực Tế
- Nuôi con nuôi thực tế theo Luật nuôi con nuôi năm 2010 - 12
Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.
điều chỉnh cụ thể hơn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cả người nuôi và người được nhận nuôi. Vì vậy nên quy định như sau: “Đến thời điểm Luật này có hiệu lực quan hệ cha, mẹ con vẫn đang tồn tại, trường hợp một trong hai bên đã chết thì quan hệ nuôi con nuôi đương nhiên được công nhận”.
- Thứ 3: Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi
dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con. Việc quy định như trên nghĩa là
quan hệ mang tính chất hai chiều: Cha mẹ có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng
giáo dục con và con cũng thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cha
mẹ là chưa hợp lý vì không đúng với truyền thống đạo lý của người Việt, bởi
trong quan hệ gia đình thì cha mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ chăm sóc, giáo
dục con cái và con thực hiện quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha,
mẹ. Đối với những việc làm của cha, mẹ mà không đúng thì bổn phận của con
cái có trách nhiệm phân tích, góp ý cho cha mẹ chứ không phải giáo dục cha
mẹ. Vì vậy theo quan điểm của người viết, điều kiện trên nên sửa đổi như sau:
“Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau. Cha
mẹ có trách nhiệm giáo dục con, con có bổn phận kính trọng cha mẹ…”
* Về thời hạn đăng ký nuôi con nuôi thực tế
Theo quy định, việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật nuôi con nuôi có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật nuôi con nuôi có hiệu lực (01/01/2011 dến 31/12/2015). Như vậy pháp luật chỉ công nhận nuôi con nuôi thực tế trong khoảng thời gian trên, nếu đến hết ngày 31/12/2015 mà việc nuôi con nuôi thực tế không đi đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không được pháp luật công nhận quan hệ cha, mẹ con giữa người nuôi và người được nhận nuôi, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên sẽ không được pháp luật công nhận và bảo hộ, và nếu có tranh chấp phát sinh liên quan đến việc nuôi con nuôi cũng sẽ không được giải quyết.
Thời hạn 05 năm để đăng ký sự kiện đã tồn tại lâu trong lịch sử pháp luật về nuôi con nuôi là chưa đủ để cho các đối tượng được tiếp cận và thực hiện. Việc nuôi con nuôi không đi đăng ký là do không am hiểu pháp luật của người dân vì vậy để người dân tiếp cận và nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký thì phải có thời gian trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, ngoài ra nhiều địa phương điều kiện đi lại gặp nhiều khó khăn như các đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi việc tiếp cận pháp luật rất hạn chế. Vì vậy thiết nghĩ thời hạn đi đăng ký nuôi con nuôi 05 năm là không đảm bảo, nếu sau thời hạn 05 năm mà phát sinh tranh chấp từ nuôi con nuôi thực tế sẽ không được giải quyết, như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên.
Để triển khai việc đăng ký nuôi con nuôi thực tế, ngày 13/7/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1985/QĐ-BTP về việc ban hành kế hoạch triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế, kế hoạch được tiến hành theo 5 giai đoạn đến năm 2015. Theo báo cáo kết quả rà soát tại 63 tỉnh, thành phố số liệu đăng ký con nuôi thực tế từ ngày 01/01/2011 đến ngày 31/12/2014 thì trên toàn quốc có 6.419 trường hợp nuôi con nuôi thực tế, trong đó có 5.250 trường hợp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, 1.169 trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện nên không đăng ký được. Trong số, 5.250 trường hợp đủ điều kiện, có 1.916 trường hợp đã được đăng ký, chiếm khoảng 36 %. Số còn lại là 3.334 trường hợp chưa được đăng ký vì nhiều lý do khác nhau như: người nhận con nuôi muốn giữ bí mật về việc nuôi con nuôi (1.824 trường hợp, chiếm 54% tổng số trường hợp chưa đăng ký); người nhận con nuôi ngại làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi hoặc không đủ giấy tờ theo quy định, hoặc các bên không đáp ứng đủ điều kiện (bên cha mẹ nuôi hoặc con nuôi đã chết, quan hệ nuôi con nuôi không còn tồn tại, không đủ điều kiện về độ tuổi (cha/mẹ nuôi và con nuôi cách nhau dưới 20 tuổi…) [30]. Như
vậy đến hết năm 2015 nếu 5018 trường hợp trên và những trường hợp nuôi con nuôi thực tế chưa được rà soát không đi đăng ký nuôi con nuôi thực tế sẽ không được pháp luật công nhận.Việc đăng ký nuôi con nuôi thực tế đến ngày 31/12/2014 đã chiếm 4/5 lộ trình nhưng vẫn còn rất nhiều trường hợp chưa đi đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra những vấn đề phát sinh từ nuôi con nuôi thực tế vẫn còn là vấn đề nan giải mà các cơ quan chức năng vẫn còn tiếp tục giải quyết trong những năm tiếp theo.
Mục đích của Luật nuôi con nuôi là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nhận nuôi và người được nhận nuôi. Vì vậy để phát huy mục đích đó nên kéo dài thời hạn đăng ký nuôi con nuôi thực tế để đảm bảo cho người dân có thể nhận thức được tầm của việc đăng ký nuôi con nuôi thực tế. Cùng với việc kéo dài thời hạn đăng ký nuôi con nuôi thực tế cần phối hợp công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức cuộc thi tìm hiểu về con nuôi thực tế, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, Đoàn thể tại các địa phương trong việc tiếp cận và vận động các trường hợp nuôi con nuôi thực tế đi đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền...Việc đưa pháp luật tiếp cận đến người dân không phải dễ dàng mà cần có sự đầu tư thời gian, công sức sự phối hợp đồng bộ từ nhiều yếu tố. Vì vậy, việc kéo dài thời gian đăng ký nuôi con nuôi thực tế vừa đảm bảo được việc giải quyết nuôi con nuôi thực tế vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp giữa bên nhận nuôi và bên được nhận nuôi con nuôi thực tế.
3.2.2. Thực trạng và giải pháp hoàn thiện về đăng ký nuôi con nuôi thực tế
*Về thẩm quyền đăng ký và chấm dứt việc nuôi con nuôi thực tế
Việc quy định thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi theo pháp luật nước ta được thực hiện tại UBND cấp xã (cơ quan hành chính nhà nước) đây là quy
định đã được kế thừa và phát huy từ Luật HN&GĐ năm 1959, nhưng thẩm quyền chấm dứt việc nuôi con nuôi là Tòa án. Việc quy định như vậy sẽ không đề cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc giải quyết yêu cầu công dân hay hồ sơ giải quyết sẽ không thống nhất... Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, cải cách nền Tư pháp nhằm cải cách tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng thu gọn đầu mối giải quyết. Vì vậy cần nghiên cứu, xem xét đến việc chỉ giao cho một ngành có thẩm quyền xem xét và quyết định công nhận hay chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo luật pháp và thông lệ quốc tế, các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân được xem xét và quyết định bởi Tòa án, nhưng pháp luật nước ta thì cơ quan hành chính ra quyết định công nhận nuôi con nuôi còn Tòa án có thẩm quyền chấm dứt việc nuôi con nuôi. Mặc dù trong điều kiện nước ta hiện nay, chưa thể giao ngay cho Tòa án thực hiện hết mọi thủ tục trong vấn đề nuôi con nuôi nhưng chúng ta cũng cần xem xét, xây dựng lộ trình, bước đi phù hợp với tiến trình cải cách nền tư pháp ở nước ta để phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như việc thu gọn đầu mối giải quyết.
*Về quyền và nghĩa vụ của con nuôi với các thành viên khác trong gia đình cha, mẹ nuôi
Như đã phân tích, nuôi con nuôi là sự kiện mang tính giàng buộc pháp lý giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi, Luật nuôi con nuôi không quy định người nhận con nuôi phải hỏi ý kiến của các thành viên khác trong gia đình hoặc không phụ thuộc vào ý chí của các thành viên khác trong gia đình đối với việc nhận con nuôi. Và theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014 thì giữa con nuôi và các thành viên khác trong gia đình (ông bà nội, ông bà ngoại nuôi; anh chị em nuôi) có quyền và nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng nhau...việc quy định như vậy nhằm mục đích tạo sự gắn kết bền vững và lâu